CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 12.09.2021
By Quản trị in NAM GIỚI on 6 Tháng Chín, 2021
Chúa nhật 12.09.2021
- Đề tài: THẤT BẠI VÀ CHIẾN THẮNG.
- Kinh Thánh: Giô-suê 7:1-29.
- Câu gốc: “Ngựa sắm sẵn về ngày tranh chiến; nhưng sự thắng trận thuộc về Đức Giê-hô-va” (Châm 21:31).
- Đố Kinh Thánh: 2Các vua 7-9.
- Thể loại: Học Kinh Thánh Nhóm.
* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 18.07.2021).
Câu hỏi thảo luận theo nhóm.
(Người phụ trách chương trình tự đặt các cụm câu hỏi căn cứ trên phân đoạn Kinh Thánh được chọn trong bài học – Tùy theo số lượng các nhóm của ban Nam giới mà đặt bao nhiêu cụm câu hỏi).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trong cuộc sống ở đời, cho dù có thành công đến đâu, nhưng cũng có lúc thất bại! Tuy nhiên, mỗi sự thất bại đều có lý do của nó. Cho nên đi tìm nguyên nhân của sự thất bại là điều cần thiết cho sự thành công.
- SỰ BẠI TRẬN TRƯỚC THÀNH A-HI.
- SỰ THẤT BẠI CỦA Y-SƠ-RA-ÊN (7:1-9).
- Sự do thám thành A–hi (c.1-3).
Cũng như Giê-ri-cô, trước khi tiến quân, Giô-suê sai người do thám A-hi. Sự do thám kẻ địch để chuẩn bị cho chiến trận là điều có cần về mặt quân sự. Tuy nhiên, có một điều khẩn cấp trong Y-sơ-ra-ên cần phải giải quyết trước hết mà Giô-suê không hay biết. Đó là tội lỗi của A-can, và cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đang nổi phừng trên Y-sơ-ra-ên! (c.1). Giô-suê thiếu sự nhạy cảm nầy, là nhạy cảm cần có trong người lãnh đạo dân sự Chúa. Trong tình trạng như vậy, sự đưa quân ra trận thật là liều lĩnh vô cùng! Trong đời sống con cái Chúa có Đức Thánh Linh ngự trị, có sự “nhạy cảm” đối với tội lỗi. Vì vậy khi biết mình bị mất sự hiện diện của Chúa, chúng ta phải tìm cho ra nguyên nhân và giải quyết vấn đề ngay với Chúa.
Chúng ta nhận thấy có sự khác nhau giữa hai lời phúc trình về việc do thám (2:23-24; 7:2-3). Lời phúc trình của hai người do thám Giê-ri-cô là phúc trình của người với tấm lòng nương cậy Chúa. So sánh với lời phúc trình của các người do thám A-hi là lời phúc trình của người tự tin. Họ chỉ dựa vào điều mắt thấy mà phán đoán sự việc, và vì quá tự tin nên họ đã viết lên bản phúc trình sai lệch, khinh địch, ỷ lại vào sức mình, đem lại tai hại cho đạo binh Y-sơ-ra-ên. Nói rằng người A-hi quá ít, nhưng thực sự dân số của họ đến 12.000 người! (8:25).
- Sự bại trận của dân Y-sơ-ra-ên (c.4-5).
Theo lời phúc trình của các người do thám, Giô-suê đưa một đạo quân chừng 3.000 người tiến đánh A-hi. Từ Ghinh-ganh cách Bê-tên khoảng 15 dặm về phía Tây là một lối dốc. Vì Ghinh-ganh ở dưới mặt nước biển 300 thước, trong khi đó A-hi ở độ cao hơn mực nước biển 800 thước. Trên con đường dốc ấy có chừng 36 chiến sĩ Y-sơ-ra-ên ngã chết, và quân Y-sơ-ra-ên chạy trốn trước dân A-hi! Một hậu quả thật bi thảm của dân sự Chúa ra trận không có sự hiện diện của Chúa! Có hai bức ảnh tương phản nhau giữa đoạn 6 và 7. Một bức ảnh dân Y-sơ-ra-ên ở trên đỉnh của sự chiến thắng rực rỡ, và một bức ảnh dân Y-sơ-ra-ên ở dưới thung lũng của sự thất bại nhục nhã, buồn thảm! Tại sao người trong sự chiến thắng ấy bỗng chút lại rơi vào vực sâu của sự thất bại não nề?
