Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 26.01.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 26.01.2020

By Quản trị in THANH NIÊN on 13 Tháng Một, 2020

Chúa nhật 26.01.2020

  1. Đề tài: CƠ ĐỐC NHÂN VỚI PHONG TỤC.
  2. Kinh Thánh: Giê-rê-mi 10:1-5; Ga-la-ti 4:8-10; Ê-phê-sô 5:8-11.
  3. Câu gốc: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 23-28.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Cơ đốc nhân nên sống theo tập tục của đời.

Đề tài 2: Cơ đốc nhân không nên sống theo tập tục của đời.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh và y học để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Thế giới loài người có nhiều dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa phong tục hay tập tục riêng biệt. Cho nên khi chúng ta đi đến một nơi khác thì phải hiểu văn hóa và phong tục của nơi đó để có thể thích ứng, hòa nhập với môi trường mới.

Có thể chúng ta sẵn sàng đón nhận các tập tục mới, như người Việt có câu “Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục” (vào sông tùy khúc, vào nhà tùy tục), nghĩa là ở đâu theo tục lệ ở đó. Hoặc có thể chúng ta nghĩ rằng, người Cơ đốc không nên sống theo các tập tục của những nơi đó!

Những ý nghĩ trên có đúng không? Trong môi trường sống, Cơ đốc nhân cần có thái độ thế nào đối với tập tục?

  1. DẪN GIẢI.
  2. SỰ CẢNH CÁO CỦA KINH THÁNH VỀ TẬP TỤC.
  3. Chớ theo tập tục của đời.

Trên cuộc hành trình vào đất hứa, Đức Chúa Trời đã phán dặn tuyển dân Y-sơ-ra-ên hai điều: Chớ theo các tập tục của dân ngoại và cẩn thận vâng theo luật pháp, mạng lịnh của Đức Giê-hô-va.

Trước khi vào đất hứa, dân Y-sơ-ra-ên đã từng sống nhiều năm tại xứ Ai-cập, là dân thờ tà thần. Và tại xứ Ca-na-an, dân Y-sơ-ra-ên cũng phải đối đầu với các dân tộc bản xứ thờ hình tượng. Họ có những thói tục rất là gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời như việc đưa con cái qua lửa để tế thần Mô-lóc, và băng hoại trong lối sống đồng tính luyến ái (Lê-vi 18:1-5,21-23,30). Cho nên, hai điều Đức Chúa Trời phán bảo trên có nghĩa con dân Chúa là người được Chúa lựa chọn và cứu chuộc, được kêu gọi ra khỏi thế gian để sống theo đường lối của Chúa chớ không phải sống theo thói tục của đời.

  1. Chớ trở lại lề thói cũ.

Trong thời Tân ước, sứ đồ Phao-lô cũng đã cảnh cáo các tín hữu Ga-la-ti chớ bỏ đức tin mà trở lại lề thói cũ. Vì bởi đức tin trong Đấng Christ, họ đã được giải cứu khỏi các tập tục của đời, khỏi các lề lối của nghi thức tôn giáo. Như thế, lời khuyên trong Ga-la-ti 4:8-11 có nghĩa con cái Chúa là người được kêu gọi đến sự tự do trong Đấng Christ và sống theo lẽ thật của Ngài, chớ không phục dưới thói tục của đời.

  1. TẬP TỤC VÀ LẼ THẬT KINH THÁNH.
  2. Tập tục là gì?

Tập tục hay phong tục nói chung chỉ về thói quen hoặc truyền thống của nhiều người, theo thời gian lâu ngày được đúc kết thành một khuôn khổ nhất định. Mỗi tập thể có sắc thái riêng biệt của nó, hoặc đó là phản ảnh tín ngưỡng tôn giáo, hoặc là sự mê tín dị đoan, hoặc do ảnh hưởng từ nền văn hóa dân tộc về mặt luân lý đạo đức, luật pháp, nghệ thuật… Cho nên tập tục có thể là thuần phong mỹ tục, hay là đồi phong bại tục tùy thuộc vào trình độ văn hóa và luân lý đạo đức của mỗi dân tộc. Tập tục có thể lưu truyền gây ảnh hưởng cho người khác trong thời gian nào đó, hay bị mất hoặc biến dạng tùy theo ý niệm đạo đức và trào lưu văn hóa của con người trong mỗi thời đại. Như tập tục chôn sống vợ chung với chồng khi chồng chết ở An-độ ngày nay không còn nữa!

