CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. 21.7.2019
By Quản trị in NAM GIỚI on 21 Tháng Bảy, 2019
Chúa nhật 21.07.2019
- Đề tài: TÔN TRỌNG LỄ TIỆC THÁNH.
- Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 11:17-34.
- Câu gốc: “Vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình” (1Cô-rinh-tô 11:29).
- Đố Kinh Thánh: 1Phi-e-rơ 1-3.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
– Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu, chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).
– Câu hỏi giải nghĩa (tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo.
(1.1) Câu hỏi quan sát: Cho biết lời quở trách của Phao-lô đối với Hội Thánh Cô-rinh-tô? (11:17-22).
(1.2) Câu hỏi suy luận: Qua lời quở trách trên cho thấy nguyên nhân nào đã dẫn Hội Thánh đến tình trạng ấy?
(1.3) Câu hỏi ứng dụng: Hội Thánh bạn nhóm lại trong tinh thần nào? Bạn học được điều gì qua lời quở trách của Phao-lô?
(2.1) Phao-lô bày tỏ những điểm quan trọng nào về lễ Tiệc thánh? (11:23-26).
(2.2) Cho biết mục đích và ý nghĩa của lễ Tiệc thánh?
(2.3) Theo bạn, người dự lễ cần phải có thái độ và chuẩn bị tấm lòng mình thế nào? (c.22,27-29).
(3.1) Phao-lô có lời cảnh cáo gì cho người “không phân biệt thân Chúa?” (c.29).
(3.2) Tại sao người “không phân biệt thân Chúa” phải chịu sự xét đoán? (c.27-34).
(3.3) Theo bạn, người chịu sự xét đoán nầy có bị mất sự cứu rỗi trong cõi đời đời không? Tại sao có và tại sao không?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Từ tình trạng bè đảng đã đưa Hội Thánh Cô-rinh-tô đến sự xáo trộn trong sự nhóm lại. Từ sự xáo trộn vị trí của người nữ đưa đến sự xáo trộn trong lễ Tiệc thánh, là giáo nghi cần phải được cử hành cách nghiêm trang. Trước vấn đề nầy, Phao-lô có lời chỉ dẫn thế nào về lễ Tiệc thánh và có lời cảnh cáo gì đối với người có thái độ khinh lờn lễ nầy?
- DẪN GIẢI.
- Thái độ khinh lờn của tín hữu Cô-rinh-tô trong sự nhóm lại (c.17-22).
Trong câu 2, Phao-lô bắt đầu với lời khen, nhưng đến câu 17 Phao-lô có lời trách tín hữu vì thái độ bất kính trong sự nhóm lại “anh em khinh bỉ Hội Thánh Đức Chúa Trời” (c.22). Nguyên nhân tạo nên thái độ nầy là vì động lực chính thúc đẩy họ nhóm lại không phải là tìm kiếm Chúa và giữ mối thông công anh em, nhưng là vì sự ăn uống. Họ đã biến nơi thờ phượng thành nơi ăn uống, và lễ Tiệc thánh trở nên bữa ăn thường (c.22). Do đó, buổi nhóm trở thành hỗn độn, mất ý nghĩa và mục đích (c.18-22).
Thay vì có sự tôn kính Chúa, các tín hữu lo chuyện ăn uống. Thay vì có sự hiệp một, các tín hữu chia rẽ nhau. Thay vì có sự yêu thương, các tín hữu phân biệt kẻ nghèo với kẻ giàu, để cho người nghèo bị đói và người giàu thì quá độ. Lời khiển trách của Phao-lô qua 11:17-22 nhắc nhở Cơ đốc nhân điều nầy: Bất cứ sự nhóm họp nào của chúng ta dù dưới hình thức nào nếu không có sự tôn kính Chúa, không có sự hiệp một, không có tình yêu thương, đó là sự nhóm họp “không làm cho mình hay hơn mà làm cho mình dở hơn” (c.17).
