CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 19.04.2020
By Quản trị in THANH NIÊN on 13 Tháng Tư, 2020
Chúa nhật 19.04.2020
- Đề tài: VẤN ĐỀ TRẢI QUA SỰ CHẾT.
- Kinh Thánh: Rô-ma 5:12; Hê-bơ-rơ 9:27; 1Cô-rinh-tô 15:20-23; 55-57.
- Câu gốc: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi” (Thi Thiên 23:4).
- Đố Kinh Thánh: Giăng 12-16.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 22.03.2020.
Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo.
- Đọc Rô-ma 12:5 và Hê-bơ-rơ 9:27 cho biết:
(1) Loài người không tránh khỏi điều gì?
(2) Tại sao loài người phải trải qua sự chết?
(3) Sự chết đối với bạn thế nào? Sợ hãi hay bình an? Vì sao?
- Đọc 1Cô-rinh-tô 15:20-23; 55-57.
(1) Người tin Chúa hy vọng điều gì sau khi chết?
(2) Vì sao người tin Chúa có hy vọng ấy?
(3) Hy vọng của bạn là gì? Bạn sống với hy vọng ấy như thế nào?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Nhìn vào cuộc sống ngắn ngủi của con người, thi sĩ Tản Đà đã ghi lại những dòng thơ đầy vẻ bi quan:
Hoa ơi! Hoa hỡi! Hoa hời.
Đương ở trên cành bỗng chốc rơi,
Nhụy mềm, cánh úa,
Hương nhạt màu phai!
Sống chửa bao lâu đã hết đời!
Cảnh “sinh, lão, bệnh, tử” là vấn đề bi thảm trong cuộc sống con người trên thế gian. Một nhà vô thần trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời than thở với người bạn cố tri rằng: “Rốt cuộc chỉ có tử thần được lợi, tôi già rồi, tôi sẽ chết nay mai!” Triết gia vô thần Albert Camus diễn tả cuộc sống con người như vầy: “Con người như một sinh vật nhỏ bé, đứng trong một góc bao la của vũ trụ, áy náy về tương lai, lo lắng trước cái chết!”
Mặc dù có những phương pháp chữa trị mới của khoa học, cuộc sống con người có thể kéo dài thêm một khoảng thời gian nào đó… nhưng rồi mọi người đều cũng phải qua ngưỡng cửa của sự chết. Tuy nhiên, khi đương đầu với sự chết là cả một vấn đề. Trước sự chết, con người có hai phản ứng: Sợ chết hoặc đòi chết vì nỗi đau khổ của bệnh tật, trước áp lực về kinh tế gia đình hoặc sự khủng hoảng về tình cảm…
Trong niềm tin của Cơ đốc nhân, có phải sự chết là giải pháp tốt nhất cho con người không? Chúng ta hiểu gì về sự chết và có thái độ nào?
- DẪN GIẢI.
- SỰ CHẾT TRONG NIỀM TIN CỦA CƠ ĐỐC NHÂN.
Chúng ta đã học qua các lẽ đạo về lai thế, trong đó có nói đến sự chết của con người. Sau đây, chúng ta ôn lại lẽ đạo quan trọng ấy.
(1) Vì trong A-đam mọi người đều đã phạm tội và hậu quả của tội lỗi là sự chết. Cho nên mọi người đều phải trải qua sự chết
(Rô-ma 5:12).
(2) Sự chết cũng là một định luật của Chúa cho mỗi người để chịu sự đoán xét (Hê-bơ-rơ 9:27).
(3) Đối với Cơ đốc nhân, sự chết chỉ là một giấc ngủ. Vì trong Đấng Christ, thân thể người Cơ đốc được giải cứu khỏi sự chết, được sống lại vinh hiển mãi mãi với Chúa trong ngày Đấng Christ trở lại (1Côr 15:20-24,54-57).
(4) Sau khi qua đời, người không tin Chúa bị cầm giữ đau khổ trong Âm phủ, còn người tin Chúa được tiếp về với Chúa trong
Ba-ra-đi (thiên đàng) phước hạnh, để chờ đợi sự giải cứu thân thể (Lu-ca 16:22-24; 23:42-43).
(5) Sự qua đời trong Chúa là một phước hạnh (Khải 14:13).
(6) Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng sống đã đắc thắng sự chết, Ngài đang cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ (Khải 1:17).
(7) Sự sống và sự chết của con người đều thuộc quyền tể trị của Đức Chúa Trời (Thi 139:16; Lu-ca 12:20; Công 17:25-28).
- BÌNH AN BƯỚC QUA SỰ CHẾT.
