Chuyên mục: NHI ĐỒNG

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in NHI ĐỒNG on 15 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. HAI CÂU CHUYỆN VỀ SỰ CẦU NGUYỆN

I. KINH THÁNH: Lu-ca 18:1-14.

II. CÂU GỐC: “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:16).

III. BÀI HỌC.

  1. Nối các câu phù hợp với những người trong hình bằng mũi tên:

– Khoe khoang về bản thân trước người khác.

– Cảm thấy xấu hổ trước Chúa.

– Một người chỉ nói đếnlợi ích riêngmình.

– Một người chỉ cầu xin Chúa tha thứ.

* Hãy nghĩ xem Chúa thích lắng nghe lời cầu xin của ai?

  1. Nối các câu sau đây với những người trong hình bằng mũi tên:

Người này không ngừng cầu xin giúp đỡ.

Người này hoàn toàn không để ý đến bà.

Người này vẫn tiếp tục khẩn khoản cầu xin.

Cuối cùng người này đồng ý giúp đỡ bà.

IV. CÙNG SUY NGHĨ.

  1. Tại sao lúc đầu quan án từ chối lời cầu xin của người đàn bà?
  2. Chúa có giống với quan án không? Vì sao?
  3. Người Pha-ri-si đã phạmlỗi gì khi cầu nguyện?
  4. Lời cầu nguyện của người thâu thuế có điểm gì đáng cho chúng ta học tập?

BÁNH XE CẦU NGUYỆN.

*Cách chơi.

Hai em cùng chơi với nhau. Em thứ nhất chọn một ô của vòng ngoài, rồi nói rõ về những điều sẽ cầu nguyện với Chúa, còn em kia chọn một đáp án ở vòng trong, và suy nghĩ xem đáp án này dẫn đến việc gì? Hai em có thể đổi vai cho nhau.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in NHI ĐỒNG on 15 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. HAI CÂU CHUYỆN VỀ SỰ CẦU NGUYỆN

I. KINH THÁNH: Lu-ca 18:1-14.

II. CÂU GỐC: “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:16).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Chúa Jêsus dạy các em biết cách cầu nguyện để được Đức Chúa Trời nhậm lời.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời luôn yêu thương và lắng nghe lời cầu nguyện của các em.

– Hành động: Em cầu nguyện cách chân thành và bền đỗ.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

*Bàn tay cầu nguyện.

  1. Mục đích: Giúp các em hiểu rằng tư thế khi cầu nguyện biểu hiện sự kính trọng Chúa.
  2. Vật liệu: Mỗi em một tờ giấy để vẽ và một hộp bút chì màu.
  3. Cách thực hiện: Giáo viên vẽ sẵn hình hai bàn tay chắp lại cầu nguyện.

– Giáo viên giải thích tại sao khi cầu nguyện các em phải nhắm mắt và chắp hai tay lại với nhau? Điều đó chứng tỏ em kính trọng Chúa. Sau đó, cho các em vẽ bàn tay cầu nguyện theo mẫu đã vẽ sẵn (em nào không vẽ được thì vẽ theo bàn tay đặt lên giấy), rồi tô màu.

   Sau khi các em vẽ xong, mời tất cả nhắm mắt, chắp tay và giáo viên hướng dẫn các em cầu nguyện.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   Các em có thích nghe kể chuyện không? (Cho các em trả lời). Chúa Jêsus đã từng kể nhiều câu chuyện rất hay. Hôm nay các em sẽ được nghe hai câu chuyện về sự cầu nguyện do Chúa Jêsus kể.

  1. Bài học.

   Bây giờ các em cùng theo dõi câu chuyện thứ nhất nhé!

   Tại một thành phố kia có một quan án gian ác, không kính sợ Đức Chúa Trời. Tại đó cũng có một bà góa bị người khác lừa gạt, đến xin quan tòa xét xử, mong đòi lại được của cải. Bà thưa với quan án: “Thưa quan, tôi bị người ta lừa gạt, xin quan giúp tôi vì ngoài quan chẳng ai có thể giúp tôi đòi lại của cải cả”.

   Quan tòa không thèm nghe lời cầu xin đó vì bà không có tiền đút lót. Nhưng bà góa vẫn không nản lòng, cứ van nài mãi, vị quan vẫn không nghe, bà đành phải ra về.

   Hôm sau, bà lại đến tìm quan án tiếp tục khẩn cầu nhưng quan tòa vẫn làm ngơ. Tuy thế, bà góa cứ nài nỉ mãi cho đến khi quan tòa cảm thấy bực mình. Ông nghĩ thầm: “Bà góa nầy thật đáng ghét, nếu mình không xét xử, bà ấy cứ đến quấy rầy hoài chịu sao nổi. Thôi thì xét xử cho bà ta để khỏi phiền phức”.

   Thế là cuối cùng vị quan tòa lắng nghe nỗi khổ của bà góa và xét xử cho bà.

   Các em thấy không, lúc đầu quan tòa không muốn nghe lời kêu oan của bà góa nhưng vì bà nài xin mãi nên vị quan phải đồng ý giúp bà, huống chi Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương các em. Ngài khác hẳn vị quan kia. Ngài luôn lắng nghe lời cầu nguyện của các em. Ngài thích các em nói chuyện với Ngài. Ngài muốn các em kiên nhẫn kể cho Ngài nghe những nhu cầu của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào Đức Chúa Trời cũng ban cho các em tất cả những điều các em cầu xin, nhưng sự trả lời của Ngài là điều tốt đẹp nhất cho các em. Chúa yêu thương các em vô cùng. Ngài biết rõ những điều các em cần.

   Chúa Jêsus lại kể một câu chuyện khác về sự cầu nguyện. Câu chuyện đó như sau:

   Có hai người đến đền thờ cầu nguyện, một người thuộc phái Pha-ri-si và người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-si chọn đứng ở một nơi mà mọi người đều trông thấy rồi lớn tiếng cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời, con tạ ơn Ngài, vì con không phải như những người khác: tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thu thuế nầy. Con kiêng ăn mỗi tuần hai lần, và nộp một phần mười về mọi lợi tức của con.” Người Pha-ri-si liên tục kể về những điểm tốt của mình trong khi cầu nguyện.

