CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 05.03.2023
By Quản trị in PHỤ NỮ on 3 Tháng Ba, 2023
Chúa nhật 05/03/2023
- Đề tài: VẤN ĐỀ TRANG SỨC.
- Kinh Thánh: Ês 3:19-23; 2Vua 9:30; Giê 4:30; 1Phi 3:1-6.
- Câu gốc: “Ta cũng muốn rằng phụ nữ nên ăn mặc đứng đắn, trang điểm giản dị và lịch sự…” (1Ti-mô-thê 2:9a – BHĐ).
- Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 14-16.
- Thể loại: Thảo luận.
* CHỈ DẪN: Thảo luận.
- Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:
Đề tài 1: Phụ nữ nên chú trọng đến vẻ đẹp bề ngoài.
Đề tài 2: Phụ nữ không nên chú trọng đến vẻ đẹp bề ngoài.
- Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
- Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
- Giờ thảo luận.
- Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
- Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
- Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
ĐỒ TRANG SỨC CỦA PHỤ NỮ DO THÁI.
Khoảng hai ngàn bảy trăm năm trước đây, tiên tri Ê-sai đã kể ra hơn hai mươi thứ trang sức của phụ nữ Do-thái. Nào là vòng mắt cá, lưới, cài, hoa tai, xuyến, lúp, mão, chuyền mắt cá, nịt lưng, bùa đeo, hộp hương, cà rá, khoen đeo mũi, áo lễ, áo lá rộng, áo choàng, túi nhỏ, gương tay, vải mỏng, khăn bịt đầu, màn che mặt. Bấy giờ họ chưa biết uốn tóc, nhưng cũng thích có tóc quăn. Còn nhiều thứ khác Ê-sai chưa kể đến, chẳng hạn như kiềng cổ, phấn dồi mặt và thuốc vẽ mắt (Ê-sai 3:19-23; 2Vua 9:30; Giê 4:30).
Qua đó ta biết phụ nữ Do-thái thời xưa đã phung phí rất nhiều tiền trong việc trang sức. Chắc chúng ta sẽ bảo: Họ đẹp lắm nhỉ! Vâng, họ đẹp lắm. Nhưng thử hỏi: Việc ấy đáng khen hay đáng trách? Đáng tránh hay đáng theo? Hãy để cho lời Chúa giải đáp.
Dân Y-sơ-ra-ên có lần không muốn Đức Chúa Trời làm vua của họ nữa, nên đã xin rằng: “Phải có một vua trên chúng tôi. Chúng tôi muốn như các dân tộc khác” (1Sa 8:19-20). Đến đời Sa-lô-môn, vua ấy cho “nhập cảng” những thứ xa hoa, nhiều cô thiếu nữ Mô-áp, Am-môn, Ê-đôm, Si-đôn, Hê-tít cùng các thứ thần tượng của họ. Vì đó, dân Y-sơ-ra-ên đã đồng hóa với thế gian, mất hẳn địa vị đặc biệt là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Rồi đến đời vua Ô-xia, Giô-tham, A-cha và Ê-xê-chia, họ chỉ còn thờ phượng Chúa bề ngoài, phạm tội gần như dân Sô-đôm và Gô-mô-rơ. “Họ đầy dẫy tục phương đông, và bói khoa như người Phi-li-tin, lại giao ước với con cái dân ngoại” (Ê-sai 2:6). Nam giới thì từ sáng sớm đến tối mịt chỉ lo ăn uống vui chơi: “Trong tiệc yến họ có những đàn cầm, đàn sắt, trống cơm, ống sáo và rượu nữa, nhưng chẳng thiết đến công việc Đức Giê-hô-va; họ chẳng xem xét công trình của tay Ngài” (Ê-sai 5:12). Còn nữ giới cũng chẳng chịu thua. Sự trang sức diễm lệ khiến cho “những con gái Si-ôn kiêu ngạo, ngóng cổ bước tới, liếc mắt trêu ngươi, vừa đi õng ẹo, vừa khua động tiếng dưới chân” (Ê-sai 3:16).
