Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 19.01.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 19.01.2020

By Quản trị in PHỤ NỮ on 19 Tháng Một, 2020

Chúa nhật 19.01.2020.

  1. Đề tài: HIỂM HỌA DO CHIA RẼ.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 3:4-4:13.
  3. Câu gốc: “Bởi vì, ai phân biệt ngươi với người khác? Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận lãnh?” (1Cô-rinh-tô 4:7).
  4. Đố Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô ký 23-25.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “HIỂM HỌA DO CHIA RẼ”.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong bài học tuần trước, chúng ta đã cùng nhau học hỏi những điều căn bản để Hội Thánh hiệp một. Hiệp một là một danh từ dễ nói nhưng khó làm. Bài học này sẽ giúp chúng ta nhìn thấy hiểm họa do sự chia rẽ, để chúng ta có sự dè giữ cẩn thận trong khi phê bình, đoán xét người khác. Khi chẩn bệnh, người thầy thuốc giỏi là người nhìn hiện tượng cơn bệnh mà kê đơn thuốc nhưng phải tìm rõ nguyên nhân phát sinh bệnh. Những người bạn của Gióp bị ông gọi họ là “thầy thuốc không ra gì” (Gióp 13:4), vì những người này chỉ nhìn hiện tượng mà phát biểu những điều không đúng sự thật.

1Cô-rinh-tô 4:1-13 là bài học quí báu để giúp chúng ta nhìn rõ được vì lý do nào trong một số Hội Thánh, sự chia rẽ là một cơn bệnh ngặt nghèo nhiều khó khăn không còn thuốc chữa.

  1. AI LÀ ĐẤNG PHÁN XÉT?

Phê bình chỉ trích là hành động rất dễ, ai làm cũng được. Hãy liếc mắt nhìn vào cộng đồng, đoàn thể, tổ chức chính trị, tôn giáo bất cứ nơi nào chúng ta cũng có thể thấy được những bài báo hằn học, phê bình chỉ trích nhân vật nọ, tổ chức kia. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần tránh xa cơn bệnh giết người này. Qua phân đoạn Kinh Thánh trên Phao-lô khuyên chúng ta không nên phán xét tôi tớ Chúa qua ba điều:

  1. Chúng ta là con người chỉ nhìn được bên ngoài mà không dò xét được bên trong. Chúa là Đấng biết rõ bề ngoài lẫn bên trong của mỗi người, như vậy sự phán xét của Chúa mới chính xác và công minh.
  2. Tôi tớ Chúa là người “quản trị sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời”. Câu này cho thấy vai trò đặc biệt của họ với Chúa. Trên bình diện một tín hữu, sự phán xét của chúng ta dễ bị sai trật, ngộ nhận hoặc không chính xác. Nên tốt hơn hết, chúng ta phải dành quyền đó cho Đức Chúa Trời.
  3. Phao-lô cho rằng phán xét như vậy là “sớm quá” vì tất cả chúng ta có niềm tin là Chúa sẽ trở lại và Ngài sẽ là quan án công bình cho chúng ta. Chính Ngài là Đấng “sẽ tỏ tường sự giấu kín trong nơi tối ra nơi sáng và bày tỏ những sự toan định trong lòng người” (4:5).
  4. AI HƠN AI?

Vội vàng phán xét là sự sai lầm, dễ gây sự phân rẽ trong Hội Thánh. Sự chia phe nhóm và đề cao chức vụ cá nhân cũng là điều tai hại không kém. Phao-lô khuyên họ “Chớ theo phe người này nghịch cùng kẻ khác” (c.6). Lý do của sự theo phe nhóm phát xuất từ lòng kiêu ngạo, và tinh thần đề cao. Hai điều vừa nói là những độc tố nguy hại, khi sử dụng thì sẽ tác phát không thể tả xiết. Có hai lý do khuyên họ bỏ tinh thần đó là:

  1. Dù Phao-lô hay A-bô-lô thì họ cũng là những người tôi tớ của Chúa, là bạn đồng lao mà thôi, vì vậy không nên vì người này hay kẻ kia mà làm cho đau lòng nhau.
  2. Phao-lô, A-bô-lô, hoặc bất cứ người nào thì cũng đã từng nhận ơn mưa móc từ Chúa. Tài năng của họ, ân tứ của họ từ đâu mà có, có phải từ Đức Chúa Trời chăng? Nếu phải thì có lý do gì mà khoe khoang? Lý do gì mà hãnh diện về những thành tích của mình. Tôi có thói quen dùng chữ “Cám ơn Chúa” mỗi khi anh em đề cập đến những lời tích cực về mình. Khi chúng ta thành thật nói “Cám ơn Chúa” thì chúng ta hóa giải được sự kiêu ngạo đang nhen nhúm trong lòng mình, vì chúng ta biết mọi điều chúng ta làm được đều đến từ Chúa, thì mầm móng kiêu ngạo không đến, để có thể gây hủy hoại cho đời sống chúng ta được.

