Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 29.01.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 29.01.2023

By Quản trị in NAM GIỚI on 29 Tháng Một, 2023

Chúa nhật 29.01.2023

  1. Đề tài: SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA GIÊ-XU.
  2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 24:29-35; Giăng 14:1-3; Công 1:11.
  3. Câu gốc: “…Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho người chờ đợi Ngài” (Hê 9:28).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 61-64.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, uỷ viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Chúa Giê-xu không bao giờ tái lâm.

Đề tài 2: Chúa Giê-xu sẽ tái lâm.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận:
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Một trong những giáo lý căn bản về niềm tin của Cơ Đốc nhân là sự tái lâm của Đấng Christ. Trải qua bao thế đại, giáo lý tái lâm đã phải đương đầu với nhiều thách thức của người chẳng tin, của những tiên tri giả. Có những giải luận sai lạc về lẽ đạo này, thậm chí có một số con cái Chúa bắt đầu hoài nghi sự tái lâm của Ngài.

Trước những luồng sóng nghi ngờ và dấy lên của nhiều tà thuyết, thật rất cần cho Cơ Đốc nhân xác nhận niềm tin của mình về những giáo lý này, vì đây là lẽ trông cậy cho sự cứu rỗi của chúng ta. Chúa Giê-xu sẽ tái lâm không? Sự tái lâm của Ngài sẽ xảy ra như thế nào? Và có mục đích gì?

  1. DẪN GIẢI.
  2. DẪN CHỨNG VỀ SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA GIÊ-XU.

Sự tái lâm của Chúa Giê-xu là điều chắc chắn.

  1. Sự lặp đi lặp lại của Kinh Thánh.

Lời tiên tri về sự giáng sanh của Chúa Giê-xu trong Kinh Thánh Cựu ước cũng nói trước về sự tái lâm của Ngài (1Phi 1:10-11).

Trong Tân ước, sự tái lâm của Chúa Giê-xu được nói đến nhiều hơn là sự giáng sanh của Ngài. Trong 27 sách Tân ước, trung bình mỗi 25 câu có một câu nói đến sự tái lâm. Trong 216 đoạn của Tân ước, sự tái lâm của Chúa Giê-xu được nói đến khoảng 318 lần, và chừng 50 lần nhắc nhở con cái Chúa tỉnh thức chờ đón Chúa Giê-xu trở lại. Đặc biệt hai sách Tê-sa-lô-ni-ca, Khải Huyền, và bốn đoạn Ma-thi-ơ 24, 25; Lu-ca 21; Mác 13, chỉ nói đến một đề tài là sự tái lâm.

  1. Chính Chúa Giê-xu đã nói tiên tri về sự tái lâm, và hứa với môn đồ về sự trở lại của Ngài (Mat 24; Giăng 14:3).
  2. Sự làm chứng của thiên sứ.

Khi Chúa Giê-xu thăng thiên, thiên sứ cũng đã quả quyết với các môn đồ đang chứng kiến rằng, Ngài sẽ trở lại (Công 1:11).

  1. Sự tái lâm được các sứ đồ công bố và dạy dỗ cho các tín hữu, là hy vọng của sự cứu rỗi (1Tê 4:16; 2Tê 2:1, 8; 1Phi 5:4; 2Phi 3:9-10; Gia-cơ 5:7-8).
  2. Niềm tin sống động của Hội Thánh đầu tiên.

Hội Thánh đầu tiên tin nhận giáo lý tái lâm, xem đó là giáo lý nền tảng như giáo lý về sự chuộc tội của Đấng Christ. Mosheim ghi rằng: “Giáo lý về Đấng Christ sẽ trở lại trước lúc tận thế để trị vì một ngàn năm giữa loài người đã được truyền bá khắp nơi, và trước đời Origène (185-254 S.C), chẳng ai phản đối chi cả”.

  1. MỤC ĐÍCH CỦA SỰ TÁI LÂM.
  2. Để ban sự cứu rỗi cho người tin nhận Ngài, tức là sự cứu chuộc của thân thể.

Đấng Christ là trái đầu mùa của sự sống lại. Ngài sẽ khiến người tin sống lại, và thân thể họ được biến hóa vinh hiển khi Ngài tái lâm (Hê 9:28; Rô 8:23; 1Cô 15:20-23; 1Tê 4:16).

  1. Để ban thưởng cho người trung tín hầu việc Ngài (2Ti 4:1; Khải 22:12).
  2. Để lập nước ngàn năm bình an, trị vì, đem lại sự hòa bình và công lý trên khắp đất (Khải 11:15; Ê-sai 11:3-5).

Ba điểm trên chứng tỏ sự tái lâm của Chúa Giê-xu là cần thiết.

– Vì đó là hy vọng của Cơ Đốc nhân về sự giải cứu thân thể khỏi sự chết.

– Vì đó là niềm mong đợi của tuyển dân Y-sơ-ra-ên về sự hiện đến của Đấng Mê-si để giải cứu họ khỏi sự bách hại của thế giới.

– Vì đó là khát vọng của muôn dân về hòa bình và công lý thực sự trên đất.

  1. BIẾN ĐỘNG CỦA SỰ TÁI LÂM.
  2. Những dấu hiệu báo trước.

Trong Ma-thi-ơ 24:4-14, 29-32, ChúaGiê-xu đã nói đến các biến cố xảy ra báo hiệu cho sự tái lâm sắp đến như sự xuất hiện của Christ giả, của Antichrist, sự gia tăng của các tai vạ, chiến tranh, đói kém, động đất, sự bách hại Hội Thánh Chúa. Bên cạnh đó là sự gia tăng tội lỗi; Tin Lành được rao giảng khắp đất; và một dấu hiệu rõ rệt nữa là sự đâm chồi của cây vả, chỉ về quốc gia Y-sơ-ra-ên trên đường phục hồi theo lời tiên tri đã dự ngôn.

Những điều kể trên đã, đang và sẽ ứng nghiệm, đồng thời cũng cho thấy rằng thời kỳ Hội Thánh hay cũng gọi là thời kỳ dân ngoại sắp điểm, số dân ngoại được tiếp nhận vào Hội Thánh Đấng Christ sắp đủ. Ngài sắp trở lại tiếp đón Hội Thánh và giải cứu dân sự Ngài (Rô-ma 11:25-26), cho nên hãy nhìn “cây vả” đang đâm chồi thì biết mùa hạ sắp tới, như lời cảnh báo của Chúa Giê-xu.

  1. Thời điểm Chúa tái lâm là điều kín nhiệm (Ma-thi-ơ 24:36).

Trong Kinh Thánh cho thấy trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, sự hoạch định chương trình và ấn định thời điểm là công việc của Đức Chúa Cha. Ga-la-ti 4:4 ghi rằng: “…Khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài…”giáng thế, thì sự ấn định thì giờ cho ngày Chúa Con tái lâm cũng là công việc của Đức Chúa Cha. Sự kín mật về thì giờ là điều thử nghiệm tấm lòng trung tín của con cái Chúa trong tinh thần tỉnh thức trông đợi Chúa, hầu việc Chúa cách dư dật luôn để được gặp Chúa trong sự vui mừng và ban thưởng.

  1. Các diễn biến của sự tái lâm.

Kinh Thánh dùng ba từ để nói đến sự tái lâm của Chúa.

  1. 1Cô-rinh-tô 15:23: Sự hiện đến của Ngài.

Chữ này trong nguyên văn Hy-lạp là Pararousia có nghĩa đen là “có mặt” hay sự hiện diện. Nghĩa bóng chỉ về sự hiện đến của Đấng Christ để tiếp rước Hội Thánh (1Tê 2:19; 3:13; 4:15).

  1. 1Tim 6:14: Sự hiện ra của Ngài.

Nghĩa đen của chữ “hiện ra” trong nguyên văn Hy-lạp là Epiphaneia, là chữ Kinh Thánh Tân ước dùng để nói đến sự giáng thế của Đấng Christ, nhưng dùng nhiều hơn để chỉ về sự hiện ra lần thứ hai của Ngài trong sự đoán xét thế gian, và lập nước ngàn năm trên đất (2Tê 2:8; 2Tim 4:1,8).

  1. 1Phi 4:13: Sự bày tỏ của Ngài.

Trong nguyên văn Hy-lạp là Apokalypsis, nghĩa đen là “mặc khải” hay là sự khải thị. Nghĩa bóng chỉ về sự hiện ra của Đấng Christ cách hiển nhiên cho cả thế gian được thấy Ngài cách tỏ tường.

