Chuyên mục: PHỤ NỮ

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 23.02.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 23.02.2025

in PHỤ NỮ on 18 Tháng Hai, 2025

Chúa nhật 23.02.2025.

  1. Đề tài: ÁP-ĐIA – NGƯỜI RAO SỰ ĐOÁN PHẠT TRÊN KẺ NGƯỢC ĐÃI DÂN CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Áp-đia 1:1-21; Sáng 25:23-26:36-43; Phục 2:2-7.
  3. Câu gốc: “Vì Đức Giê-hô-va yêu công lý, không từ bỏ người thánh của Ngài; người công chính được Ngài gìn giữ đời đời. Còn dòng dõi kẻ gian…” (Thi 37:28 BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 19-21.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

  1. Thông báo đề tài “Áp-đia-người rao sự đoán phạt trên kẻ ngược đãi dân Ngài”, đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.
  2. Ủy viên linh vụ nhờ người có kinh nghiệm thuộc linh giải đáp thắc mắc.
  3. Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau phần trả lời mỗi câu hỏi cần dành ra ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học phòng khi có quá ít câu hỏi bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.
  5. GIỚI THIỆU.

Tên Áp-đia có nghĩa là “đầy tớ của Chúa”. Thời gian Áp-đia bước vào chức vụ tiên tri chẳng được biết rõ có thể là trước Giê-rê-mi vào khoảng năm 850-840 T.C. Sách Áp-đia được viết với chủ đề duy nhất là rao sự đoán phạt Ê-đôm và dự ngôn về phước hạnh tương lai của dân Y-sơ-ra-ên. Áp-đia đã làm sáng tỏ vấn đề: Thế nào kẻ bị ức hiếp tìm được sự an ủi và kẻ ác nhìn biết sự công nghĩa của Đức Chúa Trời?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Dân Ê-đôm và Dân Y-sơ-ra-ên.

Tổ phụ của dân Ê-đôm là Ê-sau anh em sinh đôi với Gia-cốp. Mặc dầu Ê-sau khinh quyền trưởng nam mất sự chúc phước của Y-sác cha mình nhưng dòng dõi ông đã trở thành một dân giàu mạnh. Trong thời Áp-đia thành phố Sê-la sau này có tên là Pe-tra là thủ đô của Ê-đôm. Vết hoang tàn được các nhà khảo cổ tìm thấy vào năm 1812. Những lớp gạch đỏ nhô lên chứng tỏ sự hưng thịnh và văn minh một thời của quốc gia này.

Về phương diện địa lý xứ Ê-đôm chạy dài theo dãy núi Sê-i-rơ từ vịnh A-qa-ba đến biển Chết. Vùng đất này phì nhiêu với các thứ thổ sản như lúa mì, nho, trái vả, ô-li-ve, lựu. Dân Ê-đôm xây thành kiên cố để sống an toàn khỏi kẻ thù đánh phá. Nhờ có núi cao bao bọc làm tường thành họ có thể chống lại kẻ xâm lược cách dễ dàng. Thêm vào đó dân Ê-đôm chiếm được ưu thế kiểm soát con đường thương mại từ A-qa-ba đến Ai Cập nên họ được sung túc về mặt kinh tế và nền văn minh của họ cũng được phát triển cao hơn các nước trong vùng sa mạc. (Giê 49:7; Gióp 4:1-6) Dầu có mối liên hệ bà con anh em với dân Y-sơ-ra-ên hơn nữa cũng là nước láng giềng gần gũi nhưng dân Ê-đôm không có chút lòng thương xót Y-sơ-ra-ên trong ngày hoạn nạn là ngày Chúa phó Y-sơ-ra-ên vào tay vua Nê-bu-cát-nết-sa vào năm 586 T.C. Ác tâm của dân Ê-đôm đã bày tỏ trong hai hành động:

(1) Hùa theo kẻ thù (c.10-13): Mối thù của Ê-sau về sự cướp phước của Gia-cốp trong quá khứ mặc dầu đã được giải hòa (Sáng 33) nhưng nó vẫn còn nằm trong tiềm thức của Ê-sau và lưu lại trong dòng dõi của ông. Người em có cùng huyết thống nhưng trong lòng dân Ê-đôm vẫn ấp ủ mối hận thù!

(2) Tàn nhẫn với kẻ lâm nạn (c.14): Dân Ê-đôm chẳng những vui mừng khoanh tay ngoảnh mặt làm ngơ khi thấy kẻ thù tràn vào phá hủy Giê-ru-sa-lem họ còn ra tay săn bắt những người Giu-đa chạy ẩn mình trong xứ để nộp cho quân nghịch.

  1. Sự Đoán Xét Của Đức Chúa Trời.

Áp-đia cảnh cáo dân Ê-đôm những điều này:

(1) Chớ tự cao: Nhờ vị trí địa lý an toàn, kinh tế giàu mạnh và văn minh cao, dân Ê-đôm kiêu ngạo (Áp-đia c.3-4).

(2) Chớ cậy liên minh (c.7).

(3) Chớ cậy sự khôn ngoan (c.8).

(4) Chớ cậy binh lực (c.9).

(5) Gieo gì gặt nấy: “Những việc làm của ngươi sẽ đổ lại trên đầu ngươi!” Ê-đôm đã cướp bóc lục soát con buôn trong ngày kiểm soát đường giao thương thể nào thì cũng sẽ bị cướp bóc lục soát trong ngày Chúa đoán xét thể ấy! Lời cảnh cáo cho chúng ta nhận thấy:

(1) Nơi trú ẩn của loài người là vô ích: Dầu núp mình trong vầng đá hay trên núi cao Ê-đôm không thể tránh khỏi cơn thạnh nộ của Chúa (Ê-sai 26:3-4).

(2) Sự khôn ngoan của loài người không thể giải cứu họ trong ngày đoán xét của Chúa (1Côr 1:30; Gi 5:24).

Theo dự ngôn của tiên tri Áp-đia lời đoán xét Ê-đôm trong (1:1-14) đã được xảy ra. Qua các dữ kiện lịch sử ghi nhận vào khoảng thế kỷ thứ năm dân Ê-đôm đã bị dân Ả-rập áp bức đuổi ra khỏi xứ và định cư ở phần đất phía Nam Palestine trở thành một nước nhỏ bé và nghèo nàn như điều Áp-đia đã nói (c.1,5-8). Ê-đôm bị đặt dưới sự đoán xét trong ngày sau cùng (1:15-21). Đức Chúa Trời phó dân Y-sơ-ra-ên trong tay các nước; nhưng Ngài cũng sẽ đoán xét họ tùy theo cách họ đối xử với dân Chúa cách nhân đạo hay tàn nhẫn lúc hoạn nạn. Trong ngày đoán xét lớn, Ê-đôm bị đoán phạt còn Y-sơ-ra-ên sẽ được phước:

(1) Cường thạnh: Họ nhận lại phần đất của tổ phụ mình xưa kia để lại làm sản nghiệp (Êxê 37:16-22; Ô-sê 1:11).