Chúng ta biết nguyên nhân chính của sự bại trận ấy là tội lỗi của A-can. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng thấy những lỗi lầm của Giô-suê và các người do thám A-hi. Lỗi lầm của họ là lỗi lầm hay vấp phải của người vì “say men chiến thắng”. Chúng ta hãy học bài học ở đây từ sự thất bại của Y-sơ-ra-ên. Trong lúc thành công, là lúc chúng ta càng nên cẩn thận dè giữ chính mình hơn hết.
– Coi chừng tội lỗi xen vào, như A-can!
– Coi chừng sự tự tin! Coi chừng lòng kiêu ngạo!
– Coi chừng tinh thần quá háo thắng… chạy trước ý Chúa!
Trong cuộc chiến A-hi, chúng ta nhận thấy dường như là một chiến trận hoàn toàn tin cậy vào nguồn lực con người. Chúng ta thấy Giô-suê tin lời các người do thám A-hi không có tìm cầu ý Chúa! Sức lực con người dù có mạnh mẽ, sôi động như sóng cuồng, nhưng cuối cùng như Y-sơ-ra-ên bại trận, lòng họ “tan ra như nước” (c.5). Nhưng phước thay cho người nương cậy Chúa. Với sức Chúa, chúng ta sẽ chẳng hề mệt mỏi, sờn lòng, nhưng cứ bước tới vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc đời (Ê-sai 40:31).
- Lời cầu nguyện của Giô-suê (7:6-9).
Sau khi bại trận, chúng ta nghe lời cầu nguyện của Giô-suê, dường như là lời cầu nguyện muộn màng! Trong câu 6 ghi rằng Giô-suê và các trưởng lão Y-sơ-ra-ên sấp mặt xuống đất trước hòm giao ước. Những cử chỉ xé áo, rải bụi lên đầu của họ là cách người Do-thái cư tang, bày tỏ nỗi buồn rầu hoặc của quốc gia dân tộc, hay của cá nhân riêng tư. Có một khoảng trống thời gian yên lặng trong Giô-suê… cho đến chiều! Rồi trong yên lặng đau khổ ấy, chúng ta nghe Giô-suê bật lên tiếng ca thán là từ “ôi”, hoặc “than ôi!”, “Hỡi Chúa” mà tiếng nầy được thấy trong suốt lời cầu nguyện của Giô-suê như một chuỗi dài than thở, bày tỏ lòng than thở thống hối đau buồn của Giô-suê. Lời cầu nguyện của Giô-suê có tính cách tiêu cực, phản ảnh một người trong tình trạng ngã lòng, lùi bước, với những thắc mắc hỏi Chúa như:
(1) “Sao Ngài đem dân nầy qua sông Giô-đanh đặng phó vào tay dân A-mô-rít?…” (2) “… sau khi Y-sơ-ra-ên đã xây lưng trước mặt kẻ thù nghịch mình, tôi còn nói làm sao?”. Hai câu hỏi nầy có liên quan đến lời hứa của Chúa trong 1:3-5 về sự ban cho Y-sơ-ra-ên, và ban chiến thắng cho Giô-suê. Trong sự thất bại, Giô-suê nghi ngờ tưởng như Chúa không giữ lời hứa Ngài. Nhưng thực ra tại vì dân Y-sơ-ra-ên không giữ trọn điều kiện của lời hứa. Đây mới là điều cho Giô-suê đặt câu hỏi! (3) “Dân Ca-na-an và cả dân ở xứ sẽ hay điều đó… rồi Chúa sẽ làm sao cho danh lớn Chúa?”. Tôn cao Danh Chúa ở thế gian phải là điều quan tâm của người con dân Chúa, và nhất là người lãnh đạo dân sự Chúa. Đây cũng là mối quan tâm của Môi-se trong lời cầu thay cho Y-sơ-ra-ên, khi Đức Chúa Trời giáng họa trên họ vì tội thờ lạy bò vàng (Xuất 32:11-14,29-35). Tuy nhiên khi chúng ta lo sợ Danh Chúa không được tôn cao, thì cũng hãy chú ý xét lại chính mình: Chúa có được tôn cao qua đời sống chúng ta không?