  1. Làm thế nào để nhận biết đâu là tập tục tốt, thích hợp với niềm tin chúng ta?

Điểm chúng ta cần phân biệt rõ là tập tục không phải là lẽ thật. Có thể có tập tục thích hợp với niềm tin chúng ta, cũng có tập tục hoàn toàn trái ngược với lẽ thật Kinh Thánh. Tập tục có thể bị thay đổi theo thời gian, nhưng lẽ thật Kinh Thánh tồn tại với thời gian. Như thế trước những tập tục, điều quan trọng là chúng ta cần tìm hiểu bối cảnh của phong tục ấy có phù hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh hay không. Sau đây, chúng ta lần lượt xét qua một số các tập tục thường đối diện trong cuộc sống hằng ngày.

  1. Phong tục ăn tết.

Tết nguyên đán của người Việt chúng ta nhằm đầu mùa xuân, lúc thời tiết ấm áp và trong quang cảnh thật là xinh đẹp với trăm hoa đua nở. Gọi là mừng xuân, tuy nhiên ăn tết theo phong tục người Việt chúng ta không đơn giản như thế, nhưng bị ràng buộc với nhiều thứ tập tục như sau:

– Tại sao có lễ giao thừa vào giờ tý? Để tống khứ cái cũ và rước cái mới!

– Tại sao đốt pháo trong đêm giao thừa? Để trừ tịch, đuổi tà ma quấy rối, đốt pháo càng nhiều càng xua đuổi được nhiều tà ma!

– Tại sao có tục đưa rước ông táo, cúng bái ngũ hành, thổ công? Để tỏ lòng biết ơn trời đất và cầu sự che chở.

– Tại sao có tục cúng gia tiên, thăm mộ ông bà? Để tỏ lòng hiếu thảo.

– Tại sao có tục hái lộc, xông đất, xem quẻ đầu năm? Tại sao có tục lì xì? Để được may mắn, ông bà lì xì mừng tuổi con cháu, con cháu chúc thọ ông bà, tiền lì xì của ông bà là tiền may mắn!

– Tại sao có tục gởi tết, biếu tết, viếng tết? Để trả ơn, trả nghĩa, để cầu chúc may mắn cho nhau.

Tóm lại, trong những tục lệ nói trên cho thấy ăn tết được gắn liền với sự cúng kiến để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, biết ơn trời đất, để tìm cầu sự ban phúc, sự may mắn cho mình! Dĩ nhiên, trong niềm tin, chúng ta không thể chấp nhận những tập tục cúng kiến ngày tết. Dầu vậy với những tập tục như thăm viếng, chúc tết, mừng tuổi chẳng có gì là sai nếu chúng ta biết áp dụng trong tinh thần của Cơ đốc. Như thế, chúng ta ăn tết không phải vì tập tục, nhưng vì sự ca ngợi, biết ơn, tôn thờ Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa Chí Ái, trong sự vui hưởng ơn lành của Chúa và trong sự yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Đó là tinh thần ăn tết của người Cơ đốc. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh những cuộc ăn chơi có tính cách ăn thua cờ bạc trong ngày tết, hoặc dùng hình thức sớ táo quân để tường trình công việc trong năm! Đó chỉ là điều vui đùa mà thôi, nhưng thấy dường như không thích hợp cho lắm với sự vui đùa trong lẽ thật!

  1. Phong tục ngày thánh Va-len-tine.

Phong tục mang tên “Thánh Va-len-tine” nhưng có tính cách thế tục. Tuy nhiên, ngày của tình yêu uyên ương hay tình yêu nói chung là điều tốt. Nhưng câu hỏi quan trọng là loại tình yêu nào? Vì vậy trong tập tục Va-len-tine, người Cơ đốc được khuyến khích biểu lộ tình yêu trong tinh thần của thánh tử đạo Va-len-tine, thứ tình yêu vô kỷ, lâu dài.

  1. Phong tục hỏa táng.

Hỏa táng được thấy ở một số nơi trên thế giới, như tại Ấn Độ trong vòng người Hin-đu. Đây là một cách cất xác của kẻ chết, tuy nhiên điểm chủ yếu ở phía sau tập tục này là tín ngưỡng hay triết lý của nó. Tại sao thân xác kẻ chết phải thiêu đốt? Vì theo quan niệm tôn giáo đông phương cho rằng thân thể là nhà tù, chết là linh hồn được phóng thích, được tự do, nên sự thiêu hủy thân xác là cách để ngăn ngừa linh hồn có thể bị luân hồi trong tương lai. Ngày nay, hỏa táng càng được “thịnh hành”, có thể vì lý do “tiết kiệm”! Nhưng hơn nữa, theo quan niệm của người trong phong trào thời đại mới, hỏa táng là để chối bỏ sự cảnh cáo của Kinh Thánh về ngày đoán xét cuối cùng và sự hình phạt trong địa ngục.

