CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 26.02.2023
By Quản trị in THANH NIÊN on 24 Tháng Hai, 2023
Chúa nhật 26.02.2023.
- Đề tài: TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐẤNG CHRIST.
- Kinh Thánh: Ga-la-ti 4:8-20..
- Câu gốc: “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men”(2Phi-e-rơ 3:18).
- Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
- Thể loại: Trò chơi lớn.
* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.
Chủ đề: TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐẤNG CHRIST.
Địa diểm: Khuôn viên nhà thờ.
Thời gian: 1 giờ 30 phút.
- Chuẩn bị.
– Ban hướng dẫn thảo luận và trả lời đầy đủ các câu hỏi của bài học tại các trạm, dựa theo phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo.
– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, viết.
– Mỗi nhóm phải tổ chức học Bản chữ điện tín và Bản mã nhạc.
* CHỮ ĐIỆN TÍN.
 = AA Dấu sắc (/ ) = S ; Dấu huyền ( \ ) = F
Ă = AW Dấu ngã (~) = X ; Dấu hỏi (?) = R
Ô = OO Dấu nặng (°) = J
Ơ = OW Ê = EE Ư = UW = W
Đ = DD ƯƠ = UOW
– Xem trước phân đoạn Kinh Thánh Ga-la-ti 4:8-20.
– Trưởng nhóm điều khiển ban viên giải mật thư và hướng dẫn thảo luận, thư ký nhóm ghi chép lời giải nội dung mật thư, những lời giải đáp.
- Thực hiện.
- Thông báo cuộc thi và cách chấm điểm.
- Cuộc thi.
– Hàng trật tự và báo cáo số nhóm viên khi đến trạm.
– Chấp hành đúng theo yêu cầu tại mỗi trạm.
– Tất cả ban viên đều tham gia hết mình.
– Thời gian để thảo luận câu hỏi Kinh Thánh là 10 phút.
- Chấm điểm tại mỗi trạm.
– Hàng ngũ trật tự, báo cáo nghiêm chỉnh 10 điểm.
– Giải mật thư chính xác 10 điểm.
– Kiểm tra bài hát 10 điểm.
– Tinh thần tham gia (đầy đủ các nhóm viên) 10 điểm.
– Đến trạm sớm nhất 10 điểm.
(Thiếu một nhóm viên sẽ bị trừ nửa điểm).
Đội nào nhiều điểm sẽ thắng.
- Lời dẫn: (Tất cả đọc Ga-la-ti 4:8-20).
Trưởng thành trong Đấng Christ là người có Chúa ngự trị trong lòng phải bày tỏ Ngài trong đời sống qua lời nói và việc làm thánh sạch, yêu thương giống như Ngài. Đó cũng là điều Phao-lô mong muốn nơi tín hữu Ga-la-ti để Đấng Christ được phản chiếu trong đời sống họ, để họ được trưởng thành trong đức tin hầu không bị rơi vào sự sai lạc của kẻ tà đạo. Trong chức vụ chăm sóc bầy chiên của Chúa, Phao-lô đau đớn cưu mang những con chiên non dại, cùng lo lắng và mong ước cho chiên được trưởng thành trong Đấng Christ. Vì lẽ cần ấy nên Phao-lô kêu gọi Cơ đốc nhân phải tấn tới trong sự trưởng thành trong Đấng Christ. Bây giờ chúng ta cùng đến thăm Hội Thánh của người Ga-la-ti để biết những điều gì đã xảy ra cho họ.
- Diễn tiến trò chơi.
* Phát lệnh: Hãy tìm trong chính mình một con đường để đi. (Phát lệnh bằng miệng. Giấu mật thư 1 vào hành trang của các đội trước khi bắt đầu trò chơi).
Mật thư 1: “Phao-lô đang lo lắng cho tín hữu Ga-la-ti! Hãy đến gặp Phao-lô để hỏi thăm”.
– Cách làm: Chuyển thành chữ điện tín và viết ra trên một mảnh giấy. Sau đó, dùng kéo cắt giấy thành nhiều mảnh vụn, cho vào một bì thư, bên ngoài viết một dòng chữ: “Hãy cho chúng tôi được ở bên nhau”. Theo chỉ dẫn đó và tìm Phao-lô.
