Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 20.09.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 20.09.2020

By Quản trị in PHỤ NỮ on 14 Tháng Chín, 2020

Chúa nhật 20.09.2020.

  1. Đề tài: XÂY DỰNG MỘT NHÂN LOẠI MỚI.
  2. Kinh Thánh: Ê-phê-sô 2:11-22.
  3. Câu gốc: “Anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:19).
  4. Đố Kinh Thánh: Phục truyền 13-15.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn một người đóng vai Phao-lô, và một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra những câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và trả lời đều phải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Trong phần đúc kết, “Phao-lô” sẽ tóm tắt nội dung bài học và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa vào đời sống hằng ngày. Sau đó, tất cả đứng lên và mời một người thay mặt các bạn cầu nguyện.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

(Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới đi lên và Phao-lô từ ngoài bước vào phòng nhóm).

– Phóng viên: Dạ xin kính chào cụ Phao-lô!

– Phao-lô: Chào các cháu !

– Pv: Chúng cháu rất vui vì được cụ đến thăm. Thay cho các bạn thanh niên trong Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Nhân buổi gặp gỡ nầy cháu xin phép hỏi về chức vụ của cụ tại Hội Thánh Ê-phê-sô và các phước hạnh mà các tín hữu nhận được ở trong Đấng Christ.

– Phao-lô: Được, các cháu cứ hỏi.

– Pv: Thưa cụ, vì đang học loạt bài trong thư Ê-phê-sô nên chúng cháu muốn cụ giới thiệu sơ lược về Ê-phê-sô và Hội Thánh tại đó!

Phao-lô: À! tình cờ trên đường truyền giáo ta nghe nói tại Ê-phê-sô có mấy người tin Chúa, ta rất ngạc nhiên nên ta định đến đó để thăm hỏi họ. Thật là tội nghiệp.

– Pv: Vì sao vậy cụ?

– Phao-lô: Có một người Giu-đa tên là A-bô-lô, quê tại thành A-léc-xan-tri, là tay khéo nói và hiểu Kinh Thánh, đến thành Ê-phê-sô và làm chứng tại đó.

– Pv: Ồ thế thì tốt quá chứ cụ.

– Phao-lô: Vâng tinh thần sốt sắng của người nầy thì rất tốt nhưng chỉ có một điều.

– Pv: Điều gì hả cụ?

– Phao-lô: Người nầy chỉ mới chịu Giăng làm báp-têm mà chưa hiểu gì về Chúa Giê-xu cả, nhưng ta cũng rất hoan nghênh tinh thần của người nầy.

– Pv: Vì sao vậy cụ?

– Phao-lô: Vì lòng sốt sắng của người này cũng là một tấm gương cho chúng ta.

PV: Ủa người đó chưa học biết gì mà sao ông ta lại làm chứng?

Phao-lô: Thế nên ta mới đến thăm họ. Ta bắt đầu giảng dạy cho họ biết về Chúa Giê-xu Christ.

– Pv: Thái độ họ thế nào thưa cụ?

– Phao-lô: Họ rất ngạc nhiên vì người Do-thái xem thường họ.

– Pv: Ủa sao người Do-thái lại xem thường người khác vậy cụ?

– Phao-lô: À vì họ nghĩ rằng họ là con cháu của Ap-ra-ham là dân được chọn.

– Pv: Cụ giải thích cho họ thế nào ạ?

– Phao-lô: Ta nói cho họ biết rằng theo xác thịt thì họ là người ngoại.

– Pv: Thưa cụ còn bây giờ là như thế nào ?

– Phao-lô: Ta nói với họ nhưng trong Đức Chúa Giê-xu Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi.

– Pv: Thưa cụ vậy họ cũng được gọi là dân Đức Chúa Trời?

– Phao-lô: Đúng vậy, họ được làm một dân tộc mới của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu Christ.

– Pv: Cháu xin hỏi dân tộc mới là gì?

– Phao-lô: Là một dân tộc được cứu qua sự chết của Chúa Giê-xu Christ và không còn sự định tội nữa.

– Pv: Ồ! Vậy là tất cả mọi người Do-thái và dân ngoại phải hòa hiệp với nhau sao được hả cụ?

– Phao-lô: Bởi vì chính Chúa Giê-xu đã phá bỏ bức tường ngăn cách để đem tất cả mọi người chúng ta lại với nhau.

– Pv: Ồ thế là từ đây chúng ta được làm anh em với nhau cụ nhỉ?

– Phao-lô: Đúng vậy Ngài muốn mỗi chúng ta đều được dự phần trong Sự cứu rỗi của Ngài qua thập tự giá của Đấng Christ.

– Pv: Cám ơn cụ đã cho chúng cháu hiểu về việc Đức Chúa Trời muốn xây dựng một dân tộc mới cho Ngài bằng sự hiệp nhất, bằng tình yêu thương và sự hòa bình với nhau.

