CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 07.08.2022
By Quản trị in THANH NIÊN on 1 Tháng Tám, 2022
Chúa nhật 07.08.2022.
- Đề tài: TÀI LÃNH ĐẠO CỦA MÔI-SE.
- Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 3; 4; 14.
- Câu gốc: “Vậy bây giờ, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa và được ơn trước mặt Ngài” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13a).
- Đố Kinh Thánh: Các Quan Xét 6-10.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Xin xem chỉ dẫn Chúa nhật 03.07.2022.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Điều gì khiến người ta trở thành lãnh tụ? Câu trả lời rõ ràng nhất, ấy là người thu hút được nhiều người khác theo mình. Nhưng làm thế nào để lôi cuốn được người khác? (Có thể liệt kê ra các phẩm hạnh của người lãnh đạo).
Sau khi kể ra các đức tính của người lãnh đạo cần phải có thì chúng ta hãy xét xem Đức Chúa Trời thử nghiệm người lãnh đạo như thế nào? Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta những điều kiện gì để được Ngài dùng làm lãnh đạo? Trong Kinh Thánh, có nhiều người đã được Đức Chúa Trời dùng cách đặc biệt, nhưng có một người vượt hẳn các nhân vật khác, đó là Môi-se. Tại sao ông lại được Đức Chúa Trời dùng làm người lãnh đạo?
- KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
- Được Kêu Gọi.
Phải chăng ông vốn ra đời từ một gia đình có thế lực và giàu có? Không. Ông Môi-se đã được sinh ra trong nhà nô lệ, và bị án tử hình ngay ngày ra đời (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:22). Có phải ông vốn có sẵn tính khí và khả năng để trở thành người lãnh đạo? Không! Môi-se có tính nóng nảy, hung hăng. Bí quyết để Môi-se trở thành vĩ nhân, ấy là vì ông chịu đầu phục ý chỉ của Đức Chúa Trời.
Trải qua nhiều hoàn cảnh bất thường, Môi-se được vào ở trong cung điện của Pha-ra-ôn với tư cách con nuôi của công chúa từ lúc thơ ấu cho đến năm ông được bốn mươi tuổi. Nhưng ông không quên cảnh nô lệ của dân tộc ông, là người Y-sơ-ra-ên. Một ngày nọ, ông đến cứu một người Y-sơ-ra-ên bị một người Ai-cập hà hiếp. Ông đã giết người Ai-cập, do đó phải chạy trốn vào sa mạc để cứu lấy mạng sống mình. Suốt bốn mươi năm tiếp theo đó, Môi-se không còn là một hoàng tử trong cung cấm nữa, nhưng trở thành một kẻ chăn chiên tầm thường.
- Đức Chúa Trời Xuất Hiện.
Chỉ đến năm Môi-se được tám mươi tuổi, Đức Chúa Trời mới gọi ông vào công tác mà ông đã được sinh ra để thực hiện. Từ trước cho đến khoảng thời gian đó, Đức Chúa Trời đã huấn luyện ông với tất cả các từng trải làm hoàng tử cũng như làm kẻ chăn chiên để thực hiện công tác cho tương lai.
Bấy giờ, Môi-se thấy một ngọn lửa kỳ lạ đang thiêu đốt một bụi gai, nhưng bụi gai lại không hề tàn (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:2-6). Đức Chúa Trời gọi đích danh ông và cảnh cáo ông là đừng đến gần. Tại sao vậy? Bởi vì địa điểm ấy là thánh do sự hiện diện của Đức Giê-hô-va. Môi-se sợ lắm nên che mắt lại.
Đức Chúa Trời đã gọi Môi-se thực hiện một công tác quan trọng (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:10). Hãy xem Xuất Ê-díp-tô Ký 3:8. Ai sẽ giải thoát dân Y-sơ-ra-ên? Không phải Môi-se, nhưng là Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời sẽ thực hiện công tác, còn Môi-se chỉ là công cụ của Ngài mà thôi.
- Các Câu Hỏi Của Môi-se.
