Chuyên mục: NAM GIỚI

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 23.02.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 23.02.2025

in NAM GIỚI on 18 Tháng Hai, 2025

Chúa nhật 23.02.2025

  1. Đề tài: CHÚA GIÊ-XU CHẾT VÌ TỘI LỖI CHÚNG TA.
  2. Kinh Thánh: Giăng 14:6, Hê-bơ-rơ 9:22, 10:10.
  3. Câu gốc: “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống” (1Phi-e-rơ 3:18).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng tiền, cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin Lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

“Nếu không có sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá vì tội chúng ta, sẽ không ai có được sự sống đời đời”.

Chính Chúa Giê-xu đã phán “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Trong câu này, Chúa Giê-xu tuyên bố lý do Ngài hạ sinh, chết và phục sinh – để mở ra con đường đến Thiên đàng cho nhân loại đang ngập chìm trong tội lỗi, không tự mình tìm ra lối thoát.

Khi Đức Chúa Trời tạo dựng A-đam và Ê-va, họ hoàn hảo về mọi mặt và sống trong một Thiên đàng thực sự, chính là vườn Ê-đen (Sáng 2:15). Đức Chúa Trời tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, có nghĩa họ có quyền tự do để quyết định và lựa chọn. Sáng thế ký đoạn 3 tiếp tục mô tả A-đam và Ê-va đã thất bại trước sự cám dỗ và những lời nói dối của Sa-tan như thế nào. Làm như vậy, họ đã bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời khi ăn trái cây biết điều thiện và điều ác, là trái cây bị cấm không được ăn: “Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng 2:16-17). Đây là tội đầu tiên mà con người phạm phải, và kết quả là con người phải gánh chịu cái chết về mặt thể xác và cái chết đời đời vì bản tính của tội lỗi được kế thừa từ A-đam.

Đức Chúa Trời tuyên bố rằng ai phạm tội sẽ chết cả về thể xác lẫn tâm linh. Đây là số phận của toàn nhân loại. Nhưng Đức Chúa Trời, bởi ân điển và lòng thương xót, đã mở ra cho họ một phương cách để thoát khỏi tình cảnh tuyệt vọng này, đó là sự đổ huyết của Con toàn hảo Ngài trên thập tự giá. Đức Chúa Trời phán rằng “không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22), nhưng bởi sự đổ huyết thì có sự cứu chuộc. Trong luật pháp của pháp của Môi-se (Xuất 20:2-17) đem đến một cách cho con người để được xem là “vô tội” hoặc “công chính” trong mắt Đức Chúa Trời bằng cách dâng con sinh chết thay cho tội đó. Những sinh tế này chỉ là tạm thời, dầu vậy đó thực sự là hình bóng cho một của lễ toàn hảo, một của lễ dâng một lần đủ cả khi Đấng Christ bị treo lên cây thập tự (Hê-bơ-rơ 10:10).

Đây là lý do tại sao Đức Chúa Giê-xu đến và tại sao Ngài chết, để trở nên một sinh tế tối thượng và cuối cùng, một sinh tế hoàn hảo cho tội lỗi của chúng ta (Cô-lô-se 1:22; Hê-bơ-rơ 10:10,14; 1Phi-e-rơ 1:19). Qua Ngài, lời hứa về sự sống đời đời trở nên thực hữu cho những ai tin vào Chúa Giê-xu, “hầu cho điều chi đã hứa, bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ mà được ban cho những kẻ tin” (Ga-la-ti 3:22).

Hai từ “niềm tin” và “tin vào” rất quan trọng đối với sự cứu rỗi của chúng ta. Khi chúng ta tin vào sự đổ huyết của Đấng Christ vì tội lỗi của chúng ta, chúng ta sẽ nhận được sự sống đời đời. “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Êph 2:8-9; Rô-ma 3:20,28; Giăng 1:12-13).

Oneway.vn

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.02.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.02.2025

in NAM GIỚI on 11 Tháng Hai, 2025

Chúa nhật 16.02.2025

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ CÚNG GIỖ.
  2. Kinh Thánh: Xuất 20:12; Ê-phê-sô 6:1-3; 1Ti 5:4-8.
  3. Câu gốc: “Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất 20:3).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 25-27.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

  1. Thông báo đề tài “Vấn Đề Cúng Giỗ” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.
  2. Ủy viên linh vụ mời người có kinh nghiệm thuộc linh và hiểu biết giáo lý giải đáp thắc mắc.
  3. Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. NGƯỜI CƠ ĐỐC VIỆT NAM VỚI SỰ CÚNG GIỖ ÔNG BÀ.

Chữ cúng có nghĩa là dâng lên thức ăn hay lễ vật trong hình thức nhang đèn để tiếp xúc với người trong cõi vô hình. Còn giỗ là ngày kỷ niệm của người chết. Trong sự thờ cúng ông bà, ngày giỗ là ngày cúng tế rất linh đình! Chẳng những để bày tỏ lòng hiếu thảo, nhưng cũng để ông bà vui lòng phù hộ con cháu!

Đặt niềm tin nơi Kinh Thánh, người Cơ Đốc không thể chấp nhận, hay dung hòa sự thờ cúng tổ tiên trong bất cứ hình thức nào, vì những lý do sau đây:

  1. Loài người chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời.

Dùng câu “Cây có cội, nước có nguồn” để chỉ về tổ tiên là sai. Tổ tiên không phải là nguồn gốc để thờ lạy. Trong bài vị thờ tổ tiên chỉ ghi đến năm đời hay nhiều lắm là mười đời mà thôi (Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Hiển). Nếu quá năm đời thì phải xóa bớt. Như vậy, thờ tổ tiên với sự xóa bớt dần thì đâu phải là nguồn gốc! Chỉ có Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của loài người mới là nguồn gốc thật cho mọi người tôn thờ. Trong mười điều răn, Đức Chúa Trời đã qui định rõ bổn phận của con người là tôn thờ Đức Chúa Trời, nhưng hiếu kính cha mẹ. Nghĩa là Đức Chúa Trời phải ở ngôi vị trên hết, sự thờ phượng Ngài phải chiếm chỗ ưu tiên trong đời sống con người, không có bàn thờ nào khác chiếm chỗ của Chúa, hoặc đặt bên cạnh “bàn thờ” của Chúa (Xuất 20:1-11; Ma-thi-ơ 10:37). Nếu người Việt chúng ta đặt chữ hiếu làm đầu và cho việc không thờ cúng tổ tiên là bất hiếu, thì sự hiếu thảo trong việc thờ cúng tổ tiên, đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời và phạm tội bội nghịch Ngài, vong ơn Trời là tội lớn dường nào!

  1. Không có sự trở về của người chết, không có sự phù hộ của người chết.

Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, chúng ta biết rằng việc cúng giỗ cho người chết là điều vô ích, hoặc cầu nguyện cho người chết là điều sai lầm. Vì khi qua đời, người ta hoặc được lên thiên đàng hay đi địa ngục, không có cơ hội thứ hai, không có ngục luyện tội như một số người tưởng!

  1. VẤN ĐỀ ĂN ĐỒ CÚNG.
  2. Người Cơ Đốc có nên ăn đồ cúng không?

Với vấn đề đồ cúng, trong vòng tín hữu Cô-rinh-tô có người cho rằng thần tượng là hư không, nên ăn đồ cúng không có gì là sai! Trong sự giải đáp của Phao-lô, chúng ta phân biệt những điểm sau đây (1Cô 10:17-31).

  1. Không nên ăn đồ cúng – trường hợp biết đó là đồ cúng – vì thần tượng là hư không, nhưng phía sau thần tượng là ma quỉ. Như vậy không phải người ta cúng cho thần tượng mà cúng cho ma quỉ. Do đó người Cơ Đốc không thể vừa thông công với Chúa qua Tiệc Thánh, mà lại thông đồng với ma quỉ qua đồ cúng!
  2. Không nên ăn đồ cúng – trường hợp biết đó là đồ cúng – vì biết rằng thần tượng là hư không, nhưng ăn đồ cúng như thế là làm cớ gây vấp phạm cho anh em yếu đuối.
  3. Trường hợp đến nhà ai mời dùng bữa, thì đừng vì lương tâm đặt vấn đề đồ cúng hay không. Cứ ăn chớ nghi ngại chi! Nhưng nếu nghi ngại, hoặc vì lương tâm của người khác, tốt hơn là đừng ăn!

Tóm lại, Phao-lô đặt nguyên tắc này cho các tín hữu “… hoặc ăn hoặc uống… hãy vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (c.31). Như vậy con cái Chúa ngồi dự tiệc cúng giỗ có làm vinh hiển Danh Chúa không? Cho dù không ăn đồ cúng trên bàn thờ, thì đồ ăn nấu dọn cũng đã mang tên của bữa ăn cúng giỗ rồi!

