Chuyên mục: NHI ĐỒNG

BÀI 12. CHIÊN VÀ DÊ (GV)

BÀI 12. CHIÊN VÀ DÊ (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 18 Tháng Sáu, 2017

BÀI 12. CHIÊN VÀ DÊ

 

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 25:31-46.

II. CÂU GỐC: “Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình” (1Giăng 4:21).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Giê-xu dùng ví dụ chiên và dê để dạy cho môn đồ biết yêu thương, giúp đỡ anh em mình.

– Cảm nhận: Yêu thương, giúp đỡ anh em sẽ được Chúa khen thưởng xứng đáng.

– Hành động: Tỉnh thức vâng giữ Lời Chúa, sẵn lòng giúp đỡ anh em trong Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Chơi trò chơi.

  1. Chuẩn bị: Một cái hộp, trong đó có nhiều mảnh giấy, trên mỗi mảnh giấy ghi một chỉ thị đơn giản. Ví dụ: Trả câu gốc, nhảy lò cò, hát, múa… Ngoài ra, cũng chuẩn bị máy cassette và băng nhạc.
  2. Thực hiện: Cho các em ngồi vòng tròn. Giáo viên mở máy, khi tiếng nhạc bắt đầu vang lên, các em chuyền tay nhau chiếc hộp. Giáo viên có thể bấm nút dừng tiếng nhạc bất cứ lúc nào. Khi ấy, em nào đang cầm chiếc hộp sẽ lấy một tờ giấy trong hộp ra, đọc to nội dung ghi trong tờ giấy, rồi làm theo chỉ thị trong đó. Có thể tùy theo thời gian mà chơi bao nhiêu lần.

Sau khi kết thúc trò chơi, hỏi các em: Trong lúc chơi trò chơi, ai biết khi nào tiếng nhạc sẽ dừng lại?

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn trang tài liệu 17-19, tô màu và dán sẵn hình vẽ lên bảng.)

    1. Vào đề.

Chúng ta vừa chơi trò chơi chuyền tay nhau chiếc hộp trong tiếng nhạc, không em nào biết tiếng nhạc sẽ dừng lại lúc nào, chỉ có giáo viên mới biết được điều đó. Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay sẽ kể cho các em nghe những điều sẽ xảy ra không ai biết được ngoài Chúa mà thôi. Các em cùng theo dõi nhé.

    2. Bài học.

Kinh Thánh thuật lại rằng, trước khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài đã nói trước với môn đồ về những sự việc sẽ xảy ra khi Ngài tái lâm. Chúa Giê-xu chịu chết, sống lại và lên trời, nhưng Ngài sẽ trở lại. Ngày giờ Ngài trở lại thì không một ai có thể biết. Có thể là một triệu, một trăm, một nghìn năm sau, hoặc có thể là mười ngày, một tháng sau… Chỉ có Cha trên trời biết, cũng như vừa rồi chúng ta chơi chuyền cái hộp vậy, chỉ có giáo viên mới biết khi nào âm nhạc dừng lại.

Chúa Giê-xu dạy các môn đồ phải tỉnh thức, vì khi Ngài trở lại sẽ phán xét mọi người. Ngài sẽ nhóm hiệp tất cả mọi người trên thế giới và phân chia họ ra làm hai, như người chăn phân chia chiên với dê vậy. Đức Chúa Trời sẽ đặt những người công bình bên phải, còn kẻ gian ác bên trái.

Lúc ấy, Chúa ngồi trên ngai vinh hiển nói với những người được ví như bầy chiên rằng: “Hãy đến và hưởng nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các con. Bởi vì khi ta đói các con đã cho ta ăn, ta khát các con cho ta uống, ta là khách lạ, các con mời ta vào nhà, ta không có quần áo, các con mặc cho ta, khi ta bệnh, các con chăm sóc ta, khi ta bị tù các con đến thăm ta”. Lúc đó những người công chính sẽ ngạc nhiên hỏi: “Thưa Chúa! Có khi nào chúng con thấy Chúa đói, Chúa khát, Chúa không có nhà ở, hoặc Chúa không quần áo, hay là Chúa bị bệnh, bị tù để giúp đỡ?” Chúa Giê-xu ôn tồn giải thích: “Khi các con thấy anh em mình bị đói, khát, không có nhà ở, rách rưới, bị đau, bị tù mà con giúp đỡ, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy”.

Sau đó, Chúa lại phán với những người được ví như những con dê bên trái rằng: “Những người gian ác kia! Các ngươi phải đi vào lò lửa đời đời không hề tắt. Bởi vì khi ta đói, các ngươi không cho ta ăn, ta khát, các ngươi không cho ta uống, ta không có nhà ở, các ngươi không tiếp đón ta, ta rách rưới, các ngươi không mặc áo cho ta, ta đau ốm và bị tù, các ngươi không thăm viếng ta”. Họ sẽ thắc mắc: “Thưa Chúa, chúng con có bao giờ thấy Chúa đói, khát đâu? Có bao giờ thấy Chúa lưu lạc, rách rưới, đau ốm hay bị giam cầm đâu mà săn sóc, giúp đỡ?” Chúa Giê-xu trả lời rằng: “Mỗi lần các ngươi thấy những kẻ theo ta cần được giúp đỡ mà từ chối không giúp đỡ, tức là các ngươi đã từ chối chính ta vậy”.

