CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 27.02.2022
By Quản trị in NAM GIỚI on 21 Tháng Hai, 2022
Chúa nhật 27.02.2022
- Đề tài: NẾP SỐNG TIN KÍNH.
- Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 12:12-17.
- Câu gốc: “Hãy cầu sự bình an với mọi người cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:14).
- Đố Kinh Thánh: 2Sử ký 17-20.
- Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.
* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.
- Mời người hướng dẫn Học Kinh Thánh.
- Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi học Kinh Thánh theo một phương pháp nào đó.
- Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
- Người hướng dẫn chỉ nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp) hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Cơ Đốc nhân tăng trưởng tâm linh sẽ có ảnh hưởng trên xã hội bên ngoài tùy theo mức độ sống đạo của cá nhân đó và nên thánh là điều kiện tiên quyết để phục vụ vương quốc Đức Chúa Trời. Vì “nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:14b). Đức Chúa Trời không đòi hỏi người tin phải toàn thiện ngay nhưng khi ý thức mình yếu đuối, họ sẽ nhờ Chúa làm cho mình mạnh mẽ, dứt bỏ tội lỗi để tiếp tục cuộc đua đức tin. Nên thánh không phải là sống theo tiêu chuẩn thiện lành bề ngoài mà là một tấm lòng nên thánh được thể hiện bằng nếp sống tin kính.
- TẤM LÒNG DÀNH CHO ĐỨC CHÚA TRỜI.
“Tin kính” là thái độ của tấm lòng biểu lộ qua cách ăn ở kỉnh kiền, vì thế trước tiên phải vun trồng tấm lòng dành riêng cho Chúa. “Tấm lòng” được Kinh Thánh dùng để chỉ toàn thể người bề trong kể cả tâm trí, cảm xúc và ý chí. Tấm lòng đầy dẫy Đức Thánh Linh tuôn tràn qua lời nói, cử chỉ, làm phát sinh nếp sống tin kính.
- Mở lòng để Chúa ngự trị.
Đức Chúa Trời không chấp nhận cái “áo phục vụ”, “áo thờ phượng”. Chúa dạy phải yêu kính Ngài với toàn thể con người: Tấm lòng, tâm trí, linh hồn, ý chí… nghĩa là phải để Thánh Linh hiện diện mọi lãnh vực của người bề trong để thờ phượng, phục vụ Ngài. Phải để cho Đức Thánh Linh đập vỡ các chỗ cứng cỏi, dẹp sạch gai gốc khỏi tấm lòng, cắt bỏ lớp vỏ đang che đậy để có một tấm lòng mềm mại dành riêng cho Chúa như Kinh Thánh đã chép: “Vả, Đức Giê-hô-va phán cùng người Giu-đa và cùng Giê-ru-sa-lem như vầy: Hãy cày mở ruộng mới các ngươi, chớ gieo trong gai gốc. Hỡi các ngươi, là người Giu-đa và dân cư Giê-ru-sa-lem, hãy tự cắt bì mình cho Đức Giê-hô-va, và cất dương bì khỏi lòng ngươi! Bằng chẳng vậy, cơn giận Ta sẽ phừng lên như lửa, đốt cháy các ngươi, không ai dập tắt được, vì việc ác các ngươi đã làm” (Giê-rê-mi Gr 4:3-4).
- Xưng tội với Chúa.
Phải có tấm lòng khiêm nhường, nhạy bén sẵn sàng vâng phục sự cáo trách của Đức Thánh Linh: “Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, Danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có lòng ăn năn đau đớn và khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn” (Ê-saiIs 57:15). Phải mở những nơi bí mật, kín giấu trong lòng và xưng mọi tội lỗi cách rành mạch với Chúa để được tha thứ, chữa lành và quyền năng đắc thắng tội lỗi. Phải luôn luôn tự xét mình để ăn năn, xé lòng trước mặt Chúa.
- Khao khát đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Chúa hứa ban quyền năng làm chứng về Chúa qua Đức Thánh Linh. Đầy dẫy Đức Thánh Linh là một mạng lệnh (Ê-phê-sô Ep 5:18), vì nếu không đầy dẫy Đức Thánh Linh sẽ không có quyền năng để phục vụ Chúa, cứu tội nhân. Phải khao khát tìm cầu Chúa như nai cái thèm khe nước: “Đức Chúa Trời ôi! Linh hồn tôi mơ ước Chúa, như con nai cái thèm khát khe nước. Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống: Tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng nào?” (Thi Tv 42:1-2).