  1. Vài câu hỏi về vấn đề cúng giỗ.
  2. Người Cơ Đốc không thờ cúng ông bà, nhưng có thể giữ ngày “giỗ”, tức là kỷ niệm ngày ông bà chết không? Sự kỷ niệm ngày qua đời của cha mẹ, để nhắc lại công ơn của cha mẹ và gương sáng về đức tin của ông bà cho con cháu là điều tốt. Nhưng nếu điều này trở thành thông lệ, thì đó là thông lệ chẳng được hay, vì có thể tạo gánh nặng cho người này người kia. Hơn nữa tạo cho chúng ta cảm giác như có liên hệ với người chết! Gương sáng của ông bà cho con cái có thể nhắc lại cho con cháu trong bất cứ lúc nào có dịp chớ đâu phải đợi đến kỷ niệm ngày chết!
  3. Trong bối cảnh của gia đình thờ phượng tổ tiên là cả một thách thức đức tin của người tin Chúa. Làm thế nào để đối xử với gia đình lên án chúng ta là con bất hiếu? Vài gợi ý sau đây:

– Hãy bày tỏ sự hiếu kính cha mẹ như Lời Chúa dạy.

– Hãy kiên nhẫn cầu nguyện cho cha mẹ sớm biết Chúa.

– Hãy giải thích cho cha mẹ biết lý do tại sao bạn không dự cúng giỗ.

– Biết rằng không có sự hiện diện của vong hồn tổ tiên, nhưng sự khấn vái trước bàn thờ gia tiên là điều trái niềm tin của mình.

Tóm lại, chúng ta cần đối xử với gia đình trong đường lối hòa bình, trường hợp không giải quyết được sự xung khắc, chúng ta buộc phải trả giá cho niềm tin của mình! Hoặc chúng ta phải chịu mất mát điều nào đó, hoặc đôi lúc phải “tạm rời” gia đình một lúc nào đó! Nếu chúng ta trung thành với Chúa giữ đức tin mình, vấn đề chắc sẽ được Chúa giải quyết cách tốt đẹp.

Tóm lược

  1. Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, hiếu kính cha mẹ có nghĩa là tôn kính cha mẹ và hiếu thảo với cha mẹ trọn lúc cha mẹ còn sống.
  2. Hai điều sai lầm trong sự thờ phượng tổ tiên là: (1) Tổ tiên không phải là nguồn cội để thờ, mà chính là Đức Chúa Trời. (2) Không có sự trở về của người chết.
  3. Hai lý do không nên ăn đồ cúng là: Để không thông đồng với ma quỉ và để không làm cớ gây vấp phạm cho anh em yếu đuối.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.

  1. Xin tìm hiểu:
  2. Ý nghĩa của chữ giỗ và cúng?
  3. Trong sự thờ phụng ông bà của người Việt, tại sao phải có sự cúng giỗ?
  4. Có phải thờ cúng tổ tiên mới là hiếu thảo không?
  5. Tìm hiểu ý nghĩa khác nhau của chữ “tôn thờ” và “tôn kính”.
  6. Lời Chúa Giê-xu phán dạy trong Ma-thi-ơ 10:37 có nghĩa gì?
  7. Qua sự tìm hiểu trên, chúng ta nhận thấy, sự thờ cúng ông bà có phải là điều hợp lẽ với sự dạy dỗ của Kinh Thánh không? Tại sao?
  8. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  9. 1Cô-rinh-tô 10:17-22: Theo sự dạy dỗ của sứ đồ Phao-lô, người tin Chúa có nên ăn đồ cúng không? Tại sao?
  10. 1Cô-rinh-tô 10:23-31: Người tín hữu nên có thái độ như thế nào với đồ cúng? Tại sao?
  11. Có thần tượng nào chiếm chỗ của Đức Chúa Trời trong đời sống bạn không? Bạn có trọn bổn phận làm con theo như Lời Chúa dạy dỗ không?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 09.02.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 09.02.2025

in NAM GIỚI on 10 Tháng Hai, 2025

Chúa nhật 09.02.2025

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ TUỔI TÁC.
  2. Kinh Thánh: Truyền đạo 11:9; 12:1,6-7,13; Thi 91:16; 92:13-14.
  3. Câu gốc: “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi 90:12).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 22-24.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

– Chủ đề: VẤN ĐỀ TUỔI TÁC.

– Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ.

– Thời gian: 1h30’.

  1. CHUẨN BỊ.

Ban tổ chức cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và dựa vào điều đó để tìm đến trạm. Sau khi thực hiện xong các yêu cầu của ban tổ chức, cả nhóm theo chỉ dẫn của mật thư thứ hai để đến trạm kế tiếp…

– Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.  

     Ôn chữ.                                                         Các dấu.

     Â = AA                     Ê = EE                         – Sắc = S

     Ă = AW                    Ư = UW = W               – Huyền = F

     Ô = OO                    Đ = DD                         – Hỏi = R

     Ơ = OW                   ƯƠ = UOW                 – Ngã = X

                                                                            – Nặng = J

– Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… mà ban viên đã quen thuộc, đồng thời phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại điểm đặt trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.

– Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường tùy theo địa điểm mỗi nơi.

– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.

– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên học thuộc lòng câu gốc tuần nầy và đọc trước 1Cô-rinh-tô 9:24-27 ; Hê-bơ-rơ 12.

  1. THỰC HIỆN.
  2. Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.
  3. Thể lệ cuộc thi.

– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.

– Đến trạm, phải xếp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.

– Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.

  1. Cách chấm điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ….. 10 điểm.

– Giải chính xác mật thư…………………………….. 10 điểm.

– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm………………… 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất………………………………….. 10 điểm.

– Nội dung thảo luận thực hiện tốt…………….. 10 điểm.

  1. Diễn tiến trò chơi.
  2. Mở đầu.

Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người, xếp hàng dọc theo mỗi nhóm, cử nhóm trưởng và thư ký nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: “Vấn Đề Tuổi Tác”.

Thưa các bạn! Trong cuộc sống có hai điều con người thường lo sợ nhưng phải đối diện đó là sợ già và sợ chết. Thật ra, sự thêm lên của tuổi tác là lẽ đương nhiên của đời người. Tuy nhiên mỗi giai đoạn tuổi tác đều có giá trị và ý nghĩa nếu biết đặt mình trong bàn tay sử dụng của Đức Chúa Trời. Mời các bạn tham gia chương trình sinh hoạt hôm nay, để thấy được quan điểm của người đời và quan điểm của Cơ Đốc nhân về vấn đề tuổi tác.

  1. Xuất phát.

Tất cả các nhóm phải tập trung tại điểm xuất phát. Ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi, và mỗi nhóm cử ra một người đại diện nhóm để “Vượt chướng ngại vật”.

(“Chướng ngại vật” là những câu hỏi do ban tổ chức soạn ra như: Vì sao con người sợ già, sợ chết? Cách nào để con người thoát khỏi sự sợ hãi nầy?)

Đại diện nhóm nào vượt qua được “chướng ngại vật” mới được nhận mật thư.

* Mật thư 1: HAYX DDOOCS TIMF NHAAN QUAN VEEF DDIEEMR TUOOIR CUAR TACS COW.

Ñ: Cóc nhảy hai lần.

Trạm 1.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

  1. Theo thời gian, tuổi thọ con người như thế nào? Tại sao? (Sáng 5:27; 6:3; Thi 91:10).
  2. Tiên tri Sa-mu-ên, Giê-rê-mi đã được Đức Chúa Trời kêu gọi hầu việc Chúa trong tuổi nào? (1Sa 3:1; Giê 1:6).
  3. Trong tuổi nào Đa-vít, Đa-ni-ên đã được Chúa gọi làm công việc cho Ngài? (1Sa 16:11-13,18-23; 2Sa 5:3-4; Đa 1:8-17; 2:45).
  4. Trong khoảng tuổi nào, Đức Chúa Trời dùng người Lê-vi hầu việc trong đền thờ? (Dân 4:2-3).
  5. Tuổi lão niên có giá trị gì? Và được Chúa dùng trong công việc nào? (Phục 32:7; 21:20-21; Gia 5:14-15; 1Phi 5:1-2).
  6. Con người theo tuổi tác được mô tả thế nào? Có sắc thái gì? (Truyền Đạo:12:3-5).
  7. Song song với tuổi tác, Đức Chúa Trời có lời hứa gì cho con cái Ngài? Những lời hứa có nghĩa gì? (Thi 103:5; 92:13-14; Ê-sai 40:31; 46:4).
  8. Tuổi tác với sự hao mòn thân xác bên ngoài, nhưng với Cơ Đốc nhân, người bề trong như thế nào? (2Cô 4:16; 1Giăng 2:14-16).

* Mật thư 2:

Yêu cầu: 

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

  1. Kinh Thánh có lời khuyên dạy gì cho người trẻ tuổi? (Châm 3:5-6; Truyền Đạo 11:9-10; 12:1-13; Giô-suê 1:8).
  2. Các ngày chúng ta phải được sử dụng thế nào? (Thi 90:12; Êph 5:15-19).
  3. Trong tuổi về hưu, tiên tri Sa-mu-ên làm gì? (1Sa 12:23-24).

Ñ:

  1. Người trong tuổi lão niên nên biết điều gì? Và có thái độ nào? (Xuất 20:12; Thi 91:16).

 

Trạm 3.

Yêu cầu: 

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

  1. Chúa dạy chúng ta có thái độ thế nào đối với người già cả? (Lê-vi 19:32; 1Phi 5:5).
  2. Người lớn tuổi nên có thái độ thế nào đối với người tuổi trẻ? (1Tim 4:12-13).
  3. Phao-lô dạy Ti-mô-thê điều gì? (1Tim 5:1-2).
  4. Trong Hội Thánh, chúng ta nên đối xử với nhau như thế nào?

