Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 25.10.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 25.10.2020

By Quản trị in THANH NIÊN on 21 Tháng Mười, 2020

Chúa nhật 25.10.2020

  1. Đề tài: KỶ NIỆM CẢI CHÁNH GIÁO HỘI
  2. Kinh Thánh: Rô-ma 1:1-17.
  3. Câu gốc: “Vì trong Tin lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin.” (Rô-ma 1:17)
  4. Đố Kinh Thánh: 2 Ti-mô-thê.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* Chỉ dẫn: Xem Chúa nhật 12.07.2020.

* Tài liệu tham khảo.

Kỷ Niệm Ngày Cải Chánh Giáo Hội

Hội Thánh Tin Lành bắt đầu với một phong trào cải cách tôn giáo vào đầu thế kỷ XVI, khi cơ cấu của xã hội Trung Cổ có chiều hướng tan rã, dấy lên một thế giới mới năng động và mở rộng. Giáo hội Công giáo La Mã đã không chấp nhận những đề nghị đổi mới của những nhà cải chánh thành tâm, rốt cuộc tạo nên tinh thần phản kháng mạnh mẽ. Sau đây là những yếu tố chính đưa đến sự ra đời của Hội Thánh Tin Lành.

Các sử gia của Hội Thánh và thế tục đều cho rằng điều kiện lịch sử đặc biệt từ 1305 đến 1517 đã làm xuất hiện tư tưởng Cải cách nhằm nỗ lực ngăn chặn sự suy yếu của giáo hội Công giáo La Mã. Nghiên cứu thực trạng, chúng ta thấy rằng cho đến thời điểm này giáo hội có nhu cầu cấp bách phải đổi mới. Điều này được lý giải qua nội dung của những Hội nghị giáo hội được tổ chức trong thế kỷ 14, cùng với những biến cố xảy ra biểu hiện sự suy giảm uy tín và quyền lực của giáo hội nghiêm trọng. Các nhà triết học như John Wycliffe tại Anh, John Hus tại Tiệp Khắc, hay Girolamo Savonarola thuộc dòng Đa Minh ở Ý… đã lên tiếng kêu gọi đổi mới để tìm cách đem lại cuộc phục hưng cho giáo hội. Người viết không có ý định đi sâu vào các chi tiết lịch sử, mà chỉ lý giải và tìm kiếm những bài học cụ thể hơn về các tư tưởng đổi mới và cải cách trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này.

Thứ nhất, chính trị xã hội là nguyên nhân quan trọng nhưng lại là nguyên nhân gián tiếp đưa đến cuộc Cải Chánh Tin Lành (Protestant Reformation). Trên thực tế, đây như là một cuộc đấu tranh, mang tính lịch sử cụ thể, phản ánh “qui luật đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp”. Một số các quốc gia ở Âu Châu lúc đó biểu hiện tình trạng đối kháng sự thống trị thần quyền trên thế quyền của Giáo hoàng. Giai cấp trung đẳng đang lên tại những quốc gia này đề cao ý thức dân tộc, đã tạo nên một tinh thần mới, họ không muốn phục tùng như trong xã hội phong kiến. Tầng lớp thợ thủ công và giai cấp nông dân cũng tham gia vào cuộc đấu tranh cho bản thân sự sống còn của họ đang bị áp bức bởi giai cấp thống trị. Ý thức xã hội thúc đẩy đòi hỏi có một cuộc cách mạng, còn trong giáo hội cần phải có sự thay đổi theo kịp với thời đại.

Thứ hai, quan điểm của C. Mác coi kinh tế là yếu tố thúc đẩy những sự kiện lớn của nhân loại, các sử gia Công giáo cũng nhấn mạnh đến nguyên nhân kinh tế. “Thế kỷ trước Cải Cách đã chịu một biến chuyển toàn diện do những cấu trúc kinh tế gây ra. Đã xuất hiện nền kinh tế tiền tệ, lan tràn từ Ý, qua Pháp, Anh, Flandra và nhất là miền Nam nước Đức, nó đưa giáo hội tới một cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng”. Đất đai rộng lớn phì nhiêu vốn thuộc quyền sở hữu của Giáo hội, nhưng giờ đây lợi tức nông nghiệp không còn đáp ứng đủ nhu cầu to lớn của toàn bộ hệ thống của Giáo hội. “Sự suy thoái kinh tế đẩy các giáo hoàng phải sử dụng tới các cách thức khác, những thủ tục mới để duy trì và cũng cố những nguồn lợi của giáo triều”. Việc lạm dụng hệ thống gây quỹ Ân Xá để đem tiền bạc về cho thể chế giáo triều cũng khiến dân chúng bất bình. “Những ca thán và những tố cáo sôi nổi vang lên để chống lại chế độ kinh tài của giáo hoàng”. Các thứ thuế phải cống nộp cho các ông hoàng bà chúa làm cho đời sống người dân ngày càng khốn khổ. Theo qui luật vận động lịch sử, phản ánh trình độ phát triển kinh tế bởi tính chất và phương thức sản xuất có tính quyết định đối với tồn tại xã hội trong thời kỳ này.

