Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 7.7.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 7.7.2019

By Quản trị in THANH NIÊN on 7 Tháng Bảy, 2019

Chúa nhật 07.07.2019.

  1. Đề tài: NHÌN BIẾT ĐẤNG LÀM ĐẦU.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 11:2-16.
  3. Câu gốc: “…Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn ông là đầu người đàn bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ” (1Cô-rinh-tô 11:3).
  4. Đố Kinh Thánh: Gia-cơ 1-3.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Nam giới. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

            Từ khi A-đam và Ê-va, đôi vợ chồng đầu tiên của loài người phạm tội, mối xung khắc giữa phái nam và phái nữ cũng đã bắt đầu, dầu ngấm ngầm hay là bộc lộ. Và phong trào phụ nữ đòi bình đẳng, bình quyền với nam giới trong các lãnh vực ngoài xã hội và trong Hội Thánh đã thấy rõ ở các nước văn minh.      Tuy nhiên, nếu một ngày nào đó người phụ nữ thay đổi vị trí của mình thì tình trạng trong gia đình, ngoài xã hội và cộng đồng Hội Thánh sẽ như thế nào? Theo sự giãi bày của Phao-lô, điều nầy có hợp lẽ không?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Lời khen tín hữu.

            Để chuẩn bị cho sự khuyên dạy kế tiếp, Phao-lô bắt đầu bằng lời khen tín hữu.

            Trong câu 2, Phao-lô nêu lên hai ưu điểm của tín hữu Cô-rinh-tô:

            (1) Trung thành với Phao-lô.

            (2) Trung tín giữ điều Phao-lô dạy dỗ.

            Giữ sự dạy dỗ của Phao-lô được hiểu trong ý nghĩa của sự giữ truyền thống. Truyền thống ở đây có thể chỉ về sự dạy dỗ của các thư tín (2Tê 2:15), sự giảng Tin lành và giữ giáo nghi Tiệc thánh. 

            Lời khen của Phao-lô trong câu 2 không mâu thuẫn với lời quở trách trong câu 17. Nhưng đây là cách hữu hiệu trong sự sửa dạy người khác. Điều chúng ta học được nơi Phao-lô trong sự sửa dạy Ngài khác là đừng quên nhắc ưu điểm của họ trước khi nói đến khuyết điểm.

  1. Người nữ và khăn trùm đầu.

            Từ câu 3-16, Phao-lô nói đến vị trí của người nữ, một vấn đề có liên quan đến phong tục trong xã hội thời bấy giờ. 

            Theo phong tục của người Hy-lạp, người nam cắt tóc (c.13-15) và người nữ trùm đầu là dấu hiệu chỉ về sự nhìn nhận mối liên hệ thứ bậc thuận hòa của người vợ đối với chồng trong gia đình. Trái lại, sự cạo đầu là dấu hiệu chỉ về người nữ không đứng đắn, kỵ nữ.

            Với phong tục trên, Phao-lô xem sự trùm đầu của người nữ tín hữu khi bước vào phòng nhóm, khi cầu nguyện, khi giảng đạo là điều phải phép và hợp lẽ (c.4-6).

            Để làm sáng tỏ quan điểm của mình, trước hết Phao-lô nêu lên nguyên tắc thứ bậc để cho thấy vị trí của người nữ theo thứ tự mà Đức Chúa Trời sắp đặt trong định luật sáng tạo của Ngài. Theo nguyên tắc thứ bậc, chúng ta được biết: “Đức Chúa Trời là đầu Đấng Christ, Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn ông là đầu người đàn bà” (c.3). 

            Tiếp theo từ câu 4-10,13-15 Phao-lô đưa ra hai dẫn chứng để làm vững nguyên tắc thứ bậc nam nữ:

  1. Theo Kinh Thánh (c.7-10).

   Căn cứ theo Kinh Thánh thì người nam có trước người nữ và người nữ được dựng nên vì người nam (c.8-9). Phao-lô luận rằng: Người đàn ông là hình ảnh và vinh hiển của Đức Chúa Trời, và người đàn bà là vinh hiển của đàn ông.

