Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 22.05.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 22.05.2021

By Quản trị in THANH NIÊN on 16 Tháng Tám, 2021

Chúa nhật 22.08.2021.

  1. Đề tài: CHUẨN BỊ CHO SỰ CHIẾN THẮNG.
  2. Kinh Thánh: Giô-suê 5:2-15.
  3. Câu gốc: “Xin dạy tôi làm theo ý muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi…” (Thi-thiên 143:10a).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn CN 04.07.2021.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Nói cách chung, chuẩn bị là điều quan trọng cho công việc thành công. Nhưng vấn đề chuẩn bị thế nào là đúng.

Qua phép lạ sông Giô-đanh rẽ nước, dân Y-sơ-ra-ên đã an toàn bước vào đất hứa. Tuy nhiên, trước mắt họ là một chiến trường đang mở! Như vậy, để chiến thắng kẻ địch, dân Y-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời chuẩn bị cho họ thế nào? Và sự chuẩn bị nầy có ý nghĩa gì đối với Cơ Đốc nhân chúng ta ngày nay?

  1. MẠNG LỊNH VỀ PHÉP CẮT BÌ (5:1-9).
  2. Lý do và mục đích làm phép cắt bì cho Y-sơ-ra-ên.

Cắt bì là sự cắt da ở đầu cơ quan sinh dục của phái nam. Trong c.2, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Giô-suê sắm sửa dao bằng đá lửa, đó là cách người Do-thái ngày xưa thường dùng để làm phép cắt bì. Vì thời bấy giờ người ta dùng đá thay cho khí cụ bằng đồng. Trong c.3-4, chúng ta thấy một lễ cắt bì tập thể được tổ chức cho dân Y-sơ-ra-ên trên đồi A-ra-lốt, ngay sau khi họ qua sông Giô-đanh và đóng trại tại Ghinh-ganh. Đây là mạng lệnh của Đức Chúa Trời truyền cho Giô-suê phải thực hiện, với lý do vì lớp người Y-sơ-ra-ên trước khi ra khỏi Ai-cập đều đã chịu phép cắt bì. Tại sao vấn đề nầy được quan tâm trước hết? Mạng lệnh trước phán dạy Giô-suê có mục đích gì?

  1. a) Để Y-sơ-ra-ên tái lập giao ước với Đức Chúa Trời.

Trong Sáng thế ký 17:1-14, Đức Chúa Trời đã lập với
Áp-ra-ham, tổ phụ của Y-sơ-ra-ên một giao ước. Theo giao ước ấy, phần của Đức Chúa Trời, Ngài hứa: (1) Nhận dân
Y-sơ-ra-ên, tức dòng dõi Áp-ra-ham làm tuyển dân Ngài, và Ngài làm Đức Chúa Trời của họ. (2) Ban xứ Ca-na-an cho dân Y-sơ-ra-ên làm cơ nghiệp đời đời. Vì vậy, giao ước trên cũng được gọi là “giao ước cắt bì”. Với điều kiện đòi hỏi mọi trẻ sơ sinh sanh trong Y-sơ-ra-ên, cả đến người tôi tớ thuộc dân ngoại trong nhà họ đều phải chịu cắt bì khi mới sinh ra được 8 ngày. Nếu ai trong Y-sơ-ra-ên không giữ điều kiện của giao ước, thì sẽ bị truất khỏi Y-sơ-ra-ên, nghĩa là chẳng được thuộc tuyển dân Đức Chúa Trời và không nhận được phần phước hạnh của lời hứa Ngài. Bởi lẽ cần đó, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Giô-suê thi hành phép cắt bì cho lớp thế hệ Y-sơ-ra-ên để họ được nhận vào giao ước với Đức Chúa Trời, và hội đủ điều kiện hưởng lời hứa Ngài khi sống trong xứ đượm sữa và mật.

  1. b) Để họ được quyền dự phần trong Lễ Vượt Qua.

