Chuyên mục: NHI ĐỒNG

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 5. CON RẮN LỬA VÀ CON RẮN ĐỒNG

I. KINH THÁNH: Dân số ký 20:1-21; 21:4-9.

II. CÂU GỐC: Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy. (Giăng 3:36).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Vì dân sự lằm bằm oán trách nên Chúa đưa rắn lửa đến để phạt họ, nhưng Ngài cũng cho họ giải pháp để được giải cứu.

– Cảm nhận: Tin vào Đức Chúa Trời và Lời của Ngài sẽ được cứu.

– Hành động: Em hết lòng tin nơi Đức Chúa Trời và Lời Ngài.

IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.

Trong quá khứ khi dân Y-sơ-ra-ên phạm tội, vinh quang của Đức Chúa Trời thường chiếu ra rồi sau đó mới là hình phạt. Nhưng lần nầy chẳng có cảnh cáo. Hình phạt đến ngay sau khi họ phạm tội. Đức Chúa Trời sai rắn lửa đến giữa dân Ngài. Bởi vì họ đã khước từ món quà sự sống cùng sức khỏe từ trời, nên Đức Chúa Trời đưa khổ đau và sự chết từ đất đến cho họ. Những người bị rắn cắn chết rất nhanh và dường như cái chết của họ cũng rất đau đớn. Đúng như Kinh Thánh chép: “Tiền công của tội lỗi là sự chết”.

Dân Y-sơ-ra-ên nhận biết tội lỗi, kêu cầu Chúa tha tội và xin Môi-se cầu nguyện cho họ. Đức Chúa Trời bảo Môi-se làm một con rắn bằng đồng, rồi treo lên một cây trụ cho mọi người nhìn thấy. Nếu ai bị rắn cắn nhìn lên con rắn nầy thì sẽ được chữa lành.

Chúa dùng con rắn bằng đồng để tiêu biểu sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá (Giăng 3:14). Những ví sánh giữa con rắn bằng đồng trong thời Môi-se với thập tự giá của Đấng Christ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của ân sủng Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi. Mọi người đều đã bị lây nhiễm và một ngày kia sẽ phải chết và đối diện với sự phán xét (Hê-bơ-rơ 9:27), nhưng nếu họ lấy đức tin nhìn lên Đấng Christ, thì Ngài sẽ cứu họ và ban cho họ sự sống đời đời. Nhìn lên con rắn bằng đồng sẽ cứu con người khỏi sự chết thuộc thể, nhưng nhìn lên Đấng Christ, sẽ cứu chúng ta khỏi sự chết đời đời.     

V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Chuyện gì?

  1. Vật liệu: Trang tư liệu K trong sách học viên.
  2. Thực hiện: Cho các em mở sách học viên trang tư liệu K, chọn ra một bức hình, rồi trả lời các câu hỏi sau: “Người trong hình vẽ gặp phải chuyện gì? Họ đang tin cậy vào ai hoặc cái gì? Kể ra một sự từng trải em từng tin cậy vào một ai đó hoặc một điều gì đó”. (Cho các em trả lời và chia sẻ).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn hình vẽ và bản đồ Kinh Thánh trong trong phần phụ lục rồi tô màu cho đẹp).

  1. Vào đề.

Mỗi ngày các em đều phải tin cậy vào một ai đó hoặc một điều gì đó. Ví dụ: Tin vào sự chăm sóc của ba mẹ đối với các em; ngồi trên xe buýt, chúng ta tin rằng tài xế sẽ chở chúng ta đến nơi; thậm chí khi ngồi trên một cái ghế, chúng ta cũng phải tin nó có thể chịu được trọng lượng của chúng ta.

Câu chuyện Kinh Thánh nầy cho biết, vì dân Y-sơ-ra-ên không tin vào sự chăm sóc của Đức Chúa Trời, lằm bằm oán trách Môi-se nên Đức Chúa Trời đã trừng phạt họ rất nặng nề. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời vẫn yêu thương dân sự, Ngài cho họ một giải pháp để được giải cứu nếu họ vâng theo Lời Ngài.

  1. Bài học.

Dân Y-sơ-ra-ên tiếp tục đi trong đồng vắng. Môi-se lên kế hoạch cho dân sự tiến về Đất Hứa, họ sắp phải đi ngang qua địa phận xứ Ê-đôm. Môi-se cử người đến gặp vua Ê-đôm, để xin đi qua đất nước của ông, nhưng vua Ê-đôm từ chối. Không thuyết phục được vua Ê-đôm, Môi-se chỉ còn cách dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi đường vòng qua Ê-đôm. Con đường nầy vừa xa lại vừa khó đi.

Nhiều năm đã trôi qua mà dân sự vẫn lang thang trong sa mạc. Có những lúc họ lại bị thiếu nước giữa sa mạc khô cằn! Thật là không dễ để bảo dân chúng vừa nóng vừa khát đó nhớ rằng Đức Chúa Trời luôn ở cùng họ. (Chỉ tuyến đường mà dân Y-sơ-ra-ên phải đi vòng qua trên bản đồ Kinh Thánh).

Khi thiếu thức ăn và nước uống, dân Y-sơ-ra-ên lại oán trách và quên rằng Đức Chúa Trời luôn ở cùng chăm sóc họ. Họ kêu gào: “Môi-se, sao ông lại đem chúng tôi vào sa mạc nầy? Chúng tôi quá ngán thứ ma-na mà Đức Chúa Trời vẫn ban cho mỗi ngày!”

Đức Chúa Trời muốn dạy cho họ một bài học. Các em đọc Dân 21:6 xem có chuyện gì xảy ra? Tại lều trại của dân Y-sơ-ra-ên xuất hiện một loài rắn lửa rất đáng sợ. Loại rắn độc nầy vô cùng hung dữ, cắn bị thương và chết rất nhiều người. Dân Y-sơ-ra-ên hoảng sợ chạy đến nói với Môi-se: “Chúng tôi có tội vì đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời và ông. Xin ông kêu cầu với Chúa để Ngài đuổi rắn độc đi”.

