CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN.25.8.2019
By Quản trị in THANH NIÊN on 25 Tháng Tám, 2019
Chúa nhật 25.8.2019.
- Đề tài: ÂN ĐIỂN.
- Kinh Thánh: Ga-la-ti 5:2-4; Hê-bơ-rơ 12:15-17; 2Cô-rinh-tô 12:5-10.
- Câu gốc: “Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cô-rinh-tô 12:9a).
- Đố Kinh Thánh: Đa-ni-ên 7-12.
- Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Thuyết trình.
- Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
- Nhóm sẽ họp lại cùng nghiên cứu: Ý nghĩa của ân điển, Sự cần thiết của ân điển, Ân điển của Chúa trong đời sống chúng ta.
- Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình dựa trên tài liệu để soạn.
- Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
- Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi. Cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Theo lý tánh con người nói chung, người ta thích cậy mình hơn là nhờ ân điển của Đức Chúa Trời. Nhưng trong sự cứu rỗi của Chúa, chúng ta không thể nào không nói đến ân điển Ngài.
Vì vậy song song với lời khuyên giữ vững sự tự do, Phao-lô cũng có lời cảnh cáo các tín hữu coi chừng mất ân điển. Chữ ân điển có ý nghĩa gì và đóng vai trò quan trọng thế nào trong đời sống tự do của người Cơ đốc?
- Ý NGHĨA CỦA ÂN ĐIỂN.
Chữ “ân điển” theo sự định nghĩa của Lewis S. Chafer là: “Cái gì Đức Chúa Trời có thể tự do hành động, điều gì Ngài làm tùy ý cho kẻ hư mất, căn cứ trên sự chết của Chúa Giê-xu Christ”. Theo ý nghĩa nầy, ân điển của Đức Chúa Trời khác nghĩa với chữ yêu thương và sự nhân từ. Vì tình yêu thương, Đức Chúa Trời ban cho loài người Đấng Cứu Thế. Nếu Ngài cứu tội nhân trên căn bản quyền tối thượng và lòng nhân từ, thì theo Chafer, sự đổ huyết của Đấng Christ trên thập tự giá không cần thiết. Chỉ bởi tình thương, Ngài ban ơn tha thứ. Nhưng vấn đề ở đây là bản tánh công nghĩa và thánh khiết của Ngài bị xúc phạm bởi tội lỗi loài người. Vì vậy tình yêu thương và sự nhân từ của Ngài không thể hành động trong ân điển cho đến khi được đền trả qua sự chuộc tội của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sự thỏa đáng nầy đã làm cho ân điển bắt đầu hoạt động.
Như thế, nói rằng sự cứu rỗi là do ân điển Đức Chúa Trời ban cho tội nhân cách không điều kiện, không có nghĩa là món quà chẳng có giá. Nhưng sở dĩ ban cho không điều kiện vì cớ đã trả một giá rất đắt bằng chính huyết vô tội của Con Đức Chúa Trời mà trong loài người không ai có thể trả nổi. Vì vậy, trong ân điển không điều kiện ấy, Đức Chúa Trời chỉ đón tiếp kẻ hư mất qua địa vị công nghĩa và công lao cứu chuộc của Đấng Christ trên thập tự giá. Ngoài Chúa Giê-xu, loài người không nhận được ân điển của Đức Chúa Trời (Giăng 1:17). Do đó, đặc tính của ân điển là loại bỏ tất cả công việc cậy mình của loài người, và đòi hỏi bởi đức tin nương dựa hoàn toàn vào công lao cứu chuộc của Đấng Christ mà thôi, để không ai có thể khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:24,24,27). Cho nên bất cứ cố gắng nào của con người để được cứu rỗi là điều xúc phạm đến ân điển của Đức Chúa Trời.
Trong Chúa Giê-xu, ân điển của Đức Chúa Trời được thể hiện cho kẻ tin trong ba khía cạnh:
- Trong sự xưng nghĩa.
- Trong sự thánh hóa.
- Trong sự vinh hiển.
Đây là một đáp ứng trọn vẹn của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi loài người.