Chúng ta chú ý những sự kiện diễn tiến trong đoạn 5: Phép cắt bì được thực hiện trước, và sau đó là tổ chức Lễ Vượt Qua. Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:43-44, theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời truyền dạy Môi-se, Lễ Vượt Qua chỉ dành cho người Y-sơ-ra-ên. Trường hợp ngoại bang, nếu muốn dự lễ nầy phải chịu phép cắt bì như người Y-sơ-ra-ên, nghĩa là họ phải hoán cải trở thành tín đồ Do-thái giáo. Cũng như trong thời Tân ước, người chưa tin Chúa, không được dự phần trong lễ Tiệc Thánh.

  1. c) Để cất khỏi sự xấu hổ của xứ Ai-cập (5:9).

“Sự xấu hổ của Ai-cập” có nghĩa gì? Có người cho đó là mặc cảm làm nô lệ của Y-sơ-ra-ên 400 năm tại Ai-cập. Tuy nhiên phần lớn các nhà giải kinh suy nghĩ đến ý nghĩa thuộc linh. Có vài cắt nghĩa như sau: (1) Chỉ về đời sống Y-sơ-ra-ên bị tiêm nhiễm bởi thần tượng Ai-cập, bị sa ngã trong tội lỗi. (2) Chỉ về sự đoán phạt của Chúa trên Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Bởi cớ lớp người ra khỏi Ai-cập, nhưng lòng họ vẫn còn xu hướng về Ai-cập, với những tham muốn xác thịt, chống nghịch Chúa, nên họ bị ngã chết trong đồng vắng, và con cháu họ, tức lớp thế hệ Y-sơ-ra-ên, nhưng không có mang dấu của dân giao ước, và bị kể là ngoài quyền công dân, không được hưởng phước của lời hứa Chúa. Điều nầy là một sự xấu hổ.

Cho nên Giô-suê làm phép cắt bì cho dân Y-sơ-ra-ên, tức lớp Y-sơ-ra-ên trẻ được gọi là “Ghinh-ganh” có nghĩa “lăn tròn”. Một ngày đánh dấu cho sự xấu hổ của họ được Đức Chúa Trời cất khỏi. Qua phép cắt bì, bấy giờ họ được Ngài nhận vào giao ước, để bắt đầu đời sống tự do phước hạnh tại đất hứa Ca-na-an. Đối với Y-sơ-ra-ên ngày xưa, Ghinh-ganh là nơi “mọi xấu hổ Ai-cập” của họ được Chúa cất khỏi, và được làm tuyển dân Ngài. Đối với Cơ Đốc nhân ngày nay, chúng ta không ở trong giao ước cắt bì, nhưng ở trong giao ước của Đấng Christ, là giao ước được lập bởi sự đổ huyết của Ngài trên thập tự giá nơi đồi Gô-gô-tha. Nơi đây sự hổ nhục của tội lỗi chúng ta được Chúa cất xa, và bởi đức tin trong huyết giao ước của Đấng Christ, chúng ta được nhận làm con cái Đức Chúa Trời và được hưởng phước, ân điển Ngài (Ma-thi-ơ 26:28; Ga-la-ti 3:26; Ê-phê-sô 2:6-7).

  1. d) Để thử nghiệm đức tin của Y-sơ-ra-ên.

Mạng lệnh về phép cắt bì trong thời điểm lúc ấy, với cái nhìn của con người, ấy như điều chẳng thuận lợi cho Y-sơ-ra-ên: Nếu phân tích tình hình quân địch, phép lạ Y-sơ-ra-ên qua sông Giô-đanh vừa khiến dân sự lên tinh thần, đồng thời làm cho các dân nghịch vô cùng kinh khiếp trước dân Y-sơ-ra-ên. Theo cái nhìn của nhà quân sự thì đây là thời điểm thuận lợi cho sự tấn công địch bằng cách “đánh lẹ, đánh nhanh” trước khi địch củng cố lại tinh thần. Như vậy tại sao phép cắt bì không được hoãn lại cho đến xong cuộc chinh phục xứ? Hơn nữa nếu làm phép cắt bì ngay lúc đó, quân địch biết yếu điểm có thể thừa cơ hội ngàn năm một thuở tấn công gây hại Y-sơ-ra-ên chăng? (vì những người chịu phép cắt bì là cả đạo binh của Y-sơ-ra-ên). Ngày xưa, Lê-vi và Si-mê-ôn đã thừa dịp cắt bì mà tàn sát dân thành Si-chem để báo thù việc hoàng tử hãm hại em gái mình (Sáng thế ký 34)!