Tóm lại, lời cầu nguyện của Giô-suê có thể xem như một phản ứng thông thường của người bại trận, “đổ lỗi” cho Chúa! Mỗi lỗi lầm chúng ta hay vấp phải: Trong công việc không tìm cầu ý Chúa, nhưng khi thất bại thường cho là “tại Chúa”, thay vì nhận lỗi tại mình! Hãy cẩn thận trong thất bại ngã lòng, là lúc chúng ta dễ mất đức tin nơi Chúa. Tưởng như Chúa thất tín với mình, nhưng thật ra chúng ta thất tín với Chúa!
- NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ BẠI TRẬN (7:10-15).
- Sự đáp lời của Đức Chúa Trời (c.11-13).
Sau lời cầu nguyện tiêu cực của Giô-suê là lời đáp tích cực của Đức Chúa Trời. Câu Chúa hỏi đánh thức Giô-suê: “Hãy đứng dậy; sao ngươi sấp mặt dưới đất như vậy?” Đây không phải là thì giờ để than vãn, nhưng là lúc phải hành động, một hành động cần thiết để giải quyết thất bại của Y-sơ-ra-ên: “Hãy đứng dậy làm cho dân sự nên thánh…” một mạng lệnh nghiêm trọng của Đức Chúa Trời cho Giô-suê. Người lãnh đạo dân sự Chúa chẳng những cần giữ mình trong sự trong sạch, nhưng còn có trách nhiệm đến sự thánh sạch trong dân sự Chúa. Một điều kiện cho Y-sơ-ra-ên để tiến tới, để chiến thắng với kẻ thù là phải cất “vật đáng diệt” ra khỏi họ, không có cách khác! Sự đòi hỏi nầy cho chúng ta học biết rằng sự thánh sạch trong dân Chúa là điều tối cần để họ được Chúa ở cùng và được chiến thắng. Vì Đức Chúa Trời là thánh, Ngài không bao giờ dung thứ tội lỗi (Lê-vi 11:45). Nơi có sự hiện diện của tội lỗi chắc không có sự hiện diện của Chúa. Và nếu dân sự Chúa không có sự hiện diện của Ngài, thì đó là một thảm họa mà thôi!
Trong c.11-12, Đức Chúa Trời chỉ cho Giô-suê thấy rõ tội lỗi là nguyên nhân sự thất trận của Y-sơ-ra-ên. Chúng ta ghi nhận hai điều nầy: (1) Trách nhiệm chung: mặc dầu chỉ cá nhân A-can phạm tội, nhưng Đức Chúa Trời nói với Giô-suê rằng, “Y-sơ-ra-ên có phạm tội”. Vì trong việc hạ thành Giê-ri-cô, mạng lệnh của Chúa cấm lấy vật đáng diệt như là một “giao ước” chung cho cả dân sự, chớ không phải là một cá nhân A-can. Vì mỗi cá nhân là một phần tử trong cộng đồng dân Chúa. Nên nhớ rằng tội cá nhân có ảnh hưởng đến cộng đồng, do đó mỗi người có trách nhiệm coi sóc nhau khi thấy anh nào đi sai lạc đường lối Chúa.
(2) Tội của A-can là một tội nặng. Chữ “tội” hay vi phạm, có nghĩa là “vượt lằn ranh”. Theo cái nhìn của Chúa, A-can hay Y-sơ-ra-ên đã vượt ranh cấm, và xúc phạm giao ước của Ngài! Tội A-can bao gồm sự ăn cắp của Chúa, và lừa dối bằng cách đem giấu, trong khi đó bên ngoài xem như là kẻ vâng lời Chúa!
- Cách truy tìm kẻ phạm tội.
Trong câu c.10, Đức Chúa Trời gọi Giô-suê “đứng dậy” để nhìn vào nguyên nhân của sự bại trận. Nhưng biết nguyên nhân thất bại chưa đủ, Giô-suê cần có sự can đảm “đứng dậy” (c.13) để tẩy trừ tội lỗi bao giờ cũng là điều đau đớn! Bởi vậy có người không dám tiến đến “đứng dậy” nên vẫn cứ ở trong tình trạng thất bại mà thôi! Theo cách Đức Chúa Trời chỉ dạy, Giô-suê dậy sớm họp khẩn cấp cả hội chúng Y-sơ-ra-ên, và truy tìm kẻ phạm tội, bắt đầu theo thứ tự từng chi phái, từng gia tộc, từng gia trưởng, và sau cùng là cá nhân. Cách nầy có thể được hiểu trong những ý nghĩa như sau: (1) Một cách tra xét luyện lọc tội trong Y-sơ-ra-ên từ hội chúng đến cá nhân. (2) Để mỗi người dân Y-sơ-ra-ên nhận biết trách nhiệm liên đới của mình đối với tội lỗi. (3) Có thể là một “cơ hội” cho A-can ăn năn trước khi tên mình bị chỉ ra!
III. SỰ TẨY TRỪ TỘI LỖI TRONG Y-SƠ-RA-ÊN (7:19-28).
- Lời thú tội của A–can (c.19-21).
Theo lời khai của A-can, vật ông đánh cắp gồm có 50 siếc-lơ vàng, và một áo choàng Si-nê-a. Có thể đây là chiếc áo quý giá vì với nhãn hiệu ngoại quốc “Si-nê-a”, một sản phẩm mang tên cánh đồng Ba-by-lôn, một xứ có nền văn minh rực rỡ thời ấy. Đây là những thứ vật chất thu hút sự mê tham của mắt, một chiếc bẫy Sa-tan dùng đánh ngã nhiều người thiếu lòng kính sợ Chúa! Chúng ta chú ý những bước dẫn A-can phạm tội và hậu quả như sau: (1) Nhìn (mắt)………., (2) Tham muốn (lòng)……., (3) Lấy (tay)………, (4) Giấu, dối trá (cả người)……….., (5) Bị hủy diệt.
Sự ghi nhận trên cho chúng ta nhận thấy: (1) Tội lỗi không dừng lại ở một tội, người phạm tội nầy sẽ dẫn đến tội khác cho đến khi nhận lấy hậu quả là sự chết! (2) Lòng tham muốn là nguyên nhân khiến A-can phạm tội, và mắt là giác quan giúp khêu gợi lòng ham muốn. Chúng ta hãy cẩn thận “cái nhìn”, đối với sự cám dỗ của vật chất, chớ có “cái nhìn thứ hai”! (Ma-thi-ơ 5:29-30; 1Giăng 2:16-17). Cũng như lòng tham muốn của xác thịt cần phải được khắc phục, và sống tiết chế với tấm lòng đầu phục sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.
