CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 10.01.2021
By Quản trị in THANH NIÊN on 4 Tháng Một, 2021
Chúa nhật 10.01.2021.
- Đề tài: HẦU VIỆC CHÚA VÌ LÀM CON CHÚA.
- Kinh Thánh: Lu-ca 2:41-50; Ma-thi-ơ 21:29-30.
- Câu gốc: “Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa” (Rô-ma 12:11).
- Đố Kinh Thánh: 1 Phi-e-rơ 1-5.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời người chia sẻ từ hai tuần trước.
- Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của bạn. Nếu người ấy cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Sống trên đất con người được buộc ràng với nhiều bổn phận. Trong quốc gia, xã hội, chúng ta có bổn phận của người công dân. Trong gia đình, chúng ta có bổn phận của người vợ, người chồng, bổn phận của người làm cha mẹ, bổn phận của người con, người anh em… Còn đối với Đức Chúa Trời thì sao?
Nói đến sự hầu việc Chúa, có thể Cơ Đốc nhân thường xem đó là lời kêu gọi tình nguyện mà thôi, nhưng trong khía cạnh khác, hầu việc Chúa còn là điều bắt buộc của bổn phận. Vì vậy, trong sự phục vụ Chúa của sứ đồ Phao-lô, ông nói: “Ví bằng tôi rao truyền Tin lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin lành, thì khốn khó cho tôi thay” (1 Cô-rinh-tô 9:16).
Trong bài học nầy chúng ta sẽ tìm hiểu: Tại sao Cơ Đốc nhân phải hầu việc Chúa? Và sự hầu việc Chúa phải được đặt trong thứ tự ưu tiên nào của đời sống con cái Ngài?
- NGƯỜI THỌ TẠO CÓ BỔN PHẬN ĐỐI VỚI ĐẤNG SÁNG TẠO.
Từ lúc ban đầu, loài người được dựng nên trong địa vị làm con Đức Chúa Trời và đứng đầu muôn vật (Lu-ca 3:38; Thi-thiên 8:5-6). Vì mối liên hệ nầy, con người cũng được ràng buộc với bổn phận và trách nhiệm. Trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời phán dạy A-đam, người đại diện nhân loại ba điều quan trọng:
- Vâng phục Đấng Tạo Hóa (Sáng-thế Ký 2:16).
- Quản nhiệm và chăm sóc môi sinh trong mục đích bảo tồn muôn vật thọ tạo, làm vinh danh Đấng Tạo (Sáng-thế Ký- 1:27-28; 2:15; Rô-ma 11:36).
- Sống yêu thương (Sáng-thế Ký 4:9).
Ba điều trên cho thấy Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi con người hai bổn phận căn bản: Trước hết là tôn thờ Chúa và kế đến là yêu thương lẫn nhau. Như thế bổn phận quan trọng nhất của con người trên đất là phụng sự Đấng Tạo Hóa. Không phải đợi viết thành văn, không cần phải được học hỏi, người ta mới nhận thức bổn phận thiêng liêng của mình đối với Đấng Chủ Tể muôn loài, vì chính lương tâm nói cho con người biết rõ điều đó. Tuy nhiên trong sự sa ngã, loài người đã bỏ mất bổn phận cao quí của mình với Đức Chúa Trời. Vì vậy, nhà Truyền-đạo Sa-lô-môn nhắc nhở thế nhân phải tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa mình từ khi còn ấu thơ với tấm lòng kính sợ, và làm tròn bổn phận của mình đối với Ngài (Truyền-đạo 12:1,13). Tác giả Thi-thiên 100 cũng kêu muôn dân trên đất rằng: “Hỡi cả trái đất, hãy cất tiếng reo mừng cho Đức Giê-hô-va! Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng, hãy hát xướng mà đến trước mặt Ngài. Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài; Chúng tôi là dân sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài…” (c.1-3).
- NGƯỜI ĐƯỢC CỨU CÓ BỔN PHẬN ĐỐI VỚI ĐẤNG CỨU CHUỘC.
Trong vòng loài người, Đức Chúa Trời lựa chọn Y-sơ-ra-ên làm tuyển dân Ngài. Họ được Đức Chúa Trời giải cứu khỏi ách nô lệ xứ Ai-cập và đưa về đất hứa Ca-na-an, được gọi là con trai Ngài, và Ngài là Cha của họ (Xuất Ai-cập Ký 3:10; Ô-sê 11:1). Trong địa vị làm con Chúa, dân sự cũng đã được gọi vào sự hầu việc Đức Giê-hô-va. Đây không phải là lời khuyên suông nhưng là một sự bắt buộc của luật đạo đức, đã trở thành điều răn do chính tay Đức Chúa Trời ghi tạc trên bảng đá tại núi Si-nai và trao cho Môi-se truyền lại dân Y-sơ-ra-ên. Đó là mười điều răn được Chúa Giê-xu tóm lược trong hai điểm chủ yếu: Kính mến Đức Chúa Trời và yêu người lân cận như mình (Xuất Ai-cập Ký 20:1-17; Mác 12:30-31). Hai điểm nầy cũng là hai bổn phận căn bản mà Đức Chúa Trời đặt trong lương tâm con người từ ban đầu.
