Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 21.02.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 21.02.2021

By Quản trị in NAM GIỚI on 20 Tháng Hai, 2021

Chúa nhật 21.02.2021

  1. Đề tài: CANH GIỮ LÒNG MÌNH.
  2. Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 3:12-14; 6:9-12.
  3. Câu gốc: Hãy giữ mình trong sự yêu mến Đức Chúa Trời, và trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta cho được sự sống đời đời” (Giu-đe câu 21).
  4. Đố Kinh Thánh: Các Quan Xét 18-21.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Canh giữ lòng mình”.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Trong bài này, chúng sẽ tiếp tục suy nghĩ về chủ đề “Thức canh”, cụ thể chúng ta sẽ nghiên cứu phần hết sức thiết yếu của nhiệm vụ này như được miêu tả trong Châm ngôn “giữ tấm lòng” (Châm ngôn 4:23). Vấn đề then chốt ở đây là bạn phải biết được mình cần phải thức canh về điều gì. Ở chương trước chúng ta học biết rằng mình cần phải thức canh trước những thời điểm đặc biệt khi chúng ta dễ rơi vào cám dỗ nhất. Trong chương này, chúng ta sẽ học về điều mình cần thức canh, để rồi chúng ta có thể giữ lòng mình tránh sa vào cám dỗ.

  1. Phải biết chính tấm lòng của mình.

Bản chất của mỗi người được cấu thành bởi hai phần quan trọng: nhân cách và tính khí. Chúng ta biết rõ bao nhiêu về những điểm mạnh và điểm yếu trong nhân cách và tính khí của mình, thì chúng ta càng dễ dàng hơn để canh giữ lòng mình. Chúng ta cũng cần biết những ước muốn tội lỗi cụ thể của mình; ví dụ như tham lam, ích kỷ, ghen tỵ, kiêu ngạo, nóng giận, độc ác, trụy lạc giới tính và còn nhiều nữa. Chúng ta cần xem xét để biết mình dễ dàng rơi vào những tội cụ thể nào nhất. Chúng ta cần biết những yếu đuối thuộc linh của mình, như nghi ngờ, sợ hãi, thiếu nhạy bén, tinh thần hay chỉ trích….

Khi dân thành Sa-ma-ri không tiếp rước Chúa Giê-xu và các môn đồ, các môn đồ đã hỏi Chúa là họ có nên sai lửa từ trời xuống thiêu dân cư thành này không. Chúa Giê-xu đã quở trách họ rằng “các ngươi không biết tâm thần nào xui giục mình” (Lu-ca 9:51-56). Nếu họ biết tâm thần nào xui giục mình, họ hẳn đã canh giữ cẩn thận. Đa-vít cho chúng ta biết rằng ông giữ lòng mình khỏi điều ác (Thi thiên 18:23), đó là tội mà ông dễ vướng vào nhất.

Bản chất của một số người vốn là mềm mại và dễ chịu. Bản thân điều đó là phẩm chất đáng quý. Khi ân điển hoàn toàn kiểm soát, thì bản chất này là một phước hạnh lớn lao. Tuy nhiên, cần phải cẩn thận với nó, nếu không ưu điểm có thể trở thành khuyết điểm. Những người khác có bản chất khó chịu, cáu kỉnh và nóng nảy, cho nên họ rất dễ rơi vào chỗ ghen tỵ, xấu tính, ích kỷ, nghĩ cay nghiệt về người khác và nhiều tội giống như thế. Một số người khác có bản chất dễ cáu giận, và họ cũng có một danh sách các tội mà chính bản chất đó của họ khiến họ dễ rơi vào nhất.

