CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 07.01.2024
By Quản trị in THANH NIÊN on 1 Tháng Một, 2024
Chúa nhật 07.01.2024.
- Đề tài: NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI.
- Kinh Thánh: Sáng thế Ký 2:4-45.
- Câu gốc: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng thế Ký 2:7).
- Đố Kinh Thánh: 2Sử Ký 19-24.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh Nhóm.
- Tài liệu: Ủy viên Linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (Nêu sự việc đã xảy ra).
– Câu hỏi suy luận (Tìm sự dạy dỗ của lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
- Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả, Ủy viên Linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước để nắm vững nội dung của buổi học, nhờ đó các nhóm trưởng sẽ tự tin khi hướng dẫn nhóm mình và không lệch mục tiêu ban đầu.
- Thời gian học Kinh Thánh.
- 5 phút giải thích và chia nhóm.
- 20 phút thảo luận.
- 10 phút tường trình.
- 5 phút đúc kết.
- Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền, giải thích phương pháp học, đọc câu hỏi rồi tiến hành chia nhóm.
- Chia nhóm: Tùy theo số ban viên, có thể chia thành nhiều nhóm từ 5 đến 10 người.
- Vị trí: Ủy viên Linh vụ sắp xếp chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
- Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho các trưởng nhóm.
- Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Trưởng nhóm phải được chọn trước để cùng học với Ủy viên Linh vụ, nhiệm vụ chính của trưởng nhóm là đưa ra câu hỏi và gợi ý để các bạn trả lời, hướng dẫn buổi thảo luận đi đúng mục tiêu. Thư ký nhóm được cử ra để ghi lại kết quả của buổi thảo luận và tường trình trong giờ đúc kết.
- Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, Ủy viên Linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa lại những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kêu gọi ban viên làm theo sự dạy dỗ nhận được qua buổi thảo luận.
* Câu hỏi học Kinh Thánh tham khảo:
(1.1) Con người từ đâu mà có?
(1.2) Việc Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi để người trở thành loài sanh linh ý nghĩa gì?
(1.3) Bạn nghĩ gì về học thuyết tiến hóa cho rằng con người là hóa thân của loài khỉ?
(2.1) Vườn Ê-đen được Kinh Thánh mô tả như thế nào?
(2.2) Mục đích Đức Chúa Trời đặt con người sống giữa vườn địa đàng là gì? Điều đó có ích cho con người thế nào?
(2.3) Theo bạn, muốn sống cuộc đời phước hạnh thì con người phải như thế nào?
(3.1) Nhu cầu của A-đam là gì? Đức Chúa Trời làm gì cho nhu cầu của A-đam?
(3.2) Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân cho con người như thế nào và với mục đích gì?
(3.3) Bạn sống trong hôn nhân của mình như thế nào? Bạn hướng dẫn cho người khác vấn đề hôn nhân như thế nào?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Truy tìm nguồn gốc sự sáng tạo là một trong những chủ đề lớn của khoa học ngày nay.
Trong khi con người không thỏa mãn được về nguồn gốc của mình thì chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa, nhờ đức tin chúng ta kinh nghiệm rõ ràng mối tương giao với Chúa. Sáng thế Ký đoạn 2 là đoạn Kinh Thánh vô cùng quý báu cho chúng ta để chúng ta cùng nhau học hỏi.
- CON NGƯỜI (Sáng thế Ký 2:7).
Kinh Thánh đã nói rõ ràng rằng con người là từ bụi đất. Điều đặc biệt là con người nhận đặc ân được “Đức Chúa Trời… hà sinh khí vào lỗ mũi” để trở nên một loài sanh linh. Chữ sanh linh – Nepes trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa được ban cho hơi thở. Chữ Psychè trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là đời sống hoặc linh hồn. Điều này đã nói lên một cách hùng hồn rằng Đức Chúa Trời là nguồn gốc của đời sống nhân loại. Không thể nào chấp nhận được học thuyết tiến hóa đã cho rằng con người là hóa thân của loài khỉ, loài dã nhân. Sáng thế Ký 1:27 nói về nguồn cội sáng tạo con người. Sáng thế Ký 2:7 là diễn biến chi tiết sự sáng tạo con người. Nhờ sự hà sinh khí của Đức Chúa Trời con người hưởng được những đặc tính quý báu từ Đức Chúa Trời như biết buồn, giận, ghét, thương; biết yêu quê hương, biết công ơn cha mẹ, biết thờ Trời…
- NƠI Ở ĐẦU TIÊN (Sáng thế Ký 2:8-9).
Phần đông các nhà giải kinh nghĩ rằng vườn Ê-đen không xa với miền đất hứa mà Áp-ra-ham đã nhận làm cơ nghiệp.
Chữ Ê-đen (địa đàng) có nghĩa là vườn thỏa vui, cho thấy tình thương bao la của Chúa ban cho con người. Câu 10 cũng diễn tả khu vườn này có vàng, và nhiều thứ quí hiếm, tươi mát lạ thường. Điểm quan trọng chúng ta cần ghi nhận ở đây là trong vườn có cây sự sống và cây biết điều thiện, điều ác. Vậy, Chúa đặt ở giữa vườn những cây đó làm gì để loài người phạm tội? Căn bản giá trị của đời sống chính là sự thử nghiệm. Đức Chúa Trời tạo nên con người là để tương giao với Ngài. Mà mấu chốt của sự tương giao chính là lòng vâng phục. Không có đức tính vâng phục thì mối tương giao bị phá vỡ. Không vâng phục là loại xúc tác làm phá đổ chiếc cầu giao cảm giữa người với Chúa và giữa người với người. Tội lỗi là hậu quả tất nhiên của sự không vâng phục và chính tội lỗi là nguyên nhân sự chết về tâm linh (Ma-thi-ơ 8:22; Ê-phê-sô 2:1-5) và thân xác (Rô-ma 5:12; 1Cô-rinh-tô 15:21-22). Vườn địa đàng là nơi phước hạnh cũng là nơi con người đối diện với thử thách về lòng vâng phục. Ngày nay, cây biết điều thiện, điều ác là gì? Có phải là quyết định của chúng ta trong đời sống đạo hằng ngày? Vâng phục Chúa để sống phước hạnh hoặc hái trái tội lỗi để chết, để đau khổ triền miên; không có gì thay đổi cả. Tất cả là do chúng ta. Hãy cẩn thận con đường chúng ta lựa chọn để bước đi.
III. CÔNG VIỆC (Sáng thế Ký 2:15-17).
Làm việc là làm điều vui thỏa trong đời sống. Thú vui của người làm việc là thấy đời sống mình có ích lợi, có ý nghĩa. Tôi cho rằng những người bị liệt nửa người là những người mang nhiều mặc cảm và đau khổ nhất. Họ rất muốn làm nhưng không thể làm được. Người bị bại liệt về phần tâm linh còn đau khổ hơn. Mục đích Chúa đặt con người ở vườn địa đàng có rất nhiều lý do. Vườn địa đàng là nơi an toàn cho con người. Tươi mát, bông trái đầy tràn là địa điểm lý tưởng để an nghỉ, và là nơi Đức Chúa Trời thường đến gặp họ. Con người được trò chuyện, tương giao mật thiết với Chúa và mục đích được Kinh Thánh ghi rõ là phải có nhiệm vụ trồng và giữ vườn (câu 15). Ngoài ra, họ không được ăn trái cây cấm ở giữa vườn. Công việc Chúa giao cho họ chỉ nhằm tạo niềm vui cho họ mà thôi.
- ĐỒNG HÀNH (Sáng thế Ký 2:18-25).
Phân đoạn Kinh Thánh này được chia ra làm 3 phần rõ rệt:
- Nhu cầu đồng hành (Sáng thế Ký 2:18-20).
Nhu cầu lớn trong đời sống con người là có bạn đồng hành. Người ta không thể sống cô độc. Sự sống cô độc giết lần mòn nạn nhân bằng năm tháng. Con người lại là một sinh vật luôn sống hợp thành quần thể tạo thành xã hội. Đức Chúa Trời nhìn thấy sự cô đơn của A-đam là điều không tốt (đáng tiếc có nhiều người không hiểu như vậy).
- Nhu cầu người khác phái (Sáng thế Ký 21-23).
Người nữ được dựng nên để “giúp đỡ” A-đam. Vai trò người phụ nữ rất quan trọng. Người ta thường lấy câu “cua gãy càng” để ám chỉ người có vợ qua đời thật rất chính xác. Vợ chồng đồng công, hợp tác gây dựng gia đình, gây dựng nhà Chúa tốt đẹp.
- Thiết lập hôn nhân (Sáng thế Ký 2:24-25).
Gia đình là xã hội thu hẹp. Đức Chúa Trời đã thiết lập hôn nhân đầu tiên vì Ngài cũng đã nhìn rõ giá trị của đơn vị gia đình. Chính sứ đồ Phao-lô cũng đã nhìn rõ điều này khi ông ví sánh mối tương giao chồng vợ với Chúa và Hội Thánh (Ê-phê-sô 5:28-32).
* Bài học áp dụng.
- Việc Chúa hà hơi vào lỗ mũi A-đam giúp chúng ta nhận thức mối tương giao mật thiết giữa con người với Chúa và con người với con người (Sáng thế Ký 2:7).
- Chúng ta thêm lòng tạ ơn Chúa vì Đức Chúa Trời luôn mong muốn con người được sống trong vui mừng, bình an nên đã tạo nên vườn Ê-đen vô cùng xinh đẹp, đầy đủ bông trái lành. Chúng ta phải làm gì để đền đáp ơn lành của Chúa (Sáng thế Ký 2:8-9).
- Đức Chúa Trời giao công việc gìn giữ vườn địa đàng cho A-đam để đời sống ông có ý nghĩa và ích lợi. Điều đó giúp chúng ta áp dụng điều gì về Hội Thánh? (Sáng thế Ký 2:15-17).
- Kinh nghiệm về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời giúp chúng ta có đức tin mạnh mẽ, bác bỏ luận cứ của kẻ vô tín, đa thần. Học biết về sự nhân từ của Chúa trong công trình sáng tạo loài người giúp chúng ta mạnh mẽ tiến gần Chúa hơn để được sống vui và sống hạnh phúc trong Ngài. Học biết về ý muốn tốt đẹp của Chúa trong hôn nhân giúp chúng ta biết giá trị hạnh phúc trong cơn sóng gió và an ủi nhau trong cơn hoạn nạn thử thách.