CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 09.01.2022
By Quản trị in THANH NIÊN on 8 Tháng Một, 2022
Chúa nhật 09.01.2022.
- Đề tài: CHUẨN BỊ VÀO ĐỜI.
- Kinh Thánh: Mác 1:1-15.
- Câu gốc: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành” (Mác 1:15).
- Đố Kinh Thánh: Dân Số Ký 16-20.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Chia sẻ.
- Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước. Người chia sẻ phải là Mục sư, Truyền đạo của Hội Thánh.
- Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của Ban Thanh Niên. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Hào hứng là thái độ phấn khởi của người trước khi dấn thân vào một cuộc thi đua hay một cuộc chiến đấu. Hào hứng là tâm trạng của một người tin rằng mình sẽ thắng trước một thách thức. Cuộc đời của Chúa Giê-xu là lời mời gọi chúng ta cùng đi với Ngài, bằng quyền năng Ngài để dấn thân vào một cuộc chiến đấu thuộc linh, trận chiến của đời sống Cơ Đốc nhân.
Trong cuộc chiến vừa nói, Đức Chúa Trời sẽ dùng những người đã chuẩn bị sẵn sàng. Trong Tân ước, có một thuật sĩ đã không biết điều đó. Lúc Phi-e-rơ cùng với Giăng đến Sa-ma-ri và đặt tay trên số người đã nhận báp-têm để họ được đổ đầy Đức Thánh Linh, thuật sĩ Si-môn thấy việc xảy ra nên muốn mua cái quyền ấy để ông ta cũng có thể ban Đức Thánh Linh cho người như vậy (Công vụ 8:9-25).
Tấm lòng của thuật sĩ Si-môn vốn không ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Ông ta muốn mình cứ vẫn là mình, nhưng đồng thời cũng lợi dụng được quyền năng của Đức Chúa Trời.
Tất cả những gì ông ta chú vào là điều mà ông ta có thể nhận được, chứ không phải điều ông ta có thể ban ra. Các ân tứ của Đức Chúa Trời vốn dành cho những người nghĩ đến việc làm vinh Danh Ngài chớ không phải cho những kẻ muốn làm rạng danh chính mình.
- KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
- Phần Chuẩn Bị Của Chúa Giê-xu.
– Muốn thi hành chức vụ theo ý chỉ Đức Chúa Cha, Chúa Giê-xu có cần chuẩn bị không?
(1) Phi-líp 2:6-8: “Tự bỏ mình đi” có thể dịch là “trút bỏ hết danh tiếng của mình” hay “tự làm cho mình trở thành trống rỗng”. Câu Kinh Thánh nầy nhấn mạnh: Chúa Giê-xu đã tự nguyện trút bỏ mọi quyền lợi của Ngài với tư cách Đức Chúa Trời.
Ngài tự làm cho mình trống không, chẳng còn một quyền lợi nào khiến Ngài ngang hàng với Đức Chúa Trời. Sau đó, Ngài vâng phục Đức Chúa Trời trong mọi sự, và không hề bám víu vào phần vinh quang Ngài vốn có ngang hàng với Đức Chúa Cha.
(2) Trong Hê-bơ-rơ 2:16-18 và 4:15 đã có chân lý nào về Chúa Giê-xu được nhấn mạnh ở đây? Chúng ta nhận thấy dầu Ngài là Đức Chúa Trời, Ngài đã thật sự từng trải cuộc đời làm người nhưng không hề phạm tội.
– Chúng ta có từng trải nào là khó khăn hơn hết? Nên nhớ là Chúa Giê-xu cũng từng gặp khó khăn đó. Ngài không hề phạm tội khi gặp bất luận hoàn cảnh nào mà các bạn có thể kể ra.
- Được Chuẩn Bị Trong Giai Đoạn Lớn Khôn.
Bây giờ, chúng ta trở lại với câu hỏi ở đầu bài học: Chúa Giê-xu có cần được chuẩn bị hay không? Xin đáp là có, vì khi xuống làm người, Ngài đã “tự làm nên trống không” và “học tập vâng lời” (Hê-bơ-rơ 5:8). Vì chúng ta, Chúa Giê-xu đã tự hạ mình để tuân theo các định luật của sự lớn lên và phát triển trí khôn.
Lu-ca cho chúng ta biết về sự lớn lên của Chúa Giê-xu là một cậu bé, rồi thành một thiếu niên (Lu-ca 2:40). Càng lớn lên, Chúa Giê-xu càng mạnh mẽ, khôn ngoan và Đức Chúa Trời đã đổ phước hạnh trên Ngài. Lu-ca cho chúng ta biết giai đoạn tuổi thanh xuân của Chúa Giê-xu (Lu-ca 2:52), Ngài đã không hề phạm tội.
Chúa Giê-xu biết rõ ý chỉ của Đức Chúa Trời đối với Ngài nên Ngài thưa với Giô-sép và Ma-ri rằng, “Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” Nhưng sau đó, Chúa Giê-xu vẫn ở nhà và “chịu lụy cha mẹ”, Ngài vâng lời cha mẹ và sống như một cậu bé mười hai tuổi bình thường nhưng không bao giờ phạm tội.
