Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI CHÚA NHẬT.22.9.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI CHÚA NHẬT.22.9.2019

By Quản trị in NAM GIỚI on 17 Tháng Chín, 2019

Chúa nhật 22.09.2019.

  1. Đề tài: ÂN TỨ TRONG SỰ GIẢNG DẠY.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 14:1-25.
  3. Câu gốc: “Kẻ nói tiếng lạ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội Thánh” (1Cô-rinh-tô 14:4).
  4. Đố Kinh Thánh: Khải 5-8.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn một người đóng vai Phao-lô và một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và câu trả lời cần phải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Mời trước một người đúc kết buổi phỏng vấn và nêu lên những điều học hỏi được từ câu chuyện. Cầu nguyện kết thúc (có thể mời nhân vật được phỏng vấn cầu nguyện).

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

            (Sau khi NHD giới thiệu chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới phòng nhóm đi lên và Phao-lô từ ngoài bước vào phòng nhóm).

            – Phóng viên: Dạ xin kính chào cụ Phao-lô!

            – Phao-lô: Chào quý vị!

            – PV: Chúng tôi rất hân hạnh được tiếp đón cụ tại phòng nhóm nhỏ bé nầy. Thay cho các bạn Nam giới trong Hội Thánh, tôi xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Nhân buổi gặp gỡ nầy cụ có thể giúp chúng tôi tìm hiểu về các ân tứ được không thưa cụ?

            – Phao-lô: Được, quý vị cứ hỏi, tôi sẽ giúp các anh em theo những gì tôi kinh nghiệm.

            – PV: Điều đầu tiên tôi xin cụ cho biết là trong công tác truyền bá Phúc âm và gây dựng Hội Thánh, ân tứ nào là quan trọng nhất?

            – Phao-lô: Theo tôi thì ân tứ lời nói rất quan trọng vì nó đóng góp nhiều cho sự gây dựng và phát triển Hội Thánh. Ân tứ lời nói bao gồm việc nói tiên tri và nói tiếng lạ.

            – PV: Thưa cụ, nói tiếng lạ có phải là nói tiếng ngoại quốc không? Làm thế nào phân biệt hai thứ tiếng nầy?

            – Phao-lô: À, thắc mắc của các anh em tôi hiểu, điều này có nghĩa là: Tiếng lạ trong Công vụ 2:5-12 là tiếng ngoại quốc, vì cớ những khách hành hương tại Giê-ru-sa-lem đều nghe các sứ đồ nói tiếng xứ mình. Còn tiếng lạ ở Hội Thánh Cô-rinh-tô không phải là tiếng ngoại quốc nhưng là tiếng nói trong tâm thần về điều mầu nhiệm mà người ngoài không thể hiểu được. Và đây là ân tứ mà tín hữu Cô-rinh-tô ham muốn nhất!

            – PV: Và thưa cụ, cụ có cách nào giúp chúng tôi phân biệt giữa ân tứ nói tiên tri và nói tiếng lạ không?

            – Phao-lô: Anh em có thể phân biệt như sau: Nói tiên tri là lời nói của trí khôn, người khác nghe hiểu được và lời nói nầy gây dựng Hội Thánh. Còn nói tiếng lạ là lời nói của tâm thần, người khác nghe không hiểu được và lời nói nầy chỉ gây dựng cho người nói.

            – PV: Vậy thì Hội Thánh cần ơn nói tiên tri hơn là ơn nói tiếng lạ phải không thưa cụ? Và hình như phần Kinh Thánh nầy cũng nói lên điều đó?

            – Phao-lô: Phải đấy anh em! Trong phần Kinh Thánh này tôi không có ý đả phá người nói tiếng lạ. Nhưng vì mục đích gây dựng Hội Thánh Chúa và mở mang vương quốc Ngài, tôi khuyến khích mọi người “…hãy ước ao các sự ban cho thiêng liêng, nhất là sự ban cho nói tiên tri” (c.1).

            – PV: Bây giờ thì chúng tôi mới hiểu là không phải cụ xem thường và đả phá ơn nói tiếng lạ.