Trong thời Tân ước, người tin nhận Chúa Giê-xu được cứu chuộc, trở nên con cái Đức Chúa Trời (Giăng 1:12; Rô-ma 8:16-17). Trong địa vị làm con Chúa, Cơ Đốc nhân được gọi đến một đời sống hầu việc làm vinh danh Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 6:20; 10:31), một sự bắt buộc không ghi trên bản điều răn bằng văn tự, nhưng được ghi vào lòng con cái Chúa bởi Đức Thánh Linh (Ê-xê-chi-ên 36:27; 1 Cô-rinh-tô 3:3).
Vì vậy, khi đáp lại câu hỏi mưu hại của người Pha-ri-si: Có nên nạp thuế cho Sê-sa, Hoàng đế La-mã không? Chúa Giê-xu dùng đồng tiền thời bấy giờ có mang hình Sê-sa và trả lời: “Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 22:17-21). Câu trả lời của Chúa Giê-xu dạy dỗ Cơ Đốc nhân làm bổn phận của người công dân trên đất; đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta bổn phận lớn hơn hết của người con dân Chúa đối với vị Vua trên trời.
Trong khía cạnh nhân tánh, khi đến thế gian, Chúa Giê-xu đã nêu cho chúng ta tấm gương sáng chói của con người hầu việc Chúa từ lúc Ngài mười hai tuổi. Với tinh thần sốt sắng và trách nhiệm, trong câu trả lời của Chúa làm ngạc nhiên ông bà Giô-sép và Mari vì Ngài phải lưu lại đền thờ Giê-ru-sa-lem: “Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” (Lu-ca 2:49). Không phải Chúa Giê-xu là người con không vâng phục cha mẹ về phần thể xác, nhưng Ngài muốn làm sáng tỏ thứ tự ưu tiên trong đời sống người Cơ Đốc: Việc Chúa phải trên hết, bổn phận đối với Cha thiên thượng phải trước bổn phận đối với cha mẹ trên đời và các bổn phận khác (Lu-ca 2:42-51; 9:57-62).
Qua thí dụ về hai con trai trong Ma-thi-ơ 21:29-31, chúng ta học được những điểm sau đây:
- Người làm con có trách nhiệm trong công việc nhà Chúa.
- Biết bổn phận chưa đủ, cần có sự vâng phục. Hai sự đáp ứng của hai đứa con, đứa thứ nhất nói vâng vì lời gọi của cha là điều phải lẽ, nhưng kỳ thật chẳng muốn vâng lời. Trái lại đứa thứ hai lúc đầu từ chối, nhưng sau đó ý thức được bổn phận của mình, ăn năn và đáp tiếng gọi của cha. Sự đáp ứng của hai đứa con trai nhắc nhở Cơ Đốc nhân điểm quan trọng là tấm lòng vâng phục Chúa. Vì chúng ta không thể chu toàn bổn phận của người con nếu không có sự vâng theo ý cha. Vậy, chúng ta hãy tự kiểm điểm lại chính mình: Trước lời kêu gọi hầu việc Chúa, tôi đang ở trong hình ảnh của người con nào trong thí dụ nầy?
Tóm lại qua bài học, chúng ta ghi nhận những điểm quan trọng sau đây:
– Người được dựng nên có bổn phận hầu việc Đấng dựng nên.
– Người được cứu chuộc làm con cái Chúa có bổn phận hầu việc Đấng cứu chuộc mình.
– Hầu việc Đức Chúa Trời là bổn phận trước nhất của con người trên đất. Mục đích của sự hầu việc là làm vinh danh Ngài.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- a. Từ ban đầu loài người được dựng nên trong địa vị nào? (Sáng-thế Ký 1:27; Thi-thiên 8:5-6; Lu-ca 3:38).
- Trong địa vị ấy, con người có trách nhiệm gì?
(1) Với Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 2:16).
(2) Với tha nhân (Sáng-thế Ký 4:9).
(3) Với môi sinh (Sáng-thế Ký 1:28; 2:15).
- Qua các trách nhiệm trên cho thấy bổn phận trên hết của người đối với Đấng Tạo Hóa là gì? (Thi-thiên 100:1,2; Truyền-đạo 12:1,13; Rô-ma 11:36).
- a. Dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời giải cứu và gọi đến địa vị nào? (Xuất Ai-cập Ký 3:10; Ô-sê 11:1).
- Trong địa vị ấy bày tỏ Đức Chúa Trời là ai đối với dân Y-sơ-ra-ên? Và bổn phận trước nhất Ngài đòi hỏi nơi dân sự là gì? (Xuất Ai-cập Ký 20:1-17).
- a. Cơ Đốc nhân được Chúa cứu chuộc và đưa đến địa vị nào? (Giăng 1:12; Rô-ma 8:16-17).
- Trong địa vị nầy Cơ Đốc nhân có bổn phận gì đối với Đức Chúa Trời? (1 Cô-rinh-tô 6:20; 10:31).
- Chúa Giê-xu nhắc nhở con người bổn phận quan trọng gì? (Ma-thi-ơ 22:21).
- Xin đọc Ma-thi-ơ 21:29-31.
- Lời gọi của người cha cho thấy người làm con có bổn phận gì?
- Trước lời gọi của người cha, hai con trai đáp ứng thế nào?
- Sự đáp ứng của hai con trai đối với người cha có ý nghĩa gì cho Cơ Đốc nhân chúng ta trong sự hầu việc Chúa?
- a. Công việc Chúa quan trọng như thế nào đối với bạn?
- Đối với Chúa, bạn có giống như người con sẵn sàng hầu việc hay người con trốn tránh trách nhiệm?