– Người hướng dẫn: Thưa các bạn! Chúng ta vừa nghe cụ Phao-lô trình bày về chức vụ và công tác của cụ tại Hội Thánh Ê-phê-sô. Nguyện Chúa giúp chúng ta biết rằng chúng ta là dân tộc được Ngài chọn qua dòng huyết của Ngài.

Mời các bạn đứng lên và mời cụ Phao-lô cầu nguyện cho chúng cháu.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO:                  

Một buổi tối kia tôi ngạc nhiên khi nhận được cuộc điện thoại nơi xa, người ở đầu dây bên kia nói với tôi: “Mục sư ơi, thật là tôi chịu hết nổi rồi, chắc tôi phải nghỉ nhóm ở nhà thờ này vì không một ai ở đây có tình yêu thương và chịu nhường nhịn cả!” Sau khi an ủi và khuyên nhủ anh, tôi mới biết được Hội Thánh anh có cuộc họp bất thường và có nhiều ý kiến trái ngược nhau nên ai cũng muốn dành phần thắng về mình, bất chấp ý kiến của người khác.

Người trong Hội Thánh Chúa cần phải có sự hòa thuận và hiệp nhất. Tuy nhiên những điều này không phải lúc nào cũng hiệu lực trong tất cả các Hội Thánh. Trong bài học tuần trước chúng ta đã học biết thế nào Đức Chúa Trời ban cho mọi người một đời sống mới trong Đấng Christ. Chúa của chúng ta luôn luôn tìm kiếm những người hư mất để tái tạo họ nên một tạo vật mới trong Ngài. Đức Chúa Trời đang hành động trong vòng những người được cứu để tạo dựng họ nên một nhân loại mới hầu họ sống hoà bình trong sự tương giao với Ngài và với nhau.

Bài học tuần này sẽ khai triển lẽ thật nêu trên dựa theo Ê-phê-sô 2:11-22. Tín đồ cần hiểu rằng chúng ta được Chúa giải phóng những thái độ, và tư tưởng là nguyên nhân của những chia rẻ và xung khắc trong vòng dân sự Chúa. Mong rằng những điều mà bạn sẽ học hôm nay giúp bạn tự xét lòng mình để có một sự liên hệ ngọt ngào với những anh em khác trong Chúa.

  1. NHÂN LOẠI TRƯỚC KHI ĐƯỢC CỨU CHUỘC (Ê-phê-sô 2:11-12).

Trong các thẩm mỹ viện thường thường người ta có hai bức hình chụp trước, và sau khi một người được trang điểm. Qua đoạn kinh văn mà chúng ta sẽ học hôm nay cũng có hai bức hình đó. Phao-lô muốn so sánh hai bức hình trong các câu 11-12 và các câu 13-15.

Các câu 11-12 vẽ bức tranh chụp trước để nhắc nhở người tín hữu Ê-phê-sô tình trạng cũ của họ trước khi họ được cứu chuộc. Người Ê-phê-sô là người ngoại bang (ngoại quốc), khác với người Do-thái là dân tuyển của Đức Chúa Trời. Người Do-thái gọi người ngoại quốc là “dân ngoại”. Người Do-thái chịu “cắt bì” (c.11) và tự hào về sự cắt bì của họ nên coi thường những người không chịu cắt bì. Những người ngoại quốc lúc đó bị “ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên” (c.12). Vì thế, đối với người Do-thái, “người ngoại” không thể nào dự phần giao ước mà Đức Chúa Trời đã hứa cho dân tộc họ. Hơn thế nữa, người Do-thái xem người ngoại như không có hy vọng gì vì họ không có Đức Chúa Trời như người Do-thái.

Thái độ độc quyền của người Do-thái đã vi phạm mục đích nguyên thủy của Đức Chúa Trời khi Ngài chọn lựa họ. (Sáng-thế-ký 12:1-3) cho biết Đức Chúa Trời muốn dùng dân tộc mà Ngài chọn lựa bởi dòng giống Áp-ra-ham để làm một nguồn phước cho mọi dân tộc. Người Do-thái đã hiểu lầm mục đích của Đức Chúa Trời cho dân tộc họ, và nghĩ rằng chỉ có họ mới thật là dân tộc được Đức Chúa Trời tuyển chọn. Nếu chúng ta không cẩn thận, việc này cũng có thể xảy ra cho Hội Thánh của Chúa chúng ta ngày hôm nay. Những người có thái độ như người Do-thái chính là những người ở trong bức hình “chụp trước” chứ không phải “chụp sau” trong khung cảnh của Sự cứu chuộc.

  1. NHÂN LOẠI MỚI HÒA HIỆP VỚI NHAU (c.13-15).

Công tác vinh diệu của Sự cứu rỗi chẳng những thay đổi nếp sống của một người mà còn ảnh hưởng trên sự liên hệ hai chiều sâu rộng giữa Chúa và người, và giữa người với người. Lẽ thật này được trình bày trong Ê-phê-sô 2:13-15. Người ngoại bang trước kia bị kể như không có hy vọng gì nơi Đức Chúa Trời nhưng nay “nhờ huyết Đấng Christ mà được gần” (c.13). Phao-lô dụng ý nhấn mạnh đến sự hy sinh chịu chết và sự đổ huyết của Đức Chúa Giê-xu Christ để mọi người có thể đến gần với Đức Chúa Trời.