   Còn người thu thuế thì cầu nguyện khác hẳn. Ông đứng xa mọi người, cúi đầu, mắt đẫm lệ, thì thầm cầu nguyện với Đức

Chúa Trời: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, vì con là một tội nhân!”.

   Khi hai người cầu nguyện xong, họ ra về. Các em nghĩ Đức Chúa Trời vui lòng với lời cầu nguyện của ai? Vì sao? (Cho các em trả lời). Người Pha-ri-si cầu nguyện với mục đích khoe khoang, còn người thu thuế thật lòng xin Chúa tha thứ những lỗi lầm của mình.

   Câu chuyện nầy giúp các em hiểu rằng, Chúa muốn các em cầu nguyện cách chân thành, khiêm nhường, xưng nhận những lỗi lầm của mình và cầu xin Ngài tha thứ.

   Như vậy, qua hai câu chuyện nầy Chúa Jêsus dạy các em điều gì? (Cho các em trả lời). Xin Chúa cho các em biết hạ mình trước mặt Chúa, ăn năn về những lỗi lầm mà mình đã vi phạm và bền đỗ trong sự cầu nguyện.

  1. Ứng dụng.

   Cho các em mở sách học viên, giáo viên giải thích trò chơi: “Bánh xe cầu nguyện”. Vành ngoài cho biết trong mỗi tình huống phải cầu nguyện ra sao. Vành trong cho biết câu trả lời sau khi cầu nguyện.

   Sau đó, giáo viên hướng dẫn các em chơi. Ví dụ: “Trí, em hãy chọn một hình ở vòng ngoài và nghĩ xem trong hoàn cảnh nầy bạn nhỏ trong hình sẽ cầu nguyện như thế nào? Trí nói đúng lắm! Bây giờ Mỹ Duyên chọn một đáp án ở vành trong cho Trí. Ví dụ: Đức Chúa Trời trả lời “không”, chuyện gì sẽ xảy ra?…”. Giáo viên cứ thế tiếp tục hướng dẫn các em tham gia trò chơi.

   Giáo viên giúp các em hiểu rằng dù Đức Chúa Trời trả lời như thế nào, các em cũng đều phải cảm ơn Ngài, bởi vì Ngài luôn ban cho các em điều tốt lành nhất.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

in NHI ĐỒNG on 13 Tháng Năm, 2024

BÀI 3.   DÂN Y-SƠ-RA-ÊN KHÔNG TUÂN GIỮ ĐIỀU  RĂN

 CỦA CHÚA

I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô ký 24; 32.

II. CÂU GỐC: “Vậy, anh em phải cẩn thận thực hành mọi việc đúng như Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em đã truyền dạy; anh em không được xây qua bên phải hoặc bên trái.”(Phục truyền 5:32).

III. BÀI TẬP.

A. XEM PHIM VÀ TRẢ LỜI.

Em xem phim và những câu Kinh Thánh trong hình rồi chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống của mỗi câu trong khung.

B. NÊN HOẶC KHÔNG NÊN LÀM.

Đôi khi em cũng bị người ta dụ dỗ làm những việc sai trái.

Em hãy xem sự đòi hỏi của nhân vật trong những hình vẽ sau đây, rồi viết ra câu trả lời của em.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 1/2024

in NHI ĐỒNG on 13 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN KHÔNG TUÂN GIỮ ĐIỀU RĂN

 CỦA CHÚA.

I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô ký 24; 32.

II. CÂU GỐC: “Vậy, anh em phải cẩn thận thực hành mọi việc đúng như Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em đã truyền dạy; anh em không được xây qua bên phải hoặc bên trái.”(Phục truyền 5:32).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Dân Y-sơ-ra-ên không vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, thờ lạy hình tượng khiến Đức Chúa Trời trừng phạt họ.

– Cảm nhận: Vâng theo Lời Chúa giúp em không phạm tội với Ngài.

– Hành động: Xin Chúa giúp em luôn làm theo Lời Chúa.

IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.

Dù đã nghe về luật pháp của Đức Chúa Trời, đã nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, đã hứa vâng giữ luật pháp ấy rồi, nhưng dân Y-sơ-ra-ên lại phạm một tội trọng – thờ lạy con bò vàng! Họ phạm tội sau khi đã kinh nghiệm quyền năng và sự thương xót của Đức Chúa Trời! (Được giải cứu khỏi Biển Đỏ, được chu cấp thức ăn và nước uống, được Đức Chúa Trời dẫn dắt ra khỏi Ai-cập). Dân Y-sơ-ra-ên đã từ bỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời chân thật, hằng sống mà đi thờ một con vật! Bởi vì không vâng lời Đức Chúa Trời, làm theo ý riêng nên dân Y-sơ-ra-ên phạm tội. Nếu cứ vững lòng tin cậy, vâng lời Chúa, thì dân Y-sơ-ra-ên sẽ không lo sợ cho dù Môi-se ở trên núi lâu không xuống. Và họ cũng không yêu cầu A-rôn đúc con bò vàng! Dân Y-sơ-ra-ên đã phải gánh lấy hậu quả cho việc tội lỗi mà họ làm.

Nhưng ở đây chúng ta cũng thấy lỗi lầm của A-rôn. Là người lãnh đạo, nhưng ông lại không có lập trường! Ông đã làm theo yêu cầu của dân sự, khiến họ phạm một tội trọng với Đức Chúa Trời.

Bạn là người hướng dẫn các em về phần thuộc linh, bạn cần phải có lòng tin quyết nơi Chúa, luôn làm theo ý muốn tốt lành của Ngài để các em noi theo. Xin Chúa giúp bạn làm trọn trọng trách mà Ngài giao phó. Amen.   

V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Đi theo ai?

