BÀI 7. THÁM TỬ THOÁT NẠN
I. KINH THÁNH: Giô-suê 2:1-24.
II. CÂU GỐC: “Chẳng phải Ta đã truyền phán với con sao? Hãy mạnh dạn, can đảm! Chớ run sợ, chớ kinh hãi! Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con vẫn ở cùng con trong mọi nơi con đi.” (Giô-suê 1:9).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em
– Biết: Hai thám tử gặp khó khăn, nhưng Đức Chúa Trời đã chăm sóc và giúp đỡ họ.
– Cảm nhận: Đức Chúa Trời ban sự can đảm cho hai thám tử và hướng dẫn họ làm đúng những việc cần thiết.
– Hành động: Xin Chúa giúp đỡ và ban cho các em lòng can đảm để làm đúng những điều Chúa muốn.
IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.
Khi nhắc đến Giô-suê chương 2, người ta thường nói đến đức tin của Ra-háp, nhưng trong bài học nầy, chúng ta cùng suy nghĩ về sự can đảm mà Đức Chúa Trời ban cho hai thám tử khi họ được giao nhiệm vụ do thám thành Giê-ri-cô.
Giê-ri-cô có tường thành bao bọc chung quanh kiên cố, quân lính bảo vệ nghiêm nhặt. Do thám thành Giê-ri-cô quả là việc hết sức khó khăn. Nếu bị phát hiện chắc chắn sẽ chết! Nhưng hai thám tử được Đức Chúa Trời ban cho sự can đảm, vững tin nơi Ngài. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc. Và cũng chính họ chỉ cho gia đình Ra-háp phương cách để được cứu qua việc treo sợi chỉ điều nơi cửa sổ.
Trong sự phục vụ Chúa, nhiều lúc cũng gặp những việc không dễ chút nào, nhưng đừng nản lòng, Chúa sẽ ban cho chúng ta sự can đảm để vượt qua mọi sự. Đức Chúa Trời luôn ở cùng, giúp đỡ chúng ta hoàn thành mọi việc nếu chúng ta hết lòng tin cậy Chúa và làm đúng theo ý Ngài.
Bạn cần chuẩn bị bài dạy bằng sự cầu nguyện, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Tham khảo tài liệu rồi dựa vào nhu cầu thuộc linh của các em để định kế hoạch giảng dạy cho tốt.
V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
* Mô hình thành cổ.
- Mục đích: Giúp các em mường tượng cảnh sông Giô-đanh, thành Giê-ri-cô và dân Y-sơ-ra-ên.
- Vật liệu: Giấy cứng màu xanh lơ làm khung, giấy cứng màu vàng làm thành Giê-ri-cô, giấy màu xanh dương đậm làm sông Giô-đanh. Bản câu hỏi, bút lông.
- Thực hiện: Nhờ một người đứng phía sau đọc tiếng vọng: “Thành Giê-ri-cô được bao quanh bởi một bức tường rất kiên cố. Tối đến người ta đóng chặt cửa thành để đề phòng sự xâm nhập của kẻ thù. Mỗi ngôi nhà đều có mái bằng. Người ta đi lên cầu thang ở bên hông nhà để lên mái nhà. Có những ngôi nhà được xây trên tường thành trông rất ngộ nghĩnh và trở thành một phần của tường thành. Người dân thời đó thích dùng vải gai để may quần áo. Gai là một loại cây, sau khi tuốt sợi ra khỏi vỏ người ta dệt thành vải, những cọng gai còn lại thì phủ lên mái nhà”…
Giáo viên hướng dẫn các em làm mô hình sông Giô-đanh và thành Giê-ri-cô (xem hình).
– Bản câu hỏi: Viết ba câu hỏi lên một tờ giấy (xem hình).
Hướng dẫn các em làm mô hình “Thành Giê-ri-cô” và “Sông Giô-đanh”. Chỉ làm một nửa, phần còn lại để tuần sau hoàn thành. Dùng bản câu hỏi để hỏi các em.
Giúp cho các em chú ý và ghi nhớ bằng cách nêu những câu hỏi để các em trả lời: “Thử hình dung thành Giê-ri-cô. Nhà của dân Giê-ri-cô ra sao? Có một số nhà được xây dựng ở đâu? Những sợi gai được phơi ở đâu? Sợi gai là gì? Người ta dùng sợi gai để làm gì?”