(2) Biên giới quốc gia mở rộng (c.19). Lịch sử cho thấy trong khi dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày dân Ê-đôm đã chiếm đóng các tỉnh ở phần đất phía Nam của Giu-đa, Negel là vùng đất phía Nam của Hếp-rôn hướng về đồng vắng Pha-ran. Dự ngôn này ám chỉ về sự trở lại của Đấng Christ, Ngài sẽ giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi cơn đại nạn do những kẻ thù vây quanh uy hiếp Ngài đoán xét các nước thế gian làm Vua trên đất. Sự đoán xét Ê-đôm cho chúng ta học biết:

– Đức Chúa Trời là Đấng Công nghĩa.

– Quyền đoán xét các nước thế gian thuộc về Ngài.

– Sự đoán xét của Chúa là đáng sợ và công bình.

Ê-đôm bị đoán phạt vì cớ: (1) Sự kiêu ngạo của Ê-đôm xúc phạm đến bốn điều răn đầu là điều Chúa đòi hỏi con người phải kính phục Ngài. Kinh Thánh ghi chép (Đa 4:30-31; Công 12:23). (2) Sự tàn bạo của Ê-đôm đã xúc phạm đến sáu điều răn sau là điều Chúa đòi hỏi con người phải yêu thương nhau (Mat 22:36-39). Cách đối xử bất nhân của Ê-đôm khiến Chúa phải thi hành luật công nghĩa của Ngài trên nguyên tắc nhân quả (Áp-đia 1:15).

Sự đoán xét của Chúa căn cứ trên hai điểm:

  1. Thái độ chúng ta đối với Chúa.
  2. Cách cư xử của chúng ta đối với nhau.
  3. Bài Học cho Đời Sống.

(1) Chớ kiêu ngạo hãy có lòng khiêm nhu trước mặt Chúa.

(2) Chớ ganh ghét phải kính trọng người Chúa chọn (Mal 1:3).

(3) Chớ báo thù hãy yêu thương tha thứ: Mặc dầu Kinh Thánh chép Đức Chúa Trời “yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau”. Đó là sự lựa chọn theo quyền tuyệt đối của Ngài (Đức Chúa Trời thấy tấm lòng khát khao, yêu mến, thuận phục Chúa của Gia-cốp và Ngài đã chọn lựa ông). Tuy nhiên theo lẽ công bình, Đức Chúa Trời vẫn ban phước cho Ê-sau như Gia-cốp. Trong Phục 2:4-7, trên đường về đất hứa Ca-na-an, Đức Chúa Trời đã căn dặn dân Y-sơ-ra-ên không được xâm lấn địa phận của dân Ê-đôm, mà phải cư xử cách phải lẽ với người anh của mình. Cho nên sự đoán phạt Ê-đôm là bài học nhắc nhở chúng ta về cách đối xử với nhau trong tình anh em, như lời dạy của Chúa Giê-xu: (Mat 5:7) như lời khuyên của Phao-lô (Êph 4:32).

Tóm lại, sứ điệp rao sự đoán xét trên Ê-đôm khuyến khích Cơ Đốc nhân chúng ta bền lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời và thêm lên trong sự làm điều lành nhất là đối xử nhân từ với nhau vì biết rằng Đức Chúa Trời làm sự công bình và binh vực người thánh của Ngài.

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Xin đọc (Áp-đia 1:1-9; Sáng 36:6-9) tìm hiểu đại cương về địa lý xứ Ê-đôm, dân tộc, nền văn minh và đạo đức của dân Ê-đôm.
  2. a. Giữa Ê-đôm và Y-sơ-ra-ên có mối liên hệ bà con nào? (Sáng 25:23-26; 36:6).
  3. Dân Ê-đôm đối đãi với dân Y-sơ-ra-ên thế nào trong ngày hoạn nạn? (Áp-đia 1:10-14).
  4. a. Áp-đia cảnh cáo dân Ê-đôm những điều? (1:3-4; 7; 8; 9; 15).
  5. Trong sự đoán xét của Đức Chúa Trời dân Ê-đôm và dân Y-sơ-ra-ên sẽ như thế nào? (Áp-đia 1:2-9,15-21).
  6. Trong sự đoán phạt Ê-đôm cho chúng ta bài học gì về:
  7. Cách đối xử với người trong tình anh em?
  8. Cách đối xử với người được Chúa chọn?
  9. Tấm lòng và thái độ chúng ta trước mặt Chúa?
  10. Sứ điệp của Áp-đia có ý nghĩa gì? (Thi 37:1-3,28; 1:6).
  11. Ghi những điểm quan trọng qua sứ điệp của Áp-đia.
  12. a. Bạn có lòng khiêm nhường trước mặt Chúa hay đang cậy vào sự khôn ngoan của chính mình?
  13. b. Đối với người anh em trong hoạn nạn bạn có thái độ nào?

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

 Tẩy Vết Mực.

Nếu là mực thường thì cắt một miếng chanh tươi thoa vào chỗ dính mực sau đó giặt lại bằng xà bông và xả nước sạch. Vết mực sẽ hết. Nếu là mực bút bi thì tẩy mực bằng cồn 90 độ.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 09.02.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 09.02.2025

in PHỤ NỮ on 10 Tháng Hai, 2025

Chúa nhật 09.02.2025.

  1. Đề tài: A-MỐT – NGƯỜI KÊU GỌI DÂN SỰ ĐẾN ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC THẬT.
  2. Kinh Thánh: A-mốt 5:1-27; 7:10-17.
  3. Câu gốc: “Hãy tìm điều lành và đừng tìm điều dữ, để các ngươi được sống, thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân sẽ ở cùng ngươi…” (Amốt 5:14 BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 13-15.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh Nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).

– Câu hỏi giải thích (tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

Bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo.

(1.1) Xin liệt kê một số tội dân Y-sơ-ra-ên đã phạm (5:4-27).

(1.2) Những tội nầy phản ánh đời sống đạo đức của họ thế nào?

(1.3) Điều gì dễ khiến bạn phạm tội cùng Chúa? Đời sống bạn lúc ấy như thế nào?

(2.1) A-mốt kêu gọi dân sự làm gì để thay đổi nếp sống tội lỗi? (5:4,6,8,14,15).

(2.2) A-mốt thách thức dân sự điều gì và nhằm mục đích gì?

(2.3) Sự kêu gọi của A-mốt thách thức bạn trong sứ mạng gì?

(3.1) Khi rao truyền sứ điệp, A-mốt gặp khó khăn gì?  (7:10-17).

(3.2) Tại sao A-mốt gặp sự bắt bớ như thế?

(3.3) Qua A-mốt bạn tìm thấy những đức tính cần thiết nào cho người hầu việc Chúa?

  1. GIỚI THIỆU.

Từ vùng đồi núi Thê-cô-a xuất hiện một nhà tiên tri đó là A-mốt. A-mốt được Đức Chúa Trời kêu gọi khoảng năm 765-750 T.C, mang sứ điệp của Chúa cho cả nhà Y-sơ-ra-ên, đặc biệt vương quốc Miền Bắc Y-sơ-ra-ên.

