CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 30.04.2023
By Quản trị in NAM GIỚI on 24 Tháng Tư, 2023
Chúa nhật 30.04.2023
- Đề tài: NƠI Ở ĐỜI ĐỜI CỦA NGƯỜI ÁC.
- Kinh Thánh: Khải Huyền 9:2-11; 20:11-15; 21:8.
- Câu gốc: “Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: Đó là sự chết thứ hai” (Khải 21:8).
- Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 105-108.
- Thể loại: Thảo luận.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 29.01.2023.
Đề tài 1: Người chết còn có cơ hội được cứu.
Đề tài 2: Không còn cơ hội được cứu cho người đã chết.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trên cõi tạm này, một vấn đề thật khó hiểu là sự hưng thạnh của người ác và sự chịu khổ của người công bình. Một sự trái ngược vô cùng, một điều xem có vẻ quá bất công! Tuy nhiên, điểm quan trọng giữa hai hạng người này là chỗ ở cuối cùng của họ trong cõi đời đời.
Qua Lời Kinh Thánh, chúng ta biết được cảnh trạng tạm cư hay trạng thái trung gian của người ác sau khi chết để chờ đợi ngày phán xét. Như vậy sau khi chịu sự phán xét của Chúa, số phận đời đời của người ác là gì? Và có sự khác nhau thế nào so với tương lai vĩnh viễn của người công bình?
- DẪN GIẢI.
- ÁN PHẠT CỦA NGƯỜI ÁC.
- Sự chết thứ hai.
Sự chết thứ hai là án phạt đã định cho người ác trong ngày phán xét sau cùng. Án phạt này cũng đồng nghĩa với sự hình phạt là hồ lửa đời đời (Khải 20:14). Tại sao gọi là sự chết thứ hai?
Sự chết nói chung là án phạt trên dòng dõi loài người phạm tội. Tuy nhiên án phạt này không tác dụng tức khắc cho con người như phải có ngay trong hiện tại, nhưng được thể hiện qua những giai đoạn. Trước hết, theo luật Đức Chúa Trời định cho mọi người phải trải qua sự chết thể xác để chờ đợi sự phán xét của Ngài (Hê 9:27). Đây có thể gọi là sự chết thứ nhất. Sau khi chết, người ác bị giam cầm nơi âm phủ cho đến ngày thẩm phán chung kết. Khi đó, họ được sống lại để ứng hầu trước tòa án trắng và lớn của Chúa. Án phạt cuối cùng của họ là sự chết đời đời trong nơi khổ hình, mà Kinh Thánh gọi đó là sự chết thứ hai, nghĩa là linh hồn vĩnh viễn bị xa cách với Đức Chúa Trời.
Án phạt về sự chết cũng được Kinh Thánh nói đến trong những từ gọi khác nhau như sau:
- Hư mất hay bị hư mất (Phi 1:28; 3:19).
Từ này được Kinh Thánh Tân ước thường dùng ám chỉ về hình phạt đời đời. Tình trạng hư mất của tội nhân có nghĩa là không đạt đến mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời đã định cho mình. Cho nên trước mặt Chúa người ấy bị xem vô dụng, như bình gốm bị bể và bị người ta vứt bỏ mà thôi!
- Diệt vong.
Chữ hư mất trong Giăng 3:16 có nghĩa là diệt vong, chỉ về sự xa cách đời đời khỏi sự hiện diện của Chúa (2Tê 1:9).
- Tuyệt vọng, không có sự trông cậy (Ê-phê-sô 4:18).
Điều này chỉ về sự bị loại ra khỏi đặc ân và đặc quyền của Chúa.
- Bị phân rẽ với Đấng Christ, không có sự sống của Ngài (1Giăng 5:12).
- Bị quăng ra chốn tối tăm (Ma-thi-ơ 8:12).
Chỉ người trong tình trạng bị loại ra ngoài ân điển cứu rỗi của Chúa, bị đặt vào một tình trạng vô cùng khốn khổ.
- Bị đặt dưới cơn thạnh nộ của Chúa (Giăng 3:36).
Tóm lại án phạt trên người ác là:
(1) Án phạt có tính cách đời đời.
(2) Sự chết trong án phạt này không có nghĩa là sự tiêu tan và trở thành hư vô, nhưng người ác ở trong tình trạng vĩnh viễn bị phân cách với Đức Chúa Trời, bị loại ra khỏi Nước Đức Chúa Trời, bị mất phần ân điển cứu rỗi của Đấng Christ, và bị đặt dưới cơn thạnh nộ của Ngài.
(3) Không còn có tia hy vọng nào, không còn có cơ hội thứ hai cho người dưới hình án trong hồ lửa đời đời.