- SỰ CẦN THIẾT CỦA ÂN ĐIỂN.
Luật pháp đến từ Môi-se chỉ có định tội và sự chết, trái lại với ân điển đến từ Chúa Giê-xu ban ơn tha thứ và sự sống (Rô-ma 3:19,24-25). Luật pháp nhốt người dưới nô lệ, còn ân điển phóng thích và đưa người đến sự tự do (Ga-la-ti 4:1-7). Vì nhờ ân điển mà chúng ta được xưng nghĩa, được giải cứu khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Cũng nhờ ân điển mà chúng ta được thánh hóa và sống phục vụ Chúa với lòng trông cậy về sự cứu rỗi vinh hiển của Chúa trong tương lai (Rô-ma 8:30). Đó là tất cả công việc của ân điển bởi đức tin, chớ không do sự thêm vào việc công đức nào của chúng ta. Vì vậy ân điển là lẽ cần cho đời sống tự do của Cơ đốc nhân trong Đấng Christ để không bị trở lùi về ách tôi mọi trước kia.
Tuy nhiên một vấn đề là người tin Chúa rồi, thay vì nhờ ân điển Chúa để tiến bước trên đường nên thánh, lại tiến bước nhờ sức riêng mình như trường hợp các tín hữu Ga-la-ti. Lời cảnh cáo của Phao-lô trong 5:2-4 cho chúng ta hai điều:
- Đấng Christ không bổ ích cho kẻ chịu cắt bì: Câu 2. “Nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Đấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết”. Ở đây không phải tín hữu Ga-la-ti nhờ phép cắt bì để được xưng nghĩa, nhưng muốn cậy sức mình trong luật pháp để thực hiện đời sống nên thánh. Điều nầy sai nguyên tắc của ân điển.
- Người cậy luật pháp mất ân điển: Câu 4: “Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, mất ân điển rồi”. Chữ “xưng công bình” trong câu 4 không có nghĩa là một sự tuyên bố xưng nghĩa, hay là sự xưng nghĩa địa vị. Vì đây là một vấn đề giải quyết giữa Đức Chúa Trời với Đức Chúa Giê-xu qua sự chết của Ngài đã được hoàn tất cho tội nhân bởi đức tin. Nhưng sự “xưng công bình” ở đây chỉ về sự nên thánh, tức là thực nghiệm sự xưng nghĩa địa vị trong nếp sống đạo của Cơ đốc nhân. Công việc nầy diễn tiến suốt cuơc đời của người theo Chúa. Bởi vậy chẳng những chúng ta nhờ ân điển Chúa để được cứu, nhưng cần tiếp tục nhờ ân điển Chúa để được tăng trưởng về phần thuộc linh, hầu có đời sống phẩm hạnh giống Chúa, xứng đáng với địa vị công nghĩa Ngài gọi. Cũng vì lẽ ấy sứ đồ Phi-e-rơ từng khuyến khích người tin Chúa hãy tấn tới trong ân điển và trong sự nhận biết Chúa Giê-xu Christ là Chúa chúng ta (2Phi-e-rơ 3:18). Cho nên theo sự giãi bày trên, một lần nữa Phao-lô cảnh cáo người thử cậy luật pháp để được nên thánh chẳng khác nào tự mình tách rời khỏi Đấng Christ, mà tách rời khỏi Đấng Christ là đánh mất ân điển Ngài.
Chữ “lìa khỏi” có nghĩa làm cho không có hiệu lực, trở nên không hữu hiệu trong sự liên hệ với Đấng Christ. Như nhánh nho không dính liền vào gốc, thì đời sống chẳng có kết quả chi (Giăng 15:5). Như thế sự đánh mất ân điển không có nghĩa Đức Chúa Trời rút lại ân điển Ngài, nhưng tại vì người cậy mình và tách rời khỏi ân điển Chúa (Giăng 15:1-5). Cho nên trong Hê-bơ-rơ 12:15-17, Kinh Thánh cũng đã nhắc nhở chúng ta chớ sống theo xác thịt và khinh lờn sự ban cho của Chúa như Ê-sau.