Như vậy trong ngày cuối cùng, những người chăm sóc anh em trong lúc khó khăn, hoạn nạn thì được vào nước thiên đàng, còn những người không giúp đỡ họ thì không được vào thiên đàng.

Chúng ta không biết khi nào Chúa Giê-xu sẽ trở lại, nhưng chúng ta phải tỉnh thức, có lòng thương yêu anh em. Chúa Giê-xu dạy chúng ta phải yêu thương lẫn nhau và giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh khốn khổ, là chúng ta đã làm theo lời dạy của Ngài.

Các em có muốn vào nước thiên đàng không? Các em muốn làm con dê hay là con chiên? Vậy em phải làm gì? (Cho các em trả lời).

    3. Ứng dụng.

Cho các em thảo luận bằng cách trả lời những câu hỏi sau: Những người nào được Chúa Giê-xu khen? Tại sao? Những người nào bị Chúa Giê-xu quở trách? Tại sao? Họ có kết quả khác nhau như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ những người khốn khổ? Sau đó cho các em làm bài tập: “Hành động của em”, rồi lần lượt chia sẻ cho nhau nghe.

BÀI 11. YÊU KẺ THÙ NGHỊCH (HV)

BÀI 11. YÊU KẺ THÙ NGHỊCH (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 16 Tháng Sáu, 2017

BÀI 11. YÊU KẺ THÙ NGHỊCH

 

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 5:43-48.

II. CÂU GỐC: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44).

III. BÀI TẬP.

A. BÁNH KẸO VÀ THIỆP SINH NHẬT.

Giả sử em là Mai và Nhân, em sẽ trao bánh kẹo và thiệp sinh nhật cho ai? Cắt dán bánh kẹo và thiệp sinh nhật bên cạnh bạn ấy. (Cắt hình bánh kẹo và thiệp sinh nhật trong trang cắt dán).

  1. Mai chuẩn bị mời các bạn dự sinh nhật của mình, nhưng lại đang suy nghĩ… (Trí từng làm đổ hộp bút của mình, Minh hôm qua làm dính mực vào áo Mai, nhưng không xin lỗi, Mỹ rất ít trò chuyện với mình, chỉ có Nhi là bạn thân nhất).

Trí   Mỹ  Nhi  Minh                        Mai.

  1. Nhân đem một bịch bánh kẹo đến Hội Thánh, bạn ấy gặp bốn người… (Bạn Chánh là bạn thân, Trung thường đánh nhau với Nhân, Linh thường mời Nhân ăn quà, Thông thường giành ghế với Nhân trong Trường Chúa Nhật).

 

Nhân     Chánh      Trung     Linh    Thông

BÀI 11. YÊU KẺ THÙ NGHỊCH (GV)

BÀI 11. YÊU KẺ THÙ NGHỊCH (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 16 Tháng Sáu, 2017

BÀI 11. YÊU KẺ THÙ NGHỊCH

 

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 5:43-48; Châm Ngôn 25:21-22.

II. CÂU GỐC: “Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Giê-xu dạy dỗ các môn đồ phải thương yêu những người có lỗi với mình và cầu nguyện cho họ.

– Cảm nhận: Yêu thương người có lỗi với mình là việc làm đẹp lòng Chúa.

– Hành động: Sẵn lòng cầu nguyện cho người có lỗi với mình và học tập yêu thương họ như lời Chúa dạy.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trò chơi truyền tin.

Hướng dẫn các em biết, nếu truyền sang bên trái thì nói: “Xin lỗi”, nếu truyền sang bên phải thì nói: “Mình tha thứ cho bạn”. Giáo viên sẽ bắt đầu nói trước. Nếu giáo viên nói với người bên trái: “Xin lỗi”, người bên trái có thể nói tiếp với người bên trái kế bên: “Xin lỗi”, phương hướng là truyền sang bên trái; nếu người bên trái không muốn tiếp tục truyền bên trái, thì có thể nói với người bên phải: “Mình tha thứ cho bạn”, thì phương hướng sẽ chuyển sang bên phải, cứ tiếp tục chơi như thế, em nào quên qui tắc sẽ bị phạt.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Giáo viên chuẩn bị ba em có khả năng, tập đóng vai các nhân vật trong vở kịch ngắn dưới đây).

    1. Vào đề: Kịch ngắn.

(Cảnh 1. Phi đang ngồi một mình, vẻ mặt rất buồn, Kiệt vừa hát vừa đi tới.)

