Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 15.11.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 15.11.2020

By Quản trị in THANH NIÊN on 9 Tháng Mười Một, 2020

Chúa nhật 15.11.2020.

  1. Đề tài: HY VỌNG CỦA SỰ SỐNG LẠI.
  2. Kinh Thánh: 1 Cô-rinh-tô 15:20-34.
  3. Câu gốc: “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (1 Cô-rinh-tô 15:20).
  4. Đố Kinh Thánh: Phi-lê-môn.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 16.08.2020.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Cuộc sống con người trong cõi tạm, người ta không thể sống mà không có hy vọng và hy vọng dầu lớn đến đâu cũng phải dừng lại trước sự chết. Tuy nhiên, hy vọng của người Cơ đốc là hy vọng vượt qua sự chết. Đó là hy vọng của sự sống mà người đời không có được. Hy vọng nầy đã được Phaolô giãi bày thế nào qua 1 Cô-rinh-tô 15:20-34?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Đấng Christ là trái đầu mùa của sự sống lại (c.20-28).

Trong câu 20, Phao-lô gọi kẻ chết trong Đấng Christ là kẻ ngủ. Chữ “ngủ” ở đây chỉ về sự chết. Nhưng sự chết đối với Cơ đốc nhân như là “giấc ngủ”. Vì cớ sự chết chỉ là thời gian nghỉ tạm thời, và sau “giấc ngủ” là sự sống lại vĩnh viễn.

Từ câu 20-22, Phao-lô căn cứ trên nguyên tắc đại diện và dùng sự so sánh giữa hai đại diện của hai dòng dõi loài người để minh chứng cho giáo lý sự sống lại của kẻ tin là điều chắc chắn:

  1. Trong A-đam mọi người đều chết (c.21-22).

A-đam là người đại diện cho dòng dõi loài người đầu tiên. Nhưng A-đam đã phạm tội, và đưa cả dòng dõi mình vào sự chết như lời Kinh Thánh bày tỏ: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy… và bởi tội lỗi của chỉ một người mà mọi kẻ khác đều phải chết…” (Rô-ma 5:12,15).

  1. Trong Đấng Christ mọi người sẽ sống lại (c.21-22).

Đấng Christ cũng được gọi là A-đam thứ hai (c.45), đại diện cho dòng dõi mới, là những người được cứu chuộc trong huyết Ngài. Trong Cô-lô-se 1:18, Phao-lô gọi Đấng Christ là Đấng sinh đầu nhất từ trong kẻ chết và trong 1 Cô-rinh-tô 15:20, Phao-lô gọi Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.

Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời truyền dạy dân Y-sơ-ra-ên đem hoa quả đầu mùa dâng cho Ngài (Lê-vi Ký 23:9-14).

Trái đầu mùa trong ý nghĩ của người Do-thái là trái tiêu biểu cho hoa quả của cả cánh đồng (Rô-ma 11:16). Vì vậy, khi Phao-lô nói Đấng Christ là “trái đầu mùa của những kẻ ngủ”, có nghĩa vì Đấng Christ là người trước hết sống lại từ trong kẻ chết, tất nhiên những kẻ chết trong Đấng Christ cũng sẽ sống lại.

So sánh hai đại diện của hai dòng dõi loài người đã cho chúng ta thấy chân lý về sự sống lại của kẻ chết là điều đáng tin trọn vẹn.

Vì cớ theo nguyên tắc đại diện đã nghiệm đúng cho A-đam thứ nhất về sự chết của dòng dõi mình; thì cũng theo nguyên tắc đại diện chắc chắn sẽ nghiệm đúng cho A-đam thứ hai, tức là Đấng Christ về sự sống lại của những kẻ thuộc về Ngài trong tương lai.

Nhưng vấn đề kế tiếp là sự sống lại của kẻ tin sẽ được thể hiện thế nào và khi nào?

Từ câu 23-28, Phao-lô bày tỏ chương trình mà Đức Chúa Trời đã hoạch định cho diễn biến ấy theo thứ tự như sau:

(1) Đấng Christ là trái đầu mùa của kẻ ngủ sống lại, sự kiện nầy đã xảy ra gần hai ngàn năm trước đây.

(2) Kế đó những kẻ ngủ trong Đấng Christ sẽ sống lại.

Điều nầy sẽ xảy ra trong tương lai, trong ngày Đấng Christ trở lại: Những kẻ chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trong hình thể không hay hư nát, cùng với người còn đang sống, sẽ được biến hoá thân thể và tất cả đều được cất lên không trung để gặp Chúa. Sự kiện nầy thường được các nhà giải kinh gọi là sự cất lên (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-18).

(3) Kế đó, Đấng Christ cùng Hội Thánh đến thế gian. Ngài trừ diệt mọi quyền thế, mọi chấp chánh của đời, và lập nước ngàn năm bình an như Giăng nói trong Khải-huyền 20:1-7.

(4) Sau hết là sự hủy diệt kẻ thù cuối cùng là sự chết. Sự chết ở đây có thể chỉ chung với Sa-tan (Khải-huyền 20:10,14).