Phao-lô tiếp tục nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời là “sự hòa hiệp của chúng ta” (c.14). Sự chết của Ngài trên thập tự giá chẳng những giúp tái lập sự liên hệ giữa chúng ta và Đức Chúa Trời nhưng cũng giúp cho mọi người hòa thuận cùng nhau. Nếu những tín đồ Do-thái và ngoại bang trong thế kỷ đầu tiên có thể hòa thuận cùng nhau, thì tin chắc rằng chúng ta hôm nay cũng sẽ sống thuận hòa và hiệp nhất cùng nhau trong Chúa.

Làm thế nào để đạt được sự hòa hiệp này? Câu trả lời là “phá đổ bức tường ngăn cách” (c.14). Tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, người ta chia ra làm 2 khu vực, một dành cho người Do-thái và một dành cho người ngoại bang. Công-vụ 21:28 ghi lại rằng Phao-lô bị bắt vì cớ người Do-thái, họ nghi ông dẫn người ngoại bang vào nơi của người Do-thái trong đền thờ khiến nơi ấy bị ô uế. Phao-lô lại còn nhấn mạnh rằng sự dị biệt và ngăn cách giữa người Do-thái và người ngoại bang chính là luật pháp và điều lệ của người Do-thái. Người Do-thái cho rằng mình tốt hơn người ngoại bang vì cớ họ có các luật lệ đó. Phao-lô nhắc nhở rằng Đức Chúa Giê-xu Christ đã dùng chính mình để trừ bỏ luật pháp ấy và nay chỉ một mình Ngài đủ để làm cho cả người Do-thái và người ngoại bang “hòa hiệp nhau và trở nên người mới trong Ngài” (c.15).

III. NHÂN LOẠI MỚI HÒA HIỆP VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI (c.16-18).

Tín đồ của Chúa được giao cho “chức vụ giảng hòa” (2Cô-rinh-tô 5:18). Là một nhân loại mới trong Chúa, chúng ta sống trong một thế giới không có “tường ngăn cách”. Điều này có nghĩa rằng không có bức tường nào có thể ngăn chặn chúng ta trong việc chia sẻ tin mừng của Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng đã chết thế cho chúng ta trên thập tự giá. Tin mừng ấy phải được rao ra cho mọi dân tộc, màu da hầu cho họ sẽ nhận được sự tha thứ và sự sống đời đời.

Nhờ sự chết của Chúa, “Ngài hiệp một chúng ta nên thân thể” hay Hội Thánh Ngài (c.16) và làm cho chúng ta hòa thuận cùng Đức Chúa Trời. Ngày trước, tội lỗi làm cho chúng ta bị ngăn cách cùng Đức Chúa Trời, hôm nay nhờ sự chết trả giá chuộc tội của Đức Chúa Giê-xu Christ, chúng ta được phép đến gần Đức Chúa Trời và được thông công với Ngài. Chúng ta không còn bị phân biệt là người “Do-thái” hay “ngoại bang”, nhưng là một người mới đã được Đức Thánh Linh tái tạo để hòa hiệp với Đức Chúa Trời.

  1. NHÂN LOẠI MỚI CHIA SẺ PHƯỚC HẠNH CỨU RỖI (c.19-22).

Phao-lô trong (c.19) nói rằng chúng ta “chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa”. Chúng ta được Chúa làm cho hòa thuận vì thế chúng ta không nên phân biệt giai cấp, sang hèn, và cũng không nên tự làm cho mình xa lạ với các anh em trong Chúa. Chúng ta không nên tự cô lập và sống ngoài lề vì Chúa đã làm cho chúng ta trở nên “người đồng quốc với các thánh đồ và là người nhà của Đức Chúa Trời” (c.19).

Mỗi một người trong chúng ta đều có những quyền hạn và trách nhiệm trong xã hội của Chúa và chúng ta không nên coi trọng người này mà khinh dễ người kia. Địa vị của chúng ta trong Chúa không căn cứ trên những việc chúng ta đã làm nhưng trên những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta.

Hội Thánh của Chúa không phải được xây dựng bằng công đức của chúng ta, nhưng bằng chính Đức Chúa Giê-xu là đá góc nhà và trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri (c.20-21). Đức Chúa Trời dựng nên Hội Thánh để làm nên một “đền thờ thánh” cho Ngài (c.21).

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

LUỘC HÁ CẢO

Tương tự như món cá, há cảo của bạn cũng sẽ chín mềm mà vỏ không bị nát nếu trong nước luộc bạn cho vào ít hành tây xắt lát. Bạn nhớ phải luộc hành sôi rồi mới thả há cảo vào.

 

 

Post CommentLeave a reply