CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 17.10.2021
By Quản trị in PHỤ NỮ on 11 Tháng Mười, 2021
Chúa nhật 17.10.2021.
- Đề tài: THƯƠNG YÊU CHÂN THÀNH.
- Kinh Thánh: 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:12-15.
- Câu gốc: “Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:15).
- Đố Kinh Thánh: 1Các vua 13-15.
- Thể loại: Giải đáp thắc mắc.
* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc (Xem chỉ dẫn CN 18.07.2021).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Phần đầu của phân đoạn Kinh Thánh này liên quan đến lãnh đạo trong Hội Thánh như viên chức ban chấp hành, các giáo sư và tất cả những ai có nhiệm vụ lãnh đạo. Phao-lô không nói riêng về các mục sư hay một trong các vị này, nhưng nói chung tất cả những ai đang phục vụ và giúp đỡ công việc lãnh đạo Hội Thánh.
Phao-lô định nghĩa rõ: Những kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ vâng theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em. Trong một Hội Thánh của Chúa đa số chỉ đi thờ phượng Chúa và nghe lời giảng dạy để được bồi dưỡng tâm linh, chỉ có một số ít người dấn thân phục vụ hướng dẫn và đào tạo cho những ai mới tin Chúa. Đây là những người có công khó, nghĩa là làm việc cực nhọc, tận tâm và hữu ích cho con dân Chúa. Những người này không vì danh lợi tạm thời, nhưng chỉ vâng theo lời kêu gọi của Chúa mà phục vụ vì thương con dân Chúa.
Phao-lô chỉ nêu lên hai công việc là chỉ dẫn và dạy bảo. Đây là hai việc hệ trọng trong mục tiêu Hội Thánh tăng trưởng. Người tin Chúa phải được chỉ dẫn về các cách thức để nhận báp-tem, tức là phải học giáo lý căn bản. Ngoài ra còn phải được chỉ dẫn cách cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, thông công với người khác, làm chứng về Chúa. Nhưng người ấy cần phải học Kinh Thánh để được đào tạo thành người tín đồ vững mạnh có đức tin và lòng thương yêu chân thành. Sau cùng, phải được đào tạo để phục vụ Chúa trong mọi lĩnh vực theo như ân tứ và tài năng của người ấy.
– Thế nào là thương yêu chân thành? Lời khuyên ở đây có ba phần:
Thứ nhất là phải kính trọng. Hội Thánh của Chúa tuy mọi người đều là anh em chị em, nhưng nếu muốn có tôn ti trật tự, mọi người phải kính trọng nhau. Nghĩa là không coi thường, không nói xấu, tuân phục hoàn toàn. Dĩ nhiên là những người được kính trọng phải xứng đáng và vâng theo lời dạy của Chúa.
Thứ hai là thương yêu hết lòng. Những người nhân danh Chúa phục vụ, ta cần dành cho họ một lòng yêu kính. Thường thì những người phục vụ rất là nghèo, vì vậy việc trợ cấp hay giúp đỡ về vật chất rất là cần thiết, ta đừng bỏ qua.
Thứ ba là duy trì hòa thuận với những người ấy. Tại đây ta thấy một điều hay xảy ra là những mối bất hòa không cần thiết vì lời nói hay thái độ gây ra. Muốn duy trì hòa thuận, mọi người phải hạ mình và tôn trọng nhau. Nên nhớ rằng ta làm việc này là vì danh Chúa và để duy trì mối thông công trong Chúa.
– Giải quyết vấn đề trong Hội Thánh như thế nào?
Bài học về đối xử với nhau trong Hội Thánh sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến thành phần không lành mạnh hay là không mạnh khỏe. Có ba thành phần:
Thứ nhất là những kẻ ăn ở bậy bạ. Đây là những thành phần vô kỷ luật, không theo lời dạy của Kinh Thánh và của tổ chức Hội Thánh.
Một ý nghĩa khác của từ “bậy bạ” ở đây là lười biếng. Những thành phần vô kỉ luật thường hay chỉ trích và không làm gì cả. Đây là những thành phần ngồi lê đôi mách có hại cho cộng đoàn. Lời khuyên đối xử là phải răn bảo. Người lãnh đạo phải vừa thương yêu nhưng lại vừa đúng mực, nghĩa là giữ đúng các nguyên tắc, ai sai phạm cần được nhắc nhở và tìm cơ hội và phương cách cho họ trở lại chính đạo.
Thứ hai là những kẻ ngã lòng. Ngã lòng tức là chán nản, không sốt sắng, tình trạng đức tin hâm hẩm. Những người này cần được yên ủi, hay khuyến khích. Chữ thời đại gọi là động viên. Ta phải tìm ra những lý do để cho người ấy phát biểu đầy đủ, rồi khuyến khích người ấy tha thứ, bỏ qua và tiến bước hăng hái.
Thứ ba là những kẻ yếu đuối. Yếu đuối tệ hơn ngã lòng, vì những người này muốn bỏ cuộc. Yếu đuối là miếng mồi cho ma quỷ, vì thế ta phải kịp thời nâng đỡ. Giúp người như thế nhận định cho rõ vấn đề và xác nhận lại niềm tin nơi Chúa. Công việc này không dễ, nhưng với tình thương chân thành đến từ Chúa, chúng ta có thể làm được.
– Nhịn nhục là gì?
Lời dặn cuối cùng đối với mọi thành phần là: Phải nhịn nhục đối với mọi người. Nhịn nhục tức là kiên nhẫn, lắng nghe đối tượng nói và dùng lời nhẹ nhàng mà khuyên giải. Nóng vội sẽ chỉ làm ta mất người, vì vậy phải nhờ Thánh Linh hướng dẫn chúng ta khôn khéo trong cách đối xử.
Bài học này không phải cho người chưa tin Chúa, nhưng cho những ai đang sống trong Hội Thánh và gặp nhiều khó khăn.
Câu 15 là một câu tổng quát về cách đối xử:
“Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ”.
Điểm quan trọng và nguyên tắc của người tin Chúa là không được trả thù. Dù kẻ thù ấy là anh em chị em trong Chúa, trong Hội Thánh hay là người ngoài đời. Hãy giữ, nghĩa là không bao giờ vi phạm nguyên tắc này. Dấu hiệu của người tin Chúa là không trả thù. Người tin Chúa không những không trả thù, nhưng còn chú tâm làm điều tốt cho mọi người, hoặc cho anh chị em trong Chúa hay đối với người đời. Làm điều thiện tức là điều tốt, điều lành có ích cho người nhận. Nếu ta nhận mình là con của Chúa thì đây chính là một đặc điểm của người gọi Chúa là Cha. Ta phải có thái độ tha thứ và luôn luôn có thiện chí đối với mọi người.
Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta biết cách ứng xử đối với mọi người, vì danh Chúa và vì công việc mở rộng vương quốc của Ngài.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Làm mờ vết thâm vùng túi mắt.