Kinh Thánh khuyến khích sự xưng tội để được thương xót và tha thứ (Châm ngôn 28:13). Nhưng trường hợp A-can, lời xưng tội đã trở thành bản án cho ông, vì trễ rồi! Từ khi hạ thành Giê-ri-cô đến biến cố thất bại A-hi, và trải qua cuộc tra xét từng chi phái, từng gia tộc, chúng ta vẫn thấy A-can yên lặng cho đến khi tên mình bị chỉ ra! Một thái độ cứng cỏi và khinh lờn Chúa! Trong 2Phi-e-rơ 3:5-10 cảnh cáo tội nhân chớ khinh lờn sự kiên nhẫn của Chúa. Vì khi cửa ân điển Ngài đóng, thì không còn cơ hội thứ hai!
- Sự hủy diệt nhà A–can (c.22-29).
Với tội A-can làm, A-can bị kết án là người bội giao ước Đức Giê-hô-va, là kẻ khuấy rối, phạm sự xấu hổ trong Y-sơ-ra-ên. Khi những tang chứng đã được đặt trước mặt A-can, theo lệnh của Chúa, Giô-suê và toàn dân Y-sơ-ra-ên thi hành sự đoán phạt trên nhà A-can tại một trũng. Cả gia đình A-can, vợ, con trai, con gái đều bị ném đá, cùng với súc vật và mọi vật thuộc về người, tất cả đều bị thiêu trong lửa, rồi chất lên trên một đống đá lớn, và gọi nơi ấy là A-cô. Cách rõ ràng trong Kinh Thánh bày tỏ mỗi cá nhân chịu trách nhiệm tội lỗi của mình (Phục truyền 24:16; Ê-xê-chi-ên 18:4; 2Cô-rinh-tô 5:10). Nhưng tại sao cá nhân A-can phạm tội mà cả nhà đều bị phạt? Có thể vì hai lý do nầy: (1) Vì tội liên can, có thể A-can giấu các vật cắp trong trại có người, gia đình thấy hay “giúp đỡ”! (2) Vì theo mạng lệnh của Chúa là hủy diệt A-can và các vật thuộc về người, mà vợ con, theo quan niệm thời đó được kể là của cải thuộc A-can.
Tóm lại, sự hình phạt A-can thật nghiêm khắc nhưng không phải là quá đáng, vì mọi điều Chúa làm là công bình và có lý do tốt lành. Cắt đi “ung nhọt” là điều đau đớn cho thân thể, nhưng cần có sự sống còn của Y-sơ-ra-ên! Cũng vậy Đức Chúa Trời đánh chết A-na-nia và Sa-phi-ra để làm gương cảnh cáo về tội lỗi trong Hội Thánh đầu tiên. Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở Hội Thánh Cô-rinh-tô rằng: “Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em” (1Cô-rinh-tô 5:13). Dù ở trong thời ân điển, không có những hình phạt kẻ phạm tội như trong thời luật pháp, nhưng kỷ luật trong Hội Thánh là điều không thể bỏ qua giữ gìn tính chất thánh khiết trong Hội Thánh Đức Chúa Trời.
- SỰ CHIẾM THÀNH A-HI (8:1-29).
- CHIẾN LƯỢC CHIẾM THÀNH A-HI (8:1-13).
Mạng lệnh của Đức Chúa Trời cho Giô-suê.
Khi tội lỗi được cất đi, bây giờ Đức Chúa Trời trở lại cùng dân sự Ngài. Trong khi c.1-2, chúng ta thấy có tiếng Đức Chúa Trời phán cùng Giô-suê. Có những điểm quan trọng chúng ta ghi nhận sau đây:
- Lời gọi can đảm lên! “Ngươi chớ sợ, chớ ái ngại… chỗi dậy đi lên hãm đánh thành A-hi”. Tiếng “chớ sợ”, “chỗi dậy” có tác dụng khuyến khích, giục giã Giô-suê vị tướng lãnh đang xuống tinh thần sau việc A-can, để được mạnh mẽ đứng lên chu toàn công tác Chúa gọi. Trong tình trạng lo sợ bị ám ảnh bởi cuộc bại trận vừa qua, lời gọi của Chúa “chớ sợ” đã đem đến Giô-suê sự vững lòng dường nào, vì Chúa biết Chúa đang ở cùng ông như lời Ngài đã hứa (1:5).