- NƠI HÌNH PHẠT NGƯỜI ÁC.
Chỗ hình phạt người ác được Kinh Thánh nói đến trong hai từ sau:
- Địa ngục (Ma-thi-ơ 5:22, 29-30; 18:9).
Chữ “Địa ngục” được dịch từ chữ HyLạp là Gehenna và tiếng Hy-bá-lai gọi là “trũng Hi-nôm”. Có chừng 13 lần Kinh Thánh Tân ước đề cập đến chữ này. Theo nghĩa đen, Gehenna hay trũng Hi-nôm là một địa điểm cách thành Giê-ru-sa-lem chừng một dặm rưỡi về phía đông nam, là nơi trước kia dân ngoại thiêu con cái họ trong lửa để cúng tế cho thần Mo-lóc, một điều vô cùng gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời (2Các Vua 23:10). Sau này người Do Thái dùng chỗ ấy làm nơi đổ rác rến, những vật ô uế thừa thải, có lửa cháy không dứt, và dần dần trở thành một hầm lửa. Vì vậy chữ Gehenna được Kinh Thánh dùng làm tượng trưng cho nơi đau khổ, rủa sả hình phạt người gian ác vĩnh viễn trong tương lai, nơi Chúa Giê-xu bày tỏ “sẽ có khóc lóc và nghiến răng” (Ma-thi-ơ 24:51), mà chúng ta gọi là địa ngục.
- Hồ lửa và diêm (Khải 20:10, 14-15).
Hồ lửa và diêm hay gọi là “hồ cháy bằng lửa và lưu hoàng chẳng hề tắt”. Lưu hoàng là chất cháy tỏa ra năng lượng rất cao. Sự nóng bỏng này diễn tả được nơi đau đớn kinh khiếp hình phạt người ác!
Một câu hỏi có thể nêu lên ở đây là: Lửa đoán phạt người ác có phải là lửa hữu hình không? Với độ nóng của diêm sanh thì xác thịt nào có thể chịu nổi? Hơn nữa Sa-tan và các thiên sứ là thuộc linh, thì thế nào có thể bị đốt cháy trong hồ lửa diêm sanh?
Thật ra, lửa diêm sanh là hình bóng chỉ về thứ lửa vô hình. Trong cõi đời này, lửa hữu hình thích hợp vật chất thể nào thì trong cõi đời sau, lửa vô hình cũng thích ứng với linh thể như vậy. Vì thể chất tiêu tan nên lửa hữu hình cũng có khi tắt. Nhưng với linh thể bất diệt, thì ngọn lửa vô hình kia cũng sẽ chẳng hề tắt vậy. Thực ra, điểm chính không phải là tính chất của lửa, nhưng lửa được Kinh Thánh nói đến để chúng ta có thể nhờ đó mà nhận biết được sự kinh khiếp của nơi đoán phạt người ác trong cõi đời đời. Tóm lại, địa ngục hay hồ lửa là nơi hình phạt đời đời của người ác. Kinh Thánh không xác định địa điểm của nơi này, nhưng là một nơi có thực, nơi Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ác. Trong ngày phán xét cuối cùng, người ác được tạm giam trong âm phủ sẽ được chuyển vào nơi hỏa ngục là nơi đời đời của chúng.
- Những đối tượng chịu hình phạt nơi hồ lửa.
Người ác được nói đến trong Khải Huyền 21:8 có thể được liệt vào hạng người cứng lòng chẳng bao giờ ăn năn, và kết hợp với Sa-tan không thôi chống nghịch Đức Chúa Trời, khinh lờn, phạm thượng đến Đức Thánh Linh (Rô-ma 2:5; Mác 3:29), cho nên họ cũng chung số phận với Sa-tan trong hồ lửa đời đời. Về những người lộng ngôn với Đức Thánh Linh, nhà thần đạo A.H. Strong luận như sau: “…Là người chẳng dứt phạm tội, sự chẳng dứt phạm tội đó đã chuốc lấy cho họ sự đau đớn đời đời, đó là hình phạt đã định, tức là sự đoán phạt đời đời”.
- CẢNH TRẠNG CỦA NGƯỜI ÁC TRONG NƠI KHỔ HÌNH.
Cảnh trạng người ác trong hỏa ngục.
– Sống chung với Sa-tan và các ác quỉ. – Đời đời xa cách Đức Chúa Trời. – Đau khổ khóc lóc và buồn thảm ngày đêm chẳng dứt. – Bị rủa sả, không được dự phần trong ân điển cứu rỗi của Chúa. – Tuyệt vọng không được giải cứu. – Ở trong sự tối tăm và hổ thẹn. |
Cảnh trạng người công bình nơi Thiên đàng.
– Được sống với Chúa.