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
(Chuẩn bị thị trợ: Kinh Thánh, hình vẽ trong phần phụ lục, con rối, bút chì: Ra-háp và hai thám tử trong phần phụ lục, 1 sợi chỉ đỏ dài 20cm).
- Vào đề.
Qua phần Sinh hoạt đầu giờ, các em đã hiểu sơ qua về sông Giô-đanh, thành Giê-ri-cô và vải gai. Các em biết lúc ấy dân Y-sơ-ra-ên đang sống ở nơi nào không? (Bày mô hình thành cổ ra, cho các em chỉ nơi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại). Muốn chiếm được đất hứa, dân Y-sơ-ra-ên phải vượt qua nhiều khó khăn. Bây giờ các em cùng xem Giô-suê lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên như thế nào nhé.
- Bài học.
Sau khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên, Giô-suê vâng theo mọi điều Đức Chúa Trời chỉ dạy. Một hôm, Đức Chúa Trời bảo Giô-suê: “Hãy đưa dân Y-sơ-ra-ên qua sông Giô-đanh đến miền đất mà Ta hứa ban cho các ngươi”. Nhưng khi vượt qua sông, họ sẽ đối diện với nhiều kẻ thù. Đầu tiên là dân Giê-ri-cô. Đây là một thành phố kiên cố với tường thành bao bọc chung quanh, có lính canh gác suốt ngày đêm (H.1).
Trước khi vượt sông, Giô-suê muốn biết tình hình trong thành Giê-ri-cô như thế nào? Ông chọn hai người trong số những phụ tá của mình để làm nhiệm vụ quan trọng nầy. Chúng ta hãy gọi hai người nầy là thám tử. Họ phải can đảm vào thành Giê-ri-cô, xem xét tình hình và nắm thông tin về mọi mặt của thành nầy. Công việc của họ phải hết sức bí mật, khéo léo và thận trọng để không bị phát giác.
Hai người được chọn vâng lệnh Giô-suê, thu xếp hành trang, chuẩn bị lương thực, rồi vượt qua sông Giô-đanh, lặng lẽ tiến vào thành Giê-ri-cô (Cho các em xem mô hình, chỉ rõ vị trí của sông Giô-đanh và thành Giê-ri-cô). Mọi việc đều tốt đẹp. Hai thám tử đã vào trong thành an toàn và bắt đầu dò xét tình hình. Họ nắm được nhiều điều cần thiết mà ông Giô-suê mong đợi.
Sau khi xem xét thành Giê-ri-cô xong, hai thám tử đến nhà của một phụ nữ tên Ra-háp. Ngôi nhà của bà được xây dựng trên tường thành (chỉ vị trí ngôi nhà trên mô hình thành cổ).
Có người trông thấy hai thám tử Y-sơ-ra-ên vào nhà Ra-háp, liền báo cho vua Giê-ri-cô hay. Vua sai lính đến nhà Ra-háp hỏi: “Đưa hai người mới đến nhà ngươi ra đây mau. Bọn chúng là thám tử đến để thăm dò, tìm hiểu những bí mật của chúng ta đấy”. Raháp trả lời: “Họ có đến, nhưng đã đi trước khi cổng thành đóng lại vào ban đêm”. Quân lính không tìm thấy hai thám tử trong nhà Ra-háp, bởi vì Đức Chúa Trời đã che chở, bảo vệ họ.
Các em biết không, Ra-háp đã giấu các thám tử dưới đống cây gai trên mái nhà (đưa con rối Ra-háp và hai thám tử ra). Quân lính tưởng rằng hai thám tử đã đi khỏi nhà trước khi trời tối như lời Ra-háp nói. Đoán là các thám tử đã thoát ra ngoài nên họ vội rời khỏi thành, nhắm hướng ngoại ô mà truy đuổi.
Nhưng hai thám tử lại phải đối mặt với một khó khăn khác, đó là cửa thành đã đóng chặt, làm thế nào ra ngoài mà không bị phát hiện? Đức Chúa Trời đã mở đường cho họ. Ra-háp leo lên mái nhà, báo cho hai thám tử biết họ có thể rời khỏi chỗ nấp. Ra-háp nói với họ: “Tôi muốn cứu các ông bởi vì tôi biết chắc Đức Chúa Trời đã ban vùng đất nầy cho các ông. Tôi cũng có nghe nói Đức Chúa Trời đã làm những việc kỳ diệu cho các ông. Đức Chúa Trời mà các ông tin là Đức Chúa Trời thật, là Chúa của trời đất”.
