BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024
By Quản trị in THIẾU NHI on 16 Tháng Năm, 2024
BÀI 3. VUI MỪNG
I. KINH THÁNH: Ga-la-ti 5:22-23, ( tham khảo Rô-ma14:17-18; 1Tê-sa-lô-ni-ca5:16).
II. CÂU GỐC: “Đừng buồn thảm vì sự vui vẻ về Đức Giê-hô-va là sức mạnh của anh em.” (Nê-hê-mi 8:10b).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em
– Biết: Một số trở ngại khiến em không nhận được sự vui mừng, và phương cách để nhận được sự vui mừng.
– Cảm nhận: Sự vui mừng giúp vượt qua mọi khó khăn.
– Hành động: Học và thực hành phương cách giúp em nhận được sự vui mừng.
IV. GIÁO VIÊN SUY GẪM.
Chúa Jêsus đến thế gian để ban cho con người sự sống dư dật và sự vui mừng. Phao-lô đã từng khuyên các tín hữu phải vui mừng (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:16). (Rô-ma 14:17-18) cho chúng ta biết, một đời sống có sự vui mừng là đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nếu Cơ đốc nhân lúc nào cũng than vãn, mặt mày luôn “ủ dột”, thì làm sao có thể thuyết phục người chưa tin Chúa? Cho nên sự vui mừng là một phẩm chất của Cơ đốc nhân.
Tuy nhiên trong thực tế, đời sống của Cơ đốc nhân không phải lúc nào cũng bằng phẳng, tràn đầy sự vui mừng, phước hạnh. Nhưng có được sự vui mừng trong hoạn nạn, trong thử thách, trong nghịch cảnh là đỉnh cao của đời sống đức tin.
Tại sao có những Cơ đốc nhân không nhận được sự vui mừng? Có những lý do sau:
– Thứ nhất: Tội lỗi. Tội lỗi phá vỡ mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời với con người. Nếu chúng ta còn giữ tội lỗi trong lòng, thì sẽ không nhận được sự vui mừng.
– Thứ hai: Không tiếp nhận sự dạy dỗ của Chúa. Hê-bơ-rơ 12:11 chép: “Tất cả sự sửa phạt lúc nầy dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng, nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy.” Chúng ta cần phải nhận biết sự yếu đuối và tội lỗi của mình, thì mới sẵn sàng tiếp nhận sự dạy dỗ của Chúa, vì “Chúa sửa phạt người Ngài yêu” (Hê-bơ-rơ12:6).
– Thứ ba: Không chịu trải qua thử thách. Chúa dùng thử thách
để rèn luyện đức tin chúng ta trưởng thành trong đời sống theo Chúa. Người trưởng thành trong đời sống theo Chúa sẽ tràn ngập vui mừng. Chúng ta không chịu trải qua thử thách thì chúng ta cũng không thể đạt đến sự vui mừng trọn vẹn.
– Thứ tư: Đặt đức tin không đúng chỗ. Chỉ có Đức Chúa Trời
mới ban cho chúng ta sự vui mừng thật sự, còn sự vui mừng mà con người đem lại sẽ không bền lâu, thuận cảnh cũng không luôn tồn tại. Đối với thiếu nhi, các em chưa kinh nghiệm hoặc chưa thể hiểu rõ điều nầy, nên khi giảng dạy, bạn chỉ đề cập đến 3 lý do trên mà thôi.
Làm thế nào để có thể nhận được sự vui mừng? Có những phương cách sau đây: Ăn năn tội, tin cậy Đức Chúa Trời, cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Sự vui mừng là một trong những “hương vị”của trái Thánh Linh. Bài học nầy khích lệ các em nhờ cậy Đức Thánh Linh để đời sống luôn có sự vui mừng.
V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
*Ngôn ngữ bằng tay.
- Chuẩn bị: Kinh Thánh (1Tê-sa-lô-ni-ca5:16 hoặc vài câu khác nói về sự vui mừng).
- Thực hiện: Chia các em làm hai nhóm. Mỗi nhóm cử một em lên xem câu Kinh Thánh rồi trở về nhóm mình diễn tả bằng động tác để nhóm mình đoán. Nhóm nào đoán đúng trước thì nhóm đó thắng.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
- Vào đề.