Sợ hãi, lo âu trước sự chết là tâm lý chung của con người. Tuy nhiên trong niềm tin nơi Đức Chúa Trời, Cơ đốc nhân có thể chuẩn bị cho chính mình sự bình an khi đứng trước cổng của sự chết, “con đường mà cả thế gian phải đi qua” với những điều quan trọng sau:
- Xác nhận và giữ vững niềm tin về sự cứu rỗi, biết chắc chúng ta đã được cứu rỗi trong Đấng Christ.
Chúng ta tin Chúa để được cứu, nhưng điều quan trọng hơn là giữ vững đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ đến giờ phút cuối cùng. Vì giữ vững đức tin của mình đến cuối cùng, nên sứ đồ
Phao-lô vô cùng lạc quan trước sự chết kề bên! Ông biết chắc mình được Chúa cứu và được Ngài tiếp vào nơi vinh hiển (2Tim 4:6-8). Người không tin Chúa khi đối diện với sự chết thường bị lương tâm giày vò bởi tội lỗi quá khứ, sự lo âu với tội lỗi hiện tại và sợ hãi về sự hư mất đời đời sau khi chết. Nhưng niềm tin nơi Đấng Christ bảo đảm chắc chắn sự cứu rỗi toàn diện của Cơ đốc nhân. Nghĩa là chúng ta được tha thứ, được giải cứu khỏi mặc cảm của tội lỗi quá khứ, được giải cứu khỏi quyền lực của tội lỗi hiện tại, và được giải cứu khỏi sự hư mất trong tương lai. Vì thế, niềm tin cứu rỗi trong Đấng Christ cất khỏi mọi lo lắng về quá khứ, hiện tại, tương lai và đem lại cho người Cơ đốc sự bình an lớn khi phải bước qua cổng của sự chết. Cho nên, mỗi Cơ đốc nhân cần giữ vững niềm tin của mình về sự cứu rỗi đặt trên nền tảng của lời Kinh Thánh. Tùy theo kinh nghiệm bản thân, mỗi người nên học thuộc lòng một số câu Kinh Thánh để làm nền tảng cho sự cứu rỗi của mình, như Giăng 3:16; 3:36; 5:34; Rô-ma 3:24-26; 8:1:31-39; Ê-phê-sô 2:8; 1Giăng 1:7…
- Nhận biết những lẽ đạo về sự chết.
Những lẽ đạo Kinh Thánh về sự chết như đã trình bày trên, sẽ giúp cho người Cơ đốc:
– Được vững vàng trong đức tin và thêm niềm hy vọng trong Đấng Christ phục sinh, khi nhìn qua bên kia sự chết là một bình minh tươi sáng bất tận.
– Biết chắc nơi ở phước hạnh của mình với Chúa.
– Biết chắc Cơ đốc nhân là những người không bị đặt dưới sự đoán phạt của Đức Chúa Trời sau khi chết.
Những điểm trên sẽ đem lại cho người Cơ đốc niềm hy vọng tràn đầy khi bước vào “giấc ngủ” tạm thời.
- Nhận biết sứ mạng của mình trên đất.
Trong cuộc sống trên đất, người Cơ đốc nên nhận biết ba điều này:
– Thiên đàng mới là quê hương thật của Cơ đốc nhân, vì vậy chúng ta chỉ là những khách bộ hành trên đất (Hê-bơ-rơ 11:13-16).
– Mỗi Cơ đốc nhân sống trong thế gian với sứ mạng của Chúa (Giăng 17:18; Ma-thi-ơ 5:13-16).
– Chúa sẽ đón tiếp người hoàn tất sứ mạng Ngài giao phó về quê hương vinh hiển theo thời điểm trong chương trình của Đức Chúa Trời (Công Vụ 7:55-60).
Biết những điều này sẽ giúp chúng ta vui mừng và sẵn sàng khi Chúa gọi về nước Ngài bất cứ khi nào.
- Giữ vững lời hứa của Chúa.
Có nhiều lời hứa trong Kinh Thánh về sự hiện diện của Chúa trong mỗi đời sống con cái Ngài trong lúc khó khăn. Chúng ta cần đọc và suy gẫm, học thuộc lòng những lời hứa của Chúa, để lòng được bình an trong giờ phút sắp bước qua trũng bóng chết (Thi 23; Ê-sai 43:1-3; Giăng 14:1-3,27).
- Biết chắc Đấng chúng ta đang tin.
Sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng đã đắc thắng sự chết, và đang cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ, sẽ giúp chúng ta không sợ hãi sự chết, và bước qua sự chết với niềm tin đắc thắng (Khải 1:17).
- Nói lời từ giã trong niềm tin.