PHAOLOO DDANG LO LAWNGS CHO TINS HUWUX GALATI! HAYX DDEENS GAWPJ PHAOLOO DDEER HOIR THAWM.
* Trạm 1: Phao-lô (hóa trang và đứng ở một nơi khó tìm ra).
– Tập trung nhóm thành một hàng dọc trước Phao-lô và báo cáo số nhóm viên. Trình bản giải mật thư.
– Phao-lô phát câu hỏi để thảo luận (10 phút) và nhận câu trả lời (viết ra giấy):
(1) “Biết Đức Chúa Trời” có nghĩa gì? (c.9).
(2) Tình trạng hiện tại của tín hữu Ga-la-ti như thế nào?
(3) Tại sao tình trạng ấy khiến Phao-lô lo ngại? (c.11).
– Phao-lô kiểm tra bài hát: (Chọn 1 bài hát quen thuộc).
– Phao-lô phát mật thư.
Mật thư 2: “Gặp Si-la để biết tâm tình của Phao-lô đối với tín hữu Ga-la-ti”.
– Cách làm: Chuyển thành chữ điện tín và dựa vào bảng mã nhạc để viết mật thư.
Bên dưới viết chìa khóa: = A, B, C…
* MÃ NHẠC.
Ví dụ: HY VỌNG HY VONGJ
Chìa khóa: = A, B, C…
* Trạm 2: Si-la (mang trước ngực một miếng giấy có hình 2 nốt nhạc và đứng một nơi khó tìm).
– Tập trung nhóm thành một hàng dọc trước Si-la và báo cáo số nhóm viên. Trình bản giải mật thư.
– Phát câu hỏi để thảo luận (10 phút) và nhận câu trả lời (viết ra giấy):
(1) Lời Phao-lô kêu gọi các tín hữu “Hãy nên giống như tôi vì tôi cũng như anh em” có nghĩa gì? (c.12).
(2) Tình cảm của tín hữu Ga-la-ti đối với Phao-lô như thế nào? (c.13-15).
(3) Lý do nào khiến họ đổi ý đối với Phao-lô? (c.16-18).
– Si-la kiểm tra bài hát: (Chọn 1 bài hát quen thuộc).
– Si-la phát mật thư.
Mật thư 3: “Phao-lô đang mời gọi tín hữu Ga-la-ti đến sự trưởng thành, hãy đến mà nghe!”
– Cách làm: Chuyển thành chữ điện tín. Dùng nước xà phòng viết lên trên giấy và phơi khô (Các chữ sẽ hiện lên khi tờ giấy được nhúng vào nước).
Bên dưới viết chìa khóa: Tôi khát nước quá!
PHAOLOO DDANG MOWIF GOIJ TINS HUWUX GALATI DDEENS SUWJ TRUOWNGR THANHF, HAYX DDEENS MAF NGHE!
* Trạm 3: Phao-lô (tìm một chỗ đứng khó tìm ra).
– Tập trung nhóm thành một hàng dọc và báo cáo số nhóm viên. Trình bản giải mật thư.
– Phát câu hỏi để thảo luận (10 phút) và nhận câu trả lời (viết ra giấy):
(1) Những chữ “Hỡi các con” bày tỏ gì về mối liên hệ thuộc linh của Phao-lô với tín hữu Ga-la-ti? (c.19).
(2) Tìm hiểu ý nghĩa của câu “…Đấng Christ thành hình”.
(3) Câu “…Đấng Christ thành hình” bày tỏ nỗi mong ước của Phao-lô nơi các tín hữu là gì?
– Phao-lô kiểm tra bài hát: (Chọn 1 bài hát quen thuộc).
– Phao-lô phát mật thư.
Mật thư 4: “Các bạn có muốn trưởng thành trong Đấng Christ không? Hãy gặp anh Tít để biết phải làm gì!
– Cách làm: Chuyển thành chữ điện tín. Dùng giấy trắng cắt và dán thành một dải băng. Quấn dải băng lên trên tay và viết mật thư trên đó. Sau đó, tháo dải băng ra và xếp lại cho vào một bì thư. Bên ngoài viết câu chìa khóa: “Tay tôi bị gãy, hãy băng bó giúp tôi”.
CACS BANJ COS MUOONS TRUOWNGR THANHF TRONG DDAANGS CHRIST KHOONG? HAYX GAWPJ ANH TITS DDEER BIEETS PHAIR LAMF GIF!