- Lời hứa về thành A-hi! Sự chiến thắng Chúa hứa là sự chiến thắng hoàn toàn, “…Ta đã phó vào tay ngươi vua A-hi, dân sự, và cả xứ người”. Chúng ta chú ý động từ “phó”, có nghĩa A-hi đã thuộc về Y-sơ-ra-ên và họ chỉ bởi đức tin đánh trận chiếm hữu. Thật là sự bảo đảm cho Y-sơ-ra-ên biết bao vì có lời hứa nầy trước khi ra trận.
- Về đạo binh Y-sơ-ra-ên “Hãy đem theo mình hết thảy quân lính”. Thật ra thắng trận của Y-sơ-ra-ên không phải tùy thuộc vào quân số, nhưng do quyền năng Chúa. Không có gì khó cho Đức Chúa Trời trong sự dùng quân số ít để thắng quân thù đông đảo. Ngài có thể khiến một người Y-sơ-ra-ên rượt đuổi 1.000 người, và 2 người Y-sơ-ra-ên rượt đuổi 10.000 kẻ thù! (Phục truyền 32:30). Sự truyền lệnh đem hết đạo binh có thể tìm thấy trong những lý do nầy:
(1) Để nhắc nhở Y-sơ-ra-ên rằng sự chiếm xứ là trách nhiệm của cả dân sự, và mỗi người phải cố gắng làm trọn phần của mình, thì Chúa sẽ thực hiện phần của Ngài. Chớ không có sự thối thác trách nhiệm, như lời các người do thám nói: “Chớ làm cho mệt nhọc cả dân chúng đi đến đó…” (7:3).
(2) Vì chiến lược A-hi cần số quân đông trong việc dàn trận, cũng như trong việc triệt hạ thành, truy kích và hủy diệt địch. Họ phải sẵn sàng đối phó trước số đông cũng như số ít. Điều này cũng nhắc nhở Cơ Đốc nhân chúng ta đừng xem nhẹ “kẻ thù” thuộc linh đang vây quanh chúng ta. Chúng ta cần biết sức mạnh của kẻ thù, để nương nhờ sức Chúa sẵn sàng chiến đấu và đắc thắng.
- Về sự hủy diệt thành A-hi (c.2).
Khác với sự hủy diệt thành Giê-ri-cô, lần nầy Đức Chúa Trời truyền lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên hủy diệt thành, và dân, vua A-hi, nhưng họ có phép chiếm đoạt cho mình của cải của giặc. Tại sao Đức Chúa Trời không cho phép dân sự đoạt của cải của địch ở Giê-ri-cô? Câu hỏi nầy có thể giải nghĩa trong hai lý do sau:
(1) Vì Giê-ri-cô là thành đã bị “phú dâng” cho Chúa như vật đáng diệt. Bởi đó là chiến thắng đầu tiên, xem như “trái đầu mùa” của những chiến thắng mà Chúa sẽ thực hiện cho Y-sơ-ra-ên tiếp theo. Nên vinh dự đầu tiên phải thuộc về Đức Giê-hô-va (Châm ngôn 3:9). Đây là một thách thức đức tin của dân sự. Không phải Chúa tiếc của cải với họ nhưng muốn dạy Y-sơ-ra-ên hãy tìm kiếm Chúa trước tiên, và dành chỗ trước nhất của đời sống cho Ngài, thì mọi điều khác sẽ được ban cho sau đó (Ma-thi-ơ 12:33). Tiếc thay A-can không đủ đức tin để chờ đợi nhận phần của mình, nên đã cố thử “đánh cắp” phần của Chúa, rốt cuộc chẳng được chi cả, và bị hủy diệt mà thôi!
