CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 08.08.2021
By Quản trị in THANH NIÊN on 2 Tháng Tám, 2021
Chúa nhật 08.08.2021.
- Đề tài: PHÉP LẠ QUA SÔNG GIÔ-ĐANH.
- Kinh Thánh: Giô-suê 3:1-17.
- Câu gốc: “Khi ngươi vượt qua các dòng nước, Ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp” (Ê-sai 43:2a).
- Đố Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 11-15.
- Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.
* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.
- Mời người hướng dẫn Học Kinh Thánh.
- Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi học Kinh Thánh theo một phương pháp nào đó.
- Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
- Người hướng dẫn chỉ nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp) hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
- Xin soạn 2-3 cụm câu hỏi, mỗi cụm có 3 câu: Sự kiện, ý nghĩa và áp dụng.
* Câu hỏi học Kinh Thánh.
(1.1) Giô-suê đã chuẩn bị những gì trước khi vượt qua sông Giô-đanh? (c.1-7).
(1.2) Tại sao cần chuẩn bị những điều đó?
(1.3) Bạn đã chuẩn bị như thế nào trước khi bước vào vùng đất hứa của Đức Chúa Trời dành cho bạn?
(2.1) Chúa hứa sẽ làm gì cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ quyết định bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa? (c.9-13).
(2.2) Những lời hứa của Chúa dành cho dân sự khi họ vâng lời Chúa có ý nghĩa như thế nào?
(2.3) Bạn có sẵn sàng vâng lời người lãnh đạo và sẵn sàng thực hiện mọi điều để nhận được lời hứa của Chúa cho đời sống bạn không?
(3.1) Dân sự đáp lại sự hướng dẫn của Giô-suê như thế nào?
(3.2) Chuyện gì đã xảy ra khi họ quyết định vâng theo và sẵn sàng bước chân xuống mặt nước sông Giô-đanh?
(3.3) Hôm nay bạn có tin rằng phép lạ sẽ xảy ra cho bạn khi bạn hoàn toàn vâng phục sự hướng dẫn của Chúa không?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Sự bắt đầu của bất cứ công việc nào đều có những thách thức khó khăn! “Vạn sự khởi đầu nan” như câu người Việt ta thường nói.
Trên đường tiến về đất hứa, chặng đầu, dân Y-sơ-ra-ên đã gặp phải sự ngăn trở của Biển Đỏ. Trên đường tiến vào đất hứa, dân Y-sơ-ra-ên phải đối diện với dòng sông Giô-đanh.
Giô-đanh là con sông chính, con sông biên giới của xứ
Ca-na-an; cũng có thể gọi là “con sông huyết mạch” của xứ nầy. Sông Giô-đanh có hai nguồn lớn là Huleh và Ga-li-lê, rộng trung bình từ 2-15 dặm. Sông dài khoảng 160 dặm, gồm có hai phần: (1) Thượng lưu sông, bắt nguồn từ Le-ba-non; (2) Hạ lưu sông, bắt đầu từ hồ Ga-li-lê đến biển Chết, dài khoảng 65 dặm. Phần thượng lưu có nhiều sông nhánh bắt nguồn từ các chân đồi, có rất nhiều nước đổ vào sông Giô-đanh; nhất là sông
Na-he, tuy ngắn, nhưng là nguồn nước dồi dào khiến miền thượng lưu sông Giô-đanh có lưu lượng nước cao để về phía hạ lưu của dòng sông. Vì thế ở những khúc eo hẹp, quanh co của dòng sông thường bị ngập lụt vào mùa xuân khi tuyết trên các núi Hẹt-môn tan đi.
Đứng trước dòng sông hăm hở, để đưa một đoàn dân đông khoảng 2 triệu người qua sông hẳn là sự thách thức lớn cho Giô-suê với công tác đầu tiên trong sứ mạng Chúa gọi! Nhưng Đức Chúa Trời có phương cách cho ông. Thế nào, Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng Ngài giữa dân Y-sơ-ra-ên trong biến cố vượt qua dòng sông lịch sử nầy?
- SỰ CHUẨN BỊ QUA SÔNG GIÔ-ĐANH (3:1-6).
- Sự tiến đến mé sông Giô-đanh.
