CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 07.08.2022
By Quản trị in NAM GIỚI on 2 Tháng Tám, 2022
Chúa nhật 07.08.2022
- Đề tài: SỐNG YÊU THƯƠNG.
- Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 13.
- Câu gốc: “Ai không yêu thương thì không nhận biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1Giăng 4:8).
- Đố Kinh Thánh: Gióp 25-28.
- Thể loại: Kịch.
* CHỈ DẪN: Kịch.
- Mời vài người trong ban chấp sự của Hội Thánh nhóm chung với ban Nam giới và làm giám khảo.
- Cách thực hiện chương trình.
* Cách 1: Từ nhiều tuần trước, mỗi nhóm của ban Nam giới họp lại để soạn và tập một vở kịch ngắn với đề tài về “Sống Yêu Thương”. Tùy theo số nhóm mà định thời gian của vở kịch, nhưng không được quá 15 phút.
* Cách 2: Trước giờ nhóm, ban hướng dẫn chia ban Nam giới ra làm 2 hay 3 nhóm và cho ngồi riêng từng nhóm. Đến tiết mục kịch, ban hướng dẫn giao cho mỗi nhóm một câu chuyện ngắn với đề tài về “Sống Yêu Thương”. Trong 20 phút, các nhóm phải biến câu chuyện thành vở kịch, phân vai và tập kịch.
– Các nhóm lần lượt diễn kịch.
– Cách chấm điểm:
+ Thời gian: Đúng giờ (5’ hoặc 15’) 10 điểm. Mỗi phút dư bị trừ một điểm.
+ Tinh thần: Tất cả nhóm viên đều tham gia vào vở kịch: 10 điểm. Thiếu một người trừ 1 điểm.
+ Diễn xuất: 10 điểm.
+ Nội dung: 10 điểm (nếu là vở kịch tự chọn).
– Phát thưởng.
* CÂU CHUYỆN THAM KHẢO.
HÃY QUAN TÂM LẪN NHAU
Một đêm vào năm 1935, thị trưởng thành phố New York đến dự phiên tòa tại một khu phố rất nghèo nàn. Vụ kiện đầu tiên liên quan đến một bà già ăn cắp bánh mì để nuôi mấy đứa cháu bị đói. Đây là một vụ kiện nhỏ, nên ông thị trưởng xin chánh án cho mình ngồi ghế quan toàn để xử kiện.
Tòa tuyên án: “Tôi phạt bà 10 đô-la thay vì 10 ngày tù giam. Bà có gì khiếu nại không?” Bà lão đang ngập ngừng suy nghĩ vì không biết lấy đâu ra 10 đô-la để đóng phạt.
Vừa lúc ấy, ông thị trưởng rút trong túi ra tờ giấy bạc 10 đô- la bỏ vào mũ của ông, sau đó chuyền chiếc mũ cho những người có mặt trong phiên tòa, nói lớn: “Đồng thời, tôi sẽ phạt tất cả những người có mặt trong phòng xử, mỗi người 50 xu vì tội: Đã sống trong một thành phố mà có một người già phải đi ăn cắp bánh mì để nuôi cháu”.
Mọi người đều ngạc nhiên với phán quyết kỳ quặc nầy, nhưng cũng vui vẻ “đóng phạt” 50 xu. Chiếc mũ được chuyền đi một vòng và cuối cùng chuyền đến tay người đàn bà có tội. Bà ta lấy 10 đồng đóng tiền phạt, và còn lại 74 đô-la 50 xu để mua bánh mì nuôi cháu.
Nghĩ đến người khác chính là bí quyết để chúng ta trở thành những con người cao thượng. Xã hội hiện tại làm cho con người chỉ biết nghĩ đến mình. Chúng ta lên án những hành vi phạm pháp, nhưng hiểu được những nguyên nhân thật sự đẩy tội nhân đến chỗ tồi tệ, mà có khi lý do khiến họ sa ngã là vì sự thờ ơ, lãnh đạm và ruồng rẫy của chúng ta. Quan tâm đến những kẻ nghèo khó để chúng ta trắc nghiệm lòng thương xót, là cơ hội để thực hiện những nghĩa cử nhân từ. Khi lòng người mở rộng với kẻ cần sự cứu giúp, đó cũng chính là lúc người nhận được ánh sáng của tình yêu và niềm hạnh phúc ngọt ngào trong sự ban cho, chia sớt và quên mình.
YÊU THƯƠNG LÀ LẼ SỐNG.