Họ không biết hay đã quên rằng mình “là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (1Phi-e-rơ 2:9). Đáng lẽ họ đã lãnh đạo thế giới trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng họ lại theo đuổi thế gian trong sự thờ phượng ma quỉ. Đáng lẽ họ làm gương cho thế gian về nếp sống đạo đức, nhưng họ lại bắt chước thế gian về nếp sống xa hoa. Đáng lẽ họ làm cho thế gian đồng hóa với họ, nhưng họ lại đồng hóa với thế gian. Ôi, đáng tiếc dường nào!
Bởi vậy, riêng về phụ nữ Do-thái, tiên tri Ê-sai đã tuyên bố: “Chúa sẽ làm cho đỉnh đầu con gái Si-ôn đóng vảy, và Đức Giê-hô-va sẽ lột truồng chúng nó” (Ê-sai 3:17). Trong ngày đó, Chúa sẽ cất hết những đồ trang sức của họ. “Sẽ có mùi hôi hám thay vì thơm tho; dây tói thay vì nịt lưng; đầu sói thay vì tóc quăn; bao gai quấn mình thay vì áo dài phấp phới; dấu phỏng thay vì sắc đẹp…” (Ê-sai 3:24).
Dẫu đã được tiên tri cảnh cáo, họ cũng không chịu ăn năn, nên dự ngôn trên phải ứng nghiệm khi nước Y-sơ-ra-ên bị mất, thành bị phá hủy, dân bị lưu đày qua Ba-by-lôn. Tuy nhiên còn một lời hứa cho họ: “Trong ngày đó, chồi của Đức Giê-hô-va (Đấng Mê-si là Giê-xu Christ) sẽ làm đồ trang sức vinh hiển của những kẻ sót lại trong Y-sơ-ra-ên” (Ê-sai 4:2).
Trong thời đại ân điển này, Hội Thánh Đấng Christ thay cho dân Y-sơ-ra-ên trong địa vị “dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời”. Nhưng phải chăng giữa vòng nữ giới chúng ta còn có người chưa nhận ra địa vị cao quí ấy? Bằng cớ là giữa xã hội văn minh cực thịnh về hình thức mà quá ư bại hoại về tinh thần như hiện nay, nhiều chị em đã vô tình lìa bỏ địa vị cao quí của mình, cố chạy theo thế gian để được đồng hóa cùng họ. Sự trang sức xa hoa, lòe loẹt đã làm cho ta mất hẳn phẩm cách của một người tin kính Chúa. Phao-lô đã nói: “Ta cũng muốn rằng những người đàn bà ăn mặc một cách gọn ghẻ, lấy nết na và đức hạnh giồi mình, không dùng những gióc tóc, vàng, châu ngọc và áo quần quí giá, nhưng dùng việc lành, theo lẽ đương nhiên của người đàn bà tin kính Chúa” (1Ti 2:9-10).
Chúng ta đang sống vào những ngày cuối cùng, tiếng kèn chót sắp trổi lên báo tin Chúa Giê-xu trở lại. Nhưng than ôi! Trong số hơn chín mươi triệu đồng bào, chỉ mới gần hai triệu người được cứu rỗi, còn biết bao làng mạc chưa có dấu chân của người giảng Tin Lành, khi mà sứ mạng chót của Chúa văng vẳng bên tai ta: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15). Nếu ta nhận ra rằng những kẻ không tin Chúa sẽ phải bị hình khổ đời đời trong hỏa ngục, thì ta đáng phải dâng đến đồng xu cuối cùng trong túi của mình để giảng Tin Lành cho họ.