Mọi người đều nhận ơn của Chúa. Mọi người đều phải biết khiêm nhường, hạ mình để Chúa được vinh hiển. Lên mình, kiêu ngạo là một hình thức chiếm đoạt sự vinh quang của Chúa. Một điều tối kỵ trước mặt Đức Chúa Trời (Ê-sai 42:8; 48:11).

III. AI ĐÁNG ĐƯỢC DANH DỰ?

Câu trả lời chính là Đấng Christ, là Đức Chúa Trời. Sự hi sinh và lòng yêu thương tột cùng của ông đã được diễn tả đầy đủ qua phân đoạn Kinh Thánh huyền diệu này. Đức Chúa Trời “phơi” chúng tôi. Chữ này cho thấy lòng trong sạch của chức vụ sứ đồ. Cái gì mà phơi ra trong nắng mai thì không có gì giấu giếm được. Chữ “phơi” còn có nghĩa là phơi bày tinh thần phục vụ của ông. Nói lên tinh thần chịu dãi nắng, dầm mưa của người tôi tớ trung thành của Chúa.

“Kẻ sau rốt mọi người”. Câu này cho thấy tâm tình khiêm nhường hết mực. Nhiều người thích đứng ở hàng đầu để người ta dễ thấy mình, nhưng sứ đồ Phao-lô bằng lòng làm kẻ sau rốt. Vì Chúa, vì linh hồn con người, Phao-lô vào tù ra khám như ăn cơm bữa. Nhiều khi ông còn được xem là “tử tội”. Phao-lô tội gì? Tội yêu Chúa, yêu anh em, yêu Hội Thánh, yêu con người trầm luân trong biển tội lỗi.

“Làm trò cho thế gian”. Câu này cho chúng ta thấy tâm tình Phao-lô. Chỉ có anh “hề” mới làm trò. Vì Chúa, vì tình yêu Phao-lô bị người ta xem như anh hề trong gánh xiếc. Dù thế nào, Phao-lô không ngã lòng. Ông vẫn vững vàng, nhẫn nại để phục vụ Chúa. Dù vậy, Phao-lô vẫn khiêm nhường, không hề kể đến công lao. Khác với một số người họ làm việc chỉ muốn được sự dua nịnh và khen thưởng của người khác.

* ÁP DỤNG.

Bài học hôm nay cho chúng ta thấy sự chỉ trích lẫn nhau chỉ đem lại sự phân rẽ. Chỉ có hại mà không có lợi. Chúng ta nên làm gì đối với người lãnh đạo? Chỉ trích hay cầu nguyện cho họ? Cảm thông hay gay gắt khi họ có sự thiếu sót, lỗi lầm? (4:1-5).

Nhận thức rõ mọi tài năng, ân tứ đều từ Chúa mà đến, giúp chúng ta điều gì? Chúng ta nên làm gì khi có người nào khác hơn ta? (4:6-7).

Sự khác biệt giữa sự tự cao và sự khiêm nhường là sự nhận thức cần có. Người tự cao làm việc vì mình, người khiêm nhường làm việc để phục vụ Chúa. Sự hạ mình và hết lòng phục vụ của Phao-lô là tấm gương sáng chúng ta nên soi để học hỏi để sửa đổi những sai sót trong đời sống chúng ta (4:8-13).

Bài học hôm nay giúp chúng ta nhận thấy sự kiêu ngạo tự tôn phát xuất từ bản ngã thấp hèn của người chưa thật sự được Thánh Linh cảm hóa. Xáo trộn và rối loạn trong nhiều Hội Thánh đều do những người mang bản chất xác thịt này. Nguyện Chúa ban ơn, giúp sức chúng ta thực hành được những điều mình đã học để mỗi đời sống của tín hữu và Hội Thánh có thể vươn lên, mạnh mẽ, sống động làm tròn thiên chức mà Chúa Cứu Thế trao phó.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Tỏi có tác dụng chống bạc tóc, rụng tóc: Tỏi dùng bên ngoài thúc đẩy tuần hoàn máu, tẩy lớp sừng lão hóa để chống bạc tóc, rụng tóc. Dùng củ tỏi tươi giã nhỏ xát lên da đầu vào buổi tối. Sau 2 giờ gội đầu bình thường.

 

 

Post CommentLeave a reply