CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 09.01.2022
By Quản trị in PHỤ NỮ on 18 Tháng Một, 2022
Chúa nhật 09.01.2022
- Đề tài: MỤC ĐÍCH LÀ TÌNH YÊU THƯƠNG.
- Kinh Thánh: 1Ti-mô-thê 1:1-2.
- Câu gốc: “Cầu xin Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và Đấng Christ Giê-xu, Chúa chúng ta, ban ân điển, sự thương xót và bình an cho con!” (1Ti-mô-thê 1:2 – BHĐ).
- Đố Kinh Thánh: 2Các vua 22-25.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời người chia sẻ (Mục sư, Truyền đạo) từ 2 tuần trước.
- Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Phụ nữ. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Lá thư 1Ti-mô-thê mở đầu với lời xưng hô và chào thăm.
Theo tập tục trong thế kỷ thứ nhất, mỗi bức thư trong số 13 bức thư của Phao-lô đều bắt đầu với tên tác giả. Phao-lô có hai tên, tên Do-thái là Sau-lơ, và khi có quốc tịch La-mã, ông có tên là Paulus, tiếng Việt phiên âm là Phao-lô. Khi bắt đầu du hành truyền giáo, ông sử dụng quốc tịch La-mã, nên cũng dùng tên Phao-lô thay vì Sau-lơ.
Phao-lô xưng là sứ đồ trong 9 lá thư. Danh hiệu sứ đồ hay nguyên văn “apostolos” có nghĩa là người được sai đi với một nhiệm vụ. Đây cũng là danh hiệu Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Sau này danh hiệu sứ đồ còn dùng cho Phao-lô và Ba-na-ba, là hai nhà truyền giáo đầu tiên cho thế giới bên ngoài Do-thái. Phao-lô xưng chức vị sứ đồ ngay đầu lá thư, để xác nhận quyền sứ đồ của ông.
- QUYỀN DO CHÚA ỦY NHIỆM.
Cũng như trong các bức thư khác của ông, Phao-lô bắt đầu bằng một lời đề cập về chức sứ đồ của mình. Ông thiết lập uy quyền của mình bằng cách đề cập việc ông đã được Đức Chúa Trời đặc biệt kêu gọi. Phao-lô đã không tự bổ nhiệm mình, cho nên ông đã không viết về uy quyền riêng của mình. Ông tự biết chính mình là một sứ đồ của Chúa Giê-xu Christ.
Ông cũng diễn tả thật mạnh mẽ phần của Đức Chúa Trời qua cụm từ: “vâng mạng Đức Chúa Trời”, chứng tỏ Phao-lô là một người thừa hành. Hãy chú ý đến cách Phao-lô đề cập Đức Chúa Trời là Cứu Chúa, vốn cũng là một tư tưởng xuất hiện trong các bức thư riêng tư này.
Ông viết: “Sứ đồ của Chúa Cứu Thế Giê-xu” nghĩa là chính Chúa Giê-xu đã ủy nhiệm và sai ông đi truyền giáo. Phao-lô còn xác định là ông vâng mạng Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu để làm công việc này. Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là Cứu Chúa chúng ta. Lý do có thể là lúc đó bạo vương Néro của La-mã tự xưng là cứu tinh của thế giới, Phao-lô muốn xác nhận rằng chẳng có ai xứng đáng là Cứu tinh của nhân loại cho bằng Đức Chúa Trời.
Ông gọi “Chúa Giê-xu là hy vọng của chúng ta”. Những ai xưng Đức Chúa Trời là Cứu Chúa và Chúa Giê-xu là hy vọng của mình? Chắc chắn là những người đã tin nhận Chúa và kinh nghiệm sự tha tội, tái tạo đời sống cũ của chúng ta thành một đời sống mới, ban cho hạnh phúc thật. Nhưng đó chỉ là cho quá khứ và hiện tại, còn tương lai thì sao? Người tin Chúa đặt hết hy vọng nơi Chúa. Không phải hy vọng về đời này, nhưng về cõi vĩnh hằng nữa.
Ngày nay có vô số người dù gặp khó khăn, bách hại, tù đày vì Danh Chúa, vẫn không bỏ Chúa. Làm sao con người có thể bỏ Đấng đã cứu mình và là hy vọng của đời mình? Kẻ thù chỉ có thể giết chết thân xác tạm này, nhưng tin Chúa thì sẽ vào nước Chúa vĩnh hằng, và không ai có thể thay đổi được việc ấy. Chính vì vậy mà con dân Chúa bằng lòng tử đạo, bị tù, đi trại cải tạo.
