CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 23.01.2022
By Quản trị in PHỤ NỮ on 18 Tháng Một, 2022
Chúa nhật 23.01.2022
- Đề tài: GIỮ VỮNG ĐỨC TIN.
- Kinh Thánh: 1Ti-mô-thê 1:18-20.
- Câu gốc: “Ta cảm tạ Đấng ban năng lực cho ta là Đấng Christ Giê-xu, Chúa chúng ta, vì Ngài đã xét ta là trung tín và chỉ định ta phục vụ Ngài” (1Ti-mô-thê 1:12 – BHĐ).
- Đố Kinh Thánh: 1Sử ký 4-6.
- Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Thuyết trình.
- Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
- Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “GIỮ VỮNG ĐỨC TIN”.
- Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
- Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
- Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Phao-lô viết thư cho Ti-mô-thê với tư cách là người cha tinh thần gửi cho người con đang phục vụ Chúa tại Ê-phê-sô. Lời khuyên chính ở đây là: Theo lời dạy mà đánh trận cho đạt thắng lợi; giữ vững đức tin và lương tâm tốt “Ti-mô-thê con ta ơi, ta truyền mệnh lệnh nầy cho con, theo các lời tiên tri về con từ trước, để nhờ những lời đó mà con chiến đấu dũng cảm” (1Ti-mô-thê 1:18 – BHĐ).
Phần khó hiểu trong câu 18 là: “theo các lời tiên tri về con từ trước”. Có nhà giải kinh cho rằng đây là Lời Chúa nói trước cho Phao-lô về Ti-mô-thê trước khi Ti-mô-thê bước vào phục vụ. Dù sao thì đây là lời Phao-lô xác nhận rằng Chúa có chương trình dành cho Ti-mô-thê trong việc phục vụ dân Chúa trong Hội Thánh đầu tiên, cũng như là người sẽ thay thế Phao-lô. Phao-lô được Chúa cho biết Ti-mô-thê là người Chúa lựa chọn, nên đã hết lòng huấn luyện và hướng dẫn Ti-mô-thê đi vào chức vụ.
Đây không phải là những lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước, nhưng là những gì Phao-lô được Chúa mặc khải. Đây là một điều huyền nhiệm trong việc lựa chọn người của Chúa, nhất là những người phục vụ Ngài. Những người có tương giao mật thiết với Chúa, thường được Chúa hướng dẫn đến gặp gỡ những người cùng tâm chí với mình để phục vụ Chúa. Phao-lô đã gặp Ti-mô-thê khi ông này còn trẻ tuổi và đã tuyển mộ ngay để đưa vào việc truyền giáo.
Chính vì các lý do huyền nhiệm này mà chúng ta khi bầu chọn người lo công việc Chúa đều phải dành nhiều thời giờ để cầu hỏi ý Chúa.
- SỰ RĂN BẢO.
Phao-lô cũng nhắc lại các điều Chúa cho ông biết trước về Ti-mô-thê để khuyến khích Ti-mô-thê trong việc kiên trì phục vụ Chúa.
Một điểm khác là Ti-mô-thê đã biết rõ việc Chúa chọn lựa mình và đã được Phao-lô cho biết trước, nay Phao-lô nhắc lại: “Ti-mô-thê con ta ơi, ta truyền mệnh lệnh nầy cho con, theo các lời tiên tri về con từ trước, để nhờ những lời đó mà con chiến đấu dũng cảm” (1Tim 1:18 – BHĐ).
Người phục vụ Chúa hay người tin Chúa đừng bao giờ quên rằng chính Ngài đã chọn lựa chúng ta từ nơi tội lỗi xấu xa, Chúa đã đem chúng ta về làm con của Chúa và làm người đại diện cho Ngài giữa thế gian nầy nên chúng ta phải nhờ cậy Chúa để đánh trận tốt lành. Nhiều người phục vụ Chúa lâu năm trở thành như công nhân trong một cơ quan, nghĩa là chỉ làm cho xong công việc và nhiệm vụ, khi gặp các khó khăn và chống đối lại càng dễ ngã lòng. Nhưng nếu mỗi ngày ta nhớ rằng ta là người Chúa chọn, ta sẽ có thái độ khác hơn. Đây chính là điều Phao-lô làm để khuyến khích Ti-mô-thê. Những lời Phao-lô căn dặn Ti-mô-thê vì chức vụ mà đánh trận tốt lành giống như vị tư lệnh nhắc người lính biết nhiệm vụ cao quý của mình.
- CHIẾN ĐẤU DŨNG CẢM.
Đây là một từ cũ dùng trong bản dịch xưa, có thể dịch là đánh trận giỏi, anh dũng chiến đấu, tận tình chiến đấu, can trường chiến đấu.