  1. Mục đích: Cho các em lấy thí dụ tiêu biểu để suy nghĩ tầm quan trọng của việc vâng theo chỉ thị.
  2. Thực hiện: Kể cho các em nghe một ví dụ như: Giả sử em phải tìm một địa điểm ở ngoại ô để du lịch. Vừa lúc đó em gặp A và B. A nói với em: “Đi theo tôi, tôi đã từng đến chỗ đó, chúng ta sẽ không bị lạc đường”. B nói với em: “Tốt nhất bạn hãy đi với tôi, bởi vì tôi có tấm bản đồ của khu vực nầy, chúng ta có thể dựa theo sự chỉ dẫn trên bản đồ tìm ra chỗ đó”. Như vậy, em sẽ đi theo ai? Vì sao? Nếu em đi theo A, em nghĩ có thể xảy ra chuyện gì? (Cho các em nói ra cách nghĩ của mình).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn hình trong phần phụ lục rồi tô màu cho đẹp).

  1. Vào đề.

Tuần trước các em đã biết Đức Chúa Trời phán cùng dân Y-sơ-ra-ên từ trong đám mây mịt mù phủ khắp núi Si-nai. Các em có nhớ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời ban cho dân sự không? Trong số Mười Điều Răn, có những điều dạy dân sự cách tôn thờ Chúa và những điều dạy dân sự cách đối xử với nhau. Khi Môi-se thuật lại những luật lệ của Đức Chúa Trời, dân sự chú tâm nghe Lời Chúa phán dặn, và đồng thanh hứa rằng sẽ vâng giữ luật lệ của Ngài. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó họ lại thất hứa. Bài học nầy sẽ giúp các em biết rõ hơn về điều đó.     

  1. Bài học.

Đức Chúa Trời lại bảo Môi-se lên núi, Ngài sẽ giao cho hai bảng đá ghi Mười Điều Răn để dạy dân sự làm theo. Rồi Môi-se sắp xếp cho A-rôn và Hu-rơ thay ông lo cho dân sự, còn ông dẫn người trợ giúp mình là Giô-suê lên núi. Môi-se đi khuất vào đám mây. Dân chúng đứng dưới núi nhìn lên thấy đám mây trên đỉnh núi rực sáng chói lòa. Nhưng nhiều ngày trôi qua, Môi-se vẫn chưa trở lại. Dân chúng nói với A-rôn: “Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với Môi-se. Ông hãy làm nên một thần để dẫn dắt chúng tôi thay cho Môi-se”.

Trong các Điều Răn mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên, có một điều cấm họ không được làm hoặc thờ bất cứ hình tượng nào. Mọi người đều hứa sẽ vâng giữ luật lệ của Đức Chúa Trời, thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn họ đã quên mất lời hứa của mình.

A-rôn bảo: “Các ngươi hãy cởi những bông tai bằng vàng đem đến cho ta”. Dân chúng phấn khởi vâng theo, họ tháo đồ trang sức ra giao cho A-rôn. A-rôn nấu chảy tất cả vàng thu được, rồi làm thành một con bò vàng. Dân chúng sung sướng reo hò: “Đây là thần của chúng ta”. Thấy dân sự vui mừng như vậy, A-rôn liền lập một bàn thờ trước tượng con bò đó và nói rằng: “Ngày mai chúng ta sẽ có một lễ hội tôn vinh thần nầy”.

Sáng sớm hôm sau, họ dâng của lễ thiêu, nhảy múa chung quanh tượng con bò đó. Họ ăn uống, vui chơi thỏa thích. Đức Chúa Trời biết tất cả mọi sự đang xảy ra, Ngài phán với Môi-se: “Con hãy xuống núi, dân Y-sơ-ra-ên đang làm trái điều răn của Ta”. Đức Chúa Trời buồn giận vì việc làm của dân Y-sơ-ra-ên, Ngài định hủy diệt họ. Nhưng Môi-se khẩn xin Đức Chúa Trời tha thứ cho dân sự, vì cớ Ngài đã từng hứa sẽ cho Y-sơ-ra-ên trở nên một nước lớn. Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của Môi-se, không trừng phạt họ nữa.

Môi-se vội vàng xuống núi, cầm theo hai bảng đá có khắc Mười Điều Răn. Khi đến gần nơi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại, Môi-se và Giô-suê nghe thấy tiếng ồn ào, la hét. Giô-suê nói: “Nghe như một trận chiến đang diễn ra nơi đó”. Môi-se đáp: “Đó không phải là tiếng reo hò chiến đấu, mà là tiếng ca hát cuồng nhiệt”.

Khi đến gần, Môi-se thấy dân sự đang nhảy múa quanh tượng con bò vàng. Quá tức giận, Môi-se liệng hai bảng đá bể ra từng mảnh dưới chân núi. Ông lấy tượng con bò vàng đốt trong lửa rồi đem nghiền ra thành bột, rắc trên nước, bắt dân Y-sơ-ra-ên uống. Môi-se hỏi A-rôn: “Tại sao anh lại khiến dân sự phạm tội nặng như thế?” A-rôn phân bua: “Em đừng giận anh! Em biết rằng những người nầy độc ác và bướng bỉnh. Họ bảo anh làm cho họ một thần tượng, nên anh bảo họ đem vàng đến và làm thành con bò vàng nầy”.

Môi-se đứng nơi cửa trại, kêu gọi: “Ai thuộc về Đức Chúa Trời đến đây với ta”. Lập tức có một số người đứng về phía Môi-se. Còn những người không chịu nhận tội, từ chối vâng phục thì bị chết hết.

Qua hôm sau, Môi-se nói cùng dân sự rằng: “Các ngươi đã phạm một tội rất nặng. Nhưng bây giờ ta sẽ lên núi cầu xin Đức Chúa Trời tha tội cho các ngươi”.

Vì yêu thương dân sự, Môi-se nài xin Đức Chúa Trời tha thứ cho dân Y-sơ-ra-ên, nếu không, ông sẵn lòng gánh lấy hình phạt thay họ. Nhưng Đức Chúa Trời phán rằng: “Ta phải trừng phạt họ vì những tội họ đã phạm”. Rồi Đức Chúa Trời giáng xuống cho dân Y-sơ-ra-ên một bệnh dịch đáng sợ vô cùng.

  1. Ứng dụng.

