CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 10.01.2021
By Quản trị in PHỤ NỮ on 5 Tháng Một, 2021
Chúa nhật 10.01.2021
1. Đề tài: NHỮNG NGƯỜI CỘNG TÁC.
2. Kinh Thánh: Phi-líp 1:1-18.
3. Câu gốc: “Và mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng cầu cho hết thảy anh em cách hớn hở, vì cớ từ buổi ban đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành” (Phi-líp 1:4-5).
4. Đố Kinh Thánh: Giô-suê 16-18.
5. Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời người chia sẻ (Mục sư, Truyền đạo) từ 2 tuần trước.
- Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Phụ nữ. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Chúa Giê-xu là nền tảng của Tin Lành. Ngài đã đến thế gian với sứ mạng cứu rỗi toàn thể nhân loại. Hai ngàn năm qua Tin Lành đã loan truyền khắp nơi trên thế giới, nhưng loan truyền bằng cách nào? Có phải Chúa Giê-xu một mình Ngài đã đi khắp thế gian để giảng dạy cho từng dân tộc bằng ngôn ngữ của chính họ không? Không, Ngài đã dùng 12 sứ đồ, sau đó các sứ đồ khác như Phao-lô, Ba-na-ba, và rồi hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn người khác truyền giảng bằng ngôn ngữ của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Khởi đầu là những người cộng tác với Chúa, và hôm nay khi mỗi chúng ta tìm người và tạo điều kiện để họ góp phần trong công tác rao truyền Tin Lành, công tác quan trọng hàng đầu của mỗi chúng ta, và mỗi Hội Thánh.
- TÌM NGƯỜI CỘNG TÁC (Phi-líp 1:3-8).
Phao-lô mở đầu thư Phi-líp bằng lời chào thăm tất cả tín hữu trong Hội Thánh Phi-líp (gồm Mục sư, Chấp sự, Tín hữu). Đây là những người mà trong phần kế tiếp của bức thư sẽ được nhắc tới như những người cộng tác đắc lực với Phao-lô trong công cuộc rao truyền Tin Lành của Chúa Giê-xu.
(c.3-8) Phao-lô đã cho chúng ta thấy mối liên hệ tốt đẹp và sâu sắc của ông đối với Hội Thánh Phi-líp. Đó là tình yêu thương của ông đối với họ: “Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Đức Chúa Trời tôi, và mỗi lần cầu nguyện, tôi hằng cầu cho hết thảy anh em cách hớn hở vì anh em ở trong lòng tôi… Đức Chúa Trời cũng chứng rằng tôi lấy lòng yêu dấu của Đức Chúa Giê-xu Christ mà tríu mến anh em”.
Vì sao Phao-lô bày tỏ tình cảm sâu đậm của mình đối với các tín hữu Hội Thánh Phi-líp như vậy? Lý do đó được ghi lại trong c.5 “Vì cớ từ buổi ban đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành”. Những tín hữu Phi-líp đã lớn mạnh trong đức tin và trở thành những người cộng tác với Phao-lô trong công cuộc truyền bá Tin Lành của Chúa Giê-xu.
Tìm kiếm những người cộng tác với mình để làm việc Chúa là một nhu cầu luôn luôn cần thiết qua mọi thời kỳ. Phao-lô trong công cuộc truyền giáo của ông đã luôn luôn làm điều này, ông đã tìm ra những người bạn đồng hành quan trọng như Ba-na-ba, Si-la, Ti-mô-thê, Tít, Mác, và ngay cả những tín hữu mạnh mẽ của Hội Thánh Phi-líp nữa. Ông đã thực hiện đúng mạng lệnh của Chúa Giê-xu trước khi về trời trong Công-vụ 1:8, “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”. Cơ Đốc nhân ngày nay cũng phải bắt chước tinh thần của Phao-lô, tìm kiếm thêm nhiều người cộng tác để bước vào cánh đồng thuộc linh đang chín vàng chờ đợi con gặt. Hãy ném những hòn sỏi xuống mặt hồ để tạo nên những vòng tròn đồng tâm lan rộng, lan rộng càng hơn, chiếm lĩnh Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri và cho đến cùng trái đất.
- QUAN TÂM CHĂM SÓC NGƯỜI CỘNG TÁC (Phi-líp 1:9-11).
Tìm ra được những người hết lòng cộng tác với mình trong công việc Chúa là một việc khó. Nhưng khó hơn nữa là phải quan tâm chăm sóc họ đúng mức, tạo mọi điều kiện tốt nhất để đời sống tâm linh của họ tăng trưởng, lớn mạnh và vui mừng trong Chúa. Một cành cây mềm yếu, èo uột không thể sanh bông trái. Cũng vậy, một người hầu việc Chúa mà không lớn mạnh đủ cũng không thể hầu việc Chúa có kết quả được, trái lại sẽ làm cho công việc Chúa bị cản trở thêm. Công-vụ 15:35-39 ghi lại, trong một chuyến truyền giáo, có một trận cãi lẫy dữ dội giữa Phao-lô và Ba-na-ba vì một thanh niên tên là Mác. Mác đã theo Phao-lô và Ba-na-ba trong chuyến đi truyền giáo trước đó, nhưng không hiểu lý do gì đã bỏ cuộc (Công-vụ 15:38). Có người cho rằng Mác trẻ tuổi, không chịu nổi sự nhọc nhằn, gian khổ của công tác truyền giáo, cũng có thể vì đời sống đức tin của ông lúc đó chưa lớn mạnh đủ. Sự bỏ cuộc của Mác gây nên sự mâu thuẫn dữ dội giữa Phao-lô và Ba-na-ba. Dĩ nhiên chúng ta có thể hiểu việc này được Chúa cho phép và sau đó Ngài đã đôi nhóm truyền giáo lên: Trước chỉ có một nhóm Phao-lô và Ba-na-ba, nay thì có hai nhóm Phao-lô và Si-la, Ba-na-ba và Mác. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể bỏ qua sự thất bại của Mác, vì có thể ông đã không được quan tâm chăm sóc đủ lớn về đời sống thuộc linh.
