Chuyên mục: QUÍ II. 2016

BÀI 3. ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO VỆ GIA-CỐP (GV-HV)

BÀI 3. ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO VỆ GIA-CỐP (GV-HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ II. 2016 on 1 Tháng Ba, 2018

BÀI 3. ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO VỆ GIA-CỐP (GV)

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 31:1-3, 17-18, 22-25, 51-55; 32:22-29.
II. CÂU GỐC: “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn” (Ê-sai 26:3).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Đức Chúa Trời ở cùng, bảo vệ Gia-cốp bình yên trở về quê nhà.
– Cảm nhận: Đức Chúa Trời cũng luôn ở cùng, bảo vệ chúng ta.
– Hành động: Hết lòng nhờ cậy Đức Chúa Trời trong mọi sự.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
* Vẽ: Con đường trở về nhà.
Cho các em mở sách học viên bài 3, vẽ một căn nhà biểu thị: “Căn nhà của em”, sau đó vẽ một con đường từ phía ngoài đi đến cửa nhà. Nếu muốn thêm phần thú vị, có thể dùng “song bút” cùng vẽ, bằng cách lấy hai cây bút chì sáp khác màu, dùng dây thun cột lại, chú ý đầu bút phải xếp ngang bằng nhau.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn hình vẽ trang tài liệu 4-7, rồi tô màu cho đẹp).
1. Vào đề.
Các em ơi, các em đã từng nhớ nhà chưa? Khi nào các em nhớ nhà nhất? (Cho các em trả lời). Bài học trước các em đã biết Gia-cốp sống ở nhà cậu mình là La-ban. Bài học nầy sẽ cho các em biết La-ban đối xử với Gia-cốp như thế nào, và Gia-cốp sống ở nhà cậu có vui không nhé.
2. Bài học.
Các em còn nhớ vì muốn cưới Ra-chên, Gia-cốp xin làm việc cho La-ban mấy năm không? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, thế nhưng sau bảy năm La-ban lại đánh lừa Gia-cốp, đem Lê-a gả cho Gia-cốp. Muốn cưới Ra-chên, Gia-cốp phải chờ bảy ngày sau và làm việc cho La-ban thêm bảy năm nữa. Vì yêu Ra-chên nên Gia-cốp chấp nhận những yêu cầu của La-ban.
Trong mười bốn năm, Gia-cốp hết lòng chăm sóc đàn gia súc của La-ban ngày một mập béo, sinh sôi nẩy nở nhanh chóng. Một hôm, Gia-cốp nói với La-ban: “Cháu muốn về quê, xin cậu cho cháu đem vợ con đi” Nhưng La-ban nói: “Xin cháu ở lại, cậu biết rằng Đức Chúa Trời vì cháu mà ban phước cho cậu. Cháu hãy định công giá, rồi cậu sẽ trả cho”. Gia-cốp nói: “Cháu chỉ lấy những con chiên có rằn, có đốm và màu đen mà thôi”. Vậy Gia-cốp tiếp tục chăn chiên cho La-ban. Những con chiên trắng thuộc về La-ban, còn có rằn, có đốm, màu đen thì thuộc về Gia-cốp. Thật là kỳ lạ, cho dù La-ban có thay đổi công giá như thế nào, đàn chiên của Gia-cốp vẫn càng ngày càng nhiều, càng mập mạnh, còn đàn chiên của La-ban ngày càng ít đi và gầy yếu. (Cho các em xem hình số 5).
Tại sao như vậy? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, do Đức Chúa Trời ban phước cho Gia-cốp. Nhưng các con của La-ban không nghĩ như vậy, họ cho rằng Gia-cốp đã đoạt lấy tài sản của cha mình. Mỗi ngày đều phải nhìn sắc mặt của họ, phải nghe những lời khó chịu, theo em, Gia-cốp cảm thấy thế nào? Gia-cốp có muốn trở về quê nhà không? (Cho các em trả lời).
Một hôm, Đức Chúa Trời bảo Gia-cốp: “Con hãy trở về quê hương, ta sẽ bảo vệ con”. Gia-cốp liền dẫn vợ con, đàn gia súc và tất cả tôi tớ lên đường. Tại sao Gia-cốp phải ra đi gấp gáp như vậy? Vì lúc ấy La-ban và các con trai đang ra ngoài hớt lông chiên một thời gian mới về. Gia-cốp sợ La-ban về sẽ cản trở, không cho ông đem vợ con và tài sản trở về quê nhà.
Gia-cốp và gia đình đi suốt mười ngày ròng rã, đến núi Ga-la-át dừng lại đóng trại, dự định nghỉ ngơi tại đó. Không ngờ La-ban đã đuổi kịp, làm thế nào đây? La-ban giận dữ hỏi Gia-cốp: “Tại sao cháu lại bỏ đi như chạy trốn vậy? Cậu có thể làm hại cháu, nhưng đêm qua Đức Chúa Trời có dặn cậu dù lành hay dữ cũng thận trọng, đừng nặng lời với Gia-cốp. Vì thế, hãy để Đức Chúa Trời làm chứng cho chúng ta. Cậu và cháu hãy kết ước với nhau”. (Cho các em xem hình). Họ liền chất một đống đá, và thề rằng sẽ không vượt qua nơi đó để làm hại nhau. Rồi La-ban và Gia-cốp cùng cả nhà ngồi lại ăn uống vui vẻ với nhau. Hôm sau, La-ban từ biệt mọi người, quay trở về. Gia-cốp vui mừng vì La-ban không làm gì hại ông và gia đình. Gia-cốp biết rằng Đức Chúa Trời bảo vệ, gìn giữ mình nên hết lòng cảm tạ Chúa.
Trên đường đi, thấy đội quân thiên sứ của Đức Chúa Trời đón tiếp và bảo vệ cả nhà mình, Gia-cốp cầu xin Đức Chúa Trời cứ tiếp tục ở cùng, giúp đỡ mình. Đang ban đêm, Gia-cốp đối diện với Đức Chúa Trời, được Ngài ban phước và đặt cho một cái tên mới – Y-sơ-ra-ên.
Gia-cốp ở Cha-ran hai mươi năm, học được bài học nhờ cậy Đức Chúa Trời. Những khi cô đơn, mệt mỏi, bị người khác hà hiếp Gia-cốp đều cảm nhận được rằng Đức Chúa Trời luôn ở cùng, bảo vệ mình. Bây giờ trở về quê nhà, Gia-cốp tin rằng Đức Chúa Trời vẫn luôn bảo vệ, gìn giữ mình được mọi sự bình an.
3. Ứng dụng.
Cho các em mở sách học viên bài 3, dựa theo hình vẽ trong bài tập phần A để kể chuyện. Có thể phân chia bốn hình vẽ cho bốn em lần lượt lên kể chuyện cho cả lớp nghe theo thứ tự. Cứ bốn em nầy xong đến bốn em khác, tuần tự như vậy cho đến khi cả lớp đều tham gia kể chuyện.
Trước khi các em làm bài tập phần B, giáo viên hỏi: Trong cuộc sống hằng ngày, các em có bị người khác hà hiếp không? Ai đã ăn hiếp các em? Lúc ấy, em cảm thấy thế nào? Em có phản ứng gì? Sau đó, cho các em hoàn tất bài tập, chú ý phản ứng của các em để khích lệ, hướng dẫn các em nhận biết Đức Chúa Trời luôn bảo vệ, chăm lo cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