Cho các em mở bài 3 trong sách học viên ra, dựa theo gợi ý làm bài tập trong phần A để ôn lại câu chuyện. Giáo viên nói với các em: Đôi khi chúng ta cũng giống như A-rôn vậy, chiều theo sự cám dỗ mà phản nghịch Đức Chúa Trời. Em thử nghĩ xem, có người nào hoặc điều gì làm cho em không vâng theo Lời Chúa không? (Cho các em tự do chia sẻ). Sau đó, để các em dựa theo gợi ý làm bài tập “Nên hoặc không nên làm”.    

  1. PHỤ LỤC.

Hình 1 và 2.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in NHI ĐỒNG on 9 Tháng Năm, 2024

BÀI 2. BÀI HỌC VỀ SỰ CẦU NGUYỆN

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 6:5-8; 7:7-11; Mác 11:24; Giăng

15:7-16; 16:23-27.

II. CÂU GỐC: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con.”(Ma-thi-ơ 7:7).

III. BÀI HỌC.

IV. CÙNG SUY NGHĨ.

Xem hình và trả lời các câu hỏi:

  1. Tại sao Đức Chúa Trời lắng nghe lời cầu nguyện của em?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

  1. Em cảm thấy như thế nào nếu người mà em thương yêu không nói chuyện với em?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

  1. Em có cầu nguyện không? Em còn điều gì chưa rõ về việc cầu nguyện?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

 

EM SẼ LÀM GÌ?
Khi em lạc đường?…………………………………………

…………………………………………

Khi em nói dối?…………………………………………

………………………………………..

Khi em phạm tội?…………………………………………

………………………………………..

Khi em gặp bài tập khó?…………………………………………

………………………………………..

 

SINH HOẠT GIA ĐÌNH.

   Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Vì thế, không nên dạy các em học thuộc lòng bài cầu nguyện mà phải hướng dẫn các em cầu nguyện. Khi quí phụ huynh cầu nguyện cùng các em, nên cầu nguyện cách ngắngọn, dễ hiểu. Những điều cầu xin phải xác thực để các em thấy sự cầu nguyện thật cần thiết và thích tham gia. Cần giúp cho các em cầu nguyện trong bầu không khí tự do.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in NHI ĐỒNG on 9 Tháng Năm, 2024

BÀI 2. BÀI HỌC VỀ SỰ CẦU NGUYỆN

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 6:5-8; 7:7-11; Mác 11:24; Giăng

15:7-16; 16:23-27.

II. CÂU GỐC: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con.”(Ma-thi-ơ 7:7).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Chúa Jêsus dạy các môn đồ cầu nguyện.

– Cảm nhận: Em sung sướng vì được biết cách cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

– Hành động: Em cầu nguyện theo sự dạy dỗ của Chúa Jêsus.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

*Bảng cầu nguyện.

  1. Mục đích: Giúp các em phân biệt, so sánh những gì các em cầu xin Chúa.
  2. Vật liệu: Cắt từ tạp chí cũ những hình ảnh, vật dụng cần thiết (thức ăn, nước, áo quần…) và những thứ các em mong muốn (kẹo bánh, đồ chơi, kem…), hồ dán, một tấm bìa cứng (trên góc ghi “Nói với Chúa điều em cần”, hai tờ giấy cứng nhỏ (xem hình).
  3. Cách thực hiện: Giáo viên chọn những hình ảnh đã cắt để trước hai tấm bìa cứng “Mong muốn” và “Cần thiết”.

   Giáo viên hỏi các em: “Em muốn xin Đức Chúa Trời ban cho những gì?” Cho các em suy nghĩ rồi lần lượt chọn hai tấm hình và giải thích lý do mà em thích. Sau đó, dán hình lên tấm bìa lớn làm bảng cầu nguyện.

   Sau khi các em dán xong, khuyến khích các em nói với Chúa tất cả những gì các em cần, rồi hướng dẫn các em cầu nguyện.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị máy và băng cassette).

  1. Vào đề.

   Các em đã tập đi xe đạp chưa? Các em có nhớ tập như thế nào không? (Quan sát người khác, nhờ người khác dạy, rồi tự mình tập). Thật ra, khi học một điều gì mới, phải cố gắng và bỏ ra nhiều công sức, nhưng lại có được niềm vui, sự thích thú. Bài học nầy sẽ dạy cho các em một điều quan trọng hơn việc đi xe đạp rất nhiều.

  1. Bài học.

   Qua Kinh Thánh, chúng ta thấy các môn đồ học tập cầu nguyện cũng giống như các bước tập xe đạp. Các môn đồ nhiều lần chứng kiến Chúa Jêsus cầu nguyện. Họ thích cầu nguyện nên nài xin Chúa Jêsus dạy họ cầu nguyện. Chúa Jêsus dạy họ cầu nguyện như thế nào? (Giáo viên đọc Kinh Thánh Mat 6:5-7; 7:7-11, hoặc mở máy cassette đã thu băng sẵn).

   Điều đầu tiên Chúa Jêsus dạy các môn đồ khi cầu nguyện là đừng khoe khoang cho người khác biết, nhưng phải vào phòng riêng, đóng cửa lại, một mình cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

   Chúa Jêsus muốn các môn đồ khi cầu nguyện đừng dùng những lời lặp vô ích. Vì thế, khi cầu nguyện, các em không cần nói nhiều mà chỉ cần nói chính xác điều mình muốn.

   Chúa Jêsus dạy rằng, Đức Chúa Trời sẽ ban cho điều các em cần vì Ngài là Người Cha Nhân Từ.

Ví dụ: Con xin bánh chẳng lẽ lại cho đá hoặc con xin cá lại cho rắn chăng? Chắc chắn là không. Người cha nhân từ luôn cho con mình những điều tốt nhất. Huống chi Đức Chúa Trời là Cha trên trời, Ngài yêu thương các em vô cùng! Ngài sẽ ban điều tốt nhất cho những ai cầu xin Ngài.

   Các em cầu xin Đức Chúa Trời điều gì? Chúa Jêsus phán: “Mọi điều các con xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ ban cho các con”. Khi các em biết Đức Chúa Trời là Người Cha Nhân Từ, các em tin Ngài sẽ ban cho các em những gì tốt đẹp nhất. Như vậy, có phải là nếu các em tin thì Ngài sẽ làm tất cả mọi điều không? Không! Hãy tiếp tục nghe Chúa dạy về sự cầu nguyện.