Những điểm phân tích trên để chúng ta nhận biết mạng lệnh về phép cắt bì còn là một “bài thi” Đức Chúa Trời muốn thử nghiệm đức tin của Y-sơ-ra-ên, và tấm lòng vâng phục của
Giô-suê. Đối với Đức Chúa Trời thời điểm lúc ấy là thuận lợi cho phép cắt bì. Vì điều quan trọng trước nhất của Y-sơ-ra-ên là mối giao ước thông công với Chúa, chớ không phải là sự chiến thắng. Trong tình trạng hăng say chiến thắng, Ngài hạ thấp họ xuống tình trạng chịu đau đớn, bất lực để tại đó họ học tập nương cậy và vâng phục Ngài là bí quyết cho sự chiến thắng. Ý tưởng của Chúa cao hơn ý tưởng loài người, và đường lối Ngài là tốt nhất.

  1. Ý nghĩa của phép cắt bì.

Phép cắt bì cũng được thấy trong một số các dân tộc ngày xưa như Ai-cập, Ê-đôm, Mô-áp. Tuy nhiên, phép cắt bì của
Y-sơ-ra-ên cho rằng họ là dân thuộc về Chúa, thân thể họ được biệt riêng để hầu việc Chúa chớ không phải hầu việc thần tượng (Xuất 19:5-6). Theo nghĩa bóng, phép cắt bì biểu tượng cho tấm lòng được tẩy sạch, tấm lòng mềm mại vâng phục Chúa (Phục truyền 10:16; 30:6; Lê-vi Ký 26:41). Thật vậy, không phải nhờ phép cắt bì mà dân Y-sơ-ra-ên được phước, nhưng bởi tấm lòng vâng lời Chúa bày tỏ qua sự chịu phép cắt bì. Cũng như sứ đồ Phao-lô cảnh cáo rằng phép cắt bì bên ngoài không làm thành người Y-sơ-ra-ên thật; nhưng người tin cậy Chúa, vâng giữ điều răn cách hết lòng mới là người thực sự chịu cắt bì, và hưởng được phước hạnh của Lời Chúa hứa mà thôi (Rô-ma 3:25-29).

Trong thời các sứ đồ, có những giáo sư giả dạy rằng người dân ngoại tin Chúa Giê-xu nhưng phải chịu phép cắt bì và giữ luật pháp như người Do Thái thì mới được cứu. Đây là sự sai lầm. Kinh Thánh quả quyết rằng, được cứu là hoàn toàn do ân điển bởi đức tin, chớ không cộng thêm một lễ nghi, một việc công đức nào khác (Ê-phê-sô 2:8-9).

Đối với Cơ Đốc nhân trong thời Tân ước, chúng ta có phép cắt bì của Đấng Christ, khác hẳn với phép cắt bì của người Do Thái trong thời Cựu ước: Phép cắt bì của dân Y-sơ-ra-ên là sự “mổ xẻ” chỉ một phần thân thể; nhưng phép cắt bì của người Cơ Đốc là sự “mổ xẻ” thuộc linh bên trong, một trong sự lột bỏ cả con người cũ theo tánh xác thịt của chúng ta. Phép cắt bì này không bởi tay người, nhưng là bởi Đức Thánh Linh hành động trong lòng kẻ tin. Nghĩa là bởi đức tin, chúng ta đồng chết với Đấng Christ về đời sống cũ, và bởi đức tin chúng ta đồng sống lại với Ngài đời sống mới trong Thánh Linh (Cô-lô-se 2:11-12; Rô-ma 6:2-10).