            – Phao-lô: Các anh em biết không, trong giai đoạn đó các tín hữu Cô-rinh-tô đang đua nhau tìm ơn nói tiếng lạ, vì họ nghĩ rằng đó là ân tứ lớn nhất. Vì thế, tôi muốn giúp cho tín hữu thấy rằng trong sự giảng dạy gây dựng đức tin cho tín hữu và trong sự rao giảng Tin Lành cho người ngoại thì ơn nói tiên tri là quan trọng và cần thiết hơn cả cho Hội Thánh. Nên tôi khuyến khích tín hữu khao khát ơn nói tiên tri.

            – Pv: Cám ơn cụ đã dành thì giờ đến đây giúp chúng tôi hiểu và biết phân biệt giữa ơn nói tiên tri và ơn nói tiếng lạ. Chúng tôi sẽ khao khát ơn ban nói tiên tri để gây dựng và mở mang vương quốc Đức Chúa Trời.

            NHD: Thưa các bạn! Chúng ta vừa nghe cụ Phao-lô trình bày về ân tứ trong sự giảng dạy là ơn nói tiên tri. Nguyện Chúa ban cho chúng ta ơn nầy để gây dựng và phát triển Hội Thánh Ngài. Mời các bạn đứng lên, mời cụ Phao-lô cầu nguyện cho chúng tôi.   

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

            Gần một thế kỷ trước đây, Henry V. Dusen tiên đoán rằng vào khoảng giữa của thế kỷ 20 sẽ là thời đại phục hưng ân tứ Thánh Linh của lễ Ngũ Tuần đáng ghi nhớ trong lịch sử Cơ Đốc giáo. Và điều nầy đã xảy ra. Phong trào đó gọi là “Ân Tứ Lễ Ngũ Tuần” lan rộng. Theo Viện Thăm Dò Gallup cho biết, có 19% dân số Hoa Kỳ (29 triệu) theo phong trào ân tứ và trong số ấy có khoảng 5 triệu người thuộc trong các hệ phái Tin Lành với ơn nói tiếng lạ. Và phong trào nói tiếng lạ cũng bành trướng ở nhiều nơi trong những nhóm hoặc “ôn hoà” hay “quá khích” đôi lúc gây hoang mang cho số tín hữu chưa có niềm tin vững vàng.

            Như Hội Thánh Cô-rinh-tô ngày xưa, đã có một thời các tín hữu đua nhau tìm ơn nói tiếng lạ, vì nghĩ rằng đó là ân tứ lớn nhất. Với quan niệm sai lầm nầy, Phao-lô có lời minh định thế nào giữa ơn nói tiếng lạ và ơn nói tiên tri? Và khuyến khích tín hữu khao khát ân tứ nào?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Tính chất của sự nói tiên tri và nói tiếng lạ (14:1-19).

            Trong sự truyền bá Phúc âm và trong sự gây dựng Hội Thánh, ân tứ lời nói đóng vai trò rất quan trọng. Ân tứ lời nói bao gồm: Nói tiên tri và nói tiếng lạ.

            Sự nói tiếng lạ được chép trong Công vụ 2:5-12 là sự nói các thứ tiếng ngoại quốc. Vì cớ khách ngoại quốc hành hương tại Giê-ru-sa-lem đều nghe các sứ đồ nói tiếng xứ mình. Sự nói tiếng ngoại quốc như thế là một ân tứ rất hữu dụng cho sự rao giảng Tin Lành. Nhưng sự nói tiếng lạ ở Hội Thánh Cô-rinh-tô là một trường hợp khác. Đó không phải là tiếng ngoại quốc, nhưng là tiếng nói trong tâm thần về điều mầu nhiệm mà người ngoài không ai có thể hiểu được. Đây là ân tứ mà người tín hữu Cô-rinh-tô ham muốn nhất!

            Từ c.1-12, Phao-lô so sánh tính chất khác nhau của nói tiên tri và nói tiếng lạ:

NÓI TIÊN TRI NÓI TIẾNG LẠ
– Lời nói của trí khôn – Lời nói của tâm thần
– Người khác hiểu được – Không ai hiểu được, gây hỗn độn
– Gây dựng Hội Thánh – Gây dựng chính mình
  1. Công dụng của nói tiên tri và nói tiếng lạ (c.20-25).

