CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 31.10.2021
By Quản trị in NAM GIỚI on 25 Tháng Mười, 2021
Chúa nhật 31.10.2021
- Đề tài: HOÀN TẤT CUỘC CHINH PHỤC ĐẤT HỨA.
- Kinh Thánh: Giô-suê 11:16 – 12:24.
- Câu gốc: “Ngài sẽ lấy công bình đoán xét thế gian, dùng sự ngay thẳng mà xử các dân tộc” (Thi thiên 9:8).
- Đố Kinh Thánh: 1Sử ký 1-3.
- Thể loại: Phỏng vấn.
* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 05.09.2021).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trong chương đầu sách Giô-suê, chúng ta thấy bức ảnh chuẩn bị cho cuộc chinh phục xứ Ca-na-an. Và trong chương 11 và 12, chúng ta thấy bức ảnh hoàn tất cuộc chinh phục xứ, chúng ta không thể không nói đến Giô-suê, vị tướng lãnh đạo Y-sơ-ra-ên trong cuộc chinh phục. Qua dòng lịch sử nhân loại, chúng ta thường nghe nói đến những nhà chinh phục thế giới nổi tiếng một thời. Như Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ, A Lịch Sơn Đại đế của Hy Lạp, Napoleon của Pháp…. Nhưng cuộc chinh phục xứ Ca-na-an của Giô-suê có tính chất và sắc thái đặc thù nào so với các cuộc chinh phục của các bậc vua chúa ấy?
Trong bài học nầy, chúng ta lần lượt thảo luận qua những điểm chính sau đây: Kết quả, tính chất, mục đích và ý nghĩa của cuộc chinh phục xứ.
- CUỘC CHINH PHỤC XỨ CA-NA-AN CHẤM DỨT (11:16-23).
- Lời hứa và sự chinh phục xứ.
Qua chương 12 của sách Giô-suê, chúng ta theo dõi từng bước trong cuộc chinh phục Ca-na-an. Đây là cuộc chiến lâu ngày (11:18). Nếu căn cứ vào số tuổi của Ca-lép, người tuổi khoảng 40 khi đi do thám xứ Ca-na-an lần thứ nhất (14:7-9). Một số các nhà giải kinh cho rằng, cuộc chinh phục của Giô-suê có thể kéo dài từ khoảng 5 – 7 năm.
Trong 11:21-23 cho chúng ta nhìn thấy một bức ảnh của cuộc chinh phục chấm dứt. Với điểm son là sự trừ diệt dân A-na-kim, tức dòng dõi của A-nác. Là giống dân giềnh giàng mà dân Y-sơ-ra-ên sợ hãi dấy nghịch Chúa không dám vào chiếm xứ cho đến 40 năm sau đó (Dân số ký 13:33). Tuy nhiên bên cạnh điểm son sáng chói có một bóng mờ!
“…Giô-suê tận diệt chúng nó luôn với các thành của họ. Chẳng còn người A-na-kim nào ở trong xứ Y-sơ-ra-ên, chỉ ở tại Ga-xa, Gát và Ách-đốt” (c.22). Trong 11:23 mới đọc qua chúng ta thấy một bức ảnh thật đẹp, hòa bình lý tưởng “Giô-suê chiếm cả xứ… Bây giờ, xứ được bình tịnh, không còn giặc giã”. Nhưng phía sau đó là “… phần xứ phải đánh lấy hãy còn nhiều lắm”. Như vậy sự ghi chép nầy có nghĩa gì?
Trong c.23, sự chiếm cả xứ hàm ý rằng Giô-suê đã đánh bại các lực lượng nòng cốt của các dân bản xứ, không còn có lực lượng nào dấy nghịch chống cự trước mặt Giô-suê nữa. Và dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn giành lại chủ quyền của xứ mà Chúa đã hứa ban cho họ. Mặc khác trong 13:1, nói về xứ đã được chủ quyền, nhưng đất chưa được chiếm hữu.
Trong chương 1, Giô-suê được Đức Chúa Trời ủy nhiệm cho công tác chiếm xứ Ca-na-an, với lời hứa một biên giới lớn rộng với diện tích khoảng 300.000 dặm vuông. Nhưng thực sự trong cuộc chinh phục xứ, dân Y-sơ-ra-ên chỉ chiếm hữu được khoảng 30.000 dặm vuông, nghĩa là chừng một phần mười đất mà Chúa ban cho họ! Như vậy, đây chưa phải là cuộc chinh phục chiếm đất lý tưởng nhất!
- Lý do cuộc chinh phục xứ chấm dứt.
