Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 26.07.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 26.07.2020

By Quản trị in PHỤ NỮ on 27 Tháng Bảy, 2020

Chúa nhật 26.07.2020.

  1. Đề tài: ĐƠM BÔNG KẾT TRÁI.
  2. Kinh Thánh: Ga-la-ti 5:1-26.
  3. Câu gốc: “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22).
  4. Đố Kinh Thánh: Dân số ký 28-30.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền (Ga-la-ti 5:1-26), và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn ít nhất là 4 câu hỏi cho các nhóm trong giờ học Kinh Thánh:

– 2 câu hỏi suy luận (Tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).

– 2 câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng hoặc dùng để tham khảo.

Câu 1: Xem Ga-la-ti 5:1-5.

(1.1) Tự do mà Phao-lô nhắc đến ở đây chỉ về điều gì? Ách nô lệ là như thế nào?

(1.2) Chúng ta là người được tự do bởi đâu?

Câu 2: Xem Ga-la-ti 5:13-15.

(2.1) Sự tự do thật mà Chúa muốn mỗi một chúng ta phải sống là gì?

(2.2) Đời sống được tự do có giúp ích cho người khác không?

Câu 3: Xem Ga-la-ti 5:16-21.

(3.1) Vì sao xác thịt và Thánh Linh không thể hòa hợp với nhau? (c.11).

(3.2) Cho biết thế nào là người sống theo xác thịt, và đời sống tâm linh sẽ như thế nào?

  1. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
  2. Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
  3. 5 phút giải thích và chia nhóm.
  4. 20 phút học Kinh Thánh.
  5. 10 phút tường trình.
  6. 5 phút đúc kết.
  7. Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
  8. Chia nhóm: Chia thành 3 nhóm.
  9. Vị trí: Ủy viên linh vụ chỉ định chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
  10. Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
  11. Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm có thể cử người làm trưởng nhóm và thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
  12. Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Một vị Mục sư thích trồng trọt đã tặng cho một bà tín đồ hai cây ớt ông đã trồng được vài tháng. Người tín đồ đem hai cây ớt về nhà trồng. Độ hai tháng sau bà đến nói cùng Mục sư: “Ông hay quá, ông cho tôi một đôi cây ớt, một cây cái và một cây đực. Cây cái thì đang đơm bông kết trái, còn cây đực chỉ có thân và lá”. Vị Mục sư hỏi thầm: “Ớt mà cũng có đực có cái nữa sao? May thay bà tín đồ kiên nhẫn không bứng bỏ cây ớt “đực”. Rồi một tháng sau nó trở thành cây ớt “cái” và cũng đơm bông kết trái.

Thánh Kinh thường dùng hình ảnh cây cối để tượng trưng con người. Thi thiên 1 mô tả một người thánh sạch cũng như một cây trồng gần mé nước, được xanh tươi và kết trái đúng mùa. Đời sống của Cơ Đốc nhân cũng vậy. Chúng ta phải đơm bông kết trái sau một thời gian được trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Những cử chỉ, hành động xấu xa được thay đổi bởi một đời sống mới trong lành.

Hy vọng bài học hôm nay sẽ giúp chúng ta tự xét lại đời sống thuộc linh từ khi bắt đầu tin nhận Chúa. Chúng ta sẽ được nhắc nhở để tránh bỏ những tội lỗi cũ, và đồng thời được hướng dẫn để sống xứng đáng là con cái Đức Chúa Trời.

Ga-la- ti 5:1.“Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa”.

  1. SỰ TỰ DO CỦA CƠ ĐỐC NHÂN (5:1).

Tự do là một trong những nhu cầu chính yếu của nhân loại. Đời sống dù đầy đủ vật chất nhưng thiếu tự do thì cũng không có ý nghĩa gì. Lịch sử cho thấy nhiều vị anh hùng qua các thời đại đã không ngại hy sinh mạng sống tranh đấu cho tự do. Trong thời kỳ giành tự do cho Hoa Kỳ, chính trị gia Patrick Henry đòi hỏi nhà cầm quyền Anh Quốc: “Hãy đưa tôi tự do, hay cho tôi sự chết”.