Môi-se cầu thay cho dân sự. Đức Chúa Trời bảo Môi-se: “Con hãy làm một con rắn đồng, treo lên một cây sào, để mọi người đều có thể nhìn thấy nó. Nếu ai bị rắn cắn phải nhìn lên con rắn bằng đồng thì người đó sẽ được cứu sống”.

Tin nầy nhanh chóng được truyền ra, mọi người đều được quyền lựa chọn, tin hoặc không tin vào phương cách chữa trị mà Đức Chúa Trời đã phán dặn. Kết quả những ai tin và làm theo Lời Đức Chúa Trời đều được chữa lành. Thật ra, đây không phải là con rắn đồng có quyền năng, mà là Đức Chúa Trời muốn dân Y-sơ-ra-ên phải có lòng tin và vâng lời Ngài.                             

  1. Ứng dụng.

Trước hết hỏi các em: Trong suốt cuộc hành trình gian nan của dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đã làm gì cho họ? (Chăm sóc, dẫn dắt và cung ứng). Đức Chúa Trời yêu cầu họ điều gì? (Có lòng tin nơi Đức Chúa Trời và Lời của Ngài). Sau đó cho các em mở ra bài 5 trong sách học viên, dựa theo gợi ý làm bài tập phần A để ôn lại bài học Kinh Thánh.

Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta thấy dân Y-sơ-ra-ên bị rắn độc cắn bị thương, nhưng khi họ ăn năn, tin vào Đức Chúa Trời thì được chữa lành. Hướng dẫn các em dựa theo gợi ý làm bài tập: “Nên làm thế nào?” Sau đó cho các em chia sẻ: Em nên làm thế nào để khi gặp khó khăn, em không oán trách mà tin cậy nơi Đức Chúa Trời? (Cho các em trả lời).

  1. PHỤ LỤC

* Hình rắn lửa và rắn đồng.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 5. CON RẮN LỬA VÀ CON RẮN ĐỒNG.

I. KINH THÁNH: Dân số ký 20:1-21; 21:4-9.

II. CÂU GỐC: Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy. (Giăng 3:36).

III. BÀI TẬP.

A. MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH GIAN NAN.

Em hãy chọn những từ đúng, và gạch bỏ những từ sai trong câu chuyện dưới đây.

Khi đi trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên thường oán trách/vui sướng.  Để dạy họ một bài học, Đức Chúa Trời sai con rắn lửa/rắn lục đến cắn họ. Có rất nhiều người bị rắn cắn chết! Dân Y-sơ-ra-ên xin Môi-se lấy thuốc/cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời bảo Môi-se làm một con rắn đồng rồi treo lên một cây sào/ngọn cây. Bất cứ ai bị rắn cắn, nhìn vào/ sờ vào thì được chữa lành.

Vì sao Đức Chúa Trời bảo dân Y-sơ-ra-ên nhìn vào con rắn đồng mới được chữa khỏi?

B. NÊN LÀM THẾ NÀO?

Khi những khó khăn xảy đến, em có oán trách không? Em xem các hình vẽ dưới đây, rồi viết ra lời “oán trách” hay “tin cậy” nơi Đức Chúa Trời. 

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 4. GIA-CỐP ĐƯỢC THA THỨ

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 32:1- 33:4.

II. CÂU GỐC: Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn lòng tha thứ, ban sự nhân từ vô lượng cho những người kêu cầu Ngài. (Thi Thiên 86:5).

III. BÀI TẬP.

A. CÙNG SUY NGHĨ.

Em xem hình và trả lời các câu hỏi sau.

  1. Lúc Gia-cốp sắp gặp Ê-sau, ông cảm thấy thế nào? Tại sao?

…………………………………………………………………………………………………………………………

  1. Khi Ê-sau nghe Gia-cốp nói là sẽ về nhà, theo em, Ê-sau cảm thấy thế nào? Tại sao?

…………………………………………………………………………………………………………..

  1. Tại sao Gia-cốp phải cầu nguyện vào đêm trước khi gặp Ê-sau?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

  1. Sau khi gặp nhau, hai anh em đã có hành động như thế nào?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

B. NẾU LÀ EM, EM SẼ LÀM SAO?

Em nhìn vào hình số 1 và đoán xem sự việc gì đã xảy ra? Sau khi cầu nguyện (hình 2), Minh đã gặp Cường. Nếu em là Minh, em sẽ nói gì với Cường? Còn nếu em là Cường, em sẽ trả lời với Minh như thế nào? Ghi câu trả lời của em vào ô thứ 3 và thứ 4.

* Tại trạm xe buýt:

 

Hình 3                            Hình 4

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 4. GIA-CỐP ĐƯỢC THA THỨ

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 32:1- 33:4.

II. CÂU GỐC: Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn lòng tha thứ, ban sự nhân từ vô lượng cho những người kêu cầu Ngài. (Thi Thiên 86:5).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Gia-cốp được Đức Chúa Trời và Ê-sau tha thứ.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời luôn yêu thương các em. Ngài sẵn lòng tha thứ mọi lỗi lầm nếu các em biết cầu xin.

– Hành động: Em xin Chúa tha thứ những lỗi lầm đã phạm.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

    * Báo tường “Tha thứ”.

  1. Mục đích: Giúp các em diễn đạt cảm nghĩ của mình khi được tha thứ.
  2. Vật liệu: Giấy trắng, bút màu, bảng đen hoặc một tờ giấy lớn, keo dán.
  3. Thực hiện: Phát cho mỗi em một tờ giấy, bút màu. Giáo viên nêu lên một vài câu chuyện có thật, để các em suy nghĩ và nhớ lại những lỗi lầm mình đã phạm. Sau đó vẽ hình ra.

Khi các em làm xong, hướng dẫn các em dán hình lên bảng hoặc dán lên tờ giấy lớn và nói lên cảm nghĩ của mình sau khi được tha thứ.