Sự tái lâm của Đấng Christ sẽ gồm trong hai giai đoạn:

(1) Giai đoạn thứ nhất – Tiếp rước Hội Thánh. Sự hiện đến của Ngài có tính cách ẩn nhiên, liên quan đến người tin, chúng ta không biết rõ khoảng thời gian bao lâu nhưng trong giai đoạn này, trước hết Đấng Christ sẽ hiện ra trên không trung để tiếp đón Hội Thánh Ngài (1Tê 4:16-17).

(2) Giai đoạn thứ hai – Sự hiện ra cách hiển nhiên. Ngài hiện đến với các thánh đồ và thiên sứ để thể hiện sự công bình của Ngài trên đất (2Tê 1:7-8).

Hai giai đoạn của sự tái lâm không có nghĩa là có hai sự tái lâm, nhưng sự tái lâm xảy ra theo hai giai đoạn. Hai giai đoạn này được J. D. OIsen mô tả như sau: “Chặng thứ nhất, Ngài hiện đến như “Sao Mai” (Khải 22:16); chặng thứ hai, Ngài hiện đến như “Mặt trời công bình” (Ma-la-chi 4:1-2). Chặng thứ nhất Ngài giáng lâm giữa không trung (1Tê 4:17); chặng thứ hai, Ngài giáng hạ tại núi Ô-li-ve (Xa-cha-ri 14:3-4). Chặng thứ nhất, Ngài hiện đến để tiếp rước tân phụ Ngài (Giăng 14:3); chặng thứ hai Ngài hiện ra để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên
(Xa-cha-ri 11:10). Chặng thứ nhất, gọi là “chúng ta hội hiệp cùng Ngài” (2Tê 2:1); còn chặng thứ hai gọi là “Chúa Giê-xu từ trời hiện đến” (2Tê 1:7).

  1. Ý nghĩa và lý do sự hiện đến lần thứ hai của Chúa Giê-xu.

Kinh Thánh nói rất rõ về hai lần hiện đến của Đấng Christ. Trong thời Cựu ước, dự ngôn của tiên tri Ê-sai về Đấng Mê-si-a được mô tả trong hai hình ảnh khác nhau: Hình ảnh của đầy tớ chịu sỉ nhục (Ê-sai 53) và hình ảnh của vị Vua vinh hiển
(Ê-sai 11). Hai hình ảnh này đã làm cho dân Do Thái lầm lẫn trong sự nhận diện Đấng Mê-si-a khi Ngài hiện đến. Tuy nhiên trong Tân ước, hai hình ảnh của Đấng Mê-si-a nói đến trong Cựu ước được bày tỏ trong hai lần hiện đến của Ngài. Lần thứ nhất, Ngài hiện đến trong sự giáng thế làm người, hạ mình chịu chết làm sinh tế chuộc tội loài người – ứng nghiệm Ê-sai 53. Lần thứ hai, Ngài hiện đến trong sự tái lâm, để làm Vua ban sự cứu rỗi cho người tin và đem lại hòa bình trên khắp đất – như điều đã nói trước trong Ê-sai 11 (Hê 9:28).

  Lần hiện đến thứ nhất

– Sự giáng thế của Ngài.

– Làm đầy tớ, bị sỉ nhục.

– Dâng mình chuộc tội, nên sự cứu rỗi cho thế gian.

– Bị dân Ngài chối bỏ.

 

– Thần tánh Ngài ẩn giấu.

           Lần hiện đến thứ hai

– Sự tái lâm của Ngài.

– Vua vinh hiển.

– Ban sự cứu rỗi cho người tin.

– Đem lại sự hòa bình và công chính trên đất.

– Giải cứu dân Y-sơ-ra-ên và được dân Ngài tiếp nhận.

– Thần tánh Ngài được chiếu tỏa.

  1. Quang cảnh của sự thăng thiên và sự tái lâm.

Quang cảnh của sự thăng thiên và tái lâm có khác nhau không? Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, chúng ta được biết những điều sau:

(1) Công vụ 1:11: Chúa sẽ trở lại như cách Ngài được tiếp lên trời.

(2) Ngài lên trời bằng thân thể phục sinh, thì Ngài cũng sẽ trở lại với thân thể của Đấng Thần nhân. Mọi mắt sẽ trông thấy Ngài, kể cả những người đã đâm Ngài (Khải 1:7).

(3) Ngài lên trời từ núi Ô-li-ve, thì cũng sẽ trở lại tại hòn núi này – tiên tri Xa-cha-ri 14:4.