Sự quan tâm chăm sóc của Phao-lô đối với những người cộng tác của ông tại Hội Thánh Phi-líp là gì? Ông đã cầu nguyện cho họ có tình yêu thương chan chứa hơn. Họ đã có tình yêu thương rồi, nhưng chưa đủ. Công tác hầu việc Chúa là một công tác đòi hỏi người làm việc phải có một tình yêu thương lớn lao (1Cô-rinh-tô 13:4-7). Ngoài ra, ông còn cầu nguyện cho họ trong sự thông biết những sự tốt lành. Họ cần phải được biết Chúa cách sâu sắc hơn, mối liên hệ giữa họ với Chúa phải được nâng cao hơn. Yêu cầu cho những người cộng tác phải là hơn, hơn, hơn nữa, như yêu cầu cho một lực sĩ chạy bộ: Nhanh, nhanh hơn, nhanh nhất. Như vậy họ mới được trang bị đủ để chiến đấu và chiến thắng.
III. VUI MỪNG VỚI NHỮNG NGƯỜI CỘNG TÁC (Phi-líp 1:12-18).
Có hai phần chúng ta cần lưu ý ở đây: Thứ nhất từ c.12-14, Phao-lô nói rằng sự ở tù của ông không phải là một sự bất hạnh mà trái lại là một phước hạnh, nó không hề ngăn trở đạo Tin Lành mà trái lại còn làm cho đạo tấn tới hơn. Trong thời gian bị tù đày ở La-mã (Công-vụ 28:16; 30-31), Phao-lô còn được cơ hội làm chứng cho những người lính La-mã canh giữ ông, đem Tin Lành đến cho những thành phần mà khó ai có thể gần gũi, nên trở thành một sự khích lệ, cổ vũ rất lớn, tăng thêm đức tin cho những người cộng tác tại Hội Thánh Phi-líp. Khi Phao-lô vì đạo Chúa mà bị bắt bớ, tinh thần của Hội Thánh Phi-líp càng tăng thêm, họ cũng sẵn sàng để đi ra rao truyền đạo Chúa, bất chấp sự bắt bớ, bất chấp khó khăn.
Thứ hai, trong thời gian Phao-lô tù tội có một số người đã rao giảng Lời Chúa có tính cách bè phái chống nghịch lại ông (c.15,17). Đối với những người khác đây có thể là một sự buồn bã, đau khổ, nhưng Phao-lô vẫn bình an, càng vui mừng hơn. Điều mà ông quan tâm không phải là người nào giảng hay hơn hoặc tốt hơn, nhưng là lời Chúa được rao giảng.
Trong cả hai trường hợp, Phao-lô bày tỏ một thái độ cao quý, không hề chỉ trích kẻ chống nghịch mình, nhưng hết sức lạc quan, không hề thất vọng trong nơi tù tội, và trên hết là sự mừng rỡ. Chữ mừng rỡ được ông lặp lại hai lần “tôi đương mừng rỡ, và sẽ còn mừng rỡ nữa”. Đây là hai thái độ mà chúng ta cần suy gẫm hôm nay. Khi chúng ta làm công việc Chúa mà bị bắt bớ, gặp khó khăn, có khi chịu những bất công, tù tội, chúng ta than vãn oán trách hay giữ thái độ lạc quan trông cậy Chúa? Có những anh em khác dùng những lời lẽ phản đối, chống nghịch chúng ta, có những người có điều kiện tốt hơn, được cơ hội hầu việc Chúa nhiều hơn, thái độ chúng ta là vui mừng vì lời Chúa được rao giảng hiệu quả hơn hay chúng ta ganh tỵ? Thái độ của Phao-lô đã gíup đức tin của các tín hữu Phi-líp tăng trưởng.
Còn chúng ta thì sao? Tùy thuộc thái độ của chúng ta khi đối diện với những vấn đề này: Hoặc sẽ gây dựng đức tin anh em là những người cộng tác với mình hoặc sẽ làm cho họ thất vọng, nản long, bỏ cuộc.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Bảo quản xà lách.
Giữ cải thật ráo, cho vào tô nhựa đậy kín, để trong ngăn chứa rau, cải sẽ tươi từ 3 đến 5 ngày.
Bảo quản hành lá, ngò cần được tươi lâu.
Rửa sạch, cắt khúc cho vào tô nhựa đậy kín, để vào ngăn chứa rau, giữ được từ 3 đến 5 ngày.