   Trong Sáng 1:27 chép: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài. Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời. Ngài dựng nên người nam cùng người nữ”. Tuy nhiên, chữ “hình ảnh”“vinh hiển” trong câu 7 Phao-lô muốn nhấn mạnh trong khía cạnh quyền quản trị, là quyền Đức Chúa Trời ban cho người nam trước khi dựng nên người nữ (Sáng 2:18-22). Bởi đó trong vị trí thứ bậc, người nữ là vinh hiển của người nam, có nghĩa là chia sẻ quyền hạn với người nam. Theo J. Hurley trong quyển “Man And Woman – Tạm dịch Người nam và Người nữ” cho rằng: Trong một khía cạnh đặc biệt liên quan đến quyền cai trị, điểm chính trong Cô-rinh-tô có thể nói cách rõ ràng, người đàn ông là hình ảnh của Đức Chúa Trời, còn người đàn bà không phải là hình ảnh của Đức Chúa Trời.

   Đây là lý do Phao-lô giải nghĩa tại sao người đàn ông không nên trùm đầu, mà người đàn bà cần trùm đầu (c.4-6).    

   Theo Phao-lô, khăn trùm đầu là dấu hiệu chỉ về quyền phép người nữ nương cậy. Nhân vật thiên sứ được đề cập trong câu 10, theo quan điểm của các nhà giải kinh phần lớn đều cho rằng Phao-lô ám chỉ đến thiên sứ thánh, thần hầu việc của Đức Chúa Trời, hiện diện giữa con cái Ngài như là người bảo vệ, gìn giữ trật tự (Hêb 1:4). Cho nên, nếu người nữ vào nhóm mà không trùm đầu, được xem như người làm đảo lộn trật tự thứ bậc mà Đức Chúa Trời đã qui định trong công cuộc sáng tạo của Ngài. Như vậy, chắc sẽ chuốc lấy sự sỉ nhục cho chính mình (c.4).

  1. Theo lẽ tự nhiên (c.13-15).

   Theo lẽ tự nhiên Phao-lô cho rằng người nam tự hổ thẹn nếu để tóc dài, vì tóc dài là thuộc về phái nữ. Quan niệm về lẽ tự nhiên nầy thật ra cũng tùy thuộc vào phong tục, tập quán khác nhau ở mỗi nơi. Nhưng điểm Phao-lô muốn nói là sự phân biệt giữa hai phái khác nhau theo nguyên tắc thứ bậc, và sự trùm đầu của người nữ là điều hợp lẽ.

  1. Nguyên tắc thứ bậc và chỗ đứng của người nữ (c.3,11-12).

            Nguyên tắc thứ bậc về quyền làm đầu mà Phao-lô bày tỏ trong câu 3 là một đề tài tranh cãi sôi nổi của các nhà giải kinh trong quan điểm về chữ “Đầu”.

            Một số người thiên về ý nghĩa nam nữ bình đẳng cho rằng chữ “Đầu” chỉ về nguồn gốc. Theo chiều hướng nầy, chữ “Đầu” được nhấn mạnh trong mối tương quan với nhau như điểm bắt đầu của một dòng sông, nguồn của một dòng thác.

            Trái lại, số người khác cho rằng chữ “Đầu” chỉ về người trưởng hay người cai trị. Theo nghĩa nầy, chữ đầu được ghép liền với chữ quyền hành trên người khác. Nếu vậy, theo nguyên tắc thứ bậc trong câu 3 thì Đức Chúa Trời có quyền trên Đấng Christ. Điều nầy trái với sự dạy dỗ chung của Kinh Thánh – Chúa Giê-xu vốn bình đẳng với Đức Chúa Cha trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời (Giăng 10:30).

            So sánh câu 3 với câu 11-12 cho thấy Phao-lô không nhấn mạnh về quyền cai trị trên người khác nhưng chữ “đầu” có thể được hiểu theo nghĩa thứ tự ưu tiên trong mối liên hệ bình đẳng. Như người chồng trên người vợ, nhưng không có nghĩa người chồng ở trong thế cao, còn người vợ ở thế thấp kém hơn mà cả hai người đều bằng nhau trước mặt Chúa, vì cả hai trở nên một thịt. Cũng như trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Đức Chúa Cha đứng trước Đức Chúa Con và Đức Chúa Con đứng trước Đức Thánh Linh nhưng cả thảy đều là một và bình đẳng với nhau.