Với tấm lòng tin cậy Đức Chúa Trời, trước khi qua đời Giô-suê đã từ giã dân sự với lời khuyên hãy thành tâm phục vụ Đấng ông hầu việc trọn đời (Giô-suê 24:14-15). Gia-cốp, trong niềm tin nơi lời hứa Đức Chúa Trời đã chúc phước cho con cái mình trước khi qua đời (Sáng 49). Chúng ta có sẵn sàng nói lời từ giã trong niềm tin với gia đình, bạn hữu trước khi về an nghỉ trong nước Chúa không? Và chúng ta sẽ nói gì?
Trên mộ bia của văn hào Shakespeare (1564-1616), người ta thấy những dòng chữ như sau:
“Tôi William Shakespeare, quê ở Straford Upon Avon, thuộc quận Warrick, một người có sức khỏe và trí óc toàn hảo, thật đáng ca ngợi Thượng Đế, xin lập tờ chúc ngôn cuối cùng của tôi theo phương thức và hình thức dưới đây:
Trước nhất, tôi xin giao phó linh hồn của tôi vào cánh tay của Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa của tôi, hy vọng và tin quyết rằng nhờ công nghiệp duy nhất của Đức Chúa Giê-xu Christ, Cứu Chúa tôi, tôi đã dự phần vào sự sống đời đời và thân thể tôi trở về bụi đất là vật đã được dựng để tạo nên thân ấy…” (Knight’s Master Book of the New Illustration, p.13).
Tóm lược.
Những yếu tố giúp người Cơ đốc chuẩn bị để được bình an bước qua sự chết:
(1) Biết chắc Đấng chúng ta đang tin, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng sống, đắc thắng sự chết, đang cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ.
(2) Biết chắc chúng ta được cứu rỗi trong Đấng Christ, giữ vững đức tin về sự cứu rỗi đến cuối cùng.
(3) Nhận biết các lẽ đạo về sự chết của người tin Chúa, để được niềm hy vọng về sự sống lại của thân thể.
(4) Nhận biết sứ mạng của Chúa cho chúng ta trong thế gian và sẵn sàng trở về quê hương Thiên quốc khi Chúa gọi.
(5) Giữ vững lời Chúa hứa về sự hiện diện của Ngài với chúng ta qua trũng của sự chết.
(6) Sẵn sàng nói lời từ giã trong niềm tin với người thân yêu còn sống trên đất.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Xin đọc những câu Kinh Thánh sau và cho biết:
- Rô-ma 5:12; Hê-bơ-rơ 9:27: Tại sao loài người phải trải qua sự chết?
- 1Cô-rinh-tô 15:20: Người chết trong Đấng Christ được gọi là gì? Tại sao?
- Lu-ca 16:22-23; 23:42-43: Sau khi chết người tin Chúa ở đâu? Và người không tin Chúa ở đâu?
- 1Cô-rinh-tô 15:20-23,55-57: Qua sự chết, người tin Chúa hy vọng gì?
- Khải Huyền 1:17: Đức Chúa Giê-xu Christ là ai? Và quyền năng Ngài như thế nào?
- Khải Huyền 14:13: Kinh Thánh nói gì về người chết trong Chúa?
- Thi Thiên 90:1-3; 139:16; Lu-ca 12:20; Công Vụ 17:25-28: Sự sống và sự chết của mỗi người thuộc quyền ai?
- Qua sự ghi nhận trên, chúng ta học biết lẽ thật nào về sự chết và quyền tể trị của Đức Chúa Trời? Xin liệt kê những lẽ đạo ấy.
- Làm thế nào bước qua sự chết cách bình an?
- Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
- Câu Kinh Thánh nào bạn thường dùng để làm nền tảng cho niềm tin về sự cứu rỗi của mình?
- Những lẽ đạo về sự chết có tác dụng thế nào đối với người sắp trải qua sự chết?
- 2Ti-mô-thê 4:6-8: Tại sao Phao-lô rất vui khi nói đến ngày qua đời của ông?
- Công Vụ 7:55-56: Khi sắp qua đời Ê-tiên nhìn thấy ai?
- Giăng 17:18; Ma-thi-ơ 5:13-16: Cuộc sống của người Cơ đốc trong thế gian với mục đích gì?
- Hê-bơ-rơ 11:13-16: Đâu là quê hương thật của Cơ đốc nhân?
- Giô-suê 24:14-15: Trước khi qua đời, Giô-suê đã nói lời gì từ giã dân sự của Chúa?
- Thi Thiên 23; Ê-sai 43:1-3; Giăng 14:1-3,27: Những lời hứa nầy giúp cho người sắp qua đời thế nào?
- Qua sự ghi nhận trên, chúng ta tìm thấy những điểm nào cần thiết giúp cho người sắp qua đời được bình an trải qua sự chết?
- Xin cho biết bạn nắm lấy những lời hứa nào của Chúa về sự cứu rỗi, sự bình an và sự ở cùng của Chúa?