CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.07.2023
By Quản trị in NAM GIỚI on 10 Tháng Bảy, 2023
Chúa nhật 16.07.2023.
- Đề tài: VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH CHỈ CÓ CHA HOẶC MẸ.
- Kinh Thánh: Sáng 3:16-20; Thi 128:1-4; Châm 31:10-13, 27.
- Câu gốc: “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường lối Ngài!” (Thi Thiên 128:1).
- Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 144-147.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
- 1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).
– Câu hỏi suy luận (giải thích việc xảy ra và tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo.
(1.1) Câu hỏi quan sát: Đọc Sáng Thế ký 3:16-20, cho biết vai trò và trách nhiệm của người làm chồng.
(1.2) Câu hỏi suy luận: Vì sao Chúa đặt gánh nặng đó cho người chồng?
(1.3) Câu hỏi ứng dụng: Bạn ước muốn có (làm) một người chồng như thế nào?
(2.1) Đọc Thi thiên 128:1-4, một gia đình được phước là gia đình như thế nào?
(2.2) Vì sao gia đình như vậy được gọi là gia đình hạnh phúc?
(2.3) Gia đình bạn có được không khí đầm ấm của gia đình như trong Thi thiên 128 chưa? Bạn sẽ làm gì cho gia đình mình được như vậy?
(3.1) Đọc Châm ngôn 31:10-13,27 cho biết vai trò và trách nhiệm của người vợ trong gia đình?
(3.2) Vì sao Chúa đặt vai trò và trách nhiệm này trên người vợ?
(3.3) Bạn ước muốn có (làm) một người vợ như thế nào?
- Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
- Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
- 5 phút giải thích và chia nhóm.
- 20 phút học Kinh Thánh.
- 10 phút tường trình.
- 5 phút đúc kết.
- Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
- Chia nhóm: Chia thành 2 hoặc 3 nhóm.
- Vị trí: Ủy viên linh vụ chỉ định chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
- Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
- Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm có thể cử người làm trưởng nhóm và thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
- Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Một trong những thảm cảnh bi đát nhất của gia đình đông con là sự qua đời của người cha hoặc người mẹ. Chúng ta rất cảm thương và cảm phục người trong cảnh “Gà trống nuôi con”, hoặc “Gà mái nuôi con”.
Tuy nhiên, vấn đề gia đình chỉ có cha hoặc mẹ nói đến ở đây không thuộc vào trường hợp trên, nhưng là một sự sai trật, một sự chống lại đường lối Đức Chúa Trời cho loài người trong gia đình.
Đó là hậu quả của những gia đình ly dị. Đó là hậu quả của đôi nam nữ sống chung mà không có sự cam kết gia đình. Đó là “mốt sống” của đôi nữ hay đôi nam đồng tính nuôi con!
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta hiểu vấn đề này thế nào và có đáp ứng gì?
- DẪN GIẢI.
- VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHA, MẸ TRONG GIA ĐÌNH.
Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, trong hôn nhân vị trí chồng là đầu và vợ là thân (Êph 5:22-30). Cũng theo vị trí ấy, trong gia đình người chồng giữ vai trò của người cha, người chủ và người vợ giữ vai trò người mẹ, người nội trợ.
- Vai trò của người cha: Là chủ gia đình, người cha có những trách nhiệm sau:
– Cung cấp nhu cầu cho cuộc sống gia đình (Sáng 3:16-19).
– Dạy dỗ, sửa trị con cái, uốn nắn chúng trong đường lối Chúa (Êph 6:4).
- Vai trò của người vợ: Là mẹ, người nội trợ, trách nhiệm của người mẹ bao gồm những công việc sau:
– Sinh sảncon cái (Sáng 3:16-20): Trong xã hội Đông phương ngày xưa, người nữ bị khinh bạc, xem như cái “máy đẻ”, nhưng thật ra sự sinh sản con cái là một thiên chức thiêng liêng của người làm mẹ. Vì vậy A-đam đã gọi vợ là “Ê-va”, có nghĩa là “Sự Sống”. Đem vào đời sự sống là công việc vô cùng cao quý của người làm mẹ.
– Chăm sóc, nuôi nấng con cái, quán xuyến mọi việc trong nhà (Châm 31:10-12,27).
– Khuyên dạy con cái trong đời sống tin kính Chúa (Châm 6:20; 2Tim 1:15).
- Sự tương quan giữa vai trò người cha và mẹ.
Hai vai trò nói trên nếu phân tích tường tận, chúng ta nhận thấy không có vai trò nào là kém hơn. Cả hai vai trò đều quan trọng, có nét đặc thù riêng biệt nhưng có sự tương quan với nhau và bổ túc cho nhau mà không thể thiếu vai trò nào, vì những lý do sau đây:
– Người cha làm việc bên ngoài, đảm trách nền kinh tế gia đình, còn người mẹ quán xuyến công việc bên trong. Trong Châm ngôn 31 đã mô tả một hình ảnh thật đẹp về người mẹ chăm lo công việc nội trợ: “Nàng coi sóc đường lối của nhà mình, không hề ăn bánh của sự biếng nhác. Con cái nàng chỗi dậy, chúc nàng được phước; chồng nàng cũng chỗi dậy và khen ngợi nàng…” (Châm 31:27-28).