3. Kết thúc.

Thưa các bạn!

Người đời nhìn tuổi tác trong chiều hướng bi quan, nhưng người Cơ Đốc nhìn trong chiều hướng lạc quan. Bởi vì người Cơ Đốc biết rằng tuổi tác thể chất làm hao mòn con người bên ngoài, nhưng tuổi tác thuộc linh làm con người bề trong càng thêm tươi mới.

Nguyện mỗi người chúng ta biết được những điều nầy để được thỏa nguyện qua các giai đoạn của đời sống và giúp đỡ những người có cái nhìn bi quan.

– Cầu nguyện theo sự dạy dỗ.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Cuộc sống con người là cuộc sống được gắn liền với tuổi tác. Từ khi sinh ra đã bắt đầu tính tuổi, và khi cuộc đời chấm dứt cũng được tính với số tuổi thọ. Mặc dầu tuổi thọ ít hay nhiều, nhưng thời gian sống trên đất vẫn mang một ý nghĩa, và giá trị cho mục đích của sự chào đời do Chúa định.

Cho dù sự tiến bộ của y khoa có thể kéo dài đời sống con người thêm một khoảnh khắc nào đó, tuy nhiên, cuộc sống con người vẫn là cuộc sống ngắn ngủi. Tuổi thọ của con người nói chung, thực ra là giảm dần vì sự gia tăng của tội lỗi theo như sự bày tỏ của Kinh Thánh (Sáng 5:27, 6:3; Thi 90:10).

Trong niềm tin người Cơ Đốc có quan điểm gì về tuổi tác? Và có thái độ nào đối với mỗi giai đoạn của tuổi tác, để cuộc sống được vui thỏa, có ý nghĩa thật sự?

Đời sống chóng tàn của con người được thi sĩ Đa-vít mô tả trong hình ảnh của đời sống cây cỏ. Đời người về phương diện tuổi tác có thể được phân chia chi tiết trong năm giai đoạn như: Thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, trung niên và lão niên, hay theo cách tính tổng quát của Kinh Thánh gồm ba hạng tuổi: Thiếu niên, thanh niên và phụ lão (1Giăng 2:12-14). Như chu kỳ của cây cỏ, tăng trưởng, ra hoa và tàn héo, đời sống con người cũng trải qua tuổi trẻ, tuổi thanh xuân, tuổi già nua và cuối cùng là sự chết. Cây cỏ chịu luật đào thải của thiên nhiên và con người chịu định luật của sự chết. Vì vậy người ta sợ tuổi tác, sợ già, sợ bị xã hội loại bỏ vì vô dụng, bị đời quên lãng vì tàn tạ! Nhưng Đức Chúa Trời có cái nhìn thế nào với tuổi tác con người?

  1. Giá trị của tuổi tác.

Theo sự ghi nhận của Kinh Thánh cho thấy mỗi giai đoạn tuổi đều có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài đã kêu gọi Sa-mu-ên, Giê-rê-mi làm người tiên tri từ lúc còn thiếu nhi (1Sa-mu-ên 3:1; Giê-rê-mi 1:6). Ngài đã dùng thanh niên để làm công việc lớn lao cho Danh Ngài như Đa-vít, Đa-ni-ên và các người Lê-vi (1Sa 16:11-13,18-23; 2Sa 5:3-4; Đa-ni-ên 1:8-17; 2:4; Dân 4:2). Cũng như Ngài dùng người lão niên trong việc xét xử dân Y-sơ-ra-ên thời Cựu ước và trong sự chăm sóc Hội Thánh Chúa ngày nay (Phục 21:20-21; Gia-cơ 5:14-15; 1Phi 5:1-2). Môi-se, nhà lãnh đạo số một của Y-sơ-ra-ên đã được Chúa dùng từ tuổi 80 đến 120 tuổi.

Tuổi thiếu nhi được Chúa Giê-xu khen ngợi về lòng đơn sơ khiêm nhu (Ma-thi-ơ 18:3-4). Tuổi thanh xuân là tuổi cao điểm của đời người với sức mạnh như “chim ưng” và tài năng chớm nở, là tuổi đầy nhiệt huyết, có khả năng để làm công việc lớn. Tuổi lão niên là tuổi giàu kinh nghiệm và khôn ngoan trong cuộc sống để chia sẻ (Phục 32:7). Như vậy mỗi giai đoạn tuổi tác đều có giá trị nếu đặt trong bàn tay sử dụng của Chúa.

Ông W.A.Criswell nhà lãnh đạo của Hội Báp-tít miền Nam, đã tin Chúa lúc 10 tuổi và trở thành Mục sư lúc 17 tuổi. Ông đã giảng bài giảng đầu tiên tại nhà thờ Dallas, Texas vào năm 1944. Từ đó Hội Thánh tăng trưởng cách lạ lùng, số tín hữu từ 7.800 lên đến 20.500. Cũng như John Wesley vẫn còn đi giảng Tin Lành và viết sách lúc 88 tuổi.

  1. Lời hứa thêm sức của Chúa.

Trong một phương diện, Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy hình ảnh thực sự của con người bên ngoài suy tàn theo thời gian tuổi tác như trong sự diễn tả của nhà truyền đạo Sa-lô-môn:

“Vì ai cũng vậy, sẽ đến lúc sức mạnh hao mòn với tuổi tác, chân tay run rẩy, lưng khòm cúp, răng rụng dần không còn đủ để nhai, mắt mờ đi, lúc ăn môi phải mím chặt vì răng không còn, giọng nói yếu ớt thều thào; trong giấc ngủ dễ bị đánh thức, dù chỉ bởi tiếng chim hót lúc rạng đông; sợ không dám lên cao, đi đứng dễ ngã, tóc bạc phơ, người khô héo cằn cỗi, tình dục tắt ngấm, và cứ thế đi dần vào cõi chết là nơi ở ngàn thu; rồi những người thân khóc thương khi đưa đám tang qua các đường phố” (Truyền Đạo 12:3-5 BDY).

Vì vậy, với lời hứa của Chúa, trong sự hao mòn của tuổi tác, người Cơ Đốc luôn nhận được sức sống của Chúa, khiến người bề trong càng thêm tươi mới, được trưởng thành về mặt thuộc linh với sự sanh bông trái Thánh Linh, phản chiếu vẻ đẹp vinh quang của Thiên đàng (2Cô 4:16; 1Giăng 2:14-16). Cho nên, tuổi lão niên của người tin kính Chúa không phải là tuổi cạn tắt, nhưng là tuổi đầy trọn và tuôn trào. Dù bên ngoài tóc bạc, da mồi, nhưng tóc bạc vẫn là đẹp, là vinh hạnh vì “tóc bạc là mão triều thiên vinh hiển, miễn là thấy ở trong đường công bình” (Châm 16:31,Thi 103:5; 92:14; Ê-sai 40:31; 46:3b,4).

Tóm lại, tuổi tác trong cái nhìn của người đời thật là bi quan, với sự tàn tạ và vùi sâu trong lòng đất lạnh! Nhưng tuổi tác trong cái nhìn của Cơ Đốc nhân là cái nhìn lạc quan. Người đời bi quan vì thấy sự hao mòn của con người theo tuổi tác, nhưng người Cơ Đốc lạc quan vì biết được giá trị của mỗi giai đoạn tuổi tác trong mục đích tốt lành của Chúa, và sự tươi mới càng thêm của con người bề trong vượt qua tuổi tác bởi ân sủng của Chúa. Vì vậy, chúng ta không bi quan với vấn đề tuổi tác, như Bosch nói rằng: “Đối với Cơ Đốc nhân, tuổi già là tuổi tiền phong của tuổi xuân bất diệt”.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

v Xin cho biết:

– Bạn có thỏa nguyện với mỗi giai đoạn của cuộc sống không?

– Bạn đang sử dụng các ngày Chúa cho như thế nào?

– Bạn có thái độ thế nào đối với người cách biệt tuổi với bạn?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 02.02.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 02.02.2025

in NAM GIỚI on 10 Tháng Hai, 2025

Chúa nhật 02.02.2025

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ GIẢI TRÍ.
  2. Kinh Thánh: Truyền 3:12-13; 11:9; 1Cô-rinh-tô 10:31.
  3. Câu gốc: “Nầy là ngày Đức Giê-hô-va làm nên, chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy” (Thi 118:24).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 19-21.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Vấn Đề Giải Trí”.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Hằng ngày chúng ta đương đầu với cuộc sống đầy bận rộn, nhưng đừng quên luật nghỉ ngơi Chúa đã qui định. Nếu trái luật này, chúng ta tự làm đảo lộn cuộc sống của mình và mất phước trước mặt Chúa. Theo điều răn của Chúa, dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa mỗi tuần có một ngày nghỉ làm việc. Ngày nay, trong tuần chúng ta có ít nhất một ngày hoặc nhiều hơn để nghỉ ngơi. Như thế chúng ta có nhiều thì giờ nhàn rỗi hơn! Tuy nhiên không có nghĩa dùng cả thì giờ nhàn rỗi cho việc nghỉ ngơi giải trí, nhưng thì giờ ấy còn phải được sử dụng cho những việc hữu ích khác theo mục đích tốt lành của Chúa đối với ngày nghỉ thánh. Trong bài này chúng ta chỉ nói đến sự nghỉ ngơi trong khía cạnh giải trí mà thôi.