Một trong những mục đích nhóm lại của Hội Thánh trong thời các sứ đồ là sự thông công. Do đó, bữa ăn chung gọi là Bữa Ăn Tình Thương được tổ chức mỗi khi nhóm lại để tạo tình yêu thương anh em và giúp đỡ người túng thiếu. Và tiếp theo Bữa Ăn Tình Thương là sự cử hành lễ Tiệc thánh. Tuy nhiên, dần dần về sau vì có sự lạm dụng bữa ăn tình thương như trường hợp Hội Thánh Cô-rinh-tô (11:17-22), nên Giáo hội nghị ở Carthage (397 S.C) đã có quyết định tách rời Tiệc thánh ra khỏi Bữa Ăn Tình Thương để giữ vẻ tôn nghiêm và ý nghĩa khi cử hành giáo nghi nầy.
- Sự chỉ dẫn về lễ Tiệc thánh (c.23-34).
- Ý nghĩa của lễ Tiệc thánh.
Có thể nói trọng tâm của sứ điệp Tin Lành mà Phao-lô rao giảng là thập tự giá của Chúa Giê-xu và trọng tâm của giáo lý về sự thông công trong Hội Thánh của Phao-lô là lễ Tiệc thánh.
Để các tín hữu Cô-rinh-tô có thái độ đúng với lễ Tiệc thánh, từ câu 23-25 Phao-lô bày tỏ những điểm quan trọng sau đây về Tiệc thánh:
(1) Lễ Tiệc thánh là một mạng lệnh của Chúa mà Phao-lô đã nhận lãnh và truyền dạy cho Hội Thánh. Điều nầy cho thấy tính chất trang trọng của lễ Tiệc thánh, cũng như nhận biết thẩm quyền của Phao-lô trong sự dạy dỗ giáo lý nầy.
(2) Lễ Tiệc thánh là lễ do chính Chúa Giê-xu lập trong đêm Ngài bị nộp. Trong lễ nầy gồm có bánh và chén. Với ý nghĩa: Bánh chỉ về thân và chén nước nho chỉ về sự giao ước mới trong huyết Chúa (c.24-25). Qua giao ước nầy, tội nhân được tha thứ, và mối tương giao với Ngài được bắt đầu. Vì thế, Tiệc thánh còn được xem là một biểu tượng cho ý nghĩa của sự liên hiệp kẻ tin với Đấng Christ, một sự hiệp một với Ngài trong sự thương khó của Ngài.
Vì thế, lễ Tiệc thánh – Bữa Ăn Tối Của Chúa – còn gọi là “Bữa Thông Công”. Và qua sự thông công với Đấng Christ trong huyết Ngài đem chúng ta đến sự thông công với nhau.
- Mục đích của lễ Tiệc thánh.
Giữ lễ Tiệc thánh là để nhớ đến Chúa “Hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta” (c.25). Tiệc thánh không phải lễ kỷ niệm Đấng chết trong quá khứ, nhưng đem sự chết của Đấng Christ trong quá khứ trở lại trong cuộc sống hiện tại của kẻ tin.
Vì Đấng chúng ta nhớ đến là Đấng chết, nhưng đã sống lại, và Ngài đang sống trong đời sống Cơ Đốc nhân. Như thế, ba chữ “nhớ đến Chúa” có thể bao gồm trong ba ý nghĩa sau đây:
(1) Nhớ đến Chúa là càng tiến sâu trong mối thông công với Đấng Christ, trong sự cảm thông nỗi thương khó của Ngài qua từng trải bản thân của chúng ta.
(2) Nhớ đến Chúa là làm chứng nhân cho Chúa (c.26) tức là rao giảng về sự chết của Chúa cho người chưa tin Chúa để họ biết về tình yêu Chúa và tiếp nhận Ngài.
(3) Nhớ đến Chúa là trông đợi sự trở lại của Ngài. Qua lễ Tiệc thánh, chúng ta mong chờ một ngày hội ngộ với Chúa trong Tiệc Cưới Chiên Con (Ma-thi-ơ 26:29).
- Thái độ người dự lễ Tiệc thánh (c.27-28).