  1. LỄ VƯỢT QUA ĐẦU TIÊN TẠI ĐẤT HỨA (5:10-12).
  2. Hai Lễ Vượt Qua.

Lễ Vượt Qua là một trong ba ngày lễ quan trọng nhất của
Y-sơ-ra-ên. Theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời, lễ này phải được giữ hằng năm, vào ngày 14 tháng giêng, tức tháng Nisan của người Do Thái, vào lúc chiều tối. Để kỷ niệm ngày Chúa giải cứu Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ Ai-cập. Trong cuộc hành trình của Y-sơ-ra-ên, Kinh Thánh chỉ ghi chép một lần dân sự dự Lễ Vượt Qua trong thời gian đóng trại tại Si-nai, tức vào năm thứ hai của cuộc hành trình (Dân-số Ký 9:1-14). Có thể vì phải di chuyển luôn trong cuộc hành trình, nên lễ nầy không được cử hành thường xuyên hằng năm như Lời Chúa phán dạy (Xuất 12,13).

Trong Xuất 12:40-45 và Giô-suê 5:10, ghi chép hai Lễ Vượt Qua đầu tiên trong hai khung cảnh, và khoảng thời gian khác nhau.

– Lễ Vượt Qua đầu tiên tại Ai-cập (40 năm trước): Dân Y-sơ-ra-ên ăn lễ cách vội vàng trong khung cảnh chuẩn bị cho cuộc xuất hành. Một lễ đánh dấu cho ngày lịch sử trọng đại của
Y-sơ-ra-ên, ngày họ được Đức Chúa Trời giải cứu ra khỏi xứ Ai-cập, để bắt đầu cho cuộc hành trình về đất hứa.

– Lễ Vượt Qua đầu tiên tại đất hứa Ca-na-an (40 năm sau): Dân sự ăn lễ cách thanh thản trong khung cảnh của cuộc sống định cư. Một ngày lễ kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với dân Y-sơ-ra-ên. Đất hứa sau những năm dài mơ ước, bây giờ chân họ đã đặt đến, và miệng họ đã nếm được những ngọt ngào của xứ đượm sữa và mật!

Hai khung cảnh trên đã vẽ lên bức ảnh tuyệt đẹp về sự thành tín lớn của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham, và nói chung đối với những kẻ được chuộc bởi ân điển Ngài.

  1. Thức ăn mới (c.11-12).

Theo Xuất 12:15-20, sau Lễ Vượt Qua là lễ bánh không men nghĩa là trong suốt tuần đó dân sự tránh men, cũng như ăn bánh không có men (c.11). Cũng trong ngày bắt đầu tuần lễ bánh không men, tức sau ngày Lễ Vượt Qua, dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu ăn thổ sản của xứ, thì ma-na cũng chấm dứt (c.12). Dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa nhằm lúc mùa gặt, lúc xứ đầy dẫy thổ sản tốt tươi, và các thứ như lúa mì, hột rang dân sự có thể tìm được trong cánh đồng Giê-ri-cô bỏ trống vì dân sợ hãi chạy ẩn núp trong thành. Cánh đồng phì nhiêu đầy dẫy hoa quả đó có thể xem như một bàn tiệc tràn đầy mà Đức Chúa Trời dọn sẵn cho Y-sơ-ra-ên. Sau 40 năm trong đồng vắng dân sự nhiều lần nhàm chán ma-na, vì lòng còn ham muốn điều xác thịt ở
Ai-cập. Nhưng bây giờ dân sự qua sông Giô-đanh, một tiêu biểu cho đời sống dứt khoát quá khứ Ai-cập, để bước vào xứ Ca-na-an, và bắt đầu đời sống mới tận hưởng phước hạnh của cơ nghiệp mình, với thức ăn mới ngon ngọt được ban cho.

Thức ăn, tức các thổ sản từ mùa gặt – mùa gặt chỉ bóng về Đấng Christ, về sự chết và sự sống lại của Ngài, để ban cho kẻ tin sự sống đời đời. Như vậy cả ma-na, và thức ăn mùa gặt đều chỉ bóng về Đấng Christ, Ngài là bánh thỏa đáp mọi khao khát của linh hồn chúng ta (Giăng 6:35; 12:20-28).