Hai thám tử vui mừng vì Ra-háp đã tin nơi Đức Chúa Trời chân thật. Bà Ra-háp nói tiếp: “Bây giờ tôi xin các ông một điều, tôi đã đối đãi tử tế với các ông thì xin các ông cũng đối đãi nhân từ lại với tôi và người nhà của tôi khi các ông chiếm thành nầy. Xin cứu chúng tôi, cho chúng tôi được sống bình yên”.
Các thám tử nói với Ra-háp: “Bà hãy cột sợi chỉ đỏ nơi cửa sổ để làm dấu hiệu. Khi chúng tôi đánh lấy thành, bà và những người trong gia đình phải ở trong nhà của mình. Nếu bà làm đúng như vậy, và không tiết lộ việc chúng tôi đã đến đây thì bà và gia đình sẽ được an toàn”.
Sau đó Ra-háp tìm một sợi dây thừng rồi dòng hai thám tử xuống dọc theo tường thành. Vừa xuống đến mặt đất, họ lập tức trốn lên núi ba ngày rồi mới vượt sông Giô-đanh trở về. Hai thám tử báo cáo cho Giô-suê biết mọi chi tiết. Họ nói: “Quả thật, Đức Chúa Trời đã phó cả xứ vào tay chúng ta; và lại, hết thảy dân của xứ đều sờn lòng trước mặt chúng ta” (Giô-suê 2:24).
Hai thám tử thật là dũng cảm. Nhờ sự bảo vệ và giúp đỡ của Đức Chúa Trời, cuối cùng họ đã hoàn thành công tác mà Giô-suê giao, một công tác đầy khó khăn và nguy hiểm.
- Áp dụng.
Dùng câu hỏi đơn giản để giúp các em ôn lại điểm chính của câu chuyện. Rồi viết lên bảng hai từ “can đảm” và “sợ hãi”, hỏi các em: “Ý nghĩa của can đảm và sợ hãi là gì?” Sau đó dạy các em học thuộc câu gốc.
Nói với các em: Trong đời sống thường ngày, có nhiều việc chúng ta cần dũng cảm mới có thể thực hiện được. Có những việc nên hoặc không nên làm. Mời các em xem hình “Em sợ điều gì? Em không sợ điều gì?” Rồi cùng thảo luận với các em. Trước tiên là hình 1: “Bạn trai trong hình muốn bạn mình làm điều gì? Kinh Thánh có dạy chúng ta trộm cắp không?” (Không).“Trong trường hợp nầy, em cần Đức Chúa Trời ban cho em lòng can đảm để làm gì? Nếu em không chịu hợp tác với bạn ăn cắp thì bạn ấy sẽ đối xử với em như thế nào? Câu Kinh Thánh nào giúp em?” (Các em đọc câu gốc).“Ai sẽ cho chúng ta lòng can đảm?” (Đức Chúa Trời).
Sau đó cho các em xem hình 2: “Vì sao bạn gái nầy sợ về nhà gặp mẹ?” (Các em so sánh với kinh nghiệm bản thân để trả lời).“Nếu bạn đó làm điều sai, bạn ấy cần ai giúp đỡ để về nhận lỗi cùng mẹ?” (Đức Chúa Trời).“Đức Chúa Trời ban cho em điều gì?” (Lòng can đảm).“Câu Kinh Thánh nào giúp em?” (Các em đọc câu gốc).“Chúng ta cần Đức Chúa Trời ban cho lòng can đảm để làm gì?” (Cho các em lần lượt trả lời.) Sau cùng, hướng dẫn các em cầu nguyện, xin Chúa ban cho các em lòng can đảm để làm điều phải, đúng như Lời Chúa dạy.
VI. PHỤ LỤC.
– Vẽ hình phụ trợ và làm con rối.
- Vật liệu: Giấy dày trắng, bút màu, bút chì, kéo và băng keo.
- Cách làm:
a. Nhà ở của người Y-sơ-ra-ên sau khi vào thành Giê-ri-cô: Vẽ theo mẫu hình 1 sau đó tô màu.
b. Con rối Raháp và hai thám tử: Vẽ ra giấy hình bà Raháp và hai thám tử theo mẫu hình 2 và 3. Dùng băng keo gắn bút chì vào mặt sau của con rối (xem hình).