Vì tính chất trang trọng và ý nghĩa thiêng liêng của lễ Tiệc thánh nên Phao-lô dạy các tín hữu cần lưu ý đến hai điểm cần thiết sau đây khi nhận lễ nầy:
(1) Phải có thái độ tôn kính (c.22). Trước bàn Tiệc thánh, một điều người dự nên biết là mình đang ăn, uống thân và huyết của Đấng Christ cách thuộc linh.
Ý nghĩa bánh và chén của lễ Tiệc thánh là vấn đề tranh luận sôi nổi trong lãnh vực thần học. Nhưng hầu hết các nhánh Tin Lành thuần túy hướng theo quan điểm của Calvin.
– Trái với quan điểm biến thể của Công Giáo La Mã, Calvin cho rằng không có sự biến thể của bánh và nước nho để trở thành thân thể và huyết Chúa thật sự cách thuộc thể.
– Trái với quan điểm của Luther, Calvin cho rằng không có sự thể hiện mầu nhiệm của thân và huyết Chúa cách thuộc thể xuyên qua môi miệng của kẻ nhận bánh.
– Trái với quan điểm Zwingli, Calvin cho rằng lễ Tiệc thánh còn có ý nghĩa xa hơn một buổi tiệc kỷ niệm.
Theo Luther, bánh và nước nho không biến thể vẫn duy trì nguyên chất của nó; nhưng bởi đức tin người nhận bánh có thể hưởng được sự linh nghiệm của thân và huyết Chúa cách thuộc linh như được diễn tả trong Giăng 6:51-58. Thánh Augustine cũng đã nhấn mạnh ý nghĩa thuộc linh trong lễ Tiệc thánh, khi nói “Hãy tin, tức bạn đã ăn rồi”.
(2) Phải tự xét lấy mình (c.27-28).
Vì sự hiện diện của Chúa trong Tiệc thánh và mối thông công thiêng liêng giữa con cái Chúa với Ngài qua lễ Tiệc thánh đòi hỏi người dự lễ phải có tấm lòng thánh sạch, bằng cách tự xét lấy mình và xưng tội cùng Chúa (1Giăng 1:7-9) để không mắc tội với thân và huyết Chúa khi dự lễ nầy.
- Lời cảnh cáo (c.29-34).
“Kẻ không phân biệt thân Chúa” trong câu 28 có thể chỉ về người có thái độ khinh lờn trước lễ Tiệc thánh (c.18-22), không nhìn biết ý nghĩa thuộc linh mầu nhiệm của bánh và chén khi dự lễ. Nếu vậy thì lễ Tiệc thánh không phải là phước hạnh nhưng là sự đoán phạt cho người ấy. Sự đoán phạt ấy có thể là sự chết mà Phao-lô gọi là “ngủ” hay các thứ bệnh tật khác. Sự đoán phạt nầy có tính cách tạm thời trong tinh thần sửa phạt của người cha đối với lầm lỗi của con cái mình để không bị mất sự cứu rỗi trong cõi đời đời.
TÓM LƯỢC.
- Hai điều không thể thiếu trong sự nhóm lại của Cơ Đốc nhân là sự thông công với Chúa và thông công với nhau.
- Người hiểu ý nghĩa và mục đích của lễ Tiệc thánh thì sẽ có thái độ tôn kính trước lễ nầy.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Từ câu 17-22, lễ Tiệc thánh đã bị các tín hữu Cô-rinh-tô lạm dụng thế nào? Và Phao-lô có lời quở trách gì?
- Qua lời quở trách của Phao-lô cho thấy nguyên nhân nào đã tạo nên tình trạng tệ hại ấy?
- Theo sự dạy dỗ của Phao-lô trong câu 23-26, lễ Tiệc thánh có mục đích và ý nghĩa gì?
- Theo ý nghĩa trên, Tiệc thánh có phải là một lễ kỷ niệm trong hình thức hay có tương quan gì đến tâm linh người nhận? (c.26).
- Vì mối tương quan trên, người dự lễ cần phải có thái độ và chuẩn bị tấm lòng mình thế nào? (c.27-29).
- Tại sao người không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén là điều rất nguy hiểm? (c.27-34). Phao-lô có lời cảnh cáo gì?