CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 30.01.2022
By Quản trị in NAM GIỚI on 24 Tháng Một, 2022
Chúa nhật 30.01.2022
- Đề tài: LỜI TÔN XƯNG THÍCH ĐÁNG.
- Kinh Thánh: Mác 8:27-33.
- Câu gốc: “Ngài hỏi: Nhưng các ngươi thì nói Ta là ai? Phi-e-rơ thưa rằng: Thầy là Đấng Christ” (Mác 8:29).
- Đố Kinh Thánh: 2Sử ký 1-4.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
- Tài liệu: Ủy viên Linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).
– Câu hỏi giải thích (giải thích việc xảy ra và tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
Dưới đây là một số câu hỏi đề nghị, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo:
(1.1) Theo sự nhận biết của người đương thời, Chúa Giê-xu là ai? (c.27-29).
(1.2) Vì sao họ nhận biết Chúa Giê-xu là những người đó?
(1.3) Bạn nhận biết Chúa Giê-xu là Ai? Tại sao bạn nhận biết như thế?
(2.1) Phi-e-rơ nhận biết Chúa Giê-xu là ai? (c.29). Làm sao Phi-e-rơ biết được như thế? (c.30).
(2.2) Chúa Giê-xu là Đấng Christ có nghĩa gì?
(2.3) Điều gì chúng tỏ bạn nhận biết Chúa Giê-xu là Đấng Christ?
(3.1) Sau khi Chúa Giê-xu cho các môn đồ biết về sự thương khó của Ngài thì Phi-e-rơ đã nói gì?
(3.2) Tại sao Chúa Giê-xu quở trách Phi-e-rơ về điều đó?
(3.3) Bạn có bằng lòng chịu thương khó với Chúa Giê-xu không? Xin dẫn chứng.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Ngày nọ, cả lớp học đang bàn cãi về các nhân vật lừng danh trong lịch sử. Giáo viên hỏi: “Theo ý của bạn thì ai là nhân vật lỗi lạc nhất trong lịch sử?”.
Các học viên đã trả lời không chút phân vân: “Chúa Giê-xu”.
Vị giáo viên hỏi: “Tại sao vậy?”
Một học viên đáp: “Vì Ngài là một giáo sư bậc thầy”.
Một học viên khác thêm: “Vì Ngài là một đại tiên tri”.
Một học viên thứ ba đáp: “Vì Ngài là một lãnh tụ có ảnh hưởng vô cùng lớn lao”.
Nhưng giáo viên vẫn chưa toại nguyện về mấy câu trả lời đó, nên hỏi: “Có rất nhiều đại giáo sư, đại tiên tri và lãnh tụ lỗi lạc; thế tại sao các bạn lại cho rằng Chúa Giê-xu là Đấng lỗi lạc nhất?”
Tại sao giáo viên kia chưa toại nguyện về các câu trả lời trên? Mỗi câu đó đã không nói đúng sự thật về Chúa Giê-xu sao? (Giờ thảo luận phải nhớ vạch rõ tính cách độc nhất vô nhị của Đấng Christ là Đấng Cứu Thế và Đấng chủ tể của chúng ta). “Đấng Christ đã chịu chết” đó là lịch sử. “Đấng Christ đã chịu chết thay cho tôi” đó là đức tin sống động.
- KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
- Lời Tôn Xưng Đấng Christ Của Phi-e-rơ.
Đọc Mác 8:27-30; Mác 3:13-15 và Mác 6:7,12,13. Các môn đồ đã có nhiều từng trải trước khi Chúa Giê-xu hỏi: “Nhưng các ngươi thì nói Ta là ai?” Họ đã thấy Ngài rất được lòng dân chúng, đã nghe Ngài giảng dạy, đã chứng kiến các phép lạ chữa bệnh của Ngài. Họ đã thấy những kẻ oán ghét Chúa chống đối Ngài và nhận ra rằng trong mọi trường hợp thì Ngài đều thắng hơn. Họ cũng được Chúa Giê-xu sai đi truyền giảng, được Ngài ban cho quyền năng để giảng sự ăn năn, chữa bệnh và đuổi quỷ.
Các bạn nghĩ khi cùng đi với Ngài thì họ biết Ngài là ai không? (Giăng 1:29-41). Thế tại sao Chúa Giê-xu lại còn hỏi họ câu trên? Việc xảy ra dường như Ngài hỏi họ rằng: “Bây giờ, sau khi các ngươi đã thấy, đã nghe, thì các ngươi tin Ta là ai?” Dân Do-thái tin rằng Đấng Mê-si sẽ dùng vũ lực để chiếm lại quốc gia. Cho nên Chúa Giê-xu đã thử họ, xem họ có đủ khả năng phân biệt cách thuộc linh để nhận thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ không làm điều mọi người mong đợi hay không.
Hai câu hỏi của Chúa Giê-xu liên quan với nhau như thế nào? (Mác 8:27,29). Câu đầu có tính cách tổng quát, câu sau có tính cách cá nhân.