A-mốt sống trong thời kỳ quốc gia Y-sơ-ra-ên đạt đến nền kinh tế phồn thịnh. Cả vua và dân buông mình trong nếp sống đạo đức vô cùng sa sút bại hoại. A-mốt đem lời Chúa cảnh cáo tội ác dân sự trước những áp lực đe đọa của cấp lãnh đạo tôn giáo cũng như nhà vua.

  1. Sự đoán xét các dân ngoại (1-2).
  2. Sự đoán xét nhà Y-sơ-ra-ên (3-8).
  3. Sự phục hồi Y-sơ-ra-ên (9).
  4. DẪN GIẢI.
  5. ĐỜI SỐNG SA SÚT CỦA Y-SƠ-RA-ÊN (5:4-17).

Dân Y-sơ-ra-ên đã rơi vào ba tội:

  1. Bội nghịch với Đức Chúa Trời.
  2. Bất nghĩa đối với nhau.
  3. Bất chính đối với nhau.
  4. (Phục 6:13) Nhưng dân sự lìa bỏ Đức Chúa Trời và thờ lạy hình tượng (A-mốt 5:5), (1Vua 12:28-30).
  5. (Lê 19:33-35) Nhưng dân sự đã làm điều bất nhân bất chính (A-mốt 5:11-12).

Dân Y-sơ-ra-ên đã đi sai lệch đường lối của Đức Chúa Trời.

  1. LỜI KÊU GỌI ĐẾN ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC THẬT.

A-mốt cảnh tỉnh họ sửa soạn gặp mặt Đức Chúa Trời (4:12). Để mỗi người xét lại tư cách và việc làm của mình thế nào khi ứng hầu trước Đấng thánh.

  1. Tìm Kiếm Đức Chúa Trời: (c.6). Sự tìm kiếm Đức Chúa Trời là điều quan trọng (Công 17:28; A-mốt 5:8).
  2. Học biết ý chỉ của Đức Chúa Trời.
  3. Trở lại cùng Đức Chúa Trời tôn Ngài là Vua của đời sống chúng ta.

Người thực sự tìm kiếm Chúa là người hết lòng tôn kính Chúa và vâng theo lời Ngài phán dạy (Phục 8:1).

  1. Sống Theo Đường Lối Của Đức Chúa Trời:
  2. Yêu thương: (5:11) Trong (Lê 19:9-10,33-34) phải có lòng thương xót anh em nghèo khổ vì cớ Ngài là Đấng hay thương xót.
  3. Chánh trực: Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết, công nghĩa Ngài đòi hỏi dân sự phải có đời sống ngay thẳng, công bằng.
  4. Chân thật: Đức Chúa Trời là Đấng chân thật, đòi hỏi con dân Chúa có sự chân thật trong đời sống, không làm người giả hình như dân Y-sơ-ra-ên (Đa 5:21-24).

A-mốt thách thức dân sự ba điều: (1) (A-mốt 5:4,14,15) Sự thách thức này được kèm theo với lời cảnh cáo về sự đoán phạt của Chúa. (2) (A-mốt 5:16-20,25-27) A-mốt đặt trước mặt Y-sơ-ra-ên một sự lựa chọn sống chết. (3) Hoặc trở lại tìm kiếm Đức Giê-hô-va và vâng theo luật pháp Ngài để được sống phước hạnh; hay tìm kiếm thần tượng và làm điều ác để bị hủy diệt? (5:24).

– Gặp Chúa để khai trình mọi việc trong đời sống (2Côr 5:10).

– Người sống đạo theo tiêu chuẩn công nghĩa của Chúa mới có thể đứng nổi trước mặt Ngài.

– Theo tiêu chuẩn sống đạo (Xuất 20:1-17).

– Người sống theo tiêu chuẩn đạo đức của Chúa, chắc sẽ phản chiếu sự nhân từ, thánh khiết, công bình và sự chân thật của Ngài.

– Người sống sai trật đường lối Chúa chắc chuốc lấy bất hạnh.

Bất cứ xã hội nào trong nếp sống không có lòng nhân từ, thì chắc sẽ bị Chúa đoán phạt vì Ngài là Đấng công nghĩa (A-mốt 5:6).

Ngày nay chúng ta đang sống trong xã hội bại hoại như trong thời tiên tri A-mốt. Hiếp đáp người nghèo làm cong lẽ thẳng… Cho nên, lời kêu gọi người đến đời sống đạo đức chân thật, cảnh báo người sửa soạn gặp Đấng công nghĩa.

  1. Đời Sống và Sứ Mạng.

A-mốt gặp nhiều thử thách từ nhà lãnh đạo đương thời, vì cớ A-mốt rao sứ điệp của Chúa nghịch cùng họ. A-mốt đã không bỏ cuộc vẫn giữ lòng trung tín, làm trọn trách nhiệm Chúa giao phó. A-mốt có bốn đức tính cao đẹp trong đời sống chức vụ:

  1. Khiêm nhường: (A-mốt 7:14).
  2. Vâng lời Chúa: (A-mốt 7:15).
  3. Cương trực: (A-mốt).
  4. Can đảm: (A-mốt 7:10-11).

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Những tội dân Y-sơ-ra-ên đã phạm (A-mốt 5:4-27).
  2. So sánh các tội phạm với điều luật pháp dạy (Phục 4:24; 8:1; Lê 19:35-36) chúng ta nhận xét gì về đời sống đạo đức của dân Y-sơ-ra-ên trong thời A-mốt?
  3. 3. Sự kêu gọi của A-mốt thách thức Cơ Đốc nhân chúng ta trong sứ mạng nào hôm nay? (Rô 3:23-25; Êph 4:20-32).
  4. 4. a. A-mốt đã gặp sự bắt bớ nào? Tại sao? (7:10-17).
  5. Chúng ta tìm thấy trong A-mốt có những đức tính nào cần thiết cho người hầu việc Chúa?
  6. 5. Những điểm quan trọng trong sứ điệp của A-mốt là gì?
  7. 6. Bạn can đảm bày tỏ đời sống đạo đức chân thật của Chúa và cảnh báo sự đoán xét của Ngài cho người thế gian như thế nào?.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

 Tẩy Vết Ố Quần Áo.

Có thể tẩy vết ố vàng (do mồ hôi) hay mốc đen trên quần áo, khăn mặt bằng cách đem ngâm nước muối loãng, từ nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ. Sau đó đem xả sạch, dùng xà phòng giặt như thường. Các vết ố sẽ biến mất.

Chú ý: Sau khi tẩy vết bẩn, vết ố trên quần áo, đôi khi xung quanh chỗ tẩy còn thấy những vết mờ mờ hình tròn. Bạn đừng lo. Hãy đun nước sôi và đem đặt chỗ ấy phía trên hơi nước đang bốc lên. Vết mờ đó sẽ bay hết.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 02.02.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 02.02.2025

in PHỤ NỮ on 10 Tháng Hai, 2025

Chúa nhật 02.02.2025.