– Kiệt (Tỏ vẻ ngạc nhiên): Ủa, Phi! Sao bạn lại ngồi đây một mình? Mọi người đều chơi ở bên kia, chúng ta cùng qua đó chơi đi.

– Phi (Lắc đầu): Không, mình không muốn chơi với Huy và Mạnh!

– Kiệt: Tại sao vậy?

– Phi: Hôm qua Huy đụng mình té, hôm nay lại lấy bút màu tô lên tay mình.

– Kiệt: Huy không xin lỗi bạn sao?

– Phi: Có, nhưng mình không muốn tha thứ cho bạn ấy?

– Kiệt: Tại sao bạn lại giận Mạnh?

– Phi: Ai bảo nó chơi với Huy. Nếu bạn chơi với họ, mình cũng không chơi với bạn.

(Cảnh 2. Ngay lúc ấy, giáo viên đi đến. Giáo viên đã nghe các bạn ấy nói chuyện).

– Giáo viên: Em giận Huy, rồi giận những bạn cùng chơi với Huy, em cảm thấy vui không? (Phi lắc đầu). Cô (thầy) hỏi em: Em có bao giờ có lỗi với người khác không?

– Phi (Suy nghĩ một lát): Dạ có, hôm trước em làm cho anh của em bị té chảy máu chân!

– Giáo viên: Lúc đó em cảm thấy thế nào?

– Phi: Dạ em rất sợ ạ.

– Giáo viên: Em sợ gì vậy?

– Phi: Em sợ anh của em sẽ không chơi với em nữa, lại sợ bị mẹ phạt.

– Giáo viên: Sau đó thế nào?

– Phi: Sau đó mẹ xức thuốc cho anh và bảo em xin lỗi anh.

– Giáo viên: Vậy anh của em có tha thứ cho em không?

– Phi: Dạ có.

– Giáo viên: Nếu anh của em không chịu tha thứ cho em, em sẽ thế nào?

– Phi: Dạ, em sẽ rất buồn.

– Giáo viên: Vậy em có nên học theo gương anh của em, tha thứ cho người có lỗi với mình không?

(Phi từ từ gật đầu).

    2. Bài học.

Các em ơi, các em có cảm thấy rằng, tha thứ cho người có lỗi với mình sẽ đem lại niềm vui không? Mình sẽ không còn nhớ những việc khiến mình không vui nữa, và người có lỗi với mình cũng rất vui vì được tha thứ. Ngoài ra Cha Trên Trời của chúng ta cũng rất vui lòng khi chúng ta tha thứ cho người khác.

Chúa Giê-xu dạy: “Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con, hầu cho các con được làm con của Cha ở trên trời”. À thì ra yêu người có lỗi với mình, cầu nguyện cho họ là yêu cầu của Chúa dành cho con cái Ngài. Bởi vì chúng ta là con của Đức Chúa Trời, thì phải giống Ngài và học theo Ngài. Chúa Giê-xu cũng nói rằng Đức Chúa Trời ban ánh sáng mặt trời cho người tốt cũng như người xấu, ban mưa xuống không chỉ cho người lành, nhưng cũng cho cả kẻ ác nữa. Điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời yêu người tốt, và cũng yêu người xấu. Vậy chúng ta nhận biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương mọi người trên thế gian nầy.

Chúa Giê-xu còn nói, nếu chúng ta chỉ yêu thương những ai thương yêu, đối đãi tốt với chúng ta, thì chúng ta có khác gì những người không tin Chúa. Chúng ta là con Đức Chúa Trời, vì thế chúng ta phải giống Ngài, yêu thương hết thảy mọi người.

Nếu có người làm điều có lỗi với em và không xin lỗi, em có tha thứ cho người đó không? (Cho các em trả lời). Mặc dù người ta không xin lỗi, trong lòng mình không vui, cũng phải học tập tha thứ cho người khác. Nếu em có thể thật lòng cầu nguyện cho người ấy, là em đã tha thứ, không để tâm đến lỗi lầm của người ấy nữa.

Ngoài ra, trong sách Châm ngôn cũng dạy chúng ta phải đối đãi tốt với người có lỗi với mình. Nếu người ấy có đói thì cho ăn, có khát thì cho uống. Nếu em đối đãi tốt với người có lỗi với mình, thì đó là việc làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và cũng là cách tốt nhất để giải toả tất cả những buồn giận nhau. Vì có thể khi em đối xử tốt với họ, người có lỗi với em sẽ cảm thấy lương tâm cắn rứt và sẽ ăn năn. Chúa sẽ vui lòng khi chúng ta đối đãi với nhau bằng tình yêu thương.

Bây giờ các em đã biết thế nào là thương yêu người có lỗi với mình chưa? (Cho các em trả lời). Làm thế nào để yêu thương họ? (Tha thứ, đối đãi tốt đối với họ và cầu nguyện cho họ).

    3. Ứng dụng.