Nhiều con cái Chúa sống trong cảnh cơ cực, họ thiếu ăn, thiếu mặc. Một số tôi tớ Chúa gặp rất nhiều khó khăn trong công tác hầu việc Chúa nhưng vẫn cố gắng chăn bầy của Đức Chúa Trời. Trong khi đó, chị em phụ nữ lẽ nào xa hoa trong những việc không cần thiết! Nếu chúng ta điềm nhiên hưởng diễm phúc, mặc cho ai thống khổ cơ hàn, thì lẽ thật về những con cái Chúa là những chi thể của một thân mà Chúa là Đầu ở đâu? Vì “trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng” (1Cô 12:25-26). Hành động trái ngược như trên kia, phải chăng chị em không thuộc về Chúa? Không phải là chi thể của thân Ngài?
Chúng ta biết mình “đã được chuộc bằng giá cao rồi” (1Cô-rinh-tô 6:20). Nếu đời ta thuộc về Chúa thì của cải ta cũng thuộc về Ngài, ta chỉ là một quản gia mà thôi. Ta không phép tiêu dùng tiền bạc của Chúa giao theo ý mình, nhưng phải tiêu dùng theo ý Chúa. Rồi đây ta sẽ phải khai trình với Ngài.
Bây giờ trở lại vấn đề, chị em ta có nên trang sức không? Xin đáp: Có. Ta không thể nào làm sáng danh Chúa nếu sử dụng trang phục một cách cẩu thả. “Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình” (Khải 21:2). Hội Thánh là tân phụ của Đấng Christ.
Nhưng trang sức gì? Sứ đồ Phi-e-rơ cho ta biết rằng nếp sống của người vợ tin kính có thể cảm hóa người chồng vô tín. Mà lạ thay! Nếp sống đó quan hệ đến sự trang sức của người vợ. “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn ở của chị em là tinh sạch và cung kính. Chớ tìm kiếm trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc quần áo lòe loẹt; nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quý trước mặt Đức Chúa Trời. Vì các bà thánh xưa kia, trông cậy Đức Chúa Trời, vâng phục chồng mình, đều trao giồi mình dường ấy” (1Phi-e-rơ 3:1-5). Đó là nét duyên dáng, kín đáo của người nữ tin kính Chúa có sức thuyết phục người khác. Về người vợ ấy, người chồng có thể nói rằng: “Đối với tôi, vợ tôi là một quyển sách mở ra”. Quyển sách linh động dường nào!
Kinh Thánh không dạy chúng ta hãy mặc trang sức thánh sao? Và món trang sức thánh khiết hơn hết không phải là Cứu Chúa chúng ta sao? “Hãy mặc lấy Đức Chúa Giê-xu Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó” (Rô 13:14). Ngài là hoa tường vi của Sa-rôn, hoa huệ của trũng; là đệ nhất trong muôn người. Toàn thể nhân cách Ngài thật đáng quí trọng.
Nếu chị em ta không chịu ăn năn về cách trang sức không hiệp lẽ của mình, thử hỏi Chúa có đối xử với chúng ta khác hơn cách Ngài đã đối xử với phụ nữ Do-thái thời xưa không? Chắc có phần nặng hơn. Vì Chúa không tây vị ai, và chúng ta sống trong thời ân điển có nhiều phước hạnh hơn họ nên phải chịu trách nhiệm càng nặng hơn.
Nguyện Chúa dùng lời của Ngài nhắc nhở toàn thể phụ nữ trong Hội Thánh biết cách trang sức vừa phải của một nữ tín đồ để được đẹp lòng Ngài. Đồng thời, cũng tiết kiệm tiền bạc cho công cuộc truyền bá Tin Lành cho vô số linh hồn đang hư mất.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Cách chọn dưa leo.
Bạn nên chọn trái có bề ngoài láng bóng, không sần, đường vân xanh nhìn thấy rõ. Đầu quả nhỏ, bụng hơi to là quả ngon, hay còn gọi là “đầu voi đuôi chuột”.
Nấu nghêu, sò, ốc không bị cát.
Khi ngâm nghêu, sò, bạn lấy ớt giã hay cắt lát ngâm cùng, vị cay sẽ làm cho chúng nhả hết cát ra.
Chúa nhật 12/03/2023.