  1. Đề tài: THIÊN ĐÀNG VÀ ĐỊA NGỤC.
  2. Kinh Thánh: Đa-ni-ên 12:2,3; Giăng 3:3; 5:27-29; Khải 20:4,5; 21:4,8; Mat 25:4.
  3. Câu gốc: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy …” (Giăng 3:16 BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Câu gốc, bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng tiền, đọc bài cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sự nguy hiểm trong tâm trí của nhân loại là họ nghĩ không có thiên đàng và địa ngục, chết là hết. Có người cho rằng thiên đàng và địa ngục là lý thuyết do các nhà tôn giáo đặt ra chứ không phải có thật.

  1. THIÊN ĐÀNG, ĐỊA NGỤC LÀ HAI NƠI THỰC HỮU.
  2. Lẽ Công Bình Làm Chứng.

Nếu ta tin có Đức Chúa Trời thì phải tin có thiên đàng, có địa ngục. Trong đời nầy, chưa có sự thưởng phạt phân minh và xứng đáng. Nên phải có một tòa thượng thẩm, tại đó chính Đức Chúa Trời thưởng phạt một cách công bình và xứng đáng. Sự thưởng phạt đó là thiên đàng và địa ngục.

  1. Đức Chúa Giê-xu Làm Chứng.

Trong ba năm chức vụ Chúa đã dùng đủ lời lẽ thí dụ và hơn hết là chính bản thân Ngài để chứng minh có thiên đàng địa ngục là thực hữu. Vì thế, trong khi khuyên ai nấy yêu mến thiên đàng thì đồng thời Ngài cũng cảnh cáo cho họ biết về địa ngục.

  1. CẢNH TƯỢNG CỦA THIÊN ĐÀNG VÀ ĐỊA NGỤC (Đa 12:2; Gi 5:27-28).
  2. Cảnh Tượng Của Thiên Đàng.

Chắc ai nấy cũng đoán ngay đó là nơi vui vẻ phước hạnh quá sức tưởng tượng (Khải 21:4; Đa 7:18) (Khải 20:4).

  1. Cảnh Tượng Của Địa Ngục

Nơi lửa đời đời. Lửa không hề tắt. Hầm diệt vong. Vực sâu. Nơi khóc lóc nghiến răng…

III. NGƯỜI LÊN THIÊN ĐÀNG VÀ NGƯỜI XUỐNG ĐỊA NGỤC.

  1. Người Lên Thiên Đàng (Gi 3:3).

Sự tái sanh khiến ta được biến hóa tái tạo lại ảnh tượng đẹp đẽ của Đức Chúa Trời mà Ngài đã tạo dựng trong con người, làm cho ta trở nên con cái Đức Chúa Trời chúng ta phải để Chúa làm chủ sống theo lời Ngài (Đa 12:3; Mat 3:8).

  1. Người Xuống Địa Ngục.

Không tin nhận Chúa Giê-xu, không được tái sanh, thì chắc chắn sẽ vào đó (Mat 25:41; Khải 20:5, 21:8).

Kết luận: Bạn đã biết chắc chắn có thiên đàng, địa ngục và nghe qua cảnh tượng vui mừng của thiên đàng, đau khổ của địa ngục. Vậy bạn có suy nghĩ gì? Làm gì để được tái sanh? Làm sao để mình được vào thiên đàng? Câu trả lời trong câu Kinh Thánh (Gi 3:16).

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

– Nước Vào Tai.

Nước vào tai bên trái thì nghiêng tai đó xuống thấp, bịt tai bên phải và giậm chân phải, nước sẽ từ từ ra khỏi tai. Nếu nước vào tai bên phải thì làm ngược lại.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 19.01.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 19.01.2025

in PHỤ NỮ on 24 Tháng Một, 2025

Chúa nhật 19.01.2025.

  1. Đề tài: Ô-SÊ – NGƯỜI BÀY TỎ TÌNH YÊU CHUNG THỦY CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
  2. Kinh Thánh: Ô-sê 11:1-11; 1-3; 11-14.
  3. Câu gốc: “Ta sẽ cưới ngươi cho Ta trong sự thành tín, và ngươi sẽ biết Đức Giê-hô-va” (Ô-sê 2:20 BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 7-9.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

* Đề tài 1: Hôn nhân của Ô-sê và Gô-me chỉ là ví dụ để minh họa. Vì không thể nào Đức Chúa Trời thánh khiết, công bình lại bảo tiên tri Ngài kết hôn với người đàn bà gian dâm.

* Đề tài 2: Hôn nhân của Ô-sê và Gô-me thật đã xảy ra, để bày tỏ tình yêu thương chẳng đổi thay của Đức Chúa Trời đối với sự thất tín của dân Y-sơ-ra-ên.

  1. Mỗi nhóm họp lại cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. GIỚI THIỆU.

Tên Ô-sê có nghĩa là “sự cứu rỗi”. Ô-sê được Chúa gọi vào chức vụ tiên tri khoảng năm 755-715 T.C. Trong lúc dân Y-sơ-ra-ên xây bỏ Đức Chúa Trời chạy theo thần tượng. Ô-sê nhận lãnh sứ mạng của Chúa, bày tỏ tình yêu thương chẳng thay đổi của Đức Chúa Trời đối với sự thất tín của Y-sơ-ra-ên; trong hình ảnh người chồng chung thủy đối với người vợ ngoại tình. Những đứa con được đặt tên:

Con trai đầu lòng Gít-rê-ên: Ô-sê rao sự đoán xét của Đức Chúa Trời trên nhà A-háp vì sự thờ hình tượng.

Con gái kế là Lô-ru-ha-ma: Ô-sê cảnh cáo nếu dân sự tiếp tục phạm tội chắc họ không còn được ơn thương xót của Chúa.

Con trai út Lô-am-mi: Có nghĩa “ngươi chẳng phải là dân Ta”. Ô-sê nói tiên tri về sự lưu đày và sự tản lạc của dân Y-sơ-ra-ên. Họ sẽ được giải cứu, được gọi là Am-mi (dân Chúa) và họ được cưới trong tình yêu thương đời đời của Ngài.

Sứ điệp của Ô-sê được mô tả câu chuyện tình vô cùng vĩ đại của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên trong thời Cựu Ước.

  1. DẪN GIẢI:
  2. Sự Thủy Chung Của Đức Chúa Trời.

Tình Yêu Thương Của Đức Chúa Trời Đối Với Dân Y-sơ-ra-ên.

Khi thì sâu sắc thân thiết trong tình cha con (Ê-sai 63:16; Ô-sê 11:1), khi thì âu yếm thân mật trong tình mẹ con (Ê-sai 49:15), khi thì nồng nhiệt tha thiết trong tình vợ chồng (Ô-sê 1:19).