* Trạm 4: Anh Tít (đứng một nơi khó tìm ra).
– Tập trung nhóm thành một hàng dọc và báo cáo số nhóm viên. Trình bản giải mật thư.
– Phát câu hỏi để thảo luận (10 phút) và nhận câu trả lời (viết ra giấy):
(1) Trưởng thành trong Đấng Christ có nghĩa gì? (2Phi-e-rơ 3:18; 1Phi-e-rơ 2:2; Giăng 16:12-13).
(2) Tình trạng “trẻ con” của tín hữu Ga-la-ti cảnh cáo chúng ta điều gì? (c.8-10).
(3) Muốn trưởng thành bạn phải làm gì? (2Phi 3:18; 1Phi 2:2).
– Anh Tít kiểm tra bài hát: (Chọn 1 bài hát quen thuộc).
– Anh Tít phát lệnh: Hãy trở về phòng nhóm và nghỉ 15 phút (Phát lệnh bằng miệng).
- Kết thúc.
– Tóm lược những điều gì nhận được sau chuyến đi thăm Hội Thánh của người Ga-la-ti.
– Kêu gọi các bạn bước vào sự trưởng thành trong Đấng Christ.
– Công bố kết quả và phát thưởng.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Lý trí và tình cảm là hai việc thường khó đi đôi với nhau. Nhưng với Phao-lô trong việc rao giảng Tin lành, chức vụ luôn gắn liền với thâm tình của người hầu việc. Trong 4:8-20, Phao-lô bày tỏ tấm lòng của mình với các tín hữu Ga-la-ti qua sự giải luận lẽ đạo về sự tự do của Tin lành.
- TÌNH TRẠNG CHƯA TRƯỞNG THÀNH CỦA TÍN HỮU GA-LA-TI.
Trong câu 8-9, Phao-lô mô tả hai tình trạng khác nhau của tín hữu Ga-la-ti: Với quá khứ, họ chẳng biết Đức Chúa Trời, phục dưới thần tượng hư không, nhưng với hiện tại, họ biết Ngài. Chữ “biết” chỉ về mối tương giao cá nhân giữa người biết và người được biết. Trong bối cảnh của đa thần giáo, tín hữu Ga-la-ti được Đức Chúa Trời gọi đến trong sự thông công với Ngài. Họ đã có sự từng trải vui mừng của người được tương giao với Đấng Chí Cao. Nhưng trong chỗ chan hòa của ánh sáng tự do ấy, họ lại trở hướng. Chữ “trở hướng” trong Hy ngữ thuộc thì hiện tại, chỉ rằng các tín hữu Ga-la-ti đang bắt đầu và tiếp tục dấn bước vào ách nô lệ của các phép tắc trong Do Thái giáo và các mê tín dị đoan “giữ ngày, tháng, mùa, năm…” của đa thần giáo. Đây là cả một hệ thống chống lại ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời để đẩy người vào bóng tối tăm của tội lỗi. Những chữ “lề thói hèn yếu nghèo nàn” diễn tả trọn vẹn tình trạng khốn khổ của người cậy vào phép tắc, lễ nghi của tôn giáo so với tình trạng của người nhờ đức tin trong sự giàu có vinh hiển của Đấng Christ. Thật là dại dột biết bao cho người muốn đổi chiếc áo công nghĩa vinh hiển của Chúa Giê-xu ban cho để mặc lấy chiếc áo rách rưới của loài người (Ê-sai 64:6).
Đó là lý do khiến Phao-lô lo ngại cho các tín hữu Ga-la-ti. Họ hy sinh sự tự do có được trong Đấng Christ để phục dưới các hình thức lễ nghi tôn giáo của đời. Như thế, lẽ thật Tin lành mà Phao-lô giảng cho họ trở thành vô ích, và chức vụ của ông cũng trở nên luống công.