 

 

(HỌC VIÊN)

BÀI 3. ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO VỆ GIA-CỐP (HV)

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 31:1-3, 17-18, 22-25, 51-55; 32:22-29.
II. CÂU GỐC: “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn” (Ê-sai 26:3).
III. BÀI TẬP.
A. CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ NHÀ.
1. Vẽ căn nhà của em.
Vẽ một căn nhà biểu thị căn nhà của mình, sau đó vẽ một con đường từ ngoài đi đến cửa nhà.

 

 

 

 

 

 

 

2. Kể chuyện.
Em có thể dựa theo bốn hình vẽ để kể lại câu chuyện nầy không?

B. LÀM THẾ NÀO.
Em hãy chọn ra phản ứng của mình, rồi đánh dấu X.

Mua thức ăn ở căntin, gặp người bạn không giữ trật tự.
…..Không dám lên tiếng, trong lòng không vui.
…..Lịch sự mời bạn xếp hàng theo thứ tự.

Trong công viên, các bạn không cho em chơi xích đu.
…..Em chơi trò chơi khác, không chơi xích đu.
…..Cãi nhau với các bạn.
Anh của em giành đồ chơi tốt, để lại cho em đồ chơi xấu.
…..Em tranh giành đồ chơi với anh.
…..Xin anh chơi xong trao đổi đồ chơi với anh.

BÀI 2. ĐỨC CHÚA TRỜI BAN PHƯỚC CHO GIA-CỐP (GV-HV)

BÀI 2. ĐỨC CHÚA TRỜI BAN PHƯỚC CHO GIA-CỐP (GV-HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ II. 2016 on 27 Tháng Hai, 2018

BÀI 2. ĐỨC CHÚA TRỜI BAN PHƯỚC CHO GIA-CỐP (GV)