Chữ “giải trí” chỉ về sự bồi bổ, phục hồi làm cho tươi mới lại sức lực và tinh thần sau công việc nhọc nhằn. Theo ý nghĩa này, nói cách chung con người trong cuộc sống mưu sinh cần có thì giờ nhàn rỗi, thì giờ nghỉ ngơi. Cũng theo ý nghĩa trên, giờ nhàn rỗi, giải trí không phải là một sự hoang phí, nhưng là một nhu cầu, nếu biết sử dụng đúng mục đích của nó.

Như vậy, sự nghỉ ngơi là một nhu cầu và trong sự nghỉ ngơi cần có sự giải trí vui đùa. Tuy nhiên sự giải trí có thể là bổ ích hay gây hại cho sức khỏe và tinh thần là tùy ở tính chất của nó. Vì vậy, người Cơ Đốc cần có tiêu chuẩn trong sự giải trí.

  1. Tính chất của sự giải trí.

– Trong tinh thần của “Ngày nghỉ thánh”, thì giờ giải trí của người Cơ Đốc cũng được hướng về mục đích “…hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời…”. Và sự giải trí vui đùa thế nào không gây hại cho sức khỏe thân thể, không làm ô uế cho tâm hồn (1Cô 10:31; 1Tê 5:23).

– Sự vui vẻ hưởng thụ công việc mình là phần thưởng của Chúa, sự vui chơi tận hưởng những ơn lành Chúa ban cho không có gì là sai. Tuy nhiên Kinh Thánh cũng cảnh cáo những cuộc vui thú của xác thịt, là việc dẫn đến phạm tội (Thi 118:24; Truyền Đạo 3:11-14, 2Sa 11:1-5).

– Có hai sự vui chơi khác nhau: Sự vui chơi theo tư dục xác thịt là sự vui chơi gây hại và phá hỏng tâm linh. Như dân Y-sơ-ra-ên vui chơi nhảy múa trước tượng bò vàng, sự vui chơi trong sự chối bỏ Chúa (Xuất 32:6; Ê-sai 5:11-12). Trái lại con dân Chúa phải tìm sự vui chơi trong sự trong sạch, trong sự kính sợ Chúa (Phục 16:9-12). Sự vui vẻ trong đường lối này mới thật phước hạnh.

Nên biết rằng những thú vui trần gian cung ứng, chỉ chóng tàn và chẳng bao giờ làm thỏa mãn tâm hồn. Vì vậy, những cuộc vui chơi của đời không phải là cứu cánh của niềm vui chúng ta. Sự giải trí của người Cơ Đốc không phải vì mục đích mua vui, vì chúng ta đã có sự vui vẻ của Chúa ở trong lòng (Nê-hê-mi 8:10). Nhưng giải trí là cách để làm phấn khởi niềm vui, làm thoải mái tinh thần và sức lực để sẵn sàng trong cuộc sống phục vụ Chúa.

  1. Tiêu chuẩn của sự giải trí.

Để giữ vẹn tính chất và mục đích của sự giải trí, chúng ta nhớ vài nguyên tắc sau:

  1. Chọn những môn giải trí lành mạnh.
  2. Đánh giá môn giải trí hoặc là phim ảnh, sách báo, thể thao… Phim tôi xem, loại sách tôi đang đọc, thể thao tôi đang chơi có lợi ích gì?
  3. Không dự vào những cuộc giải trí có tính chất “ăn thua” tiền bạc. Những cuộc vui chơi như thế sẽ khêu gợi lòng ham muốn của xác thịt, là điều trái với tinh thần của người Cơ Đốc (Ga-la-ti 5:20-21).
  4. Không giải trí quá độ: Thì giờ giải trí nên có giới hạn. Sự quá độ sẽ mất vui và làm cho thân thể mệt mỏi thay vì được hồi sức.
  5. Giải trí trong sự tin kính Chúa và làm sáng Danh Ngài: Chẳng những chọn môn giải trí, chúng ta cũng cần lưu ý đến nơi chốn, môi trường giải trí có “lành mạnh” hay không? Và khi giải trí đừng quên chia sẻ niềm tin của chúng ta khi có cơ hội.
  6. Phương cách giải trí.

Có thể chia làm 2 loại:

  1. Giải trí cá nhân tùy theo sở thích của mỗi người, cũng như thích hợp với mỗi giai đoạn của tuổi tác.
  2. Giải trí cộng đồng: Hai hình thức thường thấy trong cách giải trí này là picnic và cắm trại.

Tóm lược

  1. Làm việc và nghỉ ngơi là luật của Chúa định vì nhu cầu của con người.
  2. Mục đích của sự nghỉ ngơi giải trí là bồi bổ lại sức khỏe và làm tươi mới lại tinh thần sau công việc mệt nhọc, để sống phục vụ Chúa.
  3. Sự giải trí của người Cơ Đốc là sự giải trí có tính chất trong sạch và lành mạnh.
  4. Những điểm cần trong tiêu chuẩn giải trí của người Cơ Đốc là: (1) Chọn lọc (2) Đánh giá (3) Tránh giải trí ăn tiền (4) Làm sáng Danh Chúa.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Xin bạn gợi ý một số các thú tiêu khiển có thể dùng cho sự giải trí của người Cơ Đốc (cá nhân và cộng đồng).
  2. Giờ nhàn rỗi của bạn có được dùng cho sự ích lợi của thân thể, tâm linh và làm vinh Danh Chúa không?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 26.01.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 26.01.2025

in NAM GIỚI on 24 Tháng Một, 2025

Chúa nhật 26.01.2025

  1. Đề tài: MÙA XUÂN BẤT TẬN.
  2. Kinh Thánh: Giăng 1:12, 2Cô-rinh-tô 5:17
  3. Câu gốc: Quả thật, trọn đời tôi phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi; tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài” (Thi thiên 23:6)
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Họp bạn.

* CHỈ DẪN: Họp bạn.

  1. Tham dự: Mời ban Nam giới của các Hội Thánh bạn tham dự Chương trình họp bạn.
  2. Chương trình: Nhiều tuần trước ngày họp bạn, mời đại diện các ban họp lại để cùng hoạch định chương trình và phân chia công tác:

– Thời gian, địa điểm, chủ đề, câu gốc, thể loại thực hiện…

– Phân chia trách nhiệm cho từng ban: Tập hát, làm chứng, đố Kinh Thánh, phần thưởng, sinh hoạt, hướng dẫn chương trình, ẩm thực… Mỗi ban chịu một số tiết mục.

  1. Tiết mục: Các tiết mục nên có trong ngày họp bạn là: Bài ca mới, ca ngợi và cảm tạ, đố vui, đố Kinh Thánh, kịch, trò chơi lớn…
  2. Bảng tên: Dự kiến số người tham dự và số người cho mỗi nhóm để chuẩn bị các màu giấy thích hợp cho việc chia nhóm, mỗi màu là một nhóm. Bảng tên phải ghi rõ tên và Hội Thánh để mọi người dễ làm quen. Sau đó mỗi nhóm cử một trưởng nhóm, một thư ký, điều khiển nhóm mình tham gia trò chơi và sinh hoạt.
  3. Phần thưởng: Phần thưởng cho sinh hoạt nhóm phải sử dụng phù hợp cho giờ thông công sau đó.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Tết đối với người Việt chúng ta là một ngày vô cùng đặc biệt. Vì không có nhiều ngày lễ hội trong năm, cho nên tất cả đều dồn vào ba ngày Tết. Có những người Mỹ đã từng ăn Tết ở Việt Nam nói rằng, Tết ở Việt Nam cũng giống như ba ngày lễ Độc Lập, lễ Tạ Ơn và lễ Giáng Sinh dồn chung lại! Và thêm vào đó cũng là sinh nhật của tất cả mọi người nữa, vì ai trong chúng ta cũng lên một tuổi vào dịp Tết. Tết là dịp cho chúng ta mừng Xuân, mừng tuổi, mừng Năm Mới. Tết vì vậy là nói đến một cái gì mới, thay đổi và tươi vui như Mùa Xuân. Người ta cũng thường ví sánh đời sống con người với những mùa trong cuộc đời. Tuổi trẻ là tuổi xuân và tuổi về chiều là mùa thu, mùa đông của đời sống. Quý vị đang ở vào tuổi của mùa nào tôi không rõ, nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ước ao luôn có được tuổi xuân trong đời sống. Tuổi xuân trong sức khỏe, trong tình cảm dạt dào cũng như tuổi xuân trong việc làm, trong công danh sự nghiệp.

Tuy nhiên trong thực tế, thì có lẽ cũng giống như Xuân Diệu đã viết:

Xuân chưa tới nghĩa là xuân đang qua,

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất…

Mùa Xuân đến rồi cũng sẽ đi trong cuộc đời, như vậy thì làm thế nào để có mùa Xuân mãi? Mùa Xuân, thật sự là mùa Xuân trong tâm hồn, một lần nữa cũng như chính Xuân Diệu đã viết trong bài thơ Xuân Không Mùa:

Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,

Mấy cành xanh năm bảy sắc yêu yêu.