Nếu bạn muốn được giữ khỏi cám dỗ, hãy dành thời gian nghiên cứu về bản chất của chính mình. Hãy học để biết mình thật sự là loại người nào và đừng cố gắng biện minh hay bào chữa cho sự xấu xa, yếu đuối mà mình tìm thấy được ở chính mình. Bạn càng biết rõ sự xấu xa và yếu đuối của mình bao nhiêu thì bạn càng được trang bị tốt hơn để tránh sa vào những cám dỗ mà mình dễ rơi vào nhất. Hãy nghĩ đến tấm lòng mình là nơi kẻ phản bội đang ở. Những kẻ phản bội này chính là những ước muốn tội lỗi và yếu đuối của bạn. Cám dỗ luôn luôn chờ sẵn để lợi dụng chúng. Hãy biết ơn nếu có người bạn nào đó sẵn lòng nói cho mình biết mình là loại người nào cũng như những điểm yếu mà mình cần canh giữ cẩn thận. Đây là điều làm tổn thương nhưng đừng bao giờ quên rằng: “bạn hữu làm cho thương tích, ấy bởi lòng thành tín” (Châm 27:6).

  1. Hãy canh giữ những điểm yếu của mình.

Biết điểm yếu của mình không thôi thì chưa đủ, bạn cũng cần phải biết những cách mà cám dỗ sẽ dùng để lợi dụng những điểm yếu này. Có những dịp tiện, những mối quan hệ, những cá nhân, những công việc, những nơi chốn… làm cho cám dỗ trở nên mạnh hơn. Ví dụ, một người có điểm yếu là hay ngồi lê đôi mách, thì có những người và những nơi nào đó mà người này nên tránh. Nếu một người thấy rằng những hình ảnh hay những bản tin trên báo khơi dậy trong mình những suy nghĩ ô uế, thì người này nên cẩn thận mà tránh chúng.

Danh sách những ví dụ có thể được đưa ra thì không thể kể hết, nhưng không có người nào giống người nào. Đây là lý do tại sao chúng ta phải cẩn thận không nên đánh giá sự tự do của người khác. Mỗi người phải tìm để biết điều nào trong mình khiến cho cám dỗ lợi dụng và làm tất cả những gì có thể để tránh những điều đó. Nhiều người có thể đi qua cánh đồng cỏ đã cắt mà không bị ngứa mùa cỏ khô. Nhưng người nào bị ngứa mùa cỏ khô thì sẽ khôn ngoan mà tránh đồng cỏ đó. Cũng như vậy, mỗi người trong chúng ta cần biết những “dị ứng” cụ thể của mình, những điều khiến cám dỗ lợi dụng, và tìm mọi cách để tránh chúng. Rõ ràng là không thể nào tránh hết mọi cám dỗ. Nếu chúng ta khôn ngoan, chúng ta sẽ lên kế hoạch để tránh cả những gì mình có thể. Khi vì nhiệm vụ hay trong sự tể trị Thiên Thượng chúng ta bị đưa vào cám dỗ, thì chúng ta phải tin cậy Chúa gìn giữ mình.

  1. Cất giữ trong lòng những vật dụng dự phòng để chống lại cám dỗ.

Chúng ta phải biết “kẻ phản bội” ẩn núp trong lòng mình. Như vậy thôi chưa đủ. Chúng ta cũng phải cố gắng để cất giữ những của báu trong lòng mình để lấy ra dùng trong lúc cám dỗ. Ngày xưa, đôi khi kẻ thù sẽ kéo đến một pháo đài hay thành trì nào đó để bao vây và chiếm thành. Nếu kẻ thù thấy thành đó được trang bị cẩn thận và có quân nhu dồi dào và như thế có thể chống trả lại được, thì chúng sẽ rút lui không còn muốn tấn công nữa. Cũng như vậy, nếu Sa-tan, chúa của thế gian này đến và thấy chúng ta sẵn sàng được trang bị để chống trả lại, nó không chỉ rút lui mà bỏ chạy như Gia-cơ đã nói (Gia-cơ 4:7).

