Bài 7. CA-IN VÀ A-BÊN
I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 4:1-16.
II. CÂU GỐC: “Chúng ta phải yêu thương lẫn nhau. Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma qủi, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình” (1Giăng 3:11-12).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Lòng ghen ghét nếu không biết dập tắt, sẽ dẫn đến tội lỗi.
– Cảm nhận: Không có tội lỗi nào, dù chỉ là một ý tưởng nhỏ có thể giấu khỏi Chúa.
– Hành động: Tránh gương xấu của Ca-in và học tập yêu thương mọi người.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY
A. CHUẨN BỊ.
1. Làm buổi trắc nghiệm không báo trước.
a. Công việc của A-đam là gì? (Trồng và canh giữ vườn Ê-đen).
b. A-đam và Ê-va phạm tội gì? (Kiêu ngạo và không vâng phục).
c. Đức Chúa Trời hứa điều gì sau khi con người phạm tội? (Hứa ban Chúa Cứu Thế).
d. Đức Chúa Trời làm thành lời hứa bằng cách nào? (Chúa Giê-xu giáng sinh).
2. Phiếu thăm dò.
Phát mỗi em một tờ giấy nhỏ. Sau đó, cho các em ghi vào những điều mà mình hay vấp phải và khó có thể đắc thắng. Khuyến khích các em viết thật và không cần ghi tên.
3. Chuẩn bị một cái hộp nhỏ hoặc một cái túi nhỏ. Bỏ vào đó một cây đinh, một que diêm, một ít cát, và một cái lọ nhỏ chứa một ít nước.
4. Mẫu hình con chiên bằng giấy bìa cứng. Số lượng tùy thuộc vào số học viên. Bông gòn, hồ.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
1. Vào đề.
Các em nhìn xem chị đang cầm trên tay cái gì đây? (Giơ cao hộp thị cụ lên). Các em có muốn xem nó chứa cái gì ở bên trong không? Trong nầy có một ít cát. Nếu chỉ có nhiêu đây thì không thể làm được gì, nhưng nếu tập hợp thật nhiều cát lại thì sẽ làm thành một sa mạc đấy.
Trong bình nầy chỉ có vài giọt nước không đủ để giải khát, nhưng nếu tập hợp nhiều nước lại thì có thể trở thành cơn lũ lớn.
Các em nhìn cây đinh nhỏ nầy. Nó có rất nhiều công dụng. Nhưng nếu các em không cẩn thận, đạp phải nó, thì có thể mắc bịnh phong đòn gánh làm nguy hại đến tính mạng.
Còn đây là một que diêm nhỏ, nhưng nó có thể thiêu hủy cả một tòa nhà lớn hay đốt cháy một khu rừng rộng.
Các em ạ! Những vật trên chỉ là những vật nhỏ bé, nhưng khi tập hợp lại hoặc sử dụng không cẩn thận, thì sẽ gây ra hậu quả không nhỏ. Tội lỗi cũng vậy, từ tội nhỏ, nếu không ăn năn, nó sẽ lớn dần và dẫn đến hành động gian ác. Tội lỗi có thể làm tiêu hủy cuộc đời của chúng ta, chúng ta sống trong tội lỗi, thì không thể vui vẻ được, mà còn đầy sự hận thù trong lòng. Các em biết không, trong Kinh Thánh có kể về hai anh em kia, người em kính sợ Chúa, còn người anh thì không. Tội lỗi sinh sôi nảy nở trong đời sống của người anh, khiến anh ta trở nên hung dữ và tàn bạo.
2. Bài học.
(1) Sự ra đời của Ca-in và A-bên.
Sau khi A-đam và Ê-va bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, họ phải sống trong sự vất vả và khó nhọc. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn yêu thương A-đam và Ê-va. Ngài ban cho họ một con trai. Ê-va nói rằng: “Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi mới sanh được một người” và đặt tên con là Ca-in. Không bao lâu sau, Ê-va sanh thêm một con trai nữa đặt tên là A-bên.
(2) Sự trưởng thành của Ca-in và A-bên.
A-đam và Ê-va dạy dỗ cho các con trai mình nhiều điều, nhưng điều quan trọng nhất là dạy cho các con mình biết vâng phục Đức Chúa Trời, thực hiện những điều Chúa phán dặn. Vì chính ông bà đã từng trải vì cớ không thuận phục, mang lại biết bao nhiêu đau khổ.
Khi hai anh em lớn lên, Ca-in làm nghề nông, trồng lúa, trái cây và rau quả; còn A-bên làm nghề chăn nuôi, chăm sóc bầy chiên của mình.
Tuổi thơ ấu, có lẽ hai anh em đã từng thấy và được dạy dỗ phải dâng của lễ cho Đức Giê-hô-va. Hồi đó, người ta thường dùng những viên đá làm bàn thờ để dâng của lễ.
