Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 25.10.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 25.10.2020

By Quản trị in NAM GIỚI on 21 Tháng Mười, 2020

Chúa nhật 01.11.2020.

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ BẤT ĐỒNG Ý KIẾN.
  2. Kinh Thánh: Công vụ 15:3,5-40; Phi-líp 2:1-3.
  3. Câu gốc: “Anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn” (Phi-líp 2:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Phục truyền 21-24.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn vào Chúa nhật 22.8.2020).

* CÂU HỎI GỢI Ý.  

(1.1) Câu hỏi suy luận: Vấn đề nào khiến Phao-lô và Ba-na-ba bất đồng ý kiến với nhau?

(1.2) Câu hỏi áp dụng: Ngày nay, giữa vòng những người tin theo Chúa có sự bất đồng ý kiến với nhau không? Vì sao?

(2.1) Câu hỏi suy luận: Điều gì xảy ra sau cuộc tranh luận giữa Phao-lô và Ba-na-ba? Cách giải quyết như vậy có tốt không?

(2.2) Câu hỏi áp dụng: Những điểm bất đồng trong đời sống có làm ngăn trở sự thông công giữa bạn và những anh em cùng đức tin không? Vì sao có? Vì sao không?

(3.1) Câu hỏi suy luận: Lý lẽ hai người đưa ra có hợp lý không?

(3.2) Câu hỏi áp dụng: Khi lý lẽ hai bên đều đúng, bạn nên giải quyết theo hướng nào? Dựa vào tiêu chuẩn nào?

(4.1) Câu hỏi suy luận: Dù phải phân rẽ nhau nhưng công việc của mỗi người đều đạt được kết quả tốt; theo bạn, vì sao lại có được điều đó? 

 (4.2) Câu hỏi áp dụng: Nếu bạn thành công trong tình huống tương tự, bạn nghĩ gì về ý kiến của người khác khi họ không đồng ý với bạn? Bạn có nhìn thấy lý do tốt trong sự khác biệt đó không?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Nói đến sự hiệp ý là cả một vấn đề. Người ta thường nói “Chín người mười ý”. Ngay trong gia đình, cha mẹ và con cái đôi lúc cũng chẳng hợp ý với nhau, huống chi là một cộng đồng rộng lớn bên ngoài.

Trong công việc nhà Chúa, sự bất đồng quan điểm giữa người hầu việc Chúa với nhau cũng là điều khó tránh; như câu chuyện bất đồng ý kiến giữa Ba-na-ba với Phao-lô (Công vụ 15:35-40).

A. VẤN ĐỀ CỦA PHAO-LÔ VÀ BA-NA-BA.

  1. Nguyên nhân: Ba-na-ba và Phao-lô đều là những tôi tớ của Chúa. Mặc dầu Ba-na-ba quê ở đảo Chíp-rơ, Phao-lô quê ở Tạt-sơ, nhưng họ đã gặp nhau trong công trường hầu việc Chúa. Hơn nữa, ngoài sự quen biết nhau của người bạn đồng lao, giữa Ba-na-ba và Phao-lô còn có mối tình cảm thật đậm đà thân thiết. Ngay từ lúc Phao-lô mới được cải hóa trở thành môn đồ của Đấng Christ, có thể nói Ba-na-ba là người đỡ đầu để Phao-lô bước vào chức vụ. Với lời chứng tốt trước mặt các sứ đồ, Ba-na-ba đã đánh tan mối nghi ngại của mọi người đối với Phao-lô. Ba-na-ba chia sẻ với Phao-lô công việc Chúa, và kết bạn đồng hành với nhau trong chuyến đi truyền giáo đầu tiên (Công vụ 9:26-30; 11:22-26; 12:24-25; 13:1-3). Trong mối liên hệ gần gũi như vậy, bỗng dưng xảy ra một cuộc cãi vã làm sứt mẻ tình bạn thắm thiết ngày nào, nguyên do chỉ vì Mác.

Mác còn có tên là Giăng quê ở Giê-ru-sa-lem, bà con với Ba-na-ba, và được nhận làm người giúp việc cho hai sứ đồ (Công vụ 12:25; Cô-lô-se 4:10). Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất, Mác cùng đi với Ba-na-ba và Phao-lô, nhưng giữa chừng lại bỏ việc (Công vụ 13:5,13). Chúng ta không biết rõ lý do, nhưng nếu nhìn thấy sự trưởng thành của Mác về sau, thì có thể nói lúc ấy Mác tuổi trẻ bồng bột, sốt sắng đó, nhưng cũng dễ thối lui trước những gian nan, nguy hiểm của cuộc hành trình. 

Sau vòng truyền giáo thứ nhất ít lâu, Phao-lô đề nghị với Ba-na-ba thực hiện cuộc truyền giáo thứ hai. Lần nầy Ba-na-ba có ý đem Mác theo, còn Phao-lô thì không. Sự bất đồng ý kiến nầy đã đưa hai sứ đồ đến cuộc cãi lẽ nhau. Với Phao-lô, người có ân tứ rao giảng, và tấm lòng nóng cháy chinh phục linh hồn tội nhân cho Đấng Christ, thì sự bỏ cuộc của Mác là điều không thể chấp nhận. Nhưng với Ba-na-ba, vốn là giáo sư có ân tứ dạy dỗ và khuyên bảo, thì nhìn thấy dù trong người thanh niên Mác có những khuyết điểm nhưng có thể đào tạo, chăm sóc để trở thành một tinh binh cho Đấng Christ. Vì lòng khoan nhân, Ba-na-ba muốn cho Mác một cơ hội nữa.