Sự tái lâm của Chúa Giê-xu có thể giải đáp những thắc mắc sau:

  1. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu không phải là sự chết của người tin Chúa. Vì sự chết của người tin Chúa không xảy ra biến động của sự tái lâm, 1Tê 4:16-17.
  2. Sự tái lâm không phải sự giáng lâm của Đức Thánh Linh. Vì trong ngày lễ Ngũ tuần, sự giáng lâm của Đức Thánh Linh để thành lập Hội Thánh. Nhưng sự tái lâm là sự hiện đến của Chúa để tiếp đón Hội Thánh về trời.
  3. Sự tái lâm không phải là sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem. Vì sau biến cố hủy phá thành Giê-ru-sa-lem dân Y-sơ-ra-ên tan lạc khắp đất, thay vì được phục hồi trong sự trị vì của Đấng Mê-si khi Ngài tái lâm như điều các tiên tri đã nói trước.

Tóm lược

  1. Sự tái lâm của Đấng Christ là chắc chắn; vì sự xác quyết của Kinh Thánh, thiên sứ, các sứ đồ, và chính Chúa Giê-xu.
  2. Có những dấu hiệu báo ngày Chúa tái lâm sắp đến, nhưng thì giờ của sự hiện đến là điều kín giấu.
  3. Sự tái lâm của Chúa gồm trong hai giai đoạn. Thứ nhất Ngài hiện đến tiếp rước Hội Thánh. Thứ hai, Ngài hiện đến cách hiển nhiên, làm vua cai trị Nước ngàn năm bình an.
  4. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu sẽ như cách Ngài lên trời.
  5. Mục đích của sự tái lâm là để ban sự cứu rỗi cho người tin, đem sự hòa bình trên đất và giải cứu dân sự Chúa.
  6. Biến động tái lâm của Chúa Giê-xu có liên quan đến người tin, đến tuyển dân Y-sơ-ra-ên và cho cả thế giới.
  7. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  8. a. 1Phi-e-rơ 1:10-11: Các tiên tri trong Cựu ước đã nói trước điều gì về Đấng Mê-si-a?
  9. Ma-thi-ơ 24:30; Giăng 14:3: Chúa Giê-xu nói trước gì về Ngài? Và hứa gì với các môn đồ?
  10. Công vụ 1:11: Thiên sứ loan báo điều gì với những người chứng kiến Chúa Giê-xu về trời?
  11. 1Tê 4:16; 2Tê 2:1,8, 1Phi 5:4; 2Phi 3:9-10; Gia-cơ 5:7-8: Các sứ đồ dạy dỗ các tín hữu điều gì?
  12. Khải Huyền 1:7: Sứ đồ Giăng bày tỏ điều gì khi ông gặp Chúa Giê-xu trong sự hiện thấy?
  13. Xin tóm lược những điểm quan trọng, chứng tỏ sự tái lâm của Đấng Christ là điều chắc chắn.
  14. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu có những mục đích nào?
  15. Hê 9:28; 1Tê 4:16.
  16. 2Ti-mô-thê 4:1; Khải Huyền 22:12.
  17. Khải Huyền 11:15; Ê-sai 11:3-5.
  18. Với những mục đích trên, xin cho biết tại sao sự tái lâm của Chúa Giê-xu là cần thiết.
  19. Ma-thi-ơ 24:4-14, 29-32: Những dấu hiệu nào báo trước sự tái lâm?
  20. Xin cho biết ý nghĩa những từ: Sự hiện đến của Ngài (1Cô-rinh-tô 15:23), sự hiện ra của Ngài (1Ti-mô-thê 6:14), sự bày tỏ của Ngài (1Phi-e-rơ 4:13).
  21. Theo ý nghĩa của những từ trên, sự tái lâm của Đấng Christ được diễn ra như thế nào và có liên quan đến những ai? (1 Tê 4:16; 2Tê 1:7-8; Ma-thi-ơ 24:30).
  22. Trong Hê-bơ-rơ 9:28, sự tái lâm của Chúa Giê-xu được gọi là sự hiện đến lần thứ hai của Ngài. Điều này có nghĩa gì so với lần hiện đến thứ nhất của Ngài?
  23. Xin cho biết những điểm quan trọng về giáo lý tái lâm của Chúa.
  24. Bạn có biết chắc rằng Chúa Giê-xu sẽ trở lại không? Qua nếp sống đạo hằng ngày, người ta có thể thấy bạn là người đang trông đợi sự hiện đến của Chúa không?

Post CommentLeave a reply