Cho các em mở sách học viên bài 11 ra và hướng dẫn các em thảo luận bằng cách hỏi các em: Nếu người có lỗi với em không chịu xin lỗi, em phải làm thế nào? Sau khi thảo luận xong cho các em làm bài tập: “Bánh kẹo và thiệp sinh nhật”. Giáo viên có thể chia sẻ kinh nghiệm về sự tha thứ để khích lệ các em.

Trong phần B của bài tập, giáo viên cho các em suy nghĩ xem có người nào từng có lỗi với em mà hiện nay em chưa tha thứ. Viết tên người đó lên giấy, và lời cầu nguyện xin Chúa ban phước cho người ấy. (Giáo viên gợi ý một số lời cầu xin Chúa ban phước). Sau đó viết tên của mình vào và nộp cho giáo viên.

BÀI 10. NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH (HV)

BÀI 10. NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 15 Tháng Sáu, 2017

BÀI 10. NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH

 

I. KINH THÁNH: Lu-ca 10:25-37.

II. CÂU GỐC: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27).

III. BÀI TẬP.

A. CHIA SẺ CÁI GÌ?

Người Sa-ma-ri nhân lành chia sẻ những gì cho người bị thương? Hãy tìm trong hình vẽ phía dưới và tô màu.

B. PHẢI LÀM THẾ NÀO?

Nếu gặp những tình huống như trong hình vẽ em sẽ làm thế nào? Em có chia sẻ và giúp đỡ không? Em sẽ làm gì? Hãy ghi vào phía dưới hình vẽ.

Bạn nầy quên đem theo dụng cụ học tập.

Bạn ấy bị sổ mũi.

Một phụ nữ có thai không có chỗ ngồi.

Người ăn mày trên đường.

BÀI 10. NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH (GV)

BÀI 10. NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 15 Tháng Sáu, 2017

BÀI 10. NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH

 

I. KINH THÁNH: Lu-ca 10:25-37.

II. CÂU GỐC: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Giê-xu dạy các môn đồ phải yêu thương người lân cận như mình.

– Cảm nhận: Chia sẻ và giúp đỡ người có nhu cầu là việc làm đẹp lòng Chúa.

– Hành động: Em sẵn lòng chia sẻ và giúp đỡ người lân cận như lời Chúa dạy.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Chơi trò chơi.

  1. Nếu sĩ số các em là số chẵn, khi bắt đầu trò chơi, bạn cho một em ra bắt người. Cứ hai em một tổ nắm tay nhau thì an toàn không bị bắt. Nếu sĩ số các em là số lẻ, khi bắt đầu trò chơi, bạn cho hai em ra bắt người. Bắt được em nào, em đó sẽ làm người đi bắt người, còn những em khác sẽ vào tiếp tục cuộc chơi. Chơi một vài lần có thể tăng lên ba, bốn người một tổ (nắm tay), nhưng phải có số người dư ra.
  2. Mục đích của trò chơi là giúp các em biết việc cần phải có người giúp đỡ và học tập giúp đỡ người khác.
  3. Sau khi chơi, cho các em ngồi xuống, yên tĩnh một chút, sau đó chia sẻ tâm trạng ‘cầu cứu’ và ‘cứu người’ vừa rồi.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo trang tài liệu 13 đến 16, rồi tô màu cho đẹp).

    1. Vào đề.

Khi nãy chúng ta chơi trò chơi, nếu em nào không có người nắm tay thì sẽ bị bắt phải không? Trong cuộc sống việc cứu người là việc quan trọng nhất, dù người đó là kẻ thù, nhưng thấy người gặp nạn chúng ta cũng phải đưa tay cứu giúp. Chúa Giê-xu đã dùng một câu chuyện làm ví dụ để dạy dỗ chúng ta phải biết yêu thương, giúp đỡ người khác.

    2. Bài học.

Một lần kia có thầy dạy luật đến hỏi Chúa Giê-xu: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để hưởng được sự sống đời đời?” Thật ra người nầy biết rõ câu trả lời, vì hằng ngày ông ta tra xem Kinh Thánh Cựu Ước rất tường tận. Sở dĩ ông hỏi câu hỏi đó vì muốn thử xem Chúa Giê-xu trả lời thế nào? Chúa Giê-xu biết ý đồ của ông ta nên không trả lời mà hỏi lại: “Ngươi có biết Kinh Thánh không? Vậy Kinh Thánh nói gì?” Ông ta liền trả lời: “Kinh Thánh bảo: “Hãy hết lòng, hết trí khôn, hết sức yêu mến Chúa và yêu mến những người lân cận”. Chúa Giê-xu nói: “Đúng rồi, hãy đi và làm như thế”. Nhưng thầy dạy luật vẫn chưa thoả mãn, ông ta hỏi vặn: “Nhưng ai là người lân cận tôi?” Các em có biết người lân cận là ai không? (Cho các em trả lời).

Chúa Giê-xu bắt đầu kể một câu chuyện để nói rõ ý nghĩa của “người lân cận”.

Có một người đi từ thành Giê-ru-sa-lem đến thành Giê-ri-cô. Khi đến một đoạn vắng vẻ, bỗng bọn cướp núp từ sau những tảng đá nhảy bổ vào ông ta. Chúng đánh ông ta trọng thương, cướp đi tất cả quần áo, tiền bạc rồi bỏ đi, để ông ta nằm dở sống dở chết bên vệ đường. Một lát sau, có một thầy tế lễ đi ngang qua (cho các em xem hình), nhìn thấy người bị thương, ông tránh sang bên kia đường rồi đi luôn. Sau đó có một người Lê-vi đi qua (cho các em xem hình), ông nhìn người bị thương rồi cũng nhanh chóng bỏ đi.

Em có bao giờ bị thương hoặc sây sát hay là đứt tay chưa? Lúc đó ai là người xức thuốc, băng bó cho em? Nếu không có người thoa thuốc, băng vết thương cho em thì sẽ như thế nào? (Cho các em trả lời).

Người bị thương vẫn nằm trên đường, chờ đợi người khác đến giúp đỡ. Cuối cùng có một người Sa-ma-ri đến (cho các em xem hình). Nhìn thấy người bị thương máu me đầy người, thật là tội nghiệp, ông vội vàng mở túi lấy rượu ra rửa vết thương cho người bị thương, rồi xức dầu và băng bó vết thương cho ông ta. Ông cẩn thận đỡ người bị thương lên lưng lừa và đưa ông ta đến quán trọ gần đó (Cho các em xem hình). Hôm sau người Sa-ma-ri trao cho chủ quán một số tiền để săn sóc người bị thương và dặn: “Nếu còn thiếu, khi trở về tôi sẽ trả”.

Sau khi kể câu chuyện đó, Chúa Giê-xu hỏi thầy dạy luật: “Ai là người lân cận của người bị thương?” Các em trả lời được không? Đó là người Sa-ma-ri. Các em có biết tại sao người Sa-ma-ri lại là người lân cận của người bị thương không? (Cho các em trả lời). Bởi vì người Sa-ma-ri chăm sóc và giúp đỡ người bị thương.

Như thế yêu người lân cận không phải chỉ là thương yêu bạn bè hoặc những người hàng xóm, mà là tất cả những người có nhu cầu. Chúa Giê-xu muốn chúng ta sẵn lòng giúp đỡ những người cần được giúp đỡ, thậm chí chia sẻ với họ tất cả những gì chúng ta có. Các em có hiểu điều đó không?

    3. Ứng dụng.

Cho các em mở sách học viên bài 10 và hướng dẫn các em thảo luận bằng cách trả lời những câu hỏi sau: Trong câu chuyện nầy có bao nhiêu người đi ngang qua người bị thương? Hai người đi qua trước đối xử với người bị thương như thế nào? Nếu em là người bị thương, em thích người nào trong ba người đi qua? Tại sao? Chúa Giê-xu nói ai là người lân cận của người bị thương? Tại sao?

Sau đó, cho các em làm bài tập, rồi cầu nguyện kết thúc.

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT (HV)

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 15 Tháng Sáu, 2017

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT

 

I. KINH THÁNH: Mác 2:1-12.

II. CÂU GỐC: “Chớ lìa bạn mình, hay là bạn của cha mình” (Châm ngôn 27:10).

III. BÀI TẬP.

A. KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI BẠI.

Em hãy đánh số trong vòng tròn theo thứ tự của nội dung câu chuyện. Sau đó cho biết làm thế nào người bại biết bạn bè thương yêu ông ta?

B. THƯƠNG YÊU BẠN BÈ.

Em có thương yêu bạn bè của mình không? Em hãy xem tấm bảng dưới đây, nếu em bằng lòng thì đánh dấu v phía trước mỗi câu, nếu em thường làm thì đánh dấu v vào trong.

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT (GV)

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 15 Tháng Sáu, 2017

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT 

 

I. KINH THÁNH: Mác 2:1-12.

II. CÂU GỐC: “Chớ lìa bạn mình, hay là bạn hữu của cha mình” (Châm Ngôn 27:10).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Bốn người bạn của người bại hết lòng tìm phương cách để giúp người bại được chữa lành.

– Cảm nhận: Lòng yêu thương của bốn người bạn được thể hiện bằng hành động cụ thể.

– Hành động: Sẵn lòng giúp đỡ bạn bè bằng những việc làm yêu thương.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Đồng tâm hợp lực.

Cho bốn em đặt một cái bong bóng trên một cái khăn lông khiêng đến một địa điểm chỉ định, bong bóng không được rớt xuống đất, nếu bị rớt phải quay trở lại điểm xuất phát. Các em chỉ được dùng một tay để cầm một góc của khăn lông, không được dùng tay đặt vào bong bóng. Có thể chia các em thành nhiều tổ, tính thời gian vận chuyển, tổ nào nhanh nhất là thắng. Giáo viên phải quan sát thái độ hợp tác của các em. Sau đó cho các em chia sẻ cảm nhận khi vận chuyển.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn trang tài liệu 11 và 12, rồi tô màu cho đẹp).

    1. Vào đề.

Sau giờ tan học, Khoa bị tai nạn giao thông bất tỉnh phải đưa vào bệnh viện. Nghe tin đó, Minh rất buồn và hết lòng cầu nguyện cho bạn mình. Minh xin các bạn trong lớp Trường Chúa Nhật và các ông bà, anh chị trong Hội Thánh cầu thay cho người bạn bị thương. Chúa đã nghe và nhậm lời cầu nguyện của họ. Vài ngày sau, Khoa tỉnh lại, mọi người vẫn không ngừng cầu nguyện cho bạn ấy. Cuối cùng Khoa hoàn toàn khỏe mạnh.

Qua sự việc nầy, chúng ta có thể thấy được sự thương yêu quan tâm của bạn bè với nhau thật là quan trọng. Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay cũng kể lại một sự việc tương tự như vậy.

    2. Bài học.

Có một người mắc bệnh bại, lâu nay chỉ nằm một chỗ. Bốn người bạn của ông ấy nghe nói Chúa Giê-xu là Đấng quyền năng, làm rất nhiều việc kỳ diệu, hiện đang giảng dạy tại một ngôi nhà trong thành phố họ đang sống. Muốn bạn mình được chữa lành nên bốn người bạn hợp sức lại, khiêng người bại đến gặp Chúa Giê-xu, họ tin rằng Chúa Giê-xu sẽ chữa lành cho người bạn của họ. Các em thử nghĩ xem họ có gặp Chúa Giê-xu không?

Khi đến gần căn nhà đó, họ thấy cả một đám đông đang chen chúc bên ngoài, cửa ra vào cũng bít kín những người là người. Họ không thể nào vào bên trong được. Chẳng lẽ người bại mất đi cơ hội được chữa lành sao? Nếu các em là bạn của người bại, các em sẽ làm thế nào?

Người bại hy vọng được chữa lành, giờ thì thất vọng hoàn toàn, nhưng ông vẫn không oán trách. Bỗng bốn người bạn nghĩ ra một cách. Họ khiêng người người bại lên cầu thang bên cạnh nhà, rồi lên mái nhà. Họ định làm gì vậy? (Cho các em trả lời).

Họ nhanh chóng giở mái nhà, dùng dây dòng người bại xuống ngay trước mặt Chúa Giê-xu. Bốn người bạn nầy quyết tâm giúp bạn mình phải không các em? Họ có nghĩ đến hậu quả không? Giở mái nhà của người ta mà không sợ bị mắng sao? Lại còn phải bồi thường nữa. Các em nghĩ xem, tấm lòng yêu thương của bốn người bạn có đem lại phước hạnh cho người bại không? (Cho các em trả lời).

Kinh Thánh cho biết, Chúa Giê-xu thấy đức tin của người bại và bốn người bạn của ông, nên phán với người bại rằng: “Tội lỗi con đã được tha”. Nếu các em là bốn người bạn của người bại, nghe Chúa Giê-xu nói như vậy em có suy nghĩ rằng: Tại sao Chúa Giê-xu không chữa lành bệnh cho người bại mà lại nói như thế? (Cho các em trả lời). Xin đừng nôn nóng, những người có mặt lúc đó cũng cảm thấy Chúa Giê-xu nói như vậy là vô lý, vì ngoài Đức Chúa Trời không ai có quyền tha tội. Nhưng họ đã sai lầm, Chúa Giê-xu có quyền tha tội, vì Ngài là Con Đức Chúa Trời. Sở dĩ Chúa Giê-xu nói như vậy, vì có thể bệnh của người bại do tội lỗi đem đến. Tiếp đến, Chúa Giê-xu lại nói với người bại: “Con đứng dậy, vác giường đi về nhà”. Lập  tức người bại được chữa lành hoàn toàn. Ông ấy đứng dậy và còn có thể vác giường đi về nhà!

Các em ơi, lòng yêu thương và đức tin của bốn người bạn giúp cho người bại được Chúa Giê-xu chữa lành. Các em có thương yêu bạn bè của mình không? Các em đối xử với bạn bè như thế nào? (Cho các em trả lời). Chúng ta hãy học tập yêu thương bạn bè và phải bày tỏ bằng những việc làm cụ thể trong đời sống hằng ngày các em nhé.

    3. Ứng dụng.

Cho các em mở sách học viên bài số 9, làm bài tập “Kinh nghiệm của người bại”, rồi thảo luận: Làm sao người bại biết bốn người bạn thương yêu mình? Nếu em là bạn của người bại, em sẽ đối đãi với người đó như thế nào? Sau đó hướng dẫn các em chia sẻ: Em muốn bạn bè bày tỏ sự yêu thương em như thế nào? Em từng kinh nghiệm sự việc gì khiến em biết bạn bè thương yêu em.

Sau khi làm bài tập xong, giáo viên hướng dẫn các em cầu nguyện, xin Chúa giúp các em có lòng yêu thương bạn bè, cho các em kinh nghiệm nhiều hơn về niềm vui khi thương yêu bạn bè và được bạn bè yêu thương.

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 14 Tháng Sáu, 2017

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI

 

I. KINH THÁNH: 2Các vua 18:1-12.

II. CÂU GỐC: “Các ngươi phải theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, kính sợ Ngài, gìn giữ các Điều Răn Ngài, vâng theo tiếng phán Ngài, phục sự Ngài và tríu mến Ngài” (Phục truyền 13:4).

III. BÀI TẬP.

A. HAI VỊ VUA.

Hai người dưới đây là vua của nước nào?

Ê-XÊ-CHIA      Vua ………………………………

Ô-SÊ            Vua ………………………………

B. VÂNG THEO VÀ KHÔNG VÂNG THEO.

Hãy chọn những hình vẽ phía dưới, hình nào nói về Ê-xê-chia và nước Giu-đa, ghi chữ Giu-đa vào hình vẽ. Hình nào nói về Ô-sê và nước Y-sơ-ra-ên ghi chữ Y-sơ-ra-ên vào hình vẽ. Cho biết cảnh ngộ của hai nước có gì khác biệt? (Chia sẻ).

 

Phá hủy hình tượng.            Làm sạch Đền Thờ.

Đánh bại người Phi-li-tin.        Thờ lạy hình tượng.

Bị kẻ địch vây hãm thủ đô.    Dân chúng bị kẻ thù bắt đi đày.

C. SỬA LỖI.

Em suy nghĩ xem trong cuộc sống hằng ngày có những hành động nào không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Giờ đây hãy quyết tâm sửa lỗi.

Đức Chúa Trời không đẹp lòng…………………………………………….

Em quyết tâm phải……………………………………………………………..

………………………………………………………………………………………….

Đức Chúa Trời không đẹp lòng…………………………………………….

Em quyết tâm phải……………………………………………………………..

 

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 14 Tháng Sáu, 2017

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI

 

I. KINH THÁNH: 2Các Vua 18:1-12 (Tham khảo 2Các Vua 17:1-18).

II. CÂU GỐC: “Các ngươi phải theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, kính sợ Ngài, gìn giữ các điều răn Ngài, vâng theo tiếng phán Ngài, phục sự Ngài và tríu mến Ngài” (Phục Truyền 13:4).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Ê-xê-chia vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, trung tín nhờ cậy Ngài nên Đức Chúa Trời ở cùng và giúp đỡ người.

– Cảm nhận: Chúa luôn ở cùng người trung tín vâng lời Ngài.

– Hành động: Em quyết tâm trung tín vâng giữ điều răn của Chúa, sống đẹp lòng Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trò Chơi Trả Câu Gốc.

  1. Dựa vào sĩ số của các em để chuẩn bị một số mảnh giấy nhỏ tương ứng. Trên mỗi mảnh giấy viết một con số (từ số 1 đến số 6).
  2. Chia câu gốc làm 6 đoạn, viết câu gốc và số của mỗi đoạn lên bảng. Giáo viên đọc và giải thích đơn giản nội dung của câu gốc, rồi cùng với các em đọc hai lần. Sau đó cho các em rút thăm những mảnh giấy có ghi số, rút được số nào thì sẽ đọc phần nội dung câu gốc của số đó. Em nào đọc chưa thuộc phải chịu phạt bằng cách mở Kinh Thánh đọc lại câu gốc một hoặc hai lần (có thể mời tất cả các em cùng đọc chung với nhau). Nói với các em: Mục đích của trò chơi nầy là giúp các em chú ý nghe và làm theo lời dặn, cũng như chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa và làm theo.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn hình vẽ trang tài liệu 9 và 10, rồi tô màu cho đẹp.)

    1. Vào đề.

Các em còn nhớ vị vua đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên là ai không? (Cho các em trả lời). Vì Sau-lơ không làm theo Lời Chúa nên Ngài truất ngôi vua của ông và chọn Đa-vít làm vua. Sau Đa-vít là Sa-lô-môn, con trai của ông. Khi mới lên ngôi Sa-lô-môn cũng vâng theo Lời Chúa như Đa-vít, nhưng sau đó ông thờ lạy hình tượng. Vì vậy, Đức Chúa Trời khiến nước Y-sơ-ra-ên bị phân rẽ, chia ra làm hai. Phía Nam Y-sơ-ra-ên là nước Giu-đa, phía Bắc vẫn gọi là Y-sơ-ra-ên. Hai nước nầy luôn bị kẻ thù tấn công.