Sự lui bước của các tín hữu Ga-la-ti là bài học cảnh tỉnh Cơ đốc nhân chúng ta hôm nay. Có những “trở bước” nào trên linh trình theo Chúa của chúng ta không? Chớ rơi vào sự thờ tượng con bò vàng như dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng; chớ vương vấn vào các tập tục mê tín dị đoan như các tín hữu Ga-la-ti hay bất cứ hình thức nào suy phục thần tượng của lòng ham muốn và khoe mình. Hãy biết rằng chúng ta được Chúa giải cứu khỏi những suy phục thấp hèn tối tăm đó để đến sự tự do cao cả, nơi Đức Chúa Trời Chân Thần được tôn thờ bởi đức tin, hy vọng và tình thương. Vậy hãy giữ vững lẽ thật Tin lành của ân điển và giữ vững địa vị cao quí chúng ta có được trong Đấng Christ.
- TÂM TÌNH CỦA PHAO-LÔ VỚI CÁC TÍN HỮU CHƯA TRƯỞNG THÀNH.
Trước tình trạng lui bước của tín hữu Ga-la-ti, Phao-lô kêu gọi họ “hãy giống như tôi” (c.12). Có nghĩa đừng lìa bỏ ân điển để trở lại luật pháp. Nhưng hãy từ bỏ mọi cớ khoe mình về luật pháp; từ bỏ sự công bình riêng để hoàn toàn sống trong ân điển của Chúa như Phao-lô đã làm (Phi-líp 3:4-8). “…Vì tôi cũng như anh em” (c.12): Vì được cứu bởi ân điển và được khỏi ách luật pháp, Phao-lô nhận diện chính mình với các tín hữu dân ngoại bằng cách trở nên giống như họ hầu chinh phục họ cho Đấng Christ (1Cô-rinh-tô 9:21).
Lời kêu gọi trên cho thấy tâm tình của Phao-lô rất gần gũi với tín hữu, cũng như tình cảm của họ đối với Phao-lô được nhắc đến trong câu 13-15. Những chữ “xác thịt yếu đuối” (c.13), theo các nhà giải kinh cho rằng đó có thể Phao-lô mắc bệnh sốt rét hoặc bệnh đau mắt do khí hậu độc trong miền hạ thổ Bam-phi-li, khi Phao-lô đem Tin lành cho người Ga-la-ti trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất (Công vụ 14:1-20). Mặc dù thân thể Phao-lô đau yếu, nhưng họ chẳng chút khinh dể, trái lại đã tiếp đãi ông với danh dự cao trọng “như thiên sứ của Đức Chúa Trời” (c.14), và với tình yêu thương đặc biệt đến đỗi “nếu có thể được, anh em cũng móc con mắt mà cho tôi” (c.15).
Nhưng tình cảm sâu đậm ấy vơi đi bởi sự quyến dụ của nhóm chủ luật. Những kẻ nầy tố cáo Phao-lô chẳng nói sự thật về sự cứu rỗi, vì cớ ông chống lại phép cắt bì, nên các tín hữu bắt đầu thay đổi thái độ với Phao-lô. Trước sự ngờ vực ấy, Phao-lô hỏi họ rằng: “Tôi lấy lẽ thật bảo cho anh em lại trở nên thù nghịch của anh em sao?” (c.16). Để hàn gắn mối cảm tình với các tín hữu, từ câu 17-18, Phao-lô bày tỏ cho họ thấy rõ sự thật, giả giữa ông và nhóm chủ luật: Trong khi Phao-lô từ bỏ chính mình để rao giảng Đấng Christ, thì kẻ chủ luật sốt sắng chỉ vì chính mình và đạo giáo mình. Họ sốt sắng không phải vì yêu thương nhưng để các tín hữu từ bỏ Phao-lô và đi xa lẽ thật tự do của Tin lành như lời Chúa Giê-xu đã cảnh cáo (Ma-thi-ơ 23:15). Qua lời tự sự của Phao-lô trong câu 17-18 cho thấy có hai thứ sốt sắng: Sốt sắng vì lòng ghen ghét, cạnh tranh và sốt sắng vì lòng yêu thương. Trong sự hầu việc Chúa, chúng ta có sự sốt sắng nào?
- LỜI GỌI ĐẾN SỰ TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐẤNG CHRIST.
