Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 24.12.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 24.12.2023

By Quản trị in PHỤ NỮ on 21 Tháng Mười Hai, 2023

Chúa nhật 24.12.2023

  1. Đề tài: CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH.
  2. Kinh Thánh: Ê-sai 30:18-21.
  3. Câu gốc: “Khi ngươi xoay qua bên phải hoặc bên trái, tai ngươi sẽ nghe có tiếng phía sau mình rằng: “Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:21 – BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Theo chủ đề ngày lễ.
  5. Thể loại: Kể chuyện.

* CHỈ DẪN: Kể chuyện.

            – Mời một người có giọng kể hay, rõ ràng và tự nhiên.

            – Người kể chuyện phải xem câu chuyện thật kỹ và tập dợt trước nhiều lần để kể được trôi chảy. Nếu có khả năng thì nên giả giọng nói của từng nhân vật trong câu chuyện để lôi cuốn người nghe.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

MỘT CUỘC ĐOÀN TỤ VÔ CÙNG KỲ LẠ VÀO NGÀY LỄ GIÁNG SINH.

            Một vị Mục sư trẻ vừa được bổ nhiệm đến một giáo khu ở miền quê. Trước đây, giáo khu này rất đông tín đồ, có nhà thờ cổ kính, đã có nhiều Mục sư nổi tiếng từng giảng dạy ở đây. Bây giờ những tốt đẹp đó không còn nữa. Tuy nhiên, vợ chồng vị Mục sư trẻ tuổi rất tin tưởng vào chức vụ. Mặc dù nhà thờ rêu phong, ông bà vẫn nghĩ rằng với đức tin, họ có thể sửa chữa nhà thờ khang trang trở lại.

            Tuy nhiên, một việc không may đã xảy đến, vào cuối tháng chạp, một cơn giông đã thổi qua thung lũng của giáo khu. Ngôi nhà thờ bị ảnh hưởng nặng, bức tường sau thấm quá nhiều nước, khiến cho lớp vôi bên trong, ngay chỗ bàn thờ bị bong ra một mảng lớn. Hai vợ chồng Mục sư buồn bã quét dọn, tần ngần nhìn bức tường trơ gạch.

            Ông Mục sư chép miệng: “Ý Chúa được nên!”

            Nhưng bà than thở: “Chỉ còn hai ngày nữa đến lễ Giáng sinh”.

            Buổi chiều hôm ấy, ông bà Mục sư đến dự buổi bán đấu giá, lấy tiền giúp một tổ chức thanh niên. Người hỗ giá viên lấy ra một chiếc khăn bàn thật đẹp, thêu chỉ vàng và nạm ngà voi, dài độ 5m. Nhưng khăn bàn cổ lỗ sĩ quá. Ngày nay đâu còn ai dùng nó làm gì nữa? Chỉ có một vài người đấu giá miễn cưỡng. Ông Mục sư nảy ra một ý tưởng rất hay. Ông liền ra giá, cuối cùng mua được chiếc khăn với số tiền 6 mỹ kim 50 xu. Ông đem chiếc khăn về treo lên bức tường phía sau bàn thờ, chiếc khăn che kín mảng tường hư vừa vặn. Các đường nét tuyệt mỹ của chiếc khăn làm nổi bật khu tòa giảng của giáo đường. Thật là một thành công lớn, ông Mục sư vui vẻ sọan tiếp bài giảng lễ Giáng sinh.

            Khoảng gần trưa ngày 24/12, khi mở cửa nhà thờ, Mục sư nhìn thấy một thiếu phụ đứng đợi ở trạm xe buýt, co ro vì lạnh.

            “Còn bốn mươi phút nữa mới có xe bà ạ!”, ông bảo và mời bà vào nhà thờ nghỉ cho ấm.

            Thiếu phụ kể với ông là buổi sáng hôm đó, bà từ tỉnh vào để xin một chân giám hộ cho các con của một gia đình giàu có ở đây, nhưng gia đình đó không nhận bà. Là một dân tị nạn chiến tranh, bà nói tiếng Anh không được thành thạo.

            Thiếu phụ ngồi xuống ghế trong nhà thờ, một lúc sau bà cúi đầu xuống cầu nguyện. Khi Mục sư treo chiếc khăn lên tường, thiếu phụ nhìn lên. Đột nhiên bà đứng dậy và bước lên tòa giảng để quan sát chiếc khăn. Vị Mục sư mỉm cười, kể lại cho thiếu phụ nghe việc đã xảy ra, nhưng bà có vẻ không chú ý, Bà nâng chiếc khăn, vò vò nơi tay. Thiếu phụ bảo: “Chiếc khăn này của tôi, là khăn bàn tiệc của tôi” Bà lật góc khăn ra và chỉ cho ông Mục sư, lúc ấy đang ngạc nhiên, nhìn những chữ thêu viết tắt tên bà. Thiếu phụ nói tiếp: “Chồng tôi đã đặt thêu chiếc khăn bàn đặc biệt này cho tôi tại nước Bỉ, đây là chiếc khăn duy nhất, không có cái thứ hai”.