Mặt khác, nếu ai tin Chúa mà vẫn chưa có thể xưng Chúa là Cứu Chúa và hi vọng của mình thì nên xét lại đức tin. Vì rất có thể là người đó chưa có kinh nghiệm thật với Chúa, mà chỉ gia nhập vào một tổ chức mà thôi.
Chỉ những ai nhận Chúa làm Cứu Chúa và hy vọng của mình thì mới có thể làm nhân chứng cho Chúa và lãnh nhiệm mạng rao truyền tin mừng về Cứu Chúa và về hy vọng trong Chúa mà thôi.
- MỐI LIÊN HỆ MẬT THIẾT.
Câu thứ hai nói rằng: “Thân gửi Ti-mô-thê, con thật của ta trong đức tin: Cầu xin Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và Đấng Christ Giê-xu, Chúa chúng ta, ban ân điển, sự thương xót và bình an cho con!”
Việc mô tả Ti-mô-thê là con thật trong đức tin cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa hai nhân vật và cũng gợi ý rằng ấy là nhờ Phao-lô mà Ti-mô-thê đã trở thành Cơ đốc nhân. Việc liên kết ân điển với sự bình an trong phần mở đầu các bức thư của Phao-lô là bình thường, nhưng ở đây ông kể đến sự thương xót nữa (như trong 2Ti-mô-thê). Phao-lô đề cập đến Đức Chúa Trời là Cha (là điều rất quen thuộc trong các bức thư khác của ông) và Chúa Giê-xu là Chúa, là âm vang của lời lẽ trong một bài tín điều Cơ đốc đầu tiên.
Phao-lô từng gọi Ti-mô-thê là con, Phao-lô không có gia đình, vì thế Ti-mô-thê không phải là con ruột, nhưng là con thật trong đức tin của Phao-lô. Cách Phao-lô xưng hô với Ti-mô-thê chứng tỏ Ti-mô-thê là một người tin Chúa chân chính và họ là cha con trong đức tin. Ti-mô-thê đã tin Chúa khi Phao-lô đến giảng tại Lít-trơ và sau đó ông đã mời Ti-mô-thê đi truyền giáo với mình.
Chúng ta tin Chúa là thuộc về một gia đình thân yêu. Tất cả đều là anh chị em trong đức tin. Những ai đưa người khác đến với Chúa là giúp người ấy được tái sinh, nghĩa là làm người mới trong Chúa. Nếu Hội Thánh duy trì được các tình cảm trong đức tin này, thì sẽ không bao giờ xảy ra những chuyện bất hòa, chia rẽ hay làm hại nhau…
Lời chúc đầu thư thông thường của Phao-lô là: “Cầu xin Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và Đấng Christ Giê-xu, Chúa chúng ta, ban ân điển, sự thương xót và bình an cho con!” Phao-lô thường hay chúc ân điển và bình an, nhưng trong thư này còn thêm thương xót nữa. Có hai lý do xin Chúa thương xót Ti-mô-thê: Một là Ti-mô-thê không có sức khỏe dồi dào, hai là Ti-mô-thê đang gặp khó khăn tại Ê-phê-sô. Ti-mô-thê đang cần sự thương xót tức là ân huệ của Chúa để thắng hơn bệnh tật và mạnh mẽ trong đức tin để đối phó với hoàn cảnh.
Đây cũng là mẫu chúc tụng mà người tin Chúa nên dùng để chúc nhau, thay vì dùng những sáo ngữ của đời.
Chúng ta ai cũng cần được ân điển, thương xót và bình an của Chúa, vì cuộc đời không mấy khi thuận lợi đối với chúng ta.
Bài học Kinh Thánh hôm nay là chúng ta cần xác định chỗ đứng của mình trong Chúa, đối xử với nhau trong tình thương và niềm tin, cầu nguyện cho nhau thêm ân điển, thương xót và bình an trong Chúa.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Ích Lợi Từ Củ Nghệ.
Khi gặp rắc rối với tiêu hóa: Nghiên cứu cho thấy, nghệ có thể kích thích tiêu hóa và giải phóng ra các emzim tiêu hóa, phá vỡ liên kết cacbonhydrat và các chất béo. Chính vì thế, trong trường hợp bị đau bụng, một cốc trà nghệ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.