Điều đặc biệt chúng ta cần cất giữ trong lòng đó là sự nhận biết về tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Đây là biện pháp phòng giữ tốt nhất trên thế gian này nhằm chống lại sức mạnh của cám dỗ. Giô-sép có được điều này khi bị vợ Phô-ti-pha cám dỗ liên tục. Điều này giúp ông có thể thốt lên “Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao” (Sáng 39:9). Giô-sép đã cất giữ một sự nhận biết sâu sắc về tình yêu của Đức Chúa Trời trong lòng mình cho nên sự cám dỗ liên tục và hấp dẫn nhằm khiến ông phạm tội không bắt phục được ông. Sứ đồ Phao-lô nói rằng tình yêu của Đấng Christ thúc đẩy chúng ta sống cho Ngài (2Cô 5:14). Tình yêu đó cũng giúp chúng ta chống lại cám dỗ.

Chúng ta cũng nên cất giữ trong lòng mình sự nhận biết về luật pháp và nỗi sợ hãi sự chết, địa ngục và đoán phạt, cùng với sự kính sợ Chúa trong đó. Dầu vậy, những điều này dễ dàng bị chế ngự. Bản thân những điều này sẽ không bao giờ đứng vững được trước sự tấn công dữ dội của cám dỗ. Những điều này bị chế ngự mỗi ngày. Một tấm lòng cất giữ những điều này sẽ chống lại cám dỗ trong một lúc nhưng sẽ nhanh chóng bị khuất phục. Cần phải có sự nhận biết về tình yêu của Chúa đi kèm theo.

Bạn cần cất giữ điều gì trong lòng để thắng cám dỗ? Bạn cần một sự nhận biết về tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, một sự hiểu biết về mục đích đời đời của ân điển Ngài; một sự vui mừng trong huyết của Đấng Christ và trong tình yêu của Ngài khi chết thế cho chúng ta. Hãy đổ đầy lòng bạn bằng sự vui mừng trong những đặc ân chúng ta có được qua sự chết của Chúa Giê-xu đó là sự được nhận làm con nuôi, sự xưng công bình, và sự chấp nhận của Chúa. Hãy đổ đầy lòng mình với những suy nghĩ về sự đẹp đẽ của sự thánh khiết. Đó là món quà mà Chúa Giê-xu đã mua. Đây là mục đích tối hậu của sự chết Ngài, đó là để chúng ta “được làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời” (Êph 1:4). Một tấm lòng cất giữ những điều quý giá như thế, trên tiến trình bình thường bước đi với Chúa, sẽ có được sự bình an và an ninh lớn thoát khỏi sự quấy rối của cám dỗ.

Sự nhận biết về tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ có thể được tóm tắt trong cụm từ này “sự bình an của Đức Chúa Trời”. Theo như vị sứ đồ cho chúng ta biết thì sự bình an này “sẽ gìn giữ lòng và tâm trí anh em” (Phi-líp 4:7). Sự bình an của Đức Chúa Trời là sự ban cho đặc biệt của Chúa chống lại sự cám dỗ lo lắng, theo như phân đoạn tiếp theo cho biết. Sự bình an đó cũng canh giữ trước mọi hình thức cám dỗ. Từ “canh giữ” trong tiếng Hy-lạp là một từ dùng trong quân đội có thể được dịch là “sẽ canh giữ như trong một pháo đài”. Có hai điều cần được nói về pháo đài. Thứ nhất, đó là nơi kẻ thù nhìn thấy, và thứ hai đó cũng là nơi an toàn khỏi kẻ thù. Đối với linh hồn chúng ta cũng vậy. Linh hồn đó đối diện với cám dỗ và và bị tấn công liên tục; nhưng nếu được giữ trong pháo đài của sự bình an Đức Chúa Trời, thì cám dỗ sẽ không bước vào, và kết quả là chúng ta sẽ không sa vào cám dỗ.

  1. Tỉnh thức luôn luôn.

Lính canh là người cảnh giác và sẵn sàng với nhất cử nhất động của kẻ thù. Cũng như vậy, Cơ Đốc nhân phải cảnh giác với những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự tiếp cận của cám dỗ. Nhiều Cơ Đốc nhân không hề nhận biết sự tiếp cận của kẻ thù cho đến khi kẻ thù làm họ bị thương. Những người bạn Cơ đốc của họ có thể nhìn thấy những dấu hiệu báo động trong khi chính họ hoàn toàn không hề ý thức gì về những điều đang xảy ra. Những Cơ Đốc nhân như thế có thể ví như những người đang ngủ trong một cái nhà bị cháy mà không hề biết nguy hiểm cho đến chừng những người xung quanh đánh thức họ dậy và báo cho biết. Quá trình sa vào chước cám dỗ thường rất khó phân biệt. Sở dĩ như vậy là vì có quá nhiều điều liên quan đến cám dỗ lại có vẻ vô hại.

Có thể minh họa cho điều này từ sự cám dỗ phạm tội không cầu nguyện. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ về điều này. Rất thường xuyên, khởi đầu của cám dỗ này đơn giản chỉ là cơ hội giúp đỡ người khác. Dần dần, những cơ hội này càng ngày càng nhiều, đến cuối cùng người này thấy mình quá bận rộn, quá bận rộn đến nỗi không có thì giờ cầu nguyện. Trước đó ai lại nghĩ rằng cơ hội giúp đỡ người khác lại là khởi đầu cho một sự cám dỗ dẫn tới phạm tội không cầu nguyện? Nhiều cám dỗ khởi đầu tiến trình dưới việc làm vô ý hay hành động tử tế. Điều này dẫn tới điều khác và trước khi người đó nhận biết điều này thì anh ta đã vướng vào một cám dỗ quá lớn.

Ma quỷ thích biến điều tốt trở thành điều xấu. Vì vậy, Cơ Đốc nhân cần sự khôn ngoan và tỉnh thức để tránh những cạm bẫy có thể dẫn đến cám dỗ. Nếu bạn từng nghi ngờ rằng một người nào đó, một cơ hội, một hoàn cảnh hay bất cứ điều gì khác, đang bị Sa-tan sử dụng làm phương tiện để dẫn bạn sa vào cám dỗ, thì đừng bước thêm bước nữa cho đến chừng bạn chắc chắn rằng Chúa đang hướng dẫn các bước đi của bạn. 

  1. Hãy nghĩ đến hậu quả mà cám dỗ đem đến.

Nếu chúng ta muốn thức canh chống lại cám dỗ như điều mình nên làm, thì chúng ta cần liên tục nhắc nhở chính mình về kẻ thù. Đặc biệt chúng ta cần nhắc nhở chính mình về hậu quả mà cám dỗ đem đến. Chúng ta có hai kẻ thù tích cực hoạt động để cố gắng dẫn chúng ta vào cám dỗ. Chúng ta có một kẻ thù bên trong chính mình, kẻ phản bội, đó là ước muốn tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có một kẻ thù bên ngoài, đó là ma quỷ.

Chúng ta phải xem những ước muốn tội lỗi của mình như là kẻ thù nguy hiểm và chúng ta cần tìm ân điển của Chúa để ghét kẻ thù này. Mỗi ngày chúng ta phải nhắc nhở chính mình rằng kẻ thù kinh khủng nhất của mình đang ở gần. Kẻ thù này là kẻ phản bội trong lòng tôi với mục đích làm tôi sa bại hoàn toàn. Vì vậy, thật sự là điều ngu dại biết dường nào nếu tôi nộp mình trong tay hắn để bị hủy hoại!

Sa-tan chẳng phải là bạn bè gì cả. Không, tất cả những gì tình bạn của nó đem lại là lừa dối tôi như rắn, hay cắn nuốt như sư tử. Hãy luôn luôn nhớ rằng, Sa-tan có mục đích sâu xa hơn là làm cho bạn vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Ngoài việc cám dỗ bạn phạm tội, Sa-tan còn muốn nhiều hơn thế. Ước muốn cuối cùng của nó là hủy hoại linh hồn bạn. Nếu Chúa không cho phép nó hủy hoại linh hồn bạn, thì nó sẽ cố gắng tấn công bạn bằng nghi ngờ và sợ hãi về mối liên hệ của bạn với Christ. Hôm nay, Sa-tan có thể đề nghị với bạn rằng “Ngươi thuộc về Giê-xu, cho nên ngươi tuyệt đối an toàn ngay cả khi ngươi phạm tội đi nữa”. Một vài giờ sau, khi bạn đã làm theo lời khuyên của nó, nó sẽ nói với bạn “Ngươi không thể thuộc về Giê-xu bởi vì nếu ngươi thật sự thuộc về Giê-xu, thì ngươi đã không phạm tội”. Đừng bao giờ quên rằng nó là kẻ thù chết người. 

  1. Sử dụng thuẫn đức tin chống lại cám dỗ.

Hãy đối diện cám dỗ bằng những suy nghĩ của đức tin về Đấng Christ trên thập tự giá. Nếu bạn muốn được giữ khỏi sa vào cám dỗ, đừng bao giờ nghĩ đến việc thỏa thuận với nó. Điều đó không thể thực hiện được! Đừng tranh luận về nó. Hãy chống lại nó, nhận biết rằng “Chính Đấng Christ đã chết cho những tội lỗi như thế này”. Như vậy có nghĩa là “lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ” (Êph 6:16). Đức tin có thể làm được điều này nhờ Đấng Christ đã chịu đóng đinh và nhớ lại tình yêu của Ngài khi sẵn lòng chịu đóng đinh, chịu đau đớn tột cùng vì cớ tội lỗi chúng ta. Cám dỗ mà bạn đối diện cho dù là bất cứ cái gì đi nữa, thì đều có thể bị đánh bại bởi đức tin nơi thập tự giá của Đấng Christ. 

  1. Điều gì xảy ra nếu tôi thất bại?

Có thể bạn bị cám dỗ tấn công bất ngờ và bị vướng vào nó mà không nhận biết (như đã nói đến trong chương 4). Nếu điều đó xảy ra, thì bạn có thể làm gì để cứu mình khỏi bị cám dỗ, áp đảo và bị đánh bại hoàn toàn?

* Trước tiên: Hãy làm như sứ đồ Phao-lô đã làm, liên tục nài xin Chúa “cất nó khỏi mình” (2Cô 12:8). Nếu bạn kiên trì làm như vậy, thì Chúa hoặc sẽ giải cứu bạn, hoặc sẽ làm cho bạn như Ngài đã làm cho Phao-lô, đó là ban cho bạn đủ ân điển để không bị cám dỗ đánh bại. Cho dù cám dỗ có cấp bách đến đâu đi nữa, cũng đừng quên rằng Chúa có thể làm cho nó đi khỏi. Vì vậy, hãy cầu nguyện chống lại cám dỗ cho đến chừng nó đi khỏi hoặc cầu xin Chúa ban cho bạn sức mới để chống lại nó và đắc thắng.

* Thứ hai: Hãy chạy đến với Đấng Christ. Chạy đến với Ngài bằng đức tin, đặc biệt nhớ rằng Ngài biết tất cả về cám dỗ. Hãy nài xin Ngài “Hầu cho bạn được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần” (Hê-bơ-rơ 4:16). Khi bạn bị cám dỗ và sắp bỏ cuộc, khi bạn cần sự giúp đỡ và cảm thấy rằng hoặc bạn phải có nó hoặc phải chết thì hãy hướng đức tin của mình về Đấng Christ, Đấng cũng đã từng bị cám dỗ. Hãy nghĩ đến những cám dỗ mà Ngài chịu. Hãy nhớ rằng Ngài đã đắc thắng tất cả những điều đó. Hơn thế nữa, hãy nhớ rằng Ngài để cho chính mình chịu cám dỗ đó là vì chúng ta và đắc thắng cám dỗ cũng là vì chúng ta. Khi bạn nài xin, hãy biết chắc rằng Ngài sẽ cảm thông với bạn và sẽ đến giúp đỡ. Hãy chạy đến dưới chân Chúa, và tỏ bày hoàn cảnh của mình cho Ngài, tỏ bày cho Ngài tất cả, cầu xin sự giúp đỡ và điều đó sẽ không vô ích đâu.