Cơ Đốc nhân được Chúa giải phóng khỏi xiềng xích của tội lỗi để trở nên một người tự do trong Ngài. Sự tự do ở đây không phải là người ấy sau khi đã tin Chúa thì được quyền đi ngược về xuôi với luật pháp, như vậy là một người vô tâm và vô trách nhiệm. Nhưng sự tự do trong Chúa ở đây là chúng ta không chỉ sống với luật pháp, mà chúng ta còn sống với tình yêu thương nữa. Ở Hoa Kỳ, khi thi lái xe hơi, sau khi thi đậu hai phần thi luật và thi lái thì chúng ta được cơ quan lưu thông địa phương cấp cho một bằng lái. Người có bằng lái không phải được tự do lái xe thể nào cũng được, nhưng phải lái chẳng những trong phạm vi qui định của luật lưu thông, mà còn lái cẩn thận để khỏi gây tai nạn cho họ và người khác.

Có nhiều cuộc đời đã được đổi mới hoàn toàn từ khi có Chúa Giê-xu ngự vào. Những thói hư, tật xấu họ từ bỏ đi. Họ bỏ rượu chè, cờ bạc và gìn giữ lời ăn tiếng nói làm đẹp lòng kẻ chung quanh. Những bạn cũ nhìn họ thì cho rằng hình như có một cuộc cách mạng gì xảy ra trong đời sống người nầy? Nhưng cá nhân họ thì cảm tạ Chúa vì mình đã được giải cứu khỏi đời sống cũ xấu xa. Cá nhân chúng ta hiện đang ở trong tình trạng nào? Đang sống tự do trong Chúa hay còn bị giam cầm bởi xác thịt?

  1. PHỤC VỤ TRONG TÌNH YÊU THƯƠNG (5:13-15).

Trong thời nội chiến ở Hoa Kỳ nhiều người nô lệ da đen ở tiểu bang miền Nam được quân đội Bắc Phương giải cứu khỏi đời sống nô lệ. Sau đó họ tình nguyện gia nhập Bắc Quân và dùng sự tự do vừa được ban cho để phục vụ quốc gia chính nghĩa.

Phao-lô trong c.13 kêu gọi Cơ Đốc nhân hãy dùng tự do Chúa ban mà phục vụ lẫn nhau. Tín đồ trong một Hội Thánh có nhiều chức phận hay địa vị khác nhau ngoài xã hội. Có người làm bác sĩ, kẻ thì làm kỹ sư, cũng có những người sống bằng nghề lao động.

Lời kêu gọi phục vụ của Chúa cho mọi người, không phân biệt giai cấp nào trong xã hội. Giáo Hội Báp-tít Nam Phương có cơ quan Trợ Công Tình Nguyện. Cơ quan nầy chuyên giúp đỡ các Hội Thánh Báp-tít ở Hoa Kỳ trong việc xây cất hoặc sửa chữa thánh đường. Những người tình nguyện làm việc cho cơ quan đa số là những người về hưu, có lòng muốn phục vụ cho các anh em mình. Dầu họ phải tự tạo phương tiện di chuyển và làm việc không lương. Chính Cựu Tổng thống Jimmy Carter cũng là một người thợ mộc trong Hội Trợ Công Tình Nguyện. Bạn thử nghĩ thế nào khi một vị Cựu Tổng thống Hoa Kỳ đến sửa chữa thánh đường của một Hội Thánh Việt Nam nhỏ bé. Tình yêu thương là động cơ thúc đẩy Cơ Đốc nhân làm đầy tớ lẫn nhau. Đức Chúa Giê-xu rửa chân cho môn đồ cũng vì Ngài muốn dạy họ biết phục vụ lẫn nhau.

III. XÁC THỊT VÀ THẦN LINH (5:16-21).

Đời sống của Cơ Đốc nhân được xem như một bãi chiến trường cho nhu cầu tranh chấp của hai lực lượng xác thịt và Thánh Linh. Vì trong thân thể tốt lành của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, cũng có một sự ham muốn của xác thịt đi trái lại mục tiêu và đường lối của Ngài. Phi-e-rơ được mặc khải của Thánh Linh và xưng nhận Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ (Ma-thi-ơ 16:16). Nhưng trong đêm Chúa bị bắt, chỉ vì sự ấm áp của thân thể mà Phi-e-rơ liên tục từ chối Chúa ba lần (Giăng 18:17-27).