Một câu hỏi có thể nêu là tại sao cuộc chinh phục không tiếp tục cho đến khi chiếm hữu cả đất Chúa hứa, có ba lý do:
(1) Vì tuổi già của Giô-suê (13:1).
(2) Cuộc chinh phục của Giô-suê đã đạt đến mục đích là đánh bại các chủ lực của xứ Ca-na-an.
(3) Cần một bước chuyển: Cuộc chinh phục, thời gian có hạn đến cuộc bình định xứ, thời gian dài hạn. Trong cuộc chinh phục, việc đánh bại lực lượng nòng cốt của kẻ nghịch là trách nhiệm của Giô-suê. Nhưng trong việc chiếm hữu những phần đất mà kẻ thù còn đang ẩn núp là trách nhiệm của cả dân Y-sơ-ra-ên. Vì vậy, mặc dù chưa chiếm hết đất của xứ, nhưng Giô-suê đã bắt đầu chia phần cho mỗi chi phái trong dân sự.
Về mặt thuộc linh, trong công cuộc chinh phục đất hứa, Giô-suê là người làm hình bóng cho Đấng Christ. Như Giô-suê, vị tướng chỉ huy đánh bại chủ lực nồng cốt của xứ Ca-na-an, và chia đất của dân Y-sơ-ra-ên. Chúa Giê-xu Christ là Vị Đại Tướng chiến thắng của chúng ta, Ngài đã đánh bại quyền lực của Sa-tan, và ban cho kẻ được chuộc những phước hạnh thuộc linh giàu có trong Ngài (Ê-phê-sô 1:3). Đó là phần của Chúa làm cho chúng ta.
Nhưng về phần chúng ta, phải vận dụng đức tin để chiếm hữu và tận hưởng phước Chúa đã hứa ban cho mình. Như dân Y-sơ-ra-ên, phải đánh chiếm phần đất mà Giô-suê đã chia cho họ làm sản nghiệp.
- NHỮNG CHIẾN THẮNG TRONG CUỘC CHINH PHỤC (12:1-24).
- Chiến thắng và chiếm hữu.
Theo sự ghi chép của Kinh Thánh, trong cuộc chinh phục xứ, chúng ta chú ý đến hai điểm quan trọng nầy:
(1) Đức Chúa Trời là Đấng chiến thắng, chính Ngài ban sự chiến thắng cho dân Y-sơ-ra-ên (10:30,32,42; 11:6,8).
(2) Giô-suê hoàn toàn vâng lời Chúa dạy, ngoại trừ trường hợp làm hòa với dân Ga-ba-ôn (11:9,12,15,20).
Hai điểm trên cho thấy giữa phần của Chúa và phần của người, hay giữa sự chiến thắng và sự vâng lời có mối tương quan với nhau. Qua mối tương quan nầy chúng ta học biết rằng: Sự chiến thắng thuộc về Đức Chúa Trời. Và sự chiến thắng của Chúa chỉ thể hiện qua người hết lòng vâng lời Ngài, mà vâng lời là hành động của đức tin. Do đó đức tin và vâng lời Chúa là hai yếu tố cần thiết, không thể thiếu được cho người muốn bước đi trong sự đắc thắng của Chúa.
Trong cuộc chinh phục xứ của Giô-suê, một cách khách quan chúng ta hay nói là dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng dân nầy dân kia. Nhưng thực sự những chiến thắng ấy là do Chúa ban, và họ bởi đức tin và vâng lời mà chiếm hữu đất của dân chiến bại. Như vậy có nghĩa sự chiến thắng của dân Y-sơ-ra-ên là ở trong sự chiến thắng của Chúa. Điều nầy để nhắc nhở Cơ Đốc nhân chúng ta rằng, bất cứ sự thành công, những “đắc thắng” nào trong đời sống theo Chúa của mình, hãy nhìn biết danh dự của những đắc thắng ấy phải được thuộc về Chúa, và dâng vinh quang cho Ngài (Giăng 13:16). Khi đánh bại dân A-ma-léc trong đồng vắng, việc trước tiên của Môi-se là lập bàn thờ đặt tên “Giê-hô-va cờ xí tôi” để tôn cao Danh Đấng chiến thắng (Xuất 17:15).
- Cơ Đốc nhân của cuộc chiến thuộc linh.
Cuộc chiến của Y-sơ-ra-ên tại đất hứa Ca-na-an có thể tiêu biểu cho ý nghĩa của cuộc chiến thuộc linh mà Cơ Đốc nhân phải đương đầu trong đời sống nên thánh thực nghiệm.