Các em thân mến! Điều gì khiến các em có thể vui mừng? (Cho các em chia sẻ). Sự vui mừng là một trong những “hương vị” của trái Thánh Linh. Dầu vậy, đời sống của chúng ta không phải lúc nào cũng có sự vui mừng. Bây giờ, chúng ta cùng nghe trường hợp của bạn Minh, và tìm hiểu xem một số trở ngại khiến Minh không nhận được sự vui mừng, và phương cách để Minh nhận được sự vui mừng (Sử dụng trang tài liệu 6-8 sách giáo viên) xem lại.
- Bài học.
a. Lý do không nhận được sự vui mừng.
Ba của Minh dặn Minh sau khi tan học phải nhanh chóng trở về nhà làm bài tập, cho đến chiều ba đi làm về sẽ dẫn em đến nhà bà nội ăn cơm. Nhưng sau khi trở về nhà, Minh mở ti-vi xem phim hoạt hình rồi sau đó chơi trò chơi điện tử. Chơi chán chê, Minh mới mở bài tập ra làm, nhưng lúc nầy ba sắp về.
Các em đoán xem tâm trạng của bạn Minh lúc nầy như thế nào? Có vui vẻ không? Tại sao? (Cho các em trả lời). Bạn ấy đã không làm theo lời ba dặn, nên trong lòng cảm thấy lo lắng. (Giáo viên ghi chữ TỘI LỖI lên bảng). Các em thân mến! Khi các em làm những điều không đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì trong lòng sẽ không thấy vui vẻ. Tội lỗi ngăn trở chúng ta nhận sự vui mừng từ Đức Chúa Trời.
Khi ba của Minh trở về nhà thì Minh vẫn chưa làm bài xong. Ba của Minh rất giận, la rầy Minh và buộc Minh phải làm bài tập xong rồi mới được đi đến nhà bà nội. Minh không những không biết lỗi mà còn lằm bằm, phụng phịu.
Các em suy nghĩ xem vì sao bạn Minh không vui? (Giáo viên ghi TỪ CHỐI DẠY BẢO lên bảng). Vì bạn ấy không nhìn nhận mình có lỗi, và cũng không tiếp nhận sự dạy bảo của ba. Ba của Minh la mắng Minh là muốn cho bạn ấy tốt hơn. Cha Trên Trời của chúng ta cũng vậy, Ngài muốn các em trở thành người tốt nên đã dùng ba mẹ, thầy cô…để dạy dỗ các em. Đó là vì Ngài yêu thương các em.
Chúng ta cùng quay trở lại câu chuyện của bạn Minh. Trên đường đi đến nhà của bà nội, Đức Thánh Linh làm việc trong lòng của Minh, khiến Minh nhận biết việc làm sai trái của mình. Minh cúi đầu cầu nguyện xin Chúa tha thứ, và xin lỗi ba. Các em đoán xem sau khi xin lỗi ba, Minh cảm thấy như thế nào? (Cho các em trả lời).
b. Phương cách để có sự vui mừng.
Các em thân mến! Qua câu chuyện của bạn Minh, các em đã thấy lý do tại sao bạn Minh không nhận được sự vui mừng rồi phải không? Bây giờ các em suy nghĩ xem, có cách nào để chúng ta nhận được sự vui mừng không? (Cho các em nói ra ý kiến của mình).
– Ăn năn tội: Nếu tội lỗi vẫn còn ở trong lòng thì không thể nào nhận được sự vui mừng, trừ khi các em xưng nó ra và cầu xin Chúa tha thứ. Các em thấy khi Minh biết lỗi của mình, em xin Chúa tha thứ và xin lỗi ba, thì trong lòng cảm thấy nhẹ nhàng, và nhận được sự vui mừng.
