Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 23.04.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 23.04.2023

By Quản trị in NAM GIỚI on 21 Tháng Tư, 2023

Chúa nhật 23.04.2023

  1. Đề tài: NƠI Ở ĐỜI ĐỜI CỦA NGƯỜI CÔNG BÌNH.
  2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 25:34; Giăng 14:2-3.
  3. Câu gốc: “Hỡi các ngươi được Cha Ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất” (Ma-thi-ơ 25:34b).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 101-104.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 12.02.2023.

* Diễn tiến trò chơi.

  1. Mở đầu.

BHD cho các nhóm tranh đua với nhau. Nhóm xếp hàng dọc trước BHD. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: “Nơi ở đời đời của người công bình”.

Thưa các bạn! Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, người tin Chúa sau khi chết, linh hồn được sống với Ngài trong Ba-ra-đi để chờ đợi sự cứu chuộc thân thể. Khi Đấng Christ tái lâm, người tin Chúa được sống lại và vào nơi vinh hiển của mình. Để hiểu biết thêm về nơi ở và đời sống phước hạnh của người tin, mời các bạn cùng tham gia trò chơi hôm nay.

  1. Xuất phát.

Tất cả các nhóm phải tập trung tại điểm xuất phát. Ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi và mỗi nhóm cử ra một người, đại diện nhóm để “Vượt chướng ngại vật”.

(“Chướng ngại vật” là những câu hỏi do ban tổ chức soạn ra như: Vì sao con người phải chết? Sau khi chết, con người sẽ đi về đâu?)

Đại diện của nhóm nào vượt qua được “chướng ngại vật” mới được nhận mật thư.

Mật thư 1: TIMF CAAU HOIR DWIS QUYEENR KINH THANHS TAIJ TOAF GIANGR.

 Chìa khóa: Chữ điện tín.          

Trạm 1.

 Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

  1. Đọc Rô-ma 2:7; 6:23; Ma-thi-ơ 25:46 cho biết trong sự phán xét của Chúa, người công bình nhận được ân phúc gì?
  2. Đánh X vào câu đúng nhất. Sự sống đời đời là:

 Sự sống từ Chúa.                       Sự sống trong Chúa.

 Sự sống với Chúa.                     Tất cả các câu trên.

Mật thư 2:

 Chìa khóa:      

 

T

I M N G U
G C H U T O
N A N G H I
A Đ N E I C
B G N A M O

Trạm 2.

 Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

(1) Đánh X vào câu đúng nhất.

Nơi ở đời đời của người công bình là:

 Ba-ra-đi.              Thiên đàng.             Một nơi khác.

(2) Trả lời câu hỏi.

– Theo Kinh Thánh, Thiên đàng còn có những tên gọi nào?   

Mật thư 3:

T P I H M U D O O C
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
N H G A C N H H U
11 12 13 14 15 16 17 18 19

 Chìa khóa: Trước lẻ, sau chẵn.

Trạm 3.

 Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

Đọc Ma-thi-ơ 25:46; 3:11, 12; 22:3-4; Rô-ma 8:17, kể ra những phước hạnh của người công bình trong nơi ở đời đời.

  1. Kết thúc.

Thưa các bạn!

Chúng ta biết Chúa ban sự sống đời đời cho người công bình. Tại thiên đàng, người công bình được giao thông với Chúa mặt đối mặt, được nhận biết đầy trọn, được vui vẻ và thỏa mãn, được thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, được hưởng cơ nghiệp trong Đấng Christ, được hầu việc và thờ phượng Chúa…

Nguyện mỗi người chúng ta có sự chuẩn bị trong đời này để hưởng trọn niềm vui sống với Ngài trên thiên đàng. 

– Cầu nguyện theo sự dạy dỗ.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Luận về vấn đề sống chết của con người, theo sự bày tỏ của Kinh Thánh thì loài người trên cõi thế sẽ đi vào ba giai đoạn. Thứ nhất, phải trải qua sự chết. Thứ hai, sau khi chết linh hồn người tin được sống với Ngài trong Ba-ra-đi gọi là nơi tạm cư để chờ đợi sự cứu chuộc thân thể, còn linh hồn người ác bị giam giữ nơi Âm phủ để chờ đợi sự phán xét. Và giai đoạn thứ ba, với sự tái lâm của Đấng Christ, người tin được sống lại và vào nơi vĩnh viễn, còn người chẳng tin cũng được sống lại để chịu sự phán xét và đi vào nơi hình phạt đời đời. Trong bài học này chúng ta tìm xem người công bình sẽ nhận được sự ban thưởng gì? Đâu là nơi ở của người công bình? Và đời sống nơi đó sẽ như thế nào?