Ngày xưa có một vị vua đã từng nam chinh bắc chiến, đến khi về già chợt thấy mình chưa biết lẽ sống ở đời như thế nào. Ông liền triệu tập các hoàng tử lại và bảo:
– Các con yêu quý của ta, những hoàng tử thông minh và can đảm. Nay cha đã già, theo lẽ thường thì phải tỏ tường về lẽ sống ở đời. Thế nhưng cha vẫn chưa hình dung cụ thể được điều đó như thế nào. Vậy trong vòng ba tháng, ai trong các con có thể hiểu và giải thích rõ ràng lẽ sống ở đời này thì cha sẽ truyền ngôi cho người ấy.
Các hoàng tử vâng lời vua cha, họ hỏi han nơi các nhà thông thái để tìm hiểu lẽ sống ở đời là gì. Sau ba tháng, năm hoàng tử vào chầu vua để trình bày sự hiểu biết của mình.
Hoàng tử thứ nhất tâu:
– Thưa cha, lẽ sống ở đời này là tri thức và sức mạnh. Vì vậy con đã thu thập và tuyển chọn được một rương đầy sách về khoa học và võ thuật. Xin cha xem xét.
Nhà vua chỉ gật đầu và ậm ừ cho qua. Ông hiểu rằng đó không phải là lẽ sống ở đời.
Vị hoàng tử thứ hai bước vội lên và nói:
– Thưa cha, con đã biên soạn và thu gọn lẽ sống ở đời vào một bộ sách. Trong đó có tất cả những thành quả lao động mà con người đã đạt được từ trước đến nay. Bộ sách này chắc chắn sẽ làm hài lòng cha.
Nhà vua đọc sơ qua. Ông mỉm cười vì biết rằng đây là bộ sách quý nhưng vẫn không phải là lẽ sống ở đời như ông mong đợi.
Vị hoàng tử thứ ba quỳ xuống và thưa:
– Cha ơi! Con đã gom góp tất cả những câu nói hay của các nhà thông thái vào quyển sách này và thấy đây thực là lẽ sống ở đời.
Nhà vua tỏ vẻ vui mừng, ông đọc được vài trang thì lắc đầu và nói:
– Những câu này quả là hay. Nhưng khi đặt vào cùng một ngữ cảnh, chúng lại đối chọi nhau. Thật là đáng tiếc.
Vị hoàng tử thứ tư thận trọng lên tiếng:
– Thưa cha, lẽ sống ở đời chỉ tóm gọn lại trong một câu nói. Đó là “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Con thấy câu nói này có thể áp dụng được trong cách cư xử hàng ngày và cả trên chiến trường.
Nhà vua thoáng ngạc nhiên, ông trầm ngâm một chút và nói:
– Cả đời cha đã từng minh chứng rằng câu nói của con hoàn toàn đúng. Nhưng nó hình như vẫn chưa đủ. Chính vì thế mà cha cần các con tìm cho ra lẽ sống ở đời này là gì?
Hoàng tử thứ năm cũng là em út nhìn cha một lúc lâu rồi nói:
– Thưa cha, yêu thương chính là lẽ sống ở đời này. Lúc chào đời, ta khóc trong tiếng cười hạnh phúc và lời nói yêu thương của người thân. Trong cuộc sống, ta dùng lòng yêu thương để đem hạnh phúc đến cho mình và mọi người. Khi từ giã cuộc đời, ta cười mãn nguyện trong tiếng khóc tiếc thương của nhiều người. Đó chẳng phải là điều tốt đẹp nhất sao.
Vua cha mỉm cười thích thú, ông nói:
– Rất hay. Con có thế nói rõ hơn nữa không?
Hoàng tử út thưa tiếp.
– Thưa cha, yêu thương là một nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, nó gồm có hai vế: Yêu chính mình và yêu mọi người.
Nghe đến đây nhà vua thấy tâm hồn mình bay bổng, những ưu tư lâu nay tan biến mất. Trước mặt ông là một người con hiếu thảo, nhân ái và thông minh, thật xứng đáng với ngôi vị mà vua cha truyền cho.
Yêu chính mình là một điều rất tự nhiên. Vì yêu mình nên người ta mới học tập để có tri thức, làm việc để có cuộc sống sung túc, lập gia đình để có hạnh phúc và sinh con cái. Khi trong lòng tràn ngập yêu thương và hạnh phúc thì mình dễ dàng yêu thương mọi người. Nếu ai đó luôn sống trong tâm trạng buồn rầu, hằn hộc và cay độc thì không thể nào yêu thương ai được.
Yêu mọi người cũng chính là yêu mình. Vì điều đó làm thỏa mãn nhu cầu yêu thương trong mỗi người. Khi chúng ta dùng tình yêu thương làm cho ai đó được hạnh phúc thì chính mình thấy sung sướng gấp nhiều lần.
Vì vậy yêu chẳng phải là lẽ sống ở đời hay sao? Nó làm tâm hồn mọi người tươi trẻ và cuộc sống tràn ngập niềm vui.
“Yêu thương chính là lẽ sống ở đời”.