– Đất hứa Ca-na-an có nghĩa gì? Ca-na-an không phải là một tiêu biểu của thiên đàng, vì nơi thiên đàng không còn có xung khắc, chiến đấu. Nhưng đó là nơi tiêu biểu của những đối đầu với kẻ thù Thánh Linh và sự kinh nghiệm đắc thắng của đời sống nên thánh trong Đấng Christ.
– Trong xứ, dân Y-sơ-ra-ên phải đối phó với những kẻ thù. Cũng vậy trong đời sống nên thánh, người Cơ Đốc hằng ngày phải đương đầu với một cuộc chiến ba mặt:
(1) Với bản ngã mà A-hi là một tiêu biểu (Ga-la-ti 5:16-18).
(2) Với thế gian, mà Giê-ri-cô là một tiêu biểu (1Giăng 2:15-16; 5:5).
(3) Với ma quỷ, mà Ga-ba-ôn là một tiêu biểu (Ê-phê-sô 6:10-12).
Đức tin và sự vâng lời Chúa là bí quyết dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng kẻ thù và chiếm hữu xứ Ca-na-an. Cũng trên nguyên tắc nầy, người Cơ Đốc đắc thắng kẻ thù thuộc linh để chiếm hữu và tận hưởng phước thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã dành ban cho chúng ta trong Đấng Christ theo sự giàu có vô hạn của ân sủng Ngài. Theo ý chỉ của Đức Chúa Trời đối với mỗi Cơ Đốc nhân là đời sống đắc thắng và phước hạnh trong Đấng Christ. Nhưng tại sao có những người sống thất bại và nghèo nàn thuộc linh? Đó không phải tại Chúa không ban phước, nhưng tại vì họ không vận dụng đức tin của mình để chiếm hữu phước hạnh mà Chúa đã hứa cho Đấng Christ.
Trong sách Giô-suê chương 12 có thể xem là một trang sử oai hùng của dân Y-sơ-ra-ên, ghi dấu những chiến thắng huy hoàng trong công cuộc chinh phục của Giô-suê. Một bản danh sách dài kể từng tên vua bị Giô-suê đánh bại… và cho đến vua thứ 31! Về mặt thuộc linh mỗi vua Ca-na-an có thể chỉ về một khía cạnh của bản tánh xác thịt như “vua nóng giận”, “vua ghen ghét”, “vua nói hành”… mà mỗi Cơ Đốc nhân phải nhờ sức Chúa để đắc thắng với “các ông vua” bản ngã của mình trong nếp sống đạo hằng ngày.
III. TÍNH CHẤT VÀ MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC CHINH PHỤC.
- Tính chất của cuộc chinh phục xứ Ca-na-an.
Cuộc chinh phục xứ Ca-na-an không phải là cuộc xâm lăng cướp đất với mộng làm bá chủ như trong các cuộc chinh phục của một số vua chúa ngày xưa. Nhưng đây là một cuộc chinh phạt vì chính nghĩa công lý của Đức Chúa Trời. Một cuộc chinh phục không phải do tham vọng của Giô-suê, nhưng chính ông đã nhận lãnh nhiệm mạng ấy từ Đức Chúa Trời. Sự hủy diệt các dân bản xứ là theo lệnh Chúa. Đây là vấn đề trên bình diện công nghĩa của Đức Chúa Trời. Và Ngài có lý do:
(1) Để đoán phạt tội lỗi của các dân Ca-na-an.
Trong Sáng thế ký 15:13-16, Đức Chúa Trời hứa ban xứ Ca-na-an cho dòng dõi Áp-ra-ham. Tuy nhiên trong chương trình ấy không thực hiện ngay lúc đó, cho đến 400 năm sau, bởi cớ tội lỗi của các dân Ca-na-an chưa đến mức bị hủy diệt. Tương ứng với thời gian ấy, dân Y-sơ-ra-ên bị đặt dưới ách nô lệ Ai-cập.
Thù nghịch 400 năm dài cho các dân Ca-na-an một cơ hội để ăn năn, nhưng họ càng thêm phạm tội. Và thời gian 40 năm, dân Y-sơ-ra-ên trong cuộc hành trình tiến về đất hứa, những công việc quyền năng lạ lùng của Đức Chúa Trời đã thể hiện đánh bại Pha-ra-ôn để giải cứu Y-sơ-ra-ên mà họ đã thấy, như một lời cảnh cáo cuối cùng nhưng họ chẳng thay đổi, lòng thêm cứng cỏi chống nghịch Chúa (11:19). Nhiều khám phá của các nhà khảo cổ học cho biết rằng dân Ca-na-an có đời sống bại luân trầm trọng. Trên các vết hoang tàn tìm thấy ở Ras Shamara, chứng tỏ rằng dân Ca-na-an theo phiếm thần tà giáo. Thần chánh của họ là El, một ác thần hung tợn cổ quái; con của El là Baal, thần được tôn sùng phần lớn ở miền Bắc. Và ba thần khác nữa là Ashers, Anath, Ashtsneth, thần về dâm dục và chiến tranh. Có những bức ảnh tìm được bày tỏ cách thờ cúng bại luân của các dân tộc nầy.
Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết công nghĩa, Ngài không dung chịu được sự gian ác và tội lỗi bao giờ. Sáng thế ký 6-8, Đức Chúa Trời đã một lần hủy diệt cả thế gian vì sự hung ác của loài người lúc bấy giờ. Sáng thế ký 19, Đức Chúa Trời cũng đã hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ vì tội lỗi của họ. Giô-suê 11:20 ghi rằng: Đức Chúa Trời khiến các dân ấy cứng lòng để hủy diệt. Thực ra, không phải Đức Chúa Trời làm cho các dân ấy cứng lòng, nhưng chính vì lòng họ cứng cỏi, chọn con đường chống nghịch Chúa nên Ngài để mặt cho họ cứng lòng. Ánh nắng mặt trời làm cho bơ tan chảy, nhưng làm đất sét càng cứng thêm! Sự cứng lòng chỉ ở tại chỗ mình đó thôi! Một bằng chứng cho thấy không phải Đức Chúa Trời “tiền định” cho các dân Ca-na-an bị hư mất. Trong sự hủy diệt, Ngài vẫn có ân điển cứu rỗi cho người đầu phục Ngài. Như đức tin của Ra-háp, sự cầu hòa của dân Ga-ba-ôn.
Sự bại trận của dân Ca-na-an không phải vì họ thiếu sức mạnh của khí giới, nhưng vì sự băng hoại của đạo đức, và chuốc lấy sự đoán phạt của Đức Chúa Trời.
(2) Để giữ dân Y-sơ-ra-ên khỏi bị ô nhiễm bởi tư tưởng của các dân Ca-na-an. Vì dân Y-sơ-ra-ên được chọn làm dân thánh của Đức Chúa Trời. Họ cần giữ vẹn khỏi sự ô uế của hình tượng, để biệt riêng cho mục đích Chúa gọi!
Tóm lại, trong cuộc chinh phục xứ Ca-na-an đã bày tỏ sự công nghĩa của Đức Chúa Trời. Chính Ngài đi trước để thi hành sự đoán phạt trên các dân. Những phép lạ xảy ra trong chiến trận đã vẽ lên những sắc thái thần năng của một cuộc chinh phục vì công lý.
- Mục đích ban cho dân Y-sơ-ra-ên xứ Ca-na-an.
Ban cho dân Y-sơ-ra-ên đất Ca-na-an là sự làm thành lời hứa của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham. Tuy nhiên trong lời hứa nầy là chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Theo chương trình ấy, Ngài chọn dân Y-sơ-ra-ên và ban đất cho họ. Để từ dân tộc nầy, nơi phần đất trung tâm của thế giới, Đấng Cứu Thế Giáng Sinh đem sự cứu rỗi cho cả nhân loại. Và cũng tại phần đất nầy, nơi phần đất trung tâm của thế giới đến thờ phượng Đức Giê-hô-va trong tương lai khi Đấng Christ trở lại (Giăng 4:22; Lu-ca 2:10; Ê-sai 2:1-4). Như vậy Đức Chúa Trời chọn dân Y-sơ-ra-ên và ban đất cho họ không phải vì Ngài yêu thương họ hơn các dân khác, nhưng vì mục đích cao cả của Ngài trong chương trình cứu rỗi cả loài người.
BÀI HỌC ÁP DỤNG
- Sự chiến thắng thuộc về Chúa, vinh quang của sự chiến thắng phải được dâng cho Ngài.
- Đức tin và sự vâng lời Chúa là bí quyết cho đời sống đắc thắng trong Đấng Christ và tận hưởng phước Ngài.
- Vâng lời Chúa cách hết lòng là điểm chúng ta học nơi nhà lãnh đạo Giô-suê.
- Thi hành sự đoán xét công bình trên các dân tộc là thuộc quyền Đức Chúa Trời, Đấng tể trị trên muôn vật.
- Một dân tộc bị hủy diệt hay tồn tại là tùy thuộc vào thái độ của họ chống nghịch hay đầu phục Đức Chúa Trời.
- Đức Chúa Trời không hề hủy diệt dân tộc gian ác nào mà trước đó không cho họ có cơ hội ăn năn.
- Trong sự đoán phạt kẻ ác, không phải Đức Chúa Trời tàn bạo, nhưng chính tội lỗi làm nên sự tàn bạo.