* Cuối cùng, giáo viên đặt câu hỏi thảo luận: “Kinh Thánh dạy rằng khi phạm lỗi, chúng ta phải xưng tội với Đức Chúa Trời; ngoài ra, chúng ta còn phải nhận lỗi với những ai?” (Ví dụ: Khi nghĩ sai hoặc nói sai về người khác). 

B. BÀI HỌC KINH THÁNH: Sử dụng hình và con rối của bài học trước.

 (Giơ con rối Gia-cốp và hình lên). Sau khi sống ở nhà La-ban hai mươi năm, Gia-cốp trở về quê nhà, dẫn theo vợ con, những người làm và rất nhiều súc vật. Các em nghĩ xem, Gia-cốp có vui mừng khi trở về quê hương không? Dù rất vui mừng nhưng cứ nghĩ đến anh mình là Ê-sau thì ông lại sợ hãi.

Gia-cốp nghĩ thầm: “Ê-sau còn nhớ việc mình lừa gạt anh và cha không? Ê-sau còn giận mình không?” Càng gần đến nhà, Gia-cốp càng lo sợ hơn, các câu hỏi cứ xoay trong đầu ông. Gia-cốp sắp phải gặp Ê-sau, nếu Ê-sau muốn giết ông thì phải làm thế nào bây giờ?

Gia-cốp nghĩ ra một cách để xem Ê-sau còn giận mình không? Gia-cốp sai người đến báo tin cho Ê-sau: “Gia-cốp đang trên đường trở về”. Người đó quay lại nói với Gia-cốp: “Ê-sau sẽ dẫn bốn trăm người đi đón ông”.

Bốn trăm người! Thử tưởng tượng xem Gia-cốp sợ đến mức nào! Ông phải làm gì bây giờ? Ông lập tức chia người nhà, tôi tớ, gia súc ra thành hai đội. Ông nghĩ: “Nếu Ê-sau  đến đánh một trong hai đội, thì đội còn lại sẽ thoát được”.

Gia-cốp liền cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời: “Lạy Chúa, con không đáng hưởng ân huệ của Ngài vì con đã phạm nhiều lỗi lầm. Nhưng Ngài là Đấng yêu thương, xin Ngài giúp con, con sợ Ê-sau sẽ giết con mất”.

Khi cầu nguyện xong, Gia-cốp chọn một số lễ vật tặng Ê-sau: Mấy trăm con dê, chiên, một số lạc đà, bò và lừa. Ông cho người đem đến trước để tỏ ý thân thiện và hy vọng Ê-sau nguôi giận.

Gia-cốp ở lại chờ đợi để gặp Ê-sau. Đêm đó, Gia-cốp lại cầu nguyện và một điều kỳ diệu đã xảy ra. Sáng sớm hôm sau, lúc mặt trời mọc, Gia-cốp được biết Đức Chúa Trời ở cùng ông. Từ đó trở đi, Gia-cốp nguyện sống và làm những việc đẹp lòng Chúa.

Bỗng, Gia-cốp nhìn thấy một đoàn người từ xa đang đi đến, đó chính là Ê-sau dẫn bốn trăm người tiến về phía Gia-cốp! Họ định làm gì? Ê-sau đến giết Gia-cốp ư? Gia-cốp liền bảo cả nhà mình chuẩn bị đi đón Ê-sau.

Gia-cốp rất lo sợ. Ông dẫn đầu đoàn người bên này, Ê-sau cũng dẫn đầu bốn trăm người của ông. Hai đoàn người càng lúc càng gần nhau hơn, nhưng Gia-cốp vẫn chưa nhìn thấy được vẻ mặt của Ê-sau vui mừng hay giận dữ. Gia-cốp vượt lên trước, quì mọp xuống đất bảy lần cho đến khi tới gần anh mình. Ê-sau đã làm gì?

Bỗng, Ê-sau chạy đến trước mặt Gia-cốp. Ông định làm gì vậy? Giết Gia-cốp ư? Không, Ê-sau đang mừng rỡ, ông ôm chầm lấy Gia-cốp và hôn. Hai anh em mừng mừng tủi tủi.

Mọi việc kết thúc thật êm đẹp. Họ không còn ghét giận, dối gạt nhau nữa. Hai anh em đã xa nhau rất lâu. Họ đều khóc khi gặp lại nhau. Bây giờ, Gia-cốp không còn sợ hãi nữa. Ông rất vui vì được trở về quê nhà, Ê-sau đã tha thứ cho ông và điều quan trọng nhất là Đức Chúa Trời đã tha thứ cho Gia-cốp.

  1. Ứng dụng.

Cho các em mở sách học viên dùng câu hỏi trong phần “Cùng Suy Nghĩ” để giúp các em ôn lại câu chuyện.

Hướng dẫn các em đoán xem có việc gì xảy ra trong hình 1 và hình 2. Sau đó, hỏi các em: Trong hình 2, Cường xin Chúa giúp mình sửa sai. Chúng ta hãy nghĩ xem Cường nên nói gì với Minh? Giáo viên nên ghi ý kiến của các em lên bảng. Giúp các em ghi ý kiến thích hợp vào hình số 3. Cho các em tiếp tục suy nghĩ xem khi Minh nghe Cường xin lỗi, Minh làm gì? Thực hiện cùng cách như vậy đối với hình số 4.

– Đặt câu hỏi với các em: Cường nhận lỗi với Đức Chúa Trời có phải là một việc khó làm không? Tại sao? Cường xin lỗi Minh có phải là một việc khó khăn không? Vì sao? Minh tha thứ cho Cường có phải là việc dễ không? Tại sao? Nếu Cường được học câu gốc hôm nay, bạn ấy sẽ thấy dễ dàng hơn khi nhận lỗi với Chúa phải không?

– Khuyến khích các em chia sẻ lại kinh nghiệm được Chúa và người khác tha thứ.

