Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 19.03.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 19.03.2023

By Quản trị in THANH NIÊN on 7 Tháng Ba, 2023

Chúa nhật 19.03.2023.

  1. Đề tài: ÂN TỨ GÂY DỰNG HỘI THÁNH.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 12:12-30.
  3. Câu gốc: “Anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân…” (1Cô-rinh-tô 12:27).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Sa-mu-ên 11-15.
  5. Thể loại: Thuyết trình..

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa Nhật 08.01.2023.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

            Đức Thánh Linh ban cho các tín hữu những ân tứ khác nhau, nhưng các tín hữu phải biết sử dụng ân tứ như thế nào cho mục đích chung? Và làm thế nào có sự hiệp nhất trong những khác biệt?

            Đây là điều mà Phao-lô đã giãi bày cách linh động qua mối tương quan giữa thân thể với các chi thể. Hình ảnh nầy cho chúng ta thấy mối liên hệ giữa các tín hữu với nhau trong thân thể của Đấng Christ, để cùng gây dựng Hội Thánh Ngài.

  1. DẪN GIẢI.

            Với sự ban cho các ân tứ khác nhau như được diễn tả trong 12:1-11, một vấn đề khó hiểu là làm thế nào có được sự hiệp một trong những ân tứ khác nhau?

            Trong cõi thiên nhiên, không có hình ảnh nào sống động cho bằng hình ảnh thân thể với các chi thể mà Phao-lô dùng, để bày tỏ lẽ thật về sự hiệp một của Hội Thánh với Đấng Christ, và với nhau trong sự ban cho khác nhau.

  1. Thân thể với các chi thể.

            Từ câu 12-20, Phao-lô mô tả mối tương quan giữa thân thể và các chi thể trong hai điểm sau:

  1. Có nhiều chi thể nhưng thảy đều hợp nhất trong một thân thể (c.12-14).

            Cũng vậy, Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, và các tín hữu là những chi thể của thân thể Ngài.

            Mặc dầu những tín hữu sống trong bối cảnh khác nhau, dù họ là người Do thái hay người Hy-lạp, người tự chủ hay nô lệ, nhưng thảy đều hiệp một thân, tức Hội Thánh của Đấng Christ qua một phép báp-tem chung trong cùng một Đức Thánh Linh.

            Phép báp-tem trong câu 13 không có nghĩa chỉ về phép báp-tem bằng nước mà Phao-lô nói trong Rô-ma 6:1-11, mà là dấu hiệu chỉ về sự đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ của người tin nhận Chúa; nhưng phép báp-tem nầy chỉ về phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh mà một người được nhận lãnh khi tin Chúa (Công 2:38), để được kết hiệp vào cùng một thân thể của Đấng Christ. Câu “chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa” (c.13) có thể ám chỉ về ý nghĩa của phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh như đã nói trên (Giăng 7:37-39).

  1. Có nhiều chi thể, mỗi chi thể đều khác nhau, nhưng thảy đều thuộc vào một thân (c.14-20).

            Cũng vậy, trong thân thể Đấng Christ, Đức Chúa Trời sắp đặt mỗi chi thể trong những vị trí khác nhau, với chức phận khác nhau, nhưng tất cả những chi thể khác nhau đó đều thuộc một thân thể và có phần trong thân thể.

  1. Các chi thể với nhau (c.21-26).

            Các chi thể dầu khác nhau nhưng đều cần đến nhau, như chân không thể không cần tay, tay không thể không cần mắt, mắt không thể không cần đến tai…

            Cũng một lẽ ấy, trong thân thể Đấng Christ, các chi thể tín hữu dầu có khác nhau về vị trí, chức vụ, ân tứ nhưng đó không phải là lý do để tự phân rẽ nhau, nhưng ngược lại, đó phải là lý do để hiệp một nhau vì lẽ cần lẫn nhau.

            Mối quan hệ hỗ tương nầy đòi hỏi người tín hữu đối đãi nhau trong tinh thần là chi thể của nhau như được diễn tả sau đây:

            (1) Tôn trọng chi thể kém hơn.

            (2) Trau dồi chi thể nào còn yếu kém. 

            (3) Cùng đau đớn với chi thể chịu đau đớn, và cùng vui mừng với chi thể nào được tôn trọng.

            Sự đối đãi nhau trong tinh thần chi thể là sự đối đãi nhau trong sự hỗ tương, với sự nâng đỡ nhau – người mạnh mẽ trong đức tin giúp người còn yếu kém trong đức tin – với sự quí trọng nhau, và cùng cảm thông nhau. Khi nào trong cộng đồng Hội Thánh, tất cả các tín hữu đối đãi với nhau trong tinh thần ấy thì chắc chắn Hội Thánh sẽ có sự hiệp một.