Lu-ca vốn là một y sĩ, cho nên ông ký thuật rất chính xác rằng Chúa Giê-xu đã lớn lên cả về phương diện thể xác, trí tuệ, tâm linh và xã hội. “Đức Chúa Giê-xu khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta”. Hãy suy nghĩ xem, Chúa Giê-xu đã tự đặt mình vào địa vị một con người, phải lớn lên theo diễn trình tăng trưởng để sinh tồn, dưới những điều kiện y như chúng ta và qua tất cả các giai đoạn đó, Ngài đã hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời.
- Được Chuẩn Bị Bằng Giáo Dục.
Có lẽ Chúa Giê-xu từng đến học tại nhà hội trong thành, cũng như tất cả những em nhỏ khác. Chúng ta biết là Ngài đã đọc được chữ Hy-bá-lai (Lu-ca 4:17) và biết viết nữa (Giăng 8:6-8). Mác 6:3 cho chúng ta biết Ngài học nghề thợ mộc như ông Giô-sép và hành nghề ấy tại quê hương mình. Thiên hạ đều biết Chúa Giê-xu là “ông Giê-xu làm thợ mộc”.
- Được Chuẩn Bị Bằng Sự Vâng Lời.
Lúc thời điểm đã đến, Chúa Giê-xu gặp Giăng Báp-tít để chịu phép báp-têm và Đức Chúa Cha tuyên bố là rất đẹp lòng về Ngài (Mác 1:1; 1:2-3; 1:9-11). Trong mấy câu 9-11, những gì đã được ghi lại để chứng tỏ Chúa Giê-xu được chuẩn bị để bắt đầu chức vụ của Ngài?
– Ngài thấy các từng trời mở ra.
– Đức Thánh Linh ngự xuống trên Ngài.
– Tiếng phán của Đức Chúa Trời tuyên bố là rất đẹp lòng về Ngài.
Trong nhân tánh, Con Đức Chúa Trời đã nhận được Đức Thánh Linh sau khi tự nguyện hiến thân để thực hiện ý chỉ Đức Chúa Trời. Thật ra thì lời phán của Đức Chúa Trời có ý nghĩa rằng: “Con đã làm điều phải khi hiến thân cho công tác làm Đấng Cứu Thế, cho nên Con sẽ nhận được quyền năng để làm việc đó. Ta sẽ ở với Con, Con cứ bắt đầu đi”.
- Được Chuẩn Bị Bằng Cách Đắc Thắng Cám Dỗ.
Nhưng chúng ta còn thấy gì nữa trong Phúc âm Mác? (Mác 1:12,13). Ngài đã không bắt đầu chức vụ ngay, mà phải qua một giai đoạn chịu cám dỗ nữa. Việc nầy có nằm trong chương trình chuẩn bị của Ngài không? Sau khi thắng được sự cám dỗ của Sa-tan, Ngài sẵn sàng để bắt đầu chức vụ. Chúa Giê-xu đã không tự đặt mình vào nơi phải chịu cám dỗ, mà chính Đức Thánh Linh đã đưa Ngài đến đó. Điều ấy có nghĩa là Chúa Giê-xu đã thuận phục việc ấy và việc ấy phù hợp với ý chỉ Đức Chúa Trời.
Những cám dỗ kia đã đến với Chúa Giê-xu lúc Ngài đối diện với sứ mạng đặc biệt phải thi hành trong thế gian. Ngài đã bị thử nghiệm và đã thắng. Chúng ta có thể nói gì về sự đắc thắng của Chúa Giê-xu?
Hai câu 14,15 chép rằng Ngài bắt đầu truyền giảng Tin Lành – sau khi đắc thắng Sa-tan – lúc nó cám dỗ, quyết đánh bại Ngài.
Như thế là Chúa Giê-xu đã được chuẩn bị hết sức đầy đủ vậy.
- BÀI HỌC ÁP DỤNG.
– Phần chuẩn bị của các bạn:
Các bạn đã được chuẩn bị để làm gì? Theo một ý nghĩa thì tất cả mọi người đều được chuẩn bị để làm cùng một công việc mà Chúa Giê-xu đã được chuẩn bị, tức là làm theo ý chỉ của Đức Chúa Cha. Đức Chúa Trời muốn các bạn làm gì? Trước hết, là nhận Ngài làm Cứu Chúa đã cứu các bạn khỏi tội lỗi và trở thành Chúa, Chủ Nhân của đời sống các bạn.
Kế đó, Ngài muốn các bạn đầu phục Ngài hằng ngày để Ngài có thể cai trị trên mọi việc có thể xảy ra trên đời sống các bạn. Ngài muốn giúp các bạn trong mọi sự để các bạn trở nên giống như Con Ngài. Đó là công việc mà tôi và các bạn đều được chuẩn bị để trở nên giống như Chúa Giê-xu (Rô-ma 8:9).
Những việc nào đang chuẩn bị để các bạn làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời?
III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.
- Đấng Christ có cần được chuẩn bị để thi hành chức vụ theo ý muốn của Cha Ngài không? Vì sao?
- Trong Mác 1:9-11 chép những gì về việc Chúa Giê-xu đã được chuẩn bị để bắt đầu chức vụ của Ngài?
- Xin cho biết bạn đã tin nhận Chúa làm Chủ của mình như thế nào?
- Những việc gì các bạn đang chuẩn bị để làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời?