BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024
in NHI ĐỒNG on 9 Tháng Tám, 2024
BÀI 8. NƯỚC SÔNG RẼ RA
I. KINH THÁNH: Giô-suê 1:2-9; 3:1-17; 4:1-24.
II. CÂU GỐC: “Đừng sợ vì Ta ở với con, Chớ kinh khiếp vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; phải, Ta sẽ giúp đỡ con, dùng tay phải công chính của Ta mà nắm giữ con.” (Ê-sai 41:10).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em
– Biết: Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên vâng lời Chúa, can đảm bước xuống sông Giô-đanh. Đức Chúa Trời đã rẽ nước sông cho họ đi qua bình an.
– Cảm nhận: Đức Chúa Trời luôn giúp đỡ em nếu em biết vâng lời Ngài.
– Hành động: Xin Chúa giúp em luôn vâng lời Ngài. Cảm tạ Chúa đã ở cùng em.
IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.
Đi qua sông Giô-đanh giữa mùa nước lớn là một việc không thể thực hiện! Vậy mà Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên vẫn vâng lời Đức Chúa Trời chuẩn bị qua sông. Khi bàn chân của các thầy tế lễ vừa đặt xuống mé sông, nước liền ngưng chảy và đứng yên như một bức tường cách xa khoảng hai mươi dặm về phía thượng lưu. Dân Y-sơ-ra-ên đi qua sông Giô-đanh như đi trên đất khô. Nhờ hết lòng tin cậy, vâng lời Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên đã vượt qua sông Giô-đanh, chiếm lấy sản nghiệp mà Đức Chúa Trời ban cho họ.
Bạn đọc phần Kinh Thánh của bài nầy thật kỹ rồi cầu nguyện, sau đó ôn lại đời sống của chính mình trong những ngày qua. Bạn vâng theo mệnh lệnh của Chúa trong trường hợp nào? Chúa có ban cho bạn lòng can đảm để vượt qua khó khăn không? Chúa có ở cùng bạn không? Làm sao minh chứng điều đó?
Vâng lời Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm được những điều kỳ diệu trong đời sống. Những hành động cụ thể của bạn sẽ giúp bạn giảng dạy có hiệu quả hơn.
V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
* Mô hình thành cổ.
- Mục đích: Giúp các em mường tượng được sông Giô-đanh, thành Giê-ri-cô và nhà ở của dân Y-sơ-ra-ên.
- Vật liệu: Xem bài trước.
- Thực hiện: Cho các em tiếp tục công việc dang dở của tuần trước. Sau khi các em làm xong, giáo viên hỏi các em: “Có bao giờ các em qua sông chưa? Sông như thế nào? Trong sông có những gì? Sông Giô-đanh nằm ở đâu?”
Nếu các em không biết gì về sông Giô-đanh hoặc trả lời sai thì cũng không sao. Nói với các em: “Giô-đanh là một con sông rất đặc biệt, vừa rộng vừa sâu lại rất lạnh. Tên Giô-đanh có nghĩa là nước chảy xiết. Sông dài khoảng ba trăm cây số. Hai bên bờ sông cây cỏ mọc um tùm. Trong sông có nhiều tôm cá. Những vùng đất chung quanh được phù sa bồi đắp nên rất phì nhiêu màu mỡ, hằng năm cung cấp nhiều trái cây, rau quả. Câu chuyện Kinh Thánh nầy đã xảy ra ở sông Giô-đanh, Đức Chúa Trời được vinh hiển tại dòng sông nầy. Bây giờ các em cùng lắng nghe để biết rõ hơn nhé”.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
(Chuẩn bị giáo cụ: Con rối Ra-háp và hai thám tử, mô hình thành cổ, mô hình hòm giao ước và hình phụ trợ trong phần phụ lục).
- Vào đề.
Các em có thể nghĩ ra bao nhiêu cách để qua một con sông rất rộng? Dân Y-sơ-ra-ên sắp phải vượt qua sông Giô-đanh để vào Đất Hứa. Bây giờ chúng ta hãy xem họ làm thế nào để qua sông nhe.
- Bài học.
Dân Y-sơ-ra-ên sắp đi đến miền đất mà Đức Chúa Trời hứa ban cho họ. Ai nấy đều phấn khởi vì họ mong đợi điều nầy đã bao năm rồi. Họ thu xếp hành trang, cuốn dọn lều trại, lo chuẩn bị cho đàn gia súc chiên, dê, lạc đà… rồi lên đường.
Đi một quãng ngắn, họ đến sông Giô-đanh. Đoàn người dừng lại dựng lều trại để chờ đi tiếp. Lúc này dòng sông Giô-đanh đang vào mùa lũ, nước dâng cao và chảy xiết. Nơi đây không có cầu, không có thuyền, và hầu hết mọi người đều không biết bơi. Làm sao đoàn người đông đúc nầy có thể vượt qua sông Giô-đanh vừa sâu vừa rộng nầy được? Chắc chắn quân thù trong vùng rất ngạc nhiên khi thấy những hành động của dân Y-sơ-ra-ên. Có lẽ họ thắc mắc: Dân Y-sơ-ra-ên còn chờ đợi gì đây?
Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày trôi qua… Cuối cùng tin tức mới nhất đưa đến – dân Y-sơ-ra-ên không phải chờ đợi nữa! Những phụ tá của Giô-suê đi khắp các lều trại nói với dân chúng: “Khi các ngươi thấy các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước, thì hãy đi theo họ” (cho các em xem mô hình hòm giao ước).
Sáng sớm hôm sau, Giô-suê bảo các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đi trước dẫn đường cho mọi người qua sông Giô-đanh. Rồi Giô-suê nói cùng người Y-sơ-ra-ên: “Hôm nay các ngươi sẽ thấy Đức Chúa Trời vĩ đại như thế nào. Ngài luôn ở cùng các ngươi và Ngài sẽ giúp đỡ các ngươi chiến thắng quân thù. Hòm giao ước sẽ dẫn các ngươi đi qua sông Giô-đanh. Khi các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước vừa đặt chân xuống nước sông Giô-đanh, nước sông sẽ ngừng chảy, nước từ phía nguồn sẽ dồn lại”.
Dân chúng rất kinh ngạc khi nghe như vậy. Họ thấy các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước tiến thẳng đến bờ sông (đưa hình tuần nầy, gấp che phần vách nước dựng đứng lên). Đúng lúc ấy, họ trông thấy một việc lạ lùng xảy ra! Khi chân các thầy tế lễ đặt xuống nước, Đức Chúa Trời khiến nước ngừng chảy (mở phần vách nước ra). Nước trên nguồn dồn lại thành một bức tường, còn nước ở phía hạ nguồn đều chảy đi hết. Các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đứng giữa sông, dân chúng đi trên đất khô sang đến bờ bên kia sông.
Khi mọi người đã sang bờ bên kia sông Giô-đanh bình an, Đức Chúa Trời phán cùng Giô-suê: “Hãy truyền cho những thầy tế lễ khiêng hòm giao ước lên khỏi sông”. Giô-suê làm theo Lời Đức Chúa Trời phán dạy.
Kinh Thánh cho biết: “Khi những thầy tế lễ khiêng hòm giao ước của Đức Giêhôva đã lên khỏi giữa sông, và bàn chân họ giở lên đặng bước trên đất khô rồi, thì nước sông Giô-đanh trở lại chỗ cũ, và chảy tràn ra khắp mé như trước (Giô-suê 4:18).
Được tận mắt chứng kiến Đức Chúa Trời làm việc vĩ đại như vậy, người Y-sơ-ra-ên cảm thấy thế nào? Chắc chắn họ vui mừng vô cùng phải không các em? Qua đó, dân Y-sơ-ra-ên nhận biết rằng Đức Chúa Trời luôn ở cùng giúp đỡ họ nếu họ biết tin cậy vâng lời Ngài.
- Ứng dụng.
Mời một vài em tình nguyện kể lại câu chuyện một cách đơn giản, rồi hướng dẫn các em học câu gốc. Nhấn mạnh Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta, chỉ cần chúng ta vâng phục Ngài.
Hướng dẫn các em làm con rối giấy gắn bút chì, rồi diễn vở kịch nhỏ trong sách học viên. Có thể cho các em có thể tập kịch trước ở nhà.
VI. PHỤ LỤC.
- Mô hình hòm giao ước.
- Vật liệu: 3 miếng vải 17.5 x 20 cm (một miếng nhiều màu: trắng, lam, hồng, tím và đỏ hoặc tô những màu trên lên mảnh vải trắng, một miếng màu xanh dương và một miếng màu xám), băng keo, 2 thanh cây dài 17,5cm, giấy àu vàng, kéo, keo dán.
- Cách làm: Vẽ hòm giao ước ra giấy dày màu vàng theo kích thước mẫu (hình A), cắt ra rồi dán lại thành một cái hộp giấy. Sau đó dùng băng keo dán hai thanh cây vào hai bên của hộp giấy.
Làm thiên sứ theo như hình vẽ bằng giấy màu vàng (hình B), rồi dán thiên sứ lên mặt trên của hộp giấy.
Khi dạy, phủ các tấm vải màu lên hòm giao ước cho các em xem và chỉ cách khiêng hòm giao ước. Trước hết, phủ tấm vải nhiều màu, rồi đến tấm vải màu xám và sau cùng phủ tấm vải màu xanh dương lên hòm giao ước.
C. Vẽ hình – qua sông Giô-đanh.
- Vật liệu: Một tờ giấy trắng, bút màu.
- Cách làm: Trước khi lên lớp, giáo viên vẽ hình theo mẫu. Ở khoảng giữa các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước và nước sông, gạch một đường rời. Khi các thầy tế lễ chưa đạp lên nước, gấp theo đường nầy, phần nước sông bị che khuất ở phía sau. Khi các thầy tế lễ bước trên nước sông, nước sông rẽ ra, người Y-sơ-ra-ên đi qua trên đất khô, thì mở nếp gấp ra để lộ cả tấm hình.