- ÂN ĐIỂN CỦA CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG CHÚNG TA.
Với sự hình thành của triết lý nhân bản ngày nay, một triết lý sống đặt con người làm trọng tâm và loại bỏ ân điển của Đức Chúa Trời. Nhưng với sức người, cho dù có cố gắng thành công rực rỡ đến đâu, cuối cùng công việc chỉ là sự lao khổ hư không mà thôi (Truyền đạo 1:3).
Trong một tác phẩm của E. Hemingway tựa đề “Ngư ông và biển cả”, đại ý nói lên ngư ông quyết săn cho được cá voi mà chưa ai bắt được. Nên ròng rã suốt cả trăm ngày lênh đênh trên biển cả, chiến đấu với bao khó khăn. Nhưng cuối cùng khi mãn nguyện, đem cá về làng thì chỉ còn lại bộ xương vì dọc đường bị cá mập cắn xé. Đời sống trong ân điển Chúa, thì loại bỏ cái tôi cậy mình và đặt Chúa làm trọng tâm. Khi người thôi cậy mình, thì ân điển Chúa cũng bắt đầu hành động cách kỳ diệu trong đời sống người ấy. Chẳng hạn đời sống của Phao-lô, từ một người cậy mình về dòng dõi tri thức, và đời sống đạo hạnh tôn giáo, Phao-lô đầu phục Đấng Christ, từ bỏ chính mình, và có từng trải rất sâu xa về ân điển của Đức Chúa Trời đối với ông. Từ chỗ ý thức mình là một tội nhân đứng đầu, Phao-lô được ân điển Ngài tha thứ và thánh hóa trở nên thánh nhân. Từ chỗ nhận biết mình yếu đuối, Phao-lô được ân điển Ngài thêm sức và giúp ông vượt thắng với bệnh tật, và mọi nghịch cảnh để làm trọn sứ mạng Chúa gọi (1Côr 15:7-10; 2Côr 12:5-10; Phi-líp 4:13). Thật ân điển Chúa lạ lùng biết bao! Chúng ta đang nếm trải ân điển Ngài đối với sự yếu đuối, vấp phạm, ngã lòng nào trong đời sống hằng ngày của chúng ta không? Hay chúng ta đang sống cậy mình và lùi bước vào ách nô lệ của tội lỗi?
Tóm lại:
- Chỉ qua Chúa Giê-xu, ân điển của Đức Chúa Trời được ban cho loài người.
- Người thôi cậy mình nhận được ân điển Chúa, người cậy mình đánh mất ân điển Ngài.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- a. Giải thích ý nghĩa của chữ ân điển (Êph 2:4-8; Rô 3:24).
- So sánh luật pháp và ân điển (Giăng 1:17; Rô-ma 3:19-20; 6:20-21)
- Qua sự nhận xét trên cho chúng ta biết gì về đặc tánh và vai trò của ân điển trong sự cứu rỗi tội nhân?
- a. Tại sao “chịu phép cắt bì, thì Đấng Christ chẳng bổ ích chi” (c.2; Rô-ma 8:1-2).
- Tại sao người cậy luật pháp thì mất ân điển? (c.4).
- a. Nguyên nhân nào khiến người tin Chúa bị mất ân điển? (Hê-bơ-rơ 12:15-17).
- Bí quyết nào để luôn ở trong ân điển Chúa?
- a. Phao-lô có từng trải gì về ân điển Chúa trong đời sống ông? (Xem Phi-líp 3:4-8; 4:13, 1Côr 15:7-10; 2Côr 12:5-10).
- Qua từng trải của Phao-lô, chúng ta nhận được bài học gì về ân điển Chúa? (Xin chia sẻ từng trải bản thân về ân điển Chúa trong sự yếu đuối của chúng ta).
- Theo bạn, trong nếp sống đạo hằng ngày, cậy ân điển Chúa là điều dễ hay khó thực hành? Tại sao? Nếu khó, bí quyết nào để thực hiện?
- Bạn đang sống trong sự cậy mình hay nhờ ân điển Chúa?