  1. DẪN GIẢI.
  2. ÂN PHÚC CỦA NGƯỜI CÔNG BÌNH.

Trong ngày phán xét cuối cùng, người ác lãnh án phạt là sự chết đời đời. Trái lại, người công bình nhận lãnh ân phúc là sự sống đời đời.

  1. Ý nghĩa của chữ “đời đời”.

“Đời đời” theo nguyên văn HyLạp là Aion (danh từ); hoặc Aaionios (tính từ). Trong Kinh Thánh Tân ước, chữ đời đờiđược dùng trong hai hình thức danh từ và tính từ. Về cách dùng này, nhà thần đạo A. A Hodge luận như sau:

“Ngoài hai chữ HyLạp aion và aionios, chẳng có chữ nào sáng tỏ hơn để diễn tả ý niệm vĩnh cửu vô cùng, vô tận, vô biên. Mặc dầu trong Kinh Thánh Tân ước có vài chữ đời đời được dùng để chỉ thời gian hữu hạn, nhưng hầu hết những chỗ khác, chữ đời đời đều được ám chỉ thời gian vô hạn. Trong ý nghĩa này, chữ đời đời được dùng để chỉ về sự vĩnh hằng của Đức Chúa Trời Ba Ngôi; chỉ về tương lai phước hạnh vĩnh viễn của người công bình, cũng như tương lai khổ hình đời đời của người ác (1Ti 1:17; Khải 1:18; Hê 9:14; Giăng 6:57; Rô-ma 2:7; Ma-thi-ơ 25:46).

Như thế, theo cách diễn giải trên thì nỗi khổ hình đời đời của người ác, cũng như cảnh phước lạc đời đời của người công bình sẽ mãi mãi lâu dài bằng với sự vĩnh hằng bất biến của Đức Chúa Trời. Hiểu được nghĩa của chữ đời đời, chúng ta cảm nhận ân phúc tương lai dành cho người công bình lớn biết bao, đồng thời cũng cảm thấy án phạt trên người ác trong tương lai thật là kinh khiếp dường nào!

  1. Ý nghĩa của “sự sống đời đời”.

Sự sống đời đời gọi là vĩnh sinh bao gồm những ý nghĩa như sau:

(1) Sự sống bất diệt, nghĩa là sự sống hằng còn mãi mãivà chẳng hề chấm dứt (Giăng 3:16; Ma-thi-ơ 19:16; 25:46).

(2) Sự sống thật hay sự sống chân thật: Chỉ về sự sống đến từ Đấng Christ, Ngài là nguồn sống vô tận và người tin nhận Ngài sẽ nhận được sự sống ấy (Giăng 14:6; 3:36).

(3) Sự cứu rỗi: Sự cứu rỗi đồng nghĩa với sự sống đời đời, vì người được cứu tức là được nhận lấy sự sống của Chúa (Mác 16:16; Rô-ma 5:10).

(4) Sự sống đời đời bắt đầu ngay trong hiện tại, tức lúc còn ở trong đời này. Khi người thật lòng tin Chúa, được tái sinh, thì nhận được sự sống đời đời. Và từ đó sự sống của Đấng Christ cứ mãi tuôn tràn và người bước vào sự sống bất tận trong cõi đời sau: Sự sống đời đời trong một thân thể được biến hóa vinh hiển không hư nát!

(5) Sự sống đời đời là lẽ trông cậy lớn của người tin Chúa, là phước hạnh mà họ được tận hưởng nơi Ngài trong tương lai (Giăng 17:3).

(6) Sự sống đời đời là nhận biết Đức Chúa Trời là Chân Thần duy nhất, và Chúa Giê-xu là Đấng Cha sai đến (Giăng 17:3).

Tóm lại, sự sống đời đời là sự sống từ Chúa, trong Chúa, và với Chúa. Là sự sống chỉ có ở trong người được tái sinh, được giải cứu khỏi hậu quả của tội lỗi, và xưng nghĩa bởi huyết Đấng Christ. Cũng như được thánh hóa bởi Đức Thánh Linh, trong sự giao thông với Đức Chúa Trời và được ở trong sự hiện diện của Ngài mãi mãi, để tận hưởng phước lạc bất tận của Ngài.

  1. NƠI Ở CỦA NGƯỜI CÔNG BÌNH.

Đâu là nơi ở đời đời của người công bình trong tương lai?

Trong Ma-thi-ơ 25:34, thiên đàng được Chúa Giê-xu nói đến, là nơi ở vĩnh viễn dành cho người công bình và cũng là nơi Ngài phán hứa với các môn đồ (Giăng 14:3).