 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 29:4-6, 10-18, 21-30.
II. CÂU GỐC: “Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi, và sự thành tín Ngài còn đến đời đời” (Thi Thiên 100:5).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Gia-cốp được Đức Chúa Trời ban cho đầy đủ mọi sự.
– Cảm nhận: Đức Chúa Trời đáp ứng mọi nhu cầu trong đời sống chúng ta.
– Hành động: Cảm tạ Chúa vì tất cả những gì Ngài ban cho.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
* Vẽ khuôn mặt và cây gậy của Gia-cốp.
Cho các em mở sách học viên bài 2, hướng dẫn các em hoàn tất bài tập “Gia-cốp thiếu gì?”, rồi vẽ khuôn mặt và cây gậy của Gia-cốp.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
(Chuẩn bị thị trợ: Bảng, phấn (để vẽ con đường và viết địa danh Bê-tên, Cha-ran). Photo lớn hình vẽ trang tài liệu số 3 trong sách học viên).
1. Vào đề.
Có bao giờ em đi xa chưa? Em thường đi với ai? Nếu phải đi xa một mình các em cảm thấy thế nào? Các em có nhớ bài học trước không? Khi Gia-cốp một mình trong đồng vắng, Đức Chúa Trời hứa với ông như thế nào? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, Chúa hứa: “Ta ở cùng người, ngươi đi đâu sẽ theo gìn giữ đó”. Bài học hôm nay sẽ cho các em biết về sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời trong cuộc sống của Gia-cốp.
2. Bài học.
Sau khi được Đức Chúa Trời hứa sẽ ở cùng, giúp đỡ, Gia-cốp tiếp tục cuộc hành trình đến nhà người cậu. Ngoài quần áo mặc trên người, đôi giày mang nơi chân và cây gậy trên tay, Gia-cốp chẳng có gì hơn. Thử nghĩ xem, với hành trang như vậy Gia-cốp sẽ gặp những khó khăn gì? (Cho các em trả lời. Giáo viên vẽ hai đường kẻ lên bảng làm “con đường”, trên khởi điểm ghi “Bê-tên”). Có lẽ dọc đường đi, mỗi khi đói bụng, khát nước, Gia-cốp hái trái cây ăn cho đỡ đói và giải khát. (Cho các em vẽ trái cây trên đường đi). Còn nếu trong ban đêm trời lạnh thì làm thế nào? (Cho các em trả lời). Chắc Gia-cốp sẽ tìm những hang động, hoặc những đám cỏ dưới những bụi cây rậm rạp để trú qua đêm. (Cho các em vẽ hang động và cỏ).
Một ngày nọ, Gia-cốp đi đến đồng ruộng gần Cha-ran (viết chữ “Cha-ran” vào cuối con đường). Thấy những người chăn đang cho bầy gia súc của họ uống nước bên một cái giếng, Gia-cốp liền hỏi: “Các anh từ đâu đến vậy?” Họ trả lời: “Chúng tôi từ Cha-ran đến”. Gia-cốp hỏi tiếp: “Các anh có biết La-ban không?” Những người chăn chiên trả lời: “Có! Chúng tôi quen biết La-ban. Kìa! Ra-chên, con gái của La-ban đang đi đến”. Gia-cốp nhìn thấy một cô gái đang dẫn bầy chiên đi đến, liền tiến tới chào và tự giới thiệu: “Tôi là Gia-cốp, con trai của Rê-bê-ca, cháu gọi cha em bằng cậu”. Nghe vậy, Ra-chên lập tức chạy về nhà báo cho cha hay. La-ban liền chạy ra đón Gia-cốp, dẫn về nhà mình. (Cho các em xem hình).