Thứ ba, sự xuất hiện đạo Tin Lành không phải chỉ do điều kiện xã hội và hoàn cảnh kinh tế quyết định, mà còn bởi sức mạnh tư tưởng. Cả thần học và triết học mà Công giáo La Mã chủ trương hầu như không còn đáp ứng được những nhu cầu thực tiễn của dân chúng đương thời. Chủ nghĩa nhân văn thời kỳ Phục hưng đã tái tạo nên tinh thần và lối tiếp cận cuộc sống duy lý và thế tục vốn tiêu biểu trong văn hóa Hy Lạp cổ đại. Tư tưởng của các nhà triết học được phổ biến do điều kiện thuận lợi trong các trường đại học, người ta ý thức về phẩm giá của mình và xem việc phát triển bản thân là nhiệm vụ quan trọng. Xuất hiện sự so sánh xã hội giữa cơ cấu giáo quyền áp đặt với sự tự do tri thức và chủ nghĩa thế tục trong xã hội cổ đại. Những nguyên tắc về tự do cá nhân được tìm thấy trong các nguồn tài liệu Thánh Kinh đã khiến dân chúng hoài nghi chủ trương lãnh đạo của Giáo hội. Năm 1468, Hàn lâm viện Rô-ma của các nhà nhân bản bị Giáo hoàng Paul II phế bỏ. Chủ trương tách triết học khỏi thần học và xây dựng vũ trụ quan chịu ảnh hưởng tư tưởng của các nhà triết học cổ đại cũng bị Công đồng Latran V kết án công khai. Sự phát triển của ngành khoa học tự nhiên, tư tưởng triết học, đạo đức nghệ thuật đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giai đoạn này, khẳng định vai trò của ý thức xã hội tác động trở lại với tồn tại xã hội.

Thứ tư, về thần học, khát vọng của các nhà Cải Chánh là quay trở về với nguồn kinh điển của đức tin Cơ Đốc giáo, đó chính là Kinh Thánh. Từ đó người tin Chúa hiểu được giáo lý thâm sâu là con người sống công chính đạo hạnh nhờ đức tin, chứ không phải con người chỉ có thể tìm kiếm thông qua các bí tích do hàng giáo phẩm ban phát. Yếu tố đạo đức gắn liền với yếu tố tri thức, thông qua việc nghiên cứu Kinh Thánh Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp, những học giả nhân văn nhìn thấy rõ ràng những cách biệt giữa Hội Thánh đầu tiên mà họ đọc được trong Tân Ước với Giáo hội mà họ đang chứng kiến. Cả sử gia Tin Lành cũng như sử gia Công giáo đều viết về sự suy đồi đạo đức trong thời kỳ này, công lý nhiều lúc không còn trong tòa án của Giáo hội, hàng giáo phẩm vụ lợi mua bán chức thánh, trong đời sống sinh hoạt của các giáo sĩ có nhiều lỗi lầm cá nhân, nhiều vị sống trong tội lỗi công khai với hầu thiếp, giáo dân có thể trả tiền để nhận phép miễn xá tội lỗi làm cho lòng người lo âu hoang mang. Có người bất bình lên tiếng phê phán thể chế giáo hoàng, lối sống của hàng giáo phẩm và tu sĩ, đề cao thẩm quyền Kinh Thánh nhưng họ đã bị lên án và thiêu sống.

Thứ năm, từ năm 1517, Martin Luther bắt đầu lãnh đạo phong trào canh tân. Ông soạn thảo những chuyên đề và gửi tới Giáo hoàng kèm theo thư từ đầy sức thuyết phục và thiện chí, nhưng ông bị Giáo hoàng Lê-ô X và giáo triều lên án nặng nề với sắc chỉ Exurge Domine (1520) lên án các lập trường của ông. Rốt cuộc, M. Luther đã bị Giáo hội dứt phép thông công nên ông buộc lòng phải ra khỏi giáo hội Công giáo La Mã và lập nên một giáo hội mới. Đạo Tin Lành sở dĩ thành công mau chóng là nhờ sự ủng hộ của dân chúng và các quốc gia tại châu Âu. Một hình thức giải thiêng, Martin Luther phủ nhận thẩm quyền vô ngộ (không sai lầm) của chức vị giáo hoàng, chủ trương các tín đồ đến với Chúa không cần qua trung gian hàng giáo phẩm, mọi người đều bình đẳng trước Chúa. Quan điểm thần học Cải Chánh thể hiện qua ba điều cơ bản: chỉ có Đức Chúa Trời, chỉ có Kinh Thánh và chỉ có ân điển.  Đức tin tôn giáo và lối sống đạo đức tóm gọn trong câu Kinh Thánh “người công bình sẽ sống bởi đức tin” (Rô 1:17). Chính vì chủ trương này mà C. Mác đã phê phán Martin Luther rằng “ông đã phá vỡ lòng tin vào quyền uy vì đã khôi phục quyền uy của lòng tin. Ông đã biến thầy tu thành người trần tục, nhưng lại biến người trần tục thành thầy tu.”