Dầu vậy Lời Chúa trong câu 16 cho chúng ta thấy một điểm quan trọng là chúng ta được quyền lựa chọn bước đi theo Thánh Linh, hoặc làm theo những điều ham muốn của xác thịt. Những ham muốn của xác thịt bao gồm gian dâm, ô uế, luông tuồng, buồn giận, say sưa, bè đảng. Những ai vấn vương theo xác thịt thì sẽ không hưởng được Nước Đức Chúa Trời (c.21).

Một câu hỏi quan trọng mà chúng ta nên tự hỏi là: Từ khi tin nhận Chúa đến nay, chúng ta có đầu phục Ngài chưa? Hãy để Chúa làm Chủ và hướng dẫn mọi suy nghĩ, lời nói, hành động trong đời sống của chúng ta.

Phao-lô phàn nàn cùng những tín đồ yếu đuối ở Cô-rinh-tô là họ vẫn như những đứa trẻ mới sanh, còn phải bú sữa, thay vì ăn đồ ăn cứng (1 Cô-rinh-tô 3:2). Là con của Đức Chúa Trời chúng ta nên cậy quyền năng Ngài để chiến thắng tội lỗi. Bản chất phàm tục hướng về sự ham muốn của xác thịt đưa chúng ta đến sự hư mất. Nhưng đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh chúng ta gìn giữ đời sống được thánh sạch, và có kết quả đời đời.   

“Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm. Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp. Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:16-21).

  1. KẾT QUẢ CỦA ĐỨC THÁNH LINH (5:22-26).

Một điểm khác biệt rất quan trọng giữa các tôn giáo khác và Cơ Đốc giáo là sự hiện diện của Thánh Linh trong đời sống của người tin. Cơ Đốc nhân là những người duy nhất trên thế gian được Đức Chúa Trời ban cho Thần Linh của Ngài ngự trị trong đời sống. Thánh Linh cũng là ấn chứng cho những ai thuộc về Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:13). Nhưng nếu Đức Thánh Linh ở trong chúng ta thì chúng ta không còn sống theo xác thịt nữa. Đời sống dưới sự dẫn dắt của Thánh Linh sẽ sanh ra trái của Thánh Linh.

Những trái của Thánh Linh là “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ”. Chúng ta hãy tự xét mình để xem “cây” của chúng ta đã kết được trái nào.

Một tín đồ làm chứng cho một người bạn. Trong lúc trò chuyện, người bạn hỏi anh: “Mỗi khi anh đi nhà thờ thì nhà thờ cho anh bao nhiêu tiền?” Anh tín đồ đáp: “Nhà thờ không cho tôi tiền, nhưng trái lại tôi dâng tiền vào nhà thờ”. Ông bạn nọ dầu đặt câu hỏi không tế nhị lắm, nhưng đúng ý. Những ai trở thành Cơ Đốc nhân, những ai trung tín thờ phượng Đức Chúa Trời đều là những người khôn ngoan đi tìm nguồn lợi vĩnh cửu ở trên trời. Trong c.26, Phao-lô khuyên bảo đừng tìm danh vọng giả dối. Ở trong Chúa chúng ta có sự sống đời đời, có sự thông công với Đức Thánh Linh và có đời sống mới đầy hoa quả thiêng liêng, cao quý.

“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: không có luật pháp nào cấm các sự đó. Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Giê-xu Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi. Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy. Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau” (Ga-la-ti 5:22-26).

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Chanh Đặc Biệt Tốt Cho Da

Trong chanh có những chất giúp làm lành các tổn thương trên da và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

Một cốc nước chanh mỗi ngày cũng giúp cho cơ thể bạn có đủ lượng vitamin C cần thiết, chất này là thành phần rất thiết yếu cho làn da, giúp da luôn tươi trẻ, mịn màng và sáng bóng.

Những đốm mụn trứng cá sau khi được điều trị thường để lại vết thâm hoặc sẹo. Bạn có thể dùng nước cốt chanh thấm lên những vết thâm ấy. Kiên trì làm trong một thời gian ngắn, bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện rõ ràng.

Post CommentLeave a reply