  1. Sự cần thiết của các ân tứ khác nhau.

            Từ câu 27-30, Phao-lô liệt kê những ân tứ gây dựng Hội Thánh như sứ đồ, tiên tri, giáo sư, làm phép lạ, chữa bệnh, tương trợ, quản trị, ân tứ tiếng lạ.

            Mặc dầu các ân tứ ấy khác nhau nhưng có tương quan với nhau, thích hợp cho mỗi người tín hữu trong chức vụ Chúa gọi cách khác nhau, nhưng tất cả đều hướng về một mục đích chung là gây dựng thân thể Đấng Christ.

TÓM LƯỢC.

            Là chi thể trong thân thể của Đấng Christ, chúng ta cần nhận biết những điểm sau đây:

  1. Là chi thể trong thân thể của Đấng Christ, tôi nhìn biết tôi không thể là một chi thể riêng rẽ độc lập với thân thể, nhưng là chi thể tùy thuộc vào thân thể của Ngài.
  2. Là chi thể trong thân thể của Đấng Christ, tôi nhìn biết tôi không thể thay đổi được vị trí Chúa đặt tôi trong thân thể. Tôi chấp nhận và chu toàn chức vụ Chúa giao trong vị trí ấy. 
  3. Là chi thể trong thân thể của Đấng Christ, tôi nhìn biết dầu ở trong vị trí nào, tôi không thể là một chi thể thấp kém, vô dụng hay là một chi thể cao trọng hơn các chi thể khác, nhưng tôi là một chi thể hỗ tương. Ý nghĩa nầy được F. Bruce bình luận như sau: “Trong thân không có chi thể nào kém hơn chi thể nào. Tất cả đều cần thiết. Các bộ phận khác nhau, các tứ chi và các chức vụ tạo thành bản chất sinh động của thân thể. Không thể có bộ phận nào độc đoán chiếm lấy tất cả những chức vụ của các bộ phận khác. Vì một thân thể chỉ gồm có một                                                                                                                 chi thể đơn độc, thì đó là một quái vật”.
  4. Là một chi thể trong thân của Đấng Christ, tôi nhìn biết ân tứ tôi có không giống với các anh em khác. Nhưng đó không phải là lý do tôi tách rời khỏi người khác, nhưng là động lực thúc đẩy tôi tìm bạn cộng tác trong công việc Chúa chung.

            Có một lời khuyên của sứ giả phục hưng John Wesley như sau: “Thưa ông, nếu ông mong ước phục vụ Đức Chúa Trời và vào thiên đàng thì ông phải tìm bạn, hay cố làm bạn để cộng tác, vì cớ Kinh Thánh không nói gì đến một thứ tôn giáo cô lập”.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Từ c.12-13, Đức Thánh Linh có vai trò gì trong sự hiệp một với Đấng Christ?
  3. Từ câu 14-22, xin giải nghĩa tại sao sự khác nhau của các chi thể trong thân thể không phải là lý do để chia rẽ nhau, nhưng để hiệp một với nhau? Điều nầy ứng dụng thế nào cho sự hiệp một của Hội Thánh.
  4. Theo ý nghĩa của các chi thể từ câu 14-21, trong Hội Thánh có thể gặp vấn đề nầy:
  5. Một số tín hữu mặc cảm thấy mình như là một chi thể thấp kém, vô dụng so với một chi thể khác trong thân thể.
  6. Một số tín hữu cảm thấy mình đầy đủ, như một chi thể cao trọng nhất, hữu dụng nhất đối với các chi thể khác của thân thể (c.21).

            Làm thế nào chúng ta có thể giúp cho hai hạng tín hữu trên khỏi rơi vào tình trạng mặc cảm yếu kém vô dụng, hay tự cao tự đại nghĩ mình là một chi thể đặc biệt trong vị trí mà Chúa đã đặt?

  1. Để duy trì sự hiệp nhất của các chi thể trong thân thể, các chi thể cần đối đãi với nhau trong tinh thần nào? Điều nầy áp dụng thế nào cho các tín hữu trong thân thể của Đấng Christ? (c.23-26).
  2. Từ c.27-30, Phao-lô liệt kê những ân tứ nào? Những ân tứ khác nhau có tác dụng gì trong sự hiệp một và sự gây dựng Hội Thánh?

 

 

Post CommentLeave a reply