Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 13.09.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 13.09.2020

By Quản trị in PHỤ NỮ on 8 Tháng Chín, 2020

. Đề tài: TRỞ NÊN NGƯỜI MỚI.

  1. Kinh Thánh: Ê-phê-sô 2:1-10.
  2. Câu gốc: “Vả ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, đều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:8).
  3. Đố Kinh Thánh: Phục truyền 10-12.
  4. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 19.07.2020).

Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Trở nên người mới là cố gắng thay đổi đời sống trong cách nói, trong cách cư xử.   

Đề tài 2: Chúng ta được trở nên người mới ngay khi tiếp nhận Chúa thì chính Đức Chúa Trời sẽ đổi thay đời sống chúng ta.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Chúng tôi vừa dời chỗ ở từ một xứ đồng bằng và đầm lầy đến một nơi có núi đồi trùng điệp, ở mỗi nơi có những nét đẹp khác nhau. Trong nơi trước, chúng tôi được thưởng ngoạn giống cây mọc trong đầm lầy, nhất là những loại dây leo và rêu mọc trên những thân cây cổ thụ trong một vùng rộng lớn. Ngược lại nơi mà chúng tôi vừa dọn đến không có đầm lầy nhưng toàn núi non, lái xe hàng giờ vẫn không hết đường đồi dốc. Mỗi mùa xuân đến là mùa để cây trổ hoa và đâm chồi nảy lộc. Đứng trước cảnh đẹp của hai nơi đó không ai không rung động vì vẻ đẹp của thiên nhiên và thầm cảm ơn Thượng Đế qua sự chăm sóc diệu kỳ của Ngài.

Tuy nhiên sự kỳ diệu của công việc Ngài trong thiên nhiên cũng chưa sánh kịp sự kỳ diệu của bàn tay Ngài trong sự cứu chuộc. Phao-lô mô tả sự diệu kỳ đó như sau: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17). Không có niềm vui nào sánh bằng niềm vui được chiêm ngưỡng Thượng Đế biến đổi một tội nhân nên một người hoàn toàn mới.

Mặc dầu mỗi chúng ta có những bối cảnh, học vấn, nghề nghiệp, kiến thức, nơi chốn khác nhau, chúng ta là những tín đồ của Đấng Christ và chúng ta ao ước được hợp sức trong nỗ lực truyền bá Phúc âm của Ngài. Mong bạn, khi học thơ Ê-phê-sô 2:1-10 sẽ biết rõ 2 điều:

(1) Chính bạn đã được tái tạo nên một người mới. 

(2) Tự xét nỗ lực truyền giáo, chứng đạo của chính mình.

  1. CHẾT VÌ TỘI (c.1-3).

Phao-lô kết thúc lời cầu nguyện của ông trong phần cuối của đoạn 1 và bước vào đoạn 2 bằng cách mô tả cảnh khủng khiếp của một đời sống không có Chúa. Phao-lô dùng chữ “anh em đã chết” trong câu 1 để nhắc nhở chúng ta rằng sự chết không nể sợ bất cứ ai. Một người cho dù là Do-thái hay Ngoại bang, giàu hay nghèo, đàn ông hay đàn bà nếu người đó là tội nhân, người ấy sẽ gặt lấy hậu quả là sự chết.

Người Ê-phê-sô khi chưa tin Chúa ở trong tình trạng “lầm lỗi và tội ác”. Lầm lỗi và tội ác là hai khía cạnh của tội lỗi mà những người không có Chúa xem đó là việc bình thường. Duy chỉ có mực thước của Đức Chúa Trời mới cho chúng ta thấy phạm tội là thất bại.

Một người không sống đúng với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là người có tội và tự nhiên sẽ bị định tội. Người Ê-phê-sô trước khi tin Chúa đã ở trong tình trạng đó vì họ đã làm “theo thói quen của đời này” (Ê-phê-sô 2:2). Họ bị ô nhiễm những thói hư, tật xấu của đời vì thế họ cách xa Chúa và không có sự tương giao với Ngài.

Thêm vào đó, thế gian đang bị ảnh hưởng bởi một quyền lực mờ tối là “vua cầm quyền chốn không trung” (Ê-phê-sô 2:2). Rõ ràng là Phao-lô muốn ám chỉ Sa-tan. Từ ngữ “vua” cũng có thể dịch là “Hoàng Tử”, “nhà chính trị”, “thủ lãnh”, “người chủ chốt, cầm đầu”. Giăng viết về Sa-tan như là “vua chúa của thế gian” (Ê-phê-sô 6:12;). Sa-tan thích thú thấy người ta sa vào tội lỗi và chính Sa-tan đang hành động trong những người không sống theo Lời Đức Chúa Trời để khiến người ta phạm tội. Phao-lô nhắc nhở chúng ta nên cảnh giác “tư dục của xác thịt” (Ê-phê-sô 2:3) vì sẽ dẫn chúng ta đến sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Những ham muốn của thế gian, những dỗ dành của Sa-tan và ước ao thỏa mãn thị hiếu sẽ đưa chúng ta đến chỗ chết mất trong tội của mình. 