Đa số vua và dân sự của cả hai nước đều không vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Nhưng đến khi Ê-xê-chia lên làm vua nước Giu-đa, tình trạng của đất nước nầy được thay đổi. Các em cùng theo dõi bài học để biết rõ hơn nhé.

    2. Bài học.

Ê-xê-chia là vị vua tốt nhất trong các vua của Giu-đa. Kinh Thánh chép: “Ê-xê-chia làm điều thiện trước mặt Đức Chúa Trời”. Theo các em thế nào là “làm điều thiện trước mặt Đức Chúa Trời?” (Cho các em trả lời, phải khích lệ và khen thưởng những em có đáp án đúng với nguyên tắc Kinh Thánh). Ê-xê-chia yêu mến và vâng phục Đức Chúa Trời, ông dạy cho dân sự tuân giữ điều răn của Chúa.

Trước hết, Ê-xê-chia phá hủy tất cả các hình tượng (cho các em xem hình), bao gồm những hình tượng bằng đá, bằng gỗ, và cả con rắn đồng mà Môi-se đã làm, bởi vì dân sự xông hương, thờ lạy nó. Ê-xê-chia không thờ lạy thần tượng, cũng không để dân sự thờ lạy thần tượng, nhưng quyết tâm đi theo Đức Chúa Trời.

Ê-xê-chia cũng phế bỏ những nơi cao, tức là những nơi mà người ta tạo dựng để thờ phượng thần tượng. Rồi Ê-xê-chia sửa sang và làm sạch Đền Thờ, khôi phục lại sự thờ phượng trong Đền Thờ. Ông hướng dẫn dân sự quay về với Đức Chúa Trời, chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Ê-xê-chia đã có những hành động tích cực trong việc vâng giữ Điều Răn của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết, Ê-xê-chia nhờ cậy Chúa trong mọi cảnh ngộ, và luôn làm đẹp lòng Ngài. Vì vậy, Đức Chúa Trời ở cùng Ê-xê-chia, giúp ông chiến thắng quân A-si-ri.

Nhưng tình trạng của vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc vẫn không thay đổi. Ô-sê làm vua Y-sơ-ra-ên. Vua không vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, làm những điều xấu xa, gian ác (cho các em xem hình Ô-sê thờ lạy hình tượng), khiến dân chúng cũng thờ lạy thần tượng. Khi kẻ thù của họ là quân A-si-ri tấn công, họ không đủ sức chống trả. Ô-sê bị vua A-si-ri bắt giam. Sau đó thủ đô Sa-ma-ri cũng bị vây hãm, dân chúng bị bắt đày qua nước A-si-ri.

Các em ơi, các em muốn học theo gương vua Ê-xê-chia hay là vua Ô-sê? (Cho các em trả lời). Chúng ta phải học theo gương Ê-xê-chia, vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, không thờ hình tượng và phải sửa lại những điều sai lầm không đẹp lòng Đức Chúa Trời các em nhé.

    3. Ứng dụng.

Cho các em thảo luận qua những câu hỏi sau: Ê-xê-chia đã làm gì để được khen ngợi là “làm điều thiện trước mặt Đức Chúa Trời?” Ô-sê có làm điều thiện trước  mặt Đức Chúa Trời không? Ông đã làm gì? Sau đó giáo viên thảo luận với các em về thần tượng có thể các em tôn thờ mà không biết. Ví dụ: Ca sĩ, diễn viên điện ảnh, vận động viên, cầu thủ… hoặc tiền bạc hay đồ vật nào đó. Xin Chúa giúp các em biết yêu mến, tôn thờ Chúa, và vâng giữ điều răn của Ngài để được Đức Chúa Trời ở cùng, giúp đỡ, ban phước.

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 13 Tháng Sáu, 2017

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

 

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên 13:1-15.

II. CÂU GỐC: “Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (1Sa-mu-ên 15:22).

III. BÀI TẬP.

Theo nội dung của quả bóng, nối liền quả bóng với bàn tay thích hợp.

Vị vua đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên.

Sa-mu-ên không đến theo ngày đã định.

Thay thế thầy tế lễ dâng của lễ.

Tiên tri và thầy tế lễ của dân Y-sơ-ra-ên.

Đức Chúa Trời sai người dâng hiến thay Sa-mu-ên.

E sợ người Phi-li-tin đến tấn công.

Sợ dân sự tan đi.

Đức Chúa Trời chọn một người khác thay thế Sau-lơ để làm vua Y-sơ-ra-ên.

Không tuân theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời.

Thân phận của Sau-lơ.

Sai lầm của Sau-lơ.

Giải thích của Sau-lơ.

Sự trừng phạt mà Sau-lơ phải gánh chịu.

LÀM ĐẸP LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI.

Em bằng lòng vâng theo Đức Chúa Trời trong những việc nào? Hãy ghi vào những lỗ tai phía dưới.