Thiên đàng là gì? Thiên đàng phải là Ba-ra-đi không? Trong Kinh Thánh Tân ước chữ “Ba-ra-đi” được dùng ba lần (Lu-ca 23:43; 2Cô 12:4; Khải 2:7). Chữ này theo nguyên văn Hy Lạp là Paradeisos, nghĩa đen là công viên, trong tiếng Hy-bá-lai là Părdès, có nghĩa là khu rừng. Theo nghĩa bóng Ba-ra-đi gọi là Lạc viên ám chỉ về cảnh vườn Ê-đen, nơi của sự sống đời đời, nơi có sự hiện diện của Chúa. Trước khi Chúa Giê-xu về trời, Ba-ra-đi được đặt ở phía trên của âm phủ là nơi ở trung gian của người công bình sau khi qua đời. Nhưng khi Chúa thăng thiên, Ba-ra-đi được cất lên trời cùng với các thánh của thời Cựu ước (Ê-phê-sô 4:8), là nơi những người tin Chúa được tiếp về sau khi qua đời để chờ đợi sự giải cứu của thân thể.

Khi Chúa Giê-xu tái lâm, người chết trong Chúa được sống lại và đồng trị với Ngài trong nước ngàn năm bình an. Sau thời đại Thiên hi niên, người công bình sẽ được vào nơi ở vĩnh sinh: Từ Ba-ra-đi lên thiên đàng.

Chữ thiên đàng được dùng cho ba nghĩa. Thiên đàng chỉ về bầu trời được bao bọc bởi bầu khí quyển, nơi có sinh vật sống động. Người Do Thái thường gọi đó là từng trời thứ nhất. Nghĩa thứ hai, thiên đàng chỉ về các tinh tú trong khoảng không gian ngoài tầng khí quyển mà người Do Thái gọi đó là từng trời thứ hai. Và chữ “từng trời thứ ba” được Phao-lô dùng trong 2Cô-rinh-tô 12:2, để phân biệt với hai từng trời trong vũ trụ hữu hình. Để chỉ về nơi vô hình vượt quá sự hiểu biết của con người, nơi ngự trị của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, nơi huyền nhiệm vô cùng, nơi hiện hữu của thế giới thiện mỹ thần linh.

Thiên đàng cũng được Chúa Giê-xu gọi là “Nhà Cha Ta” (Giăng 14:2), là nơi Chúa sắm sẵn cho người công bình cư trú đời đời (Giăng 14:3; Ma-thi-ơ 25:34): “Hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất”. Thiên đàng, nơi sắm sẵn cho người công bình còn được gọi là Thiên thành, hay thành Giê-ru-sa-lem mới trên trời, hay thành thánh, thành của Đức Chúa Trời. Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, sau thời đại Thiên hi niên là kỳ cuối cùng của muôn vật, trời đất sẽ bị thiêu đốt trong lửa và trời mới đất mới sẽ được tái tạo. Khi ấy Giê-ru-sa-lem mới sẽ từ trời ngự xuống, là quê hương đời đời cho người công bình trong nước vĩnh viễn của Đức Chúa Trời (2Phi 3:13; Khải 21:1-8).

  1. PHƯỚC HẠNH TRONG NƠI VĨNH SINH.

Trong nơi vĩnh sinh, đời sống của người công bình là đời sống của phước hạnh. Như được mô tả trong những điểm sau đây:

  1. Phước hạnh của đời sống được ở trong Nhà Cha là nơi vinh hiển, rực rỡ vô cùng (Khải 21:1-3, 25).
  2. Phước hạnh của đời sống được ở với Chúa: Được thấy mặt Chúa, và giao thông với Ngài (Ma-thi-ơ 5:8; 1Cô 13:12).
  3. Phước hạnh của đời sống được yên nghỉ: Vì đã được giải cứu khỏi sự rủa sả của tội lỗi, không còn có sự lao khổ “làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn” (Sáng 3:18-19).
  4. Phước hạnh của đời sống vui vẻ và sung mãn: Không còn có giọt lệ, không còn có sự khao khát vì Chúa là nguồn nước sống làm thỏa mãn mọi ước vọng của tâm hồn (Khải 21:4-6).
  5. Phước hạnh của đời sống thánh khiết: Trong cảnh trời mới đất mới hoàn toàn vắng bóng người ác vì là nơi ở của người công bình, nơi ở của niềm vui trong sự thiện lành, trong sạch (Khải 21:27).
  6. Phước hạnh của đời sống vinh hiển: Được vinh hiển trong nơi ở có sự hiện diện của Chúa, trong thân thể biến hóa vàtrong mão miện sáng chói Ngài ban thưởng (Khải 2:10;
    Cô-lô-se 3:4; 2Cô 4:17).
  7. Phước hạnh của đời sống được thông biết Chúa đầy trọn, là sự hiểu biết quý hơn hết (Phi-líp 3:8; 2Phi 3:18; 1Cô 13:12).
  8. Phước hạnh của đời sống phục vụ và tôn thờ Chúa. Đây là đặc ân của người được cứu chuộc (Khải 22:3; 7:9-11).
  9. Phước hạnh của đời sống được thừa hưởng cơ nghiệp vinh hiển của Chúa. Được đồng thừa hưởng mọi sự giàu có vô hạn trong Đấng Christ (Rô-ma 8:17; Khải 21:7).
  10. Phước hạnh của được sống trong cõi vô hạn: Có người nghĩ, người công bình cứ mãi mãi ca ngợi Chúa thì chắc chán lắm? Đó chỉ là sự suy nghĩ theo lý trí con người trong thế giới hữu hạn. Trong cõi vũ trụ vật chất mà Đức Chúa Trời đã dựng nên, con người vẫn mải hứng thú khám phá những điều kỳ diệu, huống chi trong cõi vô hình, vô hạn, Đức Chúa Trời không sắm sẵn những điều vô cùng huyền diệu cho chúng ta khám phá sao? Người trong cõi vĩnh sinh với thân thể biến hóa, không còn bị chi phối bởi công lệ thiên nhiên, có thể chu du trong cõi vô tận, và sẽ không bao giờ khám phá hết những điều kỳ diệu của Đức Chúa Trời! Sẽ không bao giờ dứt tiếng ca ngợi ân điển Ngài, sẽ không bao giờ hết công việc của người được thừa hưởng cơ nghiệp giàu có không thể dò lường trong Đấng Christ!

Tóm lược

  1. Sự sống đời đời là ân phúc Chúa ban cho người công bình trong cõi vĩnh sinh.
  2. Thiên đàng, hay thành Giê-ru-sa-lem mới trên trời là nơi ở vĩnh viễn của người công bình trong tương lai.
  3. Trong cõi vĩnh sinh, người công bình sẽ nhận được phước là:

– Được sự sống đời đời.

– Được giao thông với Chúa mặt đối mặt.

– Được nhận biết đầy trọn.

– Được vui vẻ và thỏa mãn.

– Được thoát khỏi quyền lực của tội lỗi.

– Được hưởng cơ nghiệp trong Đấng Christ.

– Được hầu việc và thờ phượng Chúa.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Trong sự phán xét của Chúa, người công bình nhận được ân phúc gì? (Rô-ma 2:7; 6:23; Ma-thi-ơ 25:46).
  3. a. Ý nghĩa của chữ đời đời.
  4. Giăng 3:16: Phản nghĩa với sự sống đời đời nghĩa là gì?
  5. Giăng 10:28; 14:6: Sự sống đời đời đến từ đâu?
  6. Giăng 3:36; 3:3: Thế nào để được sự sống đời đời? Theo điều kiện này, sự sống đời đời bắt đầu trong người tin khi nào?
  7. Mác 16:16; Công vụ 4:12: Sự sống đời đời còn được hiểu trong chữ nào khác?
  8. Giăng 17:3: Sự sống đời đời có nghĩa gì?
  9. Tít 1:2; 3:7: Sự mong đợi của người tin là gì? Tại sao?
  10. Xin tóm lược những điểm quan trọng về sự sống đời đời.
  11. a. Giăng 14:2-3: Chúa Giê-xu hứa gì với môn đồ?
  12. Nơi Chúa sắm sẵn được Kinh Thánh nói đến trong những khía cạnh nào? (Ma-thi-ơ 25:34, 44; Hê-bơ-rơ 3:13, 2Phi-e-rơ 3:13; Khải Huyền 21:2-3, 22-27).
  13. Trong những ghi nhận trên, xin tóm lược và giải thích đầy đủ đâu là quê hương vĩnh viễn của người công bình và nơi ấy như thế nào?
  14. Xin kể ra những phước hạnh của người công bình trong nơi ở đời đời (Ma-thi-ơ 25:44; 3:11-12; 21:4, 7, 26-27; 22:3-4; Rô-ma 8:17).
  15. Với những điều trên xin tìm hiểu tại sao đó gọi là phước hạnh?
  16. Xin ghi nhận những lẽ thật quan trọng của Kinh Thánh về nơi ở vĩnh viễn của người công bình.
  17. Bạn đã chuẩn bị như thế nào để xứng đáng với địa vị vĩnh viễn Chúa ban cho? Điều gì bày tỏ bạn có lòng tin và biết ơn Chúa về sự sắm sẵn của Ngài cho người thuộc về Ngài?

Post CommentLeave a reply