Xét trên toàn bộ châu Âu, tư tưởng đạo Tin Lành đã mở ra nhiều điều, nhưng cũng tạo ra những cơ hội cho nhiều người cực đoan, nổi loạn và chống đối gây nguy hại cho xã hội. Lúc đầu, Luther được cả giới quý tộc lẫn nông dân, học giả và các hiệp sĩ tôn trọng yêu mến, nhưng các quan điểm chính sách về sau của ông mất dần đi sự hậu thuẫn. Nông dân trở nên thù địch khi Luther không ủng hộ mà còn phản đối sự đấu tranh của họ, vì họ áp dụng những lập luận của ông vào những nan đề kinh tế xã hội. Ph. Ăng-ghen đã viết lại rằng “sau cuộc nội chiến đẫm máu, cuộc khởi nghĩa đã bị đè bẹp và nông dân lại bị đẩy vào vòng nô lệ trước kia”.

Tuy có nhiều yếu tố nhưng nhìn chung các nhà Cải Chánh khởi đầu bằng một ý thức đạo đức chớ không phải là bằng nhu cầu tri thức. Giáo sĩ J. D. Olsen cũng đưa ra lý do chính đáng của cuộc Cải Chánh bắt nguồn từ “lòng lương thiện đạo đức muốn cứu vãn tình hình của Giáo hội, cải cách hành vi bại hoại của các phẩm trật, sửa đổi các tổ chức áp chế của giáo quyền, trừ sạch các sự dị đoan ngụy tín của tín đồ, đặng kéo toàn thể Cơ Đốc giáo trở lại nguyên trạng của giáo hội đầu tiên”.  Theo đánh giá của nhà triết học Soloviev, những người Tin Lành “đã ly khai giáo hội Công giáo chính trên cơ sở thần học đạo đức, … giải phóng lương tâm cá nhân và cuộc sống cộng đồng của các tín hữu khỏi những sự câu nệ và việc làm bề ngoài và những truyền thống mà họ cho là vô nghĩa, cũng như khỏi nhiều hà lạm thực tiễn”.

Đạo Tin Lành do Martin Luther khởi xướng từ nước Đức, lan rộng đến các nước Bắc Âu, các nước thuộc bán đảo Scandinavie, sau đó là nước Anh, sự hưởng ứng của mỗi nước theo  những chiều hướng khác nhau, dần dần hình thành giáo hội quốc gia của mình. Tại một số nước Châu Âu, tín đồ Tin Lành bị đàn áp dã man tạo nên cuộc đấu tranh lâu dài và nhiều người đã phải di cư đến các vùng đất mới Bắc Mỹ.

Theo các nhà sử học Earle E. Cairns và J.D.Olsen, cuộc Cải Cách Tin Lành không phải là biến cố biệt lập nhưng liên quan mật thiết với thời kỳ Phục Hưng và trong đó có cả phong trào Canh tân của Giáo hội Công Giáo khai sinh ra Kỷ Nguyên Hiện Đại “Thời đại Khai Sáng là thời đại mà trong đó các Hội Thánh Tin Lành đã phát triển mạnh và bắt đầu truyền bá thông điệp của họ trên toàn thế giới”.

Rốt lại, Đạo Tin Lành xuất hiện trong thế kỷ XVI như là một cuộc cách mạng tôn giáo hướng đến sự phục hưng nền thần học và đạo đức đã làm nên bước tiến ảnh hưởng đến thế giới. Đức Chúa Trời đã dùng những tôi con Chúa can đảm lên tiếng để đem Hội Thánh về với thẩm quyền Kinh Thánh. Nếp sống đạo đức Cơ Đốc trong sự công chính, đức tin và ân sủng của Phúc Âm trước đây bị che mờ trong các học thuyết và chủ trương chính trị của lãnh đạo giáo hội Công giáo La Mã thời Trung cổ. Những lãnh tụ Cải Chánh Tin Lành lúc đầu muốn có sự thay đổi tích cực trong khung sườn của giáo hội Công giáo. Tuy nhiên giáo hội với sức mạnh của một đế chế đã làm cho phong trào Cải Chánh tiến xa hơn, vượt khỏi tầm kiểm soát của mình, dẫn đến sự lập thành Hội Thánh Tin Lành.

Post CommentLeave a reply