Môi-se đã chất vấn Đức Chúa Trời hai câu: “Tôi là ai?” (câu 11) và “Ngài là ai?” (Tên Ngài là chi? Câu 13). Khi làm việc cho Đức Chúa Trời, có lẽ chúng ta cũng nêu lên những câu hỏi tương tự. “Vì chúng ta chẳng ra chi cả”, cho nên Đức Chúa Trời mới trả lời: “…Ta sẽ ở cùng ngươi… Ta đã sai ngươi…” (câu 12). Dù chúng ta có uy tín hay không, giàu hay nghèo, đều không cần thiết; các khả năng của chúng ta đều là vô nghĩa. Chính Đấng gọi chúng ta mới là ý nghĩa trọn vẹn.
Câu thứ hai mà Đức Chúa Trời đáp lại Môi-se chứng tỏ tại sao sự việc lại như vậy (câu 14). Đức Chúa Trời đang hiện hữu đời đời. Một khi Đức Chúa Trời vận hành trong đời sống người nào, thì người ấy được ban cho năng lực vượt hẳn sức mạnh tự nhiên của người ấy.
- Được Sai Phái.
Khi Môi-se nhận thức điều Đức Chúa Trời truyền dạy ông phải làm, ông đã bắt đầu phản đối. Trước hết ông than phiền về dân sự: “…dân đó sẽ chẳng tin và chẳng vâng lời tôi…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:1). Nhưng Đức Chúa Trời cho Môi-se ba dấu hiệu chứng minh rằng chính Ngài đã sai phái ông; cây gậy, bàn tay nổi phung và nước biến thành máu (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:2-9). Thứ hai, ông than phiền về những khuyết điểm của mình: “Tôi vốn chẳng phải một tay nói giỏi, vì miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:10). Nhưng Đức Chúa Trời đáp rằng việc ông thiếu tài năng sẽ chẳng có gì quan trọng. Chính Ngài là Đức Chúa Trời sẽ nói qua trung gian của ông. Ngài sẽ ban quyền năng cho ông (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:11,12).
Nhưng Môi-se vẫn còn phân vân. Ông thưa: “Lạy Chúa, Chúa muốn sai ai đi, thì sai?” (câu 13). Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn Môi-se để thực hiện công tác ấy. Ngài hứa rằng anh của Môi-se là A-rôn sẽ là người phát ngôn (câu 14). Rồi Đức Chúa Trời ủy thác công tác cho Môi-se và phái ông ra đi (câu 15-18).
- Hoàn Tất Công Tác.
Môi-se đã gặp nhiều thử nghiệm và thử thách trong công tác. Chẳng những Pha-ra-ôn không chịu nghe, lại còn gán thêm nhiều gánh nặng cho người Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:2,5-9). Dân chúng nổi giận với Môi-se và A-rôn vì hai ông đã đem rắc rối đến cho họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:21). Môi-se bị bối rối và thất vọng lắm, nên trách Đức Chúa Trời không giữ lời Ngài đã hứa là sẽ giải phóng dân sự (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:22,23). Đức Chúa Trời lại trấn an Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:1) và nhắc lại cho ông nhớ rằng Ngài vốn là Đức Chúa Trời tể trị trên mọi người (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:2-7). Nhưng dân sự lại không chịu tin (6:9). Qua giai đoạn khó khăn này, Đức Chúa Trời đã dạy cho Môi-se và dân chúng biết nhẫn nhục và tin cậy Ngài.
Lúc đó, Đức Chúa Trời bắt đầu hành động mạnh tay để chứng minh là hễ Ngài đã nói thì Ngài sẽ làm. Tai vạ này tiếp theo tai vạ khác, bệnh dịch này tiếp theo bệnh dịch khác để trừng phạt xứ Ai-cập. Nhưng không có một tai vạ nào làm hại dân Y-sơ-ra-ên cả. Pha-ra-ôn hứa nhiều lần là sẽ để cho dân sự đi, nhưng ngay khi một tai vạ ngưng lại, thì nhà vua liền đổi ý. Đến khi tất cả các con đầu lòng trong nhà người Ai-cập đều chết đi, Pha-ra-ôn mới chịu nhượng bộ dứt khoát. Nhà vua phải thức giấc nửa đêm và hạ lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên phải ra đi tức khắc (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:29-33).