– Hướng dẫn các em cầu nguyện xin Chúa tha thứ những lỗi lầm mà mình đã phạm.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 4. CHÚA JÊSUS CẦU THAY

I. KINH THÁNH: Giăng 17: 6-26.

II. CÂU GỐC: “Vậy, hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được lành bệnh.” (Gia-cơ 5:16a).

III. BÀI HỌC.

   Chúa Jêsus cầu nguyện rằng: “Con cảm tạ Cha vì các môn đồ của con. Cầu xin Cha giúp họ yêu thương nhau. Cầu xin Cha giúp họ được vui mừng. Cầu xin Cha giúp họ cách làm điều lành”.

IV. CÙNG SUY NGHĨ.

Xem hình và trả lời các câu hỏi:

  1. Tại sao Chúa Jêsus cầu xin Đức Chúa Trời giúp cho các môn đồ yêu thương nhau?

………………………………………………

………………………………………………

  1. Vì sao Chúa Jêsus cầu xin Đức Chúa Trời giúp các môn đồ được vui mừng?

………………………………………………..

………………………………………………..

  1. Vì sao Chúa Jêsus cầu xin Đức Chúa Trời giúp họ cách làmviệc lành?

…………………………………………………….

…………………………………………………….

HỌ CẦN SỰ CẦU NGUYỆN CỦA EM

Viết những điều họ cần cầu nguyện vào ô trống

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 4. CHÚA JÊSUS CẦU THAY

I. KINH THÁNH: Giăng 17: 6-26.

II. CÂU GỐC: “Vậy, hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được lành bệnh.” (Gia-cơ 5:16a).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Chúa Jêsus yêu thương bạn bè và cầu nguyện cho họ.

– Cảm nhận: Cầu nguyện cho bạn bè là yêu thương họ.

– Hành động: Trong tuần nầy em đặc biệt cầu nguyện cho các bạn của mình.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦUGIỜ.

*Cầu thay.

  1. Mục đích: Giúp các em cầu thay cho bạn mình.
  2. Vật liệu: Một tờ giấy cứng lớn, mỗi em một tấm giấy tròn, một tấm giấy hình chữ nhật, keo dán, viết chì màu.

    3. Cách thực hiện: Cho các em vẽ khuôn mặt của người bạn mà mình sẽ cầu thay lên tấm bìa hình tròn, và trên tấm bìa hình chữ nhật ghi dòng chữ: “…(tên của em) cầu thay cho… (tên của bạn em) vì…(vấn đề cầu thay)”, rồi dán lên tấm bìa lớn.

   Khi các em làm xong, treo tấm bìa lớn mang tên: “Em cầu nguyện cho bạn” lên, rồi giải thích ý nghĩa của việc cầu nguyện cho nhau. Các em cảm ơn Đức Chúa Trời cho các em có bạn bè và xin Chúa cho bạn mình vâng lời ba mẹ, thầy cô, và thường xuyên tham dự lớp Trường Chúa Nhật.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị cụ: Bốn hình người: Anh-rê, Giăng, Phi-e-rơ và Gia-cơ (xem phụ lục), máy và băng cassette.

  1. Vào đề.

   Các em có bạn bè không? Thế nào mới là bạn tốt? Ai là bạn thân nhất của em? Em có thể cho biết tên và sở thích của bạn em không? (Cho các em lần lượt trả lời).

  1. Bài học.

   Chúa Jêsus cũng có một số bạn bè đặc biệt. Họ chính là những môn đồ ngày đêm ở cùng Ngài.

  Một đêm nọ, Chúa Jêsus và các môn đồ đang ở tại thành phố Giê-ru-sa-lem. Sau khi dạy dỗ các môn đồ, Chúa Jêsus đã bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với họ khi ngước mắt lên nhìn bầu trời đầy sao rồi cầu nguyện cho bạn bè của Ngài.

   Bây giờ các em sẽ được bốn môn đồ kể về việc Chúa Jêsus cầu thay cho họ. (Nếu không có hình, có thể mời bốn em đóng vai bốn môn đồ: “Anh-rê, Giăng, Phi-e-rơ, Gia-cơ”).

   Giới thiệu với các em, đây là ông Anh-rê (Anh-rê chào các em). Anh-rê là môn đồ đầu tiên làm chứng về Chúa Jêsus. Ông

làm chứng cho ai? Cho anh của mình là Phi-e-rơ. Anh-rê cũng là người dẫn bé trai có năm cái bánh và hai con cá đến gặp Chúa Jêsus để đãi cho năm ngàn người ăn no.

Anh-rê (mở băng cassette hoặc nói): “Tôi rất vui mừng được có mặt nơi đây để kể cho các em nghe việc Chúa Jêsus cầu nguyện cho chúng tôi tối hôm đó. Tôi thích nhất là đoạn Chúa Jêsus cầu nguyện cho chúng tôi được vui mừng. Ngài muốn mỗi chúng ta đều hưởng được sự vui mừng, nếu mỗi em đều cầu nguyện cho bạn mình được vui mừng thì thế giới nầy sẽ tốt đẹp biết bao!”

   (Chia nhóm cho các em, cứ hai em một nhóm để chia sẻ niềm vui cho nhau (khoảng vài phút) rồi giáo viên tổng kết và đưa ra kết luận).

   Cô rất vui vì Chúa Jêsus đã cầu thay cho chúng ta được vui mừng. Hôm nay, cô cũng cầu thay cho các em có một ngày vui vẻ (giáo viên cầu nguyện ngắn gọn).

   Bây giờ các em sẽ gặp một môn đồ khác, tên là Giăng. Ông Giăng làm nghề đánh cá, sống cùng với cha và em là Gia-cơ bên bờ hồ Ga-li-lê. Kinh Thánh cho biết ông Giăng là người đầu tiên nghe Chúa Jêsus giảng. Sau đó, được sự kêu gọi củaChúa, ông bỏ nghề đánh cá và đi theo Ngài.

   Giăng: “Tôi không bao giờ quên cái đêm Chúa Jêsus cầu nguyện cho chúng tôi. Tôi cảm động vô cùng vì Ngài cảm tạ Đức Chúa Trời về những việc chúng tôi đã làm. Thật là kỳ diệu! Khi tôi nghe lời cầu nguyện của Ngài, tôi biết Chúa yêu chúng tôi vô cùng. Tôi cũng yêu thương Chúa Jêsus vì Ngài không chỉ quở trách những việc làm sai trái mà còn quan tâm đến những việc tốt mà tôi đã làm”.

