BAI 8. LỖI LẦM CỦA GIÔ-SUÊ (GV-HV)
in QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 18 Tháng Bảy, 2018
BAI 8. LỖI LẦM CỦA GIÔ-SUÊ (GV)
I. KINH THÁNH: Giô-suê 9; 10:1-15.
II. CÂU GỐC: “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài” (Ê-sai 26:3).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Lỗi lầm của Giô-suê là không cầu hỏi Chúa trước khi quyết định ký hòa ước với dân Ga-ba-ôn.
– Cảm nhận: Đức Chúa Trời sẵn lòng tha thứ và giúp đỡ Giô-suê khi ông nhờ cậy Chúa.
– Hành động: Trước khi quyết định một việc gì dù nhỏ, em cũng phải cầu nguyện với Chúa.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
1. Để các em tự thảo luận về những câu hỏi trong tập học viên và tìm ra cách giải quyết.
2. Phát giấy và bút cho các em, bảo các em viết vào giấy những khó khăn của em (những khó khăn đã qua, đang hoặc sẽ xảy đến) và viết cách giải quyết.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
1. Vào đề.
Có ai thích khó khăn không? Nhưng trong cuộc sống, ai cũng phải gặp những khó khăn. Người lớn có những khó khăn khác các em như phải lo cơm, áo, gạo, tiền, gia đình…, còn ở lứa tuổi các em, thì cũng có những khó khăn của riêng các em, như bài tập khó, bạn bè không tốt, sức khoẻ kém… Khi gặp khó khăn, các em có muốn đến với một người nào đó để tâm sự không? Nếu tìm được một người bạn tốt, sẵn lòng góp ý và giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, thì rất qúy. Nhưng con người không đủ khả năng để giải quyết mọi việc, ngoại trừ Chúa Giêxu. Khi cần quyết định một việc gì, hoặc gặp khó khăn, các em có thể đến với Ngài.
Sau chiến thắng thành A-hi, có một việc xảy ra với dân Y-sơ-ra-ên. Vì việc nầy mà Giô-suê phạm lỗi với Đức Chúa Trời. Chúng ta cùng xem việc gì xảy ra nhé!
2. Bài học.
a. Giô-suê trúng kế dân Ga-ba-ôn.
(1) . kế của dân Ga-ba-ôn.
Sau hai chiến thắng vang dội tại Giê-ri-cô và A-hi, các dân chung quanh đều khiếp sợ dân Y-sơ-ra-ên. Có phải dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng là nhờ họ có vũ khí tối tân và Giô-suê lãnh đạo giỏi không? (Cho các em trả lời).
Trước tình hình đó, các vua của những nước chung quanh liền liên kết lại với nhau để đối phó với dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng vua của Ga-ba-ôn thì không liên kết với họ. Dân Ga-ba-ôn sinh sống gần dân Y-sơ-ra-ên. Họ đã từng nghe những việc quyền năng của Đức Chúa Trời, nên vua Ga-ba-ôn vô cùng khiếp sợ. Vua biết rằng không thể nào chống cự với một Đấng đã làm cho nước sông Giô-đanh ngừng chảy, và đáy sông phút chốc khô cạn, tường thành Giê-ri-cô sập xuống… Dân Y-sơ-ra-ên nhất định sẽ tràn sang đây, và đất nước của vua cũng sẽ cùng số phận với Giê-ri-cô và A-hi mà thôi. Vì thế, vua Ga-ba-ôn không chuẩn bị chiến đấu mà chuẩn bị một mưu kế.
Dân Ga-ba-ôn quyết định dùng mưu kế để cầu hòa với dân Y-sơ-ra-ên. Họ chuẩn bị rất cẩn thận và hết sức bí mật để dân Y-sơ-ra-ên không phát hiện ra mưu kế của họ.
Một ngày kia, có một đoàn người tiến đến gần trại của dân Y-sơ-ra-ên tại Ghinh-ganh. Cả đoàn người đều mệt mỏi, nhìn qua là biết họ vừa trải qua một chặng đường rất dài. Giày của họ bị mòn đế, quần áo thì đầy bụi bặm, dơ bẩn, và rách rưới, các bình da đựng rượu thì bị thủng phải vá víu lại, còn lương thực là những mẩu bánh vụn, khô đét. Họ nói cùng Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên rằng: “Chúng tôi đến từ một xứ xa xôi để xin kết hòa ước cùng các ông”.