   (Đọc Giăng 15:7 hoặc mở máy cassette). Chúa Jêsus cho biết, nếu các em yêu mến và vâng lời Ngài, các em sẽ biết cầu nguyện cho việc gì.

   Thử nghĩ xem, trong nhà em thân với ai nhất? Nếu em xin điều gì, người ấy có cho không? Dựa vào đâu em biết? (Cho từng em trả lời). Vì hiểu người đó, em biết những điều có thể xin hoặc không nên xin. Khi hiểu biết Chúa Jêsus, các em sẽ biết cách cầu nguyện. Bây giờ các em hãy nghe tiếp Chúa Jêsus dạy về sự cầu nguyện.

   Chúa Jêsus nói: “Các con nhân danh Ta cầu xin Cha điều chi, Ngài sẽ ban cho”. Nhân danh Chúa Jêsus có nghĩa là Chúa Jêsus cũng cầu nguyện cho những việc đó. Vì vậy, trước khi cầu nguyện, các em phải suy nghĩ xem Chúa Jêsus cầu nguyện cho những việc gì?

   Chúng ta vui mừng vì Đức Chúa Trời yêu thương và ban cho chúng ta những điều tốt đẹp. Cô cũng rất vui vì các em đã có thể hiểu biết Đức Chúa Trời và học cách cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

  1. Ứng dụng.

   Cho các em mở sách học viên, cùng đọc bài học cách rập ràng và sử dụng phần “Cùng Suy Nghĩ” để ôn bài.

   Khi dạy câu gốc, bạn hỏi các em: “Bây giờ cô đọc câu gốc, các em nghe và cho biết sai chỗ nào”.

Ví dụ: “Các ngươi “không” cầu xin, sẽ ban cho các ngươi. Hãy tìm, sẽ “không” gặp. “Không” gõ cửa, sẽ mở cửa”. Sau đó giáo viên đọc lại một lần chính xác và hướng dẫn các em học thuộc.

   Trong mục: “Em sẽ cầu nguyện như thế nào…”. Trước hết, cho các em xem hình rồi nói: “Chúa muốn các em kể cho Ngài nghe tất cả mọi việc và những gì các em cần. Nếu em là bạn nhỏ ở trong hình, em sẽ cầu nguyện như thế nào?” (Nếu có thời gian, cho các em lần lượt lên bảng viết ra câu trả lời hoặc đứng nói tại chỗ).

   Cuối cùng, cho các em cầu nguyện, rồi giáo viên cầu nguyện kết thúc.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

in NHI ĐỒNG on 9 Tháng Năm, 2024

BÀI 2. ĐIỀU RĂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô-ký 19:1-20; 20:1-17; 24:12.

II. CÂU GỐC: “Yêu Đức Chúa Trời tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài; điều răn của Ngài không phải là nặng nề.” (1Giăng 5:3).

III. BÀI TẬP.

A. ĐIỀU NÀO LÀ ĐIỀU RĂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.

Đây là những luật lệ mà em phải tuân theo. Em hãy đánh dấu vào những tấm bảng có điều răn của Chúa.

B. EM THỜ LẠY ĐỨC CHÚA TRỜI.

Vâng giữ Lời Chúa là một trong những cách để thờ phượng Ngài. Trong tuần nầy em sẽ tuân theo điều răn nào của Chúa? Em hãy bày tỏ bằng cách vẽ hoặc viết ra.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

in NHI ĐỒNG on 9 Tháng Năm, 2024

BÀI 2. ĐIỀU RĂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô ký 19:1-20; 20:1-17; 24:12.

II CÂU GỐC: “Yêu Đức Chúa Trời tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài; điều răn của Ngài không phải là nặng nề.” (1Giăng 5:3).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Đức Chúa Trời ban Mười Điều Răn cho dân Y-sơ-ra-ên để làm chuẩn mực cho đời sống họ.

– Cảm nhận: Chúa muốn chúng ta hết lòng thờ phượng Ngài và vâng giữ các Điều Răn của Ngài.

– Hành động: Em quyết tâm vâng theo Điều Răn của Đức Chúa Trời.

IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.

       Đức Chúa Trời giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ nô lệ Ai-cập, để họ được tự do và trưởng thành trong Ngài. Nếu tự do không dẫn đến trưởng thành thì chúng ta sẽ đi đến chỗ ở trong một ách nô lệ nặng nề hơn trước, đó là ách nô lệ trong tâm hồn. Hình ảnh của sự trưởng thành mà Đức Chúa Trời dùng là hình ảnh của chim ưng mang con nó trên đôi cánh và dạy cho chúng sự tự do tuyệt vời của việc bay lượn.

      Người được hưởng sự tự do phải có trách nhiệm sử dụng sự tự do đó một cách khôn ngoan vì vinh hiển của Đức Chúa Trời và vì ích lợi của những người khác. Mười Điều Răn không chỉ là luật lệ điều phối tuyển dân của Chúa mà còn là một phần trong giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với Y-sơ-ra-ên. Trong đó, bốn điều răn đầu đặc biệt hướng về Đức Chúa Trời và sáu điều răn sau nói đến con người, cách chúng ta liên hệ với những người khác tùy thuộc vào cách chúng ta tương giao với Đức Chúa Trời. Vì nếu chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời và Lời Ngài thì chúng ta cũng sẽ yêu mến những người lân cận chúng ta và làm điều lành cho họ.

      Cách chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời, sống giữa mọi người, bày tỏ chúng ta là người tự do và trưởng thành trong Chúa. Là người hướng dẫn các em nhi đồng, bạn phải hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời, vâng giữ các Điều Răn của Ngài để các em noi theo, bạn nhé!

V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Phương thức thờ phượng Chúa.

  1. Vật liệu: Trang tài liệu trong sách học viên.
  2. Thực hiện: Đây là trò chơi đố chữ, giáo viên dựa vào gợi ý, hướng dẫn các em đoán ra 4 chữ. Rồi đem 4 chữ đó điền vào chỗ trống. Sau khi làm xong, giáo viên hướng dẫn các em đọc ra ba phương cách để thờ phượng Chúa. Bài học hôm nay sẽ cho các em biết dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Chúa như thế nào.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị cụ: Photo lớn hình vẽ trong phần phụ lục rồi tô màu cho đẹp).