* Thứ ba: Hãy trông đợi với đức tin nơi Ngài, Đấng đã hứa ban sự giải cứu. Hãy nghĩ đến sự thành tín của Chúa. Chính Ngài đã hứa “Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu” (1Cô 10:13). Chúa không làm chúng thất vọng đâu! Hãy nhắc cho mình nhớ tất cả những lời hứa của Chúa về sự giúp đỡ, giải cứu và suy nghĩ đến những lời đó. Hãy biết chắc rằng Chúa có vô số cách, gồm cả những cách mà bạn không hề biết, để giải cứu bạn. Dưới đây chỉ là một vài cách mà Ngài sử dụng:

  1. Ngài sai đến một hoạn nạn làm cho chết đi ham muốn tội lỗi cụ thể nào đó mà cám dỗ muốn làm cho thỏa mãn.
  2. Dưới sự tể trị của Ngài, Ngài thay đổi toàn bộ hoàn cảnh mà sự cám dỗ xuất hiện. Ngài cất đi nguồn của cám dỗ, giống như lấy đi nhiên liệu ra khỏi đám cháy. Đám cháy tắt đi vì nó không còn gì để tiếp nhiên liệu cho nó nữa.
  3. Ngài giày đạp Sa-tan dưới chân bạn, để rồi trong một lúc Sa-tan hoàn toàn bị đánh bại. Đức Chúa Trời bình an sẽ làm điều đó (Rô-ma 16:20).
  4. Chúa ban ân điển để bạn không bị cám dỗ đánh bại cho dù cám dỗ vẫn tiếp tục vây quanh bạn.
  5. Chúa sẽ nâng đỡ và ban cho bạn niềm tin rằng bạn sẽ mạnh mẽ hơn sau khi đã chiến thắng sự cám dỗ. Đây là lý do vì sao Phao-lô nói rằng: “Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ” (2Cô 12:10).
  6. Chúa sẽ cất đi sự cám dỗ và khiến cho bạn được chiến thắng. 

* Thứ tư: Đừng quên tìm hiểu xem sự cám dỗ đã tấn công bạn bất ngờ như thế nào. Làm thế nào sự cám dỗ đã có kiểm soát được lòng bạn. Hãy nghĩ đến linh hồn bạn như chiếc thuyền có lỗ thủng, nó sẽ chìm nếu lỗ thủng đó không được bít lại. Hãy tìm chỗ thủng và bít lại! Tìm xem sự cám dỗ đã bước vào linh hồn bạn bằng cách nào. Hãy khôn ngoan! Hãy tự hỏi chính mình rằng: khi nào, làm thế nào, bằng cách nào mình đã rơi vào trong tình trạng rắc rối này. Bạn sẽ nhận ra rằng mình đã lơ đễnh hay bất cẩn, thiếu thức canh như thường lệ. Nếu đó là nguyên nhân thì bạn phải nhanh chóng ăn năn trước mặt Chúa về điều đó. Tin rằng Chúa sẽ tha thứ và phục hồi bạn.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Canh giữ lòng mình có nghĩa là như thế nào? Cơ Đốc nhân cần canh giữ lòng mình trong lãnh vực nào?
  3. Chúng ta cần trang bị như thế nào để được vững vàng trong đức tin?
  4. Trong chúng ta có thời điểm nào đó có thái độ nghi ngờ Chúa không? Tại sao?
  5. Trong Hê-bơ-rơ 3:12, tác giả nhắc nhở tín đồ phải cẩn thận về điều gì? Cụ thể về “lòng dữ” và “chẳng tin” là như thế nào?
  6. Khi gặp một vấn đề làm cho bạn bối rối và đức tin lung lay, bạn làm thế nào để chứng tỏ rằng bạn tin chắc Chúa Giê-xu là chân lý và trong Ngài “Giấu kín mọi kho tàng về khôn ngoan và thông sáng”?
  7. Bạn nhận thấy tấm lòng của bạn với Đức Chúa Trời đang trong tình trạng như thế nào?
  8. Bạn nhận thấy mình có những điểm yếu nào cần canh giữ? Bạn đã và đang làm gì để giữ lòng tin ban đầu của mình cho đến cuối cùng?

 

Post CommentLeave a reply