Thế là xuân, tôi không hỏi chi nhiều,

Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng…

Mùa Xuân trong tâm hồn, đó là điều mỗi chúng ta cần có. Nhưng làm thế nào để có được mùa Xuân đó? Ba yếu tố quan trọng của mùa Xuân là sự sống, thay đổi và tươi mới. Mỗi năm vào mùa Thu thì lá bắt đầu vàng và rụng. Đến mùa Đông thì cây trụi lá, có những cây trông giống như những cành khô nhưng chúng ta biết sự sống, sức sống đang tiềm tàng trong những cành khô ấy. Mùa Xuân về, cây sẽ đâm chồi, nứt lộc. Chúng ta sẽ được trông thấy những lá xanh, những chùm hoa đẹp và rồi những trái ngọt. Tất cả đến từ sự sống trong cây. Sự sống đó đem lại thay đổi. Thay đổi từ bên trong, thể hiện ra bên ngoài và đem lại kết quả tươi đẹp. Đời sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta cần có sự sống, để rồi có thay đổi và sẽ luôn luôn tươi mới.

Sự sống thì ai trong chúng ta cũng có. Nhưng sống đây là sự sống thật, sự sống viên mãn, sống với đầy ý nghĩa. Chúng ta đang sống, nhưng nếu sống chỉ là những sinh hoạt của thể xác hay ngay cả những sinh hoạt của tâm hồn đi nữa, thì đó cũng chỉ mới là hiện hữu chứ không phải sống thật. Sống thật là sống đầy ý nghĩa, sống với mục đích và sống trong mối tương giao với nguồn sống là Đức Chúa Trời. Chúng ta sống mà thiếu tương giao với Chúa là Đấng tạo dựng chúng ta, là chúng ta không có sự sống thật. Chúng ta đang chết! Để có mùa Xuân trong tâm hồn, điều đầu tiên chúng ta cần có là sự sống, sự sống đến từ Đức Chúa Trời là Nguồn Sống. Nói về mối quan hệ Trời – người, Kinh Thánh luôn luôn dùng hình ảnh về sự sống. Người tin Chúa được gọi là người được sinh lại hay được tái sinh. Tái sinh không phải là đầu thai kiếp khác nhưng thật sự là được lột xác. Là chết đi con người cũ tội lỗi, xấu xa và có sự sống của một con người mới. Người tin Chúa được gọi là con của Đức Chúa Trời trong ý nghĩa là người đó được sinh ra trong gia đình của Chúa. Kinh Thánh dạy: “Ai nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền trở nên con Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12).

Tin Chúa thì trở nên con Chúa được sinh ra trong gia đình của Chúa, có sự sống của Chúa. Người tin Chúa không cố gắng làm một điều gì đó để thay đổi đời sống của mình, nhưng sự sống của Thiên Chúa tuôn trào trong người đó, và người đó tự nhiên được thay đổi như cây cỏ đến mùa Xuân thì được thay đổi. Sự thay đổi nầy mang tính cách liên tục, nghĩa là lúc nào cũng thay đổi cho nên đời sống sẽ luôn luôn tươi mới, lúc nào cũng là mùa Xuân.

Lời Chúa dạy: “Ai liên kết với Chúa Cứu Thế, người ấy là một tạo vật mới. Những gì cũ qua đi, mọi sự đều trở nên mới” (2Cô-rinh-tô 5:17)

Hai điều quan trọng ở đây là thay đổi đến từ bên trong và đời sống thay đổi hoàn toàn, không vá víu. Liên kết với Chúa Cứu Thế hay ở trong Chúa Cứu Thế, là để cho sự sống của Chúa tuôn tràn vào đời sống chúng ta như nhựa sống từ thân cây đưa vào cành cây. Tiến trình nầy bắt đầu từ đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa. Đức tin nối chúng ta vào sự sống của Ngài. Cái cây một khi đã có sự sống sẽ tự nhiên sinh hoa kết quả như Lời Chúa Giê-xu dạy:

“Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả vì ngoài Ta các con không làm gì được” (Giăng 15:5).

Như vậy, một đời sống tươi mới, một đời sống sinh hoa kết quả là đời sống nối liền với thân. Thân đây là chính Chúa Giê-xu mà chúng ta được nối liền, khi chúng ta có đức tin nơi Chúa và tiếp tục sống với đức tin đó. Phúc Âm là thông điệp của Đức Chúa Trời bảo chúng ta hãy từ bỏ con đường riêng mà quay trở về với Ngài. Đức Chúa Trời đã mở con đường để chúng ta có thể quay lại. Con đường đó là cái chết chuộc tội của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Con đường đã mở nhưng chúng ta phải lấy đức tin chấp nhận và bước đi trên con đường đó, để được kết nối với nguồn sống hầu cho chúng ta có được mùa Xuân miên viễn, mùa Xuân bất tận.

“Xuân chưa tới nghĩa là xuân đang qua…” nhưng Mùa Xuân trong Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ là Mùa Xuân còn mãi trong tâm hồn. Quý vị có muốn hưởng mùa Xuân bất tận đó không? Mời quý vị liên lạc với chúng tôi để hiểu rõ về mùa Xuân tươi đẹp, không bao giờ chấm dứt mà Đức Chúa Trời hứa ban cho bất cứ ai đặt lòng tin nơi Ngài.

Mục sư Nguyễn Thỉ – Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 19.01.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 19.01.2025

in NAM GIỚI on 24 Tháng Một, 2025

Chúa nhật 19.01.2025

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ MÊ TÍN, DỊ ĐOAN.
  2. Kinh Thánh: Phục Truyền 8:9-14; Giê-rê-mi 10:15; Ga-la-ti 4:8-10; Cô-lô-se 2:16,18.
  3. Câu gốc: “Vả, lúc trước anh em đương còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng” (Ê-phê-sô 5:8).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 16-18.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên Linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).

– Câu hỏi suy luận (giải thích việc xảy ra và tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

  1. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, Ủy viên Linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
  2. Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
  3. 5 phút giải thích và chia nhóm.
  4. 20 phút học Kinh Thánh.
  5. 10 phút tường trình.
  6. 5 phút đúc kết.
  7. Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
  8. Chia nhóm: Chia thành 2 hoặc 3 nhóm.
  9. Vị trí: Ủy viên Linh vụ chỉ định chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
  10. Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
  11. Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm có thể cử người làm trưởng nhóm và thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
  12. Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, Ủy viên Linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.
  13. Đọc Phục Truyền 18:9-14, xin cho biết:

(1) Đức Chúa Trời nghiêm cấm dân sự điều gì? (c.11-12).

(2) Vì sao Đức Chúa Trời nghiêm cấm điều đó?

(3) Bạn làm gì để giúp đỡ người bị bói khoa, tà thuật chi phối?

  1. Đọc Giê-rê-mi 10:1-5, xin cho biết:

(1) Đức Giê-hô-va phán dặn nhà Y-sơ-ra-ên điều gì?

(2) Vì sao Ngài phán dặn điều đó?

(3) Muốn được Đức Chúa Trời ban phước, bạn phải làm gì?

III. Đọc Ga-la-ti 4:8-10; Cô-lô-se 2:16,18, xin cho biết:

(1) Phao-lô cảnh tỉnh tín hữu điều gì?         

(2) Vì sao Phao-lô cảnh tỉnh điều đó?

(3) Bạn được Chúa cảnh tỉnh điều gì? Xin cho biết.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sống giữa vũ trụ bao la, con người cảm thấy mình bé bỏng, lạc lõng và run sợ trước những huyền nhiệm bao bọc chung quanh. Từ sự sợ hãi, con người đã bị rơi vào bóng tối của sự mê tín, dị đoan! Từ thuở xa xưa, sự mê tín, dị đoan cũng đã bắt đầu chi phối trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của con người. Trong các tôn giáo của loài người không thể không có sự pha trộn ít nhiều của các thứ mê tín, dị đoan. Vì bị phục dưới quyền lực của tội lỗi, người ta cũng bị dẫn dụ vào những sự tin tưởng nhảm nhí, chuyên chú vào các thứ chuyện huyễn hơn là hướng tìm lẽ thật! Chỉ muốn sao miễn là để cầu sự may mắn cho chính mình!

Mặc dầu theo đà tiến bộ của khoa học, có một số mê tín, dị đoan bị xóa bỏ. Một số nơi cho rằng mê tín, dị đoan là sự phản tiến bộ của nhân loại và chủ trương bài trừ. Tuy nhiên sự mê tín, dị đoan vẫn còn tiềm ẩn trong đời sống con người. Ngay trong thời đại này, tại các xứ văn minh cũng thấy còn lãng vãng bóng của các thứ mê tín, dị đoan! Là Cơ Đốc nhân, chúng ta có thái độ nào với vấn đề này?

  1. Mê tín, dị đoan là gì?

Trong tiếng Anh chỉ có chữ superstition nói về sự tin tưởng nhảm nhí. Trong tiếng Việt có hai chữ: Mê tín có nghĩa là tin một cách mù quáng, mê muội bất cứ một điều gì. Và dị đoan, có nghĩa là tin theo những điều kỳ quặc, những điều không có được!