– Được giao thông với Ngài. – Vui thỏa, phước hạnh mãi mãi trong sự hiện diện của Chúa. – Được dự phần cơ nghiệp trong sự cứu rỗi của Chúa. – Được sung mãn trong thế giới vô biên. – Được mặc lấy thân thể vinh hiển sáng láng lạ lùng. |
Bảng so sánh trên cho thấy hai bức ảnh tương phản giữa người công bình và người ác. Trong cõi đời này người công bình bị người ác áp bức. Nhưng trong cõi đời sau, người công bình được phước, và người ác bị đoán phạt tùy theo công việc họ làm. Đức Chúa Trời là Đấng công bình dường nào! Đây là điều an ủi người công bình đang chịu khổ, cũng như cảnh cáo người ác về sự đoán phạt của Chúa, nếu không ăn năn.
Vì vậy, sống trong cõi đời tạm, người công bình hãy bền lòng tin cậy Chúa, sống với tình yêu thương, đem ân điển cứu rỗi của Chúa cho mọi người để họ không bị sa vào hồ lửa đời đời.
Về sự đoán phạt đời đời, với các thuyết như phục hồi, tiêu diệt, và cơ hội thứ hai là điều không thể chấp nhận được theo như lẽ thật Kinh Thánh chúng ta đã học. Vì những lẽ sau đây:
- Hỏa ngục là nơi hình phạt người ác chớ không là nơi cải thiện người ác. Không phải Đức Chúa Trời không có tình yêu thương, vì Ngài đã ban cho loài người cơ hội để ăn năn (2Phi 3:9-10) và đây là lúc sự công nghĩa phải được thi hành.
- Trong câu chuyện người giàu có và La-xa-rơ chúng ta thấy rõ không có cơ hội thứ hai để được cứu sau khi qua đời (Lu-ca 16:19-31).
- Nếu người ác bị tuyệt diệt trong hỏa ngục, thì tại sao lửa của hỏa ngục đời đời chẳng hề tắt? (Khải 20:10).
Như vậy, điểm nguy hại của các thuyết trên là khiến cho tín đồ bê trễ trong việc rao giảng Tin Lành; cũng như người ta thờ ơ với ơn cứu rỗi của Chúa trong khi còn có dịp tiện là “ngày nay” vì nghĩ rằng “không sao”, còn có cơ hội thứ hai… Và cho dù có sa vào nơi khổ hình, thì cũng có ngày được phục hồi nhận cứu ân của Chúa?
Tóm lược
- Án phạt của người ác trong ngày phán xét cuối cùng là sự chết thứ hai, tức là sự chết đời đời.
- Hỏa ngục là nơi khổ hình của người ác.
- Trong cõi đời đời, người ác sẽ cùng chung số phận với Sa-tan trong hỏa ngục.
- Không có sự tận diệt, không có sự phục hồi, không có cơ hội thứ hai cho người bị hình phạt trong hỏa ngục, chứng tỏ rằng sự công nghĩa của Đức Chúa Trời nghiêm trọng là dường nào!
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- a. Khải Huyền 20:14: Án phạt trên người ác trong ngày phán xét cuối cùng là gì? Và có nghĩa gì?
- Sự hình phạt đời đời trên người ác còn được Kinh Thánh nói đến trong những từ nào khác và có nghĩa gì? (Phi-líp 3:19, 1Giăng 5:12, Ma-thi-ơ 8:12, 25:41, 46, Giăng 3:36).
- Xin tìm hiểu ý nghĩa những chữ sau đây:
- Địa ngục: Ma-thi-ơ 5:22, 29-30; 18:9.
- Hồ lửa: Khải Huyền 20:10, 15.
- Theo ý nghĩa trên cho chúng ta hiểu thế nào về nơi hình phạt người ác?
- Khải Huyền 20:10, 14-15; 21:8: Trong nơi đoán phạt này gồm có những ai? Tại sao họ phải chịu chung hình phạt với ma quỷ?
- Xin tóm lược những điều nói về án phạt và nơi hình phạt. Xin tìm hiểu cảnh trạng của người ác thế nào trong nơi khổ hình này? (Khải 9:2, 11; 20:10b).
- So sánh cảnh trạng của người công bình và người ác trong nơi thiên đàng và địa ngục. Sự khác nhau này cho chúng ta nhận biết trách nhiệm gì của mình trong cuộc sống trên cõi tạm này đối với chính mình, với người nhà mình và những người chung quanh chúng ta?
- Bạn có thái độ nào đối với Chúa khi học biết về sự công nghĩa của Ngài?
- Biết được án phạt đời đời của người ác, bạn có nhận thức gì về trách nhiệm của mình trong cõi đời này đối với người chưa tin Chúa?