  1. Vào đề.

Các em thân mến, bất cứ quốc gia nào trên thế giới nầy cũng có luật pháp, còn ở nhà trường phải có nội qui, và trong gia đình phải có phép tắc. Vì sao chúng ta cần phải có luật lệ? (Cho các em nói ra suy nghĩ của mình). Luật lệ là để giúp chúng ta sống vui vẻ với nhau. Khi em chơi một trò chơi nào đó, nếu không có luật chơi, nhất định sẽ gây ra tranh cãi.

      Ngày xưa Đức Chúa Trời cũng đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên những qui tắc đặc biệt để vâng giữ. Những qui tắc đó cũng là cơ sở pháp luật ngày nay của chúng ta. Bây giờ các em cùng tìm hiểu về luật pháp của Đức Chúa Trời nhé. 

      2. Bài học.

      Từ ngày nầy đến ngày khác, Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên tiếp tục đi về vùng đất mà Đức Chúa Trời hứa ban cho họ. Một ngày nọ, họ đi đến một ngọn núi cao, Đức Chúa Trời bảo Môi-se lên cầu nguyện trên núi, còn dân Y-sơ-ra-ên đóng trại nghỉ ngơi ở phía dưới. Lúc Môi-se trở về, ông mời các trưởng lão đến, nhắc họ nhớ lại Đức Chúa Trời đã dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập như thế nào. Môi-se nói với họ: “Đức Chúa Trời có một chương trình đặc biệt cho chúng ta. Chỉ cần chúng ta sẵn lòng tuân theo các điều răn, thì chúng ta sẽ trở thành tuyển dân của Ngài”. Dân chúng trả lời: “Chúng tôi quyết tâm tuân theo Lời Chúa”. Môi-se lại trở lên núi cầu nguyện lần nữa, dân chúng tiếp tục chờ đợi. Khi Môi-se trở về, ông nói với dân chúng: “Đức Chúa Trời bảo: Trong ba ngày tới, ai nấy phải chuẩn bị thật tinh sạch”. Tất cả dân chúng đều tuân theo mệnh lệnh của Chúa. Đến ngày thứ ba, mọi người đều sẵn sàng. Bỗng, chớp nhoáng sấm sét nổi lên, một đám mây dày đặc bao phủ lấy núi. Tiếng kèn thổi vang động, Môi-se dẫn dân sự ra đứng dưới chân núi. Khói bay mù mịt khắp núi. Cả hòn núi rung động dữ dội. Đức Chúa Trời gọi Môi-se và ông rời khỏi dân sự, đi lên núi. Ở đó, Đức Chúa Trời ban luật pháp của Ngài cho Môi-se.

     Dân chúng cứ chờ đợi. Cuối cùng, Môi-se từ trên núi xuống, ông đem Mười Điều Răn mà Đức Chúa Trời muốn dân Y-sơ-ra-ên vâng giữ nói cho họ nghe: “Đây là những điều Đức Chúa Trời phán: “Các ngươi không được thờ thần nào khác ngoài Ta”. “Chớ làm bất cứ hình tượng nào để thờ lạy”.

   “Không được lấy Danh Ta để chơi đùa”.

    “Sáu ngày trong tuần, các ngươi có thể làm việc, nhưng ngày thứ bảy là ngày đặc biệt, các ngươi phải nghỉ ngơi để thờ phượng Đức Chúa Trời”.

     Mọi người đều chú ý lắng nghe, Môi-se tiếp tục đọc những điều răn của Đức Chúa Trời: “Phải hiếu kính cha mẹ. Nếu làm như vậy, các ngươi sẽ có cuộc sống vui vẻ và lâu dài”.

     “Ngươi chớ giết người”.

     “Vợ chồng phải trung thành, chung thủy với nhau”.

    “Không được trộm cướp”.

    “Không được nói dối”.

    “Không được tham lam những gì của người khác”.     

     Đức Chúa Trời đem Mười Điều Răn nầy viết trên hai bảng đá. Dân Y-sơ-ra-ên biết Đức Chúa Trời muốn họ vâng giữ toàn bộ điều răn của Ngài. Họ biết rằng, chỉ cần họ vâng giữ, Đức Chúa Trời sẽ giúp đỡ và chăm sóc họ. Dân sự hứa: “Chúng tôi sẽ vâng phục Đức Chúa Trời”.

  1. Ứng dụng.

     Chúa ban Mười Điều Răn để giúp chúng ta biết cách thờ phượng Chúa và sống vui vẻ với nhau. Nếu vâng giữ các điều răn của Chúa, các em sẽ có một cuộc sống phước hạnh.

    Bây giờ các em mở sách học viên bài 2 để làm bài tập. Nhìn vào các mệnh lệnh em có thể chọn ra điều răn của Đức Chúa Trời không? Để giúp các em hoàn thành bài tập phần A, giáo viên đọc ra các mục trong hình vẽ cách rõ ràng.

    Trong phần bài tập B, nói với các em: Khi chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời là chúng ta bày tỏ tình yêu của mình đối với Ngài, chúng ta tin cậy và xem Lời Ngài là quí trọng. Vì thế, vâng lời Chúa là một trong những cách thờ phượng Ngài. Trong tuần nầy, em sẽ vâng giữ điều răn như thế nào? Dùng hình vẽ hoặc chữ viết để bày tỏ.

 VI. PHỤ LỤC.

BẢNG DA MƯỜI ĐIỀU RAN.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 8 Tháng Năm, 2024

BÀI 1. LỜI NÓI KHÔNG THÀNH THẬT

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 25:19-28, 27:1-45.

II. CÂU GỐC: Ai nấy hãy nói thật với người lân cận mình; tại cổng thành, hãy xét xử chân thật, công minh và ôn hòa;” (Xa-cha-ri 8:16).

III.  BÀI TẬP.

A. CÙNG SUY NGHĨ.

Em xem hình và trả lời các câu hỏi sau. 