  1. Sự Thất Tín Của Y-sơ-ra-ên Đối Với Đức Chúa Trời.

Một thái độ lãnh đạm đáng sợ! Nhìn vào cuộc sống “nhân tình thế thái” (là thói thường của người đời), một văn hào người Anh có nhận xét nầy: “Ngọn gió đông không lạnh bằng cái lạnh vong ân của lòng người”. Dân Y-sơ-ra-ên vong ân bội nghĩa đối với cha, như người vợ bội tình đối với người chồng.

Mặc dầu dân Y-sơ-ra-ên xây bỏ Chúa, chạy theo tình nhân Ba-anh, nhưng Ngài không bỏ họ. Trong tình yêu thương, Ngài vẫn tìm kiếm họ, sai các Đấng tiên tri gọi họ, dạy dỗ, thôi thúc, kéo họ trở về cùng Đấng yêu thương. Ngài mở ách cho họ khỏi xích sắt nô lệ, dùng dây nhân tình và xích yêu thương thâu họ về trong phước hạnh của Ngài. Tình yêu Đức Chúa Trời vẫn nhịn nhục, chờ đợi.

Tình yêu thương chung thủy của Đức Chúa Trời đối với họ chẳng có sự biến đổi. Trong quá khứ, Ngài đưa tay mạnh sức của người cha giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi xứ nô lệ Ai Cập, đem họ về trong đất hứa, yêu thương âu yếm họ như người chồng, nhưng Y-sơ-ra-ên lại chạy theo tình nhân Ba-anh! Trong hiện tại, Ngài đánh phạt họ, khiến họ tản lạc khắp nơi, nhưng trong tương lai, Ngài chữa lành và cưới họ trở lại trong sự công nghĩa, thánh khiết và trong tình yêu thương đời đời của Ngài.

Trong Êph 5:25-27, sứ đồ Phao-lô diễn tả Đấng Christ trong hình ảnh của người chồng với tình yêu thật lớn lao tha thiết đối với Hội Thánh đến nỗi hy sinh chính mạng sống, dùng chính huyết của Ngài tẩy sạch Hội Thánh, để Hội Thánh trở thành người vợ trinh khiết của Ngài trong ngày Chúa trở lại tiếp Hội Thánh về trời (Khải 19:7-8).

  1. Lời Kêu Gọi Của Ô-sê (14:1-9; 2:19-20).

(1) Hãy trở lại cùng Đức Chúa Trời (14:1-8).

(2) Hãy bước đi trong đường lối ngay thẳng và công bình (2:19-20).

Nhắc nhở Cơ Đốc nhân chúng ta hôm nay sống thánh khiết như người vợ hứa trinh bạch với niềm hy vọng trông chờ ngày tiệc cưới Chiên Con (Khải 2:18-25; 19:7-8).

Chúng ta có phải là tân nương chung thủy với Chúa hay đang chạy theo tình nhân nào khác của đời này? (Tình nhân này có thể là theo đuổi danh vọng, chức vụ, tiền tài, học thức hay một người nào đó và thần tượng có cả sự ham muốn thể xác…).

* ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MẠNG.

Tiên tri Ô-sê đã phải trả giá bằng cuộc hôn nhân của mình với người đàn bà gian dâm. Một điều không dễ làm, đòi hỏi nơi Ô-sê phải từ bỏ chính mình và hoàn toàn vâng phục Chúa, ông đã cảm nhận nỗi đau đớn và tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với sự thất tín của Y-sơ-ra-ên. Hai điều chúng ta cần học:

(1) Chúng ta có trách nhiệm bày tỏ tình yêu thương của Chúa cho người khác.

(2) Hai điểm cần có trong người hầu việc Chúa là sự từ bỏ chính mình và vâng phục ý Chúa.

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Xin ghi nhận những đặc điểm của tình yêu thương Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên (Ôsê 11:1-2,3,4,8-9; 10-11; 12:4; 2:19-20).
  2. Dân Y-sơ-ra-ên đã đáp ứng thế nào đối với tình yêu thương của Đức Chúa Trời? (Ô-sê 2:13; 8:13; 11:2; 11:7).
  3. Xin tìm hiểu tình yêu thương của Đấng Christ đối với Hội Thánh (Êph 5:25-27).
  4. Với sự ngoại tình của Y-sơ-ra-ên, Ô-sê có sứ mạng gì? (Ô-sê 14:1-9; 2:19-20; Khải 2:18-25; 19:7-8).
  5. Ô-sê đã từng trải bản thân điều gì? Trả giá như thế nào với sứ mạng Chúa gọi? (Ô-sê 1).
  6. Ghi nhận những điểm quan trọng trong sứ mạng của Ô-sê.
  7. a. Thế gian đầy cám dỗ, bạn có phải là người vợ hứa chung thủy của Chúa Giê-xu hay đang chạy theo “tình nhân” nào khác?
  8. Đời sống bạn có phản chiếu được những nét cao đẹp trong tình yêu chung thủy của Chúa và kêu gọi tội nhân trở về cùng Ngài không?

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

– Bị Ngứa, Đau Vì Chạm Phải Sứa Khi Tắm Biển.

Hãy lấy miếng bông thấm nước đường pha đặc đắp lên ngay. Bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả thu được.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 12.01.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 12.01.2025

in PHỤ NỮ on 24 Tháng Một, 2025

Chúa nhật 12.01.2025.

  1. Đề tài: ĐA-NI-ÊN – NGƯỜI BÀY TỎ QUYỀN TỂ TRỊ CAO CẢ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
  2. Kinh Thánh: Đa-ni-ên 2:26-49; 4:20-37; 5:26; 6:25-27.
  3. Câu gốc: “Tôn ngợi danh Đức Chúa Trời đời đời vô cùng! Vì mọi sự khôn ngoan và quyền năng đều thuộc về Ngài” (Đa 2:20 BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 4-6.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời Mục sư hay Truyền đạo chia sẻ từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Phụ nữ. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. GIỚI THIỆU.

Vào năm 604 T.C. năm thứ ba đời Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa cai trị. Nê-bu-cát-nết-sa vua Ba-by-lôn tiến quân vây đánh Giê-ru-sa-lem, bắt một số người qua Ba-by-lôn lưu đày. Đa-ni-ên thuộc hoàng tộc Giu-đa. Tại Ba-by-lôn, Đa-ni-ên bị đổi tên là Bên-tơ-xát-sa. Sau ba năm học tập văn hóa Ba-by-lôn, Đa-ni-ên được ra mắt vua. Qua sự đối đáp của Đa-ni-ên vua ngạc nhiên vì người giỏi gấp mười thuật sĩ Ba-by-lôn.