(2) Vì Đức Chúa Trời muốn thử lòng Y-sơ-ra-ên, một bài thi về sự vâng lời Chúa: Nếu họ vâng lời Chúa, thì sẽ được ăn sản vật của đất (Ê-sai 1:18,19). Vì vậy, sự cho phép họ chiếm của cải của dân nghịch kể từ sự chiến trận A-hi, được xem là sự ban thưởng của Chúa cho sự vâng lời của họ. Rất tiếc A-can đã bị hỏng cuộc thi đầu tiên quan trọng nầy, và mất phần phước cùng với anh em mình tại đất hứa!
- Về chiến lược chiếm thành (c.2): “Hãy phục sau thành”.
Sau khi nhận mạng lệnh từ Đức Chúa Trời, Giô-suê xúc tiến ngay kế hoạch chiếm A-hi, gồm trong ba đợt diễn tiến như sau:
– Đợt 1: Chiêu dụ địch ra khỏi thành.
– Đợt 2: Phản công.
– Đợt 3: Truy kích địch và hủy diệt thành A-hi.
Theo kế hoạch đó, Giô-suê chia Y-sơ-ra-ên làm 3 cánh quân và cho dàn trận ở ba mặt của thành A-hi: (1) Một cánh quân gồm 30.000 chiến sĩ tinh nhuệ phục kích sau thành tức về phía Nam A-hi, có nhiệm vụ xung phong khi có lệnh. (2) Một cánh quân 5.000 người phục kích ở khoảng giữa Bê-tên và A-hi về phía Tây để chặn đường tiếp viện giữa Bê-tên và A-hi. (3) Một cánh quân do Giô-suê chỉ huy phục kích ở trước thành tức về phía Bắc A-hi, có nhiệm vụ nhử địch ra khỏi thành.
- SỰ TẤN CÔNG THÀNH A-HI (8:14-23).
- Sự nhử địch (c.14-17).
Một điểm lý thú trong chiến trận A-hi là “nhử địch” bằng cách bỏ chạy như người bị thua! Tại sao Giô-suê dùng cách nầy? Có phải chăng đây là bài học Giô-suê học từ cuộc bại trận của Y-sơ-ra-ên! Lần trước dân sự bỏ chạy vì thua trận, lần nầy dân sự cũng bỏ chạy, nhưng sự bỏ chạy nầy đổi thành một chiến thắng lớn! Như người Việt chúng ta có câu “thất bại là mẹ thành công”. Thật vậy, thất bại không phải là bước đường cùng, nếu chúng ta nhìn biết lỗi lầm, học hỏi từ lỗi lầm ấy và khiêm nhường chịu sự dạy dỗ của Chúa, thì sẽ từ thất bại đến chỗ thành công tốt đẹp hơn.
- Theo mạng lệnh của Chúa (c.18-23).
Mặc dầu Giô-suê là người dẫn đạo binh Y-sơ-ra-ên đánh trận, nhưng chính Đức Chúa Trời là Đấng chỉ huy (c.18). Cuộc tấn công A-hi bắt đầu khi Đức Chúa Trời truyền lệnh Giô-suê cầm gươm đưa lên hướng về A-hi một dấu hiệu chỉ về sự đoán phạt của Chúa giáng trên thành nầy, và dân Y-sơ-ra-ên đang thi hành sự đoán phạt ấy. Về mặt thuộc linh “gươm” chỉ về Lời Đức Chúa Trời, là khí giới của Cơ Đốc nhân dùng để chiến thắng với quyền lực của ma quỷ (Ê-phê-sô 6:17).
III. SỰ HỦY DIỆT THÀNH A-HI (8:24-29).
Theo mạng lệnh của Chúa có ba điều dân Y-sơ-ra-ên phải làm:
- Sự hủy diệt dân A-hi (c.24-27).