   Các em thân mến, Chúa Jêsus cảm tạ Đức Chúa Trời vì cớ các môn đồ. Cô cũng cảm tạ Đức Chúa Trời vì cớ các em. Hãy nghĩ xem hôm nay chúng ta cảm tạ Ngài về điều gì? Có thể không cần nói ra, chỉ cần thầm nguyện với lòng biết ơn là đủ rồi. (Giáo viên tạ ơn Đức Chúa Trời về mỗi em, rồi mời một em cầu nguyện cảm tạ Đức Chúa Trời).

   Bây giờ, cô giới thiệu với các em một môn đồ khác của Chúa Jêsus.

   Ông tên là Phi-e-rơ, cùng với em là Anh-rê làm nghề đánh cá. Trước khi gặp Chúa Jêsus, ông có tên là Si-môn, Nhưng Chúa Jêsus bảo ông: “Từ nay trở đi, tên con sẽ là Phi-e-rơ”.

   Phi-e-rơ: “Các em biết Chúa Jêsus cầu nguyện cho chúng tôi điều gì không? Để tôi kể cho các em nghe. Tôi thường gặp phiền phức vì tính tôi nóng nảy và hay gây gổ. Tôi rất vui vì Chúa Jêsus cầu xin Đức Chúa Trời giúp tôi cẩn thận trong từng suy nghĩ lẫn lời nói của mình. Tôi cảm ơn Chúa vì Ngài yêu thương tôi, cầu nguyện cho tôi được thay đổi tính tình”.

   Các em có nóng nảy như ông Phi-e-rơ không? Có thường vội vàng nói và làm khi chưa kịp suy nghĩ không? Các em làm sao yêu thương người khác? Xin Đức Chúa Trời giúp các em học cách yêu thương nhau. (Mời các em nêu ví dụ cụ thể rồi mời một em cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giúp các em).

   Gia-cơ là một môn đồ của Chúa Jêsus. Hôm nay ông cũng sẽ trò chuyện với các em.

   Gia-cơ là anh trai của Giăng, đã từng là một người đánh cá, khi Chúa Jêsus kêu gọi, ông liền bỏ thuyền và lưới mà theo Ngài. Một hôm, hai anh em ông xin Chúa Jêsus cho họ địa vị cao trọng hơn các môn đồ khác nơi thiên đàng, Chúa Jêsus đáp: “Nếu muốn có địa vị quan trọng, các con phải phục vụ người khác”. Vài tháng sau khi Chúa Jêsus chịu chết và sống lại, vua Hê-rốt rất tức giận vì các môn đồ Chúa Jêsus đi khắp nơi rao truyền Tin Lành nên ra lệnh chém đầu Gia-cơ.

   Gia-cơ: “Vừa rồi em tôi là Giăng, cùng với hai bạn tôi là Phi-e-rơ và Anh-rê đã kể cho các em nghe việc Chúa Jêsus cầu thay cho chúng tôi. Các em biết không, Chúa Jêsus cũng cầu thay cho bất cứ ai tin Ngài. Chúa cầu nguyện: “Không những con cầu thay cho những người nầy, mà còn cầu thay cho tất cả những ai nghe họ mà tin đến con nữa”.

   Chúa Jêsus yêu thương các em cũng như Ngài yêu thương Gia-cơ và những môn đồ khác. Chúa Jêsus đã cầu xin Đức Chúa Trời giúp các môn đồ yêu thương nhau, Ngài cũng mong muốn các em biết yêu thương lẫn nhau. Hiện nay, ở trên trời Ngài vẫn cầu thay cho các em vì Ngài yêu thương các em.

  1. Ứng dụng.

   Hướng dẫn các em mở sách học viên, cùng đọc chung bài học và dùng câu hỏi trong phần: “Cùng suy nghĩ” để giúp các em ôn bài.

  Cho các em xem mục: “Họ cần sự cầu nguyện của em” và thảo luận xem họ cần cầu thay về vấn đề gì? (Ví dụ: Công việc của mục sư, sức khỏe của ba mẹ, những người thân chưa tin Chúa…).

   Sau đó, cho các em chọn đối tượng để cầu thay rồi giáo viên cầu nguyện kết thúc.

  Khuyến khích các em đem bài tập về nhà cho ba mẹ xem và thực hiện trong giờ cầu nguyện lễ bái, hãy nhớ những người nêu trên mà cầu nguyện. Cảm tạ Chúa vì họ, và xin Chúa giúp những gì họ cần. Mỗi người trong gia đình đều lần lượt cầu nguyện cho họ.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 4. XÂY DỰNG ĐỀN TẠM

I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô ký 35:4-35; 36:1-7; 39:27-43; 40:17-38.

II.CÂU GỐC: “Con sẽ hát bài ca chúc tụng danh Đức Chúa Trời, lấy sự cảm tạ mà tôn cao Ngài” (Thi thiên 69:30).

III. BÀI TẬP.

A. CÙNG SUY NGHĨ.

Em xem hình và trả lời các câu hỏi.

1. Dân chúng cảm thấy thế nào khi dâng các lễ vật để dựng đền tạm?

………………………………………………………………………………….

  1. Theo em, việc gì sẽ xảy ra nếu họ không muốn dâng các lễ vật?

…………………………………………………………………………………………………….

  1. Môi-se có bắt buộc dân chúng phải dâng lễ vật không?………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
  2. Tại sao dân chúng dâng nhiều lễ vật quí báu như vậy?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

B. NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT.

Em xem hình dưới đây và cho biết các bạn trong hình đã làm để tỏ lòng yêu mến Chúa?

Còn em, em có thể làm gì để tỏ lòng yêu mến Chúa? Hãy viết vào đường kẻ dưới đây.

……………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………..

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 4. XÂY DỰNG ĐỀN TẠM

I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô ký 35:4-35; 36:1-7; 39:27-43; 40:17-38.

II. CÂU GỐC: “Con sẽ hát bài ca chúc tụng danh Đức Chúa Trời, lấy sự cảm tạ mà tôn cao Ngài” (Thi thiên 69:30).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em                                                                   

– Biết: Môi-se và dân sự xây dựng đền tạm đẹp đẽ để thờ phượng Đức Chúa Trời.

– Cảm nhận: Được thờ phượng Chúa với các tín hữu khác trong đền thờ là điều vui mừng.

– Hành động: Cùng hợp sức làm công việc Chúa và thờ phượng Ngài.

IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.

Một trong những nhiệm vụ mà Đức Chúa Trời giao cho Môi-se là dựng Đền Tạm. Trải qua suốt Sáng Thế Ký, Chúa đồng đi cùng với dân Ngài (Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, các tộc trưởng…), nhưng giờ đây Ngài ở cùng họ. Việc Chúa ngự trong trại quân là một vinh dự đối với dân Y-sơ-ra-ên (Rô-ma 9:4-5). Nhưng hưởng được vinh dự thì cũng phải có trách nhiệm – họ phải dựng Đền Tạm để thờ phượng Chúa. Đức Chúa Trời cho Môi-se biết rằng ông phải làm mọi thứ theo như kiểu mẫu đã được Ngài hướng dẫn. Đức Chúa Trời cũng đã chuẩn bị vật liệu cho việc xây dựng Đền Tạm từ khi dân Y-sơ-ra-ên còn ở xứ Ai-cập. Lúc nầy, dân Y-sơ-ra-ên đang ở trong sa mạc và họ chỉ có thể dâng lên cho Ngài những gì Ngài ban cho họ từ trước. Đức Chúa Trời cũng trang bị cho những người làm việc có các kỹ năng và sự khôn ngoan cần có. Dân Y-sơ-ra-ên vui lòng góp công, góp của xây dựng Đền Tạm đẹp đẽ để thờ phượng Đức Chúa Trời.

Dù là việc xây dựng Đền Tạm trong thời Cựu Ước, xây dựng Hội Thánh trong thời Tân Ước, hay việc gây dựng đời sống chức vụ của chúng ta ngày nay, Đức Chúa Trời đều trang bị cho chúng ta và giúp chúng ta có thể làm trọn mọi việc Đức Chúa Trời giao phó. Được thờ phượng Chúa với các tín hữu khác trong Hội Thánh là một ơn phước Chúa cho. Bạn có thấy rằng được thờ phượng Chúa, được phục vụ Ngài là phước hạnh trong cuộc đời nầy không? Vậy hãy hết lòng thờ phượng và phục vụ Ngài bạn nhé.

V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trò chơi “Hỏi đáp”.

  1. Mục đích: Giúp các em nhớ lại những điều đã học.
  2. Vật liệu: Nhiều tờ giấy (7x12cm), viết lông.
  3. Thực hiện: Giáo viên ghi ra một số câu hỏi căn cứ theo những câu chuyện Kinh Thánh đã kể trong những bài trước lên các mảnh giấy nhỏ để các em trả lời. (Ví dụ: Em ghi ra một trong Mười Điều Răn). Phát cho mỗi em một mảnh giấy có ghi 1 câu hỏi. Nếu các em trả lời sai, giáo viên cần đính chính lại. Giúp các em nhớ đúng bài học Kinh Thánh.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

 (Chuẩn bị thị cụ: Hình Đền Tạm trong phần phụ lục).

  1. Vào đề.

Em có thường đến nhà thờ để thờ phượng Chúa không? Trong giờ thờ phượng, chúng ta có những cách thức gì để bày tỏ lòng yêu mến tôn kính của chúng ta đối với Đức Chúa Trời? (Hát Thánh ca, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, nghe giảng Lời Chúa, dâng hiến v.v…) Phương thức nào em thích dùng để thờ phượng Đức Chúa Trời? (Cho các em trả lời).

Ngày xưa Đức Chúa Trời phán truyền cho Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên dựng lên một nơi đặc biệt để có thể thờ phượng Ngài khi đang đi trong đồng vắng. Để biết rõ hơn, mời các em theo dõi bài học nầy nhé.    

  1. Bài học.

Sau khi Môi-se truyền Mười Điều Răn cho dân sự, ông nhắc họ phải luôn luôn học tập, sống xứng đáng là tuyển dân của Chúa. Họ cần phải dựng đền tạm để có nơi nhóm lại thờ phượng Đức Chúa Trời, mặc dù họ đang trên đường tiến đến đất hứa, và thường phải ở trong những căn lều tạm bợ.

Một ngày nọ, Môi-se triệu tập dân chúng lại và thông báo: “Đức Chúa Trời mong muốn mỗi chúng ta dâng hiến lễ vật để thực hiện một việc quan trọng”. Dân chúng ngạc nhiên, lắng nghe xem việc gì? Môi-se nói tiếp: “Chúng ta sẽ dựng một lều trại thật đẹp để thờ phượng Đức Chúa Trời, gọi đó là đền tạm. Muốn vậy, cần có vàng, bạc, vải, các loại hương liệu, gỗ, châu ngọc và những thứ khác. Nếu ai có lòng thành, hãy dâng những gì mình có”. Môi-se nói thêm: “Ngoài ra, còn cần sự giúp đỡ của những người biết may để may các tấm vải làm đền tạm, những người biết nghề thợ mộc, thêu, dệt vải và làm đồ vàng, đồ bạc”.

Mọi người đều trở về lều của mình xem lại hành trang có vật gì quí để dâng hiến. Chẳng bao lâu sau, họ đã lũ lượt đem đến cho Môi-se nào là vàng, đồ trang sức và các thứ quí giá khác (giáo viên để các vật như vàng, bạc, áo… lên bàn), nhiều đến nỗi Môi-se phải tuyên bố: “Đừng mang lễ vật đến nữa, chúng ta có đủ rồi”.