– Trong sự dạy dỗ con cái, cần có sự cứng rắn, kỷ luật của người cha và cũng cần tình yêu thương dịu dàng, kiên nhẫn khuyên dỗ của người mẹ.
- Sự cần thiết của người cha và người mẹ.
– Qua vai trò của người cha và người mẹ (cha mẹ tin Chúa), nhu cầu toàn diện của đứa trẻ được đáp ứng. Về phần thể chất, chúng được nuôi nấng, chăm sóc. Về phần tâm lý, chúng cảm nhận sự an ninh bảo bọc che chở. Về phần tâm linh, chúng được dạy dỗ để học biết Chúa và được sự cứu rỗi cho linh hồn.
– Qua vai trò và trách nhiệm của người cha, người mẹ (cha mẹ tin Chúa), mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời đối với gia đình được thành tựu. Nghĩa là con cái được dạy dỗ, được đào tạo để trở thành người phục vụ Chúa, làm vinh Danh Ngài (Sáng 1:27; 18:19).
Xã hội văn minh ngày nay là một thách thức lớn cho người làm cha và nhất là cho người làm mẹ. Vì cần phụ giúp kinh tế gia đình, người mẹ vừa lo nội trợ, vừa phải đi làm. Tại Hoa Kỳ, theo thống kê 1994 cho biết gần 70% các bà mẹ trong gia đình làm trong các công sở.Cho nên, mặc dầu có sự phân định trách nhiệm của người cha, người mẹ trong gia đình, nhưng tưởng rằng trong môi trường mới, người cha cũng nên linh động chia sẻ với người mẹ công việc nội trợ, chăm sóc gia đình con cái.
- HẬU QUẢ CỦA GIA ĐÌNH CHỈ CÓ CHA HOẶC MẸ.
Theo sự nghiên cứu của nhà xã hội học Popenoe trong quyển “Life Without Father”, chúng ta thấy vài sự kiện sau đây:
– Trong tình trạng gia đình chỉ có cha hoặc mẹ thì gia đình chỉ có cha, là tình trạng đau khổ hơn so với gia đình chỉ có mẹ.
– Tỷ số trẻ em từ gia đình chỉ có cha hoặc mẹ bỏ học cao đến hai, ba lần so với số trẻ em trong các gia đình có đầy đủ cha mẹ hay gia đình nghèo.
– Gia đình đầy đủ cha mẹ có lợi tức kinh tế cao hơn gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.
– Trong số các bé gái trong gia đình có sự chăm sóc thân thiết của người cha, thì sau này chỉ có số ít bị rơi vào cảnh sanh con mà không có cưới hỏi, so sánh với số các bé gái trong gia đình không có sự chăm sóc của người cha.
– Trong gia đình đầy đủ cha mẹ, trẻ em được nhiều phúc lợi hơn.
Trong quyển “Finding our Father”, tác giả Samuel Osherson viết: “Sự thiếu vắng về phương diện tâm lý hay không có mặt của người cha trong gia đình là một trong những bi thảm lớn trong thời đại chúng ta”.
Những hậu quả của gia đình chỉ có cha hoặc mẹ có thể tóm tắt trong những điểm sau đây:
- Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ không tạo được môi trường hữu hiệu trong sự nuôi dạy con cái.
Trong phần thảo luận vai trò của người cha, người mẹ, ta thấy mỗi người có vai trò riêng biệt nhưng có sự tương quan với nhau. Sự riêng biệt này phù hợp với bản tính của mỗi phái. Như người cha, với bản tính lãnh đạo, mạnh mẽ, cứng rắn, thích hợp trong việc kỷ luật, sửa dạy con cái. Trong khi người mẹ, với tính mềm dẻo, thích hợp cho việc khuyên dạy, vỗ về con cái. Vì vậy vai trò người cha không thể thay thế cho vai trò của người mẹ hay ngược lại, nhưng nếu cả hai hợp lại sẽ tạo thành môi trường hữu hiệu trong sự dạy dỗ con cái nên người. Nếu thiếu một trong hai người hoặc cha hay mẹ, thì gia đình chắc sẽ mất đi hiệu lực trong sự đào tạo con cái theo như mục đích Chúa gọi.
Ngày nay vai trò của người cha, người mẹ trong xã hội văn minh, với sự lan rộng của phong trào nam nữ bình quyền, một câu hỏi được nêu lên: Người mẹ có thể đảm trách vai trò của người cha không?
Vâng, người nữ có thể đảm trách vai trò của người cha trong gia đình. Tuy nhiên sự thành công trong vai trò của người cha không phải là chuyện dễ dàng nhưng với nhiều nỗi cam go, và sự thành công đó là điều hiếm thấy! Nhìn chung, nếu người cha, người mẹ ở trong vai trò của mình theo vị trí Chúa đặt, thì dễ thành công và có kết quả tốt đẹp hơn.
- Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ không đáp ứng được nhu cầu toàn diện của đứa trẻ.
Trong nhu cầu tâm lý, đứa trẻ cần tình yêu thương, cả tình phụ tử lẫn tình mẫu tử. Đứa trẻ cần có người cha sửa dạy, cũng cần có người mẹ âu yếm, an ủi. Đức Chúa Trời từng bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên trong khía cạnh người cha và người mẹ (Ê-sai 49:15; 64:8). Vì vậy trong gia đình không có người cha, đứa trẻ sẽ thiếu kỷ luật và trở thành hư hỏng. Trong gia đình thiếu người mẹ, đứa trẻ sẽ cảm thấy cô đơn, dễ nản lòng. Đây là một trong những lý cớ khiến chúng bỏ nhà ra đi… để rồi dấn thân vào con đường tội lỗi.
- Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ không nếm trải được hạnh phúc trọn vẹn.
Trong Thi Thiên 128:1-4, bày tỏ hai yếu tố cho gia đình hạnh phúc là:
– Gia đình kính sợ Chúa đi trong đường lối Ngài.
– Gia đình có sự sum họp đầy đủ của người cha, mẹ và con cái.
“Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va… Vợ ngươi ở trong nhà ngươi sẽ như cây nho thạnh mậu; con cái ngươi ở chung quanh bàn ngươi, khác nào những chồi ôlive…”.
- SỰ ĐÁP ỨNG CỦA CHÚNG TA.
Qua những cuộc nghiên cứu cho thấy, gia đình chỉ có cha hoặc mẹ hầu như đều đến từ hai hậu quả là gia đình ly dị và cuộc sống chung không có cam kết của hôn nhân. Nói chung, hai hậu quả này đến từ một nguyên nhân gần là sự ích kỷ, mưu cầu hạnh phúc cá nhân cho mình hơn là nghĩ đến phúc lợi cho con cái, và nguyên nhân xa là bất phục đường lối của Đức Chúa Trời đối với gia đình.
Trong niềm tin, chúng ta có đáp ứng gì trước vấn đề này?
– Trong gia đình, con cái Chúa cần được hướng dẫn để học biết đường lối Chúa, hầu tránh tình trạng đổ vỡ có thể xảy ra, cũng như khuyên giải những gia đình đang ở trong tình trạng sắp đổ vỡ.
– Với những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, vì lý do ly dị hay không cưới hỏi trước đó, nay đã tin Chúa và ở trong Hội Thánh, chúng ta cần hướng dẫn cho họ biết ăn năn lỗi lầm trong quá khứ và nhờ cậy Chúa để chăm sóc dạy dỗ con cái trong tình trạng “đơn chiếc” này. Hội Thánh cũng phải lưu ý đến những đứa con trong các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, và chăm sóc chúng trong những khía cạnh nhu cầu về tâm lý, tâm linh mà chúng không được đáp ứng trong gia đình thiếu cha, hoặc thiếu mẹ.
– Sống trong xã hội hiện nay, với tình trạng gia đình chỉ có cha hoặc mẹ càng gia tăng, nếu có những cơ hội nói lên giá trị của gia đình Cơ Đốc, chúng ta đừng bỏ mất!
Tóm lược
Trong gia đình vai trò của người cha là: Cung cấp nhu cầu về thể chất, dạy dỗ sửa trị con cái trong đường lối Chúa.
Vai trò của người mẹ là: Sinh sản, chăm sóc, nuôi dạy con cái trong đường lối Chúa. Cả hai vai trò của người cha và người mẹ đều quan trọng như nhau, có tương quan và bổ túc nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc thật.
Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ (không phải do cha hay mẹ qua đời) là sự sai trật đường lối của Chúa, đánh mất mục đích cao đẹp của Ngài đối với gia đình.
Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đem lại hậu quả chẳng những đau buồn cho con cái, cho người cha, người mẹ, mà còn có ảnh hưởng đến tình trạng không tốt trong xã hội.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Xin đọc Sáng 3:16-20; Châm ngôn 31:10-13,27; 6:20; Ê-phê-sô 6:4 và tìm hiểu:
- Vai trò và trách nhiệm của người cha trong gia đình.
- Vai trò và trách nhiệm của người mẹ trong gia đình.
- Có vai trò nào quan trọng hơn không? Xin giải thích.
- Sự qui định vai trò của cha mẹ trong gia đình nhằm mục đích tối hậu nào? (Sáng 1:27-28; 18:19).
- Trong vai trò và trách nhiệm của người cha và người mẹ, con cái được đáp ứng những nhu cầu nào? Và sự đáp ứng này có cần thiết không? Tại sao?
- Thi Thiên 128:1-4. Theo sự diễn tả của Thi Thiên này, một gia đình lý tưởng cần được hội đủ hai yếu tố quan trọng nào? Tại sao?
- Xin kể những điểm ưu, khuyết giữa gia đình có cả cha mẹ và gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.
- Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đem lại hậu quả gì cho những cá nhân trong gia đình? Có ảnh hưởng gì đến an ninh xã hội?
- Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ phát xuất từ nguyên nhân nào? Nên có thái độ và đáp ứng gì đối với vấn đề này?