CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. 26.04.2020
By Quản trị in NAM GIỚI on 20 Tháng Tư, 2020
Chúa nhật 26.04.2020.
- Đề tài: MẶC LẤY TÌNH YÊU THƯƠNG.
- Kinh Thánh: 1Côr 13; 2Côr 5:14-15; Giăng 13:1-14; Rô-ma 12:10-11.
- Câu gốc: “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương” (1Cô-rinh-tô 13:13).
- Đố Kinh Thánh: Xuất 29-32.
- Thể loại: Thảo luận.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 16.02.2020.
Đề tài 1: Người theo Chúa phải làm việc thiện lành.
Đề tài 2: Người theo Chúa phải có tình yêu thương.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Con người thường hay khoe mình. Có thể người ta làm nhiều việc từ thiện vì danh tiếng chứ trong lòng không có chút yêu thương! Nhưng Cơ Đốc nhân không thể làm việc lành mà không có tình yêu thương.
Vì vậy, khi các tín hữu Cô-rinh-tô ưa chuộng sự khôn ngoan của đời, khoe khoang về sự nói tiếng lạ, sứ đồ Phao-lô thách thức họ tìm đến con đường tốt hơn hết, đó là tình yêu thương. Trong bài học nầy chúng ta sẽ tìm hiểu tình yêu thương cần thiết như thế nào đối với người hầu việc Chúa, và làm thể nào mặc lấy tình yêu thương?
- SỰ CẦN THIẾT CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG.
- Tình yêu thương đem đến năng lực hầu việc.
Hình ảnh rửa chân cho các môn đồ của Chúa Giê-xu thật đẹp diễn tả ý nghĩa sống động của sự hầu việc bởi tình yêu thương (Giăng 13:1-13). Qua bài học Chúa dạy môn đồ, chúng ta tìm thấy hai nguyên tắc quan trọng sau đây:
- Sự hầu việc phải được thúc đẩy bởi tình yêu thương. Với Cơ Đốc nhân, tình yêu thương phải là động lực trong mọi việc làm. Vì tình yêu thương, Chúa đã hạ mình rửa chân cho môn đồ; cũng vì tình yêu thương cảm động lòng Phao-lô, khiến ông hy sinh thân mình phục vụ anh em trong Chúa (Giăng 13:1-6; 2Cô-rinh-tô 5:14-15; Phi-líp 1:20-21). Người đời dùng sức mạnh của tiền bạc, danh vọng để làm công việc của họ, nhưng Cơ Đốc nhân làm công việc Chúa với sức mạnh của tình yêu thương. Với sự thúc đẩy của tình yêu thương, Cơ Đốc nhân có thể dấn thân vào những công tác khó khăn nhất, nguy hiểm nhất mà người không có tình thương không thể làm được. Tình yêu thương có sức mạnh diệu kỳ, đã thôi thúc David Livingstone len lỏi vào miền rừng thiêng nước độc Phi Châu để đem Tin lành cho các bộ lạc man rợ và khát máu trong khi chưa người da trắng nào dám bước chân vào.
- Công việc phải được đặt trên nền tảng yêu thương: Sau khi rửa chân cho môn đồ, Chúa kêu gọi họ theo gương Chúa, rửa chân cho nhau. Đây là công việc của tình yêu thương mà người có tình yêu thương mới có thể làm được. Chúa đòi hỏi môn đồ hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương họ. Điều nầy có nghĩa Chúa yêu thương bỏ mạng sống vì họ, thì họ cũng yêu thương bỏ mạng sống vì anh em mình (1Giăng 3:16). Bởi vậy nếu thiếu nền tảng của tình yêu thương thì sự phục vụ Chúa của chúng ta sẽ mất đi ý nghĩa.
- Tình yêu thương làm cho công việc có giá trị.
Trong khi các tín hữu Cô-rinh-tô nôn nả tìm kiếm ơn nói tiếng lạ, khoe mình về ân tứ, Phao-lô bày tỏ cho họ sự cần thiết của tình yêu thương. Nếu phục vụ mà không có tình yêu thương thì không có giá trị, như điều Phao-lô nói: “Dầu tôi được nói các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay chập chỏa vang tiếng… Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng có ích chi cho tôi” (1Cô-rinh-tô 13:1-3).
- Tình yêu thương đem lại sự gây dựng.
Lý trí thường đem lại sự rối rắm, nghi ngờ và chia rẽ, nhưng tình yêu thương đem lại sự hiệp một và gây dựng thân thể Chúa (1Cô-rinh-tô 8:1-11).
- Tình yêu thương có ảnh hưởng tốt.