Khi kẻ thù sau cùng là sự chết và Sa-tan bị quăng vào hồ lửa, bây giờ Đức Chúa Con sẽ giao Nước lại cho Đức Chúa Cha, là Nước được ban cho từ khi Ngài từ kẻ chết sống lại (Ma-thi-ơ 28:18; Phi-líp 2:11). Khi Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự thì thế giới loài người sẽ chấm dứt và trời mới đất mới sẽ bắt đầu (Khải-huyền 21).

  1. Khích lệ hy vọng về sự sống lại (c.30-34).

Từ c.29-34, Phao-lô làm vững hy vọng của các tín hữu về sự sống lại với những điều vừa khuyến khích vừa cảnh tỉnh như sau:

  1. Sự nhận lễ báp-têm là bằng chứng của niềm tin về sự sống lại.

Người chịu báp-têm là người bày tỏ niềm tin của mình cách công khai về sự đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ. Tuy nhiên câu hỏi Phao-lô nêu lên trong câu 29: “Bằng chẳng vậy, những người vì kẻ chết chịu phép báp-têm làm chi?” là điều thật khó hiểu đã đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau về vấn đề chịu phép báp-têm vì người chết.

Theo Leon Marris, thì nghi thức làm báp-têm vì người chết đã thấy thực hành ở vài nơi từ đầu thế kỷ thứ hai. Nghi lễ nầy chúng ta thấy trong giáo hội Mormon ngày nay.

Về vấn đề này có người cho rằng:

– Chịu báp-têm vì người chết có thể trong trường hợp vì người ấy mới tin Chúa, chưa có dịp làm báp-têm nhưng bị chết vì đạo, nên kẻ còn sống chịu báp-têm trong chỗ của người chết để bày tỏ niềm tin của anh em mình về sự sống lại.

   – Nhưng số người khác thì nghĩ có thể Phao-lô ám chỉ về sự chịu báp-têm của tân tín hữu. Không phải họ chịu báp-têm vì người chết, nhưng chịu báp-têm của người chết, là những anh em trước chịu báp-têm ấy và đã qua đời trong niềm tin của sự sống. Vì vậy, Phao-lô đặt câu hỏi với người tín hữu, nếu không tin có sự sống lại, thì tại sao họ tiếp tục làm báp-têm cho kẻ mới tin trong chỗ của kẻ chết là người đã nhận báp-têm như là dấu chứng của sự sống lại? Đây là lời giải nghĩa được xem là hữu lý, phù hợp với ý mà Phao-lô muốn nói khi đề cập đến phép báp-têm. Vì mục đích của Phao-lô là để minh chứng cho giáo lý của sự sống lại, chớ không phải bàn về nghi lễ báp-têm vì người chết, là nghi lễ hoàn toàn trái ngược với Tin Lành Phao-lô rao giảng. Rằng sự cứu rỗi căn cứ trên đức tin của mỗi cá nhân, chớ không có sự thay thế và sự chịu báp-têm cũng trong ý nghĩa đó (2 Cô-rinh-tô 5:17).

  1. Sự chịu khổ vì danh Chúa là bằng chứng của hy vọng về sự sống lại (c.30-34).

Trong c.30-31, Phao-lô cho các tín hữu thấy ông đang ở trong sự bắt bớ, chịu khổ vì danh Chúa, đó không ngoài lý do hy vọng về sự sống lại. Do đó Phao-lô mượn câu châm ngôn Hy-lạp của thi sĩ Manander “bạn bè xấu làm hư thói nết tốt” để cảnh tỉnh người tín hữu hãy khôn ngoan giữ mình khỏi tội lỗi, đừng sống như người không biết Chúa, không có hy vọng và đắm mình trong cuộc sống hư không “Hãy ăn, uống đi vì ngày mai chúng ta sẽ chết!”

Tóm lại: Người có hy vọng về sự sống lại là người dứt khoát với những vui thú trần gian, dấn thân vào cuộc sống chịu khổ vì Chúa và sống cho danh Ngài. Chúng ta có dám trả giá như thế cho niềm hy vọng sống của mình giữa xã hội băng hoại này không?

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Theo câu 20, căn cứ trên sự kiện nào, Phao-lô gọi Đấng Christ là “trái đầu mùa của những kẻ ngủ” và kẻ chết trong Đấng Christ là “kẻ ngủ”. Những tên gọi nầy có nghĩa gì? Và bày tỏ chân lý nào?
  3. Sự sống lại của người Cơ đốc được Phao-lô bày tỏ trên nguyên lý nào? (c.21-22).
  4. Nguyên lý về sự sống lại được thể hiện theo thứ tự nào? (c.23-28)
  5. Theo các diễn tiến mô tả trong câu 23-28 cho thấy Đức Chúa Trời có chương trình gì trong sự cứu rỗi kẻ tin và sự chung kết của thế giới?
  6. Phép báp-têm Phao-lô nói đến trong câu 29 nhắc người tín hữu ý nghĩa gì?
  7. Từ câu 29-34 Phao-lô nói đến hai cách sống, xin tìm hiểu yếu tố nào đã tạo nên hai cách sống ấy? Điều này thức tỉnh chúng ta thế nào?

 

 

Post CommentLeave a reply