  1. SỰ CỨU RỖI TRONG ĐẤNG CHRIST (c.4-7).

Sau khi chúng tôi rời Hội Thánh mà chúng tôi đã quản nhiệm trong nhiều năm đến một nơi khác, từng hồi từng lúc chúng tôi nhận được những cuộc điện thoại, thư thăm hỏi và thiệp, từ các anh chị em trong Hội Thánh bày tỏ sự quan tâm và yêu thương đến chúng tôi. Chúng tôi tin rằng ai ai cũng muốn được người khác yêu mến. Phao-lô cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng có “lòng yêu thương lớn” (c.4), mặc dầu chúng ta không xứng đáng, Ngài đã yêu chúng ta đến nỗi ban cho chúng ta Con yêu dấu của Ngài.

Thay vì chúng ta phải chết mất vì những tội lỗi của mình, Đức Chúa Giê-xu Christ Con Đức Chúa Trời đã đến trong trần gian, gánh hết những lỗi lầm đó trên thập tự giá và chết vì chúng ta. Tuy nhiên, Con Thượng Đế không chết luôn như người trần gian, sau ba ngày nằm trong mồ mả, Ngài đã sống lại. Phao-lô nói rằng khi Ngài sống lại, Ngài cũng làm cho chúng ta đồng sống với Ngài. Tất cả những việc này là do ý định tốt lành và ân phúc của Thượng Đế cho chúng ta, không một ai trong chúng ta có thể nhờ công đức riêng hoặc lấy sức mình mà làm ra được.

Chẳng những Ngài làm cho chúng ta sống lại, Ngài còn ban cho chúng ta quyền được “đồng ngồi” với Đấng Christ trong các nơi trên trời. Chúng ta được dời từ tình trạng đáng bị đoán phạt đến địa vị được sống đời đời. Phao-lô đã được Đức Chúa Trời cho biết rõ ràng ý định của Ngài cho Hội Thánh ấy là đem những người hư mất đến cùng Ngài. Công tác vĩ đại nhất của ân điển Ngài được bày tỏ qua đời sống của những người được cứu.

III. ĐƯỢC CỨU BỞI ÂN ĐIỂN (c.8-9).

Cao điểm thần đạo của Phao-lô là sự cứu rỗi do ân điển của Đức Chúa Trời và đức tin của tín đồ. Nhiều người trong chúng ta gặp trở ngại trong việc chấp nhận ân điển hay ân phúc vì điều có vẻ xa lạ với chúng ta. Nhiều người lớn lên đã được dạy rằng “gieo giống nào sẽ gặt giống ấy”. Ý nghĩa nầy chỉ liên hệ đến đời sống thể xác mà thôi nhưng người ta lại nhầm lẫn nghĩ về tâm linh. Vì thế quan niệm của người thế gian họ nghĩ rằng một người muốn được vào thiên đàng người ấy cần phải ăn hiền ở lành và làm nhiều công đức. Tuy nhiên không ai trong chúng ta đủ để có thể hưởng một chỗ trên thiên đàng.

Sự cứu rỗi của chúng ta tùy thuộc vào lòng thương xót và sự nhân từ của Chúa.

Vì thế sự cứu rỗi mà chúng ta nhận được quả là một món quà được Đức Chúa Trời “ban cho” hơn là tiền công mà chúng ta làm được. Phần của chúng ta là tiếp nhận món quà ấy bằng “đức tin” (c.8) chân thật của mình. Đức tin là sự đáp ứng của chúng ta với Đức Chúa Trời. Ngài muốn chúng ta tín thác đời sống của mình hoàn toàn cho Ngài và tin chắc rằng Sự cứu rỗi Ngài ban là một điều chắc chắn.

  1. ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG MỘT ĐỜI MỚI (Ê-phê-sô 2:10).

Phao-lô lại còn thêm rằng: “Chúng ta là việc Ngài làm ra” (c.10). Chúng ta đã được Ngài tạo dựng và chúng ta cần phải sống một đời sống mới như cách mà Ngài muốn chúng ta sống. Một cuộc sống phản chiếu được ơn lành của Đức Chúa Trời là Đấng đã ban cho chúng ta.

Danh từ “việc Ngài làm” trong nguyên ngữ cũng có nghĩa là một “bài thơ”. Phao-lô muốn nhấn mạnh rằng tín đồ phải là một bài thơ của Đức Chúa Trời dưới mắt thế nhân, một bài thơ ngọt ngào cho tâm hồn những người khổ đau, thất vọng, cùng đường để phản ảnh tình yêu và hy vọng của Chúa cho những người đọc nó. Và cũng nên cho người ta đọc được một bài thơ về Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trên đời sống của chúng ta. Không có gì tốt hơn để người ta có thể đọc được trong đời sống của một tín đồ là công việc mà người ấy thể hiện. Phao-lô nhắc nhở chúng ta nên có một đời sống xứng đáng có nghĩa là phải làm theo những “việc lành” mà Đức Chúa Trời đã làm.

Mong rằng khi bạn học bài học ngày hôm nay, chính bạn sẽ thấy được ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống bạn về một cuộc sống mới mẻ trong Ngài.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Mẹo Cho Món Cá Hấp.

Thật khó chịu khi món cá hấp cứ vỡ nát dù bạn đã rất cố gắng nâng niu. Vài khoanh hành xắt mỏng lót phía dưới sẽ giúp món cá hấp của bạn thơm hơn, và quan trọng là sẽ chín đều, không bị vỡ.

Post CommentLeave a reply