  1. SỰ HIỆN THẤY CỦA GIÔ-SUÊ (5:13-15).
  2. Câu hỏi của Giô-suê.

“Ngươi là người của chúng ta hay là kẻ thù nghịch của chúng ta?”. Đó là câu Giô-suê hỏi người đối diện với ông trong sự hiện thấy. Có thể lúc ấy Giô-suê đang suy nghĩ đến việc chiếm Giê-ri-cô, và trước mắt ông chỉ thấy toàn kẻ thù nghịch! Trong tình trạng hoang mang trước người lạ mặt đang cầm gươm trần trong tư thế sẵn sàng đánh trận, câu hỏi của Giô-suê hẳn là cần thiết để vẽ đường ranh giữa bạn và thù. Trong cuộc sống ở đời đôi lúc chúng ta ở trong tình trạng ngờ vực, khó phân định ai là bạn, ai là thù. Có khi người chúng ta tưởng là thù, nhưng lại là bạn tốt, trái lại người chúng ta nghĩ là bạn tốt, nhưng lại là kẻ thù hại ta!

  1. Lời đáp của người trong sự hiện thấy.

Qua lời của người, Giô-suê đã ngạc nhiên khám phá người lạ mặt mà Giô-suê tưởng như kẻ thù, lại là chủ của ông, là tướng của đạo binh Đức Giê-hô-va. Căn cứ vào Các quan xét 13:3-23, các nhà giải kinh cho rằng vị tướng của đạo binh Đức Giê-hô-va trong sự hiện thấy của Giô-suê chính là Đức Chúa Giê-xu Christ trong thời Cựu ước.

Trong cuộc đối đáp giữa Giô-suê và người trong sự hiện thấy, chúng ta ghi nhận những điểm quan trọng sau đây:

(1) “…ta đến làm tướng đạo binh của Đức Giê-hô-va”, lời phán nầy, cho Giô-suê biết rằng ông chỉ là “vị tướng hàng nhì”, nghĩa là không phải vị tướng ra lệnh, nhưng là vị tướng nhận lệnh từ vị tối cao của mình là Đức Chúa Trời.

(2) Thái độ của Giô-suê là “sấp mặt xuống đất, lạy… và xin Chúa truyền dạy…”. Một thái độ hạ mình khó có trong người làm tướng như Giô-suê! Nhưng ông có được đó! Vì những chiến thắng lớn thường dẫn đến sự kiêu ngạo! Người hầu việc Chúa nên biết điều nầy. Vậy hãy cẩn thận giữ mình sau những thành công, cũng như cẩn thận giữ mình trước khi bắt đầu công việc!

(3) “Hãy lột giày ngươi…”. Đây cũng là mạng lệnh Chúa phán với Môi-se khi ông ở trong sự hiện diện thánh khiết của Ngài (Xuất 3:5). Sự đòi hỏi nầy nhắc nhở cảnh tỉnh người hầu việc Chúa, cũng như người con dân Chúa hãy có thái độ tôn kính Đức Chúa Trời, và giữ mình trong sự thanh sạch. Vì Chúa hiện diện khắp nơi, nên Kinh Thánh khuyên chúng ta rằng dù ở bất cứ nơi nào, dù làm bất cứ việc chi hãy vì vinh hiển danh Đức Chúa Trời (1Cô-rinh-tô 10:31).

BÀI HỌC ÁP DỤNG.

  1. Trong mạng lệnh về phép cắt bì, dân Y-sơ-ra-ên được chuẩn bị: Mối thông công lập ước với Đức Chúa Trời, và tấm lòng tin cậy Ngài.
  2. Trong sự dự Lễ Vượt Qua, dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị: Tấm lòng biết ơn Đức Chúa Trời vì ơn giải cứu và sự thành tín lớn của Ngài trên họ.
  3. Trong sự hiện thấy, Giô-suê được chuẩn bị: Tấm lòng can đảm, vì cớ được Chúa ở cùng, và thái độ khiêm nhường, vâng phục Chúa.

Những chuẩn bị trên có tính chất thuộc linh, nhưng rất cần thiết cho sự chiến thắng của dân Y-sơ-ra-ên. Nếu không có sự chuẩn bị thuộc linh với đức tin, sự vâng lời, khiêm nhường và tấm lòng biết ơn Chúa, thì dù có chiến thắng, thì chiến thắng đó sẽ là thảm họa cho họ mà thôi! (Châm ngôn 16:18-19).

Post CommentLeave a reply