Đức Chúa Trời chỉ dạy Môi-se cách thức dựng đền tạm, bao gồm cả kích thước, vật liệu, thậm chí màu sắc nữa. Môi-se hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên làm theo ý Chúa. Họ bắt tay vào công việc một cách phấn khởi.

(Cho các em xem hình Đền Tạm trong khi kể chuyện.) Những người giỏi về nghề mộc thì lo xẻ gỗ. Những người thợ bạc thì dùng những đồ trang sức làm nên những vật dụng cần thiết như thau hoặc chân đèn bằng vàng, bạc. Các phụ nữ khéo tay thì dệt các loại chỉ màu xanh, tím, đỏ, tạo ra những tấm vải để dựng hội mạc.

Dân chúng chỉ dẫn nhau để có nhiều người góp sức dựng Đền tạm. Môi-se hướng dẫn công việc để đền tạm hoàn tất theo ý của Đức Chúa Trời. Ai nấy đều hân hoan, họ hết lòng làm từng phần của công việc.

Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, những người nam dựng những cây cột có bọc vàng và treo các tấm vải đẹp đẽ lên trên, rồi phủ bên ngoài một lớp da thú để tránh ánh nắng của mặt trời và khỏi bị mưa thấm vào trong. Tất cả đồ dùng đều để đúng nơi thích hợp. Chung quanh Đền Tạm là một hành lang vây quanh. Bàn dâng của lễ đặt ở giữa, mọi thứ đều chuẩn bị tươm tất. Đền tạm đã được hoàn tất. Nơi thờ phượng Đức Chúa Trời thật đẹp đẽ biết bao!

Bỗng một đám mây sà xuống bao phủ đền tạm. Mọi người biết Đức Chúa Trời đẹp ý với công việc của họ. Đây sẽ là nơi họ trò chuyện với Đức Chúa Trời.

Dân chúng thường xuyên đem lễ vật đến dâng để ca ngợi và cảm tạ Đức Chúa Trời trong suốt mười hai ngày. Họ phấn khởi vì được trở thành dân của Đức Chúa Trời. Họ vui mừng vì có nơi để thờ phượng Ngài.

  1. Ứng dụng.

Cho các em mở tập học viên, dùng các câu hỏi trong phần A, giúp các em ôn lại bài học. Nói với các em: Sau khi Môi-se và dân sự dựng xong Đền Tạm, họ đem lễ vật dâng cho Đức Chúa Trời và ca hát để tỏ lòng vui mừng và kính yêu Ngài. Họ cùng nhau làm việc, cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời.

Cho các em xem hình trong phần B và hỏi: Các bạn trong hình bày tỏ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời như thế nào? (Học tập, làm bài tập, học câu gốc…) Còn các em, các em làm gì trong Hội Thánh để tỏ lòng yêu thương Đức Chúa Trời?

Mời một em đọc lớn tiếng câu gốc, sau đó hỏi: Khi các em dùng tiếng hát để ca ngợi Đức Chúa Trời thì Ngài có vui không? Em ca ngợi Chúa bằng cách nào khác nữa? (Kể cho bạn bè và người thân những việc Đức Chúa Trời đã làm, cầu nguyện, học câu gốc…) Sau khi các em viết xong cách thờ phượng và ca ngợi Chúa, thì mời các em đọc câu gốc. Hướng dẫn cầu nguyện kết thúc.

VI. PHỤ LỤC.

* Đền Tạm.

  1. Vật liệu: Một tấm bìa lớn, viết lông.
  2. Cách làm: Giáo viên vẽ hình dưới đây vào tấm bìa rồi tô màu thật đẹp để làm thị cụ dạy học.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 16 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. DỐI GẠT NHAU

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 29:1-13; 30:25-34; 31:1-7, 17-29, 36-55.

II. CÂU GỐC: “Hãy bỏ sự bạo hành và áp bức, hãy làm điều công minh, chính trực. Hãy ngừng cướp bóc tài sản của dân Ta, Chúa Giê-hô-va phán vậy.” (Ê-xê-chi-ên 45:9).

III. BÀI TẬP.

  1. CÙNG SUY NGHĨ.

Em xem hình và trả lời các câu hỏi sau.

  1. La-ban lừa gạt Gia-cốp như thế nào?

……………………………………………………………………………………..

  1. Gia-cốp lừa La-ban ra sao?

……………………………………………………………………………………..

  1. Họ lừa gạt nhau như vậy nên cảm thấy điều gì?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

  1. Trong hình cho thấy việc gì xảy ra?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

  1. Theo em, tình cảm của họ sẽ thế nào?

      ……………………………………………………………………………

 

  1. NẾU LÀ EM, EM SẼ LÀM SAO?

Em đoán thử xem hai bạn này đang chơi trò chơi gì? Theo em, bạn gái ở trong hình nhìn thấy Minh đang làm gì không? Nếu em là bạn gái đó thì em sẽ làm gì?

Nếu Minh tiếp tục lừa gạt bạn?

…………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

 

Nếu Minh không gạt bạn nữa?

………………………………………………………………………………………………

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 16 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. DỐI GẠT NHAU

IKINH THÁNH: Sáng Thế Ký 29:1-13; 30:25-34; 31:1-7, 17-29, 36-55.

II. CÂU GỐC: “Hãy bỏ sự bạo hành và áp bức, hãy làm điều công minh, chính trực. Hãy ngừng cướp bóc tài sản của dân Ta, Chúa Giê-hô-va phán vậy.” (Ê-xê-chi-ên 45:9).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp  các em

– Biết: Gia-cốp và La-ban lừa dối nhau gây ra bất hòa.

– Cảm nhận: Dối gạt nhau luôn đem đến những điều xấu.    

– Hành động: Quyết tâm sống chân thật, không dối gạt nhau.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Liên tưởng.