Đa-ni-ên đã trở thành nhân vật quan trọng trong các triều vua Ba-by-lôn. Với sự giải nghĩa về pho tượng, Đa-ni-ên được vua Nê-bu-cát-nết-sa đặt làm đầu các thuật sĩ và ban cho chức tổng trấn tỉnh Ba-by-lôn. Với sự giải nghĩa chữ viết trên tường, Đa-ni-ên được vua Bên-xát-sa vinh thăng vào chức thứ ba trong nội các. Đa-ni-ên đã chứng kiến những biến cố hưng thịnh và suy vong của các vua Ba-by-lôn. Lời tiên tri của Đa-ni-ên đặc biệt liên quan đến dự ngôn của Chúa Giê-xu, khi Ngài phán với các môn đồ trên núi Ô-li-ve về cơn đại nạn của thế giới, sự phục hồi quốc gia Y-sơ-ra-ên, sự tái lâm của Đấng Christ (Đa 2:31-45; 9:24-27; Mác 13; Mat 24:15).

Qua đời sống và sứ mạng của Đa-ni-ên, chúng ta làm thế nào để có thể bày tỏ cho nhà cầm quyền và kẻ ngạo mạn nhìn biết quyền tể trị cao cả của Đức Chúa Trời?

  1. SUY GẪM.
  2. SỨ MẠNG CỦA ĐA-NI-ÊN.
  3. Đa-ni-ên Trong Sự Giải Nghĩa Chiêm Bao.

(1) Mọi sự mầu nhiệm thuộc về Đức Chúa Trời (2:17-20).

(2) Đức Chúa Trời là nguồn sự khôn ngoan (Châm 1:7, 2Côr 3:5).

(3) Chiêm bao Đa-ni-ên giải nghĩa không phải là thuộc lãnh vực tâm lý thông thường.

– Với vua ngạo mạn Nê-bu-cát-nết-sa: Sự giải nghĩa chiêm bao về cây lớn, Đa-ni-ên tỏ cho vua biết Đức Chúa Trời là Đấng cao cả, nhấc kẻ khiêm nhường và hạ kẻ kiêu ngạo (4:34-35).

– Với Bên-xát-sa là kẻ nối ngôi Nê-bu-cát-nết-sa: Đa-ni-ên được mời đến giải nghĩa, vua Bên-xát-sa hiểu ra Đức Chúa Trời là Đấng cầm trong tay hơi thở và hết thảy các đường lối của vua. Ngài đã đếm nước vua và khiến nó đến cuối cùng, đó là ý nghĩa của các chữ viết ấy: Mê-nê, Mê-nê, Tê-ken, U-phác-sin (5:22-30).

– Với vua Đa-ri-út: Ngài sai thiên sứ bịt miệng sư tử không thể làm hại ông. Thực chứng này khiến vua Đa-ri-út thêm lòng kính sợ Đức Chúa Trời, vua khuyến khích dân sự tôn cao danh Ngài (6:26-27).

  1. Đa-ni-ên Trong Sự Bắt Bớ.

Trong địa vị cao trọng ấy Đa-ni-ên bị sự ganh ghét của kẻ thù. Họ yêu cầu vua ban hành một chiếu chỉ nghiêm cấm trong ba mươi ngày không ai được cầu nguyện với thần nào khác ngoài vua, nếu trái lệnh bị quăng vào hang sư tử. Đa-ni-ên chẳng chút nao núng, cứ mỗi ngày ba lần quì gối cầu nguyện với Đức Chúa Trời (6:10).

(1) Đa-ni-ên tin cậy Chúa: Ông cầu nguyện cách công khai.

(2) Đa-ni-ên trung thành với Chúa: Bền lòng cầu nguyện.

  1. Đa-ni-ên Trong Chức Vụ Tiên Tri.

Đa-ni-ên biết nhiều sự hiện thấy của Chúa về những việc sau cùng của thế giới (7-12). Đa-ni-ên nói đến những thời kỳ của dân ngoại, bắt đầu từ vua Nê-bu-cát-nết-sa đến ngày Đấng Christ tái lâm. Thế giới sẽ có bốn đế quốc thay nhau cai trị, mà mỗi phần của pho tượng được tiêu biểu cho mỗi đế quốc.

  1. ĐỜI SỐNG TIN KÍNH CHÚA CỦA ĐA-NI-ÊN.

Đa-ni-ên và Giô-sép có những điểm giống nhau. Cả hai bị đem đến một xứ ngoại đạo, cả hai đều có ơn giải nghĩa chiêm bao, cả hai đều là người tuổi trẻ nhưng có đời sống kính sợ Đức Chúa Trời. Đa-ni-ên đã bày tỏ cho vua ngoại đạo biết quyền năng giải cứu lớn lao của Chúa.

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. a. Đa-ni-ên có tài năng đặc biệt nào? So sánh ông với các thuật sĩ Ba-by-lôn? (Đa 1:17-20; 4:9,18; 5:11-12).
  2. Đa-ni-ên đã bày tỏ cho các vua biết gì về Đức Chúa Trời và quyền năng Ngài? Họ có thái độ nào đối với Ngài?
  3. a. Qua các triều vua Ba-by-lôn, Đa-ni-ên được nhắc lên những địa vị nào? Trong địa vị nào ông bị bắt bớ? (Đa 2:48-49; 6:29; 6:1-4).
  4. Đa-ni-ên đối phó với sự bắt bớ của kẻ thù thế nào? Kết quả ra sao? (Đa 6:10-28).
  5. Cho biết những đặc điểm trong sự tin kính Chúa của Đa-ni-ên (1:8; 2:1; 2:20-21; 26-28; 49; 6:10-13; 21-22).
  6. Đời sống sứ mạng và sự chịu bắt bớ của Đa-ni-ên có ý nghĩa gì cho Cơ Đốc nhân chúng ta hôm nay?
  7. Bạn có trung tín và can đảm bày tỏ danh lớn của Chúa ở giữa người chống nghịch khinh lờn quyền năng Chúa thế nào?

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Cách Chống Say Sóng.

Lấy gừng tươi cùng với gừng khô, tán nhuyễn uống vào là khỏi.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 05.01.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 05.01.2025

in PHỤ NỮ on 23 Tháng Một, 2025

Chúa nhật 05.01.2025.

  1. Đề tài: XUÂN AN BÌNH.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 91.
  3. Câu gốc: “Ngài là nơi nương náu và là đồn lũy của con; cũng là Đức Chúa Trời của con, con tin cậy nơi Ngài” (Thi 91:2 BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 1-3.
  5. Thể loại: Ca ngợi – Cảm tạ – Bài ca mới.

* CHỈ DẪN: Ca ngợi – Cảm tạ – Bài ca mới.

  1. Tất cả các ban viên đều có quyền dự phần: Ca ngợi, cảm tạ Chúa về những ơn phước Ngài ban; hát hay tập cho các bạn một bài hát mới hoặc tham gia đủ ba tiết mục.
  2. Ghi danh với người hướng dẫn chương trình thờ phượng.
  3. Có thể đơn ca, song ca, tốp ca hay mời cả ban cùng hát.
  4. Không cười chê những người hát không hay.
  5. Nếu không làm chứng thì nên bày tỏ lý do tôn vinh Chúa bài thánh ca đó. Khi làm chứng, xin trình bày cách thành thật. Nếu bài làm chứng cảm động, nên cầu nguyện ngay.
  6. Ủy viên âm nhạc và sinh hoạt chuẩn bị một số bài hát mới tập cho ban viên.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

SAY NẮNG.