Với tình yêu thương, Ê-tiên cầu nguyện xin Chúa tha tội cho đoàn dân đang ném đá ông. Ê-tiên ngã chết do những bàn tay hung ác ném đá vào ông, nhưng lời cầu nguyện đầy tình thương của Ê-tiên đã cảm hóa được Sau-lơ tức là Phao-lô – người bắt bớ Hội Thánh, và sau đó được Chúa biến đổi để trở thành vị sứ đồ trung thành của Ngài (Công vụ 7:60).
- Tình yêu thương xây dựng phẩm hạnh.
Kết quả của tình yêu thương là những đức tính như nhịn nhục, nhân từ, khiêm nhường, ngay thẳng, chân thật, tin cậy, khoan dung, là những đức tính cần có trong đời sống người hầu việc Chúa (1Cô-rinh-tô 13:4-7).
- MẶC LẤY TÌNH YÊU THƯƠNG.
- Đặc tính của tình yêu thương.
Trong Hy văn có ba từ diễn tả tình yêu: (1) Eros, chỉ về tình yêu nhục dục, là loại thấp nhất của tình yêu. (2) Phileo, chỉ về tình yêu bạn hữu, một tình yêu hai chiều. (3) Agape, chỉ về tình yêu cao cả, là tình yêu cao thượng nhất. Khi nói đến tình yêu trong thư 1Cô-rinh-tô 13, Phao-lô dùng chữ Agape diễn tả tình yêu thương của Đức Chúa Trời, là tình yêu đến từ trên, có tính chất bất biến và chẳng hề hư mất. Cho nên khi so sánh với đức tin và sự trông cậy, Phao-lô nhìn thấy tình yêu thương là lớn hơn hết. Vì đức tin là niềm hy vọng sẽ không còn tác dụng nữa khi một ngày kia chúng ta gặp Chúa mặt đối mặt, nhưng tình yêu thương sẽ đi với chúng ta vào trong cõi đời đời.
- Phương cách để mặc lấy tình yêu thương.
Khi tin nhận Chúa Giê-xu thì được ban cho Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh đem tình yêu thương của Đức Chúa Trời vào lòng chúng ta, và làm cho tình yêu thương ấy càng thêm nảy nở và có kết quả (Rô-ma 5:5; Ga-la-ti 5:22). Ở đây chúng ta học biết hai điểm:
- Có tình yêu thương của Chúa trong lòng, chưa đủ, mỗi ngày chúng ta cần lớn lên trong tình thương và có bông trái của tình thương trong đời sống.
- Sự vâng phục Đức Thánh Linh là điều cần thiết cho đời sống được đầy dẫy tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
Tóm lại, vì tình yêu thương rất cần thiết, nên người hầu việc Chúa phải nhận tình yêu thương của Chúa làm lẽ sống của mình như câu nói bất thủ của bá tước Zinzendorf: “Ai không yêu là người không sống. Ai sống với sự sống thiên thượng thì chẳng hề chết”.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Xin đọc Giăng 13:1-14.
- Sự rửa chân cho các môn đồ của Chúa Giê-xu được thúc đẩy bởi động lực nào?
- Chúa dạy môn đồ bài học về sự hầu việc căn cứ trên nền tảng nào? (c.14,15,34).
- Tình yêu thương Chúa đòi hỏi nơi môn đồ là tình yêu thương như thế nào? Tại sao? (Giăng 13:34).
- Xin đọc 1Cô-rinh-tô 13:1-13.
- Đặc tính của tình yêu thương Phao-lô nói trong 1Cô-rinh-tô 13 là gì?
- Tại sao tình yêu thương là điều lớn hơn đức tin và trông cậy?
- Tình yêu thương như được diễn tả từ câu 1-7 có tầm quan trọng thế nào đối với người hầu việc Chúa?
- a. Tìm hiểu kết quả khác nhau giữa lý trí và tình yêu thương (Rô-ma 12:10-11; 1Cô-rinh-tô 8:1,11).
- Vì tình yêu thương, sứ đồ Phao-lô đã hầu việc Chúa đến mức độ nào? (2Cô-rinh-tô 5:14-15; Phi-líp 1:20-21).
- Vì tình yêu thương, trước khi chết, Ê-tiên đã cầu nguyện thế nào cho đoàn dân ném đá giết ông? (Công vụ 7:60).
- Xin đọc Rô-ma 5:5; Ga-la-ti 5:16,22.
- Tình yêu thương đến từ đâu?
- Làm thế nào để đời sống được đầy dẫy tình yêu thương của Chúa?
- Xin nêu ra những lý do cần có tình yêu thương của người hầu việc Chúa, và bí quyết để mặc lấy tình yêu thương.
- a. Sự hầu việc Chúa của bạn được thúc đẩy bởi động lực nào? Vì tình yêu thương hay vì sự khoe mình?
- Qua đời sống bạn, người khác có thấy được bông trái của sự yêu thương không?