            Mỗi ân tứ có tính chất khác nhau, cũng có công dụng khác nhau:

            – Nói tiếng lạ là dấu hiệu cho kẻ chẳng tin. Kẻ chẳng tin trong c.21-22 có thể chỉ về kẻ cứng lòng không nhận biết Chúa. Như người Pha-ri-si muốn xin một dấu lạ để thử Chúa (Ma-thi-ơ 12:38-39).

            – Nói tiên tri: Gây dựng đức tin người tín hữu và thuyết phục kẻ chẳng tin tiếp nhận Chúa (c.23-25).

            Tóm lại, những điều chúng ta ghi nhận qua sự dạy dỗ của Phao-lô về sự nói tiên tri và tiếng lạ:

            (1) Trong sự gây dựng đức tin và sự truyền giảng Tin Lành, lời nói bằng trí khôn có tác dụng hơn lời nói bằng tâm thần (tiếng lạ).

            Vì        vậy, Phao-lô đã giới hạn sự nói tiếng lạ của ông “thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội Thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng tiếng lạ” (c.19).

            Đức tin của người Cơ đốc không phải là thứ đức tin mù quáng nhưng là đức tin bắt đầu bằng sự hiểu biết Lời Kinh Thánh. Nếu sự hiểu biết Chúa càng sâu nhiệm, thì đức tin càng thêm vững vàng (2Phi-e-rơ 3:18). Cho nên Phao-lô kêu gọi người tín hữu hãy ra khỏi tình trạng trẻ con và thêm lên tri thức thuộc linh để đạt đến bậc trưởng thành trong sự thông biết Chúa (c.20). Đây là tác dụng của ơn nói tiên tri.

            (2) Trong khúc Kinh Thánh này Phao-lô không có ý đả phá người nói tiếng lạ. Nhưng vì mục đích gây dựng Hội Thánh Chúa và mở rộng Nước Ngài, Phao-lô khuyến khích tín hữu “…hãy ước ao các sự ban cho thiêng liêng, nhất là sự ban cho nói tiên tri” (c.1).

TÓM LƯỢC.

            Trong khi học qua các ân tứ Thánh Linh, chúng ta khám phá ra mình nhận ân tứ gì?

            Và sau đây là ba điều chỉ dẫn cho người nhận ân tứ Chúa ban:

            (1) Hãy tiếp nhận với niềm vui mừng cảm tạ Chúa.

            (2) Hãy phát triển ân tứ ấy như người nhận ta-lâng của Chủ (Ma-thi-ơ 25:14-30) và với sự tiết chế chính mình.

            (3) Hãy dâng hiến ân tứ ấy cho mục đích của Đức Chúa Trời.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Trong câu 1, Phao-lô khuyên tín hữu theo đuổi điều gì? Và ước ao ân tứ nào?
  3. Trong khi các tín hữu Cô-rinh-tô chú trọng ơn nói tiếng lạ, nhưng tại sao Phao-lô khuyến khích sự mong ước ơn nói tiên tri (c.1-5)?
  4. Để giúp cho ơn nói tiếng lạ trở nên có công dụng, Phao-lô đã đưa ra giải pháp gì đối với người nói tiếng lạ? Tại sao? (c.13-19).
  5. So sánh mục đích và tác dụng khác nhau giữa ơn nói tiếng lạ và nói tiên tri? (c.20-25)
  6. Nhận xét qua công dụng và mục đích khác nhau giữa ơn nói tiếng lạ và tiên tri. Tìm hiểu lý do tại sao người tín hữu Cô-rinh-tô mong muốn được nói tiếng lạ hơn là nói tiên tri? Sự mong muốn này bày tỏ trình độ thuộc linh như thế nào? Và được Phao-lô khuyến khích gì? (c.20).
  7. Theo sự giãi bày của Phao-lô về ân tứ nói tiếng lạ và nói tiên tri, chúng ta nhận thấy lời bằng trí khôn có tầm quan trọng trong sự truyền giảng Tin Lành, cũng như gây dựng Hội Thánh. Trí khôn ở đây có nghĩa gì?
  8. Ôn lại giáo lý về ân tứ trong 12:1-14:25: Người nhận ân tứ có thái độ và trách nhiệm gì?

 

 

 

Post CommentLeave a reply