– Tin cậy Chúa: Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, thử thách, các em tin cậy Đức Chúa Trời để có sự vui mừng là rất quan trọng. Đức Chúa Trời cho phép những điều không hay xảy đến cho bản thân em (hoặc gia đình) là có ý tốt, và Ngài sẽ đi cùng, chăm sóc các em trong hoàn cảnh khó khăn, miễn các em tin cậy Ngài. Các em còn nhớ Phao-lô và Si-la không? Hai ông vì danh Chúa Jêsus bị bắt bỏ vào tù, có lính canh giữ cẩn thận. Ở trong ngục tối, hai chân bị xiềng xích, nếu các em là Phao-lô và Si-la thì sẽ cảm thấy như thế nào? Các em đọc Công Vụ 16:25 xem hai ông đã làm gì? (Cầu nguyện và hát ca ngợi Chúa). Hai ông tin cậy Chúa nên có sự vui mừng trong khó khăn.
– Tạ ơn Chúa: Thông thường, chúng ta dễ dàng tạ ơn Chúa khi nhận được niềm vui và phước hạnh, nhưng rất khó nói lời tạ ơn khi đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. (Cho các em nêu ví dụ hoặc kinh nghiệm cá nhân của các em). Nhưng Kinh Thánh chép rằng: “Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Jêsus.” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Đức Chúa rời muốn các em tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh để có sự vui mừng. Nếu các em tin cậy Chúa thì mới có thể tạ ơn Ngài được.
c. Kết quả của sự vui mừng.
Sự vui mừng đem lại kết quả gì cho đời sống của các em? (Cho các em suy nghĩ và trả lời).
– Đẹp lòng Đức Chúa Trời: (Mời một em đọc Rô-ma 14:17-18).
Đời sống của các em có sự vui mừng khiến Đức Chúa Trời đẹp lòng. Sự vui mừng bày tỏ các em có lòng tin cậy, có sự phó thác, có lòng yêu mến Chúa. Điều đó khiến Đức Chúa Trời vui lòng. Ngài sẽ chăm sóc, dẫn dắt, bảo vệ, gìn giữ các em dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
– Thân thể, tâm hồn được sức mạnh: Một người buồn rầu thì cảm thấy tinh thần uể oải, tay chân không muốn nhúc nhích, không muốn làm gì hết, thậm chí không muốn ăn. Nhưng một người có sự vui mừng thì mọi cử động của người ấy nhanh nhẹn hơn, khoẻ mạnh hơn, nhảy cao hơn, yêu đời hơn…Đúng vậy! Sự vui mừng đem lại cho các em sức mạnh trong cuộc sống.
Các em thân mến! Sự vui mừng là “hương vị” trái Thánh Linh, và rất cần thiết cho các em trong cuộc sống. Vì vậy, các em cần nhờ cậy Đức Thánh Linh dẫn dắt, để đời sống luôn có sự vui mừng.
- Ứng dụng.
a. Mời một em tình nguyện chia sẻ chuyện không vui của mình. Các em khác sẽ tìm nguyên nhân khiến không có sự vui mừng, và đưa ra ý kiến để giúp đỡ. Giáo viên dựa theo ý kiến của các em để chỉ ra mối liên hệ giữa sự trở ngại và phương cách để có sự vui mừng.
b. Cho các em làm bài tập phần 3 “Hình thế chữ”.
c. Điện tâm đồ vui mừng (trang tài liệu 9 sách giáo viên): Phát cho mỗi em 1 tờ “Điện tâm đồ vui mừng” trong trang tài liệu. Hướng dẫn các em ghi tâm trạng vui mừng của một ngày trong suốt một tuần. Chỉ số 0: Bày tỏ tâm trạng bình thường. Số +……: Bày tỏ tâm trạng vui mừng. Số -……: Bày tỏ tâm trạng không vui mừng. Đánh dấu x và nối lại sẽ có điện tâm đồ vui mừng của em. Sau đó ghi chuyện gì đã xảy ra lúc có chỉ số cao nhất và thấp nhất, tuần sau sẽ chia sẻ trước lớp. Hoạt động nầy sẽ giúp các em nhận biết tâm trạng của mình, và có cơ hội để bày tỏ. Qua hoạt động này, giáo viên sẽ biết tâm tư tình cảm của các em. Cuối cùng, giáo viên khích lệ các em thực hành sự dạy dỗ của bài này, cầu nguyện xin Đức Thánh Linh giúp đỡ và dẫn dắt thực hành phương cách để có sự vui mừng.