Theo ý nghĩa trên, cho thấy mê tín và dị đoan đi đôi với nhau, cùng thuộc về một thứ tin tưởng nhảm nhí, vô căn cứ. Sự tin tưởng này đến từ sự sợ hãi, và sự sợ hãi là dấu hiệu của con cái tối tăm bị phục dưới quyền lực ma quỉ. Từ sự sợ hãi, người ta bị dẫn dụ đến sự tin tưởng ở một huyền bí vô hình đang bao bọc xung quanh mình. Cho nên thấy cái gì cũng sợ, cái gì cũng dễ tin. Như nghe tiếng mưa bão, sấm sét thì tin đó là thần nổi giận, thấy chim cú mèo đậu bên cạnh nhà sợ là điềm chẳng lành! Thấy núi cao hùng vĩ cũng sợ, thấy hòn đá sần sùi có hình thù lạ thì cũng sợ, tin là thần linh! Vì vậy sự mê tín, dị đoan sẽ dẫn con người đi trong bóng tối tăm của sự chết và vô vọng mà thôi! (Giê-rê-mi 10:8).

  1. Thái độ của người Cơ Đốc đối với sự mê tín dị đoan.

Những mê tín, dị đoan nói trên chẳng qua là một hình thức thờ “thần may mắn” và “thần hộ mệnh”, để người ta được yên ổn và thịnh vượng vật chất, mặc dầu phải chịu phục dưới quyền lực ma quỉ!

Vì vậy trong niềm tin thuần túy của người Cơ Đốc, chúng ta không chấp nhận sự mê tín, dị đoan dưới bất cứ hình thức nào. Vì chúng ta được kêu gọi đến đời sống bởi đức tin, chớ không phải mê tín. Đối với mê tín, dị đoan, người Cơ Đốc cần bày tỏ ba điều này trong nếp sống hằng ngày của mình: (1) Trở nên người sáng láng trong Chúa. (2) Bước đi bởi đức tin. (3) Bước đi như các con sáng láng (2Cô 5:7; Êph 5:8).

Với nếp sống tự do trong Đấng Christ:

  1. Chúng ta không tin bất cứ điều gì mà không có căn bản của Kinh Thánh, dầu điều đó mang danh “Cơ Đốc”, như bùa xá tội, quỳ lạy trước tượng các thánh, phép mầu cứu độ của Đức Mẹ…
  2. Chúng ta không thờ thần may mắn, thần hộ mệnh từ các đồng bóng. Chỉ có Đức Chúa Trời là cao cả, Đấng duy nhất có quyền ban phước, giáng họa trên loài người (Giê-rê-mi 10:10).
  3. Chúng ta không phải kiêng ngày, giờ. Vì các ngày thuộc về Chúa, Ngài là Đấng nắm giữ tương lai của mọi người (Thi 139:13-16).
  4. Chúng ta nên dẹp bỏ những gì đang giữ, đang treo, đang mang trong người với ngụ ý may mắn, cũng không nên tính tuổi, tính ngày giờ theo con giáp, vì đó chỉ là những hình thức dị đoan, bói khoa mà người sống trong ánh sáng của Chúa không thể nào hòa nhập.

Tóm lược

  1. Mê tín, dị đoan là hình thức của sự thờ lạy thần may mắn và thần hộ mệnh.
  2. Đức tin trái hẳn với sự mê tín, dị đoan vì: Đức tin của người Cơ Đốc có đối tượng bất biến là Đấng Christ và nền tảng vững chắc là Kinh Thánh, lời khải thị của Đức Chúa Trời.
  3. Sự cầu hỏi đồng bóng và thờ thần tượng là điều Đức Chúa Trời nghiêm cấm dân sự Ngài.
  4. Đối với sự mê tín, dị đoan, sự đáp ứng của người Cơ Đốc trong nếp sống hằng ngày là: Trở nên người sáng láng, bước đi bởi đức tin và bước đi như con cái sáng láng.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1a. Xin kể vài thứ mê tín, dị đoan của người Việt mà chúng ta thường nghe đến.

  1. Xin kể vài thứ mê tín, dị đoan của người Tây phương.
  2. Trong lịch sử Cơ Đốc giáo, có những “mê tín, dị đoan” nào “tràn vào” Hội Thánh Chúa?
  3. Trong xã hội ngày nay, mê tín, dị đoan có thể thấy trong những hình thức nào?
  4. Bạn đang sống bởi đức tin trong Đấng Christ, hay có những mê tín, dị đoan nào khiến bạn sợ hãi? Bạn đang bước đi với Chúa trong sự tự do của Ngài không?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 12.01.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 12.01.2025

in NAM GIỚI on 24 Tháng Một, 2025

Chúa nhật 12.01.2025

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ TẬP TỤC.
  2. Kinh Thánh: Giê-rê-mi 10:1-5; Ga-la-ti 4:8-10; Ê-phê-sô 5:8-11.
  3. Câu gốc: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 13-15.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Cơ Đốc nhân nên sống theo tập tục của đời.

Đề tài 2: Cơ Đốc nhân không được sống theo tập tục của đời.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Thế giới loài người có nhiều dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa phong tục hay tập tục riêng biệt. Cho nên khi chúng ta đi đến một nơi khác thì phải hiểu văn hóa và phong tục của nơi đó để có thể thích ứng, hòa nhập với hoàn cảnh mới.

Có thể chúng ta sẵn sàng đón nhận các tập tục mới, như người Việt có câu “Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục” (vào sông tùy khúc, vào nhà tùy tục), nghĩa là ở đâu theo tục lệ ở đó. Hoặc có thể chúng ta nghĩ rằng người Cơ Đốc không nên sống theo các tập tục của những nơi đó!

Những ý nghĩ trên có đúng không? Trong môi trường sống, Cơ Đốc nhân cần có thái độ thế nào đối với tập tục?

  1. TẬP TỤC VÀ LẼ THẬT KINH THÁNH.

Tập tục hay phong tục nói chung chỉ về thói quen hoặc truyền thống của nhiều người theo dòng thời gian lâu ngày và được đúc kết thành một khuôn khổ nhất định. Mỗi tập thể có sắc thái riêng biệt của nó, hoặc đó là phản ảnh của tín ngưỡng tôn giáo, hoặc đó là sự mê tín, dị đoan, hay do ảnh hưởng từ nền văn hóa dân tộc về mặt luân lý đạo đức, luật pháp, nghệ thuật… Cho nên tập tục có thể là thuần phong mỹ tục, hay là đồi phong bại tục tùy thuộc vào trình độ văn hóa và luân lý đạo đức của mỗi dân tộc. Tập tục có thể lưu truyền gây ảnh hưởng cho người khác trong thời gian nào đó, hay bị mất hoặc biến đổi tùy theo ý niệm đạo đức và trào lưu văn hóa của con người trong mỗi thời đại. Như tập tục chôn sống vợ chung với chồng khi chồng chết ở Ấn Độ ngày nay không còn nữa!

Điểm chúng ta cần phân biệt rõ là tập tục không phải là Lẽ thật. Có thể có tập tục thích hợp với niềm tin chúng ta, cũng có tập tục hoàn toàn trái ngược với Lẽ thật Kinh Thánh. Tập tục bị thay đổi cũ mòn theo thời gian, nhưng Lẽ thật Kinh Thánh tồn tại với thời gian. Như thế trước những tập tục, điều quan trọng là chúng ta cần tìm hiểu bối cảnh của phong tục ấy có phù hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh hay không.

  1. SỰ CẢNH CÁO CỦA KINH THÁNH VỀ TẬP TỤC.
  2. Chớ theo tập tục của đời.

Trên cuộc hành trình vào đất hứa, Đức Chúa Trời đã nghiêm trọng phán dặn tuyển dân Y-sơ-ra-ên hai điều: Chớ theo các tập tục của dân ngoại và cẩn thận vâng theo luật pháp, mạng lệnh của Đức Giê-hô-va. Trước khi vào đất hứa, dân Y-sơ-ra-ên đã từng sống nhiều năm tại xứ Ai Cập, là dân thờ tà thần. Và tại xứ Ca-na-an, dân Y-sơ-ra-ên cũng phải đối đầu với các dân tộc bản xứ thờ hình tượng. Họ có những thói tục rất là gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời như việc đưa con cái qua lửa để tế thần Mo-lóc và băng hoại trong lối sống đồng tính luyến ái (Lê-vi 18:1-5, 21-23, 30). Cho nên hai điều Đức Chúa Trời phán bảo trên, có nghĩa con dân Chúa là người được Chúa lựa chọn và cứu chuộc, được kêu gọi ra khỏi thế gian để sống theo đường lối của Chúa chớ không phải sống theo thói tục của đời.

  1. Chớ trở lại lề thói cũ.

Trong thời Tân ước, sứ đồ Phao-lô cũng đã cảnh cáo các tín hữu Ga-la-ti chớ bỏ đức tin mà trở lại lề thói cũ. Vì bởi đức tin trong Đấng Christ, họ đã được giải cứu khỏi các tập tục của đời, khỏi các lề lối của nghi thức tôn giáo. Như thế lời khuyên trong Ga-la-ti 4:8-11, có nghĩa con cái Chúa là người được kêu gọi đến sự tự do trong Đấng Christ và sống theo Lẽ thật của Ngài, chớ không phục dưới thói tục của đời.