TÓM LƯỢC

            Những điểm quan trọng trong 1Cô-rinh-tô 11:2-16 là:

  1. Hai điểm được Phao-lô nhấn mạnh trong nguyên tắc thứ bậc:

            – Đấng Christ là đầu Hội Thánh.

            – Xác định vị trí của người nam và nữ.

            Trong tình trạng chia rẽ của Hội Thánh, mỗi phe tự chọn cho mình một người làm đầu và có người cũng muốn rời bỏ vị trí của mình qua sự bỏ khăn trùm đầu. Trong tình trạng xáo trộn nầy, hai điểm trong nguyên tắc thứ bậc trên là yếu tố quan trọng để ổn định trật tự trong Hội Thánh.

            Xã hội ngày nay trong tình trạng hỗn độn, vì người ta chẳng nhìn nhận nguyên tắc thứ bậc mà Đức Chúa Trời đã an bài trong vũ trụ. Như chúng ta thấy trong xã hội ngày nay, làm thế nào có được an ninh trật tự khi người ta chối bỏ Đấng Christ là Đầu của mọi người và làm thế nào có được an ninh trật tự khi người nam và người nữ muốn thay đổi vị trí của mình? 

  1. Nguyên tắc thứ bậc (nguyên tắc hàng dọc) đã được Phao-lô quân bình bởi nguyên tắc hàng ngang trong Chúa. Trong nguyên tắc thứ bậc, chúng ta thấy có thứ bậc nam nữ; còn trong nguyên tắc “trong Chúa” chúng ta thấy có sự bình đẳng. Trong sự quân bình nầy, người nam và người nữ có thể đối xử với nhau cách hợp lẽ. Trong Hội Thánh Chúa, người nam không phải là một đơn vị độc lập, người nữ không phải là một đơn vị phụ thuộc nhưng tất cả đều ngang hàng nhau, đối với nhau trong tinh thần hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau. Sự quân bình giữa hai nguyên tắc thứ bậc và trong Chúa, được nhà bình giải Kinh Thánh Mathew Henry viết rằng: “Ý muốn của Đức Chúa Trời là muốn người nữ nên biết vị trí của mình, cũng như người nam đừng lạm dụng quyền của mình”.

            Tóm lại, trong 2Cô-rinh-tô 11:2-16, Phao-lô không có ý hạ thấp giá trị của người nữ, cũng không có ý tranh cãi về vai trò của người nữ trong Hội Thánh (c.16), nhưng điểm chính của Phao-lô ở phân đoạn Kinh Thánh nầy là hướng dẫn người nữ biết cách trang phục xứng hợp với vị trí của mình trong Hội Thánh theo phong tục thời ấy. Và Phao-lô cũng không ngăn cấm sự dự phần của người nữ trong công việc Hội Thánh nhưng điểm nhấn mạnh là họ đừng ra khỏi vị trí của mình.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Trong câu 2, Phao-lô khen tín hữu Cô-rinh-tô điều gì? Lời khen nầy có liên hệ gì với câu 3 và có mâu thuẫn với câu 17 không? Tại sao?
  3. Trong câu 3, Phao-lô bày tỏ nguyên tắc gì về quyền làm đầu?
  4. Chữ “đầu” trong nguyên tắc thứ bậc mà Phao-lô diễn tả trong câu 3 có nghĩa gì? Theo bạn, nghĩa nào là thích hợp nhất theo quan điểm của Phao-lô khi nói đến phong tục trùm đầu của người nữ?
  5. Xin tìm những lý do Phao-lô nêu lên để chứng tỏ sự trùm đầu của người nữ là điều hợp lẽ, còn sự trùm đầu của người đàn ông là điều xấu hổ? (c.4-10,13-16).
  6. Nguyên tắc thứ bậc nam nữ đã được Phao-lô quân bình thế nào trong câu 11 và 12? Tại sao sự quân bình nầy là điều cần thiết?
  7. Sự quân bình trên cho thấy người nữ có chỗ đứng nào trong Hội Thánh và trước mặt Chúa? Và trong Chúa, người nam và nữ đối đãi nhau với tinh thần nào?
  8. Quan điểm của Phao-lô về vị trí của người nữ trong 11:2-16 và 14:33-36, theo bạn có còn thích hợp cho người nữ trong Hội Thánh ngày nay không? Ngày nay người nữ có thể tham dự công việc nào trong Hội Thánh?

 

 

Post CommentLeave a reply