            Sau đó câu chuyện giữa ông Mục sư và thiếu phụ trở nên vồn vã, thiếu phụ cho biết mình là dân thành Vienne (Áo Quốc). Vì chống đối lại Đức quốc xã, hai vợ chồng bà cùng nhau bỏ xứ ra đi. Chồng bà tiễn bà lên xe lửa đi Thụy Sĩ. Ông tính sẽ gặp bà sau khi chở hết đồ gia dụng ra khỏi Áo Quốc. Nhưng bà không hề gặp được ông nữa. Về sau bà được tin ông đã chết trong một trại tập trung. Thiếu phụ nói: “Tôi luôn luôn cho rằng đó là lỗi của tôi, tại tôi đi một mình. Có lẽ những năm lang thang hiện giờ là sự trừng phạt dành cho tôi”. Ông Mục sư tìm cách an ủi và nài nỉ bà nhận lại chiếc khăn bàn. Nhưng bà từ chối ra đi.

            Đêm 24, nhà thờ bắt đầu đông chật người, ai nấy đều trầm trồ chiếc khăn bàn. Hình vẽ và những nét thêu trên chiếc khăn vô cùng thích hợp với ánh sáng lung linh của các ngọn nến. Sau buổi lễ, ông Mục sư đứng trước cửa nhà thờ, chào các tín hữu. Nhiều người khen ngợi nhà thờ trang hoàng lộng lẫy quá. Nhưng có một người đàn ông đứng tuổi, gương mặt hiền từ, là thợ sửa đồng hồ địa phương, có vẻ hết sức xao xuyến.

Ông nhỏ nhẹ nói: “Thật lạ lùng, ngày xưa, vợ chồng tôi từng có một chiếc khăn bàn giống hệt như vậy. Chỉ khi nào có khách đặc biệt đến dùng cơm với gia đình tôi tại Vienne, thì vợ tôi mới trải chiếc khăn bàn đó”, ông mỉm cười.

            Vô cùng ngạc nhiên, vị Mục sư liền thuật lại câu chuyện người thiếu phụ đã ghé lại giáo đường lúc sáng. Ông mô tả hình dáng thiếu phụ cho người đàn ông, người thợ đồng hồ bàng hoàng nắm lấy cánh tay ông Mục sư hỏi dồn: “Có thể như thế được sao? Nàng còn sống chăng?”

            Hai người liền liên lạc với người nhà giàu đã tiếp xúc với thiếu phụ, dùng xe của ông Mục sư đi ra tỉnh lỵ. Vào đúng rạng sáng ngày chính lễ, vợ chồng người đàn ông này đoàn tụ sau mấy mùa Giáng sinh xa cách. Tất cả những ai nghe qua câu chuyện này, đều cho rằng cơn giông làm đổ bức tường của nhà thờ là do ý chỉ của Đức Chúa Trời, mọi người đều gọi đó là phép lạ.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

5 món cháo nhuận tràng giải độc, trị chứng táo bón!

Nấu cháo với chuối tiêu, mật ong, khoai tây… và ăn 1 liều lượng hợp lý trong 1 thời gian nhất định sẽ góp phần trị chứng táo bón đáng sợ.

  1. Cháo chuối tiêu.

Nguyên liệu: Chuối tiêu 2 quả, gạo tẻ 50g, lượng vừa đủ đường trắng.

Cách làm: Chuối tiêu bỏ vỏ, dầm nát. Ngâm rửa gạo, cho vào nồi nấu thành cháo với lượng nước vừa đủ. Sau khi cháo chín, cho chuối tiêu đã đánh nhuyễn, đường vào đun sôi có thể dùng. Mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục 3-5 ngày có thể thanh nhiệt, nhuận tràng, nhuận phổi, cắt cơn ho. Món cháo này thích hợp cho người bị trĩ đại tiện ra máu, suy phổi, bị ho, hoặc người say rượu…

  1. Cháo mật ong.

Nguyên liệu: Gạo tẻ 50g, lượng mật ong vừa đủ.

Cách làm: Ngâm rửa gạo, cho vào nồi nấu thành cháo với lượng nước vừa đủ. Sau khi cháo chín cho thêm mật ong, đun sôi có thể dùng. Mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục 3-5 ngày có tác dụng nhuận phổi, cắt cơn ho, nhuận tràng. Món cháo này thích hợp cho người bị suy nhược tì vị dẫn đến chán ăn, đau bụng, người bị suy phổi ho khan, hoặc người ho lâu ngày không khỏi, người bị suy nhược cơ thể dẫn đến táo bón…

  1. Cháo khoai tây.

Nguyên liệu: Khoai tây 100g, gạo tẻ 50g.

Cách làm: Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu, cho vào nồi nấu thành cháo cùng gạo tẻ và lượng nước vừa đủ. Mỗi ngày dùng 1 lần, liên tục 3-5 ngày có tác dụng ích khí, kiện tì, giải độc, thông tiện. Món cháo này thích hợp cho người bị suy nhược tì vị dẫn đến đau bụng, táo bón…

  1. Cháo vừng.

Nguyên liệu: Gạo nếp 100g, lượng vừng vừa đủ.

Cách làm: Ngâm rửa sạch vừng, sau đó phơi khô rồi đảo qua lửa cho nứt. Mỗi lần lấy 30g, nấu với 100g gạo nếp thành cháo, ăn thường xuyên sẽ có công hiệu.

  1. Cháo sung mật ong.

Nguyên liệu: Gạo tẻ 50g, quả sung 30g.

Cách làm: Rửa sạch gạo, cho vào nồi đun thành cháo với lượng nước vừa đủ. Sau đó cho sung vào đun sôi có thể dùng. Khi ăn thêm mật ong. Món cháo này ăn thường xuyên cũng có công hiệu trị chứng táo bón.

 

Post CommentLeave a reply