  1. Gia-cốp nói dối điều gì?

……………………………………………………….

     2. Gia-cốp đã gạt cha như thế nào?

……………………………………………………..

 

……………………………………………………..

    3. Khi Y-sác tin đó là Ê-sau, ông đã làm gì?

……………………………………………………..

……………………………………………………..

  1. Khi Ê-sau biết sự thật, ông có hành động như thế nào?

……………………………………………………..

……………………………………………………..

  1. Sau khi Gia-cốp nói dối, trong nhà đã xảy ra chuyện gì?

…………………………………………………………

………………………………………………………….

 

B. NẾU LÀ EM, THÌ EM LÀM SAO?

Giả sử em ở trong trường hợp giống như hai bạn dưới đây, thì em sẽ xử sự như thế nào?

  1. Trường hợp thứ nhất.

Trong lúc làm bài thi, Châu lén chép bài của Văn, nhưng thầy giáo không biết. Sau khi thầy giáo chấm điểm, thì bài của Châu được điểm cao trong lớp.

 

Theo em, Châu nên:

  • Thú nhận với thầy giáo là em đã xem bài của bạn.
  • Không nói gì cả.
  • Khoe điểm với các bạn khác.
  • Từ nay về sau không chép bài của người khác nữa.

 

  1. Trường hợp thứ hai.

Minh mượn xe đạp của Phương đi chơi, nhưng do chạy nhanh thắng gấp, em bị té ngã và xe va vào đá, nên bánh xe trước bị hư.

Theo em,  Minh nên:

  • Nhờ cha mẹ sửa xe giùm.
  • Nói với Phương là người khác làm hư xe.
  • Nói thật với Phương để bạn ấy thông cảm.
  • Chờ lúc Phương bận, đem trả xe đạp cho bạn ấy, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra cả.
BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 8 Tháng Năm, 2024

BÀI 1. LỜI NÓI KHÔNG THÀNH THẬT

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 25:19-28, 27:1-45.

II. CÂU GỐC: “Ai nấy hãy nói thật với người lân cận mình; tại cổng thành, hãy xét xử chân thật, công minh và ôn hòa;” (Xa-cha-ri 8:16).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Gia-cốp nói dối gây ra những hậu quả buồn khổ cho bản thân và gia đình.

– Cảm nhận: Lời nói không thành thật luôn đưa đến những điều không tốt.

– Hành động: Xin Chúa giúp các em luôn là người chân thật.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. VUI MÀ HỌC.

* Xếp hình sao.

  1. Mục đích: Giúp các em phân biệt giữa Gia-cốp và Ê-sau .
  2. Vật liệu: 2 tấm bìa lớn (trước giờ học, giáo viên vẽ và cắt sẵn hình ngôi sao. Viết các đặc tính, đặc điểm, hình dạng của Ê-sau và Gia-cốp trên từng cánh sao), viết chì màu, kéo.
  3. Thực hiện: Giáo viên trộn lẫn lộn các cánh sao, để các em xếp lại cho thích hợp. Khi các em đang xếp hình, giáo viên có thể đặt một số câu hỏi hướng dẫn các em phân biệt hai anh em. Ví dụ: “Minh à, ở đây nói Gia-cốp là người chăn chiên, em tìm trong ngôi sao kia xem Ê-sau làm gì?”

                              

Ê-SAU                                                            GIA-CỐP

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

Nếu có ai nói dối với các em, khi biết được sự thật, các em cảm thấy thế nào? Nếu các em nói dối người khác, các em sẽ có cảm giác gì? Hôm nay chúng ta sẽ cùng học với nhau về một người nói dối, ông tưởng rằng nói dối là cách hay nhất để đạt được điều mình thích. Ông đã nói dối điều gì? Sau đó, việc gì đã xảy ra? Bây giờ các em cùng lắng nghe nha.

  1. Bài học.

Đây là Y-sác (cho các em xem con rối Y-sác). Ông đã già yếu, hai mắt mờ dần và không còn thấy đường nữa. (Giơ con rối Rê-bê-ca lên). Còn đây là Rê-bê-ca, vợ của Y-sác. Hai vợ chồng có hai con trai sinh đôi. Tính tình lẫn hình dáng của hai người con nầy khác hẳn nhau.

(Cho các em nói về những đặc tính của hai anh em mà các em đã biết trong phần Sinh hoạt đầu giờ, sau đó giáo viên bổ sung cho đầy đủ ý).

(Cầm con rối Ê-sau lên). Đây là Ê-sau, khắp người có rất nhiều lông, được cha yêu thương nhất. Ê-sau săn bắn rất giỏi, thường nấu các món thịt rừng mời Y-sác ăn. (Giơ cao con rối Gia-cốp lên). Còn đây là Gia-cốp, ra đời sau Ê-sau  vài phút. Gia-cốp không có nhiều lông như Ê-sau, thích ở nhà và chỉ đi các nơi gần nhà mà thôi. Gia-cốp thích chăm sóc chiên, và được bà Rê-bê-ca yêu thương vô cùng.

Một hôm, Y-sác gọi Ê-sau: “Con ơi”. Ê-sau thưa: “Con ơi!” Ê-sau thưa: “Dạ, con đây.” Ông nói: “Nầy, cha đã già rồi, chẳng biết chết ngày nào. Bây giờ, con hãy lấy khí giới, ống tên và cây cung của con, ra đồng săn thú rừng cho cha. Rồi con làm một món thật ngon theo sở thích của cha, và dọn lên cho cha ăn để cha chúc phước cho con trước khi qua đời.”

Ê-sau rất vui mừng khi biết cha dự định chúc phước cho mình. Ông lập tức đi vào rừng săn bắn còn Y-sác chờ Ê-sau  trở về và đem thức ăn đến.  

