CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI CHÚA NHẬT.20.10.2019
in NAM GIỚI on 20 Tháng Mười, 2019
Chúa nhật 20.10.2019.
- Đề tài: NIỀM TIN CỦA SỰ SỐNG LẠI.
- Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 15:1-19.
- Câu gốc: “…Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo Lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh…” (1Cô-rinh-tô 15:3-4).
- Đố Kinh Thánh: Khải 17-19.
- Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.
* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.
- Mời người hướng dẫn học Kinh Thánh.
- Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn. Cần lưu ý khi soạn, số câu hỏi phải tương ứng với nội dung của từng phần để có thể khai triển đúng mục tiêu của bài học.
- Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để các bạn phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
- Người hướng dẫn chỉ nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp) hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết.
- Xin soạn 2-3 cụm câu hỏi, mỗi cụm có 3 phần: Sự kiện, ý nghĩa, áp dụng.
Sau đây là một số câu hỏi học Kinh Thánh bạn có thể tham khảo.
(1.1) Từ câu 1-4 cho biết Tin Lành mà Phao-lô rao giảng gồm có hai yếu tố căn bản nào?
(1.2) Xin giải thích tại sao hai yếu tố đó là quan trọng?
(1.3) Hai yếu tố đó quan trọng như thế nào trong đời sống đức tin của bạn?
(2.1) Từ câu 5-11 cho biết các lần hiện ra của Chúa Giê-xu.
(2.2) Các lần hiện ra của Chúa Giê-xu minh chứng điều gì?
(2.3) Bạn sẽ nói những gì để minh chứng cho sự sống lại của Chúa Giê-xu? Vì sao bạn nói những điều đó?
(3.1) Từ câu 12-19 mô tả điều gì về sự sống lại của Chúa Giê-xu?
(3.2) Vì sao đức tin của người Cơ đốc trở nên có giá trị khi tin vào sự sống lại của Chúa Giê-xu?
(3.3) Sự sống lại của Chúa Giê-xu có giá trị như thế nào trên đời sống bạn?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Sự chết và sự sống lại của Đấng Christ là hai điều không thể tách rời trong sứ điệp Tin Lành của Phao-lô.
Phao-lô không chỉ rao giảng về sự chết của Chúa Giê-xu nhưng ông còn là một nhân chứng về sự sống lại của Ngài nữa. Phao-lô đã xác chứng thế nào về sự sống lại của Đấng Christ? Tại sao sự sống lại của Ngài có liên quan đến niềm tin về sự sống lại của người Cơ đốc?
- DẪN GIẢI.
- Bằng chứng về sự sống lại của Chúa Giê-xu (15:1-18).
Sự sống lại của Chúa Giê-xu là điều chắc chắn, được Phao-lô trình bày qua những dẫn chứng sau đây:
- Sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Kinh Thánh (c.1-4).
Từ câu 1-2, Phao-lô nhắc cho tín hữu Cô-rinh-tô biết rằng Tin Lành mà ông rao giảng là Tin Lành được lập trên sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu. Và hai điều nầy đã được xảy ra trong lịch sử nhân loại đúng như dự ngôn của Kinh Thánh qua các đấng tiên tri gần năm trăm năm trước đó. Chính Chúa Giê-xu cũng đã nói trước về sự chết và sự sống lại của Ngài. Nên khi Chúa sống lại các môn đồ nhớ Lời Chúa phán trước kia và hiểu lời tiên tri, bèn tin Ngài (Ê-sai 53; Giăng 20:8-9; Thi 16:10; Mat 16:21-23; Công vụ 26:23).
- Sự hiện ra của Chúa Giê-xu (c.5-11).
Sự sống lại của Chúa Giê-xu là một sự thật chớ không phải là điều tưởng tượng trong trí của môn đồ. Cũng không phải Ngài sống lại trong thần linh như một số người chủ trương. Vì chính Chúa đã hiện ra và bảo Thô-ma, vốn là người nghi ngờ rằng: “Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta, cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta…” (Giăng 20:27).
Sau đây là bảng liệt kê những nhân chứng về sự sống lại của Chúa Giê-xu theo thứ tự sự hiện ra của Ngài:
(1) Chúa hiện ra cho Sê-pha tức Phi-e-rơ (c.5). Có thể Phao-lô ám chỉ về sự kiện Chúa gặp Phi-e-rơ trên bờ biển Ga-li-lê để phó thác sứ mạng “Hãy chăn chiên Ta” (Giăng 21:27).
(2) Chúa hiện ra cho mười hai sứ đồ, dĩ nhiên không có Giu-đa Ích-ca-rốt (c.5).
(3) Chúa hiện ra cho năm trăm môn đồ. Có thể đây là lần hiện ra sau cùng trước khi Chúa về trời (Công vụ 1:10-11). Trong khi Phao-lô viết thơ này thì phần đông số người thấy Chúa hiện vẫn còn sống (c.7).