Cuộc đời người tin Chúa thường được ví sánh như một cuộc chiến hay là tranh đấu để giành thắng lợi, nhiệm vụ của người tin Chúa như là của người lính ra trận. Lời khuyên của Phao-lô cho Ti-mô-thê là ông ta phải hết lòng sốt sắng khi là người tin Chúa cũng như làm nhà truyền đạo. Trong cuộc chiến tâm linh, Ti-mô-thê phải đoạt chiến thắng.
Anh dũng chiến đấu là vì có chính nghĩa, phải trung thành với vị chỉ huy và với nhiệm vụ của mình. Người lính trong chiến trận thuộc thể cũng như trong chiến trận tâm linh đều cần thức tỉnh để quan sát hoạt động của quân địch và can đảm đối đầu với địch, không bỏ cuộc cho đến khi thời gian phục vụ chấm dứt hay cho đến chết. Người tin Chúa phải nắm bắt được lẽ thật và phải cam kết sống cho xứng đáng là người của Chúa.
III. CẦM GIỮ ĐỨC TIN VÀ LƯƠNG TÂM TỐT.
Có người bảo rằng: Người tin Chúa không những là người lính can trường, nhưng còn phải là người thủy thủ giỏi nữa, nghĩa là có đức tin đúng và mạnh cũng chưa đủ, mà còn phải biết hướng đi và phải thực tế áp dụng những gì mình tin vào đời sống hằng ngày nữa. Đây là đời sống quân bình giữa niềm tin và sống đạo. Khi nào sống đạo của ta ngược lại với điều ta tin nhận, thì ta đã tự phủ nhận đức tin rồi. Phao-lô dùng hình ảnh chìm tàu để nói về người tin Chúa, nhưng không kinh nghiệm được đức tin. Ông nói đến việc chối bỏ lương tâm tốt là trường hợp những người tin Chúa nhưng tấm lòng không đổi mới, vẫn sống theo tư dục, vẫn đắm mình trong những thỏa mãn của thân xác. Dĩ nhiên là họ đã phủ nhận Tin Mừng. Không ai có thể tin Chúa thật mà vẫn sống trong tội ác ghê tởm được.
Hai người được nêu danh ở đây là Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ.
Hy-mê-nê được nhắc lại trong 2Ti-mô-thê 2:16,17 cùng với một giáo sư giả khác là Phi-lết. Giáo lý của những người này được mô tả là: “những lời nhảm nhí phàm tục; vì những kẻ ăn nói như thế sẽ càng ngày càng tiến sâu vào con đường không tin kính, và lời nói của họ như chứng hoại thư lây lan”. Hy-mê-nê và Phi-lết thật như thế, họ xây bỏ lẽ thật; nói rằng sự sống lại đã đến rồi, mà phá đổ đức tin của một vài người cách như vậy.
Phao-lô nói về lỗi của họ là “chối bỏ lương tâm tốt và phạm thượng” (c.20). Chúng ta không được giải thích rõ phạm thượng là như thế nào, nhưng chắc hẳn là có xúc phạm đến thẩm quyền trong Hội Thánh. Còn chối bỏ lương tâm tốt là không sống đúng như mình đứng lên giảng dạy.
Phao-lô đã giao phó họ cho quỷ Sa-tan. Theo cách hiểu của thời Hội Thánh ban đầu thì có nghĩa là tuyệt thông hay là dứt phép thông công, tức là khai trừ ra khỏi Hội Thánh. Tuy nhiên phần cuối của câu này nói rằng: hầu cho họ học biết đừng phạm thượng nữa. Nghĩa là để cho họ hồi tâm, chứ không phải loại trừ họ.
Chúng ta áp dụng như thế nào bài học hôm nay?
- Đời sống người tin Chúa là tham gia vào một chiến dịch, vì vậy mỗi chúng ta phải là người lính trung kiên, can đảm và tận tình chiến đấu.
- Ta tin Chúa và có thể là người lãnh đạo trong Hội Thánh, vì thế phải quan tâm nhiều đến phần sống đạo, chứ không phải chỉ nói đạo hay truyền đạo. Người đời phải nhìn thấy ta là đại diện của Chúa và thực hành những gì mình nói.
- Ta nên cẩn thận trong lời nói và cách phát biểu, vì có thể gây xúc phạm và ta trở thành người có lỗi. Nên kính sợ Chúa và yêu thương anh chị em cùng đức tin để không ai nói phạm đến danh Chúa Giê-xu.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Ích Lợi Từ Hạt Đậu Xanh.
Chữa nóng, sốt: Dùng lượng đậu xanh vừa phải nấu canh, cho thêm chút đường, ăn khi còn ấm. Cũng có thể dùng 60g đậu xanh nấu canh cho thật nhừ, vớt đậu ra, cho vào nồi mấy cái hoa mướp tươi, đun sôi, ăn khi còn ấm.