– Đề phòng: Không tắm nắng quá lâu, đầu để trần.

– Cấp cứu khi chờ bác sĩ đến.

+ Đặt nạn nhân ở chỗ thoáng khí, đầu và vai cao hơn thân người (nếu mặt nạn nhân bị tái xanh thì để đầu và vai thấp).

+ Phun nước lạnh lên người nạn nhân. Nếu có túi chườm nước đá đặt lên đầu càng tốt.

+ Làm cho nạn nhân toát mồ hôi bằng cách xát mạnh các đầu ngón tay, bắp chân, đùi và thân người.

+ Cho nạn nhân uống nhiều nước trà loãng có pha chút muối hoặc nước có ga, từng ngụm nhỏ một. Không cho đường vào nước.

+ Nếu da bị phồng dộp, cần ngâm nạn nhân vào trong bồn tắm, nước lạnh.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 01.12.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 01.12.2024

in PHỤ NỮ on 26 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 01.12.2024.

  1. Đề tài: GIÊ-RÊ-MI, NGƯỜI THAN KHÓC VÌ DÂN MÌNH.
  2. Kinh Thánh: Grê-rê-mi 1, 20, 31.
  3. Câu gốc: “Nếu con nói: “Tôi sẽ không đề cập đến Ngài nữa, tôi sẽ không nhân danh Ngài mà nói nữa”, thì lời Ngài như ngọn lửa thiêu đốt lòng con, ầm ỉ trong xương con…” (Giê 20:9 BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 58-60.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 21.07.2024.

I. GIỚI THIỆU.

Grê-rê-mi con của thầy tế lễ Hinh-kia, quê ở A-na-tốt. Tên Grê-rê-mi có nghĩa Đức Chúa Trời nâng đỡ. Grê-rê-mi đã được Đức Chúa Trời chọn và được kêu gọi lúc còn tuổi trẻ vào năm 626 T.C.

Grê-rê-mi nhận sứ mạng của Chúa cảnh cáo sự bội đạo của các vua, loan báo sự sụp đổ của vương quốc và sự lưu đày dân sự qua Ba-by-lôn. Nhưng vua và quần thần cứng lòng chẳng nghe, bắt bớ và giam cầm tiên tri của Đức Chúa Trời. Cơn đoán phạt xảy đến đúng như lời Grê-rê-mi.

Vua Nê-bu-cát-nết-sa dẫn đại quân vào chiếm Giê-ru-sa-lem, bắt vua và một số dân sự dẫn đi lưu đày ở Ba-by-lôn vào năm 586 T.C. Grê-rê-mi ở lại với nhóm dân sót tại Giê-ru-sa-lem. Sau đó có cuộc mưu phản chánh quyền do vua Ba-by-lôn thiết lập, dân sự hoảng sợ trốn qua Ai cập. Grê-rê-mi buộc lòng đi với họ để làm người lãnh đạo tinh thần và ông đã qua đời. Grê-rê-mi đã từng khóc than, vì cớ sự bội đạo của họ. Grê-rê-mi viết sách Ca thương.

Grê-rê-mi còn có sứ điệp an ủi dân sự Ngài như: (1) Sự hồi hương của dân Giu-đa sau bảy mươi năm lưu đày. (2) Sự tan lạc khắp nơi của dân Giu-đa. (3) Sự phục hồi của nhà Y-sơ-ra-ên. (4) Sự đoán xét các dân ngoại. (5) Giao ước mới. (6) Nước của Đấng Mê-si và sự trị vì của Ngài.

II. SUY GẪM.

  1. Sứ điệp của tiên tri Grê-rê-mi.

Grê-rê-mi rao báo về sự lưu đày của dân Giu-đa, đồng thời cũng dự ngôn về cuộc hồi hương vĩ đại của cả Y-sơ-ra-ên trong tương lai. Tiên tri Grê-rê-mi kêu gọi dân sự hãy reo vui, vì Đức Chúa Trời sẽ thăm viếng dân Ngài. Ngài sẽ giải cứu họ, đem họ trở về xứ. Ngài sẽ lập với họ một giao ước mới (Giê 31:1-32).

Dân Y-sơ-ra-ên không còn than phiền vì phải gánh trách nhiệm tội lỗi của ông cha mình như điều đã quy định trong giao ước cũ mà Đức Chúa Trời phán cùng Môi-se (Xuất 20:5), vì vậy họ phải chịu cảnh lưu đày (Mat 27:25). Sau cơn đoán phạt, Đức Chúa Trời đang dang tay ban phước cho dân sự qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong giao ước mới Đức Chúa Trời hứa với dân sự ba điều quan trọng (Giê 31:32-34):

(1) Ngài làm chồng Y-sơ-ra-ên: Một giao ước được lập trên tình yêu thương khắng khít sâu xa trong tình yêu thương như vợ chồng. Ngài là người chồng yêu thương Hội Thánh. Ngài dùng chính huyết mình mua chuộc Hội Thánh để trở nên vợ Ngài (Êph 5:25-26).

(2) Ngài đặt luật pháp trong lòng dân sự: Trong giao ước cũ, Đức Chúa Trời viết luật pháp của Ngài trên bảng đá. Nhưng trong giao ước mới, Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh Ngài viết luật pháp trong lòng.

(3) Ngài ban cho sự tha tội: “Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa”. Được thể hiện qua sự chết của Chúa Giê-xu, Ngài đã tuyên bố khi ban lễ Tiệc thánh cho các môn đồ trước giờ bị treo trên cây thập tự (Mat 26:28). Trong giao ước cũ, Đức Chúa Trời dùng huyết của con sinh, trong giao ước mới Đức Chúa Trời dùng huyết của chính Con Người (Hêb 9:11-15).

Vì qua giao ước mới họ được sự tha thứ, được Đức Chúa Trời nhận trong tình yêu thương đời đời của Ngài và không còn có sự đoán phạt nữa. Sứ điệp giao ước mới của tiên tri Grê-rê-mi đem đến cho dân sự lưu đày niềm vui của sự mong đợi. Còn chúng ta ngày nay được tha tội của giao ước mới, chúng ta có trách nhiệm gì?

  1. Đời sống chức vụ của Giê-rê-mi:

Phao-lô, Giê-rê-mi được Đức Chúa Trời lựa chọn từ lúc còn trong bụng mẹ (Giê 1:4). Chức vụ tiên tri là do sự lựa chọn của Chúa, chớ không phải do ý người. Phao-lô, Giê-rê-mi chịu nhiều đau đớn trong chức vụ. Giê-rê-mi trung thành, rao giảng lời của lẽ thật (Giê 15:10-21, 16:19, 19:11-13, 36:8-20). Hai điểm sáng của Grê-rê-mi:

(1) Chịu khổ vì Chúa: Lúc tuổi trẻ Giê-rê-mi được Ngài dạy dỗ, học tập chịu khổ vì danh Đức Giê-hô-va và vì dân tộc. Grê-rê-mi sốt sắng rao báo, đôi lúc trở thành trò cười trước kẻ quyền thế cứng lòng, bị sỉ nhục giữa vòng dân chúng chẳng thông hiểu. Sứ đồ Phao-lô đã bị xem những thứ đó như rác rến của thế gian. Vì Tin lành của Đấng Christ, Grê-rê-mi không bỏ cuộc trước sứ mạng Chúa ủy thác (Giê 19:7-9; 1Côr 4:12-13). Sứ điệp của Chúa không phải là một mạng lịnh nào đó bên ngoài, nhưng là sự gắn liền với đời sống và thấu suốt trong lòng, khiến Giê-rê-mi không thể im lặng không nói ra.