Gia-cốp ở nhà cậu được một tháng, La-ban bảo Gia-cốp giúp một số việc và hỏi Gia-cốp muốn bao nhiêu tiền công? Gia-cốp rất buồn vì cậu xem mình như người làm thuê. Sau một hồi suy nghĩ, Gia-cốp đề nghị: “Thưa cậu, vì Ra-chên, cháu sẽ giúp việc cho cậu bảy năm, xin cậu gả cô ấy cho cháu”. Người cậu bằng lòng.
Gia-cốp thương yêu Ra-chên lắm, nghĩ mình sẽ được kết hôn với Ra-chên nên Gia-cốp vui mừng và bảy năm trôi qua nhanh chóng. Nhưng cô dâu mà Gia-cốp mong đợi lại không phải là Ra-chên, mà là Lê-a, chị của Ra-chên. Gia-cốp rất giận, trách La-ban: “Tại sao cậu lại gạt cháu?” Người cậu nói rằng: “Phong tục ở đây là thế! Không được gả em trước, chị sau. Bảy ngày nữa cậu sẽ gả Ra-chên luôn cho cháu, với điều kiện cháu giúp việc thêm cho cậu bảy năm nữa”. Nếu em là Gia-cốp, em sẽ thế nào? (Cho các em trả lời).
Có lẽ Gia-cốp tự hỏi: “Lúc trước mình đã lừa gạt để lấy quyền trưởng nam của anh và sự chúc phước mà cha dành cho anh thật là không đúng. Bây giờ cậu đối xử với mình như vậy có phải là Đức Chúa Trời dạy dỗ mình không?” Gia-cốp ăn năn vì những việc làm sai trái của mình trước đây. Sau đó Gia-cốp chấp nhận lời yêu cầu của cậu, tiếp tục làm việc cho La-ban thêm nhiều năm nữa.
Từ đó, Đức Chúa Trời ban phước cho Gia-cốp đầy đủ mọi sự. Khi trở về quê hương, Gia-cốp có mười hai người con, rất nhiều tôi tớ cùng những bầy chiên, lạc đà và lừa. Gia-cốp trở thành một người giàu có.
Các em thấy không, dù Gia-cốp phải sống xa cha mẹ, nhưng Đức Chúa Trời vẫn ở cùng, chăm lo cho ông mọi sự. Đức Chúa Trời cũng chăm sóc cho chúng ta như vậy, Ngài cung cấp cho chúng ta mọi thứ cần dùng. Đức Chúa Trời thương yêu chúng ta biết bao.
Có những lúc chúng ta phạm lỗi, Đức Chúa Trời chờ đợi chúng ta ăn năn, sau đó ban cho chúng ta nhiều phước hạnh. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, những gì Ngài hứa, chắc chắn Ngài sẽ ban cho.
3. Ứng dụng.
Trước hết, vẽ hình của nhân vật trong câu chuyện Kinh Thánh lên tờ giấy lớn, cho các em nói ra quan hệ của Gia-cốp với mọi người, qua đó ôn lại câu chuyện nầy. (Tham khảo hình phía dưới). Sau đó cho các em thảo luận bằng cách trả lời những câu hỏi sau: Khi rời khỏi nhà, Gia-cốp đem theo những thứ gì? Đức Chúa Trời chăm lo cho Gia-cốp như thế nào? Đức Chúa Trời có thực hiện những gì Ngài hứa với Gia-cốp chưa?
Hướng dẫn các em hoàn tất bài tập: “Gia-cốp có gì?” và “Ai chăm lo cho em?”
Cuối cùng cho các em chia sẻ đáp án và cầu nguyện cảm tạ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta mọi thứ cần dùng.
Hình vẽ quan hệ nhân vật trong gia đình Gia-cốp
LA-BAN.  RÊ-BÊ-CA.  Y-SÁC
LÊ-A.  GIA-CỐP.  Ê-SAU
RA-CHÊN

 

 

 

(HỌC VIÊN)

BÀI 2. ĐỨC CHÚA TRỜI BAN PHƯỚC CHO GIA-CỐP (HV)

 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 29:4-6.
II. CÂU GỐC: “Vì Đức Giê-hô-va là thiện, sự nhơn từ Ngài hằng có mãi mãi; và sự thành tín Ngài còn đến đời đời” (Thi Thiên 100:5).
III. BÀI TẬP.
A. GIA-CỐP THIẾU GÌ?
Đây là hình ảnh của Gia-cốp lúc rời khỏi nhà. Em hãy vẽ những gì Gia-cốp thiếu. Ai ban cho Gia-cốp?