Một hôm nọ, Ca-in và A-bên đều mang của lễ đến dâng cho Đức Chúa Trời. A-bên dâng cho Đức Chúa Trời một con chiên, còn Ca-in dâng thổ sản như là trái cây, ngũ cốc v.v… Kinh Thánh chép rằng: “Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người; nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người” (Sáng 4:4).
Có lẽ các em sẽ thắc mắc, vì sao Đức Chúa Trời nhận của lễ của A-bên, mà không nhận của lễ của Ca-in? Có phải Chúa thương A-bên, hay của lễ của A-bên có giá trị hơn? (Cho các em trả lời). Kinh Thánh chép: “Bởi đức tin A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in…” (Hê-bơ-rơ 11:4). Điều đó cho thấy rõ ràng, A-bên đã dâng của lễ bằng đức tin, còn Ca-in thì không và Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy trong lòng con người.
(3) Tội của Ca-in.
Ca-in thấy lễ vật của mình không được Đức Chúa Trời nhậm, thì tức giận lắm, mặt hằm hằm. Thái độ đó bày tỏ sự bất mãn đối với Đức Chúa Trời và lòng ganh ghét đối với A-bên.
Thái độ của Ca-in là không đúng, nhưng Đức Chúa Trời yêu thương Ca-in, muốn ông biết ăn năn để không phạm tội với Chúa, nên Ngài cảnh cáo: “…Tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó” (Sáng 4:7).
Nhưng Ca-in mặc kệ lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời, trút cơn tức giận lên em mình. Một ngày nọ, khi hai anh em đang ở ngoài đồng, Ca-in xông tới và giết chết em mình. Ca-in tưởng hành động đó không ai biết, nhưng Đức Chúa Trời nhìn biết mọi sự. “Đức Giê-hô-va hỏi Ca-in rằng: A-bên, em ngươi, ở đâu?” Lúc nầy là lúc Ca-in cần xưng nhận tội lỗi, nhưng đáng tiếc, ông đã trả lời như thế nầy (Các em chú ý nghe câu trả lời của Ca-in), “Tôi không biết; tôi là người giữ em tôi sao?” (Sáng 4:9). Cách trả lời của Ca-in, không chỉ là nói dối, mà còn tỏ ra không kính sợ Đức Chúa Trời. Ca-in liên tiếp phạm từ tội nầy đến tội khác. Ban đầu là nổi giận, kế đó là ganh tức và giết người, bây giờ lại nói dối. Ban đầu chỉ là một tội nhỏ, nhưng Ca-in đã nuôi dưỡng nó thành một tội lớn.
Phạm tội là phải chịu hình phạt, Đức Chúa Trời phạt Ca-in: “Khi người trồng tỉa, đất chẳng sanh hoa lợi cho ngươi nữa; ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh trên mặt đất” (Sáng 4:12).
Sau khi nghe Đức Chúa Trời tuyên phạt, Ca-in thưa rằng: “Sự hình phạt tôi nặng quá mang không nổi”. Ông lo cho hình phạt quá nặng mà vẫn không ăn năn tội lỗi của mình.
Đức Chúa Trời hình phạt Ca-in phải rời khỏi nhà, đi lưu lạc khắp nơi. Ca-in giết em mình, lương tâm bất an, sợ bị người khác giết lại, cho nên Đức Giê-hô-va đánh dấu trên mình Ca-in, để cho ai gặp thì không giết chết ông.
Sự ganh tị và cơn tức giận của Ca-in thật là đáng sợ, mang lại cho ông sự đau khổ suốt cả cuộc đời…
3. Ứng dụng.
Các em thân mến! Bài học nầy cho chúng ta thấy Ca-in phạm tội giết người chỉ vì ghen tị em mình tốt hơn mình, hậu quả là phải chịu hình phạt nặng.
Các em suy nghĩ xem: Giả sử em của em làm tốt hơn em, thì các em có thái độ như thế nào? Các em có cãi nhau vì chuyện vặt không? Ví dụ: Mẹ bảo quét nhà, các em đi làm ngay, hay là đẩy trách nhiệm sang cho em mình? Khi các em nhỏ làm sai, các em có kiên nhẫn khuyên lơn, dạy dỗ để bày tỏ lòng yêu thương không? (Cho các em trả lời).
Anh chị em là do Đức Chúa Trời ban cho, được ví như là các chi thể trong một thân thể. Các em phải biết yêu thương và giúp đỡ anh chị em mình. Trong gia đình phải biết nhường nhịn và tha thứ, nếu không, lòng tức giận, ganh tị sẽ dẫn các em tới tội lỗi. suy nghĩ, hành động và hậu quả của Ca-in là một bài học cho mỗi chúng ta.
(Giáo viên khuyến khích các em xưng nhận tỗi lỗi với Chúa).