  1. Kết cuộc: Xét ra mỗi người đều có lý do của mình và mỗi lý do đều hợp lẽ, nhưng đáng tiếc là không tìm được sự dung hòa đến nỗi kết cuộc hai người phân rẽ nhau. Cuộc chia tay đáng tiếc đã đưa mỗi người mỗi ngã: Phao-lô cùng Si-la trải qua xứ Sy-ri, Si-li-si và bắt đầu cho công cuộc truyền giáo hướng về Châu Âu. Qua người bạn đồng lao mới, Phao-lô cũng đã học hỏi nhiều điều về cách cư xử với nhau mà chúng ta thấy trong lời khuyên nhủ các tín hữu của ông sau đó.

Còn Ba-na-ba đem Mác theo mình, đáp thuyền sang đảo Chíp-rơ. Kể từ đó chúng ta không biết thêm về công việc của Ba-na-ba, nhưng một điểm son trong chức vụ của Ba-na-ba là sự thành công trong việc huấn luyện Mác. Từ một thanh niên trốn tránh trách nhiệm, Mác đã trở nên hữu dụng và đáng tín nhiệm cho Phao-lô sau đó (Cô-lô-se 4:10; 2Ti-mô-thê 4:11; Phi-lê-môn 24); từ một người nhút nhát trở thành chiến sĩ trung thành cho Đấng Christ. Về sau Mác trở thành người giúp việc đắc lực cho sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ (1Phi-e-rơ 5:13). Theo truyền khẩu kể rằng Mác được sứ đồ Phi-e-rơ sai đến Ai-cập thành lập Hội Thánh tại Alexandria, và tuận đạo trong thời Nero. Mác cũng chính là trước giả của sách Phúc âm Mác, một sách giới thiệu Chúa Cứu Thế cho mọi người. Tóm lại, sự chia rẽ của Ba-na-ba và Phao-lô là điều chẳng nên có đối với những người hầu việc Chúa. Nhưng trên hết chúng ta nhìn thấy có bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời, và bởi ân điển Ngài thể hiện đã khiến điều đáng tiếc ấy trở thành có ích trong việc mở rộng Nước Chúa và cho người hầu việc Ngài.

B. BÀI HỌC CHO CHÚNG TA.

Từ vấn đề của Phao-lô và Ba-na-ba, chúng ta thấy rằng sự bất đồng quan điểm giữa người hầu việc Chúa với nhau là điều khó tránh. Vì thế vấn đề của chúng ta là làm thế nào để giữ sự hiệp nhất trong công việc Chúa mặc dầu có ý kiến khác nhau? Sự chia rẽ không phải là phương cách tốt nhất để giải quyết vấn đề bất đồng quan điểm, vì cách sống của Cơ Đốc nhân là hòa bình. Qua sự phân rẽ giữa Phao-lô và Ba-na-ba, chắc hẳn đã để lại trong lòng mỗi người những niềm đau chẳng ít. Vì thế, với kinh nghiệm ấy và trưởng thành trong chức vụ, lời khuyên dạy tín hữu của Phao-lô về sau đã cho chúng ta những nguyên tắc cần thiết để giữ sự hiệp nhất trong công việc Chúa (Phi-líp 2:2-5).

  1. Tránh quá khích và cực đoan: “…Chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường…” (Rô-ma 12:3).
  2. Nhường nhịn, khoan dung: Cực đoan đưa đến sự gãy đổ, nhưng nhường nhịn giữ được hòa khí với nhau trong công việc Chúa. Cho nên trước sự khác ý, nên phân tích xem đó là ý gì, nếu vấn đề không phải là quan trọng, chúng ta nên nhường nhịn, hòa giải. Ngoại trừ sự khác nhau về tín lý mà đó là điều trái hẳn với sự dạy dỗ của Kinh Thánh, buộc chúng ta phải giữ vững chẳng chút nhún nhường với kẻ tà đạo.
  3. Tôn trọng ý kiến của người khác: Tìm hiểu những ý kiến khác với ý kiến của chúng ta, nếu đó là lẽ phải thì nên hợp tác, nếu đó không thuộc vào lãnh vực của chúng ta, chúng ta nên nâng đỡ. Vì mỗi người được ban cho ân tứ khác nhau, và qua ân tứ ấy chúng ta nhìn thấy nhu cầu công việc trong mỗi khía cạnh khác nhau. Nhưng không phải vì sự khác nhau nầy để đưa đến sự chia rẽ, mà để bổ túc cho nhau.
  4. Tránh sự cãi lẫy, nhưng tìm giải pháp ôn hòa.
  5. Mặc lấy tình yêu thương và sống trong tâm tình của Đấng Christ.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.

  1. Phao-lô và Ba-na-ba bất đồng ý kiến nhau về vấn đề gì?
  2. Lý do của hai người có hợp lẽ không?
  3. Sự bất đồng ý kiến đã đưa đến kết cuộc như thế nào? Sự chia rẽ như vậy có phải là cách giải quyết vấn đề tốt nhất không? Vì sao? (Công vụ 15:35-40).
  4. Đối với sự bất đồng ý kiến, chúng ta nên giải quyết theo đường lối nào?
  5. Chúng ta học biết điều nào nên tránh để có thể giữ sự hiệp nhất với nhau trong công việc Chúa?
  6. Những nguyên tắc nào giúp người hầu việc Chúa trong vấn đề bất đồng ý kiến với nhau? (Phi-líp 2:2,5).
  7. Bạn có sẵn sàng nhượng bộ ý kiến riêng cho ý kiến chung trong công việc Chúa không?
  8. Bạn có nhìn thấy được lý do tốt trong ý kiến của người khác không?

 

Post CommentLeave a reply