Trong câu 1 có thể xem là một ngày quan trọng mở màn cho chức vụ lãnh đạo của Giô-suê. Một điểm nổi bật trong vị tân lãnh đạo nầy là “dậy sớm”. Hai chữ “dậy sớm” được nói đến nhiều lần như là một thói quen trong đời sống chức vụ Giô-suê (3:1; 6:12; 8:10). Một thói quen bày tỏ tinh thần sốt sắng và tấm lòng tận trung của Giô-suê trong sự thi hành công tác Chúa gọi. Chẳng những dậy sớm nhưng Giô-suê cũng từng thức thâu đêm nữa (10:9) chúng ta đang hầu việc Chúa với tinh thần nào?
Cũng trong câu 1 cho chúng ta thấy bước chuyển cho một bắt đầu mới của dân Y-sơ-ra-ên. Sau thời gian đóng trại nơi đồng bằng Mô-áp, sau những ngày tang chế về sự chết của Môi-se. Bây giờ theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời, họ rời khỏi Si-tim, và hướng về mé sông Giô-đanh để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc qua sông vào đất hứa.
- Thể lệ qua sông.
Cuộc qua sông, về phần dân sự điều cần là phải biết đi cách nào. Theo lời chỉ dẫn của các quan trưởng cho dân sự trong câu 2-3, chúng ta ghi nhận điểm quan trọng sau đây:
(1) Hòm giao ước đi trước dân Y-sơ-ra-ên: Suốt thời gian của cuộc hành trình, Đức Chúa Trời hiện diện trong trụ mây và trụ lửa để dẫn dắt Y-sơ-ra-ên. Sự ra đi hay dừng lại của họ là tùy thuộc vào sự di chuyển hay dừng lại của hai biểu tượng ấy (Xuất 13:20-22; Dân-số Ký 9:15-22). Nhưng trong cuộc qua sông Giô-đanh, dân Y-sơ-ra-ên phải tùy thuộc vào sự dẫn dắt của hòm giao ước.
Hòm giao ước chỉ ngôi hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa dân Y-sơ-ra-ên, cũng là nơi Đức Chúa Trời gặp Môi-se để ban truyền cho dân sự các mạng lệnh Ngài (Xuất 25:10-22). Thứ tự hòm giao ước đi đầu dân sự, cho chúng ta học biết hai ý nghĩa thuộc linh.
– Trên bước linh trình của Cơ Đốc nhân, Đức Chúa Trời luôn là Đấng dẫn dắt, và là đối tượng duy nhất để chúng ta nhìn vào.
– Trong sự dẫn dắt, Đức Chúa Trời luôn đi trước chúng ta. Ngài san bằng những khó khăn, và chúng ta được an toàn trong đường lối Ngài (Dân-số Ký 10:33).
(2) Dân Y-sơ-ra-ên phải đi sau hòm giao ước với khoảng cách 2.000 thước (c.4), một khoảng cách cần thiết để dân sự có thể thấy rõ hướng đi, vì đây là con đường hoàn toàn mới mẻ đối với họ. Hơn nữa dân sự không có phép đến gần hòm giao ước của Đức Chúa Trời. Trong đền tạm, hằng năm thầy tế lễ chỉ được vào nơi chí thánh một lần mà thôi, để dâng huyết con sinh trên nắp thi ân của hòm giao ước hầu chuộc tội cho toàn dân (Hê-bơ-rơ 9:6-7).
Tóm lại, qua thể lệ trên đòi hỏi nơi dân Y-sơ-ra-ên hai điều là chú ý nhìn vào hòm giao ước và phải đi sau hòm giao ước với một khoảng cách. Hai đòi hỏi nầy là một thách thức dân sự về đức tin và sự vâng lời.
– Trước con đường chưa bao giờ trải qua, họ lo lắng chăng? Nhìn vào hòm giao ước là một hành động của đức tin nơi sự dẫn dắt của Chúa. Có bao giờ chúng ta lo sợ cho tương lai không? Nhà cải chánh Martin Luther bày tỏ đức tin của mình trong lời nói rất có ý nghĩa như sau: “Tôi không biết đường lối mà Đấng Christ dẫn tôi, nhưng tôi biết Đấng hướng dẫn tôi”.
– Và thế nào được bình an để đạt đến đích của cuộc hành trình? Phải đi sau hòm giao ước, là hành động vâng theo sự dẫn dắt của Chúa với tấm lòng kính sợ Ngài.