Lời gọi “Hỡi các con” của Phao-lô trong câu 19 có thể hiểu trong hai ý. Một mặt bày tỏ mối liên hệ mật thiết giữa Phao-lô với các tín hữu. Về phương diện thuộc linh, Phao-lô như người cha của họ, vì qua chức vụ của ông mà họ nhận sự cứu rỗi của Chúa (1Cô-rinh-tô 4:15). Và mặt khác nói lên tình trạng trẻ con của tín hữu Ga-la-ti mà Phao-lô gọi là “con đỏ trong Đấng Christ” (1Cô-rinh-tô 3:1). Trong câu 19, Phao-lô diễn tả sự đau đớn của ông như sự “đau đớn của sự sanh nở” trong chức vụ đem Tin lành cho người Ga-la-ti để họ được “sanh ra” trong Đấng Christ. Bây giờ ông cũng nếm trải sự đau đớn đó cho sự trưởng thành của các tín hữu sơ sinh thuộc linh này “…cho đến chừng nào Đấng Christ được thành hình trong các con”. Chữ “thành hình” trong Hy ngữ chỉ về sự biểu tỏ bên ngoài phát xuất từ bản chất bên trong. Như thế, sự thành hình của Đấng Christ có nghĩa là người có Chúa ngự trị trong lòng cũng có sự bày tỏ Ngài trong đời sống qua lời nói và việc làm thánh sạch, yêu thương giống Ngài. Đó là dấu hiệu của người trưởng thành trong Đấng Christ. Đó cũng là điều Phao-lô mong muốn thấy trong tín hữu Ga-la-ti để Đấng Christ được phản chiếu trong đời sống họ, để họ được trưởng thành trong đức tin hầu không bị rơi vào sự sai lạc của kẻ tà đạo (Ê-phê-sô 4:12-15). Vì lẽ cần ấy nên sứ đồ Phi-e-rơ cũng kêu gọi Cơ đốc nhân hãy tấn tới trong sự nhận biết Chúa Giê-xu Christ (2Phi-e-rơ 3:18). Và cách nào để chúng ta học biết Ngài? Đó là nhờ lời Kinh Thánh và qua sự soi sáng của Đức Thánh Linh (1Phi-e-rơ 2:2; Giăng 16:12-13). Trong câu 19-20, chúng ta thấy tấm lòng Phao-lô trong chức vụ chăm sóc bầy chiên của Chúa. Ông đau đớn cưu mang những con chiên non dại, cùng lo lắng và mong ước cho chiên được trưởng thành trong Đấng Christ. Đây là những điều chúng ta học được nơi Phao-lô trong tâm tình của người tận tâm hầu việc Chúa.
Tóm lại, người non trẻ thuộc linh không nếm trải được sự tự do của ân điển, nhưng người trưởng thành trong Đấng Christ vui hưởng sự tự do vinh hiển của ân điển.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- a. Chữ “biết Đức Chúa Trời” có nghĩa gì? (c.9).
- Tình trạng của các tín hữu Ga-la-ti như thế nào? (c.8-10).
- Tại sao tình trạng ấy khiến Phao-lô lo ngại? (c.11)
- a. Lời Phao-lô kêu gọi các tín hữu “hãy nên giống như tôi vì tôi cũng như anh em” có nghĩa gì? (c.12).
- Tình cảm của tín hữu Ga-la-ti đối với Phao-lô như thế nào? (c.13-15).
- Lý do nào khiến họ đổi ý đối với Phao-lô? (c.16-18).
- a. Những chữ “hỡi các con” bày tỏ gì về mối liên hệ của Phao-lô với tín hữu Ga-la-ti và tình trạng thuộc linh của họ? (c.19).
- Tìm hiểu ý nghĩa của những chữ sau đây:
(1) “… chịu đau đớn của sự sanh nở”.
(2) “… Đấng Christ thành hình”.
- Theo ý nghĩa trên bày tỏ lòng mong ước của Phao-lô nơi các tín hữu là gì?
- Tại sao mỗi đời sống Cơ đốc nhân cần tiến đến sự trưởng thành trong Đấng Christ? (Ê-phê-sô 4:12-15).
- Trưởng thành trong Đấng Christ có nghĩa là gì? (2Phi-e-rơ 3:18; 1Phi-e-rơ 2:2; Giăng 16:12-13).
- a. Qua tâm tình của Phao-lô bày tỏ trong 4:8-20, chúng ta học được những sự dạy dỗ nào?
- Tình trạng “trẻ con” của tín hữu Ga-la-ti cảnh cáo chúng ta điều gì? (c.8-10).