(2) Chịu khổ vì dân tộc: Trong tinh thần sốt sắng loan báo lời Chúa, đôi lúc Giê-rê-mi gào thét như người cha thẳng tay quở trách lỗi lầm dân sự, nhưng lắm lúc thì thầm như người mẹ tràn đầy tình thương với những lời than thở, với đôi mắt tuôn tràn giọt lệ vì tấm lòng cứng cỏi chẳng ăn năn của họ. Giê-rê-mi mang trong lòng gánh nặng khi chịu sự sửa phạt của Đức Chúa Trời (Giê 9:1).

Cái ách Đức Chúa Trời đặt trên Giê-rê-mi là một thách thức cho người hầu việc Chúa. Nhiều người được sự cảm động nói với Chúa như tiên tri Ê-sai: “Có con đây, xin hãy sai con”. Đời sống hầu việc của tiên tri Giê-rê-mi: (1) Đừng bao giờ xao lãng sứ mạng rao báo giao ước mới của Chúa Giê-xu. (2) Người rao báo sứ điệp Chúa không thể nào không gặp sự bắt bớ khó khăn (Thi 126:5-6).

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. a. Trong sự phục hồi dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời có lời hứa quan trọng nào? Và lời hứa đem lại dân sự niềm tin và sự an ủi nào? (Giê 31:31-33).
  2. Qua giao ước mới Đức Chúa Trời hứa ban cho dân sự 3 điều quan trọng gì so với giao ước cũ? Và có ý nghĩa tương quan nào so với sự kiện xảy ra trong thời Tân ước của Chúa Giê-xu? (Xuất 19:3-6; 24:3-8; 20:5):

(1) (Giê-rê-mi 31:32); (Ê-phê-sô 5:25-26).

(2) (Giê 31:33-34); (Mat 27:51); (Giăng 1:18); (2Cô 3).

(3) (Giê-rê-ni 31:34); (Ma-thi-ơ 26:28).

  1. Qua giao ước mới xin tìm hiểu tại sao sự ban giao ước mới là điều cần thiết cho sự phục hồi và hạnh phước của quốc gia Y-sơ-ra-ên nói riêng và con dân Chúa nói chung?
  2. Giê-rê-mi hầu việc với tâm tình nào?
  3. So sánh đời sống chức vụ của Giê-rê-mi với đời sống chức vụ của Phao-lô?
  4. Bạn có lời nào của Chúa cho người xây bỏ Ngài và sự an ủi nào của Chúa cho người trong sự sửa phạt?

6. Tấm lòng bạn thế nào đối với sứ mạng Chúa gọi và đối với kẻ bắt bớ bạn?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 24.11.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 24.11.2024

in PHỤ NỮ on 19 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 24.11.2024. (lễ Tạ ơn)

  1. Đề tài: TẠ ƠN CHÚA TRONG HOẠN NẠN.
  2. Kinh Thánh: Gióp 1:1-2.
  3. Câu gốc: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi?” (Thi Thiên 116:12 BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 55-57.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 22.09.2024.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới bước lên và ông Gióp từ ngoài đi vào.

– Phóng viên: Dạ xin kính chào ông Gióp!

– Gióp: Chào các chị em trong ban Phụ nữ!

– Pv: Chúng tôi rất vui vì được ông đến thăm hôm nay. Thay mặt ban Phụ nữ của Hội Thánh chúng tôi có lời chào mừng và hoan nghênh ông. Nhận buổi gặp gỡ nầy, ông có thể trò chuyện với chúng tôi về đề tài “Tạ Ơn Chúa Trong Hoạn Nạn” được không thưa ông?

– Gióp: Được, ta sẳn sàng, quý vị cứ hỏi!

-Pv: Trước tiên xin ông cho biết một ít về ông và gia cảnh của ông?

– Gióp: Ta là một người hết lòng kính sợ Đức Chúa Trời, ngay thẳng, lánh khỏi điều ác. Ta có vợ, bảy con trai và ba con gái, bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và tôi tớ rất nhiều.

– Pv: Ô, ông thật là người được phước Chúa ban giàu con, giàu của, ngày nay chắc ít ai có được như ông. Ông có được cả hai điều này, thật đặc biệt phải không thưa ông?

– Gióp: Đúng đấy, nhiều người quan niệm nhiều của mới gọi là người có phước, còn nhiều con thì không gọi là người có phước được. Theo ta thì không thể chỉ nhiều của mới giàu có, mà nhiều con mới là cơ nghiệp đời đời.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 10.11.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 10.11.2024

in PHỤ NỮ on 5 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 10.11.2024.

  1. Đề tài: CHÚA NHẬT TRUNG TRÁNG NIÊN.
  2. Kinh Thánh: Ê-sai 12.
  3. Câu gốc: “Nầy, Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi của con; con sẽ tin cậy và không sợ hãi. Vì Giê-hô-va, chính Đức-Giê-hô-va là sức mạnh…” (Ê-sai 12:2 BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố Kinh Thánh theo chủ đề.
  5. Thể loại: Kịch 5’.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 14.07.2024.

* CÂU CHUYỆN THAM KHẢO.

TRỞ NGẠI TRÊN ĐƯỜNG.

Ngày xưa, có một vị vua cho người đặt một tảng đá trên đường đi. Rồi vua ẩn mình và quan sát xem ai sẽ là người dời tảng đá lớn ấy đi. Một số những lái buôn và những cận thần giàu có nhất đi ngang đi vòng qua nó. Nhiều người lớn tiếng trách móc vua đã không giữ đường sá gọn gàng. Thế rồi một người nông dân đi đến, trên vai là một bao đầy rau cải. Khi gặp phải tảng đá, người ấy hạ bao đồ của mình xuống và cố gắng đẩy hòn đá ra bên vệ đường. Khi cúi xuống nhặt lấy bao rau cải của mình, ông thấy có một cái túi nằm trên đường, chỗ tảng đá nằm. Trong túi có rất nhiều đồng tiền vàng và có một lời nhắn của đức vua, nói rằng số vàng đó dành cho người dời tảng đá đi khỏi đường. Người nông dân ấy đã học được điều mà nhiều người khác không bao giờ hiểu được. Mọi trở ngại trong đời sống đều ẩn chứa một cơ hội để cải thiện tình trạng hiện tại của chúng ta.