Kinh nghiệm đầy dẫy Đức Thánh Linh trong Cựu ước chỉ có từng hồi từng lúc, nhưng trong Tân ước được liên tục, không những đầy dẫy tấm lòng mà còn tràn ra cho người khác nữa, không những được mạnh mẽ trong lòng mà còn được mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời thể hiện trong nếp sống. EpViệc vun trồng tấm lòng dành riêng cho Chúa còn đòi hỏi chúng ta phải kỷ luật trong đời sống học Lời Chúa và cầu nguyện.
- CHIẾN THẮNG CÁM DỖ.
Cơ Đốc nhân tăng trưởng cũng bị cám dỗ tấn công như các tín hữu khác mà có thể bị cám dỗ gắt gao hơn. Vì thế, chúng ta phải:
- Nhìn nhận các yếu đuối của mình.
Cơ Đốc nhân lý tưởng là người biết mình yếu đuối để trở nên mạnh mẽ vì quyền năng Đức Thánh Linh chỉ hành động trong những người khiêm tốn, ý thức chính mình để hoàn toàn nhờ cậy Chúa. Những kẻ tự tin, kiêu ngạo, ỷ lại vào tài năng riêng, loại bỏ Chúa sẽ thất bại nặng nề. Sau-lơ, Đa-vít, Sa-lô-môn đều mắc phải lỗi lầm nầy, nhưng chỉ Đa-vít hạ mình xuống ăn năn nên được nhắc lên. Hãy khiêm nhường trước mặt Chúa và người khác vì như Kinh Thánh chép: “Đức Giê-hô-va nâng đỡ người khiêm nhường, nhưng đánh đổ kẻ ác xuống đất” (Thi 147:6).
- Sử dụng các nguồn năng lực của Đức Chúa Trời.
Ý thức mình yếu đuối nhưng còn phải ý thức Chúa quyền năng. Quyền năng vô hạn của Chúa sẽ hành động khi ta đến với Chúa thú nhận sức lực yếu đuối của mình vì “đến gần Chúa, Ngài sẽ đến gần”. Bí quyết chiến thắng là tận dụng nguồn năng lực của Chúa: “Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” (Êph Ep 6:10).
Phòng thủ: Trang bị lẽ thật để phát hiện mưu chước lừa dối của ma quỷ, sự công chính nhờ huyết Chúa để bịt miệng Sa-tan kiện cáo, sứ điệp Tin Lành bình an để sống có mục đích, biết chắc sự cứu rỗi để không bỏ Chúa, và đức tin để vượt thắng các thương tổn tạm thời và các chướng ngại.
Tấn công: Bằng gươm Đức Thánh Linh để đánh tan tà thuyết cùng mọi cám dỗ của ma quỷ, bằng sự cầu nguyện liên tục để đem quyền năng thiên đàng đối phó với sức mạnh tối tăm tội ác.
- Canh giữ tư tưởng của mình.
Tội lỗi phát xuất từ tấm lòng vì thế sự chiến thắng phải bắt đầu ngay từ trong tấm lòng. Nếu không hủy phá ngay tư tưởng bất chính, nó sẽ dẫn đến hành động tội ác. GcPhải học tập đặt tư tưởng mình vào kỷ luật. Phao-lô đã “bắt mọi tư tưởng phải đầu phục Chúa” (2Côr 2Cr 10:5), để không lọt vào lòng mình bất cứ tư tưởng hay ham muốn nào đi ngược với ý muốn Chúa, với các nguyên tắc Thánh Kinh. Tập trung tư tưởng vào Chúa sẽ cứu ta khỏi cám dỗ. Hãy trưng dẫn một câu Kinh Thánh hay hát nho nhỏ một bản Thánh ca khi cám dỗ xuất hiện.
- NẾP SỐNG THÁNH THIỆN MẪU MỰC.
Phải kiên định thi hành các nguyên tắc thánh hóa của Kinh Thánh từ tấm lòng thánh sạch đến đời sống kỷ luật.