Có khoảng 12.000 dân thành A-hi ngã chết dưới gươm Y-sơ-ra-ên, đây là sự đoán phạt của Đức Chúa Trời. Trong cuộc hủy diệt nầy, dân Y-sơ-ra-ên được phép chiếm đoạt của cải của người A-hi. Đó là phần Đức Chúa Trời ban cho họ. Thật ra, mọi của cải của loài người đều thuộc về Đức Chúa Trời. Ngài có quyền cất đi, và ban cho kẻ đẹp ý Ngài (Truyền đạo 2:26). Sự kiện dân Y-sơ-ra-ên nhận các của cải sau cuộc chiến là một chứng cớ rằng người vâng lời Chúa không bao giờ bị mất phần thưởng của mình.
- Phóng hỏa thành A-hi (c.28).
Cũng như Giê-ri-cô, thành A-hi cũng bị thiêu đốt san bằng, để không còn dấu vết trên đất. Đó là cách đoán phạt của Chúa đối với kẻ chống nghịch Ngài (Phục truyền 13:16).
- Sự hành hình vua A-hi (c.29).
Điều sau cùng sự hủy diệt là xử tử vua A-hi bằng cách treo lên cây. Cách nầy nhằm mục đích: (1) Sỉ nhục kẻ bại trận cách công khai. Sau thế chiến lần II, người ta cũng đã xử bêu thây nhà độc tài Mussolini. (2) Gây sự kinh hoàng trong các dân nghịch, khiến họ sợ hãi trước Y-sơ-ra-ên.
Tóm lại.
- Trong chiến trận A-hi, chúng ta thấy rõ Đức Chúa Trời là Đấng chỉ huy và chỉ dạy Giô-suê về chiến lược. Tuy nhiên về mặt thực tiễn quân sự, chúng ta cũng nhận thấy Giô-suê là vị tướng có tài điều động bố trí chiến trận thật là khéo léo, đem lại cuộc chiến trọn vẹn.
Trong sự hầu việc Chúa, chúng ta cần vận dụng ân tứ, khả năng Chúa ban, và làm hết sức mình trong sự nương cậy Chúa như Giô-suê đã làm.
- So sánh hai lần chiếm thành A-hi, chúng ta thấy rõ hai kết quả khác nhau của cuộc chiến với sự cậy sức người và theo ý riêng, và cuộc chiến với sự nương cậy sức Chúa và theo đường lối Chúa. Đây là bài học thách thức người hầu việc Chúa tấm lòng khiêm nhu nương cậy Chúa, và đầu phục ý chỉ Ngài. Điều nầy có nghĩa chúng ta đặt mọi khả năng, mọi sức lực của mình trong bàn tay của Chúa, và hành động theo ý chỉ của Ngài.
BÀI HỌC ÁP DỤNG
- Trong cộng đồng dân sự Chúa, tội lỗi của cá nhân có thể gây ảnh hưởng nguy hại cho cả cộng đồng.
- Người phạm tội là người ở dưới cơn thạnh nộ của Chúa.
- Người gieo tội chắc sẽ gặt lấy hậu quả của tội mình gieo.
- Giữ mình trong sự thánh khiết là giữ sự hiện diện của Chúa với mình.
- Người được những điều theo sự ham muốn của xác thịt, rốt cuộc lại chỉ là sự hư không và hủy diệt.
- Có sự bảo đảm thành công cho người nương cậy Chúa và vâng phục ý Ngài; nhưng không có bảo đảm cho người cậy mình và làm theo ý riêng.
- Người vâng lời Chúa chắc không mất phần thưởng của mình.
- Tấm lòng khiêm nhường, đức tin và vâng phục Chúa là ba yếu tố cần thiết cho đời sống đắc thắng của người con dân Chúa.
- Không thể có sự vâng phục Chúa trong người không khắc phục lòng tham muốn theo xác thịt.
10. Giấu tội với Chúa là việc làm vô cùng dại dột! Đoán phạt tội lỗi là điều không thể bỏ qua đối với Đức Chúa Trời