  1. THÁI ĐỘ CỦA CƠ ĐỐC NHÂN ĐỐI VỚI TẬP TỤC CỦA ĐỜI.

Theo lời khuyên dạy của Kinh Thánh, với những tập tục trái với niềm tin của Cơ Đốc nhân, chúng ta cần có thái độ như thế nào?

  1. Đừng làm theo đời này nhưng hãy biến hóa (Rô-ma 12:2).

Vì Cơ Đốc nhân được gọi đến đời sống mới trong Đấng Christ, một đời sống biến hóa chớ không phải đồng hóa với tập tục xấu của thế gian.

  1. Chớ tham dự vào công việc của sự tối tăm (Êph 5:8-11).

Vì chúng ta là con cái của sự sáng, dĩ nhiên chúng ta không chủ tâm chống nghịch các tập tục của đời. Nhưng điểm quan trọng là sự bày tỏ thái độ không tham dự vào những tập tục trái với niềm tin chúng ta.

 Trong lịch sử Hội Thánh, khi Cơ Đốc giáo bắt đầu rao giảng cho các dân ngoại, các sứ đồ đã từng bị bắt bớ và tố cáo là “người phá hoại”, làm đảo lộn thói tục của họ! Và trải qua mọi thế đại, tập tục của đời vẫn là một thách thức cho nếp sống đạo của người Cơ Đốc, nhất là trước những tập tục hoàn toàn trái ngược với tín lý của mình: Sống theo Lẽ thật của Chúa hay theo thói tục của đời? Đây là sự trả giá của niềm tin chúng ta.

Tóm lược

  1. Chớ bắt chước theo các tập tục xấu của đời và hãy cẩn thận vâng giữ điều răn Chúa, là hai điều Đức Chúa Trời phán dặn dân sự Ngài.
  2. Cơ Đốc nhân là người được kêu gọi để sống theo Lẽ thật của Chúa chớ không phải theo tập tục của đời.
  3. Sự từ bỏ đức tin và trở lại lề thói của thế gian là trở lại trong sự nô lệ của quyền lực tội lỗi và tối tăm.
  4. Với các tập tục của đời, thái độ của Cơ Đốc nhân là: (1) Xem xét tập tục ấy có trái với tín lý Kinh Thánh hay không. (2) Không bắt chước, không tham dự các tập tục trái với niềm tin Cơ Đốc.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  2. Lê-vi ký 18:21-23: Xin kể vài thói tục của dân ngoại, tức dân thờ tà thần.
  3. Lê-vi ký 18:1-5; Giê-rê-mi 10:1-2: Đức Chúa Trời nghiêm cấm dân Y-sơ-ra-ên điều gì? Và phán dạy họ làm điều gì? Tại sao?
  4. Ga-la-ti 4:8-11: Phao-lô cảnh cáo tín hữu Ga-la-ti điều gì? Tại sao?
  5. Phong tục và tập tục nào của người Việt không hợp với tín lý của Kinh Thánh?
  6. Bạn có bị đồng hóa với tập tục xấu nào của đời không? Bạn có bước đi trong sự vâng phục lẽ thật của Chúa chưa?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 05.01.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 05.01.2025

in NAM GIỚI on 23 Tháng Một, 2025

Chúa nhật 05.01.2025

  1. Đề tài: CƠ ĐỐC NHÂN VÀ TRANG PHỤC.
  2. Kinh Thánh: Sáng 3:7,21; Ma-thi-ơ 6:30-33; 1Phi-e-rơ 3:3.
  3. Câu gốc: “Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt…” (1Phi-e-rơ 3:3b).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 10-12.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người (Mục sư, Truyền đạo) chia sẻ từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ, để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Nam giới. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. Người Cơ Đốc có quan điểm thế nào trong vấn đề ăn mặc?

Ăn mặc là hai điều người đời thường chú trọng, có thể vì hai lý do:

(1) Trong cuộc sống ngắn ngủi, trong công việc nhọc nhằn, người ta suy nghĩ, ở đời có gì hơn là “ăn sung mặc sướng!”

(2) Người đời thường xét giá trị bên ngoài: Mặc dầu người Việt chúng ta có câu “chiếc áo không tạo thành thầy tu” nhưng “…mất chúng, mất bạn cũng vì mày áo ơi!”

Như thế, ăn mặc có phải là điều cần thiết nhất không? Nói chung, ăn mặc, hưởng thụ công lao khó nhọc không có gì là sai. Tuy nhiên, nếu đặt nặng vấn đề trang phục mà bỏ qua tấm lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời, và sự trau dồi đức tính bên trong là điều không xứng hiệp với đời sống của Cơ Đốc nhân (Ma-thi-ơ 6:25,28-29,30-33; 1Tim 2:9; 1Phi 3:3). Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh chúng ta học biết những điểm sau:

  1. Mặc gì? Không phải là cứu cánh của người Cơ Đốc trong đời này. Với người Cơ Đốc, chúng ta không phải sống để mặc. Thân thể không phải vì đồ mặc, nhưng vì Chúa.
  2. Vẻ đẹp thật của con người không nằm trong áo quần thời trang đắt giá, nhưng ở trong các đức tính bên trong. Chúa Giê-xu đã từng ví chiếc áo sang trọng của vua Sa-lô-môn không đẹp bằng hoa huệ dại mọc trong đồng ruộng do Chúa tạo nên.

Vì vậy, nét đặc thù của Cơ Đốc nhân trong cách trang phục là kín đáo, đơn giản, thích hợp và không se sua. Nghĩa là trang phục bên ngoài của chúng ta phải như thế nào để phản ánh được nếp sống thanh sạch, đơn thuần của con cái sáng láng trong thế gian tối tăm tội lỗi này.

  1. Vấn đề tự do ăn mặc.

Đồng ý ăn mặc là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, nếu dùng quyền tự do cá nhân để ăn mặc phóng túng theo sự thỏa thích lòng ham muốn xác thịt, là điều cần phải xét lại. Trong 1Cô-rinh-tô 6:12, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta: “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích…”. Trong cách trang phục, chúng ta cần lưu ý đến hai điểm thích hợp và thích nghi. Nghĩa là sự ăn mặc của chúng ta phải thích hợp tùy trường hợp, hoàn cảnh. Như vậy, không phải vì muốn được thoải mái, chúng ta “tự do” mặc đồ thể thao đi nhà thờ! Mỗi Cơ Đốc nhân được khuyến khích trang phục “chỉnh tề” mỗi khi đi thờ phượng Chúa. Biết rằng bộ áo bên ngoài không làm nên người thờ phượng thật, nhưng người thờ phượng thật cần có cách ăn mặc tương xứng khi đến ra mắt Chúa tôn nghiêm trong đền thánh Ngài (2Sa-mu-ên 12:20).

Sự ăn mặc chỉnh tề khác với sự se sua áo quần, là điểm chúng ta cần phân biệt. Sự mặc đồ đẹp, đồ sang trọng đi thờ phượng Chúa không có gì sai. Tuy nhiên, nếu trong cộng đồng Hội Thánh của bạn, phần lớn anh em tín hữu là người thiếu thốn, thì chúng ta cần nhạy cảm và tế nhị về cách ăn mặc của mình. Tóm lại, người Cơ Đốc luôn nhớ rằng, ăn mặc không phải chỉ cho mình, nhưng coi chừng gây cớ vấp phạm cho người khác, là điều chúng ta nên tránh.

Tóm lược

  1. Với Cơ Đốc nhân, thời trang không phải là cứu cánh trong cách ăn mặc. Thời trang mà thiếu sự lựa chọn thích đáng là điều chẳng xứng hiệp với con cái sáng láng.
  2. Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, cách trang phục của người Cơ Đốc cần được đặt trên những nguyên tắc như sau: Đứng đắn, kín đáo, đơn giản, thích hợp và thích nghi.
  3. Điều người Cơ Đốc nên tránh trong cách ăn mặc là chạy theo thời trang cách mù quáng, se sua áo quần và không kín đáo.
  4. Sự ăn mặc sang trọng mà thiếu sự trau dồi đức tính bên trong, thì chưa phải là đẹp thật.
  5. Người Cơ Đốc nên nhớ chẳng phải là mặc cho mình, nhưng còn vì người khác và vì Danh Chúa.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Xin cho biết: Có phải tất cả kiểu trang phục thời trang đều là tốt không? Tại sao? Chạy theo thời trang là điều lợi hay hại? Xin giải thích.
  2. Trong Ma-thi-ơ 6:30-33; 1Ti-mô-thê 2:9: Đặt nặng thời trang trong cách ăn mặc là điều thích hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh không? Tại sao?
  3. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  4. Xuất 20:26; 28:40-43: Tại sao cần sự kín đáo trong cách ăn mặc?
  5. Chữ “quần áo loè loẹt” trong 1Phi-e-rơ 3:3 có nghĩa gì?
  6. 1Ti-mô-thê 2:9; 1Phi-e-rơ 3:3: Trong cách ăn mặc, điều nào chúng ta nên tránh và điều nào chúng ta nên lưu ý đến? Và trên hết, chúng ta nên tìm kiếm điều gì? Tại sao?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 01.12.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 01.12.2024

in NAM GIỚI on 26 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 01.12.2024

  1. Đề tài: TẠI SAO TÔI CẦN PHẢI THEO ĐẠO TIN LÀNH?
  2. Kinh Thánh: Châm 14:12, Công Vụ 4:12, Giăng 14:6.
  3. Câu Gốc: “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ 4:12).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 25.08.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

“Tôi đã có đạo rồi, tại sao tôi cần phải theo Đạo Tin Lành?”