- Giữ đúng các tiêu chuẩn trong Kinh Thánh: Chúng ta phải thánh thiện chỉ vì Chúa là thánh thiện: “Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình” (1Phi 1Pr 1:15). Tiêu chuẩn sống phải là tiêu chuẩn sống của Kinh Thánh, là thánh thiện trọn vẹn. Vì thế phải liên tục ở trong sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh để có một đời sống như Chúa dạy. Đừng nản lòng vì chưa đạt tiêu chuẩn trọn vẹn của Chúa. Hãy để điều đó đưa chúng ta càng đến gần thập tự hơn để được xưng công bình nhờ huyết Chúa, vì đi với Chúa trong sự sáng thì huyết Chúa Giê-xu làm sạch mọi tội chúng ta: “Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Giê-xu, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (1Giăng1Ga 1:7). Sống đúng tiêu chuẩn của Chúa để bày tỏ lòng biết ơn Chúa đã thương xót ban ân điển cho mình. Dâng đời sống như lễ vật sống và thánh để sống cho Chúa là sự thờ phượng đích thực của người theo Chúa, được Ngài chấp nhận. Đây là bí quyết sống thánh thiện. Vì “nhờ Thánh Linh, chúng ta sẽ có tâm trí của Chúa Cứu thế” (1Côr1Cr 2:16b), tâm trí ấy sẽ biến hóa nếp sống ta.
- Áp dụng kỷ luật cho mọi lãnh vực của đời sống.
Nếp sống thánh khiết đòi hỏi nhiều công lao và kỷ luật. Vì dù sự sống và sự tin kính do Chúa ban, nhưng chúng ta phải “gắng hết sức” nghĩa là người tin Chúa phải hoàn tất phần của mình. Kỷ luật đòi hỏi cố công gắng sức. Kỷ luật rất khó khăn nhưng cũng rất cần thiết. Lãnh vực xã hội phải thận trọng trong lựa chọn bạn bè và giao tế. Lãnh vực trí tuệ phải xác định mục tiêu, xếp đặt thì giờ cho mọi việc. Lãnh vực tình cảm phải biểu lộ tình cảm lành mạnh, lạc quan… Lãnh vực thân thể phải giữ cho mạnh khỏe, tráng kiện, tiết độ… Lãnh vực luân lý đạo đức phải cẩn trọng với tình, tiền và quyền thế. Kỷ luật quan trọng nhất là học Lời Chúa mỗi ngày, có chương trình, có hệ thống để hiểu và áp dụng đúng theo Lời Chúa dạy. Cũng hãy kỷ luật trong sự thờ phượng Chúa, thông công với anh em. Đừng lăng xăng việc nầy việc nọ mà bỏ quên chính tấm lòng mình.
- Thiết lập mối liên hệ và chia sẻ với các tín hữu khác.
Các Cơ Đốc nhân hăng say thường có khuynh hướng làm việc đơn độc. Họ thường chạy quá nhanh và ôm đồm quá nhiều dễ làm sứt mẻ nhiều mối liên hệ tốt đẹp với gia đình, anh em tín hữu. Ngoài thân nhân trong gia đình, có thể thiết lập và duy trì mối thông công sâu đậm với ít nhất là một Cơ Đốc nhân kính sợ Chúa (cùng phái). Người nầy có thể khích lệ bạn sống đời sống thánh hóa cũng như sát cánh với bạn trong cuộc chiến đấu tâm linh.
Nhóm tín hữu kính sợ Chúa có thể gặp mặt nhau cách đều đặn để yêu thương nhau, nâng đỡ khích lệ nhau tăng trưởng trong nếp sống thánh hóa được gọi là “Gia đình Cơ Đốc” (Đa-ni-ên và ba bạn). Chức vụ của bạn có hữu hiệu hay không hoàn toàn tùy thuộc bạn có nếp sống tin kính Chúa hay không. Sự tin kính có đặc tính “tự sinh sôi nẩy nở”. Vì thế trước hết phải nuôi dưỡng tâm linh từ tấm lòng dành riêng cho Chúa, sau đó phải học tập chiến thắng cám dỗ bằng mọi nguồn năng lực của Chúa và cuối cùng phải thiết lập nếp sống tin kính, kỷ luật từ tư tưởng đến mọi lãnh vực của cuộc sống trong mối thông công với anh em kính sợ Chúa.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Xin kể ra ba bước cần thiết để có một nếp sống tin kính.
- Xin cho biết tầm quan trọng của việc xưng tội hằng ngày.
- Cho biết vai trò của Đức Thánh Linh trong việc thiết lập đời sống tin kính.
- Làm cách nào để chiến thắng cám dỗ?
- Tại sao việc canh giữ tâm trí là cần thiết?
- Tại sao việc thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với các anh chị em tín hữu khác là quan trọng?