Cũng vậy trên bước linh trình, Cơ Đốc nhân học bước đi với Chúa, trong mối tương giao khắng khít với Chúa (Giăng 15:5,12-13). Nhưng cũng cần học bước đi sau Chúa để được an toàn tiến đến đích Chúa gọi. Trong Giăng 10:4,11,27, Ngài là Đấng chăn hiền lành, Ngài đi trước, và gọi chúng ta đi sau Ngài để được dẫn vào nơi cứu rỗi phước hạnh mãi mãi. Như vậy trên đường theo Chúa, đức tin và vâng lời là hai điều không thể thiếu. Hãy bước tới với sự cẩn thận và tấm lòng kính sợ Chúa; hãy bước tới với đức tin và thái độ vâng phục Ngài. Ý nầy được Faber diễn tả như sau: “…Khi Ngài đến hãy đi với Ngài, nhưng hãy đi từ từ và một chút phía sau Ngài. Khi Ngài lướt nhanh khoảng cách, hãy cẩn thận điều đó trước khi bạn lướt theo. Nhưng khi lui lại, hãy lui lại lập tức và chẳng những chỉ chậm lại, nhưng hãy yên lặng, vì cớ Ngài là Đức Chúa Trời”.
- Sự dọn mình nên thánh (c.5-6).
Chữ “nên thánh” có nghĩa là biệt riêng ra cho một mục đích. Trong Sáng thế ký, Đức Chúa Trời truyền cho Gia-cốp hãy dọn mình nên thánh trước khi ra mắt Chúa tại Bê-tên. Trong Xuất
Ê-díp-tô Ký 19:10-35, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên hãy dọn mình nên thánh, vì cớ Đức Chúa Trời sẽ hiện diện bày tỏ việc quyền năng lớn của Ngài ở giữa họ.
Những sự kiện ghi nhận trên cho chúng ta học biết chân lý quan trọng nầy: Đức Chúa Trời là Đấng thánh, ai đến gần Ngài phải nên thánh, vì cớ sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời, hãy nhận biết điều quan trọng nầy: Có thể chúng ta được phước trong sự hiện diện của Chúa, nếu giữ mình trong sự thanh sạch trước mặt Ngài. Nhưng cũng có thể chúng ta bị ngã chết bởi ngọn lửa thánh khiết của Chúa, vì cớ đời sống chứa chấp tội lỗi ô uế xấu xa!
Trong thời Cựu ước, khi nói sự dọn mình ra thánh, tức là nói đến nghi thức tẩy sạch bên ngoài, gồm có sự tẩy uế, giặt áo xống…
Nghi thức nầy có thể là một biểu hiện cho ý nghĩa về sự thánh hóa thuộc linh bên trong. Trong thời Tân ước khi nói đến dọn mình nên thánh, là nói đến tấm lòng ăn năn xây bỏ tội lỗi, và nhờ Lời Kinh Thánh bởi Đức Thánh Linh, để đời sống được luyện lọc thanh sạch. Mặc dầu, đối với Cơ Đốc nhân, yếu tố bên trong được nhấn mạnh trong sự dọn mình nên thánh. Tuy nhiên, không có nghĩa chúng ta bỏ qua yếu tố bên ngoài. Hai khía cạnh nầy, có thể diễn tả trong câu như sau: Nên thánh theo nghi thức bên ngoài chưa phải là người nên thánh. Nhưng người nên thánh bên trong cũng không thể bỏ qua sự dọn mình sạch sẽ bên ngoài khi đến ra mắt Chúa thờ phượng Ngài. Không thể viện lý do tấm lòng trong sạch là đủ rồi, và chúng ta xem thường về sự sạch sẽ và trang trọng trong cách trang phục ra mắt Chúa!
- SỰ BÀY TỎ VỀ PHÉP LẠ (3:7-13).
- Ý nghĩa của mục đích trong phép lạ.
Sự thể hiện phép lạ qua sông Giô-đanh trước mặt Y-sơ-ra-ên. Qua phép lạ lớn nầy là một minh chứng rằng: (1) Đức Chúa Trời ở cùng Giô-suê y như Ngài đã ở cùng Môi-se. Để dân sự kính sợ Giô-suê như đã kính sợ Môi-se (3:7; 4:14). Điều nầy có nghĩa Đức Thánh Linh ấn chứng chức vụ của người Ngài gọi, và làm cho người ấy được kính trọng trong vòng mình hầu việc. (2) Đức Chúa Trời xác chứng về lời hứa ban xứ Ca-na-an cho dân Y-sơ-ra-ên bằng khải thị chính Ngài cho họ (c.8-10).