Người Việt ta hay nói theo đạo là đi đạo. Điều nầy ngầm ý nói đến một con đường. Đạo là con đường. Nhưng con đường ta đang đi dẫn ta đến đâu, có đúng hay không là điều vô cùng quan trọng. Con đường nầy quyết định số phận đời đời của mỗi con người chúng ta. Giả sử như ta đang đi đường đến một nơi mà ta chưa hề đặt chân tới, khi có người địa phương biết ta đi lạc và bảo ta đi lại cho đúng hướng, thì ta sẽ làm gì? Dĩ nhiên ta cần điều chỉnh lại cho đúng hướng đi. Hoặc giả ta đang sắp chết đuối giữa biển khơi, nguy hiểm đến tính mạng, nếu có người đem tàu cấp cứu đến cứu giúp, ta lại từ chối hay sao? Hỏi tức là trả lời rồi vậy.

Các giáo chủ đời nầy thường chỉ hướng cho chúng sinh tự đi tìm chân lý hoặc bảo hãy tự thắp đuốc mà đi, nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu thì tuyên bố rõ “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Thử hỏi ai biết rõ đường lên Thiên đàng phước hạnh cho bằng Chúa Giê-xu, là Đấng đã chiến thắng sự chết và sống lại khải hoàn? Kính mong quí vị suy xét để chọn con đường theo Chúa Giê-xu, là con đường duy nhất trên thế gian nầy. Kinh Thánh chép “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời nầy chẳng có Danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Công vụ 4:12). 

Có nhiều người Việt Nam muốn trở lại cùng Chúa nhưng còn ngại ngùng vì một vài mối lo sợ không chính đáng. Chẳng hạn, sợ thần linh hoặc ông bà trách phạt, sợ người ta nói mình không trung thành với tôn giáo cũ, sợ bạn bè cho là mình yếu đuối, sợ tội lỗi nhiều không biết Chúa có tha không, sợ theo Chúa thì đành bỏ hết những thú vui tạm bợ trần gian… Nhưng thưa bạn, chúng ta trở về với Đức Chúa Trời là Cha, là Đấng Tối Cao thì còn sợ ai?

Ngài sẽ tiếp đón, bảo vệ chúng ta và dìu dắt chúng ta đi. Còn gì phước hạnh hơn khi tội chúng ta được Chúa tha, linh hồn được Chúa cứu? Trái lại còn gì khủng khiếp hơn khi lìa đời kêu: “Trời ơi!” chỉ để nghe được Chúa phán: “Ta không hề biết ngươi” hoặc được Chúa phán: “Hãy quăng nó ra ngoài là nơi có khóc lóc và nghiến răng”. Chúa Giê-xu đã từng cảnh cáo, “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26).

Có nhiều người Việt Nam hiện không thiếu gì về phương diện vật chất, nhưng phần tâm linh thì khô khan, trống vắng. Đời sống gia đình và bản thân buồn bã, cô đơn, sống không thấy ý nghĩa. Xin hãy nghe Chúa Giê-xu mời gọi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28-30). 

Thánh Kinh cho biết, khi một người từ bỏ con đường lầm lạc và quay trở về cùng Chúa thì cả Thiên đàng sẽ hoan hỉ vui mừng. Chúa Giê-xu cho biết, “Ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng rỡ cho một kẻ có tội ăn năn” (Lu-ca 15:10). Cụ thể nhất là mọi người thật lòng trở về cùng Chúa, đều hưởng được bình an và vui mừng. Kinh Thánh chép về người thâu thuế thành Giê-ri-cô là Xa-chê, người cai ngục thành Phi-líp, người đội trưởng La-mã ở thành Sê-sa-rê…

Những người nầy đều đã cùng với cả gia đình mở tiệc ăn mừng vì được trở lại cùng Chúa. Kinh Thánh cũng chép người phụ nữ Sa-ma-ri đã hớn hở vui mừng giới thiệu Chúa cho đồng hương của mình sau khi được đích thân gặp Chúa. Kinh Thánh còn mô tả phước hạnh của người quay về cùng Chúa chẳng khác gì người tìm được kho báu, người con đi hoang trở về được cha tiếp đón, người mù được sáng, người nô lệ được tự do, người mắc nợ lớn được tha, và người chết sống lại.

Niềm vui này cũng rất thật và sâu sắc đối với hàng tỉ người đang theo Chúa trên khắp thế giới ngày nay. Rất mong chính bạn cũng từng trải được kinh nghiệm bình an vui thỏa này trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Mục sư Nguyễn Văn Huệ (Theo TinLanhHyvong.com)

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.11.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.11.2024

in NAM GIỚI on 19 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 24.11.2024 – Lễ Tạ Ơn

  1. Đề tài: TẠ ƠN CHÚA TRONG MỌI HOÀN CẢNH.
  2. Kinh Thánh: Phi-líp 4:4-7,19, 2Cô-rinh-tô 9:9,14.
  3. Câu Gốc: Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” (2Cô-rinh-tô 9:15).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 1-3.
  5. Thể loại: Tâm tình.

* CHỈ DẪN: Tâm tình.

  1. Vì là ngày Lễ Tạ ơn, ban Nam giới cần chuẩn bị các bài Thánh ca để tôn vinh Chúa.
  2. Các ban viên có lời tâm tình, chia sẻ những ơn phước Chúa ban để khích lệ nhau.
  3. Sinh hoạt trò chơi – Thông công.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Ông Gióp được Đức Chúa Trời chứng nhận là một người trọn vẹn, ngay thẳng, kính sợ Chúa và lánh mọi điều ác. Dù vậy, ông cũng trải qua sự thử thách vô cùng lớn lao: Tất cả con của ông đều chết cách đau đớn, tài sản bị cướp mất và bản thân ông bị bệnh tật hành hạ khổ sở. Trong cơn thử thách nặng nề đó, ông không hề oán trách Chúa; trái lại, ông đã thốt lên: “Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng chúc tụng Danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1:21).

Thông thường, chúng ta rất dễ tạ ơn Chúa trong thuận cảnh. Về phần thể xác, khi chúng ta được Chúa ban phước, có cuộc sống thịnh vượng, khỏe mạnh, giàu có. Về phần tinh thần, khi chúng ta được khôn ngoan, được tôn trọng, được yêu mến, vị nể v.v… Nếu gặp thử thách giống như ông Gióp, chắc chúng ta cũng không khác vợ của ông: Rủa sả và mong chết đi cho thoát khỏi sự đau đớn. Dù rất khó tôn ngợi, cảm tạ Chúa trong đau buồn, nhưng từ những đau thương của đời sống, vẫn có nhiều thánh đồ để lại những bài ca an ủi, nâng đỡ biết bao người, một trong những người đó là thi sĩ khiếm thị Fanny J. Crosby, một trong nhiều bài Thánh ca của bà mà đa số chúng ta đều biết: “Chỗ Kẽ Đá Vững An”.

Bất cứ lúc nào và dù thế nào chúng ta vẫn tôn ngợi, cảm tạ Chúa vì biết đường lối và chương trình của Ngài luôn kỳ diệu, khôn ngoan và tốt nhất cho cuộc đời của những người thuộc về Ngài. Khi biết tin cậy, đầu phục Chúa, chúng ta sẽ luôn tôn ngợi và cảm tạ ơn Chúa trong mọi cơn giông bão của cuộc đời.

Người yếu đuối thuộc linh dù sống trong hoàn cảnh nào cũng không thấy thỏa lòng. Trái lại, người có đời sống tâm linh mạnh mẽ thì luôn thỏa lòng và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Người đó sẽ nói: Chúa ban cho, tôi cảm tạ ơn Ngài. Chúa cất hết mọi thứ tôi đang có, tôi cũng tạ ơn Chúa vì tôi tin rằng Ngài có chương trình tốt hơn cho cuộc đời tôi. Tôi ngợi ca Chúa không thôi.

Làm sao để có thể tạ ơn và tôn ngợi Chúa trong nghịch cảnh? Chúng ta phải học Lời Chúa để biết ý định, đường lối và chương trình của Chúa, luôn học tin cậy nơi tình yêu, đường lối khôn ngoan của Chúa thì chúng ta mới kinh nghiệm được điều nầy.

Nhìn lại những ngày theo Chúa, bạn tạ ơn Ngài trong nghịch cảnh nhiều hơn hay than vãn nhiều hơn? Bạn có quyết định gì sau khi học bài nầy?

“Lạy Chúa, xin mở mắt con để con thấy sự lạ lùng trong chương trình và đường lối của Ngài. Con tin cậy nơi Ngài và biết rằng chương trình, ý muốn và đường lối của Ngài là tốt lành nhất cho con.   

Văn Phẩm Nguồn Sống

  • Câu hỏi suy ngẫm: 

Khi gặp nghịch cảnh, bạn có thái độ nào? Làm sao để chúng ta có thể nói được như ông Gióp? “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, tôi cũng sẽ trần truồng trở về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng chúc tụng Danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1: 21).