Lúc dân Y-sơ-ra-ên bỏ xứ Ai-cập, dân số của họ khoảng hai triệu rưỡi. Lúc ấy, Môi-se mới thật sự bị thử nghiệm với tư cách lãnh tụ! Đoàn dân đông vô số vốn hết sức mất trật tự và không biết gì khác hơn là các công việc của những kẻ nô lệ. Nhưng Môi-se đã cảm hóa được dân chúng, nên họ đều kéo theo ông (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:50). Nhưng một cuộc thử nghiệm vẫn chưa xong, Pha-ra-ôn và đạo quân của vua ấy đã đuổi theo và bao vây dân Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:8,9). Đoàn dân đang sợ hãi kia lại oán trách cay đắng (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:10-12). Nhưng Môi-se đã giữ vững lập trường (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:13-14).
Chắc ai cũng biết câu chuyện Đức Giê-hô-va khiến nước Biển đỏ rẽ ra để cho dân Y-sơ-ra-ên đi qua, rồi khiến nước lấp lại trên đạo quân Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:19-29). Toàn dân Y-sơ-ra-ên được tận mắt chứng kiến việc Đức Chúa Trời làm và nhìn nhận Môi-se là lãnh tụ (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:31). Câu gốc cho chúng ta bí quyết đã khiến Môi-se trở thành vĩ nhân. Ước vọng quan trọng nhất của ông là được biết Đức Chúa Trời và làm theo ý chỉ Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13-14).
- BÀI HỌC ÁP DỤNG.
Ngày nay, Đức Chúa Trời vẫn cần đến những Cơ đốc nhân can đảm để làm theo ý chỉ Ngài. Nếu chúng ta muốn trở thành người có phẩm cách, đủ điều kiện để thực thi mạng lệnh Chúa thì hãy để cho Đức Chúa Trời hoàn toàn điều khiển đời sống chúng ta và giúp chúng ta thắng hơn mọi trường hợp chán nản, thất vọng, buồn chán, mọi thử thách và khổ nạn để biến chúng ta thành những người đắc lực thật sự cho nhà Ngài. Ngày nay, có ai trong chúng ta sẵn sàng chọn lại công tác gian khổ mà Môi-se đã chọn?
Theo Hê-bơ-rơ 11:23-29, chúng ta thấy, sở dĩ Môi-se có thể được Đức Chúa Trời dùng làm lãnh tụ là vì:
- Ông không chịu hòa mình với thế gian.
- Ông chọn con đường hiệp nhất với Đức Chúa Trời.
- Ông chọn chịu khổ vì Đức Chúa Trời hơn bất cứ điều khác.
- Ông tuân hành các mạng lệnh của Đức Chúa Trời.
Ngày nay, ý chỉ của Đức Chúa Trời vẫn giữ nguyên. Trước hết, Ngài gọi chúng ta (Mác 1:17); rồi Ngài sai phái chúng ta (Giăng 20:21) và ban cho chúng ta năng quyền để thực hiện công tác Ngài giao phó (Công Vụ 1:8).
Nếu các bạn vui lòng hành động theo đường lối của Đức Chúa Trời vào đúng thời điểm của Ngài, thì Ngài sẽ sẵn sàng dùng các bạn để làm vinh hiển danh Ngài. Phần quyết định là của các bạn; các bạn phải vâng theo tiếng gọi của Ngài.
III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.
- Đức Chúa Trời đã gọi Môi-se dâng cả đời sống mình để phục vụ Ngài như thế nào?
- Đức Chúa Trời đã “giúp đỡ” gì cho Môi-se để thực hiện công tác của đời sống?
- Làm thế nào để các bạn và tôi có thể trở thành những người lãnh tụ của Đức Chúa Trời?