Trong phép lạ qua sông Giô-đanh, Đức Chúa Trời bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên nhìn biết Ngài là “Chúa của cả thế gian”, Đấng hằng sống và quyền năng ở giữa Y-sơ-ra-ên. Chính Ngài sẽ đánh bại các dân Ca-na-an và ban cho họ xứ nầy. Danh hiệu Đức Chúa Trời là “Chúa cả thế gian” được nhắc đến hai lần trong câu 11 và 13. Trong Sáng thế ký 14:22, Áp-ra-ham cũng đã xưng nhận Đức Chúa Trời là “Đấng chủ tể của trời và đất: còn Ra-háp xưng Ngài là “Đức Chúa Trời ở trên cao kia và ở nơi đất thấp nầy” (Giô-suê 2:11). Thật vậy, Đức Chúa Trời là vua của cả vũ trụ. Trái đất chúng ta đang sống thuộc về Ngài, và ở trong bàn tay tể trị của Ngài. Trong sự nhận biết Đức Chúa Trời bởi sự khải thị, người Do Thái không nói Đức Chúa Trời là… nhưng nói Đức Chúa Trời làm… Ngài được nhận biết bởi những gì Ngài đã, đang và sẽ làm trong thế giới loài người chúng ta. Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên không phải là Đức Chúa Trời trong lý trí trừu tượng, nhưng là Đức Chúa Trời hiện hữu và hành động trong quyền tối thượng của Ngài là “Chúa của cả thế gian”, Đấng đáng cho các nước, các dân tộc trên khắp đất tôn thờ và chúc tụng không thôi (Thi thiên 50:12; 66:4-6). Sự khải thị nầy để làm vững niềm tin của dân Y-sơ-ra-ên nơi Đức Chúa Trời, hầu chuẩn bị cho họ một tinh thần mạnh mẽ trong sự đối đầu với các dân tà thần trong xứ Ca-na-an.
- Sự nói trước về phép lạ (c.11-13).
Trong sự khải thị của Đức Chúa Trời, Ngài nói trước cho dân sự về phép lạ sẽ xảy ra. Như điều Đức Chúa Trời chỉ dạy gây dựng, chúng ta ghi nhận thứ tự diễn tiến trong phép lạ nầy như sau:
(1) Các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đi trước, và dân
Y-sơ-ra-ên đi theo sau hòm giao ước đến mé sông Giô-đanh (c.3-4). (2) Vừa khi chân các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đạp mé nước, tức thì nước sông Giô-đanh từ nguồn chảy xuống sẽ rẽ đoạn, và dồn lại (c.13). (3) Các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đi trước và dừng lại ở giữa sông cho đến chừng cả đoàn dân đi qua sông (c.16-17). (4) Khi dân sự đã qua sông rồi, các đại diện của mỗi chi phái vác một hòn đá ở giữa sông, nơi các thầy tế lễ đứng và đem lên bờ. Và sau khi Giô-suê dựng 12 hòn đá ở giữa (c.12; 4:1-5,9). (5) Các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước lên bờ. Vừa khi chân họ đặt trên bờ rồi, tức thì nước sông tràn ra như cũ. (6) Các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đi trước dân sự.
Sự nói trước về phép lạ sẽ xảy ra bày tỏ sự toàn năng của Đức Chúa Trời. Đấng có quyền làm thành y như Lời đã phán, chẳng có điều chi bất năng cho Ngài cả (Sáng thế ký 18:14).
- HÀNH TRÌNH QUA SÔNG GIÔ-ĐANH (3:14-17).
- Thời điểm qua sông (c.14-15).
Dân Y-sơ-ra-ên qua sông Giô-đanh vào ngày 10 tháng giêng (4:19). Nhằm lúc mùa gặt, tức mùa xuân (c.15). Cũng là mùa nước sông Giô-đanh có lưu lượng thật cao tràn ngập lên khỏi hai bên bờ khoảng một dặm chiều rộng, và lòng sông có khoảng 50 thước chiều sâu! Theo cái nhìn của con người, đây là thời điểm chẳng thuận lợi chút nào, nhưng đối với Đức Chúa Trời là một thời điểm thuận lợi nhất cho dân sự qua sông. Để họ mục kích được quyền năng lớn lạ của Chúa qua nghịch cảnh ấy mà thêm lòng tin cậy Ngài, Đấng toàn năng.
- Dòng sông rẽ đôi (c.15-16).