  1. Mục đích: Giúp các em học tập và nhận biết những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa nhau.
  2. Vật liệu: 16 tờ giấy cứng (8x12cm), 8 cây viết màu khác nhau.
  3.    Thực hiện:

Giáo viên viết sẵn các từ vào giấy bìa. Mỗi tấm bìa một từ. Mỗi cặp từ trái nghĩa hoặc đồng nghĩa dùng chung một màu viết: Thành thật / nói dối; công bình / thiên vị; giúp đỡ / hãm hại; cậu / cháu; đúng / sai; thích / ghét; lòng tham / rộng rãi; chiên con / người chăn.

Giáo viên đặt tám từ để ngửa và tám từ lật úp, xếp thành hai hàng trên bàn. Sau đó giải nghĩa tám từ để ngửa cho học sinh, đồng thời giải thích thế nào là từ trái nghĩa (như lạnh khác nóng) và từ có nghĩa liên quan (như bà / cháu).

Cho các em lần lượt lật từng tấm bìa úp, giải nghĩa và xếp với từ để ngửa cho thích hợp.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH,

  1. Vào đề.

Minh hứa cho em gái là Châu mượn chiếc xe đạp nếu Châu cho chó con ăn dùm. Khi Châu làm vừa xong, Cường đến rủ Minh lấy xe đạp đi chơi, Minh nhớ lại lời hứa với Châu. Nếu Minh đi với Cường, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu Minh đưa xe đạp cho Châu thì sẽ thế nào? Minh nên làm gì? Tại sao?

Kinh Thánh có nói đến hai người phải quyết định thực hiện lời hứa. Bây giờ các em cùng lắng nghe quyết định của họ nha!

  1. Bài học.

            Sau một chặng đường dài, Gia-cốp đến nhà La-ban. Cậu cháu rất vui mừng khi gặp nhau. La-ban bảo Gia-cốp ở lại giúp ông, vì ông có rất nhiều chiên và dê mà Gia-cốp lại chăm sóc chiên rất giỏi. Trong thời gian Gia-cốp sống tại nhà La-ban, Gia-cốp làm việc rất siêng năng. Nhờ Gia-cốp chăm sóc nên đàn chiên của La-ban ngày càng béo tốt và đông hơn. La-ban mừng lắm. Vì tham muốn có thêm nhiều chiên nên La-ban tìm cách dối gạt Gia-cốp. Ông hứa trả công cho Gia-cốp, nhưng cuối cùng không giữ lời hứa. Gia-cốp vẫn cần cù làm việc cho La-ban và đã lấy hai người con gái của ông là Lê-a và Ra-chên làm vợ.

            Nhiều năm trôi qua, Gia-cốp đã có một gia đình lớn với nhiều con cái. Ông quyết định lìa khỏi nhà cậu để trở về nhà mình. Khi Gia-cốp nói với La-ban điều đó, La-ban tỏ vẻ buồn. Ông nói với Gia-cốp: “Cháu hãy ở lại. Nếu cháu muốn gì cứ nói, cậu sẽ giúp cho”. Gia-cốp nói: “Cháu muốn có tất cả chiên và dê có đốm; những con không có đốm thuộc về cậu”.

La-ban đồng ý ngay, vì ông biết đàn chiên của ông rất ít con có đốm. Gia-cốp tiếp tục miệt mài chăm sóc đàn chiên. Mấy năm sau, bầy chiên ngày càng nhiều con có đốm, tức là những con thuộc về Gia-cốp, còn chiên không đốm thuộc về La-ban thì ngày càng ít đi.

Các con trai của La-ban bắt đầu phàn nàn, vì Gia-cốp ngày càng giàu có. Gia-cốp không còn thân thiện trong mắt La-ban nữa, vì La-ban và các con ông đều cho rằng Gia-cốp  dối gạt họ.

            Một hôm, Gia-cốp quyết định dắt vợ con và bầy súc vật trốn khỏi nhà La-ban.

            Khi nghe tin Gia-cốp đã trốn đi, La-ban lập tức kéo các đầy tớ đuổi theo Gia-cốp, suốt bảy ngày mới bắt kịp. La-ban  giận dữ hỏi: “Vì sao cháu ra đi mà không cho cậu biết trước?” Gia-cốp nói: “Vì cháu sợ cậu không cho cháu dắt vợ con và gia súc cùng đi”. La-ban càng giận và nói: “Cậu đã làm gì mà cháu nghĩ như vậy?” Gia-cốp nhìn La-ban rồi chậm rãi nói: “Cháu hết lòng làm việc cho cậu trong hai mươi năm nay, nhưng đã mười lần cậu không giữ đúng lời hứa với cháu. Cậu dối gạt cháu làm sao cháu tin cậu được nữa?”

La-ban nhận biết Gia-cốp nói đúng. Vì ông dối gạt nhiều lần nên Gia-cốp không tin ông nữa. Gia-cốp cũng biết mình không nên bỏ trốn như vậy vì người ta có thể hiểu lầm ông đã làm điều xấu. Cuối cùng La-ban và Gia-cốp cùng cầu nguyện, hứa với Đức Chúa Trời là sẽ không bao giờ lừa gạt, làm hại nhau. Sau đó, họ ngồi lại cùng ăn tối với nhau. Hôm sau, họ từ giã nhau, Gia-cốp tiếp tục dắt vợ con trở về quê hương.

  1. Ứng dụng.

Hướng dẫn các em mở sách học viên. Dùng các câu hỏi trong phần “Cùng suy nghĩ” giúp các em ôn bài.

            Sau đó giáo viên hỏi: Các bạn nhỏ trong hình đang làm gì? Em biết trò chơi trốn tìm chưa? Thảo luận trong lúc chơi đùa mà dối gạt nhau thì xảy ra chuyện gì? Hướng dẫn các em so sánh hậu quả của việc dối gạt và kết quả của việc làm chân thật.

            Sau đó, mời một em đọc câu gốc. Hỏi các em: Chân thật có ích lợi gì?” Khi các em trả lời xong, giáo viên kết luận: “Kinh Thánh dạy chúng ta làm việc tốt và ích lợi”. Cuối cùng hướng dẫn các em cầu nguyện xin Chúa giúp các em làm việc đúng và tha thứ mọi lỗi lầm.