Những quan niệm trên trái với giáo lý Kinh Thánh. Với người Cơ đốc sự chôn kẻ chết như là sự gieo hạt giống xuống đất. Và qua nghi lễ chôn xác kẻ chết trong Chúa là một xác chứng niềm tin của chúng ta về sự sống lại của thân thể trong tương lai (1Côr 15:20-22, 42-44).

  1. THÁI ĐỘ CỦA CƠ ĐỐC NHÂN ĐỐI VỚI TẬP TỤC CỦA ĐỜI.

Theo lời khuyên dạy của Kinh Thánh, với những tập tục trái với niềm tin của Cơ đốc nhân, chúng ta cần có thái độ như thế nào?

  1. Đừng làm theo đời này nhưng hãy biến hóa (Rô-ma 12:2).

Vì Cơ đốc nhân được gọi đến đời sống mới trong Đấng Christ, một đời sống biến hóa chớ không phải đồng hóa với tập tục xấu của thế gian.

  1. Chớ tham dự vào công việc của sự tối tăm (Ê-phê-sô 5:8-11).

Vì chúng ta là con cái của sự sáng, dĩ nhiên chúng ta không chủ tâm chống nghịch các tập tục của đời. Nhưng điểm quan trọng là sự bày tỏ thái độ không tham dự vào những tập tục trái với niềm tin chúng ta.

 Trong lịch sử Hội Thánh, khi Cơ đốc giáo bắt đầu rao giảng cho các dân ngoại, các sứ đồ đã từng bị bắt bớ và tố cáo là “người phá hoại”, làm đảo lộn thói tục của họ! Và trải qua mọi thế đại, tập tục của đời vẫn là một thách thức cho nếp sống đạo của người Cơ đốc, nhất là trước những tập tục hoàn toàn trái ngược với tín lý của mình: Sống theo lẽ thật của Chúa hay theo thói tục của đời? Đây là sự trả giá của niềm tin chúng ta.

Tóm lược.

  1. Chớ bắt chước theo các tập tục xấu của đời và hãy cẩn thận vâng giữ điều răn Chúa là hai điều Đức Chúa Trời phán dặn dân sự Ngài.
  2. Cơ đốc nhân là người được kêu gọi để sống theo lẽ thật của Chúa chớ không phải theo tập tục của đời.
  3. Sự từ bỏ đức tin và trở lại lề thói của thế gian là trở lại trong sự nô lệ của quyền lực tội lỗi và tối tăm.
  4. Với các tập tục của đời, thái độ của Cơ đốc nhân là: (1) Xem xét tập tục ấy có trái với tín lý Kinh Thánh hay không. (2) Không bắt chước, không tham dự các tập tục trái với niềm tin Cơ đốc.
  5. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  6. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  7. Lê-vi Ký 18:21-23: Xin kể vài thói tục của dân ngoại, tức dân thờ tà thần.
  8. Lê-vi Ký 18:1-5; Giê-rê-mi 10:1-2: Đức Chúa Trời nghiêm cấm dân Y-sơ-ra-ên điều gì? Và phán dạy họ làm điều gì? Tại sao?
  9. Ga-la-ti 4:8-11: Phao-lô cảnh cáo tín hữu Ga-la-ti điều gì? Tại sao?
  10. Phong tục và tập tục nào của người Việt không hợp với tín lý của Kinh Thánh?
  11. Đối với phong tục ăn tết, Cơ đốc nhân nên ăn tết như thế nào?
  12. a. Rô-ma 12:2: Người Cơ đốc được khuyến khích có đời sống như thế nào?
  13. Ê-phê-sô 5:8-11: Chúng ta có thái độ như thế nào đối với điều trái với lẽ thật?
  14. Người Cơ đốc nên có thái độ như thế nào đối với tập tục?
  15. Tóm lược những điểm quan trọng sự cảnh cáo của Kinh Thánh về tập tục của đời và thái độ của Cơ đốc nhân đối với tập tục.
  16. Bạn có bị đồng hóa với tập tục xấu nào của đời không? Bạn có bước đi trong sự vâng phục lẽ thật của Chúa chưa?

 

 

 

Post CommentLeave a reply