(4) Chúa hiện ra cho Gia-cơ (c.7). Nhiều nhà giải kinh cho rằng Gia-cơ này không phải là một trong các sứ đồ, nhưng là em của Chúa Giê-xu về phần xác, vì lúc trước, Gia-cơ không tin Ngài. Nhưng sau khi Ngài sống lại, Gia-cơ tin Chúa và trở thành lãnh đạo quan trọng trong Hội Thánh đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem (Mat 13:55; Giăng 7:5; Công vụ 1:14; 12:17; 15:3; 21:18).
(5) Chúa hiện ra cho Phao-lô. Đối với anh em sứ đồ trước ông, Phao-lô ví sánh mình như một “thai sanh non”, là người sau cùng gặp được Chúa, đây là vinh hạnh lớn. Nhưng Phao-lô cảm thấy không xứng đáng chi bởi vì ông đã từng bắt bớ Hội Thánh của Đấng Christ. Cho nên Phao-lô nhận biết sự kiện ông gặp Chúa trên đường Đa-mách và được Ngài kêu gọi làm sứ đồ dân ngoại là đặc ân lớn bởi ân điển Ngài (Công vụ 9).
Vì vậy, Phao-lô đem hết tâm lực lao khổ vì Tin Lành đáp lại phần nào ân điển lớn mà Chúa đã ban cho ông (c.8-11).
- Từng trải về đời sống được đổi mới bởi quyền năng Tin Lành chứng thực sự sống lại của Chúa Giê-xu.
Từ c.12-18, Phao-lô dùng hệ quả để biện minh cho sự sống lại của Chúa Giê-xu.
Theo nguyên tắc đại diện: Chúa Giê-xu là trái đầu mùa của sự sống lại, nghĩa là: Chúa sống lại thì những kẻ chết trong Chúa sẽ sống lại. Phao-lô bắt đầu lý luận bằng cách đặt vấn đề:
– Nếu kẻ chết không sống lại như số người nghi ngờ, thì Đấng Christ không sống lại.
– Nếu kẻ chết thật không sống lại, thì Đức Chúa Trời cũng không khiến Đấng Christ sống lại.
Như vậy, Phao-lô là kẻ chứng dối cho Đức Chúa Trời vì cớ giảng sự sống lại của Đấng Christ và người tin vẫn còn ở trong tội lỗi. Nhưng thực sự đời sống của tín hữu đã được giải cứu bởi quyền năng của Tin Lành. Như vậy, Phao-lô không phải là kẻ chứng dối (Rô-ma 1:16). Do đó Chúa Giê-xu thật đã sống lại.
- Lẽ cần về sự sống lại của Chúa Giê-xu (c.1-2,12-19).
Tin Lành mà Phao-lô rao giảng được đặt trên nền tảng về sự chết và sự sống lại của Đấng Christ. Hai yếu tố căn bản này làm thành sự cứu rỗi trọn vẹn cho kẻ tin: Nhờ sự chết của Chúa, chúng ta được tha tội, nhờ sự sống lại của Chúa chúng ta được giải cứu khỏi sự chết (Rô 3:24-25; 4:25; 8:11,18-23). Vì lẽ cần này Phao-lô nêu lên nhiều dẫn chứng giúp các tín hữu biết chắc Chúa Giê-xu thật đã sống lại. Vì sự sống lại của Ngài là nền tảng của niềm tin về sự sống lại của Cơ Đốc nhân, nếu không thì đức tin trở nên vô ích. Chữ vô ích có nghĩa là nói về đức tin mù quáng, không mục đích. Vì cớ chúng ta được cứu bởi đức tin và trong niềm hy vọng về sự sống lại, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta. Phao-lô nói, nếu không có sự trông cậy này thì trong đời này chúng ta là kẻ đáng thương nhất (c.19).
Tóm lại: Biết chắc về sự sống lại của Chúa sẽ làm vững niềm tin của chúng ta về sự sống lại.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Theo c.1-5, Tin Lành mà Phao-lô rao giảng gồm có hai yếu tố căn bản nào? Tại sao hai yếu tố đó là quan trọng?
- Từ c.1-18, Phao-lô đã dùng dẫn chứng nào để tỏ rằng Đấng Christ thật đã sống lại?
- Qua các dẫn chứng trên, theo bạn dẫn chứng nào là mạnh nhất? Xin giải thích lý do.
- Tại sao Phao-lô muốn cho các tín hữu Cô-rinh-tô biết rõ sự sống lại của Đấng Christ là điều chắc chắn? (c.1-2).
- Điều Phao-lô nói với tín hữu Cô-rinh-tô trong câu 19 có ý nghĩa gì? Và cho thấy niềm tin có đặc điểm gì?