Phép lạ xảy ra đúng như Lời Đức Chúa Trời báo trước. Câu 15-16, ghi rằng: “Khi các người khiêng hòm đến sông Giô-đanh, và chân của những thầy tế lễ khiêng hòm mới bị ướt nơi mé nước, thì nước ở trên nguồn thường chảy xuống bèn dừng lại, dồn thành một đống, xa ra một khoảng đến thành A-đam, là thành ở bên cạnh Xát-than; còn nước chảy đến biển đồng bằng, tức Biển Mặn, đã rẽ đoạn ra; rồi dân sự đi qua đối ngang Giê-ri-cô”.
Đây là một phép lạ được thể hiện bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, có số người xem đó như một việc xảy ra cách tự nhiên thôi! Họ nghĩ rằng dọc theo bờ sông khoảng thành A-đam có nhiều mõm đá vôi to lớn nhô ra. Vào ngày 7 tháng 12 năm 1267, vì một mõm đá vôi ở bờ sông đổ xuống, nên nước sông Giô-đanh bị dồn đống ở Damieyd trong 10 tiếng đồng hồ. Lại vào ngày 4 tháng 7 năm 1927, có một mõm đá vôi khác cao khoảng 50 thước sụp đổ làm tắt nghẽn dòng sông Giô-đanh 21 tiếng rưỡi đồng hồ. Sự kiện này có thể xảy ra vì một cơn động đất.
Cho dù sự giải thích trên có hợp lẽ theo lý trí của con người, nhưng Kinh Thánh vẫn quả quyết sự kiện dòng sông Giô-đanh rẽ nước là một phép lạ bởi quyền năng siêu việt của Đức Chúa Trời. Với những dẫn chứng sau đây:
(1) Kinh Thánh diễn tả sự qua sông Giô-đanh của Y-sơ-ra-ên là một phép lạ được nhấn mạnh trên sự kiện mực nước sông Giô-đanh tràn lên khỏi bờ. Trong tình trạng ngập lụt như vậy, nếu là do mõm đá đổ xuống cách tự nhiên, thì không thể chận nước về một hướng như đã xảy ra trong phép lạ, và cũng thể giữ dòng nước rẽ trong một thời gian lâu đủ cho cả đoàn dân đông đi qua.
(2) Dòng sông rẽ đôi là một phép lạ được báo trước, chớ không phải là sự việc do ngẫu nhiên.
(3) Thời điểm của sự kiện xảy ra có trùng hợp với nhau cách lạ lùng: Nước sông rẽ đoạn đúng bàn chân các thầy tế lễ đạp đến mé nước; và mực nước sông trở lại như cũ vừa khi chân các thầy tế lễ đặt lên bờ. Nếu không bởi bàn tay điều động của Đức Chúa Trời, thế nào có sự trùng hợp đúng như vậy?
(4) Sự kiện dân Y-sơ-ra-ên đi qua sông Giô-đanh “trên đất khô” được nói đến hai lần (3:17). Điều lạ lùng nầy cũng được nói đến trong phép lạ Biển Đỏ rẽ nước (Xuất 14:21).
(5) Các dân Ca-na-an đều nhìn biết đó là một phép lạ (5:1).
- Cuộc qua sông hoàn tất (3:14-17; 4:10-18).
Các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước vẫn đứng giữa dòng sông trên đất khô trong khi cả Y-sơ-ra-ên qua sông. Một cuộc qua sông vĩ đại của đoàn người có khoảng hai triệu! Theo sự ước tính của nhà giải kinh Davis, nếu họ đi theo hình bốn cạnh: Một ngàn, chừng nửa dặm theo chiều rộng, và hai ngàn chừng hai dặm theo chiều dài, thì phải ít nhất khoảng một tiếng đồng hồ để đi qua khối nước của họ theo kích thước ấy! Trong cuộc qua sông lịch sử nầy, chúng ta ghi nhận những điểm sau đây:
- a) Một cuộc hành trình đầy thách thức!