B. GIA-CỐP CÓ GÌ?
Sau đó, Đức Chúa Trời ban phước cho Gia-cốp. Đức Chúa Trời ban cho Gia-cốp những gì? Hãy cắt hình trong trang cắt dán, dán vào phía dưới.


C. AI CHĂM LO CHO EM?
Em viết câu trả lời vào dấu (…)
1. Quần áo em mặc do ai mua cho em?


2. Thức ăn mà em ăn mỗi ngày do ai chuẩn bị cho em?


3. Ai mua cho em những dụng cụ học tập?


4. Ai cho em không khí để hít thở mỗi ngày?


5. Ai cung cấp cho em ánh nắng và nước mưa để em được lớn lên?


 

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI Ở CÙNG GIA-CỐP (HV)

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI Ở CÙNG GIA-CỐP (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ II. 2016 on 30 Tháng Mười Một, 2017

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI Ở CÙNG GIA-CỐP

 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 27:41-43; 28:10-22.

II. CÂU GỐC: “Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó” (Sáng Thế Ký 28:15).

III. BÀI TẬP.

A. CON CHIÊN NHỎ MUỐN VỀ NHÀ.

Em có thể giúp con chiên nhỏ trở về nhà không? Hãy vẽ đường đi.

B. XEM HÌNH VẼ CHIA SẺ.

Em có kinh nghiệm như những hình vẽ phía dưới không? Lúc ấy em cảm thấy như thế nào? Bày tỏ bằng cách dán giấy cắt dán (trong trang cắt dán) lên bên cạnh hình vẽ.

Bị lạc khi đi chơi với gia đình.

Ở nhà một mình.

Bị bệnh phải nằm ở bệnh viện.

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI Ở CÙNG GIA-CỐP (GV)

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI Ở CÙNG GIA-CỐP (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ II. 2016 on 30 Tháng Mười Một, 2017

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI Ở CÙNG GIA-CỐP

 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 27:41-43; 28:10-22.

II. CÂU GỐC: “Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó” (Sáng Thế Ký 28:15).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Đức Chúa Trời hứa luôn ở cùng, giúp đỡ Gia-cốp.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời luôn ở cùng con cái Ngài.

– Hành động: Tin cậy vào lời hứa của Đức Chúa Trời.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trò chơi: Bịt mắt bắt dê.

  1. Mời một em bước ra, bịt mắt lại, đưa hai tay ra tìm cách đụng vào người khác. Những em khác phải tránh ra. Nếu tay của em bịt mắt đụng trúng ai, thì được mở khăn ra, và người bị đụng phải bịt mắt lại tìm cách đụng người khác. Trò chơi cứ thế tiếp tục. Mục đích của trò chơi nầy để các em cảm nhận sự cô đơn, sợ hãi.
  2. Chia sẻ: Sau khi chơi xong, cho các em ngồi ổn định, mời những em đã từng bịt mắt nói ra cảm giác khi chỉ thấy một màu đen tối mịt.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Photo lớn trang tài liệu hình 1: Ê-sau và hình 2: Gia-cốp trong sách giáo viên rồi tô màu cho đẹp).

    1. Vào đề.

Các em có thấy anh em hoặc chị em sinh đôi chưa? Anh em sinh đôi thường có đặc điểm gì? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, anh em hoặc chị em sinh đôi thường rất giống nhau. Nhưng hai anh em sinh đôi trong Kinh Thánh là Ê-sau và Gia-cốp lại không một chút giống nhau. Họ khác hẳn nhau từ diện mạo cho đến tính cách. Bài học nầy sẽ giúp các em hiểu rõ hơn.

    2. Bài học.

Ê-sau tính tình hiếu động, có nhiều sơ xuất, còn Gia-cốp tính tình trầm lặng, nhiều toan tính cho bản thân. Một hôm, mẹ của họ là Rê-bê-ca bảo Gia-cốp: “Con mau chạy trốn đi! Anh của con muốn giết con. Hãy đến ở nhà cậu con chờ khi anh con nguôi giận hãy quay về”.