Dân chúng đã làm gì khi gặp Chúa Giê-xu? Và họ có ý kiến thế nào về Ngài? (Mác 3:9). Họ xếp Ngài vào hạng người tối quan trọng trong lịch sử quốc gia. Phải chăng họ bảo rằng Ngài giống như Giăng Báp-tít, Ê-li hay một trong các nhà tiên tri? Không, họ bảo rằng Ngài là một nhân vật trong số đó, nhưng không thấy Ngài là một nhân vật có một không hai, lỗi lạc hơn cả nhân vật lỗi lạc nhất. Họ thích tin rằng Chúa Giê-xu là một nhân vật nào đó đã từ cõi chết sống lại, hơn là tin rằng Ngài là Đấng Mê-si, Cứu Chúa của họ.
Bây giờ thì Chúa Giê-xu tỏ ra rất thẳng thắn. Câu hỏi riêng của Ngài bắt đầu bằng tiếng “nhưng”. Ngài ngụ ý gì vậy? Ngài muốn nói rằng câu trả lời của các môn đồ Ngài phải khác hơn. Ngài mong rằng môn đệ thân cận với Ngài sẽ biết trả lời đúng.
Rõ ràng là họ đã không cần gì phải bàn cãi với nhau về câu trả lời. Phi-e-rơ lên tiếng ngay và khẳng định điều ông đã được cho biết khi lần đầu tiên ông gặp Chúa Giê-xu. “Ngài là Đấng Christ”, “Christ” là từ ngữ Hy-lạp có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Từ Hy-bá-lai tương đương với “Đấng được xức dầu” là “Mê-si”. Từ Mê-si có nghĩa là Đấng giải phóng lỗi lạc, sẽ ra đời trong dòng dõi của vua Đa-vít để cứu vớt dân sự của Đức Chúa Trời khỏi ách đô hộ, áp bức. Sứ đồ Phi-e-rơ có ý bảo rằng: “Tất cả những gì Đức Chúa Trời đã hứa, bây giờ đã nhận được, Ngài là Chúa Giê-xu của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng Ngài chính là Đấng ấy”.
Câu nói của Phi-e-rơ xác nhận rằng ông đã tin lời làm chứng của em mình là Anh-rê (Giăng 1:35-42). Khi bắt đầu theo Chúa, các môn đồ đã tin rằng Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si của họ rồi, sự hợp tác chặt chẽ với Ngài suốt hai năm đã xác nhận niềm tin ấy. Phi-e-rơ và các môn đồ chắc đã vượt qua quan niệm thông thường về Đấng Mê-si để đạt đến sự kiện Ngài sẽ là vị lãnh đạo thuộc linh cai trị trong lòng người ta. Họ còn phải chấp nhận ý niệm là Đấng Mê-si yêu dấu của họ sẽ phải chịu khốn khổ và bị chối bỏ. Đó là điều mà Phi-e-rơ không thể tưởng tượng được, như chúng ta sẽ thấy trong mấy câu tiếp theo đó (Mác 8:31-33). Các môn đồ đã đạt được một cao điểm trong việc nhìn nhận sự thật, và Đức Chúa Trời đã tiếp tục tiết lộ toàn thể sự thật cho họ khi họ chịu mở trí, mở lòng ra cho Ngài làm việc ấy.
Lời tôn xưng của Phi-e-rơ rất thích đáng. Lời tôn xưng ấy thật là dứt khoát, rõ ràng, tuyệt hảo và đứng vững để chống lại những câu trả lời giả dối phát sinh từ những ý niệm khiếm khuyết.
- Lời Xưng Nhận Của Chúng Ta.
* Một lời tôn xưng thích đáng phải:
- Rõ ràng: Một câu phát biểu có đầu đuôi, hợp lý.
- Trực tiếp: Nhắm thẳng vào mục tiêu.
- Đầy đủ: Bao gồm tất cả những điều cốt yếu.
- Tôn kính: Bày tỏ lòng yêu thương, kính sợ Đức Chúa Trời, tôn vinh Chúa chớ không tôn vinh chính mình.
- Thực tế: Phải xuất phát từ kinh nghiệm bản thân về Đấng Christ.
- Bằng lời lẽ dễ hiểu.
- Được đời sống của bạn hậu thuẫn: Hãy sống theo như lời bạn nói.
- BÀI HỌC ÁP DỤNG.
Nếu bạn là một Cơ Đốc nhân chân chính thì lời tôn xưng của bạn sẽ rất tự nhiên, không sợ hãi. Nếu người chung quanh cười nhạo lời làm chứng của bạn thì bạn sẽ có thái độ nào? Thảo luận về những từng trải mà bạn đã có.
Một lời tôn xưng thích đáng bao hàm nhiều điều hơn là những gì chúng ta dùng lời lẽ mà nói ra. Nó bao gồm cả đời sống của chúng ta. Một khi được biết Chúa Giê-xu như một người bạn tri kỷ và Cứu Chúa, chúng ta biết Ngài là Đấng chân thật. Ngài nói về chính Ngài rằng: “Ta là chân lý”. Thế tại sao lắm lúc chúng ta lại muốn chối bỏ sự thật? Cho nên, chúng ta vừa lấy làm vinh cũng như vừa tự xem là mình có trách nhiệm phải luôn luôn làm chứng cho Ngài bằng lời nói và bằng cả đời sống nữa. Bạn bè chưa tin Chúa của chúng ta sẽ không có cơ hội nào khác để có thể biết Chúa ngoài việc làm chứng của chúng ta.
III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.
- Lời tôn xưng Đấng Christ của Phi-e-rơ thích đáng không?
- Kể ra các đặc điểm của một lời tôn xưng thích đáng.