Nhưng ông Y-sác không biết rằng bà Rê-bê-ca đã nghe được câu chuyện của hai cha con. Bà muốn Gia-cốp nhận được phước hạnh nên gọi cậu con trai cưng đến, kể lại tỉ mỉ những lời Y-sác nói cùng Ê-sau, rồi bảo Gia-cốp: “Vậy, con ơi, bây giờ hãy nghe lời mẹ bảo”. Bà Rê-bê-ca tiếp tục nói trong khi Gia cốp chăm chú lắng nghe: “Con mau ra ngoài bầy gia súc, bắt cho mẹ hai dê con thật mập, rồi mẹ sẽ làm một món thật ngon, đúng với sở thích của cha con. 10Con sẽ đem đến cho cha ăn để ông chúc phước cho con trước khi qua đời.”

Gia-cốp suy nghĩ một lát rồi nói: “Tuy đôi mắt ba đã mù nhưng con nghĩ mình không dễ gì dối gạt được ba đâu! Nếu ba rờ con thì sao? Con không có lông, còn trên người anh con thì đầy lông, chắc chắn ba sẽ biết con không phải là Ê-sau”.

Bà Rê-bê-ca trấn an: “Con ơi, để mẹ chịu sự rủa sả đó cho con; con cứ nghe lời mẹ, ra bắt hai dê con đi.” Thế là Gia-cốp đồng ý vì ông cũng mong muốn làm chủ gia đình.

Trước hết, Gia-cốp giúp mẹ nấu nướng món ngon, đúng như sở thích của cha mình. Bà mẹ lấy áo tốt nhất của Ê-sau để ở nhà bảo Gia-cốp mặc vào, lại dùng da dê bao hai tay và cổ của Gia-cốp sao cho giống y như Ê-sau. Xong đâu đấy, bà giao cho Gia-cốp đĩa thịt thơm phức và bánh mới nướng. Gia-cốp đến gần cha và thưa: “Cha ơi!” Y-sác đáp: “Cha đây, con là đứa nào đấy?” Gia-cốp thưa: “Con là Ê-sau, con trưởng nam của cha đây. Con đã làm như lời cha dặn bảo. Xin cha ngồi dậy, ăn món thịt săn của con rồi cha đích thân chúc phước cho con.” Y-sác hỏi: “Sao con săn được nhanh thế?” Gia-cốp thưa: “Nhờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của cha giúp con được may mắn.”. Y-sác nói với Gia-cốp: “Con ơi, con lại gần đây để cha rờ xem con có phải là Ê-sau, con của cha không.” Gia-cốp lại gần cha mình là Y-sác. Ông rờ và nói: “Giọng nói thì của Gia-cốp, mà tay lại của Ê-sau.”  Ông lại hỏi: “Có đúng con là Ê-sau, con trai của cha không?” Gia-cốp thưa: “Dạ phải, chính con đây.” Rồi Y-sác bảo: “Đem cho cha món thịt rừng con săn được để cha ăn và chúc phước cho con.” 

Gia-cốp đứng sang một bên, phục vụ bữa ăn cho cha. Sau đó, Y-sác giữ lời hứa, chúc phước cho Gia-cốp thành người chủ gia tộc. Gia-cốp đã nói dối và chiếm được phước lành! Ông đạt được điều mình mong muốn.

Khi Ê-sau đi săn về, biết Gia-cốp cướp phước lành thì hết sức tức giận, đòi giết Gia-cốp. Gia-cốp đành phải bỏ nhà trốn đi. Ban đầu Gia-cốp định chờ khi Ê-sau nguôi giận sẽ trở về nhà, nhưng ông đã sai lầm. Gia-cốp phải xa nhà hai mươi năm và không còn cơ hội gặp cha mẹ của ông nữa. Gia-cốp tưởng nói dối sẽ dễ dàng đạt được điều mình mong muốn. Nhưng rất tiếc ông phải gánh lấy lo buồn và đau khổ.

  1. Ứng dụng.

Hướng dẫn các em mở sách học viên, dùng các câu hỏi trong phần “Cùng suy nghĩ” giúp các em ôn bài.

Sau đó nói với các em: “Hôm nay, chúng ta cùng suy nghĩ về hai việc đã xảy ra.” Bạn giải thích cho các em hiểu trong hình thứ nhất đã xảy ra điều gì? Và cùng các em thảo luận câu trả lời. Hỏi các em: Làm như vậy sẽ dẫn đến điều gì? Theo em, nếu Châu cũng làm như vậy em sẽ cảm thấy thế nào? (Theo cách đó để thảo luận sự việc thứ hai).

Khi các em phát biểu, tiếp nhận ý kiến của các em. Đừng phê bình vì mục đích của bài học nầy là khuyến khích các em thành thật nói lên suy nghĩ của mình, chứ không phải bắt các em nói những điều mà giáo viên muốn nghe. Hãy luôn nói những câu khích lệ các em như: “Đó là một lý do thú vị”, hay “Ý kiến của em rất hay”. Nghe khen như vậy các em sẽ mạnh dạn phát biểu hơn.

Hướng dẫn các em học câu gốc và nói với các em: “Đức Chúa Trời muốn chúng ta luôn thành thật. Ngài biết điều nầy rất khó thực hiện. Nhưng Ngài hứa sẽ giúp chúng ta. Bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ”. Giáo viên hướng dẫn các em cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ các em trở nên một người chân thật.

Khuyến khích các em đem tập học viên về nhà cho phụ huynh kiểm tra và thực hiện phần “Sinh hoạt gia đình”.

V. PHỤ LỤC.

A. HÌNH ẢNH.

  1. Vật liệu: 1 tấm bìa lớn, viết chì, viết chì màu.
  2. Cách làm: Giáo viên vẽ hình dưới đây lên tấm bìa, rồi tô màu thật đẹp.

B. CON RỐI BẰNG BAO GIẤY.

  1. Vật liệu: 4 bao giấy, 4 tấm bìa nhỏ, keo, kéo, viết chì màu, vải hoa hay giấy hoa.
  2. Cách làm: Trước hết, vẽ các hình sau đây vào các tấm bìa rồi cắt ra. Sau đó cắt ngang tấm bìa hình người (khoảng ngang miệng). Dán phần đầu người lên phần dưới bao giấy, phần thân người lên phần trên bao giấy (như hình dưới). Cuối cùng dùng bút chì màu vẽ mắt, mũi, miệng, quần áo…, và lấy vải hoa trang trí lên quần áo cho đẹp mắt.

RÊ-BÊ-CA Y-SÁC