Tại sao Gia-cốp phải chạy trốn? Tại sao Ê-sau nổi giận? Bởi vì trước đó Gia-cốp giả mạo người anh là Ê-sau để đoạt lấy sự chúc phước của cha dành cho con trưởng. Ê-sau mất đi phước hạnh tốt nhất, rất giận, nhớ đến lúc trước Gia-cốp cũng từng lừa gạt mình, chiếm quyền trưởng nam. Càng nghĩ càng căm tức, Ê-sau nhủ thầm: “Chờ khi cha qua đời tôi sẽ giết Gia-cốp”. Nhưng không ngờ mẹ của họ là Rê-bê-ca biết được ý định của Ê-sau và báo cho Gia-cốp chạy trốn.

Thử nghĩ xem, nếu em phạm sai lầm với một người nào đó và người ta muốn tìm em để báo thù, em cảm thấy thế nào? (Cho các em suy nghĩ một lát, nếu các em không chủ động trả lời có thể tiếp tục gợi ý). Có phải rất sợ không? (Cho các em trả lời). Có lo lắng không? (Cho các em trả lời). Có phải rất hối hận không? (Cho các em trả lời).

Gia-cốp vừa lo sợ vừa hối hận vì đã làm cho anh mình nổi giận. Bây giờ chỉ còn cách là nhanh chóng chạy trốn. Rời khỏi nhà cha mẹ, Gia-cốp cắm cúi đi suốt ngày mong sớm đến nhà cậu, nhưng đường đến Cha-ran còn rất xa. Khi màn đêm buông xuống, một thân một mình giữa đồng vắng, Gia-cốp cảm thấy rất buồn và cô đơn. Ông nằm gối đầu trên một hòn đá phẳng rồi ngủ thiếp đi.

Trong giấc mơ, Gia-cốp thấy một cảnh rất lạ! Có một cái thang sáng chói bắt từ đất lên trời. Có các thiên sứ đi lên, đi xuống trên thang đó, rồi Gia-cốp nghe có tiếng nói từ trên đầu thang (dùng giọng trang nghiêm, nhân từ): “Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của Y-sác cha ngươi và ta cũng sẽ là Đức Chúa Trời của ngươi. Tất cả vùng đất xung quanh ngươi, ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi. Ta hứa với ngươi, ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi đi đâu sẽ theo gìn giữ đó. Ta không bao giờ bỏ ngươi”.

Gia-cốp thức giấc, lòng đầy vui mừng tự nhủ: “Đức Chúa Trời của tổ phụ mình thật là Đấng chân thật, Ngài không rời khỏi mình. Ngài hứa sẽ bảo vệ, gìn giữ mình”.

Các em ơi, Đức Chúa Trời của tổ phụ Gia-cốp là Đức Chúa Trời mà chúng ta tin cậy. Ngài thấu hiểu cảm nhận và suy nghĩ của Gia-cốp. Ngài cũng hiểu rõ mọi nhu cầu của chúng ta, Ngài hứa: “Ta ở cùng ngươi, ngươi ở đâu, sẽ theo gìn giữ đó”. Như vậy, chúng ta có phải sợ hãi không?

    3. Ứng dụng.

Cho các em thảo luận bằng cách trả lời các câu hỏi sau: Dù là hai anh em sinh đôi, nhưng Ê-sau và Gia-cốp có gì khác biệt? Tại sao Gia-cốp rời khỏi gia đình? Gia-cốp làm vậy có đúng hay không? Gia-cốp có cảm nhận như thế nào sau khi rời khỏi gia đình? Gia-cốp có nhận được sự giúp đỡ nào không? Đó là sự giúp đỡ gì?

Sau đó cho các em làm bài tập “Con chiên nhỏ về nhà” và bài tập “Gia-cốp không về nhà”. Cho các em tưởng tượng tâm trạng của con chiên khi bị lạc (khao khát về nhà), rồi đối chiếu với cảnh khốn khổ của Gia-cốp khi cô đơn trong đồng vắng.

Khi em sợ hãi, cô đơn, không ai giúp đỡ, em nên cầu nguyện, Đức Chúa Trời luôn ở cùng và giúp đỡ em.