So với cuộc hành trình bốn mươi năm trong đồng vắng, cuộc hành trình qua sông Giô-đanh hẳn là ngắn ngủi. Tuy nhiên đây không phải là cuộc hành trình “quá dễ”, nhưng có nhiều thách thức mới! Vì đây là con đường họ chưa bao giờ đi, con đường thách thức lớp thế hệ trẻ nầy đức tin và vâng lời, là hai điều các tổ phụ họ đã thất bại trong đồng vắng! Trong sự qua Biển Đỏ, dân Y-sơ-ra-ên lo sợ vì kẻ thù đuổi theo sau mình. Nhưng trong cuộc qua sông Giô-đanh, họ phải đối diện ngay với kẻ thù trước mắt, kẻ thù mà các tổ phụ họ đã một lần run sợ lùi bước không dám bước vào đất hứa! Và gần nhất sông Giô-đanh sâu thẳm nguy hiểm! Trong cuộc qua Biển Đỏ dân sự thấy bình an, vì nước làm tường thành bên hữu và bên tả họ (Xuất 14:22-24). Trong cuộc qua sông Giô-đanh, chúng ta thấy các nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên có vẻ bình tĩnh làm cho xong mọi điều Chúa phán bảo, trong lúc đó dân sự lật đật qua sông (c.10). Câu hỏi tại sao? Có thể vì họ sợ thấy nước đang dồn đống kia như sắp trút xuống nhận chìm họ dưới lòng sông! Như Phi-e-rơ sợ hãi và sắp chìm vì nhìn sóng gió khi ông lên trên mặt nước đến cùng (Ma-thi-ơ 14:29-31).
- b) Ý nghĩa của cuộc qua sông Giô-đanh đối với người Cơ Đốc.
Trong phép lạ Biển Đỏ, Đức Chúa Trời cậy Môi-se thực hiện. Nhưng trong phép lạ sông Giô-đanh, chúng ta chú ý hòm giao ước đóng vai trò chính yếu. Có khoảng 10 lần chữ “hòm giao ước” hay “hòm giao ước của Đức Giê-hô-va” được nói đến trong đoạn 3. Hòm giao ước chỉ bóng về Đấng Christ. Ở giữa sông là nơi sâu thẳm, có thể tiêu biểu cho sự chết. Sự kiện các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đứng giữa sông, chỉ bóng về sự chết của Đấng Christ, theo học giả Halley, nơi dân Y-sơ-ra-ên đổ bộ qua sông Giô-đanh, cũng nơi 1400 năm sau đó Chúa Giê-xu chịu Giăng làm báp-tem. Và phép báp-tem của Ngài là một khởi điểm cho con đường thập tự giá của Ngài. Và sự kiện các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước từ giữa sông lên bờ và đi trước dân sự chỉ về sự sống của Đấng Christ.
Về mặt thuộc linh sông Giô-đanh chỉ về sự chết và sự sống lại của Đấng Christ. Sự qua sông Giô-đanh, đối với dân Y-sơ-ra-ên để bắt đầu cuộc đời mới, chiến đấu với kẻ thù, đắc thắng và hưởng đất hứa. Đối với Cơ Đốc nhân, sự “qua sông
Giô-đanh” có nghĩa là chúng ta bởi đức tin chịu báp-tem với Đấng Christ, tức là đồng nhất trong sự chết và sự sống lại với Ngài để bắt đầu đời sống mới, đời sống phước hạnh thuộc linh vô tận trong Ngài (Rô-ma 6:1-10; Ê-phê-sô 1:3). Như vậy, sông Giô-đanh có thể chỉ về sự thánh hóa và Chúa Giê-xu Christ là Đấng thánh hóa chúng ta, bởi sự đổ huyết và sự sống lại của Ngài.
* CÂU HỎI ÁP DỤNG.
- Xin giải thích đức tin và vâng lời là hai điều không thể thiếu trong người bước theo sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời?
- Trên bước linh trình của mỗi chúng ta, ai là đối tượng của chúng ta nhìn vào và bước theo, tại sao?
- Đức Chúa Trời ấn chứng cho chức vụ của người Ngài gọi, và làm cho người ấy được tôn trọng giữa vòng người mình hầu việc, bạn hiểu như thế nào về điều này? Dẫn chứng Lời Chúa cho câu trả lời của bạn?
- Qua bài học này bạn hiểu về Đức Chúa Trời của chúng ta như thế nào?
- Dân sự Chúa không tránh được nghịch cảnh, nhưng có Lời Chúa hứa ở cùng trong nghịch cảnh, bạn đã từng có kinh nghiệm về điều này chưa, xin chia sẻ?
Hãy nhớ: Trong sự toàn năng của Đức Chúa Trời, không có điều chi là bất năng cho Ngài. Trong sự toàn tại của Đức Chúa Trời, Ngài ở cùng con cái Chúa khắp mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.