Giô-suê và dân sự hỏi họ: “Các ông là người ở đây chứ gì? Làm sao kết hòa ước được?” Họ không trả lời câu hỏi của Giô-suê mà nói tránh: “Chúng tôi là tôi tớ của ông”. Nhưng Giô-suê vẫn cứ hỏi lại: “Các ông là ai? Từ đâu đến?”
Họ trả lời: “Chúng tôi đến từ một nơi rất xa, vì nghe danh và những việc Đức Giê-hô-va đã làm, nên các trưởng lão và dân sự sai chúng tôi đến gặp các ông để xin được làm tôi tớ. Vậy, xin các ông lập giao ước cùng chúng tôi”.
Dân Ga-ba-ôn rất cẩn thận trong lời nói để không bị phát hiện. Họ dùng mọi cách để Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên tin vào lời họ nói: “Các ông xem, bánh của chúng tôi đem theo lúc mới ra đi còn nóng hổi, mà bây giờ đã khô và bể vụn. Còn những bình đựng rượu nầy lúc mới ra đi còn mới tinh, mà bây giờ đã cũ và rách, quần áo, giày dép chúng tôi cũng đã cũ mòn, vì đi đường xa”.
(2) Sai lầm của Giô-suê.
Mưu kế đã thành công, Giô-suê tin lời dân Ga-ba-ôn và đồng ý kết hòa ước với họ. (Mời một em đọc Giô-suê 9:14). Sai lầm của Giô-suê là do đâu? (Giô-suê không cầu hỏi Đức Chúa Trời trước khi quyết định kết hòa ước với dân Ga-ba-ôn). Khi kết ước, Giô-suê chỉ danh Đức Chúa Trời mà thề sẽ không đánh chiếm xứ họ, nhưng lại không biết rằng, những người lạ đó chính là dân Ga-ba-ôn, ở trong xứ Ca-na-an, nơi mà Đức Chúa Trời dặn dân Y-sơ-ra-ên phải tiêu diệt hết.
Ba ngày sau khi lập giao ước, mưu kế của dân Ga-ba-ôn bị bại lộ. Dân Y-sơ-ra-ên lúc nầy mới biết những kẻ lạ mặt kia không phải đến từ xứ xa xôi, mà ở gần bên họ. Họ còn phát hiện ngoài Ga-ba-ôn, còn có ba thành khác cùng liên kết lại để thực hiện mưu đồ lừa gạt dân Y-sơ-ra-ên.
Dù đã phát hiện sự thật, nhưng Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên vẫn phải tuân giữ hòa ước, vì đã chỉ Đức Chúa Trời mà thề với họ. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên trừng phạt dân Ga-ba-ôn bằng cách bắt họ suốt đời làm tôi tớ, đốn củi, xách nước…
b. Đức Chúa Trời tha thứ lỗi lầm của Giô-suê.
Khi vua Giê-ru-sa-lem nghe tin dân Y-sơ-ra-ên kết hòa ước với dân Ga-ba-ôn, thì vô cùng lo lắng, vì Ga-ba-ôn là một thành lớn, liên kết với dân Y-sơ-ra-ên sẽ là mối đe dọa cho Giê-ru-sa-lem.
Vì thế, vua Giê-ru-sa-lem liên kết với bốn nước khác vây đánh Ga-ba-ôn, dưới sự lãnh đạo vua Giê-ru-sa-lem.
Ga-ba-ôn hay tin năm nước đó vây đánh mình, thì vội cầu cứu Giô-suê. Giờ đây, Giô-suê không chỉ lo lắng cho dân Y-sơ-ra-ên, mà còn phải có trách nhiệm với dân Ga-ba-ôn nữa. Đó là gánh nặng ông phải mang do lỗi lầm của mình. Dầu vậy, khi Giô-suê chạy đến nương dựa nơi Chúa, Đức Chúa Trời đã tha thứ và giúp đỡ ông. Ngài bảo Giô-suê: “Chớ run sợ vì Ta đã phó chúng nó vào tay con”.
Được sự tha thứ và giúp đỡ của Đức Chúa Trời, Giô-suê dẫn quân rời khỏi Ghinh-ganh và đi suốt đêm. Khi đến nơi, quân Y-sơ-ra-ên bất ngờ tấn công quân địch. Liên minh năm nước bị đại bại bỏ chạy, quân Y-sơ-ra-ên rượt theo tiêu diệt. Đức Chúa Trời khiến một trận mưa đá rất lớn từ trời rơi xuống đè quân địch chết vô số. Để có đủ thời gian tiêu diệt hết quân địch, Giô-suê cầu xin Đức Chúa Trời một việc mà nghe qua tưởng như không thể có được: Mặt trời và mặt trăng ngừng lại.
Mặt trời và mặt trăng phải ngừng lại ư? Đây là điều không thể có được. Vậy mà Đấng Toàn năng nghe lời cầu nguyện của Giô-suê và khiến cho mặt trời, mặt trăng thực sự ngừng lại. Ngày hôm đó kéo ra rất dài cho đến khi quân địch bị giết sạch. Mặt trời, mặt trăng ngừng lại đã chứng tỏ sự tha thứ của Đức Chúa Trời đối với Giô-suê. Theo các em, dân Ga-ba-ôn suy nghĩ như thế nào về Đức Chúa Trời?
- Ứng dụng.
Các em thân mến! Bài học hôm nay dạy các em điều gì? Điều quan trọng nhất mà các em cần ghi nhớ là mỗi ngày phải để trí mình nương dựa nơi Chúa, không được tự ý làm việc gì dù nhỏ hay lớn mà không cầu hỏi Chúa, kẻo lại phạm sai lầm như Giô-suê. Khi gặp khó khăn, hay đứng trước một việc cần phải quyết định, nếu các em xin ý của Chúa hoặc cầu xin Ngài giúp đỡ, chắc chắn Chúa sẽ vui lòng giúp đỡ các em. Trong trường hợp lỡ phạm sai lầm, các em cứ tin vào sự nhân từ tha thứ của Chúa. Trong tuần lễ nầy, các em học tập cách nương dựa vào Chúa nhé!
BÀI 8. LỖI LẦM CỦA GIÔ-SUÊ (HV)
I. KINH THÁNH: Giô-suê 9; 10:1-15.
II. CÂU GỐC: “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài” (Êsai 26:3).
III. BÀI TẬP.
1. Nương dựa là gì?
Ai cũng có lúc gặp khó khăn, khi đó tốt nhất là có người để nương dựa. Vậy ý nghĩa của “nương dựa” là gì?
Em xem những câu sau đây, rồi đánh dấu X vào câu nào nói lên ý nghĩa của sự “nương dựa”.
Nương dựa là:
__ a. Tin tưởng vào lời nói của người đó.
__ b. Nghi ngờ lời nói của người đó.
__ c. Ỷ lại vào người đó.
__ d. Tin rằng người đó sẽ giúp em thành công.
__ e. Khiếp sợ người đó.
__ g. Biết người đó sẽ trung thành với bạn.
__ h. Lưu ý người đó, vì sợ người đó lừa dối.
__ i. Biết người đó là bạn của mình.
__ k. Tuy rằng em yếu đuối, nhưng người đó vẫn thương yêu, giúp đỡ em.
2. Khó khăn, khó khăn, khó khăn!
Sau đây là một vài khó khăn thường gặp ở lứa tuổi của em. Nếu như em nương dựa vào Chúa, thì em sẽ có cách giải quyết khác hẳn. Em ghi cách giải quyết vào ô trống bên cạnh. Giáo viên phụ trách lớp sẽ giúp em khi cần thiết.
a. Chỉ còn một tuần lễ là em phải thi học kỳ, nhưng hiện tại em vẫn chưa chuẩn bị bài vở xong.
…………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………….
b. Trong trường, có người nói là em lấy cắp thước kẻ của bạn, mà thật sự em không làm thế, cây thước mà em có là của mẹ mua cho. Nhưng bạn kia cứ khẳng định như vậy.
…………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………….
c. Em phải phụ giúp ba mẹ một buổi, còn một buổi đi học. Về nhà, em thích xem tivi nên không còn thời gian lo cho việc học.
…………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………….
d. Trong khi thầy giáo đang giảng bài, em cảm thấy đói bụng và muốn ăn vụng.
…………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………….
3. Lời cầu nguyện của em.
Viết vài lời cầu nguyện ngắn. Cho dù em gặp khó khăn nhiều hay ít, cũng phải nói ra với Chúa. Cầu xin Chúa cho em luôn nương dựa nơi Ngài. Em có thể nương dựa